Bước vào không gian chánh niệm của lòng biết ơn, tri ân thức ăn là biểu hiện của lòng biết ơn có mặt trên toàn thế giới. Hãy nghĩ về nhịp điệu thường nhật của Rub-a-dub-dub, thanks for the grub (Tạ ơn vì thức ăn ngon); cụm từ lịch sự trong tiếng Nhật Itadakimasu (Tôi khiêm nhường đón nhận); hay là lời Selkirk Grace của người Scotland:
Some hae meat and canna eat
And some wad eat that want it
But we hae meat, and we can eat
Sae let the Lord be thankit
(Một số người có thịt, nhưng mà chẳng thể ăn/ Và một số khác muốn ăn, nhưng lại chẳng có / Chúng ta có thịt, và chúng ta có thể ăn/Tạ ơn Chúa);
Điệp khúc của người Tin lành:
For what we are about to receive may the Lord make us truly thankful, Amen
(Vì những gì mà chúng tôi sắp nhận được/Xin Chúa khiến chúng tôi thực sự biết ơn, Amen);
Lời cầu xin của người Hồi giáo:
Allahumma barik lana fima razaqtana waqina athaban-nar
(Ôi thánh Ala! Xin hãy ban phước cho thức ăn mà người ban cho chúng con/và cứu rỗi chúng con khỏi lửa địa ngục); và thực tập năm quán (Five Reflection) hay “Gokan-no-ge” của truyền thống Thiền tông.
Cho dù việc nói “tạ ơn” trước các bữa ăn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nó không phải là thói quen cho mọi bữa ăn ở mọi gia đình. Chúng ta thực hiện việc đó khi ta dành ra một khoảnh khắc để suy ngẫm tường tận, khi chúng ta ở trong một nhóm nào đó, lúc một bữa ăn đặc biệt hoặc thịnh soạn đã được chuẩn bị, hay nếu chúng ta đang dành thời gian thực sự chú tâm vào cuộc sống.
Tôi đã không được lớn lên với truyền thống tạ ơn trong bữa ăn, ngoại trừ giờ ăn trưa ở trường tiểu học Anh giáo. Có lẽ vì thế mà giờ đây tôi cảm nhận được giá trị của việc dành một chút thời gian để ý thức, trân trọng thức ăn hơn. Nó dường như không phải cái gì tự động hay theo thói quen; đúng hơn, sau một buổi sáng dài nấu nướng, đôi khi cho 85-100 người, khoảnh khắc tạ ơn là cơ hội để dừng lại và suy ngẫm về những gì đã đạt được và biết ơn tất cả những gì đã góp phần vào công việc chung: từ người làm vườn, đầu bếp, cho đến dê, gà, bò và giun đất. Đó là khoảnh khắc để nhìn ra giá trị của mọi thứ và tận hưởng sự tĩnh lặng khi chúng ta đứng ngắm những đồ ăn ta đã cùng nhau tạo ra.
Trong thời điểm chánh niệm này, những đầu bếp, người dọn dẹp và một số giáo viên, học sinh và người làm vườn đứng ngắm nghía bữa tiệc tuyệt vời là sản phẩm của cả buổi sáng lao động chung sức, mọi thứ đến gần với nhau hơn. Củ cải đường nướng và salad Stilton điềm tĩnh và tỏa sáng; xúp đậu lăng ngồi thoải mái, chờ đợi cung cấp dinh dưỡng ngon lành cho tất cả mọi người; những lá rau xanh trông tươi sáng và đầy lôi cuốn. Những chiếc bánh mì tươi mới từ trong lò, đầy khêu gợi, tỏa hương hấp dẫn và đã sẵn sàng để được bẻ ra và chia sẻ. Trong một thoáng chốc, người đầu bếp không còn lo lắng nữa, những suy nghĩ về thực đơn đã được giải phóng khỏi tâm trí.
Cũng như với những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, việc chuẩn bị đồ ăn là cái gì đó hưởng lợi từ sự tỉnh thức buông xả. Một người đầu bếp có thể bận rộn với các thời hạn: bữa trưa lúc 1 giờ chiều, bữa tối lúc 6 giờ chiều, và cứ như thế. Các thời hạn này đòi hỏi sự tổ chức cẩn thận, và mọi việc cần được làm đúng hạn khi mà bất kỳ trở ngại nào cũng có thể gây ra căng thẳng. Vấn đề có thể đơn giản như khi một thành viên của đội bị ốm và không đến được, hay mười cân khoai tây từ vườn được chở đến nhưng lại có lỗ sên trong chúng, khiến cho thời gian chuẩn bị phải gấp đôi lên. Như với các tình huống khác, thực hành chánh niệm cho ta cơ hội để bước ra khỏi tình huống và quan sát xem nó là gì. Thực hành chánh niệm không phải là làm chậm mọi thứ đi, mà là tạo ra một điều kỳ diệu – một khoảng trống được tạo ra để sự bình tĩnh bước vào, bôi trơn cho các bánh xe chuyển động và cho phép chúng ta tập trung một cách khách quan và có hiệu quả vào việc trình bày thực đơn tuyệt vời của mình.
Khi chúng ta lùi lại và nhìn ra tầm quan trọng của những gì ta đang làm, điều đó thật tuyệt diệu. Hàng ngày chúng ta biến những tặng vật của Trái đất sống động của chúng ta thành các món ăn không chỉ ngon miệng mà còn thơm lành và hấp dẫn nữa. Chúng ta được trao cho cơ hội để sử dụng trí tưởng tượng và chia sẻ tài nấu nướng của chúng ta cho những thứ tốt đẹp hơn.
Khi chúng ta cảm nhận phúc lành từ đồ ăn, hay tạ ơn Chúa (hay là Mẹ Tự nhiên) vì món quà đó, chúng ta nhớ đến cái nguồn lực đang tiếp diễn, cung cấp năng lượng cho cuộc sống và cũng chính là cuộc sống. Chúng ta nói lên lòng biết ơn về chuyện chúng ta may mắn ra sao khi được là một phần trong sự tiếp diễn đó – và, như trong Selkirk Grace ở vài trang trước, chúng ta nhận thức được những người khác có thể không may mắn đến thế, điều khiến tất cả chúng ta lại cảm thấy biết ơn hơn.