Nấu ăn chắc chắn là một trong những hoạt động thú vị nhất mà chúng ta thực hiện mỗi ngày. Hoặc chí ít thì nó cũng nên mang lại niềm vui thích cho ta. Khi nấu nướng, chúng ta buộc phải “xắn tay áo lên” làm mọi công đoạn, rồi còn cần có chút tinh tế trong cảm quan và mắt thẩm mỹ. Thêm nữa, hoạt động này đem đến cơ hội tăng tính tương tác xã hội của con người: Công đoạn sơ chế và chế biến là một công việc nhóm, còn kết quả (món ăn) thì được chia sẻ. Chúng ta có thể xem việc chuẩn bị món ăn là một dịp hoàn hảo để phát triển một cách tiếp cận có “chánh niệm” hơn với cuộc sống. Nếu chúng ta thong thả, việc nấu ăn sẽ dễ dàng được hoàn tất và trở thành một phương thức dịu dàng, nâng cao nhận thức. Món ăn nào rồi cũng sẽ đem lại cảm giác ngon miệng hơn, khi chúng ta chuẩn bị nó trong trạng thái không căng thẳng, và với đủ thời gian để đảm bảo nó được nấu chín hoàn hảo, với độ ấm thích hợp và ngập tràn hương vị.
Trong một thế giới vội vã – nơi mà chúng ta hiếm khi dành thời gian để chiêm nghiệm mọi thứ – thì một cách tiếp cận chánh niệm đối với cuộc sống hàng ngày có lẽ là việc đi đúng vào trọng tâm của vấn đề. Thay vì tận hưởng từng khoảnh khắc khi nó đến, ta cứ nhớ lại quá khứ xen lẫn với bận tâm về tương lai. Bằng việc bám vào những đau đớn trong quá khứ và đuổi bắt tương lai, chúng ta có thể hủy hoại cảm giác mãn nguyện với hiện tại.
Đầu bếp là những người thực hành và cảm nhận từ thực tế – nhưng không hẳn là những người có nhiều thời gian để thiền định hay nhận biết hơi thở. Nhiều bếp trưởng mà tôi biết hẳn sẽ bật cười trước quan điểm rằng, chánh niệm trong nấu ăn có thể là một nguyên liệu quan trọng hơn bất cứ gia vị nào – ví dụ như muối. Tuy nhiên tôi tin rằng, những bếp trưởng thành công nhất là những người có sự tỉnh thức trong việc nấu nướng, nhưng họ không gọi hành động đó của bản thân là việc làm có chánh niệm. Nhưng dù hoạt động nấu ăn có thu hút được những người biết cảm nhận thực tế hay không, hoặc là có những người muốn trở nên thực tế thông qua việc nấu nướng, thì đó cũng không phải là vấn đề. Có một thực tế là, những lúc nấu nướng là cơ hội lý tưởng để chúng ta thoát khỏi cái bẫy về niềm hạnh phúc do tâm trí mình đặt ra; và cho phép chúng ta thêm vào trong mình những điều tích cực. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thứ mà ta nấu; và cũng chính việc nấu nướng cũng tác động tới nhiều điều. Để tâm trí được gợn những suy nghĩ, lưu ý tới mọi điều như vậy sẽ mở ra một cái nhìn hoàn toàn mới, thay vì chỉ nhìn thấy một quá trình nấu nướng duy nhất. Làm như vậy, tâm trí sẽ làm phong phú thêm cho khoảnh khắc của chúng ta và tạo dựng một nhận thức toàn diện về những gì bản thân đang làm.
Ngày nay, hành trình của thực phẩm trở thành thứ quan trọng với hạnh phúc và sức khỏe của con người. Như thể chúng ta phải ra quyết định về ngã rẽ của mình khi đến giữa một ngã ba đường. Liệu chúng ta sẽ đi theo con đường dẫn tới những đám mây, leo lên một cái cầu vồng, song hành cùng những cái máy bay chở thức ăn nhập khẩu; hay là ta sẽ đi con đường ở trên mặt đất và nhận ra vẻ màu mỡ của đất khi nhìn xuống từ con đường đó? Liệu có một con đường nào ở giữa hay không? Khi là một phần của xã hội (không quá) hiện đại hiện thời, chúng ta may mắn có cơ hội tham gia vào việc chuẩn bị đồ ăn của chính mình; vì vậy, chúng ta nên ăn mừng khía cạnh này, biết ơn khi có thể tiếp cận dễ dàng các công cụ nấu ăn. Trong quá khứ, nhiệm vụ là ai phải chuẩn bị thức ăn cho ai đã thay đổi, và vẫn còn đang thay đổi; cho nên, ta hãy thu thập trải nghiệm chánh niệm như là một vị đầu bếp tận tâm những khi có thể.