M
ỗi phi công thường nhớ chuyến bay đầu tiên của mình. Đối với tôi, đó là chuyến bay với chiếc Cessna 170 ở căn cứ Không quân Moody tại Valdosta, Georgia năm 1968. Đối với cha tôi, đó là chiếc máy bay có khoang lái mở Stearman N2S - 3 tại căn cứ Không quân của lực lượng Hải quân Wold - Chamberlain, Minneapolis năm 1942. Các học viên trẻ ở đây gọi chiếc máy bay này là “Hiểm họa da vàng” vì nó được sơn màu vàng và vô cùng nguy hiểm khi bay trên bầu trời. Nó còn được gọi bằng một cái tên khác là “Máy giặt”, gợi ra hình ảnh những học viên bị quay cho tơi tả khi luyện tập để trở thành phi công.
Cha tôi mô tả lại chuyến bay đầu tiên ông lái một mình là “một trong những điều đáng sợ nhất” trong cuộc đời ông. Tôi biết chính xác điều ông nói. Đó là một cảm giác không thể diễn tả nổi bằng lời khi ngồi trong buồng lái, lao nhanh xuôi đường băng, và cất cánh lên không trung. Chiếc máy bay không quan tâm bạn đến từ đâu, bạn học ở trường nào, hay cha mẹ bạn là ai. Vấn đề ở đây là liệu bạn có đủ những kỹ năng để lái nó không mà thôi - những kỹ năng cần thiết, như cách mà Tom Wolfe đã gọi. Thiếu úy George Bush bay hầu như mỗi ngày qua vùng Minnesota trong tiết trời đông lạnh giá. Ông lái một cách thoải mái trên không và xuất sắc khi hạ cánh ngay cả đó là trên tuyết, trên băng - điều đòi hỏi kỹ năng rất điêu luyện, và vô cùng hữu ích tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Rất nhiều phi công nói rằng, việc học lái máy bay làm cho họ cảm thấy mình cao hơn. Trong trường hợp của cha tôi, thì đó là điều hoàn toàn đúng. Vào thời điểm viên sĩ quan chỉ huy trao cho ông chiếc huy chương vàng về thành tích bay tại căn cứ Không quân của lực lượng Hải quân Corpus Christi tháng 6 năm 1943, ông nhận ra mình đã cao thêm khoảng 5cm so với khi mới nhập ngũ, tổng chiều cao của ông lúc đó khoảng 1m89. Ông vẫn chưa đủ mười chín tuổi, và điều này có nghĩa ông là phi công trẻ nhất trong Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.
Sau những năm học ở trường hàng không, cha có một thời gian ngắn được nghỉ phép trước khi nhận nhiệm vụ tiếp theo. Cha đã dành thời gian này cho gia đình ở Maine, bà tôi lại rất hào phóng khi mời một vị khách đặc biệt tới nhà, đó là Barbara Pierce, sinh viên Đại học Smith đang trong giai đoạn nghỉ hè. Cha mẹ tôi luôn ở bên nhau suốt thời gian hai tuần ở Maine. Và khi kỳ nghỉ gần kết thúc, họ quyết định đính hôn bí mật.
Bí mật này không giữ được lâu. Vào tháng 12 năm 1943, chẳng bao lâu trước khi buổi lễ hạ thủy cho chiếc tàu sân bay USS San Jacinto, con tàu sẽ mang cha tôi ra chiến trường, cha mẹ tôi đã quyết định thông báo cho gia đình về kế hoạch kết hôn. Cả hai rất đỗi ngạc nhiên khi cả gia đình đều đã biết việc này. Tình cảm của họ dành cho nhau quá rõ ràng. Giống như cha đã từng viết cho mẹ “Anh yêu em, tình yêu quý giá của anh, bằng cả con tim của anh, cả cuộc sống của anh dành trọn cho em, em là tất cả đời anh. Anh vui mừng không thể nào diễn tả được khi một ngày nào đó chúng mình sẽ là của nhau. Rồi những đứa con của chúng mình sẽ thật may mắn khi có một người mẹ tuyệt vời như em” (Đó là bức thư duy nhất trong thời chiến còn sót lại, phần còn lại của bức thư đã bị mất sau nhiều lần cha mẹ chuyển nhà). Sau buổi lễ kỷ niệm hôm ấy, bà tôi đã đưa cho cha một chiếc nhẫn đính hôn - một chiếc nhẫn ngọc bích lấp lánh ánh sao, nó từng thuộc về chị gái của bà, Nancy. Và vào cuối ngày hôm ấy, cha đã tặng nó cho người vợ sắp cưới của ông, Barbara. Đến hôm nay bà vẫn còn đeo nó (dẫu cho bà luôn nghi ngờ đó chỉ là chiếc nhẫn bằng thủy tinh xanh bình thường).
* * *
Tháng 1 năm 1944, sau khi đã hoàn thành một năm xuất sắc, và một nửa quá trình huấn luyện, Thiếu úy Bush nhận nhiệm vụ trên con tàu sân bay USS San Jacinto. Tàu sân bay San Jac được đặt tên theo trận chiến Đại tướng Sam Houston đã đánh thắng Santa Anna, lãnh đạo người Mexico. Như một điềm báo cho cuộc đời phía trước của cha tôi, tàu sân bay mang theo hai lá cờ, cờ Sao và Sọc của nước Mỹ và cờ Ngôi sao cô đơn của bang Texas.
Người phi công trẻ của lực lượng Hải quân đã gia nhập nhóm phi công sau này làm nên phi đội VT - 51. Jack Guy đến từ vùng quê Georgia, ông rời bỏ công việc nhân viên ngân hàng để tòng quân. Lou Grab lớn lên ở Sacramento, bang California, là con của chủ một trạm xăng. Stan Butchart là người bản địa ở Spokane, Washington, luôn luôn mơ ước trở thành phi công. Những người bạn trong phi đội có ít điểm tương đồng. Tại Andover, George Bush đã học được rằng ông có thể kết bạn với nhiều người ở các vùng miền khác nhau của đất nước. Trong quân đội, ông đã học được rằng, ông có thể kết bạn với nhiều người thuộc mọi tầng lớp khác nhau.
Cha tôi có một biệt tài có thể khiến cho người khác bật cười. Ông đặt những cái tên khác nhau cho mọi người (Nghe có vẻ gần gũi quen thuộc?). Stan Butchart là “Butch”, Jack Guy là “Jackoguy”, được nối bằng chữ cái đầu của tên đệm. Cha tôi kiếm một cái tên đặc biệt cho riêng ông. Trong thời gian huấn luyện ở bờ biển Marryland, ông đang lái máy bay bay rà rà trên mặt biển thì nhìn thấy một đám xiếc đang chuẩn bị bên dưới. Rõ ràng động vật chẳng biết nhiều về máy bay hải quân, tiếng động cơ khiến chúng kinh hãi, một trong số những con voi chạy tán loạn khắp thị trấn. Từ hôm đó, những người bạn thân của cha đặt cho ông cái tên “Voi Ellie”. Ông đáp lại bằng cách giả tiếng kêu của voi mà ông đã học được trong thời chiến. Tôi chưa bao giờ được nghe ông giả tiếng voi, dẫu cho ông có thể làm việc đó một cách dễ dàng khi ông đã trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa.
Chiếc máy bay khiến cho con voi của rạp xiếc hoảng sợ là chiến cơ mang tên TBF/TBM Báo Thù - Avenger, một máy bay thả ngư lôi. Avenger là loại máy bay một động cơ lớn nhất của lực lượng Hải quân và là máy bay vận tải. Nó có thể chở một phi công, hai phi hành viên và bốn quả bom mỗi quả nặng gần hai tấn. Để chở được hàng tấn đạn dược, chiếc máy bay này được thiết kế khoang chứa rộng, khiến cho nó có cái tên rất truyền cảm là “Con gà tây chửa”.
Avenger là chiến cơ hạng nặng, đòi hỏi phi công có những tố chất đặc biệt mới có thể điều khiển được. Công việc khó khăn nhất là hạ cánh trên boong tàu vừa nhỏ hẹp vừa nhấp nhô của tàu sân bay. Một cú hạ cánh chính xác đòi hỏi người lái phải có sự tập trung cao độ, sự chính xác và phối hợp đồng đội tốt. Phi công chọn góc hạ cánh chính xác, tuân theo những chỉ dẫn của nhân viên mặt đất, sau đó phải móc máy bay vào một trong những cái chốt của tàu sân bay để tránh trường hợp máy bay bị trượt khỏi boong tàu. Khi làm tổng thống, tôi từng làm hành khách trong chiếc máy bay phản lực S - 3B Viking hạ cánh trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln. Tôi vốn đã dành sự kính trọng những phi công ở tàu sân bay, thế nhưng sau lần hạ cánh này, sự kính trọng tăng lên gấp đôi.
Mùa xuân năm 1922, tàu sân bay San Jac được điều đến vùng biển Thái Bình Dương. Cha tôi ở trong buồng lái của chiếc Avenger chuẩn bị bay lần đầu tiên ra khỏi tàu sân bay mới. Ông viết thư cho mẹ “niềm vui không thể diễn tả nổi khi thấy cỗ máy hoạt động”. Ngày 20 tháng 4 năm 1944, từ Norfolk, Virginia, tàu sân bay này đã đi qua kênh đào Panama, ra đến Trân Châu Cảng, khu vực giữa vùng biển Thái Bình Dương. Nhân viên trên tàu đã thấy những mảnh tro tàn còn sót lại của hai con tàu sân bay USS Utah và Arizona, như một lời cảnh báo vừa mới phát ra, rằng họ đang ở trong vùng chiến sự, và sắp phải đối diện với kẻ thù.
Nhiều tháng sau đó, Trân Châu Cảng đã trở thành nơi giao tranh ác liệt, khi cơ quan đầu não Nhật Bản mở rộng vùng chiến sự ra khắp khu vực Thái Bình Dương. Mùa xuân năm 1942, chỉ còn Úc và New Zealand tham gia quân Đồng minh. Thế trận đã bắt đầu thay đổi từ tháng 5 năm đó, khi cả quân Mỹ và Úc ngăn được sự tiến quân của Nhật trong trận chiến trên đảo San Hô. Một tháng sau, nước Mỹ đã giành chiến thắng quan trọng đầu tiên trong trận Midway. Lực lượng Hải quân bắt đầu chiến dịch chiếm các hòn đảo nhằm mục đích lần lượt giải thoát cho những đảo bị quân Nhật chiếm đóng, mục tiêu cuối cùng là tấn công Nhật Bản.
Nhiệm vụ đầu tiên của tàu sân bay San Jac là đánh vào căn cứ của Nhật trên đảo Wake. Nhiệm vụ này đã thành công, nhưng sự thật khốc liệt của cuộc chiến đã giáng đòn trở lại đội nhà. Người bạn cùng phòng của cha, cũng là người bạn thân nhất của ông, Jim Wykes, đã ở ngoài vùng màn hình rada. Đội tìm kiếm không thể xác định được vị trí của ông ấy. Ông ấy cùng hai người đồng đội được ghi tên vào danh sách những người mất tích. Không lâu sau điều này được xác nhận rõ ràng là họ không trở về nữa. Cha tôi tiếc thương người bạn của ông. Ông luôn biết cái chết là một phần của cuộc chiến, nhưng sự mất mát này với ông như nỗi đau mất đi người thân.
Một vài ngày sau đó, ông đã viết một bức thư bằng cả tấm lòng của mình gửi cho mẹ của Jim. Ông viết: “Cháu biết rất rõ về con trai bác và cháu thật may mắn vì được trở thành một trong những người bạn tri kỷ của cậu ấy”. Ông viết tiếp: “Với bản chất tốt bụng, cùng với nhiều đức tính khác, cậu ấy đã giành được tình bạn và sự kính trọng của mỗi sĩ quan và người lính trong phi đội”. Ông tiếp tục: “Bác đã mất đi người con thương mến, chúng cháu thì mất đi một người bạn thân yêu”.
Đó là bức thư đầu tiên trong rất nhiều bức thư sau này cha tôi viết cho gia đình của những đồng đội khi họ ngã xuống trong cuộc chiến. Nhiều thập kỷ sau, ông cũng viết những bức thư tương tự với tư cách là tổng thống. Và tôi cũng vậy. Tất nhiên những bức thư chẳng thể bù đắp cho sự ra đi của một con người yêu dấu. Thế nhưng, hành động đơn giản này lại bày tỏ mối quan tâm của bạn đối với những gia đình mất người thân trong cuộc chiến. Và phần nào giúp họ vơi đi nỗi thống khổ.
Sau cuộc giao tranh trên đảo Wake, tàu sân bay San Jac lại tiếp tục hành trình tiến về đảo Saipan. Trung tuần tháng 6, con tàu bất ngờ bị tấn công bởi những chiếc máy bay Nhật Bản. Khi máy phóng chiến cơ tung chiếc Avenger của cha trên không, bình dầu bỗng chảy nhỏ giọt. Máy bay không khởi động được. Lựa chọn duy nhất là hạ cánh xuống nước. Thiếu úy Bush đã điều khiển chiến cơ bay ra ngoài đại dương, cho chạm đuôi xuống trước và trượt trên mặt nước. Cha tôi và phi hành đoàn leo ra ngoài cánh máy bay, sau đó thả phao cứu sinh xuống nước, và chèo nhanh ra xa bởi những quả bom trong máy bay sẽ nổ khi ở dưới nước. Một tàu khu trục của hải quân Mỹ, chiếc C.K. Bronson, sau đó đã cứu họ lên bằng lưới kéo hàng. Đó chưa phải là lần cuối George Bush phải nói lời cảm ơn chiếc phao cứu sinh.
Lái máy bay rất nguy hiểm, nhưng cuộc sống trên tàu cũng nguy hiểm không kém. Một đêm, cha tôi đang trực trên boong tàu thì có một chiếc máy bay đang tiến tới để hạ cánh. Người phi công đã tính sai khoảng cách, và không thể gài máy bay vào cái móc trên tàu, làm cho máy bay đâm sầm vào một nòng pháo. Phi công này, cùng với những đồng đội của ông và một số người đứng xung quanh, bị chết. Cha tôi nhìn thấy một cái chân đứt lìa của phi công bắn lên co giật trên boong tàu cho tới khi người làm tạp vụ nhờ các thủy thủ dọn dẹp đống hỗn độn đó và để chuẩn bị sẵn sàng cho máy bay khác hạ cánh.
Những trải nghiệm này chắc hẳn đã ăn sâu trong tâm trí của chàng thanh niên mới hai mươi tuổi. Càng học được nhiều về những tàn khốc của Thế chiến thứ hai, tôi càng thấy ngưỡng mộ cha, và những con người cùng thời với cha cũng thực hiện nghĩa vụ quân sự giống ông.
Trong tất cả những ngày đau thương mà George H.W. Bush đã trải qua của cuộc đời, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1944 là ngày kịch tính hơn cả. Hôm đó các phi công đã phải thức dậy sớm vì họ có nhiệm vụ đưa tháp truyền hình ra đảo ChiCi Jima, một căn cứ được phòng thủ vững chắc. Công trình xây dựng này là đầu mối liên lạc quan trọng nhất ở quần đảo Bonin, khu vực then chốt trong việc bảo vệ trung tâm của đế chế Nhật Bản.
Cha tôi dường như lúc nào cũng bay cùng với hai đồng đội của ông, tay súng Leo Nadeau và nhân viên điện đài John Delaney. Nhưng ngày hôm đó, Trung úy Ted White xin được làm một tay súng trên máy bay. White, nhân viên hậu cần và cựu sinh viên Đại học Yale, muốn biết hệ thống vũ khí hoạt động ra sao. Cha tôi đã cảnh báo ông ấy về một chuyến bay đầy gian nan. Ngày hôm trước, họ đã mang súng hạng nặng lên đảo Chichi Jima. White đã nài nỉ xin đi, cha tôi đồng ý, và thuyền trưởng, Đại úy Don Melvin tán thành.
Khoảng 7 giờ 15 phút sáng, bốn chiến cơ Avenger rời tàu sân bay San Jac bay thành đội hình hướng về đảo Chichi Jima. Những chiến cơ Hellcat bay yểm trợ phía trên. Máy bay chiến đấu của cha, cùng với tay súng White, và Dalaney người giữ điện đài, là chiếc máy bay thứ ba trong đội bay hướng về phía mục tiêu. Khi họ chuẩn bị hạ cánh, những tay súng phòng không Nhật Bản trên đảo bắt đầu xả súng. Những đường đạn bay ngang trời, những viên đạn nổ bao phủ bầu trời bằng khói đen mù mịt. Bỗng nhiên, chiếc Avenger lắc mạnh và bay lảo đảo về phía trước. Nó đã bị trúng đạn. Khói tràn ra từ khoang máy bay, lửa bắt đầu cháy dọc theo hai bên cánh và hướng về phía bình chứa xăng.
Cha tôi quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ. Ông tiếp tục cho máy bay lao xuống với tốc độ 200 dặm một giờ, rải bom trúng mục tiêu, và lái máy bay nghiêng xa khỏi hòn đảo. Ông hy vọng rằng chiếc máy bay có thể hạ cánh xuống nước, nhưng toàn thân máy bay đã bốc cháy, không còn thời gian nữa. Cách duy nhất là nhảy ra khỏi máy bay.
“Nhảy dù đi”, ông ấy la hét bảo đồng đội của mình qua hệ thống liên lạc giữa hai bộ phận.
Sau đó ông chuyển hướng máy bay một chút để giảm áp lực lên cửa buồng lái. Ông tưởng rằng hai đồng đội, Delaney và White, đã nhảy. Với những giây còn lại, ông cố gắng cởi bỏ bộ áo giáp, lao ra khỏi khoang tàu, và kéo cái dây dù trên lưng.
Cú nhảy đã không diễn ra như kế hoạch. Đầu ông bị rạch một vết dài còn cái dù bị phần đuôi máy bay xé toạc. Ông lao xuống biển đầy khó khăn và bị nhấn chìm xuống nước. Khi ngoi lên, đầu ông chảy máu, ông nôn mửa vì vừa uống phải nhiều nước mặn, hơn nữa ông còn bị thương do trúng đạn của một tay súng người Bồ Đào Nha. Ông bơi rất nhanh ra xa khỏi hòn đảo cách mình một vài dặm.
Rồi ông thấy Doug West, một trong những phi công lái Avenger, anh ta đang dùng tay cố gắng đẩy một cái gì đó về phía ông. Đó là một chiếc phao cứu sinh màu vàng có thể tự nổi. Một phi công nào đó đã thả chiếc phao xuống khi anh ta thấy chiếc máy bay gặp nạn. Ông cố gắng bơi lên phao và bắt đầu chèo bằng hai tay. Trước mặt ông, nhiều phi công Mỹ đã nằm xuống tránh những ngọn lửa bắn ra từ các làn đạn, thứ đang dội xuống những con thuyền nhỏ mà quân Nhật đã chuẩn bị sẵn để bắt giữ các phi công bị rơi xuống từ máy bay.
Khoảng ba giờ tiếp theo, dưới cái ánh nắng thiêu đốt của mùa hè, ông đã chèo ngược dòng nước và cầu nguyện để được cứu thoát. Bằng cách nào đó, trong hoàn cảnh ấy ông vẫn có thể tìm được động lực để tiếp tục hy vọng. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết đích xác lúc đó ông đang nghĩ gì. Tôi nghĩ chắc ông đã nghĩ lại bài học sinh tồn mà ông nội tôi từng dạy ông - hoặc là ông đã cố gắng hết sức có thể, không bao giờ từ bỏ khi vẫn còn cơ hội sống sót, và tin rằng, Chúa sẽ che chở ông bằng cách nào đấy.
Mỏi mệt vì chèo lái quá lâu, cuối cùng, ông cũng nhìn thấy một chấm đen ở trên mặt nước. Lúc đầu ông nghĩ rằng mình đã tưởng tượng ra nó, nhưng cuối cùng, ông đã nhận ra đó là một ống kính tiềm vọng. Nỗi sợ hãi lại ập đến bởi nó có thể là của một chiếc tàu ngầm Nhật Bản. Khi con tàu đến gần hơn và nổi trên mặt nước, ông nhận ra biểu tượng của Hải quân Mỹ. Chiếc tàu ngầm USS Finback đã giải cứu cha tôi vài phút trước 12 giờ trưa. Hai thủy thủ đã nắm chặt hai cánh tay của cha tôi, kéo ông ra khỏi chiếc phao cứu sinh và đưa lên tàu. “Chào mừng lên tàu, thưa ngài”, một người lính đã nói sau khi ghi tên cha tôi vào danh sách. “Rất vui khi được lên tàu”, ông đáp lại, rõ ràng như một lời tuyên bố sống sót.
Trong một bối cảnh đáng ghi nhớ trong lịch sử, Thiếu úy Bill Edwards đã chụp được khoảnh khắc khi cha tôi được kéo lên tàu, bằng một chiếc máy quay phim cầm tay hiệu Kodak. Nhiều thập kỷ sau, khán giả cả nước đã thấy cảnh tượng buổi sáng hôm đó ở biển Thái Bình Dương: những thủy thủ người Mỹ giải cứu một chàng thanh niên hai mươi tuổi, người sau này trở thành Tổng thống của nước Mỹ và là cha của một vị tổng thống khác.
Những ngày sau khi máy bay cha tôi lái bị bắn rơi, cha đã suy nghĩ rất nhiều, về hai người đồng đội của ông, Delaney và White. Không ai trong số họ được tìm thấy. Trên tàu sân bay Finback, cha tôi gặp nhiều ác mộng về thảm họa máy bay rơi. Ông tỉnh dậy sau cơn ác mộng và luôn luôn tự hỏi liệu mình có thể làm gì hơn nữa cho hai người đồng đội. Ngày hôm sau khi cha tôi được cứu, ông đã viết một bức thư cho cha mẹ và nói lên cảm nghĩ của mình: “Con có trách nhiệm nặng nề đối với số phận của những đồng đội đã hy sinh”. Cuối cùng cha tôi nhận được thông tin những người chứng kiến vụ máy bay rơi đã nhìn thấy một trong các đồng đội của ông nhảy dù ra khỏi máy bay, rơi xuống và thiệt mạng khi chiếc dù không thể mở. Người đồng đội còn lại chắc hẳn đã hy sinh trên máy bay.
Cha tôi đã viết nhiều bức thư gửi tới gia đình của Delaney và White. Ông đã bày tỏ sự thông cảm và nói mình ước mong có thể làm nhiều hơn cho họ. Chị gái của Del, Mary Jane đã hồi đáp lại sau đó. “Cậu nói rằng bằng cách nào đấy cậu muốn giúp tôi phải không?”, cô ấy nói. “Có một cách đấy, đó là cậu hãy dừng ngay suy nghĩ rằng phải có trách nhiệm trong tai nạn máy bay và với những người bạn của cậu. Có lẽ tôi đã nghĩ cậu cũng có phần trách nhiệm nếu như em trai tôi không thường kể rằng cậu là một trong những người bạn tốt nhất của nó trong phi đội”.
Dù đã đọc được những dòng hồi đáp này, cha tôi luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm về sự ra đi của hai đồng đội. Nhiều thập kỷ sau, ông vẫn giữ liên lạc với hai gia đình này. Khi cha tôi được bầu làm tổng thống hơn 40 năm sau vụ việc máy bay rơi, ông đã mời riêng chị em của Delaney và White đến thăm Nhà Trắng. Trong buổi trả lời phỏng vấn với Jenna vào lần sinh nhật thứ chín mươi của mình, khoảng 70 năm kể từ sau vụ máy bay bị bắn rơi, cháu Jenna đã hỏi liệu có phải ông vẫn nghĩ về những người đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến không.
“Lúc nào ông cũng nghĩ về họ”, ông trả lời.
Cha tôi đã làm việc khoảng một tháng trên con tàu Finback trước khi quay lại phi đội. Mặc dù không có nhiều nhiệm vụ chính thức, nhưng ông vẫn lăn xả vào cuộc sống trong tàu ngầm. Cha kết bạn với những thủy thủ và học hỏi về hoạt động của tàu ngầm. Một trong những nhiệm vụ khác của cha là tình nguyện kiểm duyệt thư tín nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin bí mật quân sự. Ông đã đọc những bức thư của những chàng nông dân hỏi về vụ thu hoạch nơi nông trại và của những thủy thủ cô đơn tha thiết muốn đoàn tụ với người thương nơi quê nhà. Quân đội đã cho ông những bài học mà ở Andover và Yale đều không dạy.
Ông còn tình nguyện trực ca trên tàu Finback, trong đó có cả ca đêm. Nhiều năm sau đó, ông vẫn nhớ những khi yên lặng một mình trên boong tàu, dưới vòm trời đêm tối đen như mực giữa Thái Bình Dương, đó là những giây phút quan trọng rọi sáng tâm can ông. Ông suy nghĩ rất nhiều về lòng biết ơn gia đình. Ông cũng bày tỏ lòng cảm tạ Chúa vì đã đáp lại lời thỉnh nguyện của ông trong những lúc ông cần đến ngài nhất. Và ông mơ về Barbara, người bạn gái ông yêu và đã định ngày hôn lễ.
Sau thời gian sống trên tàu Finback, cha tôi có cơ hội về nhà nghỉ phép. Mặc dù tôi tin chắc cha tôi mong đợi ngày gặp lại Barbara và gia đình biết bao nhiêu, nhưng ông cảm thấy có bổn phận phải quay lại phi đội. Ông đã tái hợp với những đồng đội trên tàu sân bay San Jac vào đầu tháng 11. Đến tháng 12, họ có một tháng nghỉ phép.
Đại úy Bush về đến ga xe lửa Rye, New York, trong buổi tối Giáng sinh năm 1944. Khi bước xuống sân ga, ông nhìn thấy người phụ nữ mà mình hình dung trong tâm tưởng suốt những tháng lênh đênh trên biển. Mẹ và cha tôi đã lên kế hoạch kết hôn với nhau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng nhiều tháng sống cách xa nhau, họ đã thống nhất sẽ tổ chức hỗn lễ ngay sau khi cha tôi trở về nhà. Báo hỷ gấp gáp, họ phải tự tay viết ngày tháng lên những tấm thiệp mời: Ngày 6 tháng 1 năm 1945.
Khi được hỏi trong lần sinh nhật lần thứ chín mươi, giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông là gì, cha tôi đã nói rằng, đó là khi ông kết hôn với mẹ tôi. Cha mẹ tôi đã có một lễ cưới thời chiến theo phong cách cổ điển: cha tôi đã mặc bộ quân phục màu xanh hải quân, còn mẹ tôi mặc váy trắng đẹp tuyệt với tấm mạng che mặt mượn của bà Dorothy Walker Bush. Một số người bạn đồng ngũ, cùng với em trai của cha tôi, chú Jonathan, giúp mời khách vào tiệc cưới. Anh trai cha, Pres, vừa mới cưới trước đó một tuần, nhận lời làm phù rể. Cha tôi đã đồng ý nhảy với mẹ tôi nhưng ông nói đây là lần đầu cũng là lần cuối ông nhảy trước đám đông. Rõ ràng cha chưa hình dung được sẽ có ngày ông phải khiêu vũ tới mười hai lần, đó là trong buổi dạ hội mừng lễ nhậm chức tổng thống của ông.
Sau kỳ nghỉ trăng mật ngắn ở Sea Island, bang George, cha tôi quay trở lại đơn vị. Nhiệm vụ của ông là chuẩn bị cho giai đoạn cuối của cuộc chiến, đổ bộ vào đất liền của Nhật Bản. Trước đó người Nhật đã bảo vệ những hòn đảo của họ một cách quả cảm, do đó, cuộc hành quân lần này được dự báo sẽ đổ máu. Khi cha tôi tập luyện ở căn cứ quân sự tại Maine, hôm đó là ngày 12 tháng 4 năm 1945, ông nghe tin qua đài phát thanh rằng Tổng thống Roosevelt đã qua đời. Mặc dù cha tôi không đồng tình với một số chính sách đối nội của Tổng thống Roosevelt vì đã mở rộng phạm vi hoạt động của chính quyền liên bang theo cách đầy kịch tính, nhưng cha tôi luôn dành sự tôn kính cho vị tổng tư lệnh của mình, cha tôi đã khóc thương cho sự ra đi của nhà lãnh đạo quốc gia trong thời khắc chiến trận nguy nan.
Phó Tổng thống Harry Truman đã tuyên thệ nhậm chức trong ngày hôm đó. Sau này khi ngồi vào vị trí bên chiếc bàn làm việc dành cho tổng thống, tôi rất khó hình dung ra áp lực to lớn đè nặng trên vai ông khi phải tiếp quản đất nước trong thời khắc sắp xảy ra hai chiến dịch quân sự lớn bất ngờ, và sau đó là chương trình bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Trong vòng vài tháng, Truman đã phải đối mặt với một trong những quyết định đau đớn nhất mà chưa tổng thống nào phải trải qua. Khi cuộc ném bom trên diện rộng xuống thành phố Tokyo bị thất bại không thể phá vỡ tuyến phòng vệ của quân đội Nhật Bản, Truman đã ra chỉ thị thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Ông ấy biết rằng cái giá mà loài người phải trả sẽ rất khủng khiếp. Việc sử dụng loại vũ khí mới có sức công phá tàn khốc đã thủ tiêu ý chí chiến đấu của quân Nhật. Cha tôi luôn ủng hộ quyết định này của Tổng thống Harry Truma.
Mẹ và cha tôi đã chuyển đến Virginia Beach, nơi cha đóng quân trước khi chờ quyết định xuất ngũ. Tại đây họ nghe tin quân đội Nhật Bản đã đầu hàng. Họ đã xuống đường cùng với những anh em đồng đội và gia đình của họ để ăn mừng sự kiện đáng nhớ này. Sau đó họ đến nhà thờ để cảm tạ Chúa.
Vào ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, một năm sau ngày người Nhật thua trận trên đảo Chichi Jima, phái đoàn Nhật Bản đã ký bản tuyên bố chính thức đầu hàng Mỹ trên chiếc tàu USS Missouri. Tới thời điểm đó, các giấy tờ lưu trữ cho thấy cha tôi đã bay hơn 1.200 giờ cho lực lượng hải quân, thực hiện 58 trận không chiến, thực hiện 126 lần hạ cánh thành công. Thế nhưng có một chuyến bay vô cùng đặc biệt mà cả gia đình tôi đều nhớ. Đó là, nhân dịp kỷ niệm chiến tranh chấm dứt, cha tôi đã điều khiển chiến cơ Avenger của mình bay trên vùng trời Walker’s Point nơi có ngôi nhà và gia đình thân thương. Người thân của cha đứng dưới đều reo vui và khóc. Vào ngày 18 tháng 9 năm 1945, tức đúng ba năm ba tháng kể từ ngày nhập ngũ đúng vào sinh nhật lần thứ mười tám của mình, George H.W. Bush đã xuất ngũ, rời khỏi lực lượng Hải quân trong sự tôn kính của tất cả mọi người. Cha tôi đã dấn thân vào cuộc chiến. Ông đã sống sót trở về. Và người Mỹ đã chiến thắng.
Giống như nhiều cựu chiến binh khác, cha tôi thường không kể nhiều về chiến tranh. Ông không muốn hồi tưởng lại những chi tiết khủng khiếp của cuộc chiến, cũng không tự coi bản thân là một anh hùng. Trong ý nghĩ của mình, ông coi đó là bổn phận phải hoàn thành và giờ đây ông chỉ muốn dành nhiều thời gian để sống. Ông cũng tin rằng, những gì ông đã làm được chẳng đáng là bao so với những người đã hy sinh tính mạng. Ông cho rằng kể với gia đình và bạn bè những câu chuyện chiến tranh cùng những trải nghiệm riêng tư là việc làm gây tổn thương tới những người đã hy sinh.
Mẹ tôi, trái lại, luôn sẵn lòng kể về những câu chuyện của cha tôi trong chiến tranh. Mẹ và tôi thường ngồi trên sàn nhà và giở những trang sổ lưu niệm mà mẹ đã làm trong những năm tháng cha tôi phục vụ trong quân đội. Có những bức ảnh chụp những người bạn thân của ông trên tàu San Jac, rồi những chiếc vỏ sò ông đã mang về từ một hòn đảo giữa Thái Bình Dương tuyệt đẹp, và một mẩu nhỏ cắt từ chiếc phao cứu sinh bằng cao su đã cứu mạng ông. Tôi từng yêu cầu cha kể cho tôi nghe về những câu chuyện này, nhưng ông không kể. Tôi đã mất nhiều năm để tìm hiểu về ảnh hưởng của chiến tranh đối với cuộc đời ông.
Cuộc chiến này khiến cha tôi và nhiều người khác cùng thế hệ với ông phải trưởng thành một cách vội vàng. Ở độ tuổi hai mươi mốt, ông đã tham chiến và chứng kiến những người bạn ngã xuống. Ông đã mạo hiểm tính mạng của mình, và nhiều lần suýt chết. Cha tôi biết kiểm soát những áp lực và hiểm nguy. Ông đã phát hiện ra cảm giác hài lòng chỉ đến khi phục vụ quên mình vì tổ quốc, đó cũng là động lực thôi thúc ông trong cả cuộc đời.
Năm 2002, cha tôi đã bắt quay lại nơi máy bay của ông từng bị bắn rơi, cùng với người dẫn chương trình thời sự của CNN, Paula Zahn và nhà sử học James Bradley - tác giả của cuốn sách Flyboys, một cuốn sách rất hay về các phi công Mỹ đã bị bắn hạ trên đảo Chichi Jima. Trước khi đặt chân lên hòn đảo này, người đàn ông bảy mươi tám tuổi, người từng là phi công trẻ tuổi nhất của lực lượng Hải quân, đã thả hai vòng hoa xuống đại dương để tưởng nhớ hai người đồng đội, Delaney và White. Khi ông lên đảo, 2.000 người dân đảo đã ra chào đón ông.
Trên hòn đảo này, cha tôi đã gặp một người đàn ông từng thuộc lực lượng phòng vệ đảo Chichi Jima của quân đội Nhật Bản trong ngày máy bay của cha tôi bị bắn hạ. Người đàn ông này đã chứng kiến sự ngược đãi, hành quyết và tục ăn thịt những phi công Mỹ bị bắt giữ. Anh trai của ông ta bị giết trong vụ tấn công bằng bom nguyên tử vào thành phố Hiroshima, thế nhưng ông không thù hận người Mỹ. Trái lại, những hành động của chính phủ Nhật Bản trong suốt cuộc chiến tranh đã làm ông hết sức phẫn nộ đến mức ông đã đổi tên theo tên của một lính thủy đánh bộ bị hành quyết trên đảo Chichi Jima. Ông làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Khi hai người trước đây từng là kẻ thù đứng bên nhau, mái đầu họ đã bạc phơ, người đàn ông kể cho cha tôi về ngày chiếc máy bay của cha bị bắn rơi. Ông ấy quả quyết rằng, quân Nhật đã cho thuyền ra bắt những phi công bị rơi xuống biển, và cha tôi cũng có thể phải kết thúc cuộc đời trong cảm giác kinh hoàng giống như nhiều tù binh Mỹ khác. Ông ấy mô tả những chiếc thuyền ấy đã quay trở lại như thế nào khi bị máy bay chiến đấu bắn phá tới tấp từ bên trên. Khi tàu Finback nổi lên giữa họng súng của kẻ thù để kéo cha tôi lên tàu, một sĩ quan Nhật trong đội của ông ấy đã tỏ ra rất ngạc nhiên vì người Mỹ đã huy động quá nhiều nguồn lực chỉ để cứu một phi công. Do đó có một điều mà tôi dám chắc rằng, người đàn ông này nói: Chính phủ Nhật Bản sẽ chẳng bao giờ làm những điều tương tự như thế đối với lính của họ. Thật khác với nước Mỹ. Người Mỹ có một truyền thống đáng tự hào là không bao giờ bỏ lại lính của mình trên chiến trường - chúng ta không bao giờ nên làm như vậy.
Ngay từ những ngày đầu tiên, George Bush đã là một người đàn ông đề cao giá trị về tính can đảm, lòng trung thành, và sự tận tâm phục vụ. Đó là những đặc điểm mà ông bà nội tôi đã truyền lại trong con người cha. Và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đặc biệt là những người khoác lên mình bộ đồng phục của quốc gia, thấm nhuần lý tưởng này. Một quốc gia mà cha tôi đã làm mọi thứ, và dám xả thân mình để bảo vệ nó. Và cũng là một quốc gia một ngày nào đó mà chính bản thân ông sẽ đứng lên lãnh đạo.