William Kerr là giáo sư giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard. Ông là trưởng khoa của chương trìnhLaunching New Ventures(tạm dịch:Xây dựng hoạt động kinh doanh mới) dành cho nhà điều hành và quản lý cấp cao. Ông tập trung vào cách các công ty và nền kinh tế khai thác cơ hội mới và tạo ra tăng trưởng.
Gần đây ông có mở khóa Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) có tên là “Xây dựng hoạt động kinh doanh quốc tế mới”. So với một tập đoàn đã có chỗ đứng thì một công ty khởi nghiệp có thể gặp những khó khăn riêng nào khi xây dựng hoạt động kinh doanh quốc tế?
Tôi nghĩ bên nào cũng có những thử thách riêng. Đối với công ty khởi nghiệp, thử thách có thể sẽ là việc cố gắng giải quyết sự mơ hồ về mô hình kinh doanh, cùng với những khó khăn trong việc tìm đủ nguồn lực cần thiết, hoặc có đủ khả năng tiếp cận nguồn lực trong giai đoạn đầu. Giai đoạn đầu có thể sẽ rất tốn kém. Vì vậy bạn cần có khả năng hiểu rõ cách thức trải nghiệm, rồi nhanh chóng đưa ra phương án có tỷ lệ rủi ro và lợi nhuận ổn thỏa nhất, cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự của mình.
Có hai khía cạnh cốt lõi trong sự toàn cầu hóa. Một số công ty sẽ nỗ lực toàn cầu hóa tầm ảnh hưởng của mình thông qua các nền tảng như Facebook hoặc thương mại điện tử. Số khác thì cố gắng tổ chức các hoạt động thực tế tại nhiều quốc gia. Việc tiến hành những hoạt động đó có thể là một thử thách, vì trong giai đoạn khởi nghiệp, người ta thường muốn quy tụ về một nơi.
Ta cần một lượng lớn tri thức ngầm và trải nghiệm để tìm được cách làm việc hiệu quả. Việc này trở nên khó khăn hơn khi nhân lực bị phân tán đến nhiều quốc gia. Điển hình là ta thấy mô hình kinh doanh của các công ty quốc tế có vẻ rất tuyệt vời khi đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc, khai thác tài nguyên và phát triển ở Israel hay Ấn Độ, rồi hoạt động kinh doanh và marketing ở Mỹ - ví dụ vậy. Thế thì tại sao phương thức này không hoạt động thật hoàn hảo? Thử thách nằm ở việc áp dụng điều này một cách chủ động và hiệu quả, cũng như xử lý được những khoản nợ phải trả trong giai đoạn đầu.
Những công ty lớn hơn có thể gặp phải những vấn đề khác, có thể khó khăn hơn so với những gì công ty khởi nghiệp gặp phải, hoặc cũng có thể là ít hơn. Các công ty lớn thường có nguồn lực dồi dào. Nhưng những hoạt động kinh doanh mới trong các công ty lớn có thể gặp phải thử thách khi tiếp cận nguồn lực đó. Hơn nữa, khi đã tiếp cận được nguồn lực này thì có lẽ họ cũng không thể tách chúng ra khỏi những mối ràng buộc khác trong tổ chức. Nhiều công ty lớn đánh giá kết quả hoạt động theo quý, thế nên họ sẽ xem xét để biết “Chúng ta có đạt được chỉ tiêu về lợi nhuận, doanh thu và tăng trưởng không?”. Một hoạt động kinh doanh mới có thể sẽ không hỗ trợ được các mục tiêu đó ngay lập tức và có thể phải gánh chịu áp lực từ môi trường làm việc rộng lớn của công ty.
Trong các công ty lớn, nguồn lực sẽ được chia sẻ, cho nên có thể một số nhân viên được phân công làm việc cho hoạt động kinh doanh mới nhưng đồng thời vẫn còn trách nhiệm với công ty mẹ, và họ khó mà dứt khỏi sự kiểm soát được.
Ta phải cân nhắc kỹ càng và bỏ ra nhiều công sức cũng như nguồn lực cho hoạt động kinh doanh mới, dù lớn hay nhỏ, nếu muốn thành công.
Nghiên cứu của ông tập trung vào chủ đề làm chủ doanh nghiệp và phát kiến đổi mới, bao gồm vai trò của các nhà khoa học và doanh nhân nhập cư. Ảnh hưởng quan trọng nhất hoặc sâu sắc nhất của các doanh nhân nhập cư đến việc truyền bá sự cách tân và ý tưởng mới ra toàn cầu là gì?
Hãy tưởng tượng ta ném một viên đá xuống ao, sẽ có những vòng tròn đồng tâm lan ra từ vị trí viên đá tiếp xúc mặt nước. Xưa nay chúng ta thường nghĩ công nghệ cũng lan truyền theo hình thức đó, nên khoảng cách địa lý cũng có phần nào ảnh hưởng. Và khi sự cách tân diễn ra, những nơi ở gần nguồn cách tân nhất sẽ tiếp nhận ý tưởng đó đầu tiên, từ đó lan truyền đến nơi tiếp theo, từ từ lan ra toàn cầu.
Chúng ta bắt đầu nhận ra các doanh nhân và nhà khoa học nhập cư có sự kết nối rộng rãi với nhau hơn thông qua mạng lưới toàn cầu và mạng lưới nghề nghiệp. Điều đó giúp ta hiểu sự cách tân có thể phát triển nhanh hơn giữa một số quốc gia và thành phố nhất định nhờ những mạng lưới này, hơn là nhờ mô hình kinh doanh. Vậy nên, nếu ở Thung lũng Silicon có một sự cách tân mới thì sự cách tân này có thể được truyền đến Đài Loan nhanh hơn là đến Nhật Bản, nếu sự kết nối Đài Loan và Thung lũng Silicon mạnh hơn so với sự kết nối giữa Nhật Bản và Thung lũng Silicon. Tương tự, sự cách tân này sẽ lan đến cả hai nơi đó sớm hơn Thủ đô Mexico, mặc dù nơi này có khoảng cách địa lý gần với Thung lũng Silicon hơn.
Sai lầm phổ biến nhất mà ông thấy các MBA thường mắc phải khi khởi nghiệp là gì?
Một điều mà ta thường thấy ở các học viên MBA là họ đánh giá thấp lượng thời gian và lượng công việc cần thực hiện. Cho nên mỗi khi đọc dự toán chi phí giai đoạn đầu của một công ty thì tôi lại muốn nói họ hãy nhân chi phí đó lên gần gấp đôi. Hoặc nếu họ khẳng định công ty sẽ ra mắt trong vòng một năm, tôi muốn nói cho họ biết là sẽ phải mất hai năm. Tôi nghĩ những người làm báo cáo dự toán cho hoạt động kinh doanh mới đã đánh giá quá thấp những khó khăn của hoạt động đó, cũng như không lường được thời gian trôi nhanh đến mức nào.
Một vấn đề khác mà các MBA muốn khởi nghiệp cũng như các công ty lớn thường đánh giá thấp là tầm quan trọng của động lực cốt lõi và việc sắp xếp mọi thứ hợp lý từ quan điểm nội bộ. Điều này bao gồm mọi thứ từ vai trò và trách nhiệm của từng người, cho đến mối quan hệ với ban quản trị mà họ lập ra.
Đa số các công ty khởi nghiệp nghĩ thành công hay thất bại là tùy vào thị trường sản phẩm, khả năng bán chạy, hoặc việc sở hữu công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cho sản phẩm của mình. Tôi nhận thấy số công ty thất bại do các nguyên nhân nội bộ và vấn đề động lực cốt lõi cũng nhiều không kém số công ty thất bại vì các vấn đề và sức ép từ thị trường. Các doanh nhân trẻ cần ghi nhớ điều này.
Thứ ba, tôi thường khuyên người ta phải thật sự hiểu mô hình kinh doanh của họ có tạo ra nhu cầu của khách hàng hay không, và tạo bằng cách nào. Ta cần biết mình có khả năng thỏa mãn yếu tố kinh tế trên mỗi sản phẩm bán ra hay không, và mô hình kinh doanh tổng thể có thành công hay không. Nhiều kế hoạch kinh doanh không hiệu quả được tạo ra khi người ta không hài lòng với hiện trạng. Họ thật sự không muốn phải trả 15٪ cho nhà phân phối để đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến đại lý bán lẻ. Nhưng họ không hiểu là việc không hài lòng với hiện trạng không có nghĩa là ta có thể tách nhà phân phối ra khỏi mô hình và làm cho mô hình hoạt động. Ta phải đảm bảo mô hình mình tạo ra có khả năng tồn tại, để mỗi lần bán ra một sản phẩm thì ta biết mình thu được bao nhiêu tiền, chi phí và quy mô là bao nhiêu. Ta nên nghĩ “Mình làm thế nào để kiếm được tiền từ cái này?”, chứ không phải “Ước gì thế giới ở đây khác đi”.
Những doanh nhân khởi nghiệp vượt qua nỗi sợ tự mở công ty riêng bằng cách nào? Khi nào thì ta nên lắng nghe nỗi sợ của bản thân?
Tôi nghĩ lắng nghe nỗi sợ của mình là một khởi điểm hợp lý. Bạn cần cân nhắc rủi ro mà mình sẽ phải chịu. Một trong những điều ta học được từ các doanh nhân xuất sắc nhất thế giới là họ rất ghét rủi ro. Họ sống trong một môi trường đòi hỏi họ phải ứng phó với rất nhiều rủi ro và sự bất định, nhưng họ luôn cố gắng tìm cách thay đổi điều đó, hoặc chuyển rủi ro sang người khác, và cuối cùng là tìm cách giảm thiểu rủi ro cho bản thân.
Đối với doanh nhân, tỷ lệ cân bằng như thế nào là hợp lý giữa tài năng, học thức và kinh nghiệm kinh doanh? Ba yếu tố này quan trọng ra sao đối với hoạt động kinh doanh?
Chà, nếu có cả ba yếu tố thì tốt quá! Tôi nghĩ là trong một số trường hợp, kinh nghiệm kinh doanh có thể khiến bạn quá cẩn trọng và mắc kẹt trong lối tư duy “Đây chính là cách làm đúng”. Thế nên đôi khi chúng ta lại thấy những quy trình phá cách nhất đến từ những người có nhiều tài năng, có chút học vấn và chỉ chút ít kiến thức kinh doanh sẵn có, nhưng họ không thật sự coi trọng hoặc đánh giá cao cách làm việc truyền thống.
Nếu thứ mà ông đam mê đã có người làm rồi thì sao?
Có rất nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Trong đó có một số thị trường chúng ta cho là “được ăn cả ngã về không”, và kiểu thị trường đó có thể gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh mới. Mọi thứ sẽ tùy vào động lực hoặc mục tiêu của ta trong việc trở thành doanh nhân. Có người muốn làm chủ và tập trung vào lĩnh vực mà họ có thể điều hành doanh nghiệp của riêng mình. Người khác thì lại muốn trở nên thật giàu có trong lĩnh vực mình đang làm, và họ nhắm đến mô hình hoặc môi trường phù hợp để tạo ra sự độc quyền. Họ muốn là nhà cung cấp độc quyền cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Những điều này khiến bạn có các cách nghĩ khác nhau về những công ty khác trên thị trường.
Khi đã bước vào sân chơi toàn cầu, bạn có khả năng mô phỏng và điều chỉnh sản phẩm qua lại giữa nhiều môi trường khác nhau, và sẽ có nhiều cơ hội khác nhau trên thị trường. Có thể ai đó đã có ý tưởng này rồi - tốt thôi - nhưng bây giờ bạn có thể nghĩ cách mô phỏng ý tưởng đó tại Nigeria hoặc đưa nó đến Paris.
Ông sẽ khuyên mọi người làm gì để duy trì động lực và tin tưởng vào điều mình đang làm? Ông có khuyên một doanh nhân ngừng hoạt động kinh doanh nào đó nếu hoạt động đó có vẻ không khả quan hay không?
Đa số các dự án kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những gì các nhà sáng lập nghĩ. Các công ty khởi nghiệp thường khởi đầu với viễn cảnh hoành tráng nhất về việc mọi thứ sẽ xuôi chèo mát mái ra sao, nhưng rồi để làm được điều đó là cả một thử thách. Trong tình huống lý tưởng thì một doanh nhân sẽ có lực lượng ủng hộ gồm người thân và bạn bè. Nếu đã kết hôn thì họ sẽ có người bạn đời biết thông cảm và bạn bè hỗ trợ. Nhưng các nhà sáng lập cũng nên nghĩ đến việc cố gắng liên kết với cộng đồng khởi nghiệp địa phương và gặp gỡ các nhóm hoặc các doanh nhân khác, để có thể kết nối với những người đang gặp phải thử thách tương tự.
Còn nói về việc khuyên ai đó ngừng lại khi doanh nghiệp của họ không hiệu quả thì điều cốt lõi là bạn không thể cứ làm mãi trong khi không kiếm ra tiền. Không, bạn không nên nản lòng ngay khi vừa gặp thử thách. Đó chính là lúc bạn cần suy xét điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình và làm những việc giúp bạn chống đỡ được cho đến khi công ty bắt đầu hoạt động hiệu quả.
Nhưng bạn cũng cần nhớ là có rất nhiều công ty khởi nghiệp không thành công. Bạn cũng cần hiểu là doanh nghiệp có thể có những ý tưởng tuyệt vời nhưng lại không đi đến đâu. Sự nghiệp của người ta sẽ thật sự bị tổn hại khi họ muốn làm một cú chót cầu may, muốn thử thêm lần cuối, thay vì nhận ra “Thế này là không được, ta phải làm thế nào để có thể hoàn một phần tiền cho nhà đầu tư?”, hoặc là, “Ta có thể rút ra bài học gì khi đóng cửa công ty này?”.
Một công ty khởi nghiệp sẽ tìm nhà đầu tư hoặc các nguồn tài chính cần thiết bằng cách nào?
Có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau và cũng có đủ loại phương án tài chính đang hiện hữu. Thường thì bạn có thể tìm được một trong những chỉ dẫn hàng đầu bằng cách nhìn quanh xem những doanh nghiệp gần giống nhất với doanh nghiệp của bạn, đã tìm được nguồn tài chính hỗ trợ như thế nào.
Không có cách nào thật sự đánh giá được việc một doanh nghiệp mới sẽ thành công hay không, mà bạn cần phải bắt tay vào làm và có khả năng chứng tỏ là mình đã có chuẩn bị - bạn phải có khả năng nói “Tôi đã sẵn sàng bắt tay vào thực hiện. Tôi đã tìm hiểu những người liên quan và những cơ hội hiện có”. Bạn phải trình bày bối cảnh của mô hình kinh doanh và cơ cấu tổ chức của mình, và cho thấy bạn đã cân nhắc kỹ mọi khía cạnh, để trong hạng mục nào bạn cũng có thể nói “Theo các bằng chứng vững chắc nhất hiện có thì đây là bước đi đúng đắn”.