Sinh được đứa con không phải là dễ.
Thực vậy, kể cũng khá kỳ quặc khi nghĩ rằng có những cặp vợ chồng trong những năm đầu chung sống thì cố tìm cách không dính bầu, nhưng sau lại thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, đầu óc lúc nào cũng lo sao cho có bầu chứ không phải ngược lại.
Ý nghĩ ấy cuối cùng có thể trở thành một ám ảnh. Nó có thể làm cho khía cạnh tuyệt diệu nhất trong sinh hoạt vợ chồng mất đi mọi sự tự nhiên và tự phát. Phải tính ngày (cái động từ ghê tởm khiến ta liên tưởng đến cái máy tính)… phải tính ngày cho việc yêu đương sao phù hợp với các quy luật, với lịch, với một chiến lược đã vạch ra (Anh tính xem sáng mai có phải là tốt hơn không, Oliver?). Nó có thể làm người ta khó chịu, kinh tởm và cuối cùng là hoảng hốt.
Đến khi thấy rằng những hiểu biết thông thường của mình cũng như những nỗ lực lành mạnh bình thường (giả định như vậy) của mình không đem lại kết quả trong việc làm cho nòi giống “sinh sôi nẩy nở” thì trong đầu óc ta có thể nấy sinh những ý nghĩ kinh khủng nhất.
- Chắc ông hiểu “vô sinh” và “cường tráng” là hai điều hoàn toàn không liên quan gì đến nhau chứ?
Đó là lời bác sĩ Mortimer Sheppard nói với tôi trong buổi nói chuyện đầu tiên khi Jenny và tôi cuối cùng quyết định đi hỏi ý kiến thầy thuốc.
- Anh ấy hiểu, thưa bác sĩ. - Jenny trả lời thay cho tôi. Tuy tôi chưa bao giờ hé ra với nàng nhưng nàng biết tôi không thể chịu nổi ý nghĩ là mình vô sinh - dù chỉ là khả năng bị vô sinh thôi. Ngay giọng nàng chẳng đã để lộ ý là nàng mong rằng nếu như có ai trục trặc thì sự trục trặc ấy nên ở về phía nàng đấy ư?
Nhưng ở đây, bác sĩ chỉ giải thích hết mọi điều cho chúng tôi hay, ngay cả điều xấu nhất, trước khi tuyên bố rất có thể không có gì trục trặc ở cả hai người, và chẳng bao lâu chúng tôi sẽ trở thành những ông bố bà mẹ hạnh phúc. Nhưng cố nhiên, ông cho tiến hành một loạt xét nghiệm ở cả hai vợ chồng chúng tôi. Đủ mọi thứ xét nghiệm y học có thể có (Tôi không muốn kể lại những chi tiết phiền toái của việc kiểm tra toàn thân).
Chúng tôi đến làm xét nghiêm hôm thứ hai, Jenny ban ngày, còn tôi thì sau giờ làm việc (tôi bị ngập đến tận cổ trong thế giới pháp lý). Bác sĩ Sheppard yêu cầu Jenny trở lại vào thứ sáu, bảo rằng y tá của ông có sự nhầm lẫn gì đó và muốn kiểm tra lại một số kết quả. Khi Jenny về kể lại với tôi về lần khám thứ hai, tôi bắt đầu ngờ rằng có lẽ ông ta đã phát hiện ra sự trục trặc ở về phía nàng rồi. Chắc nàng cũng nghĩ thế: cái cớ y tá nhầm lẫn là nhàm rồi.
Khi bác sĩ Sheppard gọi điện thoại đến tôi tại trụ sở hãng Jonas and Marsh thì tôi gần như tin chắc là như vậy. Ông hỏi tôi có thể ghé qua chỗ ông trước khi về nhà được không. Khi được biết không phải là một cuộc gặp tay ba (“Tôi vừa mới nói chuyện với bà Barrett hôm nay xong”) thì những hoài nghi của tôi đã được khẳng định. Jenny không thể có con. Tuy nhiên, chớ nên khẳng định một cách tuyệt đối như thế, Oliver. Nên nhớ Sheppard có nói đến những cách phẫu thuật chỉnh hình và vân vân. Nhưng tôi không sao tập trung vào công việc được, mà cứ nán chờ đến năm giờ chiều là quá ngốc. Tôi bèn gọi điện thoại cho bác sĩ hỏi ông có thể tiếp tôi ngay đầu giờ chiều được không. Bác sĩ bảo được.
Đến nơi tôi đi thẳng vào vấn đề:
- Ông đã biết lỗi ở ai rồi phải không?
- Ông Oliver, tôi thật lòng không muốn dùng chữ “lỗi” - bác sĩ trả lời.
- Thôi được. Có phải ông đã biết trong hai chúng tôi ai là người trục trặc rồi phải không?
- Đã. Đó là Jenny.
Tôi đã ít nhiều được chuẩn bị tinh thần, nhưng giọng nói dứt khoát của bác sĩ vẫn làm tôi choáng váng. Ông ta không nói gì thêm nên tôi nghĩ ông ta chờ tôi nói lên cảm nghĩ của mình.
- Thôi được, đã vậy chúng tôi sẽ nhận con nuôi. Cái chính là vợ chồng chúng tôi yêu quý nhau, có phải không?
Lúc bấy giờ ông mới nói với tôi:
- Ông Oliver, vấn đề nghiêm trọng hơn thế. Bệnh bà nhà rất nặng.
- Xin ông cho biết nặng là thế nào.
- Bà nhà không thể qua khỏi. Bà nhà sắp phải từ giã cõi đời!
- Không thể thế được. - Tôi hét lên.
Và tôi chờ ông bác sĩ bảo với tôi rằng tất cả chuyện này chỉ là một trò đùa tàn nhẫn.
- Sự thật đúng như vậy, ông Oliver. Tôi rất đau lòng phải nói với ông điều đó.
Tôi vẫn khăng khăng bảo rằng ông ta nhầm, rằng người y tá ngu ngốc của ông đã lại một lần nữa chụp quang tuyến sai hay nhầm lẫn cái gì đó không biết. Ông trả lời với tất cả sự thương cảm rằng người ta đã phân tích máu của Jenny ba lần. Không còn mảy may hoài nghi trong chẩn đoán. Tất nhiên, ông sẽ gửi chúng tôi… tôi… Jenny đến một nhà huyết học. Theo ý ông thì…
Tôi khoát tay ngắt lời ông. Tôi muốn im lặng trong một phút. Chỉ cần im lặng để cho sự việc thấm sâu vào người tôi. Tôi bỗng vụt nẩy ra một ý nghĩ:
- Ông đã nói với Jenny thế nào?
- Bảo cả hai người đều bình thường.
- Nhà tôi tin chứ?
- Tôi chắc là tin.
- Khi nào thì phải nói sự thật với nhà tôi?
- Hiện nay điều đó là tùy ở ông.
Tùy ở tôi! Hiện nay, tôi thậm chí thấy không thở nổi.
Bác sĩ giải thích với tôi rằng về dạng bệnh máu trắng của Jenny hiện nay chỉ có cách điều trị cho đỡ thôi chứ không thể khỏi hẳn. Chỉ có thể làm giảm nhẹ bệnh đôi chút, kéo dài bệnh ra thôi. Bởi vậy cho nên hiện nay báo cho nàng biết hay không là tùy ở tôi. Có thể hoãn lại ít lâu để điều trị đã.
Nhưng lúc này tôi chỉ nghĩ được tất cả chuyện này sao lại phi lý đến thế.
- Nàng mới hai mươi tư tuổi đầu! - Tôi nói với bác sĩ, - hình như hét lên.
Ông ta gật đầu, thái độ rất kiên nhẫn, vì đã biết rõ tuổi Jenny nhưng đồng thời cũng hiểu rõ điều đó đau đớn cho tôi đến nhường nào. Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi không thể cứ ngồi mãi trong phòng khám bệnh của ông. Tôi hỏi bây giờ tôi phải làm gì. Ý tôi muốn nói là tôi, tôi phải làm gì. Ông bảo tôi là phải càng tỏ ra bình thường càng tốt và càng lâu càng tốt. Tôi cảm ơn ông rồi ra về.
Bình thường! Làm sao mà bình thường được!