Con người có rất nhiều loại, có người thì vụng về, có người thì khéo léo. Người vụng về khó được lòng người khác, còn người khéo léo thì đi đến đâu cũng được mọi người quý mến.
Ở một số người, ngay từ khi sinh ra đã vô cùng khéo léo, dường như đó là khả năng trời phú cho riêng họ. Còn lại phần lớn chúng ta đều phải cố gắng học tập mới có thể sửa đổi tính cách vụng về thành khéo léo. Khéo léo đúng mực thì ai cũng thích! Thậm chí cha mẹ trong gia đình cũng thích những đứa con khéo léo hơn những đứa vụng về. Hay như các thầy cô giáo trong trường, cũng thích những học sinh khéo léo, thông minh hơn những học sinh khó bảo.
Con người chúng ta không ai muốn mình trở thành người vụng dại, và đương nhiên ai cũng thích mình khéo léo. Nhưng khéo léo không phải do người khác mang lại cho mình, mà bản thân mỗi người phải cố gắng học tập. Người khác dù có yêu thương bạn như thế nào, cũng không thể đem lại sự khéo léo cho bạn được.
Làm thể nào để học được sự khéo léo? Trước tiên, khi bạn tiếp xúc với môi trường bên ngoài, gặp được ngoại duyên thì bạn cần phải biết nắm bắt đúng thời cơ; khi làm việc, bạn cần phải chăm chỉ và năng động; khi có các hoạt động bạn cần tham gia nhiệt tình; khi nói chuyện với người khác cần phải nói ngắn gọn, súc tích. Bên cạnh đó, khi có điều kiện thích hợp, bạn hãy bộc lộ tính hài hước và dí dỏm của mình. Nhưng vừa đủ thôi nhé, ở nơi đông người bạn cũng nên giữ cho mình phong cách thanh lịch. Gặp lúc khó khăn bạn cần phải giữ tư tưởng trong sáng.
Người khéo léo, thường họ có tư duy nhanh nhẹn và nhạy bén, trong quá trình làm việc, họ biết vận dụng linh hoạt các thao tác, cho nên người khéo léo nhất định sẽ thành công trong công việc. Ngược lại, nếu một người chỉ biết giẫm chân tại chỗ, tự đóng khung bản thân mình thì đương nhiên làm việc gì cũng không thể thông thạo và linh họat được. Một người mà việc gì cũng chấp trước, không hiểu được rằng tất cả các pháp trên thế gian này không có gì là cố định, lại luôn thường trực vô vàn định kiến của cá nhân, thì họ không thể nhanh nhẹn khéo léo trong ứng xử được. Làm người cần giống như hư không vậy, có thể biến thành hình vuông, cũng có thể nén thành hình tròn, có thể nén thành hình đa giác, v.v. biến hóa vô cùng. Nó không lìa bản thể của mình, hư không vẫn là hư không, đó mới là khéo léo.
Nguyên tắc làm việc đương nhiên phải có chủ trương của riêng mình, nhưng nếu có thêm sự linh hoạt sẽ rất tốt. Khi gặp phải khó khăn, chúng ta cần đối mặt giống như nước chảy, dù có quanh co khúc khuỷu đến đâu cuối cùng cũng sẽ tìm được đường thông.
Có một người cầu đạo hỏi một vị thiền sư rằng: “Thế nào là khéo léo?” Lúc đó vị thiền sư đang pha trà, cứ rót mãi cho trà tràn ra ngoài ly. Người cầu đạo nói: “Trà chảy tràn ra ngoài rồi!” Thiền sư đáp: “Để tràn ra ngoài, khéo léo để ở đâu vậy?”
Khéo léo là nên để lại đường lui cho người khác; khéo léo là nên suy nghĩ cho người khác nhiều hơn; khéo léo là biết linh động biến hóa, biết chủ động sáng tạo, tự tin hành động. Chỉ khi nào chúng ta biết cách làm chủ được bản thân mình thì khi đó mới có thể tùy ý biến hóa.
Khi có vấn đề gì xảy ra, một người khéo léo sẽ có từ một cho đến rất nhiều phương án để giải quyết. Mỗi khi đi đến nơi nào, người đó nhất định sẽ lưu ý các phương hướng đông, tây, nam, bắc trong đầu. Khi làm việc, một người khéo léo thường chú ý trước sau chu toàn. Một người khéo léo trong việc xử thế là người mà trong lòng luôn nghĩ tới người khác, chứ không chỉ biết đến lợi ích riêng của bản thân mình.
Khéo léo không phải là cứng nhắc, không phải là chấp trước. Người khéo léo sẽ quan sát toàn diện, xử sự một cách chu toàn. Người khéo léo là người khéo hiểu được ý người khác, luôn suy nghĩ vì người khác. Người mà làm việc gì cũng chỉ nghĩ cho bản thân mình thì đó là kẻ ngu dại. Người mà có thể thông cảm cho người khác được, thì đó là người khéo léo.
Khéo léo là có thể giải quyết vấn đề, chứ không phải tăng thêm phiền phức. Khéo léo là có thể biến sự phức tạp thành đơn giản, chứ không phải vẽ rắn thêm chân. Khéo léo, là có thể làm cho công việc thành công chứ không phải làm cho công việc thất bại. Lanh trí là khéo léo; dí dỏm khôi hài là khéo léo; hóa giải vấn đề là khéo léo; khiến người khác tiếp nhận là khéo léo.
“Thiền” là khéo léo; “không” là khéo léo; “Bát nhã” là khéo léo; “giác ngộ” là khéo léo. Công án “Đi tiểu tiện” của thiền sư Triệu Châu chính là khéo léo; câu chuyện “Có Phật không thánh” của thiền sư Cổ Linh chính là khéo léo; “Không phải gió động, không phải phướn động mà tâm của hai người động” trong Lục tổ đàn kinh; luận tâm không ở trong, không ở ngoài, không ở chính giữa trong Lăng nghiêm kinh, v.v. tất cả đều là khéo léo.
Người khéo léo luôn biết trao niềm vui cho người khác, trao lợi ích cho người khác, trao điều tốt đẹp cho người khác. Người khéo léo cho dù có từ chối người khác, cũng có cách hành xử uyển chuyển, nhũn nhặn. Người khéo léo cho dù có trách cứ người khác thì cũng dùng lời nói nhẹ nhàng.
Khéo léo không chỉ là hiểu được chính mình, mà còn hiểu người khác. khéo léo là không chỉ biết xử sự, mà còn hiểu đạo lý. Nếu có thể đầy đủ cả lý và sự, thì đó mới là thật sự khéo léo.
Khéo léo là luôn mang lại niềm hoan hỷ cho người, mà không bao giờ ngừng nghỉ. Khéo léo là tâm rỗng lặng, không có gì chướng ngại, tùy ý tiêu dao tự tại. Để học cách khéo léo, thì chúng ta không thể nào cầu sự trợ giúp từ người khác được, mà phải phá cái bản ngã cố chấp cứng nhắc của chính mình, giải trừ sự đóng khung trong tâm của mình. Trong tâm có ta, có người, có bạn, có họ, có sự, có vật, có trời, có đất, có phải, có trái, có xưa, có nay, v.v. Nếu tất cả có thể vận dụng một cách tự do, tùy tâm thông suốt, thì bạn chính là người khéo léo.