J
onathan Feinstein là giáo sư kinh tế học và quản lý tại Đại học Yale.
Ông thường xuyên giảng dạy về cách khuyến khích sự phát triển sáng tạo trong lớp học và cách giải phóng óc sáng tạo của sinh viên thông qua các dự án độc lập dành cho sinh viên. Theo ông thì cách học tập và tập trung sức mạnh sáng tạo nào sẽ thích hợp cho sinh viên?
Cách dạy của tôi hơi khác với cách dạy của đa số các giáo sư khác. Tôi đã dạy môn sáng tạo gần hai mươi năm nay. Sinh viên của tôi đến từ đủ các khoa trong Đại học Yale. Lớp của tôi khá nổi tiếng. Tôi có sinh viên từ chương trình cử nhân, khoa luật, kỹ thuật, y học, nghệ thuật. Tôi đã học hỏi được rất nhiều, và dần dần tôi đã tìm ra phương thức tốt nhất để giảng dạy những gì mình muốn.
Hãy làm việc chung với nhau, cả trong lẫn ngoài lớp học. Nhưng ý tôi không phải là hãy phân chia rạch ròi. Tôi và sinh viên sẽ thuyết trình một chút về nội dung bài học. Tôi nói tới các lý thuyết và cách tiếp cận khác nhau đối với sự sáng tạo, bao gồm cả những ý tưởng thiên về tâm lý hoặc kinh doanh. Khi tôi sử dụng hình ảnh minh họa và màn hình lớn để trình chiếu thì sinh viên của tôi có thể hình dung các lý thuyết đó tốt hơn và đặt nhiều câu hỏi hơn, đặc biệt là với các bạn học ngành nghệ thuật, và tôi nghĩ làm thế rất hữu ích. Lớp của tôi có rất nhiều hoạt động ngay tại giảng đường. Có cả hoạt động nhóm nữa, làm vậy trong lớp thì đúng là tuyệt: hoạt động diễn ra ngay trong phòng học, lại đang lúc sinh viên tập trung chú ý, nhờ đó ta có thể làm được rất nhiều việc.
Nếu tiến hành hoạt động nhóm - dù là theo nhóm lớn năm, sáu hoặc tám người, hay chỉ là theo cặp - thì cũng nên để các nhóm làm gì đó trong giờ lên lớp, kể cả khi các hoạt động có thể không kịp hoàn thành trong giờ học cũng được. Làm vậy sẽ giúp sinh viên có đà hoạt động. Rồi khi ra khỏi lớp thì họ có thể làm tiếp. Tôi rất hay chia sinh viên thành các cặp. Tôi bảo sinh viên viết ra một vấn đề có tính sáng tạo mà họ đang quan tâm. Thật thú vị khi để họ bắt cặp và chia sẻ những vấn đề đó với nhau. Rồi sau đó tôi cho họ trình bày những điều mà họ vừa nói với nhau, đại loại như “Tôi có nhận xét gì về vấn đề có tính sáng tạo mà cả hai vừa trình bày? Tôi sẽ hỏi bạn mình những gì để giúp bạn ấy tiến xa hơn nữa?”. Vậy nên tôi nghĩ bắt cặp là một phương pháp thật sự hiệu quả.
Ông là tác giả cuốn sách The Nature of Creative Development (tạm dịch: Bản chất của sự phát triển sáng tạo), trong đó trình bày phương thức để hiểu rõ hơn quá trình sáng tạo bằng cách phân tích cách làm việc của những người sáng tạo và cách họ tìm được đam mê. Ông có lời khuyên nào dành cho những doanh nhân muốn mài giũa tính sáng tạo của bản thân hoặc của những người xung quanh mình không? Ngược lại, hạn chế của những người có óc sáng tạo là gì? Họ thường gặp phải những khó khăn nào?
Khi nghĩ về sự sáng tạo, người ta hình dung ngay đến một bóng đèn điện vừa mới bật lên, và rồi đùng! Thật vậy đấy - người ta sẽ đột ngột nảy ra ý tưởng gì đó; điều này có xảy ra. Nhưng ta cần nhìn lại vấn đề và hiểu là để điều đó diễn ra, họ đã phải trải qua một quá trình dài và phức tạp hơn thế nhiều. Họ phải trau dồi bản thân để có được khoảnh khắc đó. Người ta phải trải qua quá trình phát triển dần trong dài hạn thì mới sáng tạo được. Khoảnh khắc tuyệt diệu có thể xảy ra, và thật tuyệt khi nghe kể về những khoảnh khắc đó, nhưng bạn phải nhìn nhận điều đó trong bối cảnh của họ và những gì họ phải trải qua để đạt được vị trí hiện tại. Tôi thường mở đầu bài giảng về sự sáng tạo bằng những điều đó. Nhiều người không thật sự hiểu được điều này.
Quá trình này cũng đúng đối với doanh nhân, thậm chí còn đúng gấp mấy lần nữa là khác. Chắc chắn là nếu bạn nảy ra ý tưởng mở công ty thì đó là khoảnh khắc tuyệt vời đối với bạn, nhưng bạn đã suy nghĩ về nó suốt nhiều năm trước đó, và nói thẳng ra là sau đó bạn còn phải làm việc thêm nhiều năm nữa để cải tiến ý tưởng đó. Bạn có thể phải mất hai năm hoặc năm năm nỗ lực và nhận ra những việc mình cần làm để biến ý tưởng thành hiện thực. Bạn phải hiểu đó là một quá trình. Bạn phải gắn bó với quá trình đó và để nó phát triển tự nhiên, đừng hoảng loạn nếu bạn không nảy ra ý tưởng ngay khi vừa thức giấc. Bạn phải lắng nghe bản thân. Việc duy trì kết nối với cảm xúc của bản thân là rất quan trọng.
Những doanh nhân khởi nghiệp nên làm thế nào để vượt qua nỗi sợ khởi nghiệp? Nỗi sợ có dập tắt tính sáng tạo hay không, và nếu có thì ta có thể xoa dịu nỗi sợ bằng cách nào?
Nỗi sợ có thể dập tắt tính sáng tạo vì nó ngăn người ta khám phá những ý tưởng của bản thân. Không phải là ta cần xoa dịu nỗi sợ, mà là phải kiểm soát nó. Giống như những gì người ta thường nói về lòng dũng cảm: dũng cảm không phải là không biết sợ, mà là dù sợ vẫn phải hành động.
Nỗi sợ luôn hiện hữu; ta chỉ cần học cách ứng phó với nó thôi. Mọi chuyện dễ dàng hơn khi ta có người cộng sự. Người cộng sự sẽ giúp ta cảm thấy bớt đơn độc hơn và cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn. Không những vậy, thật tuyệt vời khi có người cố vấn và cộng tác với mình. Thói quen cũng có vai trò lớn. Trong quyển sách The Artist’s Way (tạm dịch: Cách của nghệ sĩ) của mình, Julia Cameron viết về nghề viết lách và tại sao viết lách là một việc gian nan. Thường thì các nhà văn nói về sự khó khăn khi phải cắn bút ngồi nhìn trang giấy trống trơn. Thói quen dành một giờ suy nghĩ về các ý tưởng, hoặc chỉ dành ba mươi phút để viết các ý tưởng của mình vào sổ tay mỗi ngày trong quán cà phê là một thói quen chủ động rất hiệu quả. Hoặc là có bạn bè và cùng nhau trao đổi ý tưởng trong khoảng bốn mươi lăm phút mỗi ngày. Thiết lập một vài thông lệ mà mình sẽ thực hiện mỗi ngày có thể giúp ta cảm thấy việc khởi đầu không quá gian nan. Rất nhiều nỗi sợ chỉ đơn giản là sợ bắt tay vào việc mà thôi.
Còn có những cách khác để kiểm soát nỗi sợ. Tôi tin một cuộc sống toàn diện, cân bằng - một cuộc sống có thể dục thể thao và có những hoạt động giúp ta tạo ra sự cân bằng - sẽ mang lại lợi ích, và từ đó nó sẽ giúp bạn có lòng tin vào con đường mình đã chọn. Điều đó sẽ giúp bạn kiểm soát nỗi sợ hãi. Bạn không thể sợ thất bại. Người ta thất bại hoài ấy mà, nhưng bạn có thể rút kinh nghiệm từ đó. Bạn phải chấp nhận là mình có thể thất bại. Thất bại đầu tiên có thể rất khó chịu đối với một vài người. Nếu không được hỗ trợ thì bạn cần tìm sự hỗ trợ bằng bất cứ cách nào có thể.
Ông có nghĩ là ý tưởng cũng quan trọng không kém việc điều hành công ty không? Trước khi mở công ty, điều gì quan trọng hơn: có ý tưởng phù hợp hay là có ban quản trị phù hợp để điều hành công ty và biến ý tưởng thành hành động?
Có một điều tôi hay nói về sự sáng tạo, đó là một trong những sai lầm phổ biến nhất mà lính mới có thể mắc phải. Họ nảy ra ý tưởng đầu tiên, và với họ thì ý tưởng đó rất thiêng liêng, kiểu bất di bất dịch. Họ nghĩ, “Đây là ý tưởng của mình, cho nên mình sẽ kinh doanh như thế, sẽ viết sách như thế. Mình sẽ không thay đổi”.
Một trong những bí quyết để trở nên giàu kinh nghiệm và thành công hơn với bất kỳ loại công việc nào là phải linh hoạt, biết điều chỉnh, học cách lắng nghe người khác, biết thích nghi và để ý tưởng của mình tự do phát triển. Ta cần tìm được điểm tối ưu. Người ta cứ nghĩ ý tưởng đầu tiên cực kỳ quan trọng, và đúng là ý tưởng đó sẽ đưa ta đến với con đường này, nhưng chưa chắc đó đã là ý tưởng tối ưu. Vậy nên tôi nghĩ ban quản trị mới là quan trọng, vì trong hoàn cảnh đó thì ban quản trị sẽ học cách điều chỉnh, thích nghi và thay đổi các yếu tố xung quanh cho đến khi tìm được điểm tối ưu giúp công việc được vận hành suôn sẻ. Tôi thật sự cho rằng điều đó là rất quan trọng.
Nếu thứ mà ông đam mê đã có người làm rồi thì sao? Việc tìm được thị trường ngách1 quan trọng đến mức nào?
1 Thị trường ngách là một phần rất nhỏ so với toàn bộ thị trường. Thị trường ngách hình thành khi có những nhu cầu tiềm năng đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ chưa được đáp ứng bởi các nhà cung cấp lớn trên thị trường. Thị trường ngách cũng có thể hình thành khi có một nhóm nhỏ các khách hàng tiềm năng.
Quan điểm của tôi là luôn có cách nhìn nhận sự việc theo hướng chưa từng có ai làm trước đó. Khi đứng ở độ cao hơn sáu ngàn mét so với mặt đất, bạn nhìn xuống và nói, “Chà, ai đó đã làm chuyện này rồi; Amazon đã tiến hành marketing trên Internet rồi”. Đúng vậy. Nhưng khi leo đến chỗ cao hơn, bạn sẽ nói, “À, cụ thể thì mình có hứng thú với mấy loại sản phẩm này”, và bạn nghĩ về tài năng độc đáo của mình, về nơi mình sinh sống và những người mình biết, bạn sẽ tìm được một thị trường ngách vẫn chưa được khai thác. Và thật sự thì vấn đề chỉ là không ngừng tìm kiếm cho đến khi tìm được nơi đó. Thế nên tôi không bao giờ nói điều mình muốn làm đã có người làm rồi. Tôi sẽ nói, nếu điều đó đã được thực hiện, hãy thừa nhận, sau đó hãy tiếp tục theo đuổi đam mê và phát triển ý tưởng của mình, điều chỉnh ý tưởng đó cho đến khi tìm được góc độ phù hợp.
Ông sẽ khuyên người ta làm thế nào để giữ vững lòng tin vào việc họ đang làm? Liệu ông có khuyên một doanh nhân ngừng hoạt động kinh doanh của họ nếu nó có vẻ không khả quan hay không?
Vấn đề lớn nhất là người ta bỏ cuộc vì không tìm được cách kết nối đam mê của mình với một hoạt động kinh doanh hiệu quả, nhưng thật ra họ chỉ cần tiếp tục làm việc lâu hơn, trò chuyện với nhiều người hơn, đi đây đi đó nhiều hơn, để con đường đó mở ra trước mắt và cuối cùng họ sẽ tìm được mối liên kết đó. Chủ yếu là bạn phải sẵn sàng đi theo con đường quanh co khúc khuỷu, lắng nghe bản thân và xem xét thị trường, cho đến khi bạn tìm được thị trường ngách phù hợp với mình. Kiên trì với con đường của mình chính là điều then chốt. Hãy nhìn những nhà văn, nhà khoa học hay doanh nhân thành công, đặc trưng chung của họ là miệt mài trau dồi bản thân suốt nhiều năm cho đến khi có được góc nhìn phù hợp. Thường thì quá trình này không diễn ra nhanh chóng, nhưng đôi khi cũng có ngoại lệ.
Để tôi kể câu chuyện về Jack Dorsey nhé. Jack Dorsey đã nảy ra ý tưởng về việc gửi tin nhắn từ hồi còn là một cậu thiếu niên sống ở Saint Louis, nhưng phải đến mười năm sau tại San Francisco thì ông mới tìm ra cách liên hệ ý tưởng đó với ý tưởng về điện thoại di động kết nối Internet đang phát triển mạnh. Ý tưởng của ông đã trở thành tiền đề cho Twitter. Đây là một câu chuyện thú vị về người tiên phong. Đa số mọi người chưa từng nghĩ câu chuyện về Twitter là thế này, vì khi nhìn vào Twitter, bạn sẽ nghĩ, “Ồ, đơn giản quá mà! Chẳng phải ông ấy chợt nghĩ ra nó trong một dịp cuối tuần sao?”. Sự thật hoàn toàn không phải như thế. Quá trình đó lâu hơn nhiều.