Có phải chúng ta đã mất kết nối với dấu vết đồ ăn của chính mình? Liệu chúng ta có sức mạnh để thay đổi điều này không?
Theo sáng kiến toàn cầu SAVE FOOD, điều gây sốc là một phần ba lượng thức ăn được tạo ra cho con người trên toàn thế giới ngày nay bị mất mát hoặc lãng phí, chúng ta đang nói đến một con số đáng kinh ngạc là 1,3 tỷ tấn. Ngay khi chỉ một phần tư lượng thức ăn này được tiết kiệm, nó đã đủ để nuôi sống 187 triệu người, điều sẽ tạo ra một sự đổi thay lớn trong một thế giới mà ước tính có 795 triệu người bị suy dinh dưỡng mãn tính (con số này tương đương với một phần chín dân số thế giới). Nếu có thể giảm lượng thực phẩm bị lãng phí, chúng ta không chỉ làm giảm bớt áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm mà còn giảm bớt nhu cầu phải tăng sản lượng lương thực để đáp ứng đòi hỏi của dân số ngày càng tăng. Đó không chỉ là những lợi ích về môi trường và xã hội; ở cấp độ cá nhân, mỗi chúng ta sẽ học được bài học về chuyện “kết nối các dấu chấm” trong một thế giới nơi “các dấu chấm” đang trở nên xa nhau đến mức chúng ta thường không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh mà bản thân là một phần trong đó.
Để bắt đầu, chúng ta có biết rằng chúng ta ăn bao nhiêu thức ăn trong suốt một năm không? Hàng ngày chúng ta thu hoạch hoặc mua, nấu nướng và ăn. Chúng ta dùng thức ăn thừa làm phân bón hoặc vứt bỏ đi, lên giường, đi ngủ, và thức dậy sảng khoái đầy hy vọng và sẵn sàng để bắt đầu một ngày mới. Với một cuộc sống luôn được nhấn mạnh vào sự khởi đầu và sự kết thúc, trong đó chúng ta bị nắm giữ bởi cái nhịp điệu thoải mái hàng ngày, thật khó để hình thành một ý thức mang tính xây dựng về chuyện chúng ta ăn bao nhiêu, hoặc cái gì đã trở thành từ những thứ chúng ta không ăn trong suốt một tuần, chứ đừng nói một năm. Khi sống ở nông thôn, chúng ta có thể từng nhìn thấy đồ ăn thừa của mình được tích trong một cái xô cho lợn và gà và có nhận thức về những gì mình vứt bỏ. Tuy nhiên, ngày nay, bằng chứng này đã bị loại bỏ. Tương tự như vậy, chúng ta đã có thể có số liệu về lượng thức ăn ta nấu hàng ngày căn cứ vào những gì còn lại trong vườn hay số tiền chúng ta còn trong ví, nhưng ngày nay thì chúng ta dường như đang ở giữa một sự dư dật vô tận. Bị cám dỗ bởi việc mua sắm bốc đồng trong siêu thị, thiếu kế hoạch và mua quá nhiều thực phẩm là những nguyên nhân chính tạo ra rác thải thực phẩm ở phía người tiêu dùng.
Nhìn vào các số liệu thống kê (bao gồm cả rác thải được ủ làm phân bón) lượng thức ăn cho mỗi người là khoảng 900 kg một năm ở những nước kinh tế giàu có hơn và khoảng 460 kg cho mỗi người ở những khu vực kinh tế nghèo khó hơn. Ngược lại, lượng rác từ tiêu dùng thực phẩm là khoảng 95-115kg một năm ở những nước giàu hơn, trong khi chỉ là 6-11kg mỗi người ở các vùng nghèo hơn. Sự khác biệt là khá lớn.
Vậy chúng ta có thể làm gì? Ở các nước đang phát triển, 40% tổn thất xảy ra vào thời điểm thu hoạch và trong quá trình xử lý, điều này có thể được trợ giúp nhờ sự hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và sự đầu tư thích hợp vào công nghệ. Nhưng có 40% rác thải thực phẩm tại thế giới phương Tây được tạo ra bởi chính người tiêu dùng trong chuỗi thực phẩm, có nghĩa là có nhiều cơ hội cho các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức.
Hạn sử dụng, chẳng hạn, gây ra nhiều lãng phí không cần thiết, và đã có rất nhiều sự nhấn mạnh vào việc sửa đổi điều này trong vài năm qua, bao gồm cả sự giới thiệu kỹ thuật mới: Gói bọc nhạy cảm với nhiệt cho ta thấy khi nào đồ ăn đang hỏng thay vì đặt một ngày tháng mang tính ước định trên bao bì. Nhận thức được nâng cao cũng thúc đẩy một hệ thống phân phối thực phẩm thay thế cả chính thức và phi chính thức, thường nhằm mục đích giúp đỡ những người không có khả năng trả tiền theo giá ở cửa hàng. Do vậy, việc lục tìm trong các thùng chứa hàng bỏ đi và phân phối lại các sản phẩm bị loại bỏ có thể được coi như hành động có chánh niệm; ở đó sự sáng tạo và lòng tốt của con người chiếm ưu thế khi phải đối mặt với các quy tắc quan liêu thường thấy.
Các chương trình kể trên và nhiều hoạt động khác nữa đã đạt được những thành tựu đáng kể, phần nhiều là do sự cởi mở của chúng ta để thay đổi ngay khi những mối liên hệ và hậu quả đã trở nên rõ ràng. Những buổi nói chuyện, giảng giải trong cửa hàng (in-store education) có thể đến vào những lúc mà chúng ta dễ dàng tiếp nhận – có lẽ là vào lúc đang xếp hàng chờ thanh toán để chúng ta không cảm thấy thời gian quý giá của mình bị lãng phí. Rất nhiều hoặc thực sự là hầu hết chúng ta cũng sẽ thấy các vấn đề của rác thải tích tụ, bao gồm cả rác thải thực phẩm, đang gặm nhấm trong tâm trí mình, mong muốn chúng ta làm điều gì đó. Khi được truyền tải về các chiến lược mua sắm, bảo quản, và nấu nướng thức ăn đỡ lãng phí hơn, chúng ta cảm thấy tốt hơn về chính bản thân và về những điều chúng ta làm cho gia đình mình và hành tinh này.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà các chiến dịch dựa trên giáo dục đã cho những thành tựu đáng kể trong việc giảm thiểu rác thải thực phẩm gia đình và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Với chánh niệm, tất cả chúng ta đều có thể là một phần của nó.