C
uối tháng 5 năm 2014, tôi đã nhận được cuộc gọi từ Jean Becker, một đầu bếp lâu năm của cha tôi. Bà đi thẳng vào vấn đề.
“Cha anh muốn nhảy dù vào dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông ấy. Anh nghĩ sao?”
Khoảng mười tám tháng trước, Jean đã gọi điện để kiểm tra việc sắp xếp tang lễ cho cha tôi. Ông đã nằm viện gần một tháng vì viêm phổi, và đã có rất nhiều người lo ngại rằng người đàn ông khả kính này sắp về cõi vĩnh hằng. Ông không thể đi lại, và luôn mệt mỏi. Trong các cuộc điện thoại giữa tôi với cha, ông chưa bao giờ phàn nàn. Thương hại bản thân không tồn tại trong gen của George Bush. Bây giờ ông đang hy vọng sẽ hoàn thành một cuộc nhảy dù khác - lần thứ tám trong đời, để nhớ lại việc ông đã làm sau khi chiếc oanh kích cơ do ông điều khiển bị lực lượng pháo phòng không của Nhật bắn hạ trên biển Thái Bình Dương năm 1944.
“Bà có chắc đó là điều cha tôi muốn?”, tôi hỏi lại.
“Chắc chắn rồi”, bà trả lời.
“Các bác sĩ nói sao?”
“Một số đồng ý, còn một số thì không.”
“Mẹ tôi thì sao?”
“Bà lo lắng. Bà biết rằng ông muốn làm điều đó. Nhưng bà e ngại chuyến nhảy dù sẽ làm ông mệt và sẽ không thể thưởng thức bữa tiệc sinh nhật mà bà đã lên kế hoạch tổ chức tối hôm đó”.
Sau một hồi suy nghĩ, bà nói, “Tôi nghĩ ông ấy nên thực hiện điều đó”.
“Tại sao?”
“Bởi vì nó sẽ khiến ông ấy cảm thấy mình trẻ hơn.”
Sự thật là theo quan điểm của tôi thì đây không phải một vấn đề lớn. Sau khi nhảy dù vào dịp sinh nhật lần thứ tám mươi sáu, cha tôi đã thông báo rằng ông sẽ thực hiện một cuộc nhảy dù khác vào dịp sinh nhật lần thứ chín mươi. Và George H.W. Bush là một người đã nói là làm.
Khoảng vài tuần sau đó, Laura và tôi đã đến buổi sinh nhật tại Kennebunkport, bang Maine. Các bước chuẩn bị cho cuộc nhảy dù đã sẵn sàng, buổi tiệc đã được lên kế hoạch, và mẹ tôi đã ở trên tàu. Buổi chiều trước khi nhảy dù, tôi ngồi cạnh cha trên bậc thềm ngôi nhà thân yêu của ông ở Walker’s Point, tại một bãi đá nhô ra biển Đại Tây Dương. Tôi đã vẽ phong cảnh trên biển và mặc một chiếc quần hộp nhiều túi bị những giọt màu vẽ thấm xuống. Sau vài phút yên bình, chúng tôi lặng lẽ nhìn ra biển.
“Cha nghĩ sao?”, tôi hỏi.
“Cảnh thật tuyệt”, ông trả lời, mắt vẫn nhìn ra biển. Dường như ông đã nói hết những gì muốn nói.
Chúng tôi ngồi yên lặng thêm một vài phút nữa. Có phải ông đang suy nghĩ về việc nhảy dù, hay về cuộc sống, về ân điển của Chúa? Tôi không muốn xen ngang.
Một lát sau ông nói, “Chiếc quần này có giặt sạch được không?”.
Tôi cười, như tôi đã cùng cha cười vui trong suốt cả cuộc đời. Hài hước là tính cách điển hình của ông. Ông không lo lắng về việc nhảy dù hay cuộc sống của ông. Ông sống yên bình. Và ông biết chia sẻ niềm hân hoan của mình với người khác.
Buổi sáng sinh nhật của cha, ngày 12 tháng 6, bình minh lạnh lẽo và xám xịt. Gió thổi nhẹ, khoảng mười lăm dặm một giờ. Thoạt tiên, chúng tôi lo lắng vì trời nhiều mây có thể khiến kế hoạch phải thay đổi. May thay, những người lính nhảy dù kỳ cựu điều phối cuộc nhảy dù này, được biết đến như là Nhóm Tất Cả Là Cựu Chiến Binh, đã quả quyết rằng tầm nhìn vừa đủ. Chuyến bay sẽ diễn ra như kế hoạch.
Phi hành đoàn khởi động chiếc trực thăng Bell 429 đang đậu trên bãi cỏ xanh tươi tốt phía ngoài cabin hai tầng bằng gỗ, nơi được sử dụng như văn phòng của cha tôi ở Walker’s Point. Cha trùm kín người trong trang phục bay màu đen được may vừa với số đo, trên đó gắn một tấm thẻ mang số “41@90”. Thói quen trước mỗi chuyến bay của ông bao gồm xem xét kỹ điều kiện thời tiết lần cuối, kiểm tra dây an toàn, trả lời phỏng vấn của con gái tôi, Jenna, phóng viên của chương trình truyền hình TODAY. Thậm chí khi cha tôi chuẩn bị nhảy dù, ông vẫn sẵn sàng dành thời gian để giúp đỡ cô cháu gái.
“Ông ước gì vào ngày sinh nhật lần thứ chín mươi?”
“Ông ước tất cả các cháu của ông đều hạnh phúc”, ông trả lời. “Ông hy vọng các cháu sẽ có một cuộc sống như ông đã sống trong chín mươi năm qua - tràn đầy niềm vui”.
Ông có thêm một điều ước: “Hãy chắc chắn rằng cái dù sẽ mở ra”.
Gia đình tôi và bạn bè tập trung cùng nhau tại nơi cha tiếp đất: Bãi cỏ tại nhà thờ thánh Ann nơi cha mẹ tôi thường đi lễ, đây cũng là nơi cha tôi đã hạ cánh xuống trong lần nhảy dù cách đây năm năm và là nơi cha mẹ tôi đã làm lễ cưới ba mươi chín năm trước. (Như mẹ tôi nói, nếu chuyến nhảy dù không thành công, ít nhất chúng tôi không phải đi quá xa để làm lễ an táng). Khoảng mười giờ bốn lăm phút sáng, một trong những thành viên của đội nhảy dù tiếp cận tôi.
“Thưa tổng thống”, anh ta nói, “Cha ngài đã cất cánh”.
Một vài phút sau, chúng tôi nhìn thấy một chấm nhỏ trên bầu trời - máy bay đã lên độ cao gần 2.000 mét. Sau khi trực thăng bay một đường tròn quanh nhà thờ, chúng tôi nhìn thấy một vài chiếc dù bật mở. Hai trong số đó là dù của người quay phim tư liệu. Một chiếc dù khác lớn hơn, màu đỏ, trắng, và xanh cùng với cha tôi và chuyên gia nhảy dù Mike Elliott, người đã ba lần nhảy dù cùng cha và đây là cú nhảy dù thứ 10.227 của ông. Đám đông reo lên khi chiếc dù đôi bay hướng về phía chúng tôi.
“Chắc chắn họ sẽ bay vào vùng không khí nóng”, em trai tôi, Marvin, nói với một chút lo lắng.
Và cậu ấy đã đúng. Gió thổi chiếc dù ra khỏi vùng hạ cánh. Mike đã xoay mạnh chiếc dù trong lần điều chỉnh cuối cùng trước khi tiếp đất. Cha đập mạnh xuống đất, bị dù kéo đi vài mét, và cuối cùng cắm mặt xuống thảm cỏ.
Đám đông im bặt. Ông có dậy được không? Ông có đau không? Không ai di chuyển cho đến khi phi hành đoàn trực dưới mặt đất nhấc ông lên xe lăn. Các cháu của ông đồng thanh hát bài Chúc mừng sinh nhật để giấu đi nỗi lo lắng đang ập tới.
Cuối cùng sau khi hàng núi đồng phục được cởi bỏ. George H.W. Bush đã nở một nụ cười tươi rói trên khuôn mặt.
Tôi nắm tay mẹ, và chúng tôi đi về phía cha. Bà cúi xuống và trao cho cha một nụ hôn. Tôi theo sau, bắt tay và ôm chặt ông.
“Cảm giác của cha thế nào?”, tôi hỏi.
“Lạnh”, ông nói.
“Con rất tự hào về cha”, tôi nói. “Đó là một bước nhảy tuyệt vời.”
Ông chỉ tay vào đối tác của mình và nói, “Mike đã làm tất cả mọi việc”.
Khoảnh khắc này thể hiện rõ nhất tính cách của Geore Bush. Ông táo bạo và dũng cảm, luôn luôn tìm kiếm những cuộc phiêu lưu và thách thức mới. Ông khiêm tốn và nhanh chóng chia sẻ uy tín với cộng sự. Ông biết cách tránh sự chú ý thái quá tới mình và tránh khoe khoang thành tích cá nhân. Ông tin tưởng người khác và khơi gợi lòng trung thành của họ. Và trên tất cả, ông đã tìm thấy niềm vui trong gia đình lẫn đức tin của mình. Không có gì làm ông hạnh phúc hơn được sống bên vợ, con và các cháu của mình ở một nơi mà ông đã có thật nhiều kỷ niệm tuyệt vời.
Sau chuyến nhảy dù, cha trở về Walker’s Point để dùng bữa, chợp mắt, và chuẩn bị đón tiếp 250 thành viên gia đình, bạn bè, và những cựu quản lý từng phục vụ trong chính quyền Bush tới tham dự bữa tiệc sinh nhật đêm hôm đó. Ông tự thưởng cho mình một ly Bloody Mary trong bữa trưa. Sau đó, ông nhận được một cuộc điện đàm từ một người bạn - Arnold Schwarzenegger, ngôi sao điện ảnh và cựu Thống đốc bang California.
“Chúc mừng sinh nhật”, Arnold nói, “người gây được ấn tượng nhất ở tuổi chín mươi mà tôi biết”.
Tôi đồng ý với nhận định của Arnold. George H.W. Bush là một tấm gương cho nhiều người trên nhiều phương diện khác nhau. Ông đã quyết tâm có một cuộc sống trọn vẹn nhất - cho đến cuối đời.
Walker’s Point, địa điểm nhảy dù vào dịp sinh nhật thứ chín mươi của cha tôi, là một nơi thích hợp để bắt đầu câu chuyện của George Herbert Walker Bush. Nơi đây có mười một cảnh quan tuyệt đẹp bao gồm một ghềnh đá nhô ra Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Maine gần thị trấn Kennebunkport. Vùng đất này đã được mua từ những năm đầu thế kỷ XX bởi ông nội của cha tôi, cũng có tên George Herbert Walker. Thường được gia đình và bạn bè gọi là Bert, G.H. Walker là một đối thủ cạnh tranh sừng sỏ trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Thời thanh niên, ông tham gia giải mã cầu và giành danh hiệu vô địch quyền Anh hạng nặng bang Missouri. Về sau, ông trở thành một tay golf xuất sắc - nhà sáng lập giải thi đấu nghiệp dư Walker Cup giữa Mỹ và Anh.
Tính cạnh tranh của Bert Walker còn được lan rộng trong giới kinh doanh, nơi ông nổi tiếng là một doanh nhân bất khuất. Ông khởi nghiệp công ty đầu tư riêng của mình ở quê nhà St. Louis khi hai mươi lăm tuổi. Sau một vài năm kinh doanh thuận lợi, ông chuyển đến một phạm vi lớn hơn, tại thành phố New York. Ở đó, ông đã hợp tác với một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, William Averell Harriman, và trở thành Chủ tịch của W.A. Harriman & Company. Bert Walker không lo ngại các rủi ro tài chính, và ông chắc chắn không ngại chi tiền. Ông sở hữu một chiếc du thuyền, vài chiếc Rolls - Royce, và hàng loạt căn hộ tại bờ Đông - bao gồm cả Walker’s Point, nơi duy nhất đến nay vẫn còn thuộc sở hữu của gia đình tôi.
Là một người cha, ông đối xử cứng rắn với các con trai. Con trai út của ông, Lou, một lần đã xuất hiện trong tình trạng say rượu tại một giải vô địch tennis đôi nam nữ tại Kennebunkport. Khi đó cả gia đình đều đến xem trận đấu. Bert Walker, đang đứng bên sân cổ vũ trong phục sức chỉnh tề và thắt cả cà vạt, đã phát hiện ra hành vi bê tha của con trai mình và lôi con trai ra khỏi sân. Lúc trở về Walker’s Point, Lou bị triệu tập vào văn phòng gặp cha. Bert Walker đã nói rằng hành động say rượu là vết nhơ lên danh tiếng của gia đình. Sau đó ông đưa ra một quyết định: Thay vì việc trở lại kỳ học tiếp theo ở Yale, Lou sẽ phải mất một năm để làm việc tại mỏ than Pennsylvania. Xuất hiện trong tình trạng say rượu tại một trận quần vợt là điều thô lỗ và thiếu tôn trọng, và đó là những phẩm chất không thể được tha thứ đối với con trai của Bert Walker.
Hoàn toàn tương phản với cách ông đối xử với con trai, Bert Walker dành cho con gái tình thương yêu vô hạn. Ông dành sự ấm áp đặc biệt tới cô con gái nhỏ, Dorothy, ra đời tại Kennebunk năm 1901. Đổi lại, Dorothy Walker cũng rất tự hào về cha mình. Bằng cách nào đó, bà đã được thừa hưởng những phẩm chất tốt nhất của cha mình và làm mềm mại những nét gai góc trong tính cách của ông. Cuối cùng bà đã truyền lại những phẩm chất đó cho con trai mình là George Herbert Walker Bush.
Giống như cha của mình, tính cạnh tranh của Dorothy Walker là không có giới hạn. Mẹ tôi từng đặt mệnh danh cho bà tôi là “con người hiện còn đang sống hiếu thắng nhất”, một danh hiệu mà bà đạt được khi theo đuổi từ môn quần vợt (bà tôi là tuyển thủ quốc gia nổi bật trong cộng đồng quần vợt nghiệp dư dành cho phụ nữ) đến trò chơi cờ Tiddlywinks. Bà đã từng thách thức một người bạn cùng bơi từ Walker’s Point đến Câu lạc bộ sông Kennebunk, với khoảng cách hơn một dặm. Nghĩ rằng bà nói đùa, người bạn đó khi bơi được vài trăm mét đã dừng lại. Bà tôi vẫn tiếp tục bơi hết quãng đường trong dòng nước lạnh như băng của Đại Tây Dương. Trong số kỳ tích huyền thoại nhất của bà, bà từng tham gia chơi một trận bóng mềm khi mang thai ở tháng thứ chín, và vừa chạy về sân nhà vừa đập cú bóng cuối cùng, sau đó thông báo rằng bà bắt đầu đau đẻ khi vừa cán đích.
Bà tôi nung nấu nhiệt tâm để chiến thắng với sự khiêm tốn tuyệt đối, và yêu cầu tất cả những người con của mình cũng làm điều tương tự. Bà mong đợi niềm vinh dự khi chiến thắng, tinh thần thượng võ khi thất bại, và cam kết phải “làm tốt nhất” trong tất cả các công việc. Bà dạy các con không kiêu căng vì thành tích cá nhân và biết ghi nhận sự giúp đỡ của người khác. Không nên vi phạm những luật lệ hà khắc của bà. Theo quan điểm của bà, “tính kiêu ngạo không phải là một điều cuốn hút và những người tự tin về bản thân không cần quá tự mãn về mình”. “Chẳng ai ưa một người khoác lác”, bà hay nói vậy.
Khi cha tôi còn là một đứa trẻ sống ở Greenwich, Connecticut, bà nội tôi đã hỏi ông về một trận đấu bóng chày ông từng chơi.
“Rất tuyệt”, ông trả lời, “Con đã chiến thắng ”.
“Tốt lắm, George”, bà đáp.
Sau đó bà thắc mắc. “Nhưng cả đội đã chơi thế nào?”
Một lần khác, cha tôi giải thích rằng đội của ông đã thua một trận quần vợt vì ông không được vào thi đấu.
“Con không được chơi”, bà tôi phản đối. “Nếu con tập luyện chăm chỉ hơn, có thể con sẽ được vào trận”.
Bài học vỡ lòng của bà nội về tính khiêm tốn đã theo cha tôi trong suốt cuộc đời. Cho đến cuộc vận động tranh cử của ông vào năm 1988, tôi đã đi cùng cha đến Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tại Washington, DC. Ông đã đến đây để chia sẻ hiểu biết của mình về tình hình thế giới và trả lời một số câu hỏi của khán giả. George Bush rất am tường các vấn đề chính sách. Cách giải quyết của ông đối với các câu hỏi về mối quan hệ với Liên Xô và Trung Mỹ cũng hết sức khôn khéo. Để tạo không khí kết thúc vui vẻ, người điều hành cuộc phỏng vấn đã hỏi, “Vì sao ngài đeo cà vạt màu đỏ?”.
Cha tôi đã không lường trước câu hỏi này. Từ phía ghế ngồi của tôi bên cạnh khán đài, tôi có thể thấy ông đang bối rối tìm câu trả lời. Tôi khẽ trả lời cho khán giả, “Bởi vì tôi đã đánh đổ nước sốt lên chiếc màu xanh rồi”.
Gương mặt cha tôi giãn ra, và căn phòng rộn tiếng cười trong khoảnh khắc lúng túng của cha tôi. Ngay sau đó, ông nhanh chóng phá vỡ khoảnh khắc bằng cách thốt lên, “Đó là lý do bạn nên có một đứa con trai”. Đó là nét điển hình của cha tôi. Đối với tôi, bịa chuyện về nước sốt không có gì là ghê gớm cả. Tôi chỉ muốn cứu ông khỏi tình thế bối rối. Nhưng George Bush lại quá khiêm tốn nên đã không sử dụng một câu chuyện bịa.
Dorothy Walker Bush là một người có đức tin mạnh mẽ. Bà đọc Kinh Thánh cho những đứa con của bà trước mỗi bữa sáng. Một trong những đoạn mà bà yêu thích đó là châm ngôn 27:2: “Hãy để cho người khác khen ngợi con, chứ không phải chính miệng con làm thế”. Vào tất cả các ngày Chủ nhật, bà muốn cả gia đình sẽ đến nhà thờ, thông thường là nhà thờ Chirst ở Greenwhich hoặc nhà thờ Thánh Ann ở Kennebunkport.
Cho dù tôn giáo đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của bà, bà không bao giờ sử dụng lòng tin của mình để đánh giá khắc nghiệt về tôn giáo khác. Đức tin của bà chắc chắn và bền vững, và nó giúp bà có tấm lòng biết yêu thương. Khi tôi nghĩ về bà, tôi luôn liên tưởng đến hai từ thiên sứ và thánh thiện. Một trong những kỷ niệm yêu thích nhất thời thơ ấu của tôi đó là đến thăm bà và ông tôi ở Greenwich. Bà cù vào lưng tôi khi chúng tôi quỳ xuống cầu nguyện trước khi ngủ: “Giờ con sẽ nằm xuống và ngủ”.
Bà nội dành một tình yêu đặc biệt cho cha tôi. Như lời anh trai cha tôi là Jonathan từng cho biết: “Bà yêu tất cả các con của mình, nhưng bà yêu cha cháu hơn cả”. Bác ấy tiếp tục, “Điều rất đặc biệt là, không ai trong chúng tôi cảm thấy ghen tức về điều đó, tất cả đều yêu ông ấy”. Có rất nhiều câu chuyện như vậy kể về bà nội và cha tôi. Khi Dorothy Walker Bush qua đời ở tuổi chín mươi mốt, cha tôi đã gọi bà là “ngọn hải đăng của gia đình... một ngọn nến thu hút bướm đêm vỗ cánh xung quanh”. Trong tất cả những điều ảnh hưởng tới cuộc sống của cha tôi, không có ai định hình tính cách con người của cha nhiều bằng mẹ của ông.
Mùa thu năm 1919, một khoảng thời gian ngắn sau khi tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười tám, Dorothy Walker gặp Prescott Bush tại quê hương của bà tại St. Louis. Ông cao hơn 1m95 và nặng 90kg, cơ thể không có chút mỡ thừa. Mái tóc đen bóng, giọng trầm ấm, và nụ cười tỏa nắng. Ông đã đến nhà bà tôi để thăm chị gái của bà, Nancy, người mà ông đã gặp gần đây tại Câu lạc bộ xã hội St. Louis. Khi ông trông thấy Dorothy Walker đi vào phòng sau một trận tennis vào buổi chiều, ông đã bị mê hoặc. Chẳng bao lâu sau, bà cũng phải lòng ông.
Giống như Dorothy Walker, Prescott Bush cũng lớn lên ở miền Trung Tây. Cha ông, S.P. Bush, điều hành một công ty sản xuất Thép Buckeye ở Columbus, Ohio. Là một người đam mê thể thao cuồng nhiệt, S.P. đã giúp tổ chức một giải bóng chày địa phương, ông đóng vai trò như một trợ lý huấn luyện viên của đội bóng bang Ohio, và đồng sáng lập Câu lạc bộ Scioto Country, nơi có sân golf do Donald Ross, kiến trúc sư sân golf tài ba thiết kế, nơi Bobby Jones chiến thắng giải đấu golf Mỹ mở rộng năm 1926 và cũng là nơi tập luyện thời trẻ của huyền thoại Jack Nicklaus.
Sau thời thơ ấu tại Columbus, Prescott Bush đi đến miền đông để học tại trường nội trú ở St. George vùng Rhode Island. Ông đã rất xuất sắc trong trường học, và, giống như cha mình, ông cũng là một vận động viên xuất sắc. Hai môn thể thao giỏi nhất của ông là bóng chày và golf. Ông nội Prescott của tôi chưa giành được giải Gấu Vàng nhưng là người chơi golf giỏi nhất trong gia đình. Ông đã luôn giữ mức điểm chênh lệch số gậy tiêu chuẩn bằng không trong suốt cuộc đời, hoàn thành giải Mỹ mở rộng dành cho người cao tuổi, và nhiều lần có số lần đánh bóng thấp hơn số tuổi.
Khi học đại học, Prescott Bush đã chọn Yale. (Ông của ông, James Smith Bush đã khởi đầu truyền thống học ở Yale cho cả gia đình). Là một ngôi sao chơi ở vị trí tấn công số một trong đội bóng chày, ông còn được đội chơi golf chọn làm thành viên tham dự trận thi đấu khó khăn nhất. Mùa xuân, ông thường ra sân golf vào buổi sáng và đến sân bóng chày vào buổi chiều. Ông cũng có một chất giọng tuyệt hảo. Ông đã hát cùng Câu lạc bộ Yale Glee và Whiffenpoofs. Mặc dù nhiều nét của Prescott Bush được di truyền tới đời chúng tôi, nhưng nhánh của cha tôi trên cây phả hệ Bush không thừa hưởng được giọng ca tài năng của ông.
Năm 1916, trước khi bắt đầu vào năm học cuối tại trường đại học, ông tôi là một trong số ít các sinh viên của Yale tình nguyện tham gia Tổ chức Phòng vệ Quốc gia Connecticut. Khi Mỹ bước vào Thế chiến thứ nhất, Trung úy Bush được điều đến Pháp với nhiệm vụ là một sĩ quan pháo binh. Ông đã chiến đấu ngoài mặt trận mười tuần dưới sự chỉ huy của tướng John “Black Jack” Pershing. Khi quân Đức đầu hàng, ông đảm trách vai trò quan trọng trong lực lượng đồn trú trước khi trở về quê hương với quân hàm đại úy. Quyết định xung phong vào quân đội của ông đã gây ấn tượng sâu sắc cho cha tôi, người sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tương tự trong thế hệ tiếp theo.
Sau chiến tranh, Prescott Bush nhận làm phụ tá quản lý cho công ty Simmons Hardware tại St. Louis, nơi ông đã gặp Dorothy Walker. Họ kết hôn vào tháng 8 năm 1921 tại nhà thờ Thánh Ann ở Kennebunkport. (Tôi ngờ rằng họ đã có thể hình dung ra một chuyến nhảy dù vào thời điểm này của chín mươi ba năm sau). Như một món quà dành cho đôi vợ chồng mới cưới, Bert Walker đã xây cho họ một căn nhà gỗ một tầng trên vùng đất thuộc Walker‘s Point. Ngôi nhà đó vẫn tồn tại và hiện giờ đang được chị gái tôi, Dorothy, người có cùng tên với bà nội của chúng tôi, sử dụng.
Bà nội tôi dành những năm đầu sau hôn nhân cho những chuyến đi. Prescott Bush đã thuyên chuyển công việc kinh doanh từ St. Louis tới Kingsport, bang Tennessee; và Columbus, bang Ohio. Cuối cùng ông đã đảm nhận trọng trách điều hành công ty Rubber Stedman Products tại miền Nam Braintree, bang Massachusetts, trên đường Adams, con đường được đặt theo tên của gia đình chính khách của Tổng thống John và John Quincy Adams. Nơi đây, vào ngày 12 tháng 6 năm 1924, George Herbert Walker Bush đã chào đời.
Không lâu sau, Prescott Bush tiếp tục thuyên chuyển công tác. Năm 1925, ông đã đảm nhận một công việc mới ở công ty Rubber U.S tại thành phố New York. Ông chuyển gia đình tới Greenwich, Connecticut, khoảng bốn mươi lăm dặm về phía đông bắc Manhattan. Greenwich là nơi cha tôi lớn lên và ông bà nội tôi đã sống đến hết cuộc đời ở đó.
Một bài học mà cha tôi và tôi đã học được từ Prescott Bush đó là giá trị của việc kết bạn và giữ bạn. Trong suốt khoảng thời gian ở Yale, Prescott Bush đã kết bạn với Roland Harriman, được biết đến với cái tên Bunny (Tôi chưa bao giờ hiểu được tại sao một người đàn ông lại có biệt danh là “Bunny”, có nghĩa là Thỏ). Một khoảng thời gian ngắn sau khi ông tôi đến New York, Bunny đã nảy ra ý tưởng cùng ông tôi tham gia đầu tư nhà đất tại W.A. Harriman, nơi mà anh trai ông, Averell, đã sáng lập ra và Bert Walker làm chủ tịch. Ông tôi đã chấp nhận lời đề nghị. Niềm tin của ông đối với Bunny đã vượt qua những e ngại như ông từng cảm thấy khi làm việc cùng nhạc mẫu. Một tình bạn bền vững đã mở ra cánh cửa cho ba mươi năm làm việc ở lĩnh vực đầu tư ngân hàng của ông tôi. Cuối cùng ông đã trở thành đối tác hàng đầu của công ty, và sáp nhập công ty với Brown Brothers để trở thành Brown Brothers Harriman, một trong những công ty thành công và được kính trọng bậc nhất trên phố Wall. Công ty cũng chia thành hai đảng, Averell Harriman, một thành viên Đảng Dân chủ, sau đó đã trở thành Thống đốc New York, và là thành viên chủ chốt của hai chính quyền Roosevelt và Truman, trong khi Prescott Bush cùng con trai và các cháu trai đã bắt đầu hoạt động với tư cách là thành viên của Đảng Cộng hòa.
Prescott Bush đã dạy các con của ông rằng thước đo của một cuộc sống có ý nghĩa không phải ở vấn đề tiền bạc mà là nhân cách. Ông nhấn mạnh rằng thành công về mặt tài chính luôn đi cùng với trách nhiệm phục vụ cộng đồng và quốc gia tạo ra sự thịnh vượng. Mặc dù rất bận rộn với công việc ở phố Wall, ông luôn dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân của các vấn đề đang tác động đến mình. Ông là một lãnh đạo thế hệ đầu và là nguồn gây quỹ tài trợ lớn của USO, một tổ chức hỗ trợ quân đội và cựu chiến binh. Ông là một nhà quản lý làm việc trong Hiệp hội Golf Mỹ, và cuối cùng trở thành Chủ tịch (vị trí mà nhạc mẫu của ông, Bert Walker, cũng đã nắm giữ trước đây), và ông là một người ủng hộ mạnh mẽ của Quỹ United Nergo College (tổ chức từ thiện hỗ trợ học bổng cho học sinh da màu học cao đẳng). Trong hai thập kỷ, ông trở thành điều phối viên các cuộc họp của đại diện thị trấn Greenwich, một công việc không lương và tốn nhiều thời gian. Trong khi các bạn của ông tham gia những bữa tiệc hoặc chơi bài, thì ông trực điện thoại để thuyết phục các chủ nhà đất nhượng quyền xây dựng hạ tầng tại Merritt Parkway, một đại lộ quan trọng nối liền Connecticut và New York. Sự tận tâm phục vụ cộng đồng là một trong những giá trị quan trọng nhất mà Prescott Bush đã truyền lại cho các con của ông - để cha tôi truyền lại cho tôi và các anh chị em trong gia đình.
Prescott Bush tuân thủ một tín điều rằng nói lời thì phải giữ lời. Năm 1963, Nelson Rockefeller ly hôn với vợ để kết hôn với một cựu tình nguyện viên của một chiến dịch tranh cử, người đã rời bỏ chồng và các con của cô ấy để đến với ông. Tuy ông tôi và Rockefeller cùng là thành viên một đảng chính trị, nhưng ông tôi đã tuyên bố trong một bài diễn văn tại trường nữ sinh Greenwich, như tờ Times đã miêu tả là “một trong những bài diễn văn đả kích nhiều nhất trong lịch sử”. Ông tôi đặt câu hỏi liệu một thống đốc bang có thể “chăm sóc đời sống của người dân được không khi người lãnh đạo của bang đó - một người tài năng có thể được đề cử cho chức vị Tổng thống Mỹ - có thể rời bỏ một người vợ tốt, mẹ của những đứa con đã trưởng thành của anh ta, ly hôn với cô ấy, sau đó thuyết phục một phụ nữ trẻ hơn, là mẹ của bốn đứa con nhỏ, rời bỏ chồng và con cô ta để kết hôn với mình.” Rõ ràng Prescott Bush đã không ngần ngại khi trình bày quan điểm của ông. Tôi có thể tưởng tượng được điều ông sẽ nhận xét nếu ông nhìn thấy những vấn đề của cuộc sống thời nay.
Tuy có phần nghiêm khắc về vấn đề đạo đức, nhưng ông là người rất yêu đời. Ông rất thích hát, thời điểm ông vui nhất là lúc được hát cùng với gia đình hoặc luyện tập các bản tứ tấu do chính mình phối. Ông hay cười to và thích những lời nói đùa vui vẻ, mặc dù điều đó có thể thẳng thắn. Hơn một lần, ông đã xông ra khỏi phòng bởi cảm thấy khó chịu khi có người kể những câu chuyện gây cười tục tĩu. Năm 1959, ông tôi được đề cử là một ứng viên cho chức chủ tịch Câu lạc bộ Alfalfa, một tổ chức tập hợp xã hội ở Washington. Bài diễn văn chấp thuận tham gia của ông đã nhận được hưởng ứng rất mạnh mẽ.
“Đối với các nhân viên, tôi đã yêu cầu sự tận tâm trong công việc giống như tôi đã thực hiện”, ông nói. “Quả thực, tất cả mọi người trong văn phòng của tôi đều chỉ cần dưới tám mươi lần đánh bóng khi chơi golf. Tiếp nối truyền thống tuyệt vời từ thời Thomas Jefferson, chúng tôi đã cố gắng để chứng minh một chân lý rằng chính quyền sẽ làm việc tốt nhất khi cai trị ít nhất”. Lúc bàn về sự hy sinh của bà tôi khi chuyển đến Washington, ông đã diễn giải câu nói của Nathan Hale trong tiếc nuối: “Tôi tiếc là mình chỉ có duy nhất một người vợ để hy sinh cho tổ quốc”. Những năm sau, cha tôi, em trai tôi, Jeb, và tôi, tất cả đều nối bước ông trở thành các ứng viên chủ tịch của Câu lạc bộ Alfalfa.
Cha tôi rất sùng bái ông nội. Bằng nhiều cách, ông đã lấy cuộc đời của ông nội làm khuôn mẫu cho mình: tình nguyện ra chiến trường, kinh doanh xuất sắc, và sau đó đảm nhận trách nhiệm phụng sự công dân. Tôi vẫn nhớ sự hãnh diện đã hiện rõ trên khuôn mặt của cha khi ông nói với bạn bè rằng cha ông là Thượng nghị sĩ Mỹ. Tôi ngờ rằng một trong những suy nghĩ đầu tiên của ông sau khi ông thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống năm 1989 là làm cách nào nhanh nhất để chia sẻ khoảnh khắc đó với cha của ông. Điều này cũng giống như tình cảm mà tôi đã dành cho cha mình khi ôm lấy ông tại buổi lễ nhậm chức tổng thống của tôi vào năm 2001 và 2005.
Khi còn là một đứa trẻ, cha tôi rất thích chia sẻ với anh trai của ông, Pres (Prescott Bush Jr, được đặt giống tên ông nội tôi). Bất cứ khi nào nhận được một món quà hoặc một thứ đồ chơi, cha tôi đều sẽ chạy đi tìm Pres, cho ông ấy xem, và nói, “Chúng ta chia đôi đi”. Khi có một chiếc xe mới, ông đã cố gắng để chia sẻ với Pres bằng cách để bác ấy đạp một bên bàn đạp. Ông nội tôi đã từng gọi cha tôi là “Một nửa”.
Prescott và Dorothy Bush tập trung vào việc dạy dỗ con cái nghiêm khắc. Cha tôi đã dành tám năm học đầu tiên tại trường Greenwich Country Day, một trường tư thục được thành lập bởi các gia đình ở địa phương. Những trải nghiệm học tập đầu đời của ông khác hoàn toàn so với tôi. Tại Greenwich Country Day, rất nhiều trẻ em đến trường bằng xe hơi do quản gia lái. Tại trường Tiểu học Sam Houston tại Midland, Texas, hầu hết trẻ em đều đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường.
Những năm học phổ thông, hai người con trai cả được Prescott và Dorothy Bush gửi đến học viện Phillips ở Andover, Massachusetts. Bà nội tôi đã chọn trường này vì học vấn uyên bác của những giáo viên ở đây và cũng bởi họ muốn những người con trai của mình quen biết với các chàng trai khác đến từ nhiều vùng đất nước.
Andover chứng tỏ là một trải nghiệm đáng giá, nó ứng nghiệm với tôi khi tôi học ở đây một thế hệ sau. Cả cha tôi và tôi đều đạt được rất nhiều lợi ích từ kỷ luật và thách thức của quá trình học. Và tất cả chúng tôi đều rút ra những bài học quan trọng ngoài lớp học. Như là một thanh niên lần đầu tiên tự lập, chúng tôi đều được học để trở nên độc lập, làm việc chăm chỉ, và để kết bạn.
Tại Andover, cha tôi đã thể hiện được khả năng lãnh đạo thiên bẩm. Mọi người bị ông cuốn hút và đều muốn theo ông. Các thành viên trong đội của ông chọn ông là đội trưởng đội bóng chày, bóng đá và cả người quản lý đội bóng chày. Ông đứng đầu trong trường về nỗ lực gây quỹ từ thiện cho nhà nguyện và được bầu làm Chủ tịch của khối học sinh năm cuối cấp.
Tuy cha tôi được mệnh danh là người đàn ông vĩ đại tại trường học nhưng ông không đặt danh tiếng của mình lên mọi thứ. Một ngày nọ, một cậu học sinh trẻ tên Bruce Gelb bị các học sinh nam khóa trên vây quanh, có thể bởi vì đó là một trong số ít những học sinh người Do Thái của trường. Khi cha tôi trông thấy các nam sinh khóa trên đánh cậu ta, ông đã bảo họ dừng tay. Họ đã nghe theo. George Bush luôn làm việc theo cách của riêng mình và chẳng bao giờ suy nghĩ nhiều về nó. Nhưng Bruce Gelb thì luôn nhớ rằng chỉ có cha tôi là một trong những nam sinh nổi tiếng nhất trường đã không vờ như không trông thấy những gì mà ông đã phải chịu đựng. Vì thế ông đã trở thành một người hỗ trợ đắc lực cho cha tôi trong suốt cuộc đời, và cha tôi sau đó cũng đã bổ nhiệm ông vào vị trí quan trọng trong chính phủ, như Đại sứ tại Bỉ và Giám đốc của Sở Thông tin Hoa Kỳ.
Andover luôn nhấn mạnh một phương châm: “Phần kết phụ thuộc vào phần khởi đầu”. George Bush đã được ban phước khi có một khởi đầu tốt. Gia đình yêu thương ông, cung cấp cho ông một nền giáo dục tuyệt vời, và truyền lại cho ông những phẩm chất đáng quý. Ông đã có nhiều bạn bè, gây được ấn tượng với giáo viên, và nổi trội trong các môn thể thao. Ông cũng đã vươn lên những bước tiếp theo, được nhận vào học tại Yale, nơi tiếp bước dấu chân của cha ông.
Ít lâu sau, vào Chủ nhật, ngày mùng 7 tháng 12 năm 1941, mọi thứ đã thay đổi. Cha tôi và vài thành viên trong lớp đang đi băng qua khuôn viên Andover gần phòng cầu nguyện thì hay tin người Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng. Ngày tiếp theo, nhiều hàng dài tình nguyện viên đứng chờ bên ngoài khu tuyển quân trên toàn quốc.
Hầu hết các chàng trai bằng tuổi cha tôi thời ấy đều phải đứng trước hai sự lựa chọn: ra chiến trường hay tiếp tục cuộc sống với kế hoạch đã đặt ra. Mọi lời khuyên mà cha tôi nhận được đều dẫn tới cùng một đích. Người đọc diễn văn trong buổi lễ phát bằng của năm học cuối cấp là Henry Stimson, Thư ký thời chiến của Tổng thống Roosevelt và là một cựu sinh viên của Andover. Ông đã thúc giục các sinh viên tốt nghiệp tiếp tục đi học đại học, ông chắc chắn rằng họ sẽ có cơ hội tham gia quân đội vào thời gian sau. Prescott Bush đã đồng ý mạnh mẽ, ông xin cha mình cho đến Yale và tìm con đường riêng để phụng sự tổ quốc từ đây.
Có một lý do khác khiến cha tôi thích sống gần gũi với gia đình mình hơn. Đó là trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh vào năm học cuối tại trường phổ thông, ông đã đi khiêu vũ ở một câu lạc bộ tại Greenwich. Khi đang nói chuyện với bạn bè, ông bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của một cô gái đi ngang qua. Đó là Barbara Pierce, khi ấy mười sáu tuổi, còn cha tôi mười bảy tuổi. Cha tôi đã mời cô nhảy, thế nhưng có một rắc rối xảy ra. Họ không biết nhảy điệu waltz. Vì thế họ đã phải ra ngoài khi mọi người nhảy điệu này và chỉ nói chuyện với nhau. Ông đã nắm được một số thông tin về cô, cô đến từ Rye, New York, cô đang trọ tại một trường nội trú ở phía nam Carolina. Họ rất tâm đầu ý hợp và cùng nhau hẹn ngày hôm sau gặp lại trong bữa tiệc giáng sinh tại Câu lạc bộ Apawamis ở Rye.
Buổi tối hôm đó, ban nhạc đã không chơi điệu waltz và tất nhiên, George H.W. Bush cùng Barbara lên sàn nhảy. Ngay lập tức, có một sự đồng cảm giữa họ, và họ đã đồng ý sẽ giữ liên lạc với nhau. Họ lại gặp nhau tại một bữa tiệc mừng lễ trưởng thành của học sinh trường Andover, sau đó, cha tôi đã trao cho cô ấy một nụ hôn tạm biệt. (Barbara khẳng định đó là nụ hôn đầu tiên trong đời cô ấy). Đến giờ, cha mẹ tôi chẳng còn nhớ nhiều về những gì mà họ đã nói với nhau trong những ngày đầu tiên ấy, nhưng có một điều, đó là họ đã làm cho nhau cười rất nhiều. Không lâu sau đó, họ yêu nhau.
Có một điều mà cả hai người đã bàn luận với nhau đó là quyết định của cha tôi trong việc gia nhập quân đội. Như cách mà cha tôi bày tỏ với mẹ, ông cảm thấy bị xúc phạm với cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Sinh mạng của hơn 2.400 người vô tội bị cướp đi, điều này khơi gợi trong cha niềm căm phẫn của chính nghĩa, điều mà nhiều người Mỹ trong đó có tôi, đã phải trải qua sau cuộc tấn công của khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ông cảm nhận được đó là bổn phận. Cha tôi, ông luôn nhấn mạnh rằng, chúng ta đã được hưởng những điều an lành, chúng ta phải cố gìn giữ nó.
Theo Kinh Thánh, “Ai đã được nhận nhiều thì sẽ phải cho nhiều”. George Bush nhận ra rằng ông đã được cho rất nhiều. Sức khỏe bề ngoài cho phép ông nhập ngũ, và bổn phận trong thâm tâm cũng thôi thúc ông. Cha nói với mẹ tôi rằng, ông ấy đã quyết tâm gia nhập quân đội với vai trò là một phi công của binh chủng Hải quân.
Tới thời điểm này trong cuộc đời, George Bush chưa phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn. Ông chưa bao giờ cãi lời cha mình. Nhưng ông đã quyết, và không lưỡng lự. Sau buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp trung học, cha tôi đã nhìn vào mắt của ông nội và nói, “Con sẽ nhập ngũ”. Ông nội đáp lại bằng cách bắt tay cha. Ông tôn trọng quyết định của cha tôi, thời khắc đó đánh dấu sự ủng hộ tuyệt đối của ông tôi dành cho cha.
Cha tôi đã nhập ngũ ngày 12 tháng 7 năm 1942, vào đúng sinh nhật thứ mười tám của ông. Hai tháng sau đó, ông nội tôi đã đưa cha ra ga Penn ở New York, ông lên đường đến phía bắc Carolina để bắt đầu nhập ngũ. Khi cha tôi đứng trên ga chuẩn bị lên tàu, Prescott Bush đã trao cho cha tôi một cái ôm. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, cha nhìn thấy ông nội khóc.