S
au hai thập kỷ làm việc ở vị trí cấp cao trong chính phủ và đồng hành cùng công việc của Tổng thống Reagan tại Nhà Trắng suốt tám năm, George Bush hiểu rõ trọng trách của một tổng thống. Vì thế ông không mất nhiều thời gian khi mới bắt đầu công việc. Một ngày sau cuộc bầu cử, ông đã công bố đề cử James A. Baker làm Ngoại trưởng Mỹ. Ngay sau đó, ông đã bổ nhiệm John Sununu trở thành Chánh văn phòng Nhà Trắng. Tiếp theo, ông bổ nhiệm Brent Scowcroft làm Cố vấn An ninh Quốc gia. Brent Scowcroft là một đại tướng tinh nhuệ từng làm việc trong lực lượng Không quân, và từng giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Ford (Cho tới nay, Scowcroft vẫn là người duy nhất làm tại vị trí này trong hai nhiệm kỳ tổng thống).
Cha đã tận dụng các chuyến công cán như một cơ hội để tiếp tục quảng bá tầm nhìn phát triển đất nước. Ông đã giải quyết các vấn đề khác nhau từ kinh tế cho đến Chiến tranh Lạnh bằng việc đưa ra những nội dung mệnh lệnh. Hiệu suất làm việc của cha đã gây ấn tượng cho cả những nhà báo từng đánh giá thấp về ông trong thời gian ông làm phó tổng thống.
Một phát thanh viên truyền hình đã miêu tả cha trong cương vị mới như “nhân vật Clark Kent biến hình thành Siêu nhân”.
Một ngày sau cuộc bầu cử, cha và mẹ đã mời gia đình chúng tôi cùng đi lễ tại nhà thờ Thánh Martin ở Houston. Cha mẹ giao cho tôi dẫn đầu gia đình cùng cầu nguyện. “Xin Chúa hãy chỉ đường và bảo vệ chúng con trong các cuộc hành trình - đặc biệt xin Ngài soi rọi đường đi của cha và mẹ con”, tôi nói. “Chúng con cầu nguyện rằng cuộc sống của chúng con sẽ được soi sáng bởi Ngài, bằng việc ghi nhớ câu nói của David: “Xin hãy để điều con nói và điều con có trong trái tim được Người chấp nhận, ơn Chúa”. Khi tôi bước trở lại băng ghế, vị tổng thống mới đắc cử vẫn khiêm nhường tiếp tục cầu nguyện.
Khoảnh khắc đó đã thể hiện đức tin thầm lặng của cha tôi. Ông là một người sùng đạo, nhưng không thấy thoải mái khi thể hiện đức tin chỗ đông người. Tôi ít hạn chế điều đó hơn. Tại cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa vào cuối năm 1999, người dẫn chương trình đã hỏi các ứng viên rằng nhà triết học nào chúng tôi tâm đắc nhất. Tôi trả lời: “Chúa Giê-su, bởi Ngài đã thay đổi trái tim tôi”. Đó không phải là câu trả lời được chuẩn bị trước, tôi chỉ buột miệng nói ra sự thật. Cha đã gọi điện cho tôi ngay sau khi kết thúc buổi tranh luận, như ông vẫn thường làm. “Làm tốt lắm, con trai”, ông nói. Chúng tôi đã thảo luận một chút về các khoảnh khắc mấu chốt. Sau đó ông nói, “Cha không nghĩ rằng câu trả lời Chúa sẽ làm ảnh hưởng đến con quá nhiều”.
Có lẽ suy nghĩ đầu tiên của cha là những lời bình phẩm về câu trả lời của tôi sẽ làm tổn thương tôi. Phản ứng này đã phản ánh sự ngần ngại của cha khi làm bất cứ điều gì có thể được hiểu là sự áp đặt tôn giáo cho người khác. Trong suy nghĩ sâu kín, khoảnh khắc đó và cách giải quyết của cha đã nhắc tôi nhớ về một câu Kinh Thánh yêu thích của các chính trị gia (trích từ cuốn sách của Matthew): “Tại sao con cứ mãi nhìn vào mảnh bụi nhỏ trong mắt anh em của con, mà không chú ý đến những cái dằm đang đâm vào mắt con?”.
Cha và mẹ đã rất hào phóng khi mời Laura và tôi bay đến Washington cùng họ sau ngày bầu cử. Tôi hoảng sợ khi biết Barbara và Jenna đã nghịch giấy làm tắc nhà vệ sinh trên chiếc chuyên cơ Không lực số 2. Tới tận hôm nay, mẹ bọn trẻ vẫn truy hỏi liệu có phải chúng cố tình nghịch ngợm. Nhưng thật may, dường như không ai để ý đến điều đó. Tất cả mọi người vẫn sống trong niềm hân hoan chiến thắng của cha tôi.
Gia đình chúng tôi tổ chức kỷ niệm lễ Giáng sinh năm đó tại dinh thự của phó tổng thống, đó là lần cuối cùng chúng tôi cùng nhau trải qua lễ kỷ niệm tại ngôi nhà tuyệt vời này trên căn cứ của Đài quan sát Hải quân. Cha đã trải qua tuần đầu tiên từ khi nhậm chức tổng thống, và ông vẫn chưa có biểu hiện căng thẳng. Có một kỷ niệm đầy kịch tính duy nhất mà tôi nhớ là trò chơi ném móng ngựa giữa đội cha và tôi với đội một phụ tá Hải quân và George Plimpton, biên tập viên tạp chí thể thao Sports Illustrated. Plimton dẫn đầu khi mới chơi. Nhưng sau đó cha tôi đã ném chiếc móng ngựa để giành chiến thắng cuối cùng. “Lội ngược dòng ngoạn mục”, Plimpton cảm thán. Sau đó anh ta đã viết một bài báo về trải nghiệm thi đấu với cha, con người dồi dào năng lượng, hài hước, và đầy nhiệt huyết. Đó cũng là những điểm tôi yêu thích nhất trong tiểu sử của George Bush.
Buổi sáng Chủ nhật nắng đẹp ngày 20 tháng 1 năm 1989, cả gia đình chúng tôi xuất hiện trên sân khấu của lễ nhậm chức. Bill Graham đọc diễn văn chào mừng, và Alvy Powell cùng dàn hợp xướng quân đội hát quốc ca Mỹ “The Star - Spangled Banner”. Một ít phút sau buổi trưa, cha bước lên khán đài để tuyên thệ. Mẹ tôi giữ cuốn Kinh Thánh, đó chính là cuốn Kinh Thánh mà George Washington từng sử dụng để tuyên thệ nhậm chức khoảng hai trăm năm trước, năm 1789. Tổng chưởng lý William Rehnquist đề nghị cha giơ cánh tay phải lên để nhắc lại lời thề. Khi chứng kiến cảnh cha tuyên thệ, tôi cảm thấy như có một làn sóng tự hào dâng tràn, cùng với nỗi lo âu về những gì sẽ diễn ra.
Nhưng có lẽ tiết mục thú vị nhất trong ngày hôm đó chính là sinh nhật tám mươi bảy tuổi của Dorothy Walker Bush. Bà tôi yếu đến mức đã phải đến Washington trên một chuyến bay chở đầy bác sĩ và y tá. Không gì có thể ngăn cản bà chứng kiến khoảnh khắc này. Điều nuối tiếc duy nhất của bà là ông, người đã vô cùng tự hào về con trai mình, lại không thể có mặt để chia sẻ niềm hạnh phúc này. Cha đã hỏi bà về các buổi lễ nhậm chức mà bà từng tham gia trong hơn sáu mươi năm qua. “Dĩ nhiên đây là lần tuyệt vời nhất”, bà nói, “bởi vì mẹ được ngồi tại đây, nắm tay con trai mình, Tổng thống của nước Mỹ”. Đó gần như là cảm giác khoa trương mà Dorothy Walker Bush chưa từng trải qua trước đây.
Nước Mỹ đã phát triển một chặng đường dài kể từ khi Ronald Reagan đứng trên bục tuyên thệ nhậm chức tám năm về trước. Năm 1981, Tổng thống Reagan bắt đầu giải quyết các vấn đề kinh tế từ việc miêu tả “một cuộc lạm phát tồi tệ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử quốc gia”. Nhờ vào công lao to lớn của chính sách quản lý của Reagan, cha tôi đã nhận trọng trách điều hành khi nền kinh tế tăng trưởng 3,8% và tỷ lệ thất nghiệp giảm 5,3%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã sụp đổ vào tháng 9 năm 1987, và vài ngành công nghiệp trở nên khốn đốn. Trên chính trường thế giới, Tổng thống Reagan và Gorbachev đã có những bước tiến để giải quyết căng thẳng của cuộc Chiến tranh Lạnh. Họ đã ký kết Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF, Liên bang Xô Viết đã rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, Liên bang Xô Viết vẫn tiếp tục thống trị châu Âu, can thiệp vào công việc của các nước Mỹ Latin, và vẫn đề ra những mối đe dọa hiện hữu từ kho vũ khí hạt nhân của họ. Các vấn đề quốc tế khác cũng đã nổ ra, từ những tên khủng bố đánh bom chuyến bay Pan Am 103 qua bầu trời Lockerbie, Scotland một tháng trước khi diễn ra những bất ổn Trung Đông.
Ngay khi bắt đầu với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp, hành động đầu tiên của George Bush là thể hiện lòng biết ơn. Ông cảm ơn Tổng thống Reagan về những điều ông ấy đã làm cho đất nước. Sau đó ông đã nói với người dân cả nước lời cầu nguyện: “Hỡi đức Chúa, chúng con xin cúi đầu và cám ơn Người vì tình yêu của Người dành cho chúng con”. Ông kết luận, “Nhưng chỉ có một mục đích quyền năng để được sử dụng sức mạnh, và đó là để bảo vệ và phục vụ nhân dân. Xin người hãy giúp chúng con ghi nhớ, lạy Chúa, Amen”.
“Tôi đứng trước các bạn và hình dung rằng thời điểm này là lúc những tổng thống mới nhậm chức phải đưa ra rất nhiều lời hứa”, ông tiếp tục, “Chúng ta đang sống trong thời kỳ hòa bình, thịnh vượng, nhưng chúng ta có thể làm cho đất nước phát triển hơn nữa”. Ông thể hiện sự lạc quan về tương lai: “Để có được một làn gió mới, và một đất nước mới với sự tự do sẽ được hồi sinh. Trong trái tim mỗi người, và sự thật là như vậy, ngày của chế độ độc tài đã kết thúc. Kỷ nguyên độc tài đang qua đi, những ý tưởng độc tài xưa cũ sẽ rụng xuống như những chiếc lá của cây cổ đại đang héo khô”.
Sau đó cha nói về tình hình trong nước. “Các bạn của tôi”, ông nói, “Chúng ta không cần quan tâm tới tổng tài sản. Đó không phải là thước đo cho cuộc sống của chúng ta. Trong trái tim chúng ta, ta biết rõ vấn đề nào là quan trọng. Chúng ta không thể chỉ hy vọng con cái chúng ta sẽ có ô tô lớn hơn hay tài khoản ngân hàng nhiều chữ số hơn. Chúng ta phải hy vọng đem đến cho con cái chúng ta hiểu biết đúng nghĩa thế nào là một người bạn trung thành, một người cha, người mẹ biết yêu thương, một công dân có thể làm cho ngôi nhà, hàng xóm và quê hương trở thành nơi tốt hơn so với khi mới đến”. Ông tiếp tục, kết hợp các mục tiêu trong nước và nước ngoài, “Nước Mỹ không bao giờ hoàn thiện được nếu thiếu những đòi hỏi khắt khe về đạo đức”. Ông nói, “Chúng ta là những con người có cùng một mục đích sống. Đó là làm cho bộ mặt quốc gia trở nên thân thiện và nhẹ nhàng hơn khi cư xử với thế giới”.
Sau bài phát biểu, cha và mẹ tôi đã hộ tống gia đình Reagan về điểm khởi hành lên chiếc trực thăng riêng của tổng thống. Sau đó, họ đã tham dự một bữa ăn trưa tại Đồi Capitol và cùng xuống đường diễu hành trên Đại lộ Pennsylvania. Đêm đó, họ dự mười hai vũ hội mừng lễ nhậm chức trước khi quay về Nhà Trắng trong cảm giác mệt mỏi. Thật may, nơi ở mới rộng rãi đến mức họ không thể nghe được tiếng hò reo vui vẻ của mười đứa cháu nội mà họ đã mời đến chơi vào đêm đầu tiên chuyển đến nhà mới. Buổi sáng tiếp theo, cha đã dậy khá sớm, chuẩn bị để đi làm nhiệm vụ của vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ.
* * *
George Bush nhận chức vụ tổng thống như bản năng tự nhiên của ông, đặc biệt là về các khía cạnh ngoại giao trong công việc. Quyết định ngoại giao chính thức đầu tiên của ông là tham dự lễ tang của Hoàng đế Nhật Bản Hirohito. Lựa chọn này của cha đã thu hút sự chú ý của một số đồng đội từng tham gia Thế chiến thứ hai, họ vẫn còn nhớ về những hành động tàn bạo của quân lính dưới quyền của hoàng đế Hirohito. Cha tôi hiểu được phản ứng của họ; sau tất cả, ông đã từng phải tranh đấu với cùng một kẻ thù giống như các đồng đội. Nhưng cha tin rằng, một quốc gia, cũng như một con người, đều có thể thay đổi. Và Nhật Bản đã thay đổi về cơ bản. Sau chiến tranh thế giới, Hirohito đã giúp giám sát quá trình Nhật Bản chuyển đổi sang nền dân chủ. Năm 1989, Nhật Bản đã trở thành một đồng minh thân cận nhất của Mỹ, và cha vẫn muốn tôn vinh mối quan hệ giữa hai chế độ dân chủ. Các lãnh đạo của Nhật Bản đã rất vui mừng vì hành động đáng kính này của cha. Và trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi, mười hai năm sau đó, tôi đã có người bạn thân nhất trên vũ đài chính trị thế giới là Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi.
Nhưng thật không may cho cha tôi, giới truyền thông không chú ý đến các chính sách ngoại giao trong suốt cuộc hành trình của ông đến Nhật. Các phóng viên đều tập trung vào Thượng nghị sĩ Mỹ, John Tower, một ứng cử viên của chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã gặp khó khăn trong một cuộc tranh luận. Tower có một số kẻ thù ở phía bên kia khán phòng, và họ đã xuất hiện trong suốt các buổi phát biểu. Những buổi tranh luận tràn ngập những lời nói bóng gió về cuộc sống cá nhân của Tower. George Bush cảm thấy buồn vì người bạn của ông bị đối xử bất công như vậy, và ông cũng cố gắng để bảo vệ ứng cử viên của mình. Mặc dù Tower có được sự bảo vệ mạnh mẽ từ cha tôi, nhưng lần đầu tiên trong ba mươi năm, Nghị viện đã bỏ phiếu không chấp nhận ứng cử viên do Nội các đề cử. Một quyết định sẽ ảnh hưởng tới chúng tôi trong vài năm tới, đó là người đại diện nhóm Thiểu số, một Nghị sĩ bang Wyoming, đã được đề cử thay thế Tower. Thượng viện sau đó đã chấp thuận bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney.
Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến đi châu Á của cha tôi là Trung Quốc. Là một trong những chuyên gia Mỹ có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về Trung Quốc, ông biết tất cả những đối tác có liên quan ở Bắc Kinh. Cha mẹ tôi đã nhận được một sự chào đón nồng nhiệt từ Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Lý Bằng, người đã tặng cho họ hai chiếc xe đạp - điều này gợi nhớ về một hoạt động yêu thích của cả hai trong quãng thời gian làm việc ở văn phòng liên lạc mười sáu năm về trước. Vào một buổi sáng Chủ nhật, cha mẹ tôi đã tham dự một buổi lễ nhà thờ, cũng là nơi em gái Doro của tôi thực hiện Lễ rửa tội năm 1975. Theo những phản ánh sau này của cha, buổi lễ nhà thờ đã lưu giữ lại những niềm vui của họ trong thời gian họ đến Trung Quốc - hay như cách nói của cha - “nơi đây là ngôi nhà thứ hai”.
Nhưng không phải toàn bộ chuyến thăm Trung Quốc đều diễn ra suôn sẻ. Buổi tiệc nướng ngoài trời mà cha mẹ tôi thực hiện dành cho các quan chức Trung Quốc đã xảy ra những thảm họa không lường trước. Đại sứ Winson Lord đã mời một danh sách dài các khách mời thuộc các tổ chức xã hội Trung Quốc, trong đó có cả nhà hoạt động nhân quyền Phương Lệ Chi. Sau này cha tôi mới biết được rằng phía an ninh Trung Quốc đã cấm Phương tham gia vào sự kiện. Sau ngày hôm đó, sự việc này đã tràn ngập các mặt báo. Cùng với tin tức về sự đề cử Tower, thì tin này đã áp đảo toàn bộ những thông điệp khác của chuyến thăm.
Câu chuyện dài tập về Phương Lệ Chi báo trước một loạt những rắc rối sẽ xảy ra tại Trung Quốc. Vài tháng sau đó, các nhà hoạt động xã hội dân chủ Trung Quốc đã quyết định biểu tình đòi tự do trên quảng trường Thiên An Môn. Các cuộc biểu tình đã thu hút sự chú ý của truyền thông trên toàn thế giới, một phần bởi vì nó trùng thời điểm với chuyến thăm của Mikail Gorbachev tới Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã công bố thiết quân luật và triển khai xe tăng để chống lại các cuộc biểu tình. Lần đó, thế giới được trực tiếp chứng kiến màn kịch xảy ra. Hình ảnh một người thanh niên Trung Quốc đứng một mình trước bốn chiếc xe tăng đang lao tới đã trở thành biểu tượng của sự mất mát sắp xảy ra...
Vụ việc tại quảng trường Thiên An Môn đã đặt tổng thống vào tình thế nhạy cảm. Một mặt, cha vẫn ủng hộ quá trình cải cách dân chủ của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, ông cũng đã chứng kiến một chiến lược quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với nhóm quyền lực mới nổi. Ông tin rằng, và tôi cũng tin vậy, tiến độ phát triển kinh tế ở Trung Quốc sẽ kéo theo phát triển chính trị. Và điều ông rút ra được từ nhiệm kỳ làm việc tại Bắc Kinh là chính phủ Trung Quốc sẽ rất nhạy cảm với bất kỳ động thái nào của Mỹ mà được coi là đang can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Cha tôi đã có những giải pháp cân bằng để phản ứng với vụ việc Thiên An Môn. Ông đã lên án chính phủ Trung Quốc vì sử dụng vũ khí và bắt đầu áp đặt các hình thức giới hạn kinh tế. Cùng thời điểm này, ông đã phủ quyết những lời kêu gọi của Quốc hội yêu cầu ngừng các ưu đãi thương mại, vốn trước đó đã mở ra nhiều dòng chảy mới cho thương mại và tiền tệ. Trung Quốc đã từ chối trả lời các đề nghị ngoại giao chính thức. Vì vậy, cha giải quyết bằng mối liên hệ cá nhân và viết một lá thư riêng tới Đặng Tiểu Bình. “Tôi viết lá thư này trên tinh thần bằng hữu”, ông tiếp tục, “lá thư này được gửi vì tôi chắc chắn rằng ngài hiểu một cách sâu sắc rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc là nền tảng cơ bản mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”. Cha đề xuất gửi một nhóm đặc phái viên đến Bắc Kinh nhằm thảo luận một số phương án làm giảm căng thẳng.
Trong vòng hai mươi tư giờ đồng hồ, Đặng đã chấp nhận đề nghị của Cha tôi là cần một nhóm đặc phái viên. Cố vấn an ninh quốc gia - ông Brent Scowcroft và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - ông Lawrence Eagleburger đã được cử đến Bắc Kinh, nơi họ sẽ có cuộc gặp với những quan chức cấp cao của Trung Quốc. Cha đã tiếp tục gửi một lá thư khác cho Đặng, người ông xem như một “bạn thân”. Ông viết: “Chúng ta đều có thể làm được nhiều hơn cho hòa bình thế giới cũng như mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai quốc gia nếu chúng ta có thể khiến cho mối quan hệ giữa hai bên trở lại đúng hướng như trước... Nếu thực sự có một giai đoạn tối tăm, thì điều đó không thể tránh khỏi; nhưng chúng ta hãy cố gắng thắp sáng lên những ngọn nến”.
Không ai biết về chuyến đi của Scowcroft và Eagleburger cho đến khi họ trở lại Trung Quốc vài tháng sau đó và có một đoạn ghi hình họ đang chạm cốc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hình ảnh đó đã làm cha tôi tổn thương trong một số khía cạnh, và Bill Clinton đã phê bình cha thực hiện những chính sách mềm mỏng với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử năm 1992. Nhưng về lâu dài, cách xử lý khủng hoảng mềm mỏng của George Bush đã thể hiện sự khéo léo. Bằng việc điều hướng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc qua nhiều giai đoạn khó khăn, ông đã giúp cả hai quốc gia vạch ra con đường riêng trong hai thập kỷ phát triển kinh tế và đem lại lợi nhuận song phương. Tăng trưởng của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người dân thoát khỏi đói nghèo và tạo một thị trường to lớn mới cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đồng thời mang lại triển vọng hưng thịnh cho cải cách chính trị tại Trung Quốc. Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, Tổng thống Hồ Cẩm Đào đã tổ chức một bữa trưa nhằm vinh danh một người vô cùng được kính trọng tại Trung Quốc trong vòng hơn ba mươi năm, và người đó là George H.W. Bush.
Mối quan hệ với Trung Quốc là bài kiểm tra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của cha tôi. Liên bang Xô Viết là một thử nghiệm khác. Ngay từ đầu, cha đã rất hy vọng về đối tác tại Mát-cơ-va của ông, Mikhail Gorbachev. Khi còn là phó tổng thống năm 1985, với tư cách là một quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên gặp gỡ nhà lãnh đạo Liên Xô, cha rất ngưỡng mộ cách tiếp đón đầy trân trọng của Gorbachev, sự cởi mở với phương Tây, và cam kết cải cách hệ thống Xô Viết - mà Gorbachev gọi là perestroika - “công cuộc cải tổ Xô Viết”. Khi lên làm tổng thống, cha đã yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia của ông tiến hành rà soát tất cả chính sách của Mỹ đối với Liên Xô. Trong một bài phát biểu tóm tắt về chiến lược của ông năm 1989, cha đã thông báo rằng nước Mỹ sẽ vượt qua “sự ngăn chặn” - vượt qua những tác động tiêu cực của việc hủy diệt lẫn nhau - và hướng tới một mối quan hệ hợp tác với một Liên Xô đang thay đổi.
Cam kết về việc thay đổi của Gorbachev đã được kiểm chứng bởi rất nhiều sự kiện kịch tính tại vùng Đông Âu. Tại Ba Lan, là phong trào Công đoàn Đoàn kết4, dẫn đầu bởi Lech Walesa - và được truyền cảm hứng bởi Giáo hoàng John Paul II, người Ba Lan đầu tiên giữ trọng trách Giáo hoàng - đã tổ chức các cuộc đình công tại các xưởng đóng tàu tại Gdansk. Tại Hungary đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn vinh danh một nhà lãnh đạo dân chủ, Imre Nagy, người đã tử vì đạo sau cuộc cách mạng ngắn ngủi tại Hungary năm 1956. Tại Cộng hòa Séc, nhà viết kịch Václav Havel đã tổ chức cho giới văn nghệ sĩ và các công dân khác bác bỏ chủ nghĩa cộng sản mà sau này được gọi là cuộc Cách mạng Nhung. Và tại Đông Đức, các nhóm chống cộng đã tổ chức các buổi cầu nguyện hằng tuần tại nhà thờ của những thành phố lớn.
4 Phong trào chính trị xã hội được thành lập vào tháng 9 năm 1980 tại Xưởng đóng tàu Gdańsk, Ba Lan. Đây là tổ chức then chốt trong việc chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa tại Ba Lan.
Từ chuỗi sự kiện có tính chất quyết định đã lần lượt nổ ra trong năm 1989, câu hỏi đặt ra là liệu Gorbachev có đàn áp dữ dội các phong trào tự do, như Liên Xô đã làm tại Hungary năm 1956 và Praha năm 1968, mà Trung Quốc vừa thực hiện đối với cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn hay không. Cha tôi nhận ra rằng thái độ của ông đối với các cuộc cách mạng có thể làm ảnh hưởng đến phản ứng của Liên Xô. Tháng 7 năm 1989, ông tới Hungary và Ba Lan, nơi ông có một cuộc diễn thuyết với quần chúng. Ông tránh nói ra bất kỳ một tuyên bố nào có thể gây kích động những phần tử cứng rắn tại các quốc gia này hay tại Liên Xô. Và ngay lập tức, ông đã đến gặp Gorbachev nhằm củng cố mong muốn thiết lập mối quan hệ gần gũi. “Ngài chủ tịch thân mến”, ông viết thư khi ngồi trên khoang máy bay Không lực số 1. “Tôi viết lá thư này cho ngài trên đường từ châu Âu về Mỹ. Tôi sẽ trình bày nhanh chóng về quan điểm của bức thư này”, ông tiếp tục. “Tôi vô cùng mong muốn chúng ta cùng ngồi lại và nói chuyện trong thời gian sớm nhất.”
Gorbachev chấp nhận lời đề nghị của cha tôi, và họ đã lên kế hoạch về một cuộc họp thượng đỉnh tại Malta vào tháng 12 năm 1989. Trong thời gian này, các cuộc cách mạng đang ở thời kỳ đỉnh điểm. Vào tháng 11 năm 1989, Đông Đức đã công bố rằng họ sẽ mở biên giới tới Tây Đức. Chỉ trong vòng vài giờ, hàng chục ngàn người đã lũ lượt kéo đến đạp vỡ Bức tường Berlin. Cha tôi đã phải đối mặt với một áp lực rất lớn với kỷ niệm này. Đảng Dân chủ trong Quốc hội thúc ép ông phải đi Berlin. Cánh nhà báo háo hức để viết ra những câu chuyện đầy kịch tính, và yêu cầu được biết là tại sao cha tôi lại không thể hiện cảm xúc gì. “Tư tưởng của Bush chính là tư tưởng của Reagan trừ đi khát vọng tự do”, một cây bút đã châm biếm như vậy. Cha đã từ chối bình luận để không làm tăng thêm áp lực. Cả cuộc đời mình, George Bush đã là một người đàn ông khiêm tốn. Ông chưa bao giờ cố gắng để ghi điểm cho bản thân; ông chỉ quan tâm đến kết quả. Và ông biết được rằng cách tốt nhất để đạt được kết quả là suy nghĩ về tình huống đó với quan điểm của người khác: Sẽ có một cơ hội tốt để có được tự do cho miền Trung và Đông Âu nếu ông không khiêu khích Liên Xô can thiệp vào các cuộc cách mạng vừa chớm nở.
“Tôi sẽ không đến để nhảy múa trên bức tường đó”, ông trả lời.
Cha đã rất háo hức trước cuộc gặp gỡ với Gorbachev. Vào tháng 12 năm 1989, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ trong một hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Malta. Cha đã dành một đêm trước cuộc gặp trên tàu sân bay USS Belknap trên biển Địa Trung Hải. Khi chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống, cha hồi tưởng lại những ngày ở trên tàu USS San Jacinto trong Thế chiến thứ hai. “Tôi yêu lực lượng hải quân”, ông đã viết trong cuốn nhật ký như vậy, “và tôi cảm thấy mình như một người đàn ông ba mốt tuổi đang tản bộ trên boong tàu”. Ông thậm chí còn đi câu cá bên trên cánh quạt của tàu (Lạy Thánh, cha không câu được con nào mà còn bị cá rỉa mất mồi).
Ngày tiếp theo, cha tôi và Gorbachev đã có cuộc gặp gỡ trong bốn giờ trên du thuyền Maxim Gorky. Họ đã thảo luận về hàng loạt vấn đề và nhất trí tiếp tục những nỗ lực để cải thiện các mối quan hệ. Nước Mỹ đã cung cấp một gói viện trợ kinh tế giúp Gorbachev khôi phục nền kinh tế đang suy sụp. Cùng thời điểm đó, cha tôi đã thể hiện rõ ràng rằng ông hy vọng Liên Xô sẽ duy trì các động thái hòa bình với những biến động tại Trung và Đông Âu.
Chiến lược này gây nhiều tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng cha không đủ cứng rắn. Cuối cùng, cách làm của ông đã được chứng minh là một thành công có tính lịch sử. Không giống những bậc tiền bối đã thực hiện trong điện Kremlin thế hệ trước, Mikhail Gorbachev cho phép các phong trào cải cách tại miền Trung và Đông Âu được tiến hành một cách hòa bình. Lần đầu tiên trong lịch sử, bức tường Berlin không còn là nơi ngăn cách giữa hai miền Đông - Tây. Và đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, châu lục này tiến gần hơn tới tầm nhìn mà George Bush đã nhận định, và nó sẽ chỉ lối cho các chính sách của Mỹ trong những năm tiếp theo: hướng đến một mục tiêu đoàn kết, tự do và hòa bình chung toàn châu Âu.
Một thời gian ngắn sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một khủng hoảng khác nổ ra. Vấn đề này đã xảy ra gần nước Mỹ. Quốc gia Panama vốn là một đồng minh của Mỹ và có địa thế chiến lược với kênh đào Panama. Nhà độc tài người Panama, Manuel Noriega, đã từng một lần hợp tác với Mỹ để đấu tranh với chủ nghĩa cộng sản. Qua một thời gian, khi Noriega ngày càng lún sâu vào buôn bán ma túy, sức mạnh mới và sự giàu có đã khiến hắn trở mặt chống lại nước Mỹ. Chính quyền dưới thời Reagan đã thu được một bản cáo trạng chống lại tội buôn bán ma túy của hắn.
Tính hiếu chiến của Noriega ngày càng nguy hiểm, nhất là sau khi cha tôi nhậm chức. Vào tháng 5 năm 1989, hắn đã hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử dân chủ. Khi nỗ lực của một cuộc đảo chính tiếp theo thất bại, hắn đã hành quyết các lãnh đạo của cuộc nổi dậy. Vài tháng sau, Noriega ban bố “tình trạng chiến tranh” với Mỹ. Quân đội Panama đã gây khó khăn cho lực lượng quân đội Mỹ đóng quân tại đây. Một lính thủy đã bị bắn chết trên đường đi. Lực lượng quân đội Panama sau đó đã hành hung một lính thủy khác và làm nhục vợ anh ta.
Đó là giọt nước làm tràn ly. Những nỗ lực ngoại giao nhằm thay đổi cách hành động của Noriega đều không có hiệu quả. Cha tôi đã phê duyệt một kế hoạch can thiệp nhằm lật đổ Noriega. Biệt đội Just Cause đã được thiết lập và được triển khai vào buổi sáng ngày 20 tháng 12 năm 1989. Khoảng hai mươi nghìn binh sĩ Mỹ - lần ra quân lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam - sẽ ập vào quốc đảo đó - để loại trừ Noriega, và dọn đường cho chính phủ mới do dân bầu lên nắm quyền.
Cha trằn trọc cả đêm trước kế hoạch bí mật. “Tôi nghĩ về những đứa trẻ”, ông viết, “rất nhiều thanh niên ở độ tuổi mười chín đang ra trận đêm nay”. Ông hiểu rằng trong số những người tham gia trận đánh hôm nay sẽ có những người không còn cơ hội được sống sót trở về. Mệnh lệnh này chính là quyết định khó khăn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống mới mẻ của cha.
Gia đình tôi đã đến Trại David ít ngày sau để nghỉ lễ Giáng sinh. Suốt thời gian này, tính khí cha khá thất thường và có phần trầm tư. Áp lực về việc quyết định ra quân đè nặng lên ông. Ông dành phần lớn thời gian trong văn phòng nhỏ ốp gỗ để nghe tin về tiến độ của cuộc chiến đấu. Các báo cáo ban đầu khả quan. Các cuộc đình công đã xóa bỏ chính quyền đương thời, và một chính phủ mới đã tuyên thệ nhậm chức. Nhưng thế lực của Noriega vẫn còn rất lớn.
Vào đêm Giáng sinh, các em trai và tôi đã chơi trò “wallyball” (bóng chuyền trong phòng quần vợt) thi đấu với vài lính thủy đánh bộ đang đóng quân tại Trại David. Đột nhiên, cha xuất hiện tại ban công cùng với Chánh văn phòng Colin Powell.
“Chúng ta đã bắt được hắn!”, cha reo lên.
Chúng tôi đều hiểu rõ ai đã bị bắt. Cả căn phòng vỡ òa vì tiếng reo hò. Một trung sĩ người đẫm mồ hôi đã ôm chầm lấy tôi. Cha đã thông báo rằng Noriega đã xin được tị nạn trong một giáo xứ tại thành phố Panama. Ít ngày sau, hắn đã bị áp giải đến Mỹ, và bay đến Miami, nơi hắn cuối cùng bị xét xử, kết án, và phải ngồi tù.
Nhiệm vụ đã thành công vang dội. Noriega đã ra đi, và nền dân chủ Panama được phục hồi. Nhưng chiến thắng nào cũng có giá của nó. Hai mươi ba người Mỹ đã thiệt mạng, và hơn ba trăm người khác bị thương. Là một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu, cha cảm thấy có sự gắn bó đặc biệt giữa ông và các binh sĩ. Ông hiểu rõ nỗi thống khổ trong chiến tranh. Và ông tin rằng với tư cách là một Tổng tư lệnh, ông cần phải thể hiện sự quan tâm đến từng cá nhân đã giúp mình thực hiện nhiệm vụ. Vào đêm giao thừa, mẹ và cha đã đến thăm bệnh viện quân đội tại San Antonio, nơi vài binh sĩ bị thương từ cuộc chiến tại Panama đang nằm điều trị. Một lính thủy tặng cho cha tôi lá cờ Mỹ nhỏ, và ông giữ nó trong ngăn kéo bàn làm việc trong Phòng Bầu dục cho tới tận khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Ngay sau chuyến thăm, cha đã nói với tôi về một lính hải quân SEAL mà ông thăm trong bệnh viện. Anh ta là một người hâm mộ của đội Rangers bang Texas. Tôi vừa mới mua một số cổ phần nhỏ của Rangers và đang làm đối tác quản lý chính ở đây. Chúng tôi đã liên lạc với binh sĩ SEAL bị thương và nói với anh ta rằng đội Rangers sẽ rất tự hào nếu anh ta là người đánh cú bóng đầu tiên khai mạc mùa giải năm 1990. Anh ấy đồng ý, và đám đông tung hô vang dội. Đó chỉ là việc rất nhỏ, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì được đóng một vai trò quan trọng trong việc tôn vinh quân đội nước nhà. Một bài học tôi rút ra là lực lượng quân đội phải được biết rằng tổng thống luôn ủng hộ họ. Tôi sẽ không thể hiểu được trọn vẹn mối quan hệ đặc biệt giữa tổng thống với quân đội cho tới hơn chục năm sau, khi tôi phải ra lệnh điều quân vào cuộc chiến nguy hiểm.
Không gì khiến George Bush cảm thấy vui vẻ hơn về thăm Walker’s Point. Mùa hè năm 1990, ông cần lấy lại tinh thần phấn chấn. Sau chiến thắng tại Panama, ông đã phải trải qua sáu tháng với những tin tức ảm đạm. Nền kinh tế đang suy giảm. Ông bị mắc vào trận chiến ngân sách với Đảng Dân chủ trong Quốc hội. Và em trai tôi, Neil, đang bị điều tra về vai trò của chú ấy trong hệ thống tiết kiệm và cho vay bị thất bại. Cuối tháng 7, Laura, Barbara, Jenna, và tôi đã đến thăm bang Maine - một địa chỉ nghỉ dưỡng để tránh cái nóng của Texas. Như thường lệ, George Bush vẫn có những hoạt động không ngừng nghỉ. Ông muốn chơi golf hay quần vợt vào buổi sáng, và câu cá vào buổi chiều. Nhưng vài ngày sau khi chúng tôi đi nghỉ, cha tuyên bố ông phải quay lại Washington. Tháng 2 năm 1990, nổ ra tin tức về việc Iraq đã xâm chiếm Kuwait.
Người đứng sau cuộc xâm lược này là Saddam Hussein, một nhà độc tài áp bức và tàn nhẫn, người đã tàn phá Iraq từ năm 1979. Ngoài việc trấn áp tất cả những người bất đồng quan điểm, Saddam đã sử dụng vũ trang để chống lại nhân dân và bắt đầu một cuộc chiến tranh vô nghĩa với Iran làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người dân vô tội của hai đất nước. Sau đó, ông ta đã xâm chiếm quốc gia nhỏ nhưng có trữ lượng dầu mỏ lớn là Kuwait - một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ với các mỏ có trữ lượng vô giá ở vùng Vịnh. Khi gia đình hoàng gia Kuwait chạy trốn, lực lượng quân xâm lược Iraq đã tra tấn người dân Kuwait và cướp bóc tài sản của đất nước này. Có tin đồn rằng Ả-rập Xê-út, một đồng minh thân cận khác của Hoa Kỳ, có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Saddam. Điều này sẽ khiến Saddam nắm giữ một lượng lớn nguồn cung dầu mỏ trên thế giới. Và từ đó, các lợi ích ngoại giao lẫn kinh tế quan trọng của Mỹ ở Trung Đông sẽ bị đe dọa.
Cha đã triệu tập cố vấn An ninh Quốc gia đến Trại David. Nhóm thường lệ có thêm một thành viên mới, đó là Tướng Norman Schwarzkopf - một con người gai góc, một nhà chỉ huy đầy tự tin của Trung tâm Tư lệnh Hoa Kỳ. Cha yêu cầu các cố vấn đưa ra phương án. Một số thành viên trong đội tin rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ có thể sẽ thuyết phục Saddam rút khỏi Kuwait. Một số khác lại nghĩ rằng có thể phải thi hành một cuộc oanh tạc trên không. Tất cả đều đồng ý rằng có thể một cuộc đổ bộ cuối cùng sẽ xảy ra. Hội đồng Bảo an Quốc gia cũng thảo luận về vấn đề làm thế nào để bảo vệ Ả-rập Xê-út. Cha đã có cuộc nói chuyện với Quốc vương Fahd về khả năng triển khai quân đội Mỹ đến vương quốc của ông để ngăn chặn cuộc xâm lược từ Iraq và tạo tiền đề cho việc giải phóng Kuwait. Vì là nơi có hai thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi là Mecca và Medina, Ả-rập Xê-út đã vô cùng lo lắng khi cho phép quân đội nước ngoài vào lãnh thổ nước mình. Quốc vương đã đồng ý cân nhắc vấn đề này, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Dick Cheney, đã được cử đi làm nhiệm vụ.
Khi cha quay lại Nhà Trắng từ Trại David, rất nhiều phóng viên đã tập trung tại bãi cỏ phía nam. Cha đã nói với họ rằng ông vẫn chưa quyết định làm theo cách nào. Sau đó ông cho biết thêm, “Cuộc xâm lược Kuwait này sẽ không thể tồn tại”. Đó không phải là những lời sáo rỗng. George Bush hiểu rằng tổng thống phải có trách nhiệm với lời nói của mình.
Colin Powell sau đấy đã nói rằng ông ta biết tuyên bố đó của cha đã đánh dấu thời điểm quân đội sẽ phải chuẩn bị cho chiến tranh. Đó sẽ là con đường khó khăn đối với tôi, ít nhất là trong tiềm thức. Một thập kỷ sau, sau cuộc tấn công của al Qaeda vào ngày 11 tháng 9 năm 2011, tôi đã phát biểu trước quốc gia tuyên bố đầu tiên của mình, “Thế lực khủng bố chống lại đất nước chúng ta sẽ không thể tồn tại”.
Chiến lược của cha là tập hợp liên minh các quốc gia để tạo áp lực khiến Saddam Hussein rút khỏi Kuwait. Dựa vào kinh nghiệm của những năm làm ngoại giao cá nhân, George Bush đã tạo dựng được lòng tin từ rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Và bây giờ ông có thể tận dụng lòng tin đó. Quốc vương Fahd đã đồng ý cho quân đội Hoa Kỳ vào Ả-rập Xê-út (một quyết định mà sau này bin Laden đã vin vào như là một cái cớ dẫn đến cuộc tấn công chính phủ Xê-út). Các nhà lãnh đạo Ả-rập ở Trung Đông đã đồng ý tố cáo cuộc xâm lược của Kuwait, đây là một bước tiến quan trọng trong khi Saddam Hussein vẫn còn là một nhân vật chủ chốt của Liên đoàn các quốc gia Ả-rập. Các đồng minh châu Âu như Margaret Thatcher của Vương quốc Anh và Helmut Kohl của Tây Đức đã ủng hộ mạnh mẽ. Và trong số những người ủng hộ còn có cả Thủ tướng Nhật Bản Toshiki Kaifu, người vẫn nhớ công việc đầu tiên của cha tôi khi mới lên làm tổng thống là tham dự lễ tang của Hoàng đế Hirohito. Thật ngạc nhiên vì người ủng hộ có cả François Mitterrand, Tổng thống Pháp. Cha đã rất khó khăn trong việc phát triển mối quan hệ với ông ta, trong những năm đầu của nhiệm kỳ, cha đã mời ông ta đến Walker’s Point, và bây giờ Tổng thống Pháp đã lên tiếng ủng hộ ông.
Diễn biến đáng lưu ý nhất là sự kết hợp của Liên Xô với Mỹ để lên án Iraq xâm lược Kuwait. Jim Barker và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Eduard Shevardnadze, đã ban hành một tuyên bố chung một ngày sau cuộc tấn công - một khoảnh khắc mà Baker sau đó cho rằng Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Vào đầu tháng 9, cha và Gorbachev đã có cuộc gặp mặt tại Midland, nơi họ đã cùng nhau tạo áp lực khiến Iraq rút khỏi Kuwait. Thỏa thuận của họ đã đánh một dấu mốc chiến lược quan trọng cho sự hợp tác giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo Liên Xô kể từ sau thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và Stalin. Tại phiên họp toàn thể Quốc hội tháng 9 năm 1990, cha đã trình bày ý tưởng về một “trật tự thế giới mới” nơi tất cả các quốc gia văn minh, bao gồm cả Liên Xô, có thể hợp tác nhằm ngăn chặn xâm lược và thúc đẩy hòa bình.
Chiến dịch ngoại giao của chính quyền Bush còn bao gồm nỗ lực phối hợp của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an đã thông qua mười một nghị quyết trừng phạt Iraq và yêu cầu rút quân khỏi Kuwait. Saddam đã phớt lờ tất cả. Vì vậy vào ngày 29 tháng 11 năm 1990, Hội đồng Bảo an đã thi hành Nghị quyết số 678, tuyên bố cho Saddam Hussein “cơ hội cuối cùng” để tuân thủ theo yêu cầu của thế giới. Nghị quyết này cũng thiết lập một thời hạn cuối cùng là ngày 15 tháng 1 năm 1991, để Iraq rút quân khỏi Kuwait. Nếu Saddam tiếp tục thách đố với Liên Hợp Quốc, thì nghị quyết cho phép các quốc gia thành viên được thực hiện “tất cả những điều cần thiết” để buộc ông ta phải tuân thủ. Nghị quyết đã được thông qua với mười hai nước bỏ phiếu thuận và hai nước chống, Trung Quốc không bỏ phiếu. Sự kiên trì của cha trong mối quan hệ với François Mitterrand đã có được thành quả; Sự ủng hộ của Pháp là minh chứng quan trọng cho sự đảm bảo của Nghị quyết. Chỉ có Cuba và Yemen phản đối Nghị quyết này. Sau bốn tháng hoạt động ngoại giao cá nhân không ngừng nghỉ, George Bush đã đoàn kết được thế giới để chống lại Saddam Hussein.
Năm 1990, gia đình tôi đã nghỉ lễ Giáng sinh tại Trại David. Đó là năm thứ hai trong chuỗi những năm khủng hoảng quân sự lấn át cả kỳ nghỉ. Một lần nữa, cha đã làm hết sức mình để gia đình đoàn tụ. Ông không bao giờ để những gánh nặng công việc làm hỏng thời gian đoàn tụ gia đình. Nhưng có một điều rõ ràng rằng tâm trí ông vẫn đặt ở nơi khác. Vào đêm Giao thừa, ông đã viết một lá thư cho các em tôi và cả tôi. “Cha đã có một suy nghĩ từ rất lâu và khó khăn về những điều cần phải thực hiện”, ông viết, “Điều cha muốn các con hiểu với tư cách là một người cha là: Sinh mạng của mỗi con người đều vô cùng quý giá. Khi gặp phải một câu hỏi ‘Ông sẵn sàng hy sinh bao nhiêu quân’ - trái tim cha như vỡ nát. Câu trả lời là dĩ nhiên, không hy sinh ai cả”. Ông tiếp tục, ”Quy tắc phải được thiết lập - Saddam không thể được hưởng lợi từ việc xâm lược và tấn công người dân Kuwait”.
Khoảng mười ngày trước thời hạn chót của Liên Hợp Quốc vào ngày 15 tháng 1, cha đã tạo ra một cơ hội cuối cùng thông qua đường ngoại giao. Như đã nói, ông sẽ đi “thêm một dặm cho hòa bình”. Ông đã viết một lá thư cá nhân gửi cho Saddam Hussein để thúc giục ông ta tuân theo bản nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ông công bố rằng mình đã giao cho Ngoại trưởng Jim Baker chuyển lá thư cho Saddam. Ngoại trưởng Iraq, Tariq Aziz, đã có cuộc gặp với Baker tại Geneva, nhưng ông ta từ chối nhận thư. Saddam đã bỏ lỡ mất một cơ hội đổi lấy hòa bình.
Trước khi ra lệnh triển khai các hoạt động quân sự, cha tôi còn phải thực hiện một quyết định khác: Có nên hỏi ý kiến Quốc hội cho phép sử dụng vũ lực hay không. Quốc hội đã không chính thức công bố chiến tranh kể từ Thế chiến thứ hai, và một số hoạt động quân sự - như cuộc chiến tại Hàn Quốc, Grenada, và Panama - đã được thực hiện theo Điều II của Hiến pháp, điều này quy định tổng thống là Tổng tư lệnh quân đội mà không cần sự ủy quyền của Quốc hội. Cha và những cố vấn của ông đã tin rằng Điều II đã cung cấp đủ thẩm quyền cho ông để tiến hành quyết định một mình, nhưng ông vẫn tin rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu giao cho Quốc hội quyết. Cuộc bỏ phiếu có kết quả rất sát nhau, đặc biệt là trong Thượng viện, nơi những tiếng nói phản chiến đã dùng đến hình ảnh ám ảnh về hàng chục nghìn túi đựng xác. Vào ngày 12 tháng 1, Thượng viện đã thông qua nghị quyết sử dụng vũ lực với 52 phiếu thuận và 47 phiếu chống, và Quốc hội đã thông qua với số phiếu 183-250.
Vào ngày 15 tháng 1 năm 1991, hạn chót do Liên Hợp Quốc đưa ra đã qua mà vẫn không có bất kỳ phản ứng nào từ Saddam Hussein. Vào lúc 9 giờ 1 phút tối ngày tiếp theo, George Bush đã có bài diễn văn phát sóng toàn quốc từ Phòng Bầu dục. “Năm tháng trước, Saddam Hussein đã bắt đầu tội ác gây chiến tranh chống lại Kuwait”, ông nói, “Tối nay, cuộc chiến đã có thêm thành phần tham gia”.
Giai đoạn đầu tiên của cuộc tấn công có tên là Bão Sa mạc, diễn ra cuộc oanh tạc trên không quy mô lớn vào các mục tiêu quân sự Iraq. Mục đích là làm suy yếu lực lượng của Saddam và thuyết phục ông ta rút quân ra khỏi Kuwait. Nếu không, lực lượng liên quân hai mươi tám quốc gia đã chuẩn bị để tiến hành đổ bộ.
Thời gian cho thời điểm này đã đến rất gần. Mẹ đã nói với tôi rằng cha đã không có được một giấc ngủ ngon trong nhiều ngày. Bạn của ông là Giáo sĩ Billy Graham đến Nhà Trắng để tổ chức một lễ cầu nguyện đặc biệt. Cha hiểu rõ những hệ lụy của quyết định ông sắp sửa đưa ra. “Đó là quyết định của tôi”, ông đã viết như vậy trong nhật ký, “quyết định của tôi là đưa những thanh niên trai trẻ đó vào cuộc chiến, quyết định của tôi có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của những người vô tội... Quyết định của tôi có thể ảnh hưởng tới những người chồng, người bạn gái, hay những người vợ đang ngóng chờ”. Ông tiếp tục, “Và từ đó tôi càng hiểu rõ hơn điều mình phải làm”.
Tôi ngưỡng mộ cách cha giải quyết tình huống này. Ông đã dành thời gian suy xét. Ông đã cân nhắc tất cả các phương án. Ông đã làm mọi cách có thể để bảo vệ lợi ích của những người dân Mỹ, xây dựng khối đồng minh, và thúc đẩy hòa bình lâu dài. Ông đã liên kết cả thế giới và Quốc hội cùng tham gia vào quyết định này. Điều đó nghĩa là cả cuộc đời từ trước tới nay của ông - từ thời gian ông tham gia quân đội cho tới khi làm việc tại Đồi Capital hay những năm tháng làm trong ngành ngoại giao - đều để chuẩn bị cho thời điểm này.
Khi cha phát biểu từ Phòng Bầu dục, bầu trời phía trên Baghdad sáng rực lên. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, toàn thế giới có thể xem truyền hình trực tiếp các trận chiến phát sóng trên kênh CNN. Tôi đã rất ngạc nhiên khi xem những quả bom phá hủy chính xác những mục tiêu quân sự trong khi giảm thiểu tối đa tổn thất dân sự.
Mặc dù các chiến dịch trên không đạt tiến độ ổn định, Saddam vẫn không chịu rút khỏi Kuwait. Rõ ràng là cách duy nhất để giải phóng đất nước này là phải triển khai lực lượng trên bộ. Cha đã ra lệnh cho các lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Ả-rập Xê-út tiến đến biên giới Kuwait từ ngày 23 tháng 2 năm 1991. Tại buổi lễ nhà thờ vào sáng ngày hôm sau, Dick Cheney đã thông báo cho cha tôi bản tin chiến trường mới cập nhật. Nhiệm vụ này đã mang lại thành công lớn. Các binh sĩ đã cắt hàng thép gai, vượt qua bãi mìn tại biên giới và bắt đầu hướng tới đường cao tốc tiến vào thành phố Kuwait.
Những diễn biến tiếp theo thực sự đáng kinh ngạc. Lực lượng đồng minh đã đánh tan quân đội của Saddam. Hàng ngàn binh sĩ Iraq phải hạ vũ khí và xin đầu hàng. Chính xác là một trăm giờ sau khi cha điều lực lượng đổ bộ tới Kuwait, Chiến tranh vùng Vịnh đã kết thúc. “Kuwait đã được giải phóng. Quân đội Iraq đã bị tiêu diệt. Các mục tiêu quân sự đã hoàn thành.” Cha đã phát biểu từ Phòng Bầu dục, “Chúng tôi đã tuyên bố rằng sự xâm lược chống lại Kuwait sẽ không thể tồn tại. Và đêm nay, nước Mỹ và thế giới đã giữ lời hứa”.
Cha thông báo rằng lực lượng quân đồng minh sẽ ngay lập tức chấm dứt các hoạt động chiến đấu. Tổng cộng, có 148 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 467 người bị thương. Dự đoán thê thảm về một bãi chiến trường có hàng chục nghìn xác chết đã được chứng minh là không chính xác. Hội chứng cuộc chiến tranh ở Việt Nam - sự miễn cưỡng của việc triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài vì sợ bị mắc kẹt - đều đã tan biến.
Saddam Hussein đã rút khỏi Kuwait, nhưng ông ta vẫn cầm quyền tại Iraq. Một vài người đã thúc giục cha tôi mở rộng sứ mệnh để loại bỏ hoàn toàn quyền lực của Saddam, nhưng ông từ chối. Quốc hội và lực lượng đồng minh đã ký kết mang lại hòa bình cho Kuwait. Đó là nhiệm vụ chính. Và nhiệm vụ đó đã đạt được. Đây là thời gian để các binh sĩ trở về nhà. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống George W.H. Bush đã đạt 89%, mức cao nhất từ trước tới nay chưa một vị tổng thống nào đạt được.
Vào tháng 3 và tháng 4 năm 1991, phiến quân Iraq tại một số vùng trong nước đã liên kết chống lại Saddam, nhưng nhanh chóng chịu thất bại dưới tay của lực lượng bộ binh và quân đoàn máy bay trực thăng của Saddam, sau đó họ bị vùi lấp trong những hố chôn người tập thể. Trong nhiều năm, các nhà phê bình đã đề xuất Mỹ cần can thiệp để ngăn chặn Saddam đàn áp phiến quân nổi dậy, trong đó có một số nhóm được Mỹ hậu thuẫn. Cha luôn trả lời rằng ông chưa được Quốc hội hoặc các đối tác quốc tế ủy nhiệm cho can thiệp quân sự.
Tin tình báo thu thập được trong Chiến tranh vùng Vịnh cho thấy vũ khí sinh học, hóa học và các chương trình vũ khí hạt nhân của Saddam tiến bộ hơn nhiều so với những dự đoán trước đây của CIA. Trong thập niên 90, ông ta đang tiếp tục là một mối đe dọa. Ông ta đã thách thức Nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu về việc giải giáp vũ khí, công bố và giao nộp các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông ta đã qua mặt hầu hết các nghị quyết của Liên Hợp Quốc mà không phải đối mặt với bất kỳ sự trừng phạt đáng kể nào. Và ông ta cũng thường xuyên xâm phạm các vùng cấm bay được tạo ra để bảo vệ người dân Iraq ở phía bắc và phía nam của quốc gia này. Năm 1998, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống Clinton ký kết Đạo luật Giải phóng Iraq, theo đó loại bỏ Saddam và thiết lập nhà nước Iraq dân chủ được coi là chính sách chính thức của Hoa Kỳ.
Khi tôi nhậm chức năm 2001, cách tốt nhất để theo đuổi chính sách này là phải bắt giữ Saddam và thực hiện những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Hy vọng là nếu chúng ta tạo được những áp lực đủ cứng rắn, thế trận sẽ thay đổi. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, cục diện thế giới đã thay đổi. Lực lượng khủng bố al Qaeda đã mở rộng phạm vi hoạt động của chúng ra khỏi Afghanistan và sát hại ba nghìn người trên lãnh thổ Mỹ. Trong nhiều năm, chúng ta nhận được một dòng thông tin tình báo liên tục rằng lực lượng khủng bố muốn tấn công Hoa Kỳ một lần nữa, lần này là với quy mô rộng lớn hơn - bao gồm cả vũ khí sinh học, hóa học và vũ khí hạt nhân. Lực lượng tình báo trên thế giới tin rằng Saddam Hussein đã chế tạo được vũ khí sinh học và hóa học, cũng như các chương trình vũ khí hạt nhân. Một trong những điều chúng tôi lo lắng nhất đó là Saddam sẽ có thể chia sẻ các trang thiết bị này cho lực lượng khủng bố. Chúng tôi hiểu rằng Saddam đã trả tiền thuê nhiều gia đình ở Palestin đi đánh bom liều chết, chúng đã từng sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát chính người dân của chúng, xâm lược hai trong số những nước láng giềng, thường xuyên bắn các máy bay tuần tra Mỹ trong khu vực cấm bay, và vẫn giữ vị trí là kẻ thù không đội trời chung với Mỹ.
Tóm lại, sau nỗi kinh hoàng ngày 11 tháng 9 và những đe dọa mà chúng tôi đã nhận được, mối họa Saddam Hussein cần được xử lý. Ngay từ đầu năm 2002, tôi đã thiết lập một chiến dịch ngoại giao bền vững, được hỗ trợ bởi lực lượng quân đội, nhằm thuyết phục Saddam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế. Tôi đã không cố gắng “làm tiếp những điều cha tôi đã đề ra” như nhiều người từng gợi ý. Động lực của tôi đó là bảo vệ nước Mỹ, như tôi đã thề trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Tôi nghĩ về cách lãnh đạo của cha trong Chiến tranh vùng Vịnh. Giống như cha, tôi đã nhờ tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để gia tăng sức ép quốc tế lên Saddam. Tại thời điểm đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua mười sáu điều luật yêu cầu những điều khoản khác nhau, như yêu cầu Saddam giải giáp vũ khí, thống kê và công bố vũ khí hóa học, sinh học, cũng như các chương trình vũ khí hạt nhân của hắn. Saddam đã phớt lờ tất cả mười sáu Nghị quyết này. Vào tháng 11 năm 2002, tôi đã làm việc với lãnh đạo các quốc gia trên thế giới nhằm thông qua Nghị quyết thứ 17 về việc nhất trí tuyên bố rằng Iraq đã “vi phạm quy định về vũ khí” trong các nghị quyết trước đây, tạo cho Saddam một “cơ hội cuối cùng để hoàn thành” nghĩa vụ của mình, nếu không sẽ phải gánh chịu những “hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài việc tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao với Liên Hợp Quốc, tôi đã thiết lập một liên minh lớn giữa các quốc gia có cùng chí hướng nhằm gây áp lực lên Saddam. Giống như cha, tôi đã tìm đến Quốc hội, nơi cả Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu bầu của hai đảng cho một nghị quyết ủy quyền cho tôi có những hành động quân sự để thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc và bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa từ Saddam Hussein. Thượng viện đã thông qua Nghị quyết với số phiếu 77 - 23, và Hạ viện đã thông qua với số phiếu 296 - 133. (Thật thú vị, năm 1990, một số Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu không đồng ý triển khai quân tới vùng Vịnh thì tới năm 2000 họ lại tiếp tục bỏ phiếu chống cuộc chiến tranh Iraq). Tôi cũng đã diễn thuyết về những hành vi bạo lực khủng khiếp của Saddam chà đạp lên phẩm giá con người và kêu gọi các công dân lẫn đồng minh của chúng tôi hỗ trợ chống lại Saddam vì đây là vấn đề nhân quyền. Và giống như cha, tôi đã làm việc chặt chẽ với các tướng lĩnh của lực lượng quân sự để cùng xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu của chúng tôi - trong tình huống này, mục tiêu là loại bỏ chế độ của Saddam tại Baghdad - và tất nhiên đảm bảo thiệt hại dân sự ở mức tối thiểu nếu những nỗ lực ngoại giao thất bại.
Thật không may, lần thứ hai trong một thập kỷ, Saddam Hussein đã thách thức nước Mỹ, lực lượng liên minh, và Liên Hợp Quốc. Như vậy, rõ ràng việc sử dụng lực lượng vũ trang là lựa chọn duy nhất còn lại để giải quyết mối đe dọa từ Iraq. Tôi đã cử các điệp viên tình báo đến thông báo với cha về tình huống này (Tôi cũng đã gửi điệp viên đến báo cáo dưới thời cựu Tổng thống Clinton). Tôi không bao giờ hỏi cha nên làm gì. Chúng tôi đều hiểu rằng đây là một quyết định mà chỉ ai làm tổng thống mới có thể đưa ra. Chúng tôi chỉ nói về những vấn đề xảy ra, tuy nhiên, sau lễ Giáng sinh năm 2002 tại Trại David, tôi đã báo cáo với cha về chiến lược của chúng tôi.
“Con hiểu được chiến tranh khắc nghiệt đến thế nào, con trai, và con phải làm tất cả mọi điều có thể để ngăn chặn chiến tranh xảy ra”, ông nói. “Nhưng nếu ông ta không chịu thỏa hiệp, thì con không còn sự lựa chọn nào khác.”
Đầu năm 2003, Saddam đã nhanh chóng cho phép các thanh tra viên vũ khí vào Iraq, nhưng ông ta không cho họ đi đến những nơi cần thiết để xác minh rằng ông ta đã tuân thủ nghĩa vụ tiêu hủy các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhớ lại những cam kết của cha về việc “tiến thêm vài dặm nữa cho hòa bình” năm 1991, tôi đã thực hiện nỗ lực ngoại giao cuối cùng để cho Saddam một lối thoát. Các quan chức trong chính quyền của tôi đã hội đàm với các nhà lãnh đạo tại Trung Đông về việc cho phép Saddam hưởng quy chế tị nạn. Nhưng rõ ràng ông ta không có ý định rời khỏi nơi này. Ngày 17 tháng 3 năm 2003, tôi đã cho ông ta bốn mươi tám giờ cuối cùng để rời khỏi đất nước. Nhưng một lần nữa, ông ta từ chối. Hết lần này đến lần khác, Saddam Hussein có thể lựa chọn con đường hòa bình. Nhưng thay vì điều đó, ông ta đã chọn chiến tranh.
Vào ngày 19 tháng 3 năm 2003, tôi đã ra lệnh khởi động chiến dịch Tự do cho Iraq. Cuối buổi sáng hôm đó, tôi đã viết một lá thư cho cha, “Con biết mình đang thực hiện những hành động đúng đắn và cầu nguyện để hạn chế đến mức thấp nhất số người chết”, tôi viết. “Iraq sẽ được tự do, thế giới sẽ an toàn hơn. Cảm xúc của khoảnh khắc quyết định đã qua đi và hiện tại con đang chờ đợi kết quả từ các hành động quyết liệt đang diễn ra. Con đã hiểu được những gì cha từng trải qua trước đây.”
Vài giờ sau, ông trả lời, “Cha rất xúc động khi nhận được những dòng con viết. Con đang làm những điều đúng đắn... Hãy nhớ những lời của em gái Robin - ‘yêu hơn ngàn lời nói’. Đúng vậy, cha cũng yêu con như thế”.
Các hoạt động quân sự nhận được ủng hộ từ ba mươi lăm quốc gia, đã nhanh chóng thành công. Trong vòng một tháng, lực lượng của chúng tôi đã lập lại hòa bình cho thủ đô Baghdad và lật đổ chế độ Saddam. Chúng tôi đã làm việc với nhiều nhóm đồng minh và các lãnh đạo của Iraq nhằm đáp ứng một mục tiêu: Thiết lập chính phủ Iraq tự do và do dân bầu thay thế chế độ độc tài tàn bạo của Saddam, một nền dân chủ tại trung tâm của khu vực Trung Đông, và một đồng minh trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Với vô vàn các lý do, nhiệm vụ này đã được chứng minh là khó khăn hơn rất nhiều so với dự đoán.
Đầu tiên, chúng tôi chưa bao giờ tìm ra các kho dự trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà các lực lượng tình báo trên khắp thế giới đều tin rằng Saddam đang có (Chúng tôi đã làm được, tuy nhiên, chỉ tìm thấy bằng chứng rằng ông ta vẫn có năng lực để chế tạo ra các vũ khí sinh hóa và đã dự định sẽ bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân sau khi sự trừng phạt kết thúc).
Thứ hai, sau khi Iraq nhanh chóng được giải phóng, các hoạt động bạo lực bùng nổ. Mầm mống bạo lực được châm ngòi trong các nhóm thuộc dòng thiểu số do Saddam dung dưỡng trong nhiều thập kỷ và một phần do được hậu thuẫn bởi Iran và Syria, cả hai nước này đều có những động cơ lợi ích để can thiệp vào Iraq, ngăn chặn sự phát triển của hệ thống dân chủ và chống phá nước này tham gia vào nhóm liên kết thế giới vì hòa bình. Nhưng lực lượng nguy hiểm và bất ngờ nhất sau cuộc nổi dậy là al Qaeda. Trong những năm sau khi loại trừ Saddam và bị dồn đến Afghanistan, al Qaeda đã chọn vị thế đối lập với các cơ sở của Mỹ tại Iraq. Các thủ lĩnh của al Qaeda đã công khai tuyên bố xây dựng các căn cứ tại Iraq, từ đó chúng sẽ tổ chức những vụ tấn công khủng bố quy mô quốc tế. Và các thủ lĩnh của al Qaeda đã công bố một chiến lược tạo ra các cuộc bạo lực sắc tộc ở Iraq nhằm giết chết những người dân Iraq theo dòng Shia, cũng là cách chúng tạo ra sự hỗn loạn để trục lợi. Mặc cho những nỗ lực của lực lượng quân đội Mỹ, al Qaeda và những đồng minh của chúng tại Iraq vẫn thực thi chiến lược dùng vũ lực với sự tàn bạo khủng khiếp và có được những kết quả đáng sợ.
Năm 2007, tôi quyết định rằng chiến lược của chúng tôi tại Iraq sẽ được thay đổi. Tôi đã đưa ra một lực lượng tăng cường để hỗ trợ chính quyền dân chủ mới tại Iraq nhằm đánh bại lực lượng khủng bố và phiến quân nổi dậy. Nhờ vào những nỗ lực có tính lịch sử của quân đội, các sĩ quan tình báo và các nhà ngoại giao, lực lượng tăng cường đã có được thành công. Vài tháng sau cuộc chiến khắc nghiệt, al Qaeda đã bị đánh bại tại Iraq và nhân dân Iraq đã có thể giành lại đất nước.
Nhưng thật đáng tiếc, chính vì những diễn biến này, một tổ chức lấy al Qaeda làm nguồn cảm hứng đã được lập ra với tên gọi là Nhà nước hồi giáo Iraq và Syria - ISIS. Tổ chức này tập hợp sức mạnh từ Syria, hoạt động xuyên sang biên giới đến Iraq, để tàn phá nền dân chủ còn non nớt của Iraq, và nỗ lực thiết lập căn cứ hình thành lực lượng khủng bố. Tương lai của Iraq là không có gì đảm bảo, như tôi đã viết vào năm 2014. Vì lợi ích an ninh của chúng ta và của người dân Iraq, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ làm những gì cần thiết để đánh bại ISIS và trao cho chính quyền dân chủ một cơ hội để thành công. Có một điều chắc chắn rằng: Người dân Iraq, người dân Mỹ, và toàn thể người dân trên thế giới đã có một cuộc sống tốt hơn sau khi Saddam Hussein không còn. Tôi tin rằng quyết định của cha năm 1991 là chính xác - và quyết định mà tôi đã đưa ra mười hai năm sau đó cũng hoàn toàn chính xác.
Chỉ trong vòng hai năm làm tổng thống, George Bush đã khéo léo quản lý chính sách của Mỹ liên quan đến các phong trào dân chủ tại Đông Âu, giải phóng Panama, và loại bỏ Saddam Hussein ra khỏi Kuwait. Chính sách ngoại giao của ông có thể đã được ghi nhận ưu việt hơn của bất kỳ vị tổng thống đương thời nào. Sau đó lịch sử đã thử thách ông thêm một lần nữa: khi Liên Xô sụp đổ.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Liên Xô từ một đối thủ siêu cường của Mỹ đã trở thành một đế chế đổ nát. Mikhail Gorbachev không bộc lộ rõ quan điểm khi các quốc gia Trung và Đông Âu nổi dậy, nhưng không một ai biết được rằng điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao khi các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết đòi tách ra độc lập.
Chiến lược của cha tôi là phát triển mối quan hệ cá nhân với Gorbachev trong khi thúc giục ông ta cho phép Liên Xô phân tách trong hòa bình. Chiến lược này đã đạt kết quả tốt vào đầu năm 1991 khi Gorbachev đồng ý cho phép một cuộc bầu cử tổng thống tự do cho Liên bang Nga. Các cử tri đã bầu ra một nhà cải cách uy tín có tên Boris Yeltstin.
Cách tiếp cận kiên trì của cha tôi đã vấp phải những lời phản đối. Bài phát biểu của ông tại Kiev, Ukraine, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển đổi dần sang nền dân chủ và bị cười nhạo là quá trình “Con gà Kiev”. George Bush bác bỏ tất cả những lời chỉ trích. Ông tin tưởng rằng phong trào tự do sẽ thành công miễn là không bị đàn áp dữ dội. Và ông tin rằng việc thuyết phục Gorbachev - không kích động những phần tử Xô viết cứng rắn - sẽ là cách tốt nhất để tránh bị đàn áp.
Mối đe dọa từ những thành phần cực đoan tại cung điện Kremlin đã trở nên rõ ràng vào tháng 8 năm 1991. Chúng tôi đang ở bang Marine cùng cha khi Brent Scowcroft thông báo cho ông rằng các quan chức Liên Xô đã phản đối chính sách của Gorbachev và cuộc cải cách biến thành cuộc đảo chính. Họ đã quản thúc Gorbachev tại nhà trong kỳ nghỉ của ông tại Crimea. Cha đã cố gắng liên lạc với Gorbachev, nhưng không một ai cho ông biết làm thế nào để tìm được ông ấy. Có vẻ như người bạn của ông đã bại trận trước những cựu binh. Sau đó, trong một cảnh tượng đáng nhớ, Boris Yeltsin đã leo lên nóc một chiếc xe tăng và kêu gọi các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính dừng lại. Cuối cùng họ đã làm thế, và Gorbachev trở lại nắm quyền. Cha đã gọi điện cảm ơn Yetlsin và khuyến khích ông ta giữ thái độ mạnh mẽ khi đối mặt với những phần tử cứng rắn. Mặc dù Gorbachev vẫn tồn tại, nhưng Liên Xô đã thay đổi không gì cưỡng lại được.
Ngày mùng 7 tháng 12 năm 1991, cha và mẹ đã có một chuyến đi đến Hawaii để tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 của trận Trân Châu Cảng. Đó là một ngày đầy cảm xúc đối với ông, làm ông nhớ lại kỷ niệm thời chiến và đồng đội đã hy sinh. Cuộc tưởng niệm tổ chức trên tàu USS Arinoza, nơi có hơn 1.100 lính thủy Mỹ đã thiệt mạng. Cha dành một phút mặc niệm vào đúng thời điểm khi xưa máy bay ném bom của Nhật Bản lần đầu tiên xuất hiện. Cha và mẹ đã gặp những binh sĩ còn sống sót và thả hoa xuống dòng nước để tôn vinh những người đã khuất. Trong bài diễn văn tưởng niệm, cha đã nhấn mạnh sự tha thứ: “Từ trái tim tôi, không hề có thù oán với Đức hay Nhật”, ông nói. “Và tôi hy vọng rằng, mặc dù đã có nhiều mất mát, nhưng sự thù hận không tồn tại trong con người bạn. Lúc này không phải là thời gian để trả thù. Thế chiến thứ hai đã kết thúc. Nó đã trở thành lịch sử. Và chúng ta đã thắng. Chúng ta đã nghiền nát chế độ độc tài, và khi làm được điều đó thì chúng ta hãy giúp kẻ thù lập ra những nền dân chủ”.
Ngày tiếp theo, cha nhận được một cuộc gọi từ Boris Yeltsin, người đã thông báo cho ông rằng Chủ tịch các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã bỏ phiếu chọn giải thể Liên bang Xô viết. Điều đó nghĩa là Mikhail Gorbachev sẽ không còn được nắm giữ vị trí cũ.
Giáng sinh năm đó, Gorbachev đã ký một văn bản giấy tờ giải thể Liên bang Xô viết. Lá cờ Liên Xô trên nóc điện Kremlin trong nhiều thập kỷ đã bị hạ xuống. Trước khi rời văn phòng của mình, Gorbachev đã thực hiện một cuộc gọi cuối cùng.
Gorbachev nói với cha tôi rằng ông ta sắp đọc tuyên bố từ chức và ông ta đã đặt sẵn trên bàn một sắc lệnh giải thể Liên bang Xô viết. Gorbachev đã cảm ơn tổng thống vì sự ủng hộ của ông, và cha tôi cũng chắc chắn với ông ta rằng lịch sử sẽ ghi nhớ sự lựa chọn của ông ta. Sau đó, họ đã trao đổi những lời cuối cùng với tư cách là một nhà lãnh đạo Liên Xô và một vị Tổng thống Mỹ.
“Tại thời điểm đặc biệt này của năm và vào thời điểm lịch sử này, chúng tôi kính chào ngài và cảm ơn ngài vì những gì ngài đã làm cho nền hòa bình thế giới. Vô cùng cảm ơn ngài”, cha nói.
“Cảm ơn anh, George”, Gorbachev nói. “Tôi tạm biệt và bắt tay anh.”
Sự kết thúc của cuộc gọi ấy là một trong những thành tựu ngoại giao tuyệt vời nhất trong lịch sử: một kết cục hòa bình cho cuộc Chiến tranh Lạnh.
Sau này nhìn lại, kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh dường như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đối với nhiều thế hệ người Mỹ, những người lớn lên trong các cuộc tập trận phòng không, phải chịu hậu quả của bụi phóng xạ và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba - dường như Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ kết thúc - chưa kể tới việc nó diễn ra âm thầm không tiếng súng. Ronald Reagan đã công nhận điều này trước tiên, và quyết tâm đánh bại Liên Xô, chính việc đó làm cho uy tín của ông ta lên cao và được coi là người đầu tiên kiến tạo ra sự chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Tương tự như vậy, Mikhail Gorbachev cũng hiểu được rằng Liên Xô cần phải được cải tổ để tồn tại. Nhưng cuối cùng ông đã thất bại trong nhiệm vụ này. Tuy nhiên quyết định của ông ta đã làm cho Liên Xô tan rã mà không cần đến bạo lực.
Tôi không cho rằng Gorbachev sẽ có thể làm được điều đó nếu không có đối tác Hoa Kỳ. Trong cuộc chuyển giao quyền lực hồi tháng 8 năm 1991, ông ta đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ trong nội bộ chính phủ của mình. Quan sát những phản ứng khác nhau của các tiểu bang Mỹ trước sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu - hả hê trên chiến thắng hay thù hằn với lực lượng cứng rắn tại Liên Xô - có thể nói Gorbachev không thể có khả năng chống cự nếu có những can thiệp bằng vũ lực. Tồi tệ hơn, ông ta đã có thể bị lật đổ bởi một thủ lĩnh của Liên Xô trong một cơn mưa tên lửa hạt nhân. Dù bằng cách nào, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã chấm dứt thời kỳ nguy hiểm nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Rất may, Hoa Kỳ đã có một vị tổng thống phù hợp với thời đại. Trong những tháng tại vị, George Bush nhận ra tiềm năng của Gorbachev, sử dụng năng khiếu ngoại giao để giúp đỡ ông ta, biết khiêm tốn để tránh khiêu khích, có cá tính mạnh mẽ để đứng vững trước những áp lực từ những người chỉ trích. Tổng thống đã chuyển hướng cuộc Chiến tranh Lạnh đến một kết cục hòa bình bền vững, đó là một người đàn ông khiêm tốn, biết suy nghĩ thấu đáo mà tôi từng biết trong cả cuộc đời mình. Không quá phóng đại khi nói rằng bài học mà Dorothy Walker Bush đã dạy con trai bà từ những năm đầu của cuộc đời - giành chiến thắng với lòng biết ơn, không khoe khoang, biết nghĩ cho người khác - đã trực tiếp cống hiến cho hòa bình thế giới. Không có nhiều bà mẹ có thể làm được điều này.
Những nhà lịch sử tương lai sẽ không nghi ngờ uy tín lãnh đạo của George Bush trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, thành công phải trả bằng một cái giá bất ngờ. Vì loại bỏ các vấn đề trong chính sách đối ngoại ra khỏi chương trình nghị sự trong cuộc bầu cử năm 1992, ông đã xóa bỏ sức mạnh lớn nhất của mình. Một trong những thay đổi kịch tính nhất trong lịch sử chính trị là việc George Bush đang từ vị trí một nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ với tỷ lệ ủng hộ cao trên 80% trở thành một người thất nghiệp.