T
rong ngày hội hóa trang Halloween năm 1991, một cơn bão với sức tàn phá kinh hoàng đã đổ bộ vào khu vực duyên hải bang Maine. Sức gió vô cùng khủng khiếp, giật 75 dặm một giờ và với những con sóng biển lên tới hơn 9 mét, cơn bão này gây ra tổng thiệt hại lên tới hơn hai trăm triệu đô. Cơn bão đã phá hủy dinh thự của gia tộc Bush tại Walker’s Point. Căn nhà tranh có tên Cơn sóng mà gia đình tôi dành riêng cho khách đã bị phá hủy tan tành từ móng. Nhà của cha mẹ tôi bị thiệt hại nghiêm trọng vì những tảng đá khổng lồ bị sóng đánh vào phòng khách. Bàn ghế bị cuốn trôi ra biển. Cha tôi mô tả trong một bức thư gửi một người bạn của ông, Kennebunkport đã thực sự trải qua “một thảm họa tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử”. Người dân địa phương gọi thiên tai trong kỳ nghỉ lễ Halloween năm 1991 là “trận siêu bão”.
Cơn bão quét qua khu nhà ở Walker’s Point như một điềm báo một năm đầy biến động đang chờ George Bush. Chỉ vài tháng trước đó, cách xử lý quyết đoán của cha trong Chiến tranh vùng Vịnh và sự sụp đổ của khối Đông Âu đã giúp cho cha tôi giành được tỷ lệ ủng hộ cao chưa từng thấy. Thế nhưng, nền kinh tế nước Mỹ vẫn trong cơn suy thoái và người dân Mỹ rất thất vọng về điều này. Và kết quả là, trong vòng chưa đầy một năm, tỷ lệ ủng hộ cha tôi giảm tới hơn 40 điểm. Cha tôi phải đối mặt với một thách thức thực sự khi một tỷ phú, và là một thành viên của Đảng Dân chủ, đã quyết định giành lại Nhà Trắng từ tay những người Đảng Cộng hòa sau mười hai năm bỏ bê chính trị. Đối với những người ủng hộ cha tôi, 1992 quả là một năm khó khăn.
Dù cho chính sách ngoại giao chi phối tới chính quyền tổng thống của cha tôi, cha vẫn mang tới Nhà Trắng những chương trình nghị sự nghiêm túc với những vấn đề đối nội: cải tiến giáo dục, giảm tội phạm, khuyến khích chủ nghĩa tình nguyện, và thúc đẩy nền kinh tế của đất nước bằng việc duy trì mức thuế thấp.
Những kế hoạch này nhanh chóng vấp phải thực tế khó khăn vì nền kinh tế đang suy sụp. Nền kinh tế Mỹ đã dần ổn định kể từ cuộc đại suy thoái đã được Tổng thống Ronald Reagan giải quyết từ đầu những năm 1980. Thế nhưng lạm phát gia tăng, kết hợp với cuộc khủng hoảng tiết kiệm và nợ, đã làm cho kinh tế Mỹ đình trệ đầu những năm 1990. Chẳng bao lâu sau, nước Mỹ lại rơi vào suy thoái. Thâm hụt ngân khố quốc gia đã lên hơn 200 tỷ đô, bằng gần 4% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia. Những nhà cố vấn kinh tế cảnh báo rằng, sự thâm hụt thậm chí còn có thể khiến kinh tế Mỹ suy thoái tồi tệ hơn nhiều.
Chiến dịch của Nhà Trắng nhằm vực dậy nền kinh tế bằng cách giảm thâm hụt ngân sách qua cắt giảm chi tiêu. Nhóm chuyên gia chính sách kinh tế hy vọng rằng giảm thâm hụt ngân sách sẽ làm giảm lãi suất và phục hồi lòng tin của người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, năm 1990, Đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Hạ viện và Nghị viện, và họ muốn giảm thâm hụt bằng việc tăng thuế chứ không cắt giảm chi tiêu. Sau nhiều tháng làm việc và đàm phán với những nhà lãnh đạo của hai đảng, cha tôi chấp thuận một thỏa hiệp về ngân sách: Để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu, cha tôi phải đồng ý tăng những khoản thuế. Tổng thống Ronald Reagan cũng đã làm như vậy trong năm 1982 khi ông đồng ý việc tăng thuế như là một giải pháp giảm thâm hụt. Thế nhưng có một sự khác biệt giữa hai năm 1982 và 1990. Không giống như vị tiền nhiệm của mình, George Bush lại từng hứa khi tranh cử rằng “Tôi cam kết không có chính sách thuế mới”.
Quốc hội cân nhắc thỏa hiệp từ mùa thu năm 1990. Đảng Cộng hòa, đứng đầu là Nghị sĩ Newt Gingrich của bang Georgia - xét về khía cạnh nào đó ông ta cũng ủng hộ thỏa hiệp này - đã ngăn chặn và luật mới không được thông qua. Vì không thông qua được luật chi tiêu, chính phủ phải đóng cửa ngay sau đó. Đảng Dân chủ chớp lấy thời cơ này để yêu cầu điều chỉnh việc tăng thuế thu nhập cá nhân ngoài những mục tăng thuế khác. (Trong suốt nhiều năm chúng ta đã thấy rằng người dân Mỹ mong chờ chính phủ của mình thực hiện bổn phận, và việc Đảng Cộng hòa khởi xướng đóng cửa chính phủ chỉ càng thúc đẩy sự lớn mạnh của Đảng Dân chủ). Vào thời điểm đó, cha tôi đã cho triển khai quân đội tới khu vực Ả-rập Xê-út, chuẩn bị để trục xuất Saddam Hussein khỏi Kuwait. Cha cảm thấy không thể đáp ứng để chi trả hết cho cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước trong khi ông cũng đang phải quản lý và giải quyết vấn đề khủng hoảng an ninh quốc gia ở nước ngoài. Và cha tin rằng cắt giảm thâm hụt ngân sách là điều rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Ông đồng ý xem xét lại các thỏa thuận, trong đó có cả đề xuất tăng thuế do Đảng Dân chủ đưa ra.
Xét về khía cạnh kinh tế, dự luật ngân sách thật sự có ý nghĩa. Nó thiết lập kỷ luật chi tiêu thông qua thiết lập những khoản trần điều chỉnh chi tiêu đòi hỏi chính phủ cắt giảm những lĩnh vực khác để tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và an ninh xã hội. Với mỗi một đô la cha tôi chấp nhận tăng thuế lên thì đổi lại, Đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu hai đô la.
Tuy nhiên xét về khía cạnh chính trị, thì sự thỏa hiệp ngân sách là một thảm họa. Cha tôi phải quyết định phá vỡ cam kết “không đề ra chính sách thuế mới”, việc này làm mất uy tín của Đảng Cộng hòa. Nhà Trắng rất kém trong việc truyền thông cho người dân hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau giải pháp đối phó với thâm hụt ngân sách. Theo tôi hiểu, không có một nỗ lực nào đúng tính chất quy mô cần thiết được thực hiện để bảo vệ chính sách này. Tôi không biết chắc tại sao những cố vấn cấp cao của Perhaps lại không thu hút sự chú ý của công luận đến việc cha phá vỡ cam kết trong vấn đề thuế. Nếu họ làm như vậy thì thật thiển cận.
Nhìn lại, đáng lẽ ra, Nhà Trắng nên thực hiện chiến dịch quan hệ công chúng một cách mạnh mẽ hơn nhằm giải thích cho người dân về chính sách ngân sách đó. Nếu đưa vấn đề này ra bàn với người dân, tổng thống có thể giành chắc sự ủng hộ của công chúng và thay đổi suy nghĩ của quan chức chính quyền Washington. Thật không may, cha tôi đã không thực hiện điều này trong thỏa hiệp ngân sách năm 1990, và việc cha tôi không thực hiện đúng cam kết về thuế đã ảnh hưởng rất nhiều tới thanh danh của ông trong nội bộ đảng.
Cuối cùng, sau này có rất nhiều nhà kinh tế học đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho rằng quyết định của cha tôi đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế bùng nổ những năm 1990. Thật buồn cho Tổng thống George Bush, dấu hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực chỉ xuất hiện sau kỳ bầu cử năm 1992.
Luật cắt giảm thâm hụt làm lu mờ những thành tựu phát triển khác trong nhiệm kỳ tổng thống của cha tôi. Ông đã thực hiện được điều ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử là ban hành Luật Người khuyết tật, một dấu mốc cho hàng triệu công dân Mỹ bị khuyết tật thể chất có thể tham gia đầy đủ hơn vào hoạt động xã hội. Tôi đã trực tiếp thấy được sự ảnh hưởng tích cực của luật này. Khi đó, tôi đang làm quản lý cho đội bóng Rangers bang Texas, chúng tôi thiết kế một sân chơi bóng mới ở Arlington trong đó có cả đường đi và chỗ ngồi riêng cho những người khuyết tật, như vậy tất cả những người hâm mộ đều có thể đến cổ vũ cho đội Rangers.
Cha tôi cũng ký ban hành Luật Quyền Công dân năm 1991 - một sự bổ sung hợp lý cho Luật Mở cửa nhà đất mà ông ủng hộ từ năm 1968. Điều luật mới này cho phép những nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc có thể dễ dàng tiếp cận tòa án mà không cần có giấy chứng nhận tài sản. Cha tôi còn ban hành Luật Không khí Sạch sửa đổi năm 1990, văn bản pháp luật quan trọng nhất về vấn đề môi trường trong suốt hai thập kỷ. Luật này bắt buộc thị trường giảm tác hại của mưa axit theo cách có hiệu quả nhất về mặt kinh tế. Và nó thực sự đã có hiệu quả. Năm 2002, tạp chí Kinh tế Economist đã đánh giá điều luật này là “câu chuyện môi trường thành công nhất trong thập kỷ vừa qua”.
Một trong những thành tựu cá nhân khiến cha tôi hài lòng nhất là việc ông đã yêu cầu thiết lập chương trình ghi nhận và khuyến khích các tổ chức tình nguyện. Cha tôi từng nói trong diễn văn nhậm chức, ông gọi sáng kiến này là Các điểm sáng. Mỗi ngày, Nhà Trắng vinh danh một người tình nguyện đã và đang có đóng góp cho cộng đồng, và trao giải thưởng Điểm sáng trong ngày. Tính đến cuối nhiệm kỳ của cha tôi, đã có hơn 1.000 người được nhận giải thưởng này. Cha không chỉ dừng lại ở đó. Khi rời Nhà trắng, cha tôi có một sáng kiến mới, đó là chuyển chương trình Các điểm sáng sang một tổ chức tư nhân quản lý, do em trai tôi, Neil, làm Chủ tịch và tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa tình nguyện. Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã mời cha tôi đến Nhà Trắng để dự lễ vinh danh Điểm Sáng Trong Ngày lần thứ năm nghìn cho hai tình nguyện viên đến từ bang Iowa, những người đã khởi xướng chương trình cung cấp thức ăn và nước uống cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn.
Giống như những vị tổng thống tiền nhiệm, cha tôi cũng có cơ hội để tạo ảnh hưởng lên quyền lực thứ ba của chính phủ - bộ máy tư pháp. Cha tôi đã cách chức hai vị thẩm phán Tòa án Tối cao, William Brennan và Thurgood Marshall, hai vị thẩm phán có tư tưởng tự do nhất thế kỷ XX, và thay thế bằng David Souter và Clarence Thomas. Trong khi Souter, một nguyên thẩm phán Tòa án Tối cao của bang New Hampshire được đề cử bởi John Sununu và Nghị sĩ Warren Rudman, người mà sau này cũng thể hiện tư tưởng tự do, phóng khoáng giống hai người tiền nhiệm Brennan và Marshall. Clarence Thomas, một người Mỹ gốc Phi, lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo khó tại Pin Point, Georgia, sau đó được vào trường Đại học Công giáo Holy Cross và trường Luật Yale, ông nổi tiếng là một thẩm phán kiên định và vô cùng quy củ của tòa án tối cao.
Để có được vị trí này, thẩm phán Thomas đã trải qua một quy trình bổ nhiệm vô cùng khó khăn và bất công nhất trong lịch sử Thượng Nghị viện. Các phiên điều trần không tập trung vào bằng cấp và năng lực chuyên môn của ông mà nhằm vào những chuyện đời tư. Phe Dân chủ tại Thượng viện dẫn vào cả đoàn nhân chứng để cáo buộc ông tội quấy rối tình dục - một màn trình diễn đáng hổ thẹn và Thomas gọi đó là cách “hành hình bằng công nghệ cao”. Trong suốt phiên điều trần, áp lực rất khủng khiếp buộc Thomas phải từ bỏ không ứng cử vào vị trí chánh án. Tôi biết George Bush sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi một người tốt như vậy. Tôi nhớ mình đã nói với cha sau khi theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp phiên điều trần.
“Tên Thomas dơ dáy này ngày càng trở nên kinh tởm.”
“Con biết những gì con trai”, cha nói. “Người ta càng đối xử tàn tệ với ông ta bao nhiêu thì cha càng quyết tâm giao vị trí này cho ông ta bấy nhiêu.”
Cha tôi đã làm được những điều mình nói. Sau nhiều nỗ lực vận động hành lang, Thượng Nghị viện đã thông qua đề cử Thomas làm Thẩm phán với tỷ lệ 54 và 48%, và có 11 đảng viên Đảng Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ.
Chứng kiến quá trình cha tôi bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao đã mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích khi sau này tôi có cơ hội bổ nhiệm những vị thẩm phán trong nhiệm kỳ của mình. Tôi học được rằng tổng thống rất cần xem xét toàn diện những người sẽ được bổ nhiệm. Thời gian đầu trong nhiệm kỳ tổng thống, tôi đã ủy nhiệm cho tổ chức tư vấn của mình tìm hiểu kỹ càng về những ứng cử viên có tiềm năng cho chức vụ tại Tòa án Tối cao. Khi thẩm phán Sandra Day O’Connor tuyên bố từ chức năm 2005, tôi đã mời tới năm nhà luật học và phỏng vấn từng người một tại dinh thự ở Nhà Trắng. Tôi đã nhìn nhận tổng quát những triết lý, quan điểm của họ một cách công bằng; những gì tôi thực sự muốn tìm hiểu đó là nhân cách của họ và liệu rằng triết lý của họ có thay đổi theo thời gian hay không. Tôi phải thừa nhận rằng tất cả các ứng viên đều rất xuất sắc, thế nhưng tôi thực sự ấn tượng với luật gia John Roberts, một con người hào phóng và khiêm tốn, ông đã tham gia tranh tụng hàng chục vụ án tại Tòa án Tối cao và được xem như là một trong những luật sư tài giỏi nhất ở thế hệ của ông.
Thoạt đầu, tôi chọn John để thay vào vị trí của O’Connor, thế nhưng, về sau tôi lại đưa ra quyết định khác, thay vì thế, tôi bổ nhiệm ông ấy vào vị trí chánh án Tòa án Tối cao thay cho vị trí của Rehnquist sau khi ông này qua đời. Thay thế chức vụ của Thẩm phán O’Connor, tôi chọn Sam Alito, một thẩm phán có tài ăn nói và cũng là một con người hết sức thông minh, ông là một người rất say mê ngành luật được cho là chịu ảnh hưởng của chính trị gia người bang Philadelphia, Phillies. Cả hai người đàn ông này khiến tôi cảm thấy rất tự hào trong suốt thời gian họ làm việc trong Tòa án Tối cao.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của cha tôi, hầu hết người dân đều nghĩ rằng cha tôi sẽ lại ra tranh cử trong lần tới. Cha tôi yêu thích công việc này, và quả thực ông đã làm rất xuất sắc. Thế nhưng quyết định ra tranh cử lần tới không phải là hành động bột phát. Mối quan tâm hàng đầu của ông là sự tác động của việc tranh cử tới gia đình. Một lý do nữa đó là em trai tôi, Neil. Cậu ấy làm việc trong Ủy ban những giám đốc của Quỹ Tiết kiệm và cho vay Ngân hàng Silverado. Giống như hàng nghìn những hội viên của hiệp hội tiết kiệm và cho vay ngân hàng, Silverado đã mở rộng quá mức việc cho vay tiền, kết quả là nó không thể trả nợ được khi lãi suất tăng, và Silverado đã phải nhờ tới tiền đóng thuế liên bang để hoàn trả tiền cho những người gửi. Giới truyền thông và những người chống đối cha tôi trong chính trường đã mô tả em trai tôi như là một “con giời khoác lác” và buộc tội cậu ấy phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng ngân hàng. Cậu ấy phải ra trả lời chất vấn trước Ủy ban Quốc hội để giải trình những vấn đề hóc búa. Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ đã mở một cuộc điều tra, và cuối cùng đưa việc này ra tòa dân sự (việc này sau đó được giải quyết mà không phải đưa ra tòa).
Cha tôi đã bị áp lực rất lớn. Ông bày tỏ sự đau đớn đối với cậu con trai thứ. Sau này ông đã viết, ông cảm thấy như muốn chết đi khi chứng kiến Neil bị cô lập chỉ vì cậu ấy là con trai của tổng thống. George Bush sẵn sàng nhận hết áp lực của vị trí tổng thống. Thế nhưng, khi công việc này ảnh hưởng tới gia đình thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Một ngày, cha và tôi đi câu cá ở Maine, ông nói với tôi với vẻ mặt buồn rầu: “Con trai này, cha đang suy nghĩ về việc sẽ không ra tranh cử nữa”.
“Tại sao thưa cha?”, tôi hỏi.
“Bởi vì những gì Neil, em trai con, đang phải trải qua”, ông nói.
“Con biết việc này hết sức khó khăn”, tôi nói, “thế nhưng cha vẫn phải làm những gì cần làm, nước Mỹ cần có cha”.
Cha tôi không nói gì. Rõ ràng cha tôi đang thực sự băn khoăn liệu có nên ra tranh cử lần tới không, khi mà em trai tôi đang vấp phải quá nhiều tổn thương.
Một ngày kia, tôi bắt gặp cảnh Neil đang tập thể dục trong một phòng tập ở Dallas. Tôi nghe thấy có người nói, “Kia là con trai của Tổng thống, hắn ta sắp bị ra tòa”. Lúc đó tôi cảm thấy giận sôi trong người, tôi đã đi tới chỗ họ và hét lên, “Tôi chẳng có tội gì mà phải ra tòa, em trai tôi cũng vậy. Làm ơn nói đúng sự thật, đừng phát tán tin đồn nhảm nhí”. Người lạ mặt đó đã quay lại, lắp bắp nói những lời xin lỗi. Những điều không tốt đẹp của tôi về cuộc khủng hoảng ngân hàng Silverado nhanh chóng qua đi. Đối với em trai tôi, Neil, khủng hoảng này ám ảnh cậu ấy mãi mãi.
Nhiều năm sau đó, tôi vẫn nhớ những trải nghiệm của Neil khi tôi đang băn khoăn có nên ra tranh cử tổng thống hay không. Tôi thấy do dự trong việc nói với gia đình tôi, đặc biệt là hai cô con gái nhỏ, về cách xử sự không tốt đẹp mà Neil đã phải trải qua. Cuối cùng, giống như cha tôi, tôi đã quyết định rằng gia đình tôi có đủ sức mạnh vượt lên sự hoài nghi của công chúng. Làm tổng thống tất nhiên sẽ vấp phải nhiều lời chỉ trích, và một trong những khó khăn lớn nhất của bất kỳ tổng thống nào đó là chứng kiến những lời chỉ trích có thể ảnh hưởng tồi tệ đến gia đình những người thân yêu của họ.
Cha tôi còn có một lý do khác khiến ông lưỡng lự không muốn tái tranh cử. Năm 1989, mẹ tôi bị chẩn đoán với căn bệnh tuyến giáp, có thể gây ra tình trạng giảm cân trầm trọng và những vấn đề về mắt. Hai năm sau, cha tôi lại mắc chứng tim đập không ổn định và suy nhược. Tháng 5 năm 1991, khi Laura và tôi đến tham dự một bữa tiệc tối với Nữ hoàng Anh, tôi đã rất bàng hoàng khi trông thấy bộ dạng của cha, trông ông rất mệt mỏi và tiều tụy. Cha tôi chưa bao giờ phàn nàn về việc này, thế nhưng tôi có thể cảm nhận được những gì cha đang phải chịu đựng. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cha già yếu như vậy. Thật kỳ lạ, các bác sĩ kết luận cha tôi cũng mắc căn bệnh tuyến giáp. Họ đã làm những gì tốt nhất có thể để chữa trị cho căn bệnh của ông, thế nhưng chữa bệnh này phải mất rất nhiều thời gian. Và có vẻ như cha tôi sẽ chẳng bao giờ có thể lấy lại được sức khỏe như trước kia. Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới công việc của cha lẫn việc ra tranh cử lần tới. Thế nhưng George Bush là một người luôn phấn đấu. Ông đã giải thích trong đại hội năm 1988 rằng ông coi việc làm tổng thống như một sứ mệnh - và cha quyết tâm hoàn thành sứ mệnh ấy.
Khoảng mùa hè năm 1991, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng về chiến dịch tái tranh cử. Người Mỹ đang rất chú trọng vào kinh tế. Và thời kỳ suy thoái này không phải là dấu hiệu tốt cho tổng thống đương nhiệm - nhất là Tổng thống đó đã làm cho đảng viên mất lòng vì phá vỡ cam kết ông đã từng hứa khi tranh cử.
Ngoài vấn đề kinh tế, tôi cũng rất lo lắng về vấn đề tâm lý chính trị của nước Mỹ. Trong tám năm cha tôi làm phó tổng thống và bốn năm làm tổng thống, ông đã thực sự được rất nhiều người biết đến. Bản thân những người Mỹ, họ muốn tìm ở tâm điểm của sự chú ý quá lâu. Người dân Mỹ tất nhiên muốn tìm kiếm những gương mặt mới. Thế hệ bùng nổ dân số được sinh ra trong những năm 30, 40 ngày càng tham gia tích cực vào chính trị. Những nhà lãnh đạo từ thế hệ Thế chiến thứ hai bắt đầu trở nên lỗi thời. Thậm chí, trong số những người ủng hộ nhà Bush, năng lượng và nhiệt huyết không còn giữ được ở mức cao như năm 1988.
Để thuyết phục người dân Mỹ rằng cha tôi xứng đáng làm việc thêm bốn năm nữa, ông cần đưa ra những thông điệp tích cực và hướng tới tương lai nhiều hơn. Thế nhưng, thật là một thảm họa khi chiến lược gia hàng đầu của cha tôi, ông Lee Atwater, đã qua đời vì căn bệnh ung thư não năm 1991. Chẳng có ai trong số những người còn lại đủ tài năng như Lee để đứng lên điều hành chiến dịch tái tranh cử. Những hiểm họa về một viễn cảnh chính trị không mấy tốt đẹp trở nên rõ ràng hơn vào tháng 12 năm 1991 khi Dick Thornburgh, cựu Tổng chưởng lý của cha tôi và là Thống đốc nổi tiếng của bang Pennsylvania, đã bất ngờ thua trong cuộc đua vào Thượng Nghị viện bang. Đó là một hồi chuông báo động về những mối đe dọa mà George Bush sắp phải đối đầu.
Mọi người trong gia đình tôi tránh phàn nàn để không chất thêm gánh nặng lo lắng lên cha tôi. Nhưng vào đầu mùa thu năm 1991, tôi đã phải nói với cha rằng, tôi thực sự rất quan ngại về việc cha tham gia tranh cử một lần nữa. Tôi biết rằng cha cũng đồng tình với tôi, bằng chứng là ông đã yêu cầu tôi đảm nhiệm một công việc hết sức nhạy cảm. Ông muốn tôi phân tích làm sao để cải thiện hoạt động của Nhà Trắng và đề xuất cách xây dựng chiến dịch năm 1992. Cha tôi đã gửi một bức thư tới tất cả những cố vấn cấp cao của ông, ông yêu cầu họ gặp tôi và chia sẻ những suy nghĩ thẳng thắn của họ. Ban đầu tôi giật mình vì cha giao cho tôi một việc quan trọng đến thế. Nhưng ngay sau đó, tôi cảm thấy xúc động vì cha tin tưởng tuyệt đối vào tôi.
Tôi đã nhận nhiệm vụ này một cách nghiêm túc. Tôi đi lại nhiều lần từ Dallas tới Washington để phỏng vấn những quan chức cấp cao của Nhà Trắng và những người tham gia chiến dịch vận động tranh cử. Rõ ràng là nhiều vị cố vấn cấp cao cảm thấy rằng họ đang dần xa cách và không hợp tác chặt chẽ với tổng thống. Họ cảm thấy tổng thống bị tách biệt và họ không dễ dàng để tiếp cận, đó là một điểm yếu của cha. Những cuộc phỏng vấn đi đến một kết luận tổng hợp rằng cha tôi nên thay đổi cách hoạt động của Nhà Trắng, bắt đầu từ Chánh Văn phòng Nhà Trắng.
Cuối tháng 11 năm 1991, cha mẹ và tôi cùng nhau ăn tối trong phòng ăn của gia đình tại Nhà Trắng. Trong khi ăn món súp khai vị, tôi đã tổng kết cho cha nghe về những cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện. Cha tôi nghe tất cả, và ông không nói gì nhiều trong khi ăn món chính. Cuối cùng, khi dùng món tráng miệng, cha tôi nói, ông đồng ý với kết luận rằng Nhà Trắng cần được tổ chức lại và chức vụ Chánh Văn phòng cần được thay thế bằng một người khác. Sau đó ông hỏi tôi, “Con nghĩ ai là người thích hợp để nói chuyện này với John Sununu?”.
Tôi ngạc nhiên vì câu hỏi này. “Tại sao cha không nói điều đó với ông ta?”, tôi hỏi.
Ông trả lời, “Tốt hơn là nên có một người khác làm điều này”. Chúng tôi cùng nhau đưa ra danh sách những cái tên phù hợp, thế nhưng cha không muốn ai trong số họ giải quyết việc này.
Cuối cùng, cho dù tư cách là con trai của tổng thống có vẻ không phù hợp cho việc thông báo sa thải ông Chánh Văn phòng, tôi nói, “Thưa cha, nếu không có ai khác làm, thì hãy để con. Con có thể nói chuyện với Sununu bất cứ khi nào cha muốn”.
Tôi nín thở chờ phản ứng của cha. Ngưng một lúc lâu, ông nói, “Được thôi”.
Suốt nhiều năm sau đó, tôi đã suy nghĩ nhiều về cuộc nói chuyện giữa tôi và John Sununu. Tôi chỉ nói với John rằng, ông ấy nên đi gặp tổng thống, tâm sự chân tình với cha tôi, và hãy cho cha tôi một cơ hội thay đổi nếu cha tôi mong muốn. Tôi không biết chuyện gì đã diễn ra sau đó, thế nhưng tôi biết rằng, một vài ngày sau đó John đã đi gặp cha tôi để nói chuyện tại Trại David. Ngay sau Lễ Tạ ơn năm 1991, John Sununu - một người có trình độ và một người bạn trung thành với George Bush - đã từ chức Chánh Văn phòng.
Tôi vẫn luôn băn khoăn không biết vì sao cha không tự mình nói chuyện với Chánh Văn phòng. Tôi chẳng bao giờ hỏi cha. Chuyện đó đã dạy cho tôi một bài học. Khi tôi trở thành thống đốc, rồi tổng thống, tôi giải quyết chuyện thay đổi nhân sự bằng cách nói trực tiếp hoặc nhờ một người thân tín (tất nhiên không phải người trong gia đình) thay tôi làm công việc này. Khi tôi quyết định tổ chức lại Nhà Trắng trong năm thứ 5 làm tổng thống, tôi nói với người bạn thân của mình đồng thời là Chánh Văn phòng Andy Card rằng tôi cảm thấy đã đến lúc phải thay đổi. Và khi quyết định thay Bộ trưởng Ngân khố Paul O’Neill và Bộ trưởng Quốc phòng Don Rumsfeld, tôi đã yêu cầu Phó Tổng thống Dick Cheney đi nói chuyện với họ.
Cùng trong bữa tối hôm đó ở Nhà Trắng, cha và tôi đã thảo luận về cách tổ chức chiến dịch tranh cử năm 1992. Không giống như năm 1988, tôi đã không lên kế hoạch ở lại Washington trong chiến dịch tranh cử của cha lần này. Tôi rất bận rộn với việc quản lý đội bóng Rangers ở Texas. Tôi gợi ý cha yêu cầu Jim Baker, người đã tham gia vào tất cả các chiến dịch tranh cử toàn quốc của cha, từ bỏ chức ngoại trưởng để điều hành chiến dịch tranh cử năm 1992. Cha tôi lưỡng lự với việc yêu cầu Jim từ bỏ chức vụ này và tham gia vào đấu trường chính trị. Tôi hiểu quyết định của cha, thế nhưng với việc Atwater qua đời và Ngoại trưởng Baker sẽ rút lui khỏi đấu trường chính trị, sự lo lắng của tôi về lần tranh cử này càng tăng lên.
Năm 1992 không phải là một năm quá tồi tệ với Tổng thống George Bush. Cha có chuyến công du đầu năm tới châu Á, tại đó, ông đàm phán một số thỏa thuận thương mại. Điểm dừng chân cuối cùng là Nhật Bản. Sau một ngày có nhiều cuộc họp, cha và mẹ tôi tham dự một bữa tiệc với Thủ tướng Kiichi Miyazawa. Cả ngày hôm đó, cha tôi cảm thấy không khỏe, thế nhưng ông vẫn giữ phép lịch sự để tham dự bữa tiệc. Mọi thứ đều tốt đẹp cho tới nửa chừng bữa ăn hôm đó, vẻ mặt cha tôi mệt mỏi, ông gục đầu xuống, sau đó ngã khỏi ghế ngồi và nôn mửa vào người Thủ tướng. Nhân viên Sở Mật vụ của cha tôi đổ xô đến, mẹ tôi cũng đến bên cạnh đưa cho cha một cái khăn. Cha tôi nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo.
“Tại sao em không kéo tôi lăn xuống dưới gầm bàn và như thế em vẫn có thể tiếp tục bữa tiệc của mình”, cha tôi ngượng nghịu nói đùa.
Ngay sau đó, mọi người đưa cha quay trở lại khách sạn còn mẹ tôi ở lại tiếp tục bữa tiệc và chung vui với mọi người. Sự việc đó được báo chí quốc tế đưa tin, làm xuất hiện rất nhiều bài thơ trào phúng trong các chương trình hài kịch đêm muộn sau ngày hôm đó.
Chẳng có gì hài hước về vấn đề này khi nó lan tới tận tiểu bang New Hampshire. Vào tháng 12 năm 1991, nhà bình luận chính trị và cũng là một người dẫn chương trình truyền hình, Patrick J. Buchanan, đã công bố rằng ông ấy sẽ đối đầu với cha tôi trong hội nghị tuyển chọn ứng cử viên cho Đảng Cộng hòa tại tiểu bang New Hampshire. Buchanan chưa từng giữ bất kỳ một vị trí dân cử nào và có vẻ như ông ta tham gia bầu cử lần này chỉ để thu hút thêm khán giả cho chương trình truyền hình của mình. Một vài tháng trước đó, dường như không có đảng viên Đảng Cộng hòa nào là đối thủ của Bush. Việc Buchanan tham gia tranh cử thể hiện rằng vị trí của cha tôi trong Đảng Cộng hòa đang lung lay dữ dội. Những cuộc thăm dò ý kiến đầu năm 1992 đã chỉ ra rằng, Buchanan có thể giành tới 30% số phiếu ủng hộ trong Đảng Cộng hòa - một con số đáng báo động. Tôi đã chứng kiến những ứng viên đầy thách thức như vậy chạy đua tranh ở New Hampshire trước đây: Eugene Mc Carthy năm 1968, Ronald Reagan năm 1976 và Ted Kennedy năm 1980. Mỗi lần như vậy, những người bị thách thức như cha tôi lại thương tổn nghiêm trọng.
Thông điệp chính của Buchanan là George Bush đã phản bội chính sách bảo thủ mà Tổng thống Ronald Reagan đưa ra - ngày nay các chính trị gia Đảng Cộng hòa vẫn kiên trì theo đuổi chính sách này, cho dù một số người trong đảng không chú ý tới một số chi tiết trong hồ sơ của Ronald Reagan. Ông ta công kích cha tôi không chỉ về việc cha tôi phá vỡ cam kết không có chính sách thuế mới mà còn vì cha tôi đã ký ban hành Luật Quyền dân sự.
Buchanan đã mô tả cha tôi ngược lại với ông ta. “Ông ấy là người theo chủ nghĩa toàn cầu, còn chúng ta là người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông ấy tin vào việc có thể sống trong một thế giới chung, còn chúng ta tin vào chế độ cộng hòa cũ. Ông ấy đặt sự giàu có và sức mạnh của người Mỹ vào việc phục vụ những mục tiêu vô vọng của trật tự Thế giới Mới. Chúng ta đặt người Mỹ lên trên hết.” Buchanan phản đối Chiến tranh vùng Vịnh, ông ta nhìn nhận đó là “gây dựng Bộ Quốc phòng cho Israel và xây phòng cầu nguyện cho họ trên đất Mỹ”. Thông điệp này nhắc lại quan điểm của người theo chủ nghĩa biệt lập của ủy ban đầu tiên của nước Mỹ, vị thế bị cô lập của nước Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Nó cũng gợi cho tôi nhớ tới phong trào cực tả mà tôi đã vấp phải trong thập kỷ 60 và 70, và nó là tiền thân của phong trào Tea Party5 ngày nay. Ấy vậy mà có tới một phần ba số đại biểu của Đảng Cộng hòa ở New Hampshire lại chọn bỏ phiếu ủng hộ Buchanan.
5 Phong trào chính trị trỗi dậy trên chính trường Mỹ từ một loạt các cuộc phản kháng bảo thủ sau khi Barack Obama lên làm Tổng thống năm 2009; nhằm chống đối lại các chính sách cứu nguy kinh tế và dự án cải tổ bảo hiểm y tế của chính quyền Obama.
Sau khi thoạt đầu phớt lờ thách thức trong đại hội tuyển chọn ứng viên, Ban cố vấn chính trị của cha tôi đã đi tới thống nhất rằng tổng thống nên đến tiểu bang New Hampshire để đương đầu với những cuộc công kích của Buchanan và củng cố lòng tin của cử tri Đảng Cộng hòa. Ở tòa thị chính, cha tôi đã truyền đi một dòng chữ không mấy ấn tượng cho cử tri New Hampshire: “Thông điệp: Tôi quan tâm”. Chẳng có ai nghi ngờ gì, tất nhiên cha tôi luôn quan tâm rất nhiều. Cha tôi đưa ra một đề xuất giảm thuế vừa phải, hy vọng sẽ làm giảm gánh nặng cho người đóng thuế. Thêm nữa, cha tôi đã đưa ra con số tổng hợp do ban cố vấn cung cấp, khẳng định lĩnh vực kinh tế và ngân hàng đang tăng trưởng và vấn đề việc làm sẽ sớm được cải thiện. Thế nhưng, kết quả chẳng thấy đâu. Trong buổi tối diễn ra đại hội tuyển chọn ứng viên, Buchanan sở hữu hơn 37% phiếu ủng hộ, con số này được giới truyền thông đang muốn cự tuyệt tổng thống thổi phồng lên như hình ảnh tương phản với George Bush.
Buchanan tiếp tục ở lại với cuộc tranh cử thêm vài tháng nữa, gây ấn tượng với làn sóng dư luận bằng những cuộc công kích tổng thống. Cuối cùng ông ta bỏ cuộc và quay sang ủng hộ cha tôi, nhưng mối thách thức từ Buchanan cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Trải nghiệm này đã làm sáng tỏ một trong những quy luật quan trọng của chiến dịch tranh cử trong chính trị: đó là tầm quan trọng của việc củng cố nền tảng cơ sở. Tình hình trở nên dễ dàng hơn với tôi khi tôi ra tranh cử năm 2000 vì các đại biểu trong Đảng Cộng hòa đều thống nhất, và tất cả họ đều nóng lòng muốn giành lại quyền kiểm soát Nhà Trắng sau tám năm.
Năm 2004, ngay từ đầu, tôi đã tiếp cận những nhà lãnh đạo quan trọng và cố gắng xóa đi những mối lo ngại từ việc chia rẽ bè phái trong đảng. Pat Buchanan đã ngăn cản George Bush làm điều này trong năm 1992. Để làm cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn, Buchanan đã ra sức ủng hộ những người không theo đảng phái nào, một trong những người đó đã tham gia cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống.
Nhìn bề ngoài, H. Ross Perot và George Bush có một số điểm chung. Giống như cha tôi, Perot là một cựu lính thủy và là một thương gia thành đạt ở bang Texas. Là con trai của một nhà môi giới vật liệu bông sợi ở Texarkana, Perot tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, sau đó làm việc cho IBM. Cuối cùng ông mở công ty riêng Hệ thống Dữ liệu Điện tử, trở thành người tiên phong trong ngành công nghiệp máy tính, và nhanh chóng trở nên giàu có. Cha tôi và Perot biết nhau qua cộng đồng doanh nghiệp bang Texas. Theo cha tôi, hai người có mối quan hệ tốt với nhau. Thực sự, Perot rất kính trọng cha tôi, bởi một lần tôi chứng kiến ông ấy đã hỏi cha tôi rằng liệu cha tôi có muốn làm việc trong công ty dầu mỏ của ông ấy sau khi cha tôi thôi làm việc cho chính phủ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Carter.
Thế nhưng trong suốt những năm đó, rõ ràng có trục trặc trong mối quan hệ của cha tôi với Perot. Cha tôi nghĩ rằng trục trặc bắt nguồn từ việc Perot cho rằng vẫn còn có tù binh Mỹ bị bỏ lại sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bộ Quốc phòng báo cáo với Tổng thống Reagan rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy có những tù binh như vậy. Perot lại không đồng tình với nhận định này nên đã tự tổ chức những cuộc thảo luận với chính phủ Việt Nam. Tổng thống Reagan quyết định rằng những chuyến đi của Perot đến Việt Nam cần phải chấm dứt và tham vấn đội an ninh quốc gia về việc cần phải can thiệp vào tình huống này theo cách nào.
“Tôi biết Ross Perot từ hồi còn ở Texas, cho nên tôi sẽ đi nói chuyện này và làm cho ông ấy hiểu.” Cha tôi tình nguyện nhận công việc này.
Perot luôn bị ám ảnh rằng có một âm mưu cách ly những tù binh mất tích trong chiến tranh. Sau khi nói chuyện với cha tôi, ông ấy kết luận rằng cha tôi chính là người tham gia vào âm mưu đó. Về sau, cha tôi đã xác định, “Perot đã phủ nhận hoàn toàn thông điệp của tôi”.
Vào ngày 20 tháng 2 năm 1992 - hai ngày sau màn trình diễn ấn tượng của Pat Buchanan trong đại hội tuyển chọn ứng cử viên Đảng Cộng hòa của bang New Hampshire, Perot đã công bố trong chương trình truyền hình của Larry King trên CNN phát sóng trực tiếp cho phép khán giả gọi điện đến trường quay, rằng ông ta sẽ chạy đua vào ghế tổng thống năm đó nếu những tổ chức đảng cấp cơ sở trên toàn bộ 50 bang của Mỹ đăng ký tên ông ta vào danh sách ứng cử viên. Tại thời điểm đó, có vẻ như Perot không được kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên, vài tuần sau, Perot công bố ông ta đã phải thuê Mạng lưới mua sắm tại nhà giúp ông ta trả lời hàng nghìn cuộc gọi điện tới mỗi giờ nhằm thúc giục ông ta ra tranh cử.
Nghị trình của Perot có một vài điểm hấp dẫn cả hai phe trong chính trường Mỹ. Ông ta ủng hộ cắt giảm thâm hụt ngân sách và giảm chi tiêu lãng phí của chính phủ. Ông ta đồng ý với thông điệp bảo vệ chủ nghĩa số đông để đảm bảo cho các doanh nghiệp Mỹ tránh khỏi cạnh tranh từ nước ngoài. Ông ta cũng là người ủng hộ chủ nghĩa tự do, và phản đối Chiến tranh vùng Vịnh. Ông ta kêu gọi giảm tăng trưởng lợi nhuận An ninh Xã hội nhằm cân bằng ngân sách, ngoài ra mở rộng quy mô cuộc chiến chống ma túy. Chủ đề xuyên suốt nghị trình của ông ta là chống lại giới cầm quyền lẫn quan chức chính phủ. Và còn có ai khác biểu thị cho giới cầm quyền và quan chức chính phủ hơn Tổng thống George Bush.
Phản ứng đầu tiên đối với chiến dịch này của Perot có vẻ thô bạo. Những người đã biết Perot nhiều năm không thể tưởng tượng được rằng ông ta sẽ tồn tại trong đấu trường chính trị quốc gia. Tôi thấy lo lắng. Perot có rất nhiều tiền và ông ta đã tiếp cận với nhóm bất mãn theo phái dân túy ở Washington. Giới truyền thông sôi sục bởi sự xuất hiện của một gương mặt mới nổi để đưa lên mặt báo, và ban đầu họ đã dành nhiều tán dương cho Perot.
Tôi theo dõi diễn biến chiến dịch của Perot từ trụ sở văn phòng của mình tại Dallas, ngay đối diện với trụ sở chính của chiến dịch vận động tranh cử cho Perot. Ngày qua ngày, tôi thấy từng dòng người đi những chiếc BMW hay SUV đến sân trụ sở của ông ta để nhận bảng quảng cáo và những miếng dán quảng bá hình ảnh cho Perot. Nó như là thước phim quay chậm về sự tan rã của một nền chính trị.
Mùa hè năm 1992, chiến dịch của cha không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải công nhận rằng Perot thật là một đối thủ đáng gờm. Giống như Pat Buchanan trước đó, Perot làm những cuộc công kích khốc liệt vào cha tôi và bộ máy chính quyền đang tiêu xài tiền thuế ở Washington. Thế nhưng bỗng nhiên Perot tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua. Cách giải thích của ông ta vô cùng khó hiểu. Đầu tiên, ông ta nói rằng không muốn làm cử tri đoàn lâm vào thế bí và cũng không muốn cuộc bầu cử phải nhờ đến phán quyết của Hạ viện. Sau đó, ông ấy lại khẳng định (vô căn cứ), thực ra lý do ông ấy không tiếp tục tranh cử là do chiến dịch của cha tôi đã đe dọa dẫn đến phá hỏng đám cưới con gái ông ta. Tôi thật sự rất ngạc nhiên vì con người này cũng được coi là người nghiêm túc chạy đua vào ghế tổng thống. Tôi cũng học được rằng không được đánh giá thấp Ross Perot. Tôi nói với những người bạn tôi sau khi Perot rút lui, “Ông ta sẽ quay trở lại”.
Năm 1988, cha tôi ra tranh cử tổng thống theo gót tiền bối, Tổng thống Van Buren. Năm 1992, cha tôi muốn thử làm theo cách khác biệt chưa từng có. Chưa từng có người nào làm phó tổng thống hai nhiệm kỳ và sau đó lại thắng cử hai nhiệm kỳ tổng thống. John Adams đã suýt làm được điều đó, nhưng Thomas Jefferson mới là người chiến thắng. Hai thế kỷ sau đó, George Bush đã chạm trán với William Jefferson Clinton.
Thống đốc Bill Clinton của bang Arkansas không phải là một chọn lựa ưng ý của Đảng Dân chủ. Năm 1991, cha tôi đạt tỷ lệ ủng hộ tăng vượt trội trong những cuộc thăm dò ý kiến sau Chiến tranh vùng Vịnh, vì vậy một số những ứng viên chạy đua trước đó, trong đó có Thống đốc Mario Cuomo của New York và Thượng nghị sĩ Bill Bradley của bang New Jersey đã quyết định không tham gia ứng cử nữa. Clinton năm đó bốn mươi lăm tuổi (trẻ hơn tôi một tháng), ra tranh cử cho Đảng Dân chủ. Clinton là một con người cuốn hút và là một ứng cử viên tuyệt vời, người đã năm lần được bầu làm thống đốc. Ông được xem như là một trong số những nhà hoạch định chính sách thông minh nhất của Đảng Dân chủ. Ông đứng trung gian giữa hai khuynh hướng chính trị chủ nghĩa tự do truyền thống và chủ nghĩa bảo thủ. Tôi nhớ cha tôi nói với tôi rằng ông ấy rất ấn tượng với vị Thống đốc bang Arkansas tại Hội nghị Thượng đỉnh về giáo dục do Nhà Trắng tài trợ.
Clinton có một câu chuyện đời tư hấp dẫn. Cha ông qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ba tháng trước khi ông ra đời. Được mẹ nuôi dạy, ông đã bước chân từ một ngôi làng nhỏ bang Arkansas vào Đại học Georgetown, giành học bổng Rhodes và được nhận vào trường luật Đại học Yale. Và một chi tiết mà không một người viết kịch bản nào có thể sáng tạo hay hơn, ông ấy sinh ra trong ngôi làng có tên Hy Vọng.
Người đàn ông từ ngôi làng Hy Vọng phải vượt qua rất nhiều thử thách. Ông bị nhìn nhận là một con người đôi khi vô kỷ luật, và có những tin đồn ông thường ăn nói hớ hênh. Ông chỉ nhận được hơn 3% số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử kín ở bang Iowa và bang New Hampshire, giới truyền thông đã hỏi ông những chuyện liên quan đến việc một cựu biên tập viên truyền hình của bang Arkansas. Clinton đã trả lời cuộc phỏng vấn một cách đầy thuyết phục trong suốt chương trình 60 phút, ngay sau đó là chương trình Super Bowl (chương trình thể thao giải trí ăn khách nhất nước Mỹ). Ông ấy thừa nhận sai lầm trong công việc với cựu biên tập viên truyền hình, còn phu nhân của ông ta, Hillary, thì một mực bảo vệ chồng và cuộc hôn nhân của họ. Không lâu sau, Clinton đã gây sốc với giới chính trị khi về nhì ở bang New Hampshire, chỉ sau đối thủ nặng ký là Thượng nghị sĩ Paul Tsongas của bang Masachusetts. Trong bài phát biểu sau đó trước hội đồng tuyển lựa ứng viên, Clinton tự gọi mình là “Đứa con đã trở lại”, và đúng là ông đã trở lại chính trường đầy ngoạn mục. Ông nhanh chóng vượt qua các ứng viên khác ở khu vực hội đồng tuyển lựa phía nam, ông vượt qua Paul Tsongas và Thống đốc Jerry Brown của bang California để trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ.
Khi cuộc tranh đua càng đi vào chiều sâu, Bill Clinton càng bộc lộ rõ ràng là đối thủ đáng gờm. Ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc chọn ra những chủ đề chiến dịch rõ ràng và đơn giản. Một trong số những chủ đề đó là sự thay đổi. Sau tám năm dưới quyền Reagan - Bush và bốn năm Bush - Quayle, Clinton hiểu rằng, đã đến lúc cho những gương mặt mới lên tranh cử. Ông cũng nhận ra rằng sự thay đổi thế hệ dẫn đến cử tri đoàn cũng thay đổi. Clinton xây dựng hình ảnh cá nhân, ông chơi kèn saxophone trên chương trình truyền hình đêm muộn cùng với Arsenio Hall và xuất hiện trong chương trình MTV với các sinh viên đại học. Clinton nhấn mạnh gấp đôi chủ đề thay đổi khi ông chọn người cùng ra tranh cử là Thượng nghị sĩ Al Gore Jr. của bang Tennessee, một người cùng sinh ra trong thế hệ bùng nổ dân số. Thông điệp đã rõ: Thời của thế hệ mới đã đến.
Clinton và Gore nhấn mạnh chủ đề thứ hai: kinh tế. Bill Clinton nhận ra rằng nếu cứ nói về chính sách ngoại giao thì ông có ít cơ hội để đánh bại George Bush. Ông cảm thấy cha tôi đang gặp nhiều tổn thương trong vấn đề kinh tế. Chiến dịch tranh cử của ông theo khẩu hiệu “Nền kinh tế ngớ ngẩn”. Ông buộc tội cha tôi sao nhãng vấn đề kinh tế, thậm chí còn cho rằng cha tôi thành công về mặt ngoại giao vì đã không lo chuyện trong nước. Clinton có thể vô kỷ luật trong một số khía cạnh của cuộc sống nhưng vô cùng kiên trì theo đúng kế hoạch trong tranh cử.
Bill Clinton còn được hưởng lợi từ mối quan hệ thiện cảm với giới báo chí. Với lai lịch là người ở thế hệ bùng nổ dân số, mang quan điểm tự do và với thư ủy nhiệm luật gia của liên đoàn luật gia tốt nghiệp các trường đại học tinh hoa, gia đình Clinton được rất nhiều nhà báo cùng thế hệ yêu thích. Tất nhiên, giới báo chí quay sang ủng hộ Clinton. Tuy nhiên trong chiến dịch năm 1992, tôi cảm giác thấy giới báo chí chạy theo sự thay đổi và quên mất việc đảm bảo đưa tin khách quan và có chất lượng (Cách đưa tin đó sau này được lặp lại với một ứng cử viên khác cũng hứa hẹn mang đến sự thay đổi: Barack Obama).
Một ví dụ điển hình về sự thù địch của giới truyền thông dành cho George Bush diễn ra vào tháng 2 năm 1992. Khi đó, cha tôi đến tham quan hội chợ các gian hàng rau quả ở Florida. Giữa những sản phẩm khác nhau, cha tôi nhận ra một chiếc máy quét mã vạch thuộc chủng loại mới. Cha tôi đã bày tỏ sự khen ngợi đối với những người chủ gian hàng vì biết ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong kinh doanh, thế nhưng một nhà báo đã bịa ra một câu chuyện khác rằng cha tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy máy đọc mã vạch sản phẩm trong cửa hàng. Tờ New York Times đã viết: “Con người này cả đời làm chính trị, sống cuộc sống an nhàn của một vị quan liêu cấp cao nhiều thập kỷ. Thật khó khăn cho ông ta khi muốn quảng bá với cử tri một hình ảnh gần gũi với cuộc sống của tầng lớp trung lưu”. Nhưng sau đó, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng tay nhà báo viết bài này thậm chí còn không đến tham quan gian hàng đó ở hội chợ.
Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ vào tháng 7 năm 1992 là một cơ hội tốt đẹp cho Clinton và Gore trình diễn chiến dịch vận động tranh cử của họ cho công chúng Mỹ. Đại hội này còn chuẩn bị chu đáo để nhấn mạnh chủ đề về sự thay đổi, kết thúc bằng lời của bài hát Fleetwood Mac được cất lên sau bài phát biểu của Clinton, “Đừng bao giờ thôi mơ ước về ngày mai”. Thông điệp đó đã có tác dụng. Các ứng viên của Đảng Dân chủ kéo về New York đã gây sức ép rất lớn lên cặp liên danh cha tôi và Dan Quayle. Họ đã dẫn trước tới hai mươi bốn điểm.
Sau đại hội của Đảng Dân chủ, những người ủng hộ Bush thực sự nản lòng. Tôi cũng rất lo lắng, nhưng không thôi hy vọng. Tôi từng chứng kiến cha lội ngược dòng để vượt lên trên Michael Dukakis năm 1988. Và tôi tin rằng cha sẽ hưởng lợi vì cuối cùng chiến dịch năm 1992 chỉ còn lại hai ứng viên tranh cử. Sau nhiều tháng bị vắt kiệt sức bởi các cuộc công kích từ Buchanan, Perot và Clinton, cha tôi đã có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt với đối thủ trong các vấn đề cốt lõi như có khả năng lãnh đạo, dồi dào kinh nghiệm và có năng lực. Bắt đầu Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, cha tôi có thể mang lại sức sống mới trong chiến dịch tranh cử của ông bằng việc xóa bỏ suy nghĩ sai lầm rằng ông không quan tâm đến tầng lớp trung lưu Mỹ. Ông cũng có cơ hội trình bày rõ hơn cái đích ông muốn dẫn dắt đất nước đi tới.
Một cách để minh chứng cho điều này đó là cha tôi đã thổi một làn gió mới vào chiến dịch tranh cử bằng cách thay đổi bộ máy lãnh đạo chiến dịch. Vào tháng 8, cha tôi đưa Jim Baker trở lại Nhà Trắng giữ chức Chánh Văn phòng và điều hành chiến dịch mùa thu năm đó. Tôi biết Jim không cảm thấy dễ dàng khi phải từ bỏ vị trí ông ấy ưa thích - Ngoại trưởng Mỹ, thế nhưng ông ấy luôn trung thành với cha tôi.
Có một điều cha tôi đã quyết định không thay đổi gì, đó là người bạn cùng tranh cử trong liên danh với ông. Dan Quayle đã phục vụ tổng thống một cách tận tụy, và cha tôi cảm thấy thoải mái với vị phó tổng thống này. Cho dù nhận thấy rằng chọn một gương mặt mới để tạo liên danh tranh cử có thể khiến cuộc đua tranh thêm sôi nổi, cha vẫn cảm nhận được những khó khăn sẽ tới và gây khó xử cho người bạn của ông, nhất là năm bầu cử cũng là năm cuối nhiệm kỳ. Cuối cùng ông quyết định vẫn cùng Quayle trong liên danh tranh cử.
Với việc Baker quay trở lại vị trí chỉ huy, cha tôi và ban cố vấn của ông bắt đầu tìm chiến thuật cho chiến dịch mùa thu. Thật buồn khi việc đầu tiên họ cần phải làm đó là giành lại sự ủng hộ từ chính các đảng viên Đảng Cộng hòa - việc này đáng lẽ ra phải được hoàn thành từ nhiều tháng trước nhưng bị trì hoãn bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ Buchanan và Perot. Để làm điều này, chiến dịch phải quay trở lại cách cha tôi đã làm trong cuộc tranh cử năm 1988, khi đó ông đã thành công trong việc đề cao những giá trị cốt lõi của đảng viên Đảng Cộng hòa.
Trước đó, báo chí đã viết nhiều về Dan Quayle vì ông ấy chỉ trích Hollywood làm suy giảm tầm quan trọng của gia đình. Đáng nhớ nhất là việc ông ấy phản đối một chương trình truyền hình ăn khách có tên Murphy Brown với những nhân vật “được cho là hình ảnh của người phụ nữ thông minh, chuyên nghiệp và được trả lương cao trong xã hội ngày nay, nhưng họ chế nhạo tầm quan trọng của những người cha vì họ tự mình nuôi con, và gọi nó là sự lựa chọn phong cách sống mới”. Tuy đấu khẩu với một nhân vật trong phim khiến cho tranh luận không được tự nhiên, Quayle đã có một quan điểm rất quan trọng: Điện ảnh Hollywood đã thất bại khi truyền đi những giá trị quan trọng với người Mỹ. George Bush và Dan Quayle lại làm được điều này.
Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Houston là cơ hội tốt để Đảng Cộng hòa đoàn kết chống lại Clinton. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng giá trị gia đình mà cha tôi đang ủng hộ. George P, cậu con trai ở độ tuổi thiếu niên của Jeb, đã có bài phát biểu hết sức tuyệt vời nhằm ủng hộ ông nội, cháu đã gọi ông là “người đàn ông tuyệt vời nhất mà tôi biết”, và kết thúc bài phát biểu bằng việc bắt nhịp cho cử tọa hát đồng ca “Bush muôn năm!”. Mẹ tôi cũng phát biểu đầy cảm động về người đàn ông mà bà đã kết hôn gần năm mươi năm trước. “Lúc đó George và tôi chuyển nhà về miền Tây sau Thế chiến thứ hai và chúng tôi sinh con đầu lòng”, mẹ tôi nói. “George là một cựu chiến binh. Ông ấy đã tốt nghiệp đại học, sau đó có một công việc ở Texas, cuối cùng chúng tôi đã quyết định sống ở Midland, một vùng đất nhỏ với những con người lịch sự, những người hàng xóm tốt bụng, một nơi lý tưởng để chăm sóc gia đình, và đó là những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời chúng tôi”. Bà tiếp tục nói, “Những ngày đó, George làm việc trong những khu mỏ bụi bặm và rất bận, thế nhưng mỗi khi trở về nhà, anh ấy vẫn có thời gian để chơi bóng và nói chuyện với các con”. Mẹ tôi nói trong phần kết luận: “Các bạn biết đấy, với mỗi người chúng ta, gia đình là nơi ta thể hiện vòng tay nhân ái với nhau và luôn hỗ trợ nhau”. Mẹ tôi đúng là một tài sản chính trị đắt giá của cha tôi. Bà luôn là một người ngay thẳng và yêu cha tôi, bà cũng thu hút rất nhiều người dân Mỹ bởi tính cách nói chuyện bộc trực và khiếu hài hước.
Những người khác cũng có bài phát biểu về giá trị gia đình từ những cảm nhận riêng. Trong một nỗ lực lớn nhằm tạo ra sức mạnh đoàn kết, ban tổ chức đại hội đã đồng ý cho Pat Buchanan có một bài tham luận được phát sóng vào giờ vàng. Buchanan đã ủng hộ mạnh mẽ cho cha tôi, ông kêu gọi “Những người lính cận vệ của Buchanan” hãy quay về nhà và ủng hộ George Bush. Thế nhưng ông ấy cũng chỉ ra rằng có một “cuộc chiến tôn giáo” đang hoành hành trong tâm linh người Mỹ, bảo vệ những giá trị và niềm tin của “đạo Do thái và đạo Cơ đốc” như những nền tảng xây dựng nên đức tin của người Mỹ. Ông cũng tố cáo Hilary Clinton về việc cố tình đưa ra chương trình nghị sự về “thuyết nữ quyền”. Bài phát biểu của Buchanan phần nào đã giúp củng cố những quan điểm của Đảng Cộng hòa, thế nhưng, nó lại không làm nổi bật lên hình ảnh một Đảng Cộng hòa nhân ái và tao nhã (Bởi đại hội kết thúc muộn, bài phát biểu của Buchanan đã đẩy bài tham luận của cựu Tổng thống Ronald Reagan ủng hộ cha tôi ra khỏi khung giờ vàng khi phát sóng).
Trong bài phát biểu vào đêm cuối cùng của đại hội, cha tôi đã có cơ hội rút ngắn khoảng cách với Clinton. Như trong bài phát biểu năm 1988, cha tôi đã cố gắng nhắc các cử tri biết ông là người có kinh nghiệm, liêm trực và có tầm nhìn xa, rất phù hợp để làm việc trong vị trí này. Không giống như năm 1988, khi đó bài phát biểu đã được viết xong từ lâu và cha tôi có thể tập đọc trước nhiều lần. Bài diễn văn năm 1992 là kết quả của một quá trình mất kiểm soát. Tôi nhớ mình đã sốc khi vào hội trường đại hội ở khách sạn Houstonian và chứng kiến những cán bộ làm việc trong chiến dịch vận động tranh cử cho cha tôi đang tranh giành nhau bản nháp đầu tiên của bài tham luận vừa được viết chỉ ba ngày trước khi cha tôi đọc. Quá trình biên soạn bài tham luận là hình ảnh biểu tượng cho những vết nhơ trong chiến dịch tranh cử của cha năm 1992: chỉ phản ứng tự vệ chứ không dẫn dắt được dư luận.
Cha tôi bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc nói về vấn đề ở Iraq và Chiến tranh Lạnh, sau đó trở về vấn đề kinh tế. “Khi bức tường Berlin sụp đổ”, cha tôi nói đùa, tôi rất muốn được thấy tiêu đề trên báo, “Bức tường sụp đổ, ba lính canh biên giới thất nghiệp”. Và hàng dưới tiêu đề có thể là “Clinton đổ lỗi cho Bush”. Trong phần chính của bài phát biểu, cha nói ông lấy làm tiếc vì đã phê chuẩn đề xuất tăng thuế của Đảng Dân chủ đưa ra trong thỏa thuận ngân sách. Cha đã đề xuất biện pháp mới để cắt giảm chi tiêu và giảm thuế vào năm sau đó. Khác với bài phát biểu tổng kết đại hội năm 1988, có một kết quả rất tích cực và hướng tới tương lai, bài phát biểu năm 1992 thiên về tự vệ và tẻ nhạt. Tuy nhiên, khi cuộc thăm dò ý kiến tổ chức sau đại hội, cặp liên danh Bush - Quayle chỉ còn cách đối thủ Clinton - Gore 10 điểm. Dù cho việc ở lại của cha tôi có dấu hiệu tích cực, thế nhưng vẫn còn nhiều chông gai và trắc trở.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi Ross Perot lại tuyên bố quay trở lại tranh cử vào ngày mồng 1 tháng 10. Việc tham gia tranh cử lại của Perot có nghĩa là ông ta sẽ được lên truyền hình trong các cuộc tranh luận và có thể phát sóng các quảng cáo chống Tổng thống. Cha tôi chỉ vừa giành lại vị thế của mình, giờ đây, ông lại phải đối mặt với một đối thủ khó chịu khác.
Sự trở lại của Perot trong đấu trường tranh cử không phải là khó khăn duy nhất. Cuối tháng 8 năm đó, siêu bão Andrew đổ bộ vào hai bờ biển Florida và Louisiana, gây ra tổng thiệt hại khoảng 25 tỷ đô la và làm hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Ngay lập tức, cha tôi đã tuyên bố tình trạng thảm họa, cho phép những bang bị thiệt hại được nhận các khoản cứu trợ của chính quyền liên bang. Thế nhưng, cũng như trong những nỗ lực cứu trợ quy mô rộng khác, cha mất rất nhiều thời gian để mang những gói cứu trợ này đến nơi cần thiết. Cha tôi đã tới Florida để bày tỏ cam kết cứu trợ, gửi quân đội đến giúp đỡ, và điều Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đi giám sát quá trình cứu trợ. Nhưng điều đó không làm cho Bill Clinton và các lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Florida cũng như giới truyền thông ngừng chỉ trích chính phủ liên bang “xử lý chậm trễ”. Những lời chỉ trích này gợi nhớ lại các cáo buộc Tổng thống George Bush không quan tâm đến cuộc sống người dân. Tất nhiên, nhu yếu phẩm đã được chuyển đến nơi cần thiết và những gì tổng thống đã và cần làm. Đó là bài học cho tôi nhiều năm sau khi bản thân tôi phải đương đầu với các chính khách trong thảm họa thiên nhiên siêu bão Katrina năm 2005. Tôi rất tức giận khi chứng kiến các nhà bình luận và những người phản đối lợi dụng tình hình khó khăn này để thừa cơ kiếm chác những lợi ích chính trị.
Khi cha tôi quay trở lại đường đua chiến dịch, ông tiếp tục nhấn mạnh vào các giá trị. Cha tôi chỉ trích quan điểm của Clinton trong các vấn đề xã hội như nạo phá thai, trốn lính trong chiến tranh ở Việt Nam, tránh né thảo khế ước trong những năm ông ta học ở Oxford. Tuy nhiên, cha tôi lại khó khăn trong việc giành sự ủng hộ. Clinton không phải là Michael Dukakis.
Trong khi ủng hộ hầu hết các quan điểm nền tảng của Đảng Dân chủ truyền thống, ông ta cũng ủng hộ án tử hình, cải cách phúc lợi xã hội, hiệp định mậu dịch tự do khu vực Bắc Mỹ (NAFTA) và cắt giảm thuế ở tầng lớp trung lưu (dù cho sau này khi ông ta đắc cử tổng thống, thay vì cắt giảm thuế cho tầng lớp này, ông ta lại tăng thuế). Thật sự rất khó để coi ông ta là người theo chủ nghĩa tự do cánh tả. Một điều rất quan trọng, ông rất ít khi để yên trước những lời công kích. Và những câu trả lời của ông ta luôn quy về hai chủ đề chính: sự thay đổi và kinh tế.
Mùa thu năm 1992, có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong chiến dịch khiến cho các cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống thay đổi chóng mặt. Đó không phải là dấu hiệu tốt. Các cuộc tranh luận giữa các ứng viên là một đấu trường khó thắng dễ thua. Tôi nghĩ cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra ở St. Louis rất quan trọng. Ross Perot có một câu nói hay nhất trong buổi tối hôm đó khi ông ta kết thúc câu trả lời về kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách như sau: “Nếu có cách nào tốt hơn, tôi xin rửa tai lắng nghe” (Perot có đôi tai vểnh rất đặc biệt).
Buổi tranh luận thứ hai diễn ra ở Richmond, là cuộc tranh luận đầu tiên theo khuôn mẫu cuộc họp tại tòa thị chính. Hầu hết các câu hỏi đến từ những khán giả trực tiếp trong trường quay. Thay vì đứng đằng sau bục phát biểu, các ứng viên được ngồi ghế riêng và được khuyến khích đi lại làm chủ sân khấu. Một lần nữa, tôi không tham dự buổi tranh luận hôm đó. Nhưng, trên truyền hình, tôi có thể quan sát thấy cha không thoải mái với cách làm chương trình kiểu mới. Cha tôi đã không dứt khoát và có phần lóng ngóng khi trả lời câu hỏi về việc những khoản nợ quốc gia ảnh hưởng như thế nào tới cá nhân. Cha ngồi yên trên ghế khi trả lời theo kiểu tự vệ. Trái lại, Clinton đi lại bình thản trên khán đài, nhìn thẳng vào người ra câu hỏi và nói rành mạch những dự định của ông ta trong lĩnh vực kinh tế. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của buổi tối hôm đó là khi Perot trả lời rất dài dòng luẩn quẩn, những chiếc máy quay phim đã bắt được cảnh cha tôi đang xem đồng hồ. Đối với cử tri, hình ảnh này thể hiện sự chán nản (Al Gore đã không học được gì từ bài học của cha tôi. Ông ấy thất bại trong cuộc tranh luận năm 2000 vì liên tục thở dài khi đến lượt tôi trả lời. Và tôi cũng vậy, tôi cũng đã không rút ra kinh nghiệm từ bài học này nên đã thua trong một cuộc tranh luận năm 2004, tôi đã nhăn nhó khi nghe John Kery trả lời. Những cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống đôi khi rất hời hợt, khán giả chú ý vào các câu châm biếm, các cử chỉ của các diễn giả chứ không để ý đến nội dung trọng tâm của cuộc tranh luận).
Trong cuộc tranh luận thứ ba, tiêu đề được đưa ra. Clinton là người đang dẫn trước, cử tri còn tò mò về Perot. George Bush thì đang trong tình trạng nguy hiểm. Nhật ký của cha ghi lại ông đã lường trước rằng có thể ông sẽ thua từ giữa tháng 10. Ông viết, “Nếu chúng ta thua, thì bên kia đường chân trời đối thủ sẽ rất vui sướng. Nhưng như thế thật đau buồn, không phải buồn vì thua mà buồn vì làm người khác thất vọng”. Mặc dù nghi ngờ khả năng giành chiến thắng, cha tôi không phải là người dễ đầu hàng. Ông sẽ chiến đấu kiên cường. Trong những tháng cuối cùng của chiến dịch, cha tôi cũng nhận được những dấu hiệu tốt trong tăng trưởng kinh tế. Ước tính trong quý III, kinh tế đã tăng trưởng 2,7%, tăng cao nhất trong hai năm qua. Khoảng cách các đối thủ cũng bắt đầu thu hẹp lại sau những lần thăm dò ý kiến. Cha đang cạnh tranh trực tiếp với Clinton, và những người ủng hộ Perot đang phải suy nghĩ lại. Chỉ một tuần sau đó, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri lại cho ra kết quả mới. Cán cân chiến thắng có phần nghiêng về phía cha.
Thế rồi lại xảy ra một tai nạn khác. Vào ngày thứ Sáu trước ngày diễn ra bầu cử, Công tố viên Lawrence Walsh công bố một cáo trạng chống lại Caspar Weinberger, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan, vì những báo cáo sai lên Quốc hội liên quan đến vụ tai tiếng Iran - Contra. Trong ngày câu chuyện bị hé lộ ra, cha tôi đang chuẩn bị xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Larry King. Thay vì chỉ tập trung vào những thông tin kinh tế tích cực, cha phải nói lại cho rõ vụ Iran - Contra. Và sau đó có người gọi điện tới trường quay. Larry King thông báo, “Chúng ta có một cuộc gọi từ Little Rock, của một người có tên là George Stephanopoulos”. Giới truyền thông năm 1992 không nghi ngờ gì về cái tên này, nhưng nếu họ tìm hiểu kỹ thì đây chính là cuộc gọi từ Giám đốc Truyền thông của Clinton. Một ông Stephanopoulos lịch thiệp nào đó gọi đến gây khó dễ cho cha tôi về vụ Iran - Contra. Đó là một cái mũ chụp lên toàn bộ chiến dịch. Từ Buchanan tới Perot tới siêu bão Andrew rồi lại đến Perot (lần thứ hai) và bây giờ là vụ Iran - Contra, cha tôi phải đối mặt với hết khó khăn này đến khó khăn khác. Cha có thể giải quyết từng vụ một. Nhưng nếu tất cả những khó khăn này đến cùng một lúc, chúng như những trận cuồng phong đập liên hồi vào dinh thự của chúng tôi tại Walker’s Point trong lễ hội hóa trang Halloween năm 1991.
* * *
Ngày Chủ nhật, mùng 2 tháng 11 năm 1992, ngày cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử trong cuộc đời phục vụ nhân dân của George Bush. Tôi tháp tùng cha lên chiếc Không lực số 1 để ông đi vận động từ bang này sang bang khác. Tôi đã cố gắng để tỏ ra lạc quan, thế nhưng, tôi lại chìm đắm trong nỗi thất vọng vì một con người tốt bụng như cha có thể bị đánh bại. Oaks Ridge Boys là nhóm nhạc cha tôi yêu thích nhất, được mời cùng đi trên máy bay với cha tôi. Trên đường đi đến một trong những điểm dừng chân cuối cùng, cha tôi và đội tham gia chiến dịch tranh cử đã ngồi lại với nhau nghe nhóm nhạc Oaks, cha gọi họ như vậy, hát bài Ân huệ tuyệt vời. Ở cuối bài hát, tất cả chúng tôi đều khóc. Tôi đã chợt nghĩ rằng bài hát này người ta thường dùng trong đám tang - phải chăng là sự chuẩn bị cho chúng tôi sẵn sàng đón những tin tức tồi tệ nhất.
Trong ngày bầu cử, George Bush trông kiệt quệ hơn rất nhiều. Ông có vẻ thấy nhẹ nhõm hơn vì chiến dịch đã kết thúc. Và vì tính cha tôi luôn lạc quan, cha rất tin tưởng vào viễn cảnh tốt đẹp dành cho ông. Sau khi bỏ phiếu ở Houston, cha mẹ tôi cùng nhau trở về khách sạn Houstonian, nơi toàn bộ những thành viên trong đại gia đình của tôi đã tụ họp trước đó. Khi người quản lý chiến dịch gọi điện cho tôi thông báo về kết quả vòng đầu tiên của cuộc bỏ phiếu, tôi biết đó sẽ là một đêm khó khăn. Khi ông ấy gọi để thông báo kết quả vòng hai, tôi biết rằng, mọi thứ đã chấm dứt. Tôi tới phòng của cha và mẹ. Chỉ có hai người họ trong phòng.
“Mọi chuyện thế nào rồi con trai?”, ông tươi cười hỏi tôi.
“Không tốt, thưa cha” tôi nói một cách lịch thiệp. “Đã có kết quả kiểm phiếu và có vẻ như chúng ta sắp thất bại”.
Cha tôi ngồi lặng thinh một lúc. Có vẻ như cha gồng mình lên để quên đi nỗi thất vọng đang ập đến. Cha đã làm hết khả năng. Ông đã chơi tất cả quân bài mình có. Thế nhưng điều đó chẳng có nghĩa gì. Sau hơn hai thập kỷ phục vụ nhân dân, tám năm làm phó tổng thống, bốn năm làm tổng thống, thế nhưng George Bush lại bị người Mỹ thẳng tay ruồng bỏ. Trong tất cả những cuộc bầu cử mà cha tôi thất bại, đây hẳn là lần ông cảm thấy tổn thương nhất.
Lúc nào cũng vậy, cha luôn là một người hết sức lịch thiệp. Cha gọi điện cho Clinton ngay sau khi cuộc bầu cử khép lại ở bờ Tây nước Mỹ, thừa nhận thất bại, ông gửi lời cảm ơn nồng ấm tới những người ủng hộ ông ra tranh cử và chúc mừng tới vị tổng thống mới. Khi việc kiểm phiếu hoàn thành, Bill Clinton chiến thắng với 43% số phiếu. Cha tôi chiếm 38% trong khi Perot được 19%. Nhìn chung, có khoảng gần hai mươi triệu người ủng hộ cho Perot. Nếu cuộc đua tranh chỉ có hai người thì không biết hai mươi triệu cử tri đó sẽ bầu cử cho ai. Tôi đã tin rằng, và mãi đến hôm nay vẫn tin, nếu Ross Perot không tranh cử năm 1992, George Bush hẳn đã là người trúng cử. Tôi biết cha tôi cũng nghĩ như vậy. Cha tôi không thù hằn ai cả. Thế nhưng, trong một bộ phim tài liệu được chiếu năm 2012, cha tôi đã nói rằng, “Tôi nghĩ Perot làm tôi thua trong cuộc bầu cử, và tôi không thích ông ta”. (Thật thú vị, mặc cho những gì đã xảy ra trong chiến dịch năm 1992, tôi vẫn có một mối quan hệ bạn bè tốt với Bill Clinton và Ross Jr., con trai của Ross Perot).
Tất nhiên, không chỉ có Perot phải chịu trách nhiệm cho thất bại này. Sau mười hai năm George Bush làm phó tổng thống và tổng thống, người dân Mỹ đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Thế hệ bùng nổ dân số ngày càng chiếm phần lớn trong khối cử tri, và Bill Clinton chính là hình ảnh đại diện của khuôn mặt mới mà nhiều cử tri theo đuổi. Và sau đó là vấn đề kinh tế. Bill Clinton đã sai lầm khi cho rằng George không quan tâm tới vấn đề kinh tế và cũng không chịu xoay xở nền kinh tế. Cha tôi biết rõ rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với mối lo kinh tế. Cha tôi cũng đã có những hành động để giải quyết. Năm 1993, Bộ Thương mại đã xem xét lại những dự đoán của năm trước. Hóa ra là, nền kinh tế Mỹ đã tăng trong cả bốn quý năm 1992, trong đó tỷ lệ tăng trưởng 5,7% trong quý cuối cùng trong kỳ bầu cử. Tăng trưởng này tạo đà cho sự bùng nổ kinh tế trong thập niên 90, và nhiều người cho rằng đó là công của Bill Clinton. Thật châm biếm là Bill Clinton đã bàn giao cho tôi một nền kinh tế có vẻ như tăng trưởng cao nhưng sự thật là đang đi vào suy thoái. Bài học lựa chọn đúng thời điểm rất quan trọng trên vũ đài chính trị, và sự thực là, vào thời điểm đó, chính điểm rơi của nền kinh tế cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến George H.W. Bush thất bại.
Chỉ hơn hai tuần sau khi thất bại trong cuộc tranh cử, cha tôi bay về quê nhà ở Greenwich, Connecticut. Cha vẫn chưa hết thất vọng về cuộc bầu cử, và bây giờ ông phải đối mặt với những tin xấu khác. Thân mẫu kính yêu của ông, bà Dorothy Walker Bush, đang hấp hối. Trong suốt cuộc đời chín mươi mốt năm, bà tôi luôn tràn đầy sinh lực, mạnh mẽ và tươi trẻ. Dù đã tám mươi tuổi, bà vẫn chơi golf và đi bơi thường xuyên. Bà chưa bao giờ đánh mất đi tính cách ưa thích cạnh tranh, lòng tin vĩnh cửu và tình yêu thương người khác. Cha tôi và em gái tôi Dorothy, được đặt trùng tên với bà tôi, ngồi bên cạnh giường trong lúc bà ngủ. Có lúc bà bảo cha tôi đọc Kinh Thánh cho bà nghe. Khi cha tôi mở cuốn Kinh đã cũ màu thời gian, những tập giấy rơi từ trong sách ra. Đó là những bức thư mà cha tôi đã viết cho bà hơn năm mươi năm về trước. Bà tôi vẫn luôn giữ nó trong cuốn Kinh Thánh, và mỗi ngày bà đều cầu Chúa ban phước lành cho con trai bà. Cha cùng với bà tôi cầu nguyện lần cuối và nói lời tạm biệt để ông quay trở lại Nhà Trắng. Một vài giờ sau đó, bà tôi ra đi. Tối hôm đó, cha tôi đã viết nhật ký, “Mẹ, con hy vọng mẹ biết chúng con yêu mẹ và quan tâm đến mẹ rất nhiều. Tối nay mẹ hãy yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của Chúa cùng với cha”.
Trong hoàn cảnh đau buồn và thất vọng, cha tôi vẫn xác định trở lại làm việc tận tâm trong khoảng thời gian cuối cùng tại Nhà Trắng. Với tính cách của cha, ông muốn sử dụng vị thế để giúp đỡ những người khác. Khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Boutros Boutros-Ghali yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề nạn đói ở Somalia, cha tôi đã đồng ý. Cha tôi đã điều Hải quân Hoa kỳ đến quốc gia Đông Phi đang bị tàn phá bởi chiến tranh để giúp gây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và đảm bảo thực phẩm được chuyên chở tới quốc gia này. Đầu tháng một, cha tới Somalia để thăm những người đang thực hiện sứ mệnh cứu trợ. Cha tôi là một Tổng tư lệnh tận tâm, ông muốn nhân chuyến công du nước ngoài cuối cùng trong cương vị tổng thống để cảm ơn những người đã nhận lệnh của ông đi phục vụ ở những vùng đất xa xôi ngoài nước Mỹ.
Cha tôi không phải là người duy nhất thấy tuyệt vọng về việc thất bại trong cuộc tranh cử. Nhiều tuần sau khi cuộc bầu cử kết thúc, những thành viên trong Nhà Trắng cũng bày tỏ sự thất vọng và chán nản. Cha tôi hy vọng làm cho mọi người quên đi tâm trạng đó, ông quyết định mời đến một vị khách đặc biệt. Trong suốt thời gian cha tôi làm tổng thống, diễn viên hài kịch Dana Carvey đã dựng chương trình Kịch Tối Thứ Bảy có nhân vật chính là cha, nhân vật này bắt chước các bài diễn văn của cha, cử chỉ tay, và tính cách “thận trọng” của ông. Nhà hát kịch vô cùng ngạc nhiên khi cha gọi tới một vài tuần sau cuộc bầu cử, cha mời nhà biên kịch và phu nhân của ông ta, bà Paula ngủ lại trong phòng Lincoln và tham dự một sự kiện của Nhà Trắng. Tất cả nhân viên làm việc trong Nhà Trắng cũng được mời tới dự một sự kiện đặc biệt. Trong vở kịch “Đầu bếp lên ngôi”, Dana Carvey đi tới căn phòng Phía Đông, đứng trên bục phát biểu và khiến khán giả cười thoải mái với những tiết mục khôi hài đã thành thương hiệu của ông. Trong số rất nhiều tình tiết gây cười, ông ấy đã đưa vào kịch một cảnh cha tôi thông báo với cơ quan mật vụ rằng ông dự định chạy bộ trong tình trạng khỏa thân. Căn phòng rộn lên tiếng cười. Ý tưởng đó là một nét điển hình trong tính cách của Bush: Ông luôn nghĩ cho người khác, tự giễu bản thân mình, và mang niềm vui đến cho những người đang bị tổn thương.
Tôi cũng cảm thấy rất đau lòng. Thật đau đớn khi chứng kiến con người tốt bụng này bị cử tri cự tuyệt. Vì muốn để những điều không tốt đẹp này trôi vào dĩ vãng, tôi quyết định đăng ký tham gia cuộc thi chạy Marathon vào tháng 1 năm sau. Suốt chặng đường tập chạy dài mười tám dặm, tôi đã có thể làm giảm bớt đi nỗi đau bị thất cử. Tôi cũng tìm hiểu cách sống tự do khi cha không còn nắm quyền trong Nhà Trắng nữa. Tôi sẽ không còn được cơ quan mật vụ bảo vệ. Tôi có thể lái chiếc xe Lincoln Town trên những con phố của Dallas, lần đầu tiên sau bốn năm. Tôi làm những điều như thế trong hai năm cho đến khi được bầu làm thống đốc. Tôi không còn tự lái xe nữa kể từ năm 1995.
Cha và mẹ tôi tổ chức lễ Giáng sinh cho đại gia đình tại Trại David năm 1992. Đó là chuyến đi với cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Chúng tôi thưởng thức những phong cảnh rất đẹp. Tất cả đều cho rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi được ở Trại David. Cha tôi đã cố gắng hết mình để làm chúng tôi thấy thoải mái, ông không phàn nàn gì. Trong một bức thư gửi cho em trai, cha tôi đã viết lại câu chuyện về một vận động viên điền kinh thi đấu ở Thế vận hội, anh ấy đã khập khiễng đi hết đoạn đường cuối cùng trong khi người thắng cuộc đã về đích từ lâu. Cha tôi nhớ vận động viên này đã nói, “Tổ quốc tôi không phải cử tôi đến đây chỉ để đua. Họ cử tôi đến để về đích”. Cha tôi cũng cảm thấy thế, ông viết, “Tôi đã không về đích, và sẽ rất hối hận về điều này”.
Tất cả chúng tôi đều nói với cha rằng ông có rất nhiều điều đáng tự hào. Chỉ trong một nhiệm kỳ, cha đã làm được nhiều việc hơn những tổng thống khác có thể hoàn thành trong hai nhiệm kỳ. Lịch sử sẽ mãi ghi nhớ cha như người có công giải phóng Kuwait và là tổng thống đặt dấu chấm hết cho Chiến tranh Lạnh. Ở một điểm nào đó, cha tôi giống như Winston Churchill, người đã bị tống khứ ra khỏi chính quyền Anh năm 1945 chỉ vài tháng sau khi ông thắng thế trong Thế chiến thứ hai. Cử tri Anh cho rằng Churchill đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của ông và họ muốn một người khác thế vào vị trí của ông trong giai đoạn mới. Cuối cùng, thì đó cũng là những gì đã xảy ra với George Bush năm 1992. Ở nước Anh, người ta cảm thấy tiếc nuối về quyết định của họ, sau đó, họ lại mời ông ấy quay lại làm việc trong chính phủ. Điều này lại không diễn ra đối với George Bush. Thế nhưng, thất bại đó lại mở ra những cơ hội mới cho những người khác, trong đó có Jeb và tôi. Và dường như, ở thời điểm đó thật khó để tin rằng, kỳ nghỉ Giáng sinh ở Trại David năm đó sẽ không phải là chuyến đi cuối cùng của gia tộc Bush tới địa điểm lừng danh này.