Hãy đón nhận niềm vui chánh niệm sâu sắc của việc nấu ăn và sống vui vẻ trong trái tim của những ngôi nhà của chúng ta. Cảm nhận quyền lực được trao cho khi sáng tạo, ứng biến, chia sẻ và tham gia vào sự lành mạnh của những tác vụ nho nhỏ đem lại cân bằng cho mỗi ngày của chúng ta.
Quay trở lại năm 1931, khi Irma Rombauer xuất bản cuốn sách hướng dẫn kinh điển của Mỹ là The Joy of Cooking (Tạm dịch: Niềm vui của việc nấu ăn), có rất ít thiết bị dùng trong nấu nướng, cả đồ điện và những thứ khác. Chuẩn bị đồ ăn vẫn là một hoạt động tĩnh lặng, nguyên liệu vẫn cơ bản là lành mạnh và không phun thuốc. Trên thực tế, tôi sẽ đề xuất một số quy trình như là bài thực hành thiền định cho một đầu bếp chánh niệm ngày nay: Chẳng hạn, xát rau đã nấu hay là trái cây qua cái rây để tạo độ nhuyễn hơn là dùng máy xay thực phẩm, làm bánh ngọt và bánh mì từ đầu đến cuối thay vì mua sẵn chúng ở siêu thị. Cái nhan đề được lựa chọn đã tự nói lên tất cả. Đối với một góa phụ ngoan cường đang cố gắng vượt lên nỗi đau mất chồng, cái quyết định bắt tay vào một nhiệm vụ to lớn là viết một cuốn sách nấu ăn đã trở thành người bạn tốt của rất nhiều bà nội trợ Mỹ đã cho thấy rằng bản thân nấu ăn là một lĩnh vực tuyệt vời để tìm kiếm sự đổi mới.
Lớn lên ở Anh, tôi đã tìm đến một cuốn toàn thư dạy nấu ăn khác là Good Housekeeping (Tạm dịch: Quản gia tốt) cho những bài học nấu ăn thời thơ ấu của mình. Cuốn sách là một trong những món quà cưới của mẹ tôi; và trong những trang sách nhuộm màu thức ăn của nó, tôi đã tìm thấy một sự giới thiệu toàn diện về nghệ thuật nấu nướng.
Những hướng dẫn này đã giúp tôi trau dồi tính tự tin để ứng biến ngay từ khi còn nhỏ. Tôi đã rất may mắn vì bố mẹ tôi (hầu như) không bao giờ nói với tôi rằng những điều này là bất khả thi hoặc quản lý tôi quá chặt chẽ, vì thế tôi đã được tự do mắc sai lầm. Tôi trộn bột bánh với tất cả niềm vui thích mà tôi đã có như khi trộn bánh bùn ở trong vườn. Trên thực tế, tôi nhớ có lần mình bị bắt quả tang khi mang trứng vào vườn để cho vào bánh bùn của tôi – nhưng đó là một bước đi quá xa ngay cả với bố mẹ tôi, và may mắn là tôi đã không được phép hoàn thành thí nghiệm!
Tôi thích khám phá các công thức nấu ăn, và cũng bắt đầu học cách tạo ra những hỗn hợp của riêng mình và tôi dần dần phát triển một cảm giác rõ ràng về sự ứng biến tùy hứng. Giờ đây, tôi luôn yêu cầu các đầu bếp của mình luyện tập với sự ứng biến của họ ở nhà trước, và tôi cũng làm như vậy, nhưng tôi sẽ mạo hiểm phục vụ các món mới như một biến thể cho một chủ đề quen thuộc: Nó góp phần giữ cho thực đơn được tươi mới hoặc sống động. Có thể “tưởng tượng” ra sự kết hợp mùi vị với cái lưỡi của bạn, và càng nấu ăn nhiều bạn sẽ càng có những ý tưởng hay hơn về việc những gì sẽ kết hợp tốt với nhau. Nhiều cuốn sách đưa ra lời khuyên về chuyện cái gì nên kết hợp với cái gì nhưng những bài học tốt nhất đến từ việc chính bạn phải thử, nhất là khi khẩu vị của mọi người rất khác nhau.
Khi bạn ứng tác lần đầu, hãy thử thay đổi một hoặc hai thành phần. Hãy suy nghĩ về loại thực phẩm mà bạn cảm thấy muốn ăn hay muốn phục vụ, như thể bạn là một nghệ sĩ sắp vẽ một bức tranh phong cảnh. Tôi sẽ vẽ cảnh hoàng hôn hay cảnh tuyết rơi hay một cánh rừng sâu tăm tối? Tôi muốn bữa ăn nóng và cay, hay nhẹ và thơm? Có một niềm vui của việc sử dụng những đồ ăn thừa, những thứ có thể đưa vào bản điệp khúc hợp âm ẩm thực của bạn. Thay vì chỉ hâm nóng chúng, một vài thứ được thêm vào có thể biến chúng thành thứ gì đó khá khác biệt và đặc biệt; trong thực tế, bạn có thể phát minh ra một công thức mới đáng để ghi lại ấy chứ!
Dành thời gian để “chăm sóc tủ lạnh” của bạn cũng đem lại cảm giác về thành tựu và niềm vui thích tuyệt vời. Bạn có thể sử dụng một ngày rảnh rỗi thật hiệu quả để nấu một vài món gia đình mình yêu thích nhất, làm mát và đóng gói, dán nhãn và để đông chúng để sử dụng sau. Đôi khi điều tôi yêu ở những menu rã đông này là cảm giác yên bình và thành quả đạt được sau một ngày dài khi tôi nấu nướng sẽ trở lại với tôi khi tôi hâm nóng thức ăn và phục vụ chúng. Thậm chí khi không làm việc như vậy, tôi cũng dành cơ hội để chia sẻ những món ăn này với những người khác, có thể khi họ đang bận rộn, hay căng thẳng.
Và khi công việc nấu nướng đã xong xuôi, sẽ có niềm vui của việc “rửa bát để mà rửa bát”, điều đã được Thiền sư và nhà lãnh đạo tinh thần Thích Nhất Hạnh đề cập đến nhiều lần trong những bài giảng và bài viết của mình về bản chất tự nhiên của việc hiện diện trong một tác vụ. Chúng ta có thể tận hưởng hơi ấm của bọt nước trên đôi tay và sự tham gia vào công việc làm sạch bát đĩa. Hãy ở đó vì những cái bát đĩa và vì niềm vui to lớn của sự hồi sinh sẽ đến cùng với việc chúng ta hoàn thành trọn vẹn cái chu kỳ của nhiệm vụ và trả lại cái phòng thí nghiệm là nhà bếp của chúng ta (hoặc thật ra là của ai đó khác) về tình trạng ngăn nắp và ở một mức độ hài hòa hơn.