R
obert P. Miles là một doanh nhân chuyên thành lập công ty mới, kiêm tác giả, nhà giáo dục và diễn giả chuyên nghiệp.
Động lực nào khiến ông tạo dựng hoạt động kinh doanh mới hoặc tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh hiện tại?
Các kỹ năng làm chủ doanh nghiệp dường như nằm sẵn trong bộ gien của tôi và được phát triển từ thời trung học. Cũng như phần đông các cậu học trò choai choai khác, tôi tham gia hầu hết các môn thể thao đồng đội. Tôi rất giỏi môn khúc côn cầu trên băng, nhưng chơi môn này bị va đập quá nhiều nên tôi buộc phải tìm một thú vui khác. Thật may là đến năm mười lăm tuổi, tôi khám phá ra chính trị học đường và tổ chức sự kiện. Tôi đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa di chuyển bằng xe buýt, rồi thì ngày chiếu phim, vũ hội và đủ loại sự kiện khác để quyên tiền cho nhà trường.
Sao ông lại nảy ra ý tưởng thực hiện những việc đó?
Việc tổ chức sự kiện thời niên thiếu đến với tôi rất tự nhiên, vì tôi đã có sẵn khán giả rồi - chính là những người bạn cùng lớp muốn được giao lưu sau giờ học.
Ông cho rằng thành công mình có được phần lớn là nhờ đâu?
Bí quyết là hãy khởi nghiệp từ sớm bằng cách chấp nhận rủi ro mà doanh nghiệp sẽ gặp phải. Khởi nghiệp càng sớm thì mức độ rủi ro càng thấp. Còn nữa, sự ngây thơ đôi khi chính là ưu điểm, vì nếu biết phải trả giá những gì để thành công thì có khi bạn sẽ chẳng buồn cố gắng nữa.
Theo ông thì năm yếu tố chủ chốt để thành lập và điều hành một doanh nghiệp thành công là gì?
Thứ nhất, phải có tham vọng và khao khát được thành công, tự do, và/hoặc được độc lập về tài chính. Thứ hai, khởi nghiệp sớm để giảm thiểu rủi ro và đơn giản hóa mọi việc (hãy nhìn các công ty thành công đã khởi nghiệp trong ga-ra mà xem). Thứ ba, có người cố vấn - tốt nhất là người đó cũng hoạt động trong cùng lĩnh vực. Thứ tư, sống thật tiết kiệm để có tiền tái đầu tư cho việc phát triển công ty. Cuối cùng, hãy tìm nhân viên phù hợp, vì công ty không thể phát triển nếu thiếu họ.
Nếu có thể gửi ba lời khuyên đến các bạn sinh viên, hoặc những người muốn trở thành doanh nhân, để họ nắm bắt được tinh thần doanh nhân, thì ông sẽ khuyên gì?
Thứ nhất, hãy tìm giao điểm của đam mê và kỹ năng (trên trang web StrengthsFinder.com có một bài đánh giá điểm mạnh trực tuyến đơn giản đấy). Thứ hai, hãy khởi nghiệp ngay đi (tuy vẫn có ngoại lệ, nhưng khởi nghiệp sớm là một trong những đặc điểm phổ biến nhất của các doanh nhân thành công). Cuối cùng, hãy tìm người cố vấn (nếu là người trong cùng lĩnh vực, có tuổi đời lớn hơn, sẵn lòng chia sẻ chuyên môn, chiến lược và trí khôn ngoan thì càng tốt).
Nếu có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp thì ông sẽ thay đổi điều gì?
Hiển nhiên là tôi sẽ tránh phạm phải những sai lầm đã có, nhưng nói thì nói vậy thôi, sai lầm là bài học quan trọng mà một doanh nhân cần phải học.
Ông cho rằng thành công mình có được phần lớn là nhờ ai, hoặc nhờ điều gì?
Tôi rất may mắn được sinh ra là một người đàn ông da trắng trên đất Mỹ, được theo học hệ thống giáo dục tiểu học và trung học tư thục vượt trội. Tôi cũng có tham vọng, khát khao và tài năng bẩm sinh để gánh vác rủi ro của hoạt động kinh doanh. Phát triển một công ty và trở nên độc lập về tài chính chính là giao điểm của đam mê (tham vọng và khát khao) và tài năng của tôi. Theo đó, tôi nghĩ tinh thần doanh nhân là bẩm sinh chứ không phải rèn luyện mà thành. Việc sớm chọn cho mình những thần tượng phù hợp (dù còn sống hay đã qua đời) cũng rất quan trọng, vì họ sẽ có ảnh hưởng đến việc bạn trở thành người như thế nào.
Một vài sai lầm lớn nhất ông từng mắc phải là gì? Và những sai lầm đó ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của ông?
Sai lầm hồi tôi mới khởi nghiệp là lấn sân sang những lĩnh vực tôi không am hiểu (còn gọi là “kiếm tiền trong lĩnh vực mình biết và thua lỗ trong lĩnh vực mình không thạo”), tuyển dụng sai người (tuyển người thì dễ; quản lý và sa thải họ mới khó) và tăng trưởng quá nhanh (khiến nhân viên và nguồn lực tài chính của mình không theo kịp).
Để thành công, ông có thể sẵn sàng nỗ lực đến mức nào?
Tôi đã dốc hết công sức và tiền bạc để phát triển kinh doanh, nên tôi đã sẵn sàng đánh đổi mọi thứ - kể cả danh tiếng của mình.
Ông đã từng mắc phải sai lầm nghiêm trọng nào chưa, và nếu có thì ông đã khắc phục bằng cách nào?
Mọi cá nhân hay doanh nghiệp thành công đều phạm nhiều sai lầm. Sai lầm là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi về bản thân và công ty của mình. Sai lầm giúp bạn tập trung và trở nên khiêm tốn. Cách hay nhất để khắc phục sai lầm là thừa nhận sai lầm, nhìn lại vấn đề và rút kinh nghiệm, sau đó quay lại ngay với công việc cùng kế hoạch hoặc chiến lược tiếp theo của mình.
Ông có nghĩ là có một khuôn mẫu hay công thức nào đó để trở thành một doanh nhân thành công hay không?
Tôi nghĩ giống như các vận động viên, nhà lãnh đạo và nghệ sĩ, doanh nhân cũng phải có tố chất bẩm sinh chứ không phải do rèn luyện mà thành. Có thể họ được định hình và hướng dẫn để đạt được thành tựu hơn hẳn những gì họ từng mơ, nhưng nỗi khát khao, đam mê và tài năng thiên bẩm phải có sẵn trong bộ gien của họ. Nhưng cũng có nhiều con đường và phương thức thành công trong kinh doanh. Cách hay nhất là học tập cho tốt ngay từ đầu rồi làm tất cả những gì mình cần phải làm để vươn đến thành công. Bạn không có gì nhiều để mất khi còn trẻ.