Khi thời điểm chín muồi, chúng ta cần phải kiên nhẫn cũng như dứt khoát, để tạo ra những món ăn ngon lành, tròn đầy và nhiều hương vị nhất. Kiên nhẫn là một cách tiếp cận cuộc sống có tính giác ngộ, đến từ sự hiểu biết sâu sắc về cách thức mọi thứ hoạt động.
Đứng bên bếp, khuấy một cái bát sữa vào lòng đỏ trứng lơ lửng trong nước sôi lăn tăn… hãy kiên nhẫn! Chờ món kem sữa trứng đông đặc lại một cách nhẹ nhàng. Vặn nhỏ lửa để nó không sôi. Đảm bảo rằng nó mịn màng một cách hoàn hảo, không vón cục, không sần sùi. Không cần phải vội: Nếu vội vàng, bạn có thể làm hỏng mọi thứ.
Trong nấu ăn có một số – chứ không phải toàn bộ – quy trình mà bạn không thể đi tắt đón đầu được. Bạn không thể thúc một quả trứng để lòng đỏ đạt đến độ đặc hoàn hảo mong muốn chỉ vì bạn có một cuộc hẹn trong ba phút nữa, bạn bị muộn rồi nhìn chằm chằm, dữ dội vào quả trứng. Nếu muốn món ăn của mình có hương vị thơm ngon nhất, bạn còn thiết lập khoảng thời gian cần thiết cho mọi thực đơn – và đó là bài học thích hợp cho chúng ta trong cuộc sống. Hãy cho phép thời gian có thời gian.
SỰ KIÊN NHẪN ĐƯỢC BÁO ĐÁP
Đôi khi mọi người hỏi tôi, “Làm một ổ bánh mì thì mất bao lâu?” Họ lo ngại rằng làm một ổ bánh mì thì hẳn rất tốn thời gian, và họ nghĩ rằng việc này sẽ không bao giờ có thể chen vào cuộc sống bận rộn của bản thân. Tuy nhiên, một khi bắt tay vào hành động, quá trình làm bánh chỉ cần sự chú ý thoáng qua trong suốt một ngày. Chất lượng của sự chú ý mới là đáng kể – và khoảng thời gian giữa các thời điểm đòi hỏi sự chú ý.
Khi làm bánh mì theo kiểu nghệ nhân, sự kiên nhẫn sẽ được báo đáp xứng đáng khi quá trình lên men diễn ra và men tự nhiên nở ra vì các-bon hydrat trong bột mì sinh ra các-bon đi-ô-xít tạo ra bong bóng trong bột, thứ được giữ cố định bởi gluten trong lúa mì. Một quá trình chậm rãi gọi là “làm-cho-dễ-tiêu-hóa” sẽ diễn ra, khiến cho bánh mì trở nên tốt hơn cho sức khỏe của chúng ta, và dễ tiêu hóa hơn là thứ bánh mì được lên men nhanh và phát triển cho mục đích thương mại trong sản xuất hàng loạt. Ngược lại, với bánh mì tự lên men, tất cả những gì chúng ta cần làm là trộn một chút rồi thỉnh thoảng nhào nhè nhẹ, và cuối cùng là chút tạo hình. Sau đó, cứ như thể bột trồi lên đang khiêu vũ theo từng bước với hơi ấm và độ ẩm trong ngày, rồi sẽ đến một thời điểm khi bột đã nở hoàn hảo, sẵn sàng được đưa vào trong lò nóng và được nướng. Sẽ cần đến nhiều sự kiên nhẫn hơn khi bạn chờ đợi và quan sát trong khoảng thời gian thông thường để nướng bánh. Khi bánh mì đã sẵn sàng, lấy nó ra, chạm vào nó, bóp nó, để nó thở trên khay nướng – và cố gắng kiên nhẫn. Đừng cắt bánh mì khi nó còn đang bốc hơi và đang nóng. Chính lúc này bạn có thể làm hỏng mọi thứ: Bạn có thể làm bẹp bánh mì của bạn, làm xì hơi những cái bong bóng được thời gian làm nở, được lò nướng, được bơ quyện.
Làm bánh mì là một trong vô số những ví dụ về chuyện là nấu ăn dạy cho ta tầm quan trọng của việc chờ đợi. Đừng nướng sượng một cái bánh, nếu không nó vẫn bị nhão ở giữa khi bạn cắt nó ra. Đừng đi lung tung ra khỏi bếp và để cho rau xanh của bạn bị chín quá, nếu không nó sẽ biến thành một mớ vải khi xỉn màu, mùi vị nhạt nhẽo và chán ngắt, không còn giá trị dinh dưỡng. Đừng nấu cơm sống, nếu không bạn có thể “gãy răng” khi ăn. Mọi công đoạn trong nấu ăn đều có thể là cơ hội để sử dụng tính phán đoán và rèn luyện lòng kiên nhẫn.
Kiên nhẫn cũng là một yêu cầu thiết yếu khi lựa chọn các nguyên liệu. Vì vậy, chúng ta cần chờ đợi cà chua chín trước khi hái, cũng như chúng ta cần chờ đợi chúng được om trong lò cho đến khi chúng mọng nước và ngon ngọt vừa phải như chúng ta mong muốn: Có lẽ ngả nâu một chút, nhưng không quá nhiều.
Những năm 1980 là lúc chứng kiến sự ra đời của phong trào Thức ăn Chậm ở Ý, có thể coi là một phản ứng trước việc loại bỏ sự kiên nhẫn ra khỏi đồ ăn. Trên Bậc thang Tây Ban Nha ở Rome, một cửa hàng McDonald đã mở cửa. Một sự mạo phạm! Đột nhiên, người ta có thể đi vào một nhà hàng và gọi đồ ăn nhanh, thứ sẵn sàng chỉ sau năm phút bởi vì nó được làm từ những yếu tố được chuẩn bị trước với một dây chuyền sản xuất của những con người vội vã làm to nó ra cho các thực khách. Điều gì đã xảy ra vậy? Sự kiện này đã thúc đẩy nhà báo Carlo Petrini bắt đầu hành động, và nó đã được chứng minh là một chất xúc tác cho một phong trào đặt chất lượng của đồ ăn và trải nghiệm ăn uống lên hàng đầu. Trọng tâm của phong trào Thức ăn Chậm là chuẩn bị đồ ăn với các phương pháp sản xuất truyền thống, mang tính bản địa, cùng với những trải nghiệm xã hội bình thường như là ngồi xuống xung quanh bàn ăn, thường là trong hàng giờ đồng hồ. Không có chuyện dùng tay nhón lấy khoai tây chiên và bánh mì kẹp! Và vì thế chúng ta thấy rằng lòng kiên nhẫn và niềm thích thú liên kết chặt chẽ với nhau trong cuốn sổ đặt chỗ cho những bữa tiệc ẩm thực cao cấp.