B
ây giờ tôi không còn đi tìm hạnh phúc... Tôi đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi không còn theo đuổi nó, vì nó đã là của tôi.
George. W. Bush, tháng 8 năm 2001
Ngày 21 tháng 1 năm 1993, Tổng thống George H.W. Bush thức dậy trong một ngôi nhà thuê ở Houston. Lần đầu tiên trong mười hai năm, ông có một buổi sáng không phải nghe đặc vụ báo cáo, cũng không cần xem xét lịch làm việc trong ngày. Tất cả những người từng có đặc quyền sống trong Nhà Trắng đều phải tìm cách tự thích nghi sau khi rời đi - một thời kỳ chuyển đổi mà Laura gọi là “kiếp sau”.
Quá trình chuyển đổi đặc biệt khó khăn với cha vì ông phải rời đi sớm hơn thường lệ. Nỗi đau đớn vì thất bại kéo dài tới tận sau lễ nhậm chức của Bill Clinton. Cha hầu như không thể hiện sự thất vọng ra ngoài. Ông đã được dạy bảo phải biết chấp nhận thua trong khoan dung và ông không ưa thói than vãn. Khi Bill và Hillary Clinton đến Nhà Trắng vào ngày tuyên thệ nhậm chức, mẹ và cha chào đón họ với thịnh tình ân cần và ấm áp. Năm sau, tôi hỏi ông làm thế nào để có sức mạnh kìm nén bản thân như vậy. “Cha không có lựa chọn”, ông nói. Nhưng sự thật là ông có thể lựa chọn. Ông có thể chọn buông xuôi để bản thân cay đắng hay bực bội. Thay vào đó, như ông đã viết trong một bức thư để lại cho Tổng thống Clinton trên bàn làm việc tại Phòng Bầu dục, ông đã truyền lại những gì xuất sắc nhất cho người kế nhiệm.
Việc điều chỉnh sang cuộc sống của người bình thường không dễ dàng với cha. Cha tôi đã sáu mươi tám tuổi, nhưng có sức khỏe của một người đàn ông trẻ bằng một nửa tuổi đó. Có thể khẳng định rằng những bệnh tật của ông trước đó đã thuyên giảm. Ông đã dành cả đời để quăng mình từ nhiệm vụ này tới nhiệm vụ khác. Bốn năm qua, ông đã tiến hành hầu hết những nỗ lực vực dậy thần kỳ, đối mặt với những thách thức, và xử lý công việc ở tầm thế giới. Ba mươi năm qua, ông đã dành tất cả năng lượng để theo đuổi những mục tiêu lớn. Sau đó, thật đột ngột, ông nghỉ không làm gì cả. Sau này tôi nghĩ, bỏ lại ngôi vị tổng thống giống như đang chạy với tốc độ một trăm dặm một giờ chuyển xuống còn năm dặm một giờ.
Ở Houston, cha đến văn phòng làm việc mới lúc 7 giờ sáng và dành phần lớn thời gian trong ngày sắp xếp công việc qua thư tín. Ông gọi điện thoại để quyên tiền cho thư viện tổng thống của mình. Ông được nhiều nơi trả tiền để mời đến nói chuyện, một công việc mới ông gọi đùa là “tội phạm cổ trắng”.
Một lợi ích của việc phải nghỉ hưu bất đắc dĩ là cha mẹ có thời gian đi nghỉ cùng nhau. Một thời gian ngắn sau khi ông thôi chức vụ, họ đi nghỉ trên du thuyền mang tên Thuyền Tình yêu. Mỗi khi họ rời khỏi khoang riêng, hành khách quây xung quanh họ như xem ngôi sao. Cha rất vui khi một hôm ông bước ra khỏi phòng tắm hơi khỏa thân, một người đàn ông chạy tới nói, “Ông có thể cho tôi chụp chung một kiểu ảnh được không?”. Về mặt tích cực, đó là dấu hiệu tốt đẹp để biết rằng ông vẫn có nhiều người hâm mộ. Tiếp theo chuyến này, cha lên kế hoạch tổ chức tiệc kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới tại Grand Ole Opry ở Nashville, đây sẽ là một bất ngờ dành cho mẹ. Mẹ nói: “Cha các con lên kế hoạch các sự kiện mà không cần hỏi ý kiến mẹ”.
Cha cũng dành thời gian để viết. Ông quyết định sẽ cùng Brent Scowcroft là đồng tác giả một cuốn sách về các chính sách đối ngoại. Khi quyết định viết một cuốn sách chung được thông báo rộng rãi, chúng tôi thấy chưa từng có tổng thống nào chịu đứng tên chung với phụ tá trong dòng tên tác giả. Ông muốn tránh viết kiểu hồi ký chỉ tập trung vào những câu chuyện của bản thân. Tôi nghi ngờ rằng nỗi thất vọng vì thua cuộc cũng đóng vai trò dẫn đến quyết định này. Vào thời điểm đó, ông có thể không có khả năng tập trung năng lượng để viết một cuốn sách với một kết thúc chính trị buồn. Ông không bao giờ viết hồi ký về những năm làm tổng thống.
Mặc dù những bài nói chuyện và cuốn sách lấp đầy khoảng trống trong thời gian và tài khoản ngân hàng của George Bush, chúng không thể thay thế được cường độ và sự phấn khích như thời ông còn làm tổng thống. Và công việc đó không thể hàn gắn nỗi đau bị thua cuộc. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Ranger, chú chó cảnh yêu quý của cha, chết vài tháng sau khi ông trở về nhà ở Houston. Ngay sau đó, cha và James Baker đã đến thăm Tổng thống Pháp François Mitterrand ở Paris. Khi ông bắt đầu nhiệm kỳ, mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ đã đóng băng. Điều đó bắt đầu thay đổi khi cha mời Tổng thống Pháp tới chơi nhà ở Kennebunkport.
Nỗ lực ngoại giao cá nhân đã được đền đáp, và hai nhà lãnh đạo đã trở thành bạn bè thân thiết.
Trong bữa tối ở Pháp năm 1993, Mitterrand làm một lát bánh mì nướng cho cha tôi và cho mối quan hệ ấm áp của họ. Khi George Bush đứng lên để nhận bánh mì nướng, nước mắt chảy dài. Những khoảnh khắc như nhắc nhở rằng cha yêu chức vụ tổng thống đến dường nào. Tôi nghĩ rằng những cảm xúc tuôn trào ngày hôm đó, và vào những dịp khác ngay sau khi ông rời Nhà Trắng, phản ánh một cảm giác chán chường. Tôi cảm thấy một nỗi thất vọng trào dâng khi rời văn phòng, và chắc chắn rằng nhiều tổng thống khác cũng có cảm giác như vậy. Đối với cha, nỗi đau bị cử tri từ chối mang đến cảm giác tồi tệ hơn thế.
Mẹ tôi dường như đối mặt với thách thức một cách suôn sẻ với sự thẳng tính vốn có. Ngay sau cuộc bầu cử, bà thông báo cho gia đình, “Mọi việc đã xong, tất cả đã qua, chúng ta phải tiếp tục tiến lên”. Bà đã làm vậy. Bà bận rộn lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà mới tại Houston. Bà bắt đầu viết hồi ký, sau này trở thành một cuốn sách bán chạy. Bà đã mua một chiếc xe nhỏ Mercury Sable và tự lái xe lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1970. Cha nói đùa, nơi nguy hiểm nhất ở Mỹ là trên các tuyến đường quanh khu phố họ ở.
Mẹ thậm chí còn nấu ăn. Tôi được thưởng thức một trong những bữa ăn đầu tiên của bà vào đêm trước cuộc đua marathon ở Houston, cuộc đua này diễn ra bốn ngày sau khi cha mẹ tôi trở về từ Washington. Để nạp đủ năng lượng cho cuộc đua, tôi nhờ mẹ làm món mì ống. Bà hào phóng đồng ý. Bà đun sôi nước rồi cho mì vào. Sau đó, bà úp vung lên nồi mì, đổ nước và vớt mì ra. Cha quan sát tất cả các công đoạn đó, món ăn bày ra trông đẹp mắt, cả gia đình đều thích món mì ống hiếm có này. Ngày hôm sau, cha mẹ đến cổ vũ cho tôi suốt chặng đua. Khi tôi chạy qua, cha hét lên, “Đó là con trai của tôi!”. Mẹ khích lệ bằng nhiều cách “Tiến lên George”, bà hét lên, “Đừng để mấy người béo kia qua mặt con”.
Mùa hè năm 1993, tôi gọi điện cho cha mẹ, báo tin: “Con sẽ ra tranh cử chức Thống đốc bang Texas”.
Phản ứng của mẹ rất nhanh. “Đối thủ quá nổi tiếng, con không thể chiến thắng”, bà thốt lên.
Cha yên lặng. Tôi không ngạc nhiên khi cha không nói gì. Trong suốt cuộc đời, ông không bao giờ cố gắng chỉ đạo tôi theo một hướng này hay hướng khác. Cách ông nuôi dạy con cái là truyền đạt các giá trị, gương mẫu, và hỗ trợ chúng tôi trong bất cứ điều gì chúng tôi lựa chọn.
Mặc dù im lặng về vấn đề đó, George Bush vẫn có ảnh hưởng lớn trong quyết định của tôi khi tranh cử chức vụ thống đốc. Thông qua lời nói và cuộc sống, ông đã dạy cho tất cả những người con của mình giá trị của việc phục vụ cộng đồng. Vì được giúp việc cho ông trong những năm qua, tôi đã học được rất nhiều về chiến dịch vận động tranh cử. Và bằng cách chứng kiến nhiệm kỳ tổng thống của ông, tôi đã học được rằng chính sách tốt sẽ mang lại nền chính trị tốt, chứ không phải ngược lại chính trị tốt mới có chính sách tốt. Tôi đã phát triển mạnh mẽ đề án thay đổi chính sách cần thiết ở Texas, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, cải cách những sai trái trong vấn đề pháp lý, phúc lợi, và tư pháp thanh thiếu niên. Câu hỏi duy nhất là liệu tôi có chọn đúng thời điểm hay không.
Thất bại của cha phần nào đã trả lời câu hỏi này. Nếu ông tái đắc cử năm 1992, tôi có lẽ sẽ không chạy đua vào chức thống đốc năm 1994. Tôi phải cạnh tranh với thống đốc đương nhiệm đang được nhiều người biết đến, và là con trai của tổng thống, tôi sẽ không thể tập trung vào những câu hỏi liệu tôi có đồng ý với mọi quyết định mà chính quyền của cha thực hiện.
Tôi biết mình có thể không thành công. Tôi dự đoán, nếu tôi chạy đua và thua, sẽ có người nói, “Thật là một ứng cử viên tệ hại”. Nếu tôi chạy đua và thắng, sẽ có người nói, “Thật là một thống đốc tệ hại”. Nhưng cho dù họ có nói như thế nào cũng không khiến tôi mảy may quan tâm vì tôi luôn có lòng tin yêu của người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ. Và tôi ngưỡng mộ George H.W. Bush hơn bất cứ ai khác.
Tôi không phải là người duy nhất được truyền cảm hứng từ George Bush. Cùng thời gian đó, Jeb - em trai tôi - thông báo rằng chú ấy sẽ ra tranh cử chức thống đốc bang Florida. Jeb và tôi đều cảm thấy - và cha cũng đồng ý - rằng ông không nên tham gia vào chiến dịch tranh cử của chúng tôi. Điều quan trọng là cử tri nhận định chúng tôi là chính chúng tôi. Cha không bao giờ can thiệp hoặc cho lời khuyên khi chúng tôi không yêu cầu, nhưng rõ ràng ông theo dõi cuộc tranh đua của chúng tôi rất chặt chẽ. Tôi luôn hỏi cha xem làm thế được hay chưa, và ông luôn luôn tìm thấy cách khen ngợi hiệu suất chiến dịch gần đây hoặc làm cho tôi vui sau khi có những bài báo viết xấu tôi. Điều đó làm tôi nghĩ rằng vai trò của chúng tôi đang đảo ngược. Sau nhiều năm tôi hỗ trợ ông trong đấu trường chính trị, nay ông hỗ trợ tôi.
Tôi nghĩ rằng chiến dịch của tôi và Jeb vào năm 1994 đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cha thích nghi với cuộc sống mới. Cũng giống như cha đã làm sau khi ông thôi giữ vị trí trong Thượng viện năm 1964, ông chấp nhận vị trí mới là nguồn động viên cho thế hệ tiếp theo. Và ông thấy điểm tích cực trong thất bại năm 1992 là làm nền móng cho sự thăng tiến trong sự nghiệp chính trị của hai người con ông nuôi dưỡng và yêu thương.
Vào đêm bầu cử năm 1994, tôi thắng trong cuộc đua vào chức Thống đốc bang Texas. Trong khi đó Jeb thua Thống đốc Đảng Dân chủ Lawton Chiles. Khi tôi gọi điện cho cha để nói với ông rằng tôi sắp có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng, ông cho tôi biết ông rất hạnh phúc. Nhưng tôi biết ông vẫn còn bận tâm đến thất bại của Jeb. “Niềm vui là ở Texas”, cha nói với phóng viên, “nhưng trái tim của chúng tôi ở Florida”. Đối với một số người, phản ứng của ông là đáng ngạc nhiên. Tôi không ngạc nhiên. Đây là nét đặc thù trong tính cách của George Bush, luôn hướng sự quan tâm tới người đang yếu thế hơn.
Vào buổi sáng tôi nhậm chức thống đốc - gần như chính xác hai năm sau khi cha mẹ rời Nhà Trắng - mẹ đưa cho tôi một phong bì. Bên trong là một bưu thiếp viết tay và hai mảnh kim loại nhỏ.
George yêu quý,
Những chiếc măng sét này là tài sản quý giá của cha. Ông và bà của con đã trao chúng cho cha vào ngày 9 tháng 6 năm 1943 khi cha giành được biểu tượng đôi cánh Hải quân tại trường Corpus Christi. Cha muốn con giữ chúng. Cho dù con đã nhận được biểu tượng đôi cánh của Không lực Hoa Kỳ, con một lần nữa “có được đôi cánh của mình” như con đã nói trong lời tuyên thệ nhậm chức thống đốc....
Con đã cho cha mẹ nhiều hơn những gì cha mẹ xứng đáng có được. Con đã hy sinh cho chúng ta. Con đã cho cha lòng trung thành và tận tụy. Bây giờ đến lượt cha mẹ ủng hộ con.
Bưu thiếp của cha khiến tôi cảm động sâu sắc. Tôi biết những chiếc măng séc này có ý nghĩa như thế nào với cha, và nó còn là kỷ vật gắn bó với ông tôi. Gửi cho tôi chiếc măng séc là một cách để ông truyền lại tình yêu thương và sự hỗ trợ ông từng nhận được từ thế hệ cha của ông. Khi tôi tuyên thệ, Laura cầm cuốn Kinh Thánh của gia đình, Barbara và Jenna đứng bên cạnh tôi, cha mẹ tôi ngồi phía sau tôi. Tôi không ngạc nhiên khi thấy một bức ảnh chụp cảnh này: Khi tôi đọc lời tuyên thệ nhậm chức, cha ở phía sau lấy tay gạt nước mắt.
Vài năm sau, tôi nhận được một bức thư khác từ cha. “Các con yêu quý”, ông viết. “Các con tưởng cha đã quên hay sao. Cha đã lên kế hoạch thực hiện một cú nhảy dù. Vậy đó!” Tôi không tin được bức thư này đến từ người cha bảy mươi hai tuổi. Cú nhảy dù cuối cùng của cha là vào năm 1944 khi ông rời khỏi chiến cơ Avenger đang bốc cháy giữa những làn pháo phòng không của quân đội Nhật Bản. Ngày hôm đó ông đã va đầu trên máy bay và kéo dây dù quá sớm. Ông nói đùa rằng ông muốn có một cơ hội để sửa chữa lỗi nhảy dù ngày hôm đó. Nhưng ông không nói ra điều mình thực sự muốn - ông muốn thử lại cảm giác nhảy khỏi một chiếc máy bay theo cách của riêng ông.
Mẹ không nói chắc như cha. Phản ứng đầu tiên của bà là nói với cha và tất cả mọi người khác rằng bà nghĩ ông điên. Mặc dù miễn cưỡng chấp nhận, bà biết cú nhảy dù này quan trọng như thế nào với ông. Bà hạnh phúc khi ông theo đuổi ước mơ. Cha đã liên hệ với Golden Knights, đội nhảy dù tinh nhuệ của quân đội, để nhảy dù với ông. Colin Powell hỏi cha liệu ông có định thực hiện kế hoạch này nghiêm túc hay không? “Cả Lầu Năm Góc đang bàn tán xôn xao về việc này”, Powell cho biết, trước khi thực hiện một cuộc kiểm tra: Cha đã cân nhắc tất cả khả năng rủi ro hay chưa? Đầu gối và mắt cá chân có trong trạng thái tốt? Hướng gió thế nào? Rõ ràng các đồng đội đã không muốn có tai nạn vì cú nhảy mạo hiểm liên quan đến chỉ huy cũ của họ. Họ không biết mình đang đối mặt với một điều: George Bush có một sứ mệnh, và ông không quay trở về nhà nếu chưa hoàn thành sứ mệnh ấy.
Một hôm tại Văn phòng Thống đốc, tôi nhận được cuộc gọi của cha để thông báo rằng cú nhảy dù sẽ diễn ra tại căn cứ quân sự ở Yuma, Arizona, vào ngày 25 tháng 3 năm 1997. Tôi đã chúc mừng ông khi giấc mơ của ông thành hiện thực. “Cha chỉ cần đừng nói cho ai biết cha có cô bạn gái mười tám tuổi”, tôi nói đùa.
Trong ngày trọng đại này, cha mặc “bộ vét Elvis” - mũ bảo hiểm và găng tay màu trắng - và quyết định nhảy dù một mình (không có người của đội Golden Knights kèm sau lưng) từ độ cao mười hai nghìn feet. Lần này không có cú va đập nào vào máy bay. Nhờ vào việc thực hành nhiều lần với đội Golden Knights, ông kéo dây dù đúng thời điểm và hạ cánh an toàn. Mẹ đợi cha tại nơi ông hạ cánh. Sau này ông mô tả, “Tôi đã tiếp đất. Cú nhảy dù diễn ra tốt đẹp. Tôi thực hiện được ước mơ. Mặt đất đã ôm tôi và mỉm cười. Thế giới thật tốt đẹp”.
Hóa ra đó không phải là cú nhảy dù cuối cùng của ông. Ông đã nhảy dù thêm vài lần nữa để kỷ niệm sinh nhật thứ bảy mươi lăm, tám mươi, tám mươi lăm và chín mươi. Cuộc phiêu lưu của ông gửi một thông điệp đến người Mỹ cùng thế hệ với ông: Tuổi tác không thể cản trở những hoạt động theo sở thích và cả những thử thách mới. Bạn có thể chậm hơn hoặc già yếu đi một chút, nhưng cuộc sống này có đủ những điều hấp dẫn để bạn luôn luôn khám phá bản thân. Cha là tấm gương sáng khiến tôi cầm cây cọ vẽ lần đầu tiên vào tuổi sáu mươi sáu.
Có hai lần cha nhảy dù xuống thư viện riêng của ông tại Texas A & M, được mở cửa từ tháng 11 năm 1997. Lễ khai trương thư viện là một trong những dịp hiếm hoi để các tổng thống cả cũ và mới hội tụ. Tất cả các thành viên của câu lạc bộ đều tới dự: Tổng thống Clinton, vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi đánh bại Bob Dole năm 1996, và cựu Tổng thống Carter và Ford. Các Phu nhân Bird Johnson và Nancy Reagan đã tới thay mặt cho các đấng phu quân của họ. Tổng thống Reagan đã công bố một vài năm trước đó rằng ông bị bệnh Alzheimer, nên không tới tham dự.
Ngày khai trương thư viện của cha, Jeb đã nhận lời làm người dẫn chương trình. Là Thống đốc đương nhiệm của bang Texas, tôi có vinh dự đọc diễn văn khai mạc. Tôi có cơ hội để tóm tắt cách tôi nhìn nhận di sản của cha trong vai trò tổng thống và cả vai trò là một người đàn ông:
Tổng thống Bush là một con người từ khi bước vào quan trường đến khi rời đi đều giữ được sự liêm chính toàn vẹn. Tổng thống Bush là một nhà lãnh đạo chú ý tới từng biểu hiện đau thương của xã hội mà không hề chớp mắt. George Bush là một Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, bởi vì đầu tiên và trước hết ông là một con người tuyệt vời - một người đàn ông xác định đúng những gì quan trọng nhất trong cuộc đời: đức tin và gia đình. Trong suốt bốn năm cha làm Tổng thống, dù xử lý rất nhiều khủng hoảng thế giới và những yêu cầu to lớn của thời đại, cha chưa bao giờ từ chối không nghe bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào của tôi hay các em trai em gái tôi. Thế giới biết George Bush là bậc thầy về ngoại giao cá nhân. Chúng tôi biết George Bush là người cha tốt nhất trên thế giới.
Bài phát biểu của cha luôn mang phong cách George Bush. Ông cảm ơn Tổng thống Clinton, người đã “biết là ông có một cuộc sống riêng tư tuyệt vời”. Ông xin lỗi nếu thư viện Tổng thống đã vi phạm quy tắc của mẹ ông, người dạy ông không nên khoe khoang. Ông không cố gắng đánh bóng di sản của mình, mà chỉ muốn các tài liệu lưu trữ sẽ luôn sẵn sàng cho phép các thế hệ sau khai thác. Và ông kết thúc: “Bây giờ cuộc đời làm chính trị của tôi đã qua, tôi có thể thành thật nói rằng ba danh hiệu xứng đáng nhất tôi được ban cho đó là - một người chồng, một người cha, và một người ông... Tôi mượn câu nói của Lou Gehrig, một thần tượng lớn của tôi - hôm nay tôi cảm thấy mình là người may mắn nhất trên thế giới”.
Nhiều năm trôi qua và sự chua chát của thất bại giảm xuống, cha hoàn toàn chấp nhận cuộc sống mới. Không có gì đối với ông vui mừng hơn là được ở Walker's Point với gia đình. Ông thích tổ chức các trận đấu quần vợt, ném móng ngựa, chơi đánh golf tốc độ tại Cape Arundel (điểm được ghi dựa trên sự tổng hợp các cú đánh và thời gian), chào đón rất nhiều người thân trong gia đình và khách khứa. Có lẽ điều mà ông thích nhất là khởi động tàu đua cao tốc mang tên mình, và xé mặt nước lao đi hết tốc lực. Khi bảy mươi chín tuổi, ông đã gửi thư điện tử cho các cháu để khoe ông đã lái thuyền chạy tới hơn sáu mươi dặm một giờ. “Ông cảm thấy mình mới mười chín tuổi”, ông viết. Tuy vẫn theo dõi tình hình chính trị, ông hoàn toàn hài lòng khi rời khỏi chính trường. Ông thích mô tả vai trò của mình bằng một hình ảnh người Hoa: “Đứng bên lề và gập tay trong tay áo”.
Mặc dù chính phủ đã cho cha nghỉ hưu, ông không kết thúc tất cả mọi công việc. Ông dành thời gian tham gia vào những vấn đề mình quan tâm, như ông đã từng làm từ trước. Ông làm Chủ tịch Hội đồng Khách tham quan tại Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston, một bệnh viện ung thư được đánh giá cao. Ông thành lập trường Chính phủ và Dịch vụ Công Bush tại Đại học Texas A & M, và ông yêu thích việc được đến trường học như một giảng viên thỉnh giảng bất ngờ. Ông ủng hộ tổ chức từ thiện quân sự và dành thời gian đi thăm quân đội Mỹ đang làm nghĩa vụ khắp thế giới. Mẹ cũng tiếp tục sứ mệnh của bà, thành lập Quỹ Xóa mù chữ Barbara Bush và đọc sách cho trẻ em mỗi mùa hè tại Trung tâm Y tế Maine ở Portland. Trong suốt cuộc đời mình, George và Barbara Bush là hai điểm sáng vĩnh cửu.
Mẹ và cha cùng đi du lịch khắp nơi trong thời gian hưu trí. Cha thích câu cá, và ông đã đến những điểm câu cá tuyệt vời nhất thế giới: tới Islamorada, Florida, với người bạn của ông Ted Williams; tới Canada với cháu trai của ông Jeb Jr.; và trải nghiệm sông Test ở Anh. Ông giữ truyền thống chơi golf của gia đình và là Chủ tịch danh dự của The First Tee6, tham dự các trận đấu của cúp Ryder và cúp Các tổng thống. Thỉnh thoảng, ông, với danh nghĩa cựu tổng thống, được mời đến những sân golf huyền thoại như sân quốc gia Augusta hay Pine Valley. Và ông yêu thích những cuộc chơi thể thao bốn người, thường là với Jeb, Arnold Palmer và Joe DiMaggio.
6 Tổ chức quốc tế giúp phát triển kỹ năng sống và khả năng lãnh đạo bằng hình thức chơi golf.
Tháng 11 năm 1998, cha mẹ thực hiện một chuyến đi có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Họ thuê máy bay đến Florida với Jeb trong đêm bầu cử khi lần thứ hai Jeb chạy đua vào chức vị thống đốc. Jeb thực hiện một chiến dịch tuyệt hảo và giành được 55% số phiếu. Lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ, có hai anh em trai cùng làm thống đốc. Mẹ thích chỉ ra con số thống kê cứ tám người Mỹ thì có một người đang sống trong bang do các con trai của bà làm thống đốc. Cha bày tỏ niềm tự hào lặng lẽ hơn. Vào ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử của Jeb, ông đã viết: “Người ta sẽ gọi điện để chúc mừng chúng tôi, nhưng họ sẽ không bao giờ hiểu được thẳm sâu trong thâm tâm cảm giác thật của tôi đối với con trai. Cuộc sống của tôi lúc này mới thực sự bắt đầu”.
Tôi cũng vui mừng khi Jeb chiến thắng. Trong những năm đầu đời, khoảng cách bảy tuổi giữa hai chúng tôi dường như là một vấn đề, nhưng khi đã lớn, chúng tôi không chỉ là anh em trai mà còn trở thành bạn bè. Jeb là một con người của đức tin và có sức mạnh nội tâm tuyệt vời. Tôi rất tin tưởng rằng người dân của Florida sẽ được hưởng lợi từ sự lãnh đạo của chú ấy - và tôi đã đúng. Jeb là một thống đốc quyết đoán và tài năng.
Sau khi tôi được bầu lại vào chức vụ thống đốc năm 1998, cha suy đoán tiếp theo sẽ có chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Ông chắc chắn đúng. Các cố vấn tiềm năng, những người gây quỹ và người tổ chức vận động tranh cử trên cả nước đã thúc giục tôi bước vào cuộc đua. Tôi đã trả lời phóng viên David Broder của tờ Washington Post rằng tôi cảm thấy như một nút chai bằng gỗ trong một dòng sông chảy xiết. Tôi đã quyết tâm không để bị cuốn trôi. Tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp với lý do và điều kiện riêng của tôi.
Hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào khác trong lịch sử (Hillary Clinton là ngoại lệ), tôi biết chính xác những gì tôi đang tham gia vào. Tôi biết tất cả những gánh nặng của nhiệm kỳ tổng thống như thế nào, tôi biết cha đã yêu công việc ra sao - vinh dự được là lãnh đạo một đất nước tuyệt vời và có cơ hội để đưa ra nhiều quyết định thay đổi cả lịch sử. Với kinh nghiệm khi làm thống đốc, tôi cảm thấy mình có thể xử lý công việc này. Tôi hiểu nỗi hoài nghi của người dân dành cho gia đình tôi, và tôi cũng lo lắng cho các con gái của chúng tôi. Nhưng tôi đã học được từ kinh nghiệm của cha tôi rằng tôi có thể làm tổng thống và sau khi tôi thôi chức vụ đó, gia đình tôi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước kia.
Tấm gương của mẹ cũng cho tôi sự tự tin. Một trong những đóng góp to lớn của mẹ cho sự nghiệp chính trị của cha tôi là đảm bảo rằng ông không bao giờ phải lo lắng vì bà có thể vượt qua các áp lực, biết cân bằng giữa việc có chồng làm tổng thống với việc liên kết mọi thành viên gia đình. Sự tự tin đó thực sự là sự giải thoát cho người chồng. Tôi may mắn vì Laura đã cho tôi sự an tâm đó.
Cuối cùng, tôi tin rằng, như cha đã làm trong một cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn - hãy tự đẩy mình vượt qua khỏi những giới hạn của chính mình và làm việc chăm chỉ để đạt tới những mục tiêu mà bạn tin tưởng. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nước Mỹ cần một hướng đi mới trong những vấn đề như giáo dục, thuế, và sự sẵn sàng của quân đội. Và tôi tin rằng mình có thể là một nhà lãnh đạo mà người dân Mỹ đang tìm kiếm.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy cần phải hỏi ý kiến trực tiếp của cha về việc liệu tôi có nên chạy đua tranh cử hay không. Tôi biết ông sẽ ủng hộ bất cứ sự lựa chọn nào của tôi. Và vì đã ở bên cạnh cha cũng như chứng kiến những việc ông làm trong suốt cuộc đời, tôi biết rằng ông luôn cho rằng mỗi người đều có một nghĩa vụ để thực hiện. Sau khi tự vấn lương tâm, tôi quyết định sẽ thử sức. Tôi tuyên bố ứng cử vào ngày 12 tháng 6 năm 1999 (trùng với ngày sinh nhật lần thứ bảy mươi lăm của cha tôi).
Tôi nhận thức được rằng sẽ không tránh khỏi có sự so sánh cha và tôi, có những điều tốt và không tốt. Ông nói với tôi rằng tôi đừng nên cảm thấy ngại ngùng khi chỉ trích bất kỳ quyết định nào của ông, ông sẽ không cảm thấy phiền lòng. Ông viết trong một bức thư gửi cho Jeb và tôi năm 1998, “Sẽ có những thời điểm các con đưa ra ý kiến ‘Con không đồng ý với cha ở điểm này’ hay ‘Thành thật mà nói con nghĩ cha đã sai’... Cứ nói như thế đi. Hãy chơi trên sân của con, hãy tự khẳng định bản thân. Sẽ không ai nghi ngờ tình yêu thương các con dành cho gia đình ta - và sự tận tâm của các con dành cho cha mẹ”.
Khi phóng viên hỏi cha tôi ảnh hưởng như thế nào đến cuộc tranh cử của tôi, tôi nói đùa rằng tôi được thừa hưởng một nửa số bạn bè và toàn bộ số kẻ thù của ông. Sự thật là ông không có nhiều kẻ thù, và tôi đã có thể kể tên rất nhiều bạn bè của ông. Tôi không có chút hoài nghi nào về việc bạn bè của cha sẽ ủng hộ tôi. Tôi đang phải đua tranh với đối thủ là phó tổng thống đương nhiệm, tại thời điểm đất nước đang an toàn và kinh tế phát triển mạnh mẽ. Và như vậy, tôi cần vận động từng người để có từng lá phiếu.
Vào đêm bầu cử, cha mẹ dẫn đầu một đoàn xe khổng lồ chở cả đại gia đình tôi tới Austin. Lễ ăn mừng diễn ra ngay trong đêm sau khi Phó Tổng thống Gore gọi điện tới thừa nhận thất bại. Ngay sau đó, ông gọi lại để rút lại lời thừa nhận đã nói trong cuộc điện thoại trước. Tôi dẫn đầu ở bang chủ chốt Florida nhưng chỉ hơn ông ấy chưa đến một ngàn phiếu - quá ít để có thể cầm chắc phần thắng. Một cuộc tái kiểm phiếu bắt đầu. Tôi yêu cầu Jim Baker quản lý đội nhân viên pháp lý của tôi ở Florida, trong khi Laura và tôi rút lui đến trang trại của chúng tôi ở Crawford, Texas, để chờ đợi số phận gọi tên mình. Mặt khác, cha bị ám ảnh bởi tin tức. Ông liên tục gọi điện cho Karl Rove và Jim Baker để cập nhật tình hình. Ông gọi cho tôi thường xuyên. Nghe giọng cha đầy lo lắng. “Cha, con ổn”, tôi nói. “Cha đừng xem ti vi nữa.”
Cuối cùng, những tranh chấp pháp lý phải đưa lên Tòa án tối cao. Ngày 12 tháng 12 năm 2000, ba mươi lăm ngày sau cuộc bầu cử, tòa đưa ra phán quyết. Với số phiếu 7 - 2, các thẩm phán xác định rằng việc tái kiểm phiếu ngẫu nhiên ở Florida vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng trong Hiến pháp. Và với số phiếu 5 - 4, họ kết luận rằng Florida không thể hoàn thành cuộc tái kiểm phiếu công bằng trước thời hạn chót phải nộp kết quả lên đại cử tri đoàn. Vì vậy giữ nguyên kết quả kiểm phiếu lần trước: Tôi thắng. Ngay sau khi biết tin tôi sẽ được làm tổng thống, cuộc điện thoại đầu tiên là tôi gọi cho cha mẹ. Họ vui sướng tột độ.
Ngày hôm sau, từ thủ phủ của bang Texas, tôi có bài diễn văn gửi cử tri cả nước. Khi cha mẹ theo dõi bài phát biểu của tôi qua chiếc tivi trong phòng ngủ của họ trong ngôi nhà ở Houston, họ thực sự bàng hoàng về sự thật này. Sau đó cha đã viết, “Tôi thấy những bức ảnh của George và Laura nắm tay nhau. Tôi thấy tư thế ấy, dáng đi ấy, nụ cười ấy, những biểu hiện mà chúng tôi đã thấy ở George từ khi con còn là một đứa trẻ”. Ông tiếp tục: “Khi máy quay tập trung vào George và Laura đi vào lễ đường, cả người tôi trào dâng nỗi xúc động không thể kiềm chế được. Nỗi xúc động này đến không báo trước, bậc làm cha mẹ như chúng tôi chưa được chuẩn bị cho những cảm xúc như thế này - từ trong thẳm sâu trái tim, tôi cảm thấy sốc. Barbara cũng khóc. Chúng tôi nắm tay nhau. Ngay trước khi con trai chúng tôi bắt đầu bài diễn văn, chúng tôi nhìn thấy trong mắt George cảm xúc đích thực của con. Chúng tôi biết con cảm thấy thế nào. Con đã không ‘đánh mất cảm xúc’ đã có từ thủa ấu thơ, con rõ ràng đã rất xúc động và cha mẹ cảm nhận rõ điều con đang cảm thấy”.
Sau thời khắc xúc động của cha, Phó Tổng thống Al Gore đã có bài phát biểu lịch thiệp chấp nhận khép lại cuộc tranh đua. Điều đó đã dẫn đến một cuộc gọi điện thoại không có trong kế hoạch. George H.W. Bush gọi điện cho Al Gore để chúc mừng chiến dịch vận động tranh cử mạnh mẽ và những lời phát biểu dũng cảm của Gore. “Tôi đã nhiều lần thất bại khi ra tranh cử”, cha nói với ông ấy, “và tôi biết anh cảm thấy thế nào”.
* * *
Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai lần tổng thống tuyên thệ nhậm chức mà có cả cha và mẹ đến chứng kiến. Lần đầu tiên là năm 1961, khi Joseph và Rose Kennedy cùng dự lễ nhậm chức của con trai họ, buổi lễ do Chánh án Earl Warren cử hành. Lần thứ hai vào năm 2001, khi cha mẹ tham dự lễ nhậm chức của tôi. Tôi an lòng khi biết rằng họ đang ngồi sau lưng tôi khi Chánh án Rehnquist đọc lời tuyên thệ cho tôi làm tổng thống.
Sau lễ tuyên thệ, một bữa tiệc trưa tại đồi Capitol, và cuộc diễu hành nhậm chức theo truyền thống diễn ra trên Đại lộ Pennsylvania, tôi đến Phòng Bầu dục lần đầu tiên với tư cách một tổng thống. Cha đã lên lầu của dinh thự trong Nhà Trắng, ngâm mình trong bồn tắm nước ấm để làm tan đi những mệt mỏi sau cuộc diễu hành. Nhưng có một tiếng nói trong nội tâm thúc giục ông rằng tổng thống đang đợi ông ở Phòng Bầu dục. Ông đứng dậy, mặc bộ com lê chỉnh tề và đi xuống. Một vài phút sau, cánh cửa mở ra và cha bước vào. Chúng tôi dành một vài phút yên lặng chỉ để tận hưởng thời khắc này. Trong tám năm sau đó, tôi có nhiều cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ trong Phòng Bầu dục. Nhưng không có cuộc gặp nào có thể so sánh với việc đứng trong văn phòng cùng với cha vào ngày đầu tiên làm tổng thống của tôi.
Tôi nói rõ rằng cha và mẹ luôn được chào đón đến ở Nhà Trắng bất cứ lúc nào. Laura và tôi rất vui vì họ đến Washington thường xuyên, trong đó có ngày 10 tháng 9 năm 2001, trong cuộc họp hội đồng quản trị của một liên minh chống ung thư quốc gia mà họ đã giúp thành lập ra. Ngày hôm đó tôi đã bay tới Florida, nơi tôi sẽ tham gia một sự kiện giáo dục dự kiến sẽ tổ chức tại một trường học ở Sarasota sáng hôm sau. Mẹ và cha rời khỏi Washington vào sáng sớm ngày 11 để tới một buổi diễn thuyết tại Minnesota. Cuối buổi sáng hôm đó, nước Mỹ phải gánh chịu cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử - cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên trên đất Mỹ kể từ sau vụ tấn công vào Trân Châu Cảng năm 1941.
Tôi biết cha mẹ sẽ lo lắng cho tôi. Trên đường quay trở lại Washington, tôi gọi điện cho cha mẹ vài lần từ trên chiếc Không lực số 1. Khi chúng tôi cuối cùng cũng kết nối được với nhau, tôi hỏi cha mẹ đang ở đâu. “Tại một nhà khách ở Brookfield, Wisconsin”, mẹ trả lời. “Mẹ đang làm gì ở đó?” tôi hỏi. “Con trai, con làm chuyến bay của cha mẹ không khởi hành được”, mẹ nói. Có những điều không bao giờ thay đổi. Câu nói nhẹ nhàng của mẹ mang lại chút ánh sáng cho một ngày đen tối.
Ba ngày sau khi cuộc tấn công 11 tháng 9, Laura và tôi tham dự một buổi cầu nguyện Nhà thờ Quốc gia. Cựu tổng thống Clinton, Carter, và Ford cũng có mặt, cùng với các lãnh đạo của Tòa án Tối cao, các thành viên của Quốc hội, và quan trọng nhất với tôi - Laura cùng cha mẹ tôi. “Chỉ ba ngày sau sự kiện này, người Mỹ chưa có độ lùi khoảng cách của lịch sử để nhìn nhận đúng về nó”, tôi nói. “Nhưng trách nhiệm của chúng ta trước lịch sử rất rõ ràng là: phải đáp trả cuộc tấn công này và giải thoát thế giới khỏi cái ác. Cuộc chiến này đã chống lại chúng ta một cách lén lút, xảo trá và dã man. Đất nước này hòa bình, nhưng hoảng loạn trong nỗi tức giận. Cuộc xung đột này đã bắt đầu do những kẻ khác lựa chọn thời điểm và điều kiện. Nhưng nó sẽ kết thúc theo cách và trong khoảng thời gian do chúng ta lựa chọn.”
Đọc bài diễn văn đó mà không gục xuống là một thách thức đối với tôi. Nhiều người trong nhà thờ đã khóc, trong đó có cả những sĩ quan quân sự. Tôi đọc diễn văn mà không nhìn Laura và cha mẹ, bởi vì tôi biết rằng nhìn thấy họ tôi sẽ khó giữ bình tĩnh. May mắn thay, tôi vẫn giữ bình tĩnh đến cuối bài phát biểu của mình và trở về ghế ngồi. Các cựu tổng thống và gia đình họ đang ngồi theo thứ tự thời gian họ cầm quyền, nhưng cha đã hỏi Bill Clinton liệu ông có thể đổi chỗ để cha và mẹ có thể ngồi bên cạnh tôi và Laura hay không. Bill đã đồng ý. Sau khi tôi ngồi xuống, cha choàng tay qua ghế của Laura và nhẹ nhàng siết chặt cánh tay tôi. Cảm xúc của tôi không che đậy, cử chỉ đơn giản đầy tình yêu thương của ông mang lại cho tôi sự thoải mái, khích lệ và sức mạnh.
Cha mẹ đã nhiều lần tới Nhà Trắng trong những năm tôi làm tổng thống. Một trong những điều thú vị nhất đến vào tháng Giêng năm 2005, khi Laura và tôi tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng kỷ niệm sáu mươi năm ngày cưới của cha mẹ. Cả gia đình đã có một bữa ăn tối trang trọng đầy yêu thương và nhiều lần nâng ly chúc rượu, rộn rã tiếng cười. Sau kỷ niệm năm mươi tư năm ngày cưới, cha mẹ tôi đã vượt qua nhà John và Abigail Adams để đạt danh hiệu cặp vợ chồng tổng thống kết hôn lâu năm nhất. Bây giờ họ chỉ còn vài tháng nữa để có thể kéo dài kỷ lục mình đang nắm giữ đến bảy mươi năm. Trong một hành động điển hình cho phong cách của mình, cha đã viết cho tôi một bức thư lịch thiệp sau bữa tiệc. “Cha đoán có thể nói rằng ở độ tuổi trên tám mươi, cha đã có rất nhiều sự kiện tuyệt vời; nhưng đối với chúng ta, không gì có thể so sánh với đêm tiệc này... Trẻ và già, người thân và bạn bè, người thượng lưu và người cùng khổ, tất cả đều có thời điểm tốt đẹp trong cuộc sống của họ. Cảm ơn rất nhiều từ trái tim đang thổn thức của cha.”
Cha và tôi nói chuyện với nhau thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của tôi, mặc dù không nhất thiết về các chủ đề mà nhiều người đã giả định. Khi đang ở trong chiếc limousine sau khi phát biểu với Công đoàn Toàn quốc, tôi nhận được một cuộc gọi từ người phụ tá Nhà Trắng: “Thưa tổng thống, cha của ngài đang đợi nói chuyện điện thoại”. Cha nói lời khích lệ và an ủi. Tôi không sử dụng thư điện tử trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhưng cha thường chuyển những câu chuyện khôi hài hoặc một lời nói đùa tới các phụ tá cao cấp của tôi, vì cha biết rằng họ sẽ mang chúng vào Phòng Bầu dục để giúp cho ngày làm việc của tôi trở nên vui vẻ. Ví dụ, trong năm 2007, ông đã gửi một câu chuyện: “Một ông già tám mươi tuổi bị bắt vì tội ăn cắp trong cửa hàng. Khi ông ta ra tòa, thẩm phán hỏi ông ta đánh cắp những gì. Ông ta trả lời: ‘Một thùng nước đào’. ‘Thẩm phán hỏi có bao nhiêu lon nước đào trong đó’. ‘Sáu’, ông ta trả lời. ‘Vậy, tôi sẽ phạt ông sáu ngày trong tù’, thẩm phán kết án. Thấy thế, vợ ông lão lên tiếng: ‘Ông ấy cũng đã đánh cắp một lon đậu Hà Lan!’”. George Bush hiểu những áp lực trên vai tổng thống và sức mạnh của tiếng cười có thể xua đi những căng thẳng. Tính hài hước của ông chính là những gì tôi cần.
Cha và tôi còn thường nói chuyện công việc. Một chủ đề chúng tôi hay bàn là quyết định nhân sự. Khi đang cân nhắc lựa chọn ứng cử viên phó tổng thống, tôi gọi để xin lời khuyên của cha về Dick Cheney, từng làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền của ông. Không do dự, ông nói, “Dick sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Ông ấy sẽ cho con lời khuyên thẳng thắn và quyết đoán. Và con sẽ không bao giờ phải lo lắng về chuyện ông ấy làm gì sau lưng mình.” Ông nhận xét hoàn toàn chính xác, và trong suốt tám năm, tôi rất hài lòng khi có Phó Tổng thống Cheney bên cạnh.
Không lâu sau cuộc bầu cử của tôi, tôi hỏi cha về một cựu thành viên đội An ninh Quốc gia từng phục vụ trong chính quyền của cha, cựu Chủ tịch đội Tham mưu trưởng Colin Powell. Tôi đã xem xét Colin cho chức vụ ngoại trưởng, đây là lựa chọn nhân sự nội các đầu tiên của tôi. “Colin rất được tôn trọng trên toàn thế giới”, cha nói. “Ông ấy sẽ là một ngoại trưởng tuyệt vời.”
Những năm sau, khi tôi cân nhắc một sự thay đổi trong Bộ Quốc phòng, tôi gọi điện để hỏi ý kiến của cha về Bob Gates, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và Giám đốc CIA, sau đó làm Chủ tịch của Texas A & M.
“Thưa cha, con đang cân nhắc Bob Gates cho vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, tôi nói. “Cha nghĩ thế nào?”
“Cha đang suy nghĩ”, ông nói. “Cha dành sự tôn trọng cao nhất cho Bob Gates và nghĩ rằng ông ấy sẽ làm tốt công việc.”
“Con có nghĩ ông ấy sẽ làm được chức vụ đó không?”, ông hỏi thêm.
“Có các dấu hiệu cho thấy ông ấy sẽ làm được”, tôi nói.
“Mất ông ấy sẽ là một thiệt thòi lớn cho A & M nhưng có lợi lớn cho đất nước”, cha nói.
Ông đã đúng. Bob Gates đã làm tốt công việc Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Và Tổng thống Obama giữ ông ấy lại sau khi lên nắm quyền. Bob làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong suốt hai đời tổng thống của hai đảng khác nhau.
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của tôi, cha và tôi không nói nhiều về chính sách. Ông hiểu hơn ai hết rằng tổng thống có rất nhiều chuyên gia cố vấn với những thông tin sâu về các vấn đề quan trọng. Nếu tôi hỏi để nhận được tư vấn của ông về một vấn đề chính sách, ông có thể nói, “Gửi những người cố vấn tới đây để cha biết cần phải nói những gì”. Ông biết tôi nhận được vô vàn các ý kiến từ người ngoài. Là cha của tổng thống, ông có thể mang đến cho tôi điều gì đó thật khác biệt: tình yêu và sự hỗ trợ cần thiết để đương đầu với những áp lực của công việc.
Một lĩnh vực cha quan tâm là mối quan hệ của tôi với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông là một bậc thầy về ngoại giao cá nhân - thấu hiểu con người và chiếm được lòng tin của họ. Tôi đã được chứng kiến hiệu quả trong phương pháp tiếp cận của ông. Tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc họp (và thực hiện rất nhiều cuộc gọi điện thoại) với các đối tác quan trọng của tôi trên toàn thế giới. Tôi mời các nhà lãnh đạo thế giới không chỉ tới Nhà Trắng mà còn đến Trại David, nông trại của chúng tôi ở Crawford, và Walker's Point.
Đầu năm 2007, tôi gọi điện cho cha và hỏi liệu ông có thể mời được Tổng thống Vladimir Putin của Nga tới nhà chúng tôi ở Walker's Point hay không. Tôi cảm thấy rằng nơi đó thật hoàn hảo để thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa mà chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng ở Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Cha rất vui với ý tưởng đó. “Chỉ cần cho cha biết những gì con cần, con trai”, ông nói.
Khi Putin đến vào ngày 1 tháng 7 năm 2007, cha đã đi đón khi máy bay của ông ấy hạ cánh xuống phi trường ở New Hampshire, và cùng đi với ông ấy trên máy bay trực thăng tới Walker’s Point. Sau đó, ông đưa cả hai chúng tôi đi chơi trên du thuyền cao tốc. Mặc dù ban đầu giật mình bởi ý tưởng của một cựu tổng thống tám mươi ba tuổi lái con thuyền ở tốc độ cao nhất, Putin vẫn rất thích chuyến đi đó (Người phiên dịch của ông ấy trông giống như bị bay về phía sau của chiếc thuyền). Sáng hôm sau, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện dài về phòng thủ tên lửa, trong đó chúng tôi tìm thấy những điểm chung. Sau đó chúng tôi đi câu cá. Putin là người duy nhất giật được cá.
Cuộc bầu cử năm 2004 sắp đến gần, tôi tự nhiên nghĩ về thất bại của cha tôi vào năm 1992. Xem xét ở một vài góc độ thì thấy tôi đang ở vị trí đáng ngại tương tự. Giống như ông, nhiệm kỳ đầu tiên của tôi được khoảng 90% số người ủng hộ: sau sự kiện ngày 11 tháng 9 trong trường hợp của tôi, và sau Chiến tranh vùng Vịnh trong trường hợp của cha. Nhưng con số này giảm theo thời gian, và trong cuộc đua của tôi với ứng cử viên Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của tiểu bang Massachusetts - John Kerry - dường như không có khoảng cách giữa hai đối thủ. Vào đêm bầu cử, cả gia đình tụ họp tại Nhà Trắng. Tôi nghĩ trong thời gian này, cha có thể đã lo lắng nhiều hơn thời điểm bốn năm trước đó. Ông nhớ lại thất bại năm 1992, và không muốn tôi phải chịu đựng điều đó. Vào cuối đêm bầu cử, tôi chắc chắn vượt lên dẫn đầu, nhưng Kerry không chịu thừa nhận thất bại. Sáng sớm hôm sau, cha mẹ rời khỏi Houston. Cuối buổi sáng hôm đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ John Kerry, ông ta thừa nhận kết quả và chấp nhận thua cuộc. Tôi đã trở thành tổng thống đầu tiên giành chiến thắng với đa số phiếu phổ thông kể từ cuộc bầu cử của cha vào năm 1988. Khi tôi gọi điện cho ông thông báo những tin tức tốt, phản ứng của ông nhẹ nhõm hơn là phấn khích. Vết thương từ năm 1992 được chữa lành nhiều hơn một chút.
Một ngày sau lễ Giáng sinh năm 2004, một cơn sóng thần từ Ấn Độ Dương đã đổ bộ tàn phá một số nước châu Á. Các cơn sóng cao hơn ba mươi mét quét qua miền duyên hải và cướp mạng sống của hơn hai trăm ngàn người. Tôi đã triển khai hải quân Mỹ tới giúp đỡ với các nỗ lực cứu trợ. Tôi quyết định nhờ cha và Bill Clinton lãnh đạo chiến dịch gây quỹ tư nhân. Tôi tin rằng việc hai đối thủ cũ cùng kêu gọi gây quỹ sẽ gửi một tín hiệu quan trọng về cam kết của Mỹ tới những người chịu thiệt hại từ thảm họa.
Tôi gọi điện cho cha và Clinton để trình bày ý tưởng này. Cả hai nhanh chóng đồng ý, và họ đã kêu gọi được một lượng tiền lớn gây ấn tượng để cứu trợ. Là một phần trong những nỗ lực của họ, cha và Clinton đã có một chuyến đi xa đến hiện trường của vùng bị sóng thần. Họ đã gặp nhau nhiều lần trong vô số các sự kiện chính thức suốt những năm qua, nhưng họ không thực sự hiểu nhau. Điều đó đã thay đổi trong chuyến đi tới châu Á của họ. Máy bay quân sự của họ chỉ có một giường, và Clinton hào phóng nhường giường cho George Bush ngủ vào mỗi tối. Cha đánh giá cao sự chu đáo của Clinton. Giống như nhiều người, cha lấy làm lạ trước năng lượng làm việc vô biên của Clinton và sự quan tâm chân thành của ông ấy tới mọi người. Bên ngoài không khí căng thẳng như trong nồi áp suất của các chiến dịch chính trị, khó có thể không yêu mến người đàn ông này. Tình bằng hữu nảy nở giữa hai người họ vượt ra khỏi những gì tôi mong đợi.
Sau khi cơn bão Katrina và Rita tấn công bờ biển vùng Vịnh năm 2005, tôi lại quyết định phái hai người đi chỉ đạo cứu nạn. Một lần nữa, họ trả lời cuộc gọi của tôi, thực hiện nhiều chuyến đi tới các khu vực gặp nạn và tham gia vào nhiều đoạn phim quảng cáo xã hội để nâng cao nhận thức về nhu cầu của các nạn nhân trong thảm họa. Sức hấp dẫn từ cả hai đảng đã thu hút được hơn một trăm triệu đô la trong các đợt quyên góp cá nhân. Khi cơn bão Ike diễn ra năm 2008, tôi kêu gọi Tổng thống thứ 41 và 42 lần thứ ba. Một lần nữa, họ đã làm một công việc tuyệt vời.
Tình hữu nghị của họ được hình thành thông qua những lần cứu trợ từ thiện. Bill Clinton thường xuyên tới Maine thăm cha mẹ tôi. Càng ngày Clinton càng coi cha tôi như là cha của ông, có lẽ vì Clinton chưa từng nhìn thấy mặt cha mình. Mẹ gọi Clinton là con trai thứ năm đã thất lạc của bà nay mới tìm lại được, Marvin gọi đó là “một người anh em khác mẹ”. Clinton chấp nhận hình ảnh so sánh ấy và bắt đầu coi mình như con cừu đen của gia đình Bush. Ông nói đùa rằng Barbara Bush sẽ làm bất cứ điều gì để có thêm một tổng thống nữa trong gia đình. Nhìn lại, tôi không ngạc nhiên về mối quan hệ phát triển giữa George Bush và Bill Clinton. Cha là một người đàn ông tuyệt diệu luôn luôn muốn tìm thấy những điều tốt đẹp nhất ở người khác. Ngay cả thời khắc đau đớn trong sự nghiệp chính trị cũng không là trở ngại ngăn ông kết bạn với đối thủ chính trị đã đánh bại ông.
Khi nhiệm kỳ thứ hai của tôi kết thúc vào năm 2009, tôi đã may mắn trở thành tổng thống đầu tiên kết thúc nhiệm kỳ khi cả cha mẹ còn sống. Trong một cuộc họp chính thức lần cuối cùng được tổ chức tại Phòng Bầu dục, tôi được đón tới ba cựu Tổng thống: Bill Clinton, cha và Jimmy Carter - và Tổng thống mới, Barack Obama. Tuy chính sách của chúng tôi khác nhau, tất cả chúng tôi đều rất thích có cơ hội ngồi lại với nhau trong văn phòng mà chúng tôi từng làm việc và truyền đạt những lời khuyên cho thành viên mới nhất của câu lạc bộ. Tổng thống mới đắc cử hòa nhã, và tôi nhận thấy rằng ông đặc biệt tôn kính cha tôi. Rõ ràng ông thực sự tôn trọng và ngưỡng mộ George Bush. Hai năm sau, Tổng thống Obama trao tặng cho ông Huân chương Tự do, huân chương danh dự cao nhất mà tổng thống trao cho người dân. Sau khi điểm lại những thành tựu của cha, Tổng thống Obama nói, “Cuộc sống của ông là một minh chứng rằng phục vụ nhân dân là nghĩa vụ cao quý”.
Trong kỷ nguyên được định hình bằng sự cạnh tranh giữa các đảng phái, George Bush sống như một tấm gương biết cách đề cao tính văn minh, lịch sự lên trên hết tất thảy những chiêu trò xấu xa của chính trị. Khi nghị sĩ đầy quyền lực của Đảng Dân chủ, Dan Rostenkowski, bị kết tội và phải ngồi tù vì dính líu tới vụ bê bối thư tín, hầu hết đồng nghiệp ở Washington bỏ rơi ông ấy. Trừ George Bush. Ông và Rosty đã biết nhau từ khi cùng hoạt động trong Ủy ban Chính sách và Tài chính năm 1960. Cha gọi cho Rosty đang ở trong tù, với hy vọng sẽ vực dậy tinh thần của ông ấy và giúp ông ấy vượt qua thời gian này. Và nó có thể giúp điều kiện của Rosty trong tù được cải thiện hơn vì các quản giáo biết cựu tổng thống có thể gọi điện tới bất cứ lúc nào.
Đầu năm 2014, Tổng thống Obama (một gương mặt không nổi tiếng ở Texas) dừng lại ở Houston để gây quỹ chính trị trên đường đến dự một sự kiện kỷ niệm di sản quyền dân sự do Lyndon Johnson tổ chức. Khi ông ấy bước xuống từ chiếc chuyên cơ Không lực số 1, George H.W. Bush đang ngồi trên xe lăn chờ ở đường băng. “Khi tổng thống đến quê hương của tôi”, ông nói, “tôi nên tới chào đón ngài.”
Cha là một tấm gương sáng trong nhiều khía cạnh khác. Ông tiếp tục chơi đánh golf, câu cá, và đi bộ đường dài ở độ tuổi trên tám mươi. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi nhảy dù vào ngày sinh nhật thứ tám mươi lăm, “Đừng chỉ vì là một ông già mà phải ngồi chảy nước dãi trong xó nhà. Hãy ra ngoài và làm việc. Hãy ra ngoài và tận hưởng cuộc sống”.
Khoảng năm 2010, cơ thể vận động viên của cha bắt đầu chống lại ông. Ông được chẩn đoán bị hội chứng liệt rung, một tình trạng tương tự như bệnh Parkinson, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển các chi dưới. Ông không thể tập thể dục như ông thích. Cuối cùng, ông còn không thể bước đi và phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, ông vẫn rất vui vẻ. Ngồi trên chiếc xe lăn, ông nhận ra rằng đôi tất nằm trong phần dễ thấy nhất trong tủ quần áo. Vì vậy, ông bắt đầu xỏ những đôi tất nhiều màu sắc sặc sỡ. Ông yêu thích màu đỏ, trắng và xanh.
Mặc dù phải vất vả lắm mới có thể ngồi vào và ra khỏi xe lăn, ông vẫn nhận lời mời tham gia các sự kiện công cộng. Sau tất cả, chính ông là tổng thống đã ký ban hành Đạo luật Người khuyết tật Mỹ. Ông vẫn tiếp tục mời khách đến chơi nhà và tiếp đón họ nồng hậu tại Houston và đặc biệt là tại Walker's Point. Như mọi khi, ông dành vị trí đặc biệt trong trái tim cho những người đang chịu nhiều đau khổ. Khi được biết một trong những nhân viên mật vụ của mình có một người con trai hai tuổi đang điều trị bệnh bạch cầu, người cha tám mươi chín tuổi của tôi đã cạo trọc đầu để thể hiện tình đoàn kết với cậu bé.
Cha không làm những việc như thế để gây sự chú ý. Ông chỉ sống trong những giá trị đã được ông xác định và làm theo trong suốt cuộc đời. Một trong những câu nói ông yêu thích là: “Nói những lời tốt đẹp tại mọi thời điểm; nếu cần thiết, hãy sử dụng lời nói”. Theo thời gian, mọi người bắt đầu chú ý, và đã có một làn sóng tình cảm của công chúng dành cho cha. Tôi rất hài lòng vì những thành tích và cá tính của George Bush đang nhận được sự thừa nhận xứng đáng - và ông còn có thể sống để nhìn thấy sự thừa nhận này. Nhiều tổ chức đã đặt tên để vinh danh ông: Sân bay xuyên lục địa George Bush ở Houston, Trung tâm Tình báo George Bush Langley, Virginia (trụ sở chính CIA), Trạm nghỉ Tổng thống George Bush trên đường cao tốc ở Dallas, và có lẽ thứ mà ông thích nhất - Hàng không mẫu hạm George H.W. Bush, một tàu sân bay siêu hạng.
Tận tụy cống hiến cho việc công, nhưng những gì George H.W. Bush quan tâm nhiều nhất vẫn là gia đình. Khi ông nói rằng ông không còn theo đuổi hạnh phúc vì ông đã tìm thấy hạnh phúc, đó là lúc ông nghĩ tới gia đình. Ông dành tình yêu thương đặc biệt với cháu chắt. Ông dành tâm sức và thời gian để phát triển mối quan hệ gắn bó với từng cháu chắt, bao bọc chúng trong tấm chăn của tình thương. Ông gửi bưu thiếp và thư điện tử những hình ảnh các cháu diễn kịch tại trường hoặc thi đấu thể thao trong giải dành cho lứa tuổi nhỏ. Và trong những mùa hè ở Maine, ông luôn chào đón các cháu chắt đến chơi.
Tháng 11 năm 2012, cha phải nhập viện Houston Methodist để kiểm tra vì bị ho nặng. Khi Laura và tôi đến thăm vài ngày sau đó, ông đang phải quấn một chiếc nẹp quanh bụng và rõ ràng là ông đang rất đau. “Cha cảm thấy thế nào?”, tôi hỏi.
Ông mỉm cười. “Không phải ta đang ho ra mà là cỗ quan tài đang gọi ta vào”, ông châm biếm. Lúc nào ông cũng có thể nói đùa khiến tinh thần chúng tôi thêm phần lạc quan.
Tình trạng của ông trở nên tồi tệ vào đầu tháng 12. Những cơn ho dai dẳng dẫn đến viêm phổi. Tôi gọi điện cho ông thường xuyên. Tôi muốn nghe giọng nói của cha và thăm hỏi sức khỏe của ông. Cuối mỗi cuộc gọi điện thoại, tôi nói, “Con yêu cha”. Ông luôn luôn trả lời, “Cha yêu con nhiều”.
Lo sợ điều tồi tệ nhất đến, gia đình chúng tôi về quây quần quanh cha. Em trai tôi, Neil, ngồi hàng giờ bên cạnh giường của cha để đọc sách cho ông nghe. Jeb, Marvin, và Doro đều đến thăm cùng với cả gia đình. Laura và tôi bay đến bệnh viện vào tháng 12. Lần này chúng tôi dẫn theo Barbara và Jenna, Jenna lúc đó mang thai năm tháng. Trước khi chúng tôi bước vào, tôi đã nói với tất cả mọi người đừng khóc. Tôi không muốn cha nhận thấy sự tuyệt vọng của chúng tôi. Khi chúng tôi bước vào phòng bệnh, ông hầu như không thể mở mắt và giọng ông rất yếu.
“Chào George, con khỏe chứ? Đây là Laura, chào con xinh đẹp”. Ông thích thú khi Barbara và Jenna xoa đầu ông. Sau đó, ông đưa tay ra và nhẹ nhàng đặt lên phần bụng đang mang thai của Jenna.
“Không có cái chết”, ông nói, “đây là cuộc sống mới”. Tất cả chúng tôi đều rời khỏi phòng trong tiếng thổn thức.
Đã từ rất lâu trước đây, Trung úy George Bush thoát khỏi lưỡi hái thần chết ở Thái Bình Dương. Trong suốt bảy mươi năm sau đó, ông đã tận dụng từng phút giây sống mà Chúa ban cho. Cha mẹ tôi nuôi dưỡng và yêu thương sáu người con. Cha phục vụ nhân dân hết mình, phấn đấu để theo đuổi hòa bình. Ông đã sống một cuộc đời của đức tin, tận tâm cho gia đình. Vào mùa đông năm 2012, khi ông vẫn còn yếu, tôi nhắc ông rằng thư viện tổng thống của tôi đã lên kế hoạch để mở cửa từ tháng 4 tới. “Cha sẽ có mặt ở lễ khánh thành, con trai”, ông nói.
Cha đã nói là làm. Vào một ngày nắng đẹp ở Dallas, Tổng thống đương nhiệm và các cựu tổng thống tập trung tại SMU, George H.W. Bush cũng có mặt. Ông đã chiến đấu với bệnh tật và khỏe lại. Ông ngồi xe lăn. Khi đến lượt phát biểu, giọng ông mạnh mẽ. “Thật là một niềm vui lớn khi được có mặt ở đây để tôn vinh con trai của chúng tôi, con trai lớn của chúng tôi”, ông nói, cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình. “Đây là một ngày rất đặc biệt của Barbara và tôi... Chúng tôi rất vui khi được ở đây. Chúa ban phước lành cho nước Mỹ, và cảm ơn các bạn rất nhiều.” Khán giả đứng lên hoan nghênh ông nhiệt liệt. Tôi trân quý thời điểm này, một vài tháng trước đó có vẻ giống như một giấc mơ không thực. Sau đó, ông quay sang tôi.
“Cha nói dài quá nhỉ?”, ông hỏi và nháy mắt.
“Hoàn hảo, thưa cha”, tôi đáp.