"Kiêu ngạo” là một từ ghép gồm hai chữ, mang ý nghĩa là tự cao tự đại. Nhưng nếu tách chúng ra thì ý nghĩa của chúng cũng tương đương nhau. Có câu: “Kiêu ngạo không thể có, kiêu hãnh không thể không”, bởi vì kiêu ngạo là kẻ thù của thành công còn kiêu hãnh là bạn thân của thành công. Kiêu ngạo dễ làm cho người ta xem thường nhưng kiêu hãnh sẽ khiến người khác tôn trọng.
Có người chỉ dựa vào vốn kiến thức nửa vời của mình, đã dương dương tự đắc. Người này một khi có chút danh vọng thì họ sẽ đắc chí, không xem ai ra gì. Do lòng kiêu ngạo của mình, họ dễ bị người khác khinh bỉ và xem thường. Ngoài ra cũng có người cho dù nghèo không có đất cắm dùi, nhưng lại không cầu xin người khác. Họ tuy vô danh vô vị nhưng giữ được lòng kiêu hãnh, tự tôn của mình, nên lại được người khác tôn trọng. Vì vậy, người giàu sang có thể không ngạo mạn, nhưng nghèo nhất định phải có lòng kiêu hãnh. Con người dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều có thể tự tạo được niềm vui riêng cho chính mình.
Người kiêu ngạo thường khiến người khác không thích. Tuy nhiên, trên thế gian luôn tồn tại hạng người thích khom mình. Họ sẽ không để ý việc bạn kiêu ngạo, chỉ cần bạn giàu có thì họ sẵn sàng khom mình cung kính dắt ngựa cho bạn. Ngược lại, cũng có hạng người có chí khí, không chấp nhận luồn cúi. Họ chỉ kết giao với người kiêu hãnh, trung thành quan tâm giúp đỡ nhau và coi đó là chuyện vui lớn của cuộc đời.
Cuộc đời có biết bao người thất bại cũng chỉ vì tính kiêu ngạo. Thí dụ như tướng lĩnh cầm quân, có câu: “kiêu binh tất bại”; hay như thầy giáo dạy học, do kiêu ngạo nên sẽ mất đi cái duyên của một người thầy; người làm công tác quản lý, vì tính kiêu ngạo mà mất đi cấp dưới trung thành của mình. Đôi khi vì tính kiêu ngạo chúng ta có thể đánh mất tình bạn thân thiết. Nếu có thể thay đổi “kiêu ngạo” trở thành “kiêu hãnh” thì tất cả mọi người đều cảm thấy vinh hạnh khi kết giao với bạn.
Tần Thủy Hoàng ngạo mạn cuồng ngông; Tùy Dương Đế do kiêu ngạo mà mất nước; Ngô Phù Sai do kiêu căng nên thất bại; Tào Mạnh Đức kiêu ngạo tự đại, v.v. lịch sử chưa từng có lời nào khen ngợi những vị vua kiêu ngạo như thế cả. Nhưng như Khuất Nguyên trầm mình xuống sông Mịch La tự sát; Nễ Hành đánh trống mắng chửi Tào Tháo; Đào Tiềm không vì năm đấu thóc mà khom lưng; Án Tử không chịu đi cửa bên, v.v. hành động của những vị này vẫn mãi được mọi người xưng tụng đến ngày nay. Chỉ vì “kiêu ngạo” hay “kiêu hãnh” mà mỗi người sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn khác nhau.
Con người lúc đắc ý thì rất dễ sinh ra kiêu ngạo, lúc không đắc ý thì rất dễ dẫn đến mất ý chí. Trong lúc đắc ý, chúng ta cần phải gạt bỏ lòng kiêu ngạo, lúc không đắc ý thì ngược lại, nên tăng thêm chí khí kiêu hãnh. Có câu: “Phú quý không nên ham, nghèo khó không nên nản chí, uy vũ không thể khuất phục!”
Nguyên nhân của kiêu ngạo là bởi có sự so sánh hơn, thua, cao, thấp giữa ta với người khác. Cho nên, có nhiều người lấy sở trường của mình để so sánh với sở đoản của người, càng so sánh thì càng tăng thêm ngã mạn. Nhưng cũng có nhiều người lấy sở đoản của mình để so sánh sở trường của người, mục đích của họ, để khích lệ chí khí của chính mình. Cho nên, càng so sánh thì họ càng tự hào đứng lên.
Con người không nên có tính kiêu ngạo. Người có tính kiêu căng tự đại thì sớm muộn cũng thất bại; tự tin quá mức cũng sẽ không bao giờ có ngày thành công được. Cho nên, lúc nghèo khổ chúng ta không nên chỉ biết khao khát sự giàu sang, có gian khổ chúng ta mới có thể giữ vững được khí tiết cứng cỏi. Người mà lúc đắc ý cũng không quên hoàn cảnh nghèo khó trước kia, thì sẽ không bao giờ ngạo mạn. Một người có thể “giàu nhưng không kiêu căng, nghèo mà có sự kiêu hãnh” thì chắc chắn sẽ sống một cuộc sống rất an nhiên và vô cùng tôn nghiêm!