Điều gì quan trọng hơn: vẻ bề ngoài của thức ăn hay là hương vị của nó? Nhìn thấy được lợi ích dinh dưỡng của những thứ trái cây và rau hữu cơ hình dáng xấu xí cũng là nhìn thấy được sự hoàn hảo trong sự không hoàn hảo.
Chuối chín thâm, rau quặt quẹo và tình yêu đồ ăn thừa đều góp phần vào một phong cách sống nơi chúng ta đạt đến một sự cân bằng lớn hơn với môi trường. Một nguyên nhân cơ bản của sự lãng phí thực phẩm là việc các cửa hàng phân loại và bỏ đi những trái cây và rau củ “xấu xí” hay việc đánh cá mà bỏ đi đến phân nửa vì sai kích thước hay loài. Các chiến dịch chống lãng phí thức ăn trên khắp thế giới tập trung vào việc thay đổi thái độ với những sản phẩm không hoàn hảo, và giáo dục các cá nhân và nhà hàng về giá trị dinh dưỡng của chúng, cũng như tìm ra các cửa hàng khác cho các sản phẩm này. Một ví dụ là một công ty có trụ sở ở California có tên là Imperfect Produce, nơi bán những hàng hóa “kém hấp dẫn” với mức chiết khấu, tiết kiệm một lượng lớn thực phẩm, nước và giảm thiểu các-bon đi-ô-xít.
Quảng cáo xúi giục cái khát vọng ngây thơ của chúng ta về sự hoàn hảo, và thông đồng với nó. Chúng ta có thể không nhận ra rằng những phức cảm tâm lý đang được kích hoạt để khuyến khích những mong muốn không thể đạt được trở thành các nhu cầu, và đôi khi là nỗi khát khao trong tuyệt vọng. Nhưng chúng ta có nên để những khát vọng này trở thành những mong muốn thoáng qua, chứ không phải những giấc mơ phải trở thành hiện thực.
Nói tóm lại, văn hóa tiêu dùng thao túng chúng ta trong cái suy nghĩ rằng chúng ta phải hoàn hảo, và rằng sự hoàn hảo đó có thể mua được. Những lời bào chữa cho sự thái quá của chúng ta sẽ mãi mãi được hợp pháp hóa. Quảng cáo đem lại cho chúng ta những giải pháp hoàn hảo, hết lần này đến lần khác. Chúng ta chấp nhận những lời hứa hẹn, quảng bá là hợp pháp, và sau đó ta thất vọng, hết lần này đến lần khác. Điều này không đem lại nền tảng nào cho hành động, bởi chúng ta sẽ nhận thấy chắc chắn và liên tục rằng, thực tế không đến như là ta mong đợi, và sự thờ ơ đến từ việc liên tục bị làm cho thất vọng không tạo ra nguồn năng lượng mà chúng ta cần để khơi gợi và tiến bước cùng sự thay đổi.
Ngược lại, ý tưởng chấp nhận sự không hoàn hảo có thể tìm thấy trong triết lý Nhật Bản, được gọi là wabi-sabi – chấp nhận ba tính chất của cuộc sống được nói đến trong Phật giáo, trong đó mọi thứ được coi là vô thường (impermanent), bất toàn (imperfect) và không đầy đủ (incomplete). Thay vì vật lộn với những thực tế này, chúng ta có thể làm hòa với chúng. Do vậy, những củ cà rốt cong queo và quả lê méo mó trở thành thầy của chúng ta, và có thể được nhìn như là những sứ giả của thẩm mỹ wabi-sabi bao gồm sự bất đối xứng, sự thô ráp, sự đơn giản, sự khiêm tốn đi liền với cảm giác thân mật.
Có lẽ sẽ dễ dàng nắm bắt được cảm giác về wabi-sabi hơn trong dáng vẻ của một bát trà đơn giản, không chút cầu kỳ hơn là trong từ ngữ. Chiếc bát không hoàn hảo cho trà đạo Nhật Bản sẽ tự hào trưng ra lớp men của tuổi tác, bằng chứng cho sự hao mòn của nó. Tương tự như vậy, quả táo vàng thâm, nhăn nheo đã được cất giữ vài tháng, với một vết lõm ở chỗ bị ong bắp cày châm thì có sức hấp dẫn hơn bởi câu chuyện mà nó kể và cuộc đời nó đã trải qua. Nó cũng có hương vị thật ngon: Nó không sống mãi. Và chiếc bát, rốt cuộc, cũng sẽ bị hỏng và không thể sửa chữa được.
Khi nói đến sự bền vững, có một thực tế là không có gì kéo dài mãi, không có gì kết thúc và không có gì hoàn hảo (kể cả chúng ta); và sự thực đó giảm cái ngưỡng kỳ vọng của chúng ta xuống và đưa nó về miền thực tế. Khi ý thức được rằng mọi thứ thay đổi liên tục, rằng có nỗi đau, có sự chán nản và không có sự mua sắm điên cuồng nào có thể xua đuổi chúng đi, chúng ta có thêm sự hiểu biết và sức mạnh đáng kinh ngạc. Khi có tư duy như vậy trong mỗi trải nghiệm của bản thân, chúng ta không có sự thất vọng. Đó đơn giản là dukkha, như Phật giáo gọi là sự bất mãn thế gian – nhưng dukkha qua đi và chúng ta lại tiếp tục sống. Khi nó quay trở lại, chúng ta hiểu rằng đây chỉ là cách cuộc sống trôi chảy, có lòng trắc ẩn với tất cả những thay đổi trên thế giới này, cảm thấy đồng cảm với những chúng sinh khác và tiếp tục tiến lên, tiếp nhận những đổi thay tích cực.
Chúng ta tiếp nhận các thông tin và hình ảnh về sự khủng hoảng lãng phí toàn cầu như một lời cảnh tỉnh để kiềm chế sự dư thừa và nhận thức rõ ràng hơn về thói quen lãng phí vô thức của con người. Chúng ta đang trả lời cho thách thức này và đưa câu ngạn ngữ cổ “không phung phí thì không túng thiếu” vào trung tâm của một lối sống “liên kết” hơn. Mặc dù thói quen tiêu dùng không phải là vấn đề duy nhất tác động tới việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm nói riêng và lãng phí nói chung, nhưng người tiêu dùng có quyền lực lớn nhất. Chúng ta có thể giảm thiểu việc tiêu dùng và đóng gói bao bì cá nhân quá mức, cũng như sử dụng năng lượng một cách không cần thiết. Niềm hạnh phúc không liên quan gì tới tư hữu, vậy nên chúng ta có thể giảm lượng khí thải các-bon của mình mà không gây ảnh hưởng tới niềm hạnh phúc riêng.
Trên hành trình tiến tới thực phẩm bền vững, chúng ta sẽ mắc sai lầm và đôi khi cảm thấy đây là một cuộc chiến khó khăn. Nhưng một khi đã nhìn thấy sự toàn hảo trong sự bất toàn thì chúng ta nhận ra rằng, mọi sự sống đều đáng được bảo vệ, và mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của ta đều có thể ẩn chứa lòng từ ái.