Tịnh độ sám còn gọi là Di Đà sám, là sám pháp căn cứ vào kinh Vô Lượng Thọ và các kinh điển xưng tán Tịnh độ khác biên soạn mà thành. Thường thực hành sám pháp này có thể khiến cho chúng sinh tiêu trừ được ba nghiệp thân, khẩu, ý và tất cả tội nặng do sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tạo ra từ thời vô thủy đến nay, nếu đem sám pháp này ra trì tụng công đức, hồi hướng tất cả chúng sinh, tu hành thanh tịnh, nhất định sẽ nhanh chóng thành tựu.
Tịnh độ sám do đại sư sám chủ Tuân Thức thời Bắc Tống biên soạn. Tuân Thức (964-1032) là người vùng Lâm Hải, Đài Châu (nay là Ninh Hải, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), ông họ Diệp, tên chữ là Tri Bạch. Xuất gia ở núi Thiên Thai, năm mười tám tuổi xuống tóc, năm hai mươi tuổi thọ giới cụ túc tại chùa Thiền Lâm. Năm sau, theo luật sư Thủ Sơ học luật. Ông từng đứng trước tượng Phổ Hiền đốt một ngón tay cúng dường thề nguyện truyền giáo pháp của tông Thiên Thai. Năm Ung Chiếu nguyên niên (984) theo thầy Nghĩa Thông ở chùa Bảo Vân học điển tịch Thiên Thai, hiểu hết mọi lẽ thâm áo huyền diệu của các loại điển tịch ấy, với đồng môn là Tri Lễ cùng trở thành những nhân vật trung tâm của phái Sơn Gia. Năm hai mươi tám tuổi, ông tuyên giảng các kinh Pháp Hoa Duy Ma, Niết bàn tại chùa Bảo Vân, đồng thời tập hợp tăng tục chuyên tu Tịnh độ, biên soạn rất nhiều chú niệm, sám nghi liên quan đến Tịnh độ tông, như Đại Di Đà Sám nghi, Tiểu Di Đà Sám nghi, Vãng sinh Tịnh độ Sám nguyện nghi, Kim Quang minh tam muội nghi… Sau đó, nhiều lần giảng kinh sám tại Tô Châu, Hàng Châu, ảnh hưởng rất sâu rộng. Tiếp theo, ông phục dựng chùa Thiên Trúc và tiếp tục tu sám. Do ông soạn khá nhiều sám nghi nên người đời gọi ông là Bách Bản Sám chủ (Sám chủ một trăm bản sám pháp), Thiên Trúc Sám chủ (Sám chủ chùa Thiên Trúc), Từ Vân Tôn giả (Tôn giả chùa Từ Vân), Từ Vân Sám chủ (Sám chủ chùa Từ Vân)… Thời Tống Triết Tông, Tống Cao Tông lần lượt truy tặng ông danh hiệu Pháp bảo Đại sư, Sám chủ Thiền tuệ Pháp sư. Ngoài ra ông còn biên soạn nhiều loại sách lưu hành ở đời như Đại thừa Chỉ quán Thích yếu.
Vãng sinh Tịnh độ Sám nguyện nghi do Tuân Thức biên soạn vào năm Đại Trung Tường Phù thứ tám (1015). Sách này dựa vào các kinh Đại Vô lượng thọ, Xưng tán Tịnh độ mà đưa ra mười loại hành pháp: 1. Đạo tràng nghiêm trang sạch sẽ; 2. Pháp vào đạo tràng phương tiện; 3. Ý chính tu; 4. Thắp hương, rải hoa; 5. Pháp lễ thỉnh; 6. Pháp tán thán; 7. Pháp lễ Phật; 8. Pháp sám nguyện; 9. Pháp đi vòng quanh và tụng kinh; 10. Pháp tọa thiền. Về sau, Tịnh độ tông trong tín ngưỡng dân gian, người ta dựa vào sách này mà thực hành lễ bái sám pháp cũng được lưu hành rộng rãi, đó chính là Tịnh độ sám.
Kinh Vô lượng thọ là một trong ba bộ kinh của tông Tịnh độ. Trọng điểm của kinh này là giới thiệu Phật A Di Đà khi đang trong quá trình tu nhân địa đã phát bốn mươi tám đại nguyện. Khi Phật A Di Đà thành Phật thì bốn mươi tám đại nguyện ấy là:
1. Nguyện quốc độ cực lạc không có ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh;
2. Nguyện chúng sinh không vào lại ba ác đạo;
3. Nguyện chúng sinh đều đủ lực không chuyển không hư, sắc thân như vàng ròng;
4. Nguyện chúng sinh có đủ ba mươi hai tướng của kẻ trượng phu;
5. Nguyện chúng sinh thân tâm trong sạch, không sai khác;
6. Nguyện chúng sinh hiểu rõ tất cả nhân quả thiện ác của nhiều đời nhiều kiếp;
7. Nguyện chúng sinh có đủ đôi mắt thần thông để nhìn thấu suốt những việc quá khứ, hiện tại, tương lai của mười phương thế giới;
8. Nguyện chúng sinh có đủ đôi tai thần thông để nghe thấu những việc quá khứ, hiện tại, tương lai của mười phương thế giới;
9. Nguyện chúng sinh có tha tâm thông để hiểu biết ý nghĩ của chúng sinh mười phương;
10. Nguyện chúng sinh có đôi chân thần tự tại qua lại Phật quốc mười phương;
11. Nguyện chúng sinh khắp nơi cúng dường chư Phật mười phương;
12. Nguyện chúng sinh đắc thành chính đẳng giác;
13. Nguyện tôi có được quang minh vô lượng chiếu khắp Phật quốc mười phương;
14. Nguyện chúng sinh nhìn thấy ánh sáng của tôi là tự mình được an lạc;
15. Nguyện tôi được vô lượng thọ và chúng sinh cũng được như vậy;
16. Nguyện tại quốc độ cực lạc có được vô số Thanh văn, trời và người;
17. Nguyện xưng tán chư Phật;
18. Nguyện chúng sinh khi sắp qua đời, niệm danh hiệu tôi mười lần là được vãng sinh;
19. Nguyện chúng sinh nghe danh hiệu của tôi liền phát tâm Bồ đề;
20. Nguyện tiếp dẫn chúng sinh lúc lâm chung;
21. Nguyện chúng sinh hối lỗi lúc vãng sinh;
22. Nguyện đất nước không có người nữ;
23. Nguyện mọi người nữ chuyển thành người nam;
24. Nguyện thân hóa thành hoa sen;
25. Nguyện trời, người kính lễ;
26. Nguyện nghe tên được phúc;
27. Nguyện chúng sinh tu hạnh thù thắng;
28. Nguyện đất nước không có điều bất thiện;
29. Nguyện chúng sinh an trú trong chính định;
30. Nguyện chúng sinh an vui như dứt hết phiền não (như lậu tận);
31. Nguyện chúng sinh không tham chấp thân tướng;
32. Nguyện là thân của Thắng lực87;
87. Thân Thắng lực: Tạm dịch từ Na la diên thân 那羅延身, tiếng Phạn: Narayana, tức tên một lực sĩ trên cõi trời.
33. Nguyện là quang minh biện tài;
34. Nguyện thuyết giảng pháp yếu khắp nơi;
35. Nguyện một đời làm Bồ Tát gắn bó với thế gian;
36. Nguyện giáo hóa tùy ý chúng sinh;
37. Nguyện ăn mặc tự đến;
38. Nguyện tùy niệm được cúng dường;
39. Nguyện vô tận trang nghiêm;
40. Nguyện là vô lượng sắc thụ;
41. Nguyện mỗi cây là một Phật quốc;
42. Nguyện chiếu thấu mười phương;
43. Nguyện là hương quý làm ấm khắp nơi;
44. Nguyện phổ đẳng tam muội;
45. Nguyện ở trong định cúng Phật;
46. Nguyện có được Đà-la-ni (tức Trì minh);
47. Nguyện nghe tên được nhẫn chịu;
48. Nguyện chứng được diệu quả, không thối chuyển.
Đây là bốn mươi tám đại nguyện, nếu không thực hiện đầy đủ, Phật A Di Đà nguyện không thành Phật.
Đồng thời, kinh Vô lượng thọ còn luận rằng Phật A Di Đà có công đức quang minh vô lượng cùng thọ mệnh vô lượng và chỉ rõ cho tất cả chúng sinh phương pháp tự cứu bằng sức lực của mình.
Tịnh độ sám căn cứ từ sách Vãng sinh Tịnh độ sám nguyện nghi mà viết ra, trình tự đại thể như sau:
Sau khi cử bài Lô hương tán đến câu Nam mô Hương vân cái Bồ Tát Ma-ha-tát, Nam mô Đại từ Di Đà Phật, mỗi câu xướng ba lần. Pháp chủ [tức sám chủ] lại cử Tất cả cung kính, phải niệm tất cả Tam bảo và pháp giới chúng sinh cùng thân tâm của mình, không hai không khác, chư Phật đã giác ngộ, chúng sinh còn mê lầm, con vì chúng sinh mà tiêu trừ mê chướng, lễ thờ Tam bảo. Đại chúng quỳ, cầm giữ hương hoa ngay ngắn, như pháp cúng dường, chuyên tâm tụng niệm:
Nguyện hương hoa này khắp mười phương, rõ là quang minh đài vi diệu. Âm nhạc chư thiên hương quý của trời, thức ăn chư thiên, áo quý của trời. Không thể nghĩ bàn trần gian diệu pháp, mỗi một hạt bụi sinh tất cả thế gian, mỗi một hạt bụi sinh tất cả các pháp, bố thí vô ngại cùng nhau trang nghiêm, khắp cả mười phương trước Tam bảo, pháp giới mười phương trước Tam bảo, ắt có thân con tu cúng dường, nhất nhất đều cùng khắp pháp giới. Đó đây không lẫn lộn, không chướng ngại, hết cả cảnh giới vị lai đều làm Phật sự. Thơm ấm khắp chư chúng sinh pháp giới, đội ơn Tam bảo thảy đều phát Bồ đề tâm.
Cúng dường xong, cung kính tụng kệ tán lễ:
Như Lai diệu sắc thân, thế gian không ai bằng. Không sánh không nghĩ bàn, cho nên nay đảnh lễ.
Như Lai sắc vô tận, trí huệ cũng như vậy. Tất cả pháp thường trú, cho nên con quy y. Đại nguyện lực đại trí, độ khắp mọi chúng sinh. Bỏ hết thân phiền não, sống cõi nước thanh lương. Con nay ba nghiệp sạch, quy y và tán lễ. Nguyện cùng mọi chúng sinh, đều sống trong Tịnh độ.
Tiếp theo, nhất tâm đảnh lễ tất cả chư Phật Tam thế mười phương, tất cả chư Pháp và tất cả Thánh Hiền Tăng. Rồi tụng niệm kệ:
Thành tâm lễ Phật tính Không Tịch,
Đạo giao cảm ứng khó nghĩ bàn.
Đạo tràng này như bảo châu Trời Đế Thích
Có ảnh hiện pháp thân Bồ Tát và Như Lai.
Ảnh thân con cũng đồng hiện trước chư Phật,
Con dập đầu cúi mặt trên chân Ngài, thành tâm đảnh lễ.
Đọc đoạn kinh văn đưới đây, rồi phát nguyện:
Kinh rằng: Nếu niệm tên ta, tâm sinh về nước ta; nếu không được vậy, thề không thành Phật. Nếu mọi chúng sinh nguyện vãng sinh cực lạc sẽ cho thành tựu diệu nghiêm, uy đức tự tại, trước tiên theo ta, cần phát nguyện như sau:
Nam mô Đại từ Di Đà Phật, nguyện con mau chóng đoạn trừ tham, sân, si, mãi mãi ra khỏi ba nẻo ác, thường được nghe Phật, Pháp, Tăng, siêng năng tu Giới, Định, Tuệ; luôn theo chư Phật học, viên mãn tâm Bồ đề; chóng biết nước cực lạc, sớm cùng thân pháp tính; phân thân khắp trần thế, độ khắp cả chúng sinh.
Chia ra xưng mười lần danh hiệu Phật, Bồ Tát: Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Đại Thế chí Bồ Tát, xong, lại tiếp tục đọc tụng đoạn kinh dưới đây:
Kinh rằng: Nếu có tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ, nghe thụ trì kinh này và nghe danh chư Phật thì các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ ấy đều được chư Phật hộ niệm và đều được không thối chuyển trong A-nậu-đa-la Tam miệu Tam Bồ đề, cho nên ngày nay thọ trì, nguyện cúi xin hộ niệm thành tựu Bồ đề, nguyện được vãng sinh quốc độ cực lạc.
Tiếp theo, đọc tụng một biến kinh Phật thuyết A Di Đà, niệm chú Vãng sinh bốn mươi tám lần. Sau đó lại sám hối:
Thành tâm sám hối, đệ tử là… và pháp giới chúng sinh, từ vô thủy đến nay mê lầm điên đảo, cũng do sáu căn ba nghiệp, không hành thiện pháp, tạo ra mười ác, cùng năm vô gián, vô lượng vô biên tất cả tội nặng, không sao kể hết. Chư Phật mười phương, thường trú thế gian, lời pháp không dứt, hương diệu chan hòa, pháp tính đầy trời, tỏa rạng quang minh, chiếu soi tất cả. Diệu lý thường hằng, truyền khắp hư không. Con từ vô thủy, sáu căn mù mờ, ba nghiệp tối ám, không thấy không nghe, không thông không biết, cũng là nhân duyên trôi lăn sinh tử, trải qua nẻo ác, trăm nghìn vạn kiếp, mãi không đường ra. Nay mới giác ngộ, nay mới hối cải, kính xin chư Phật, Thế tôn Di Đà, tỏ bày sám hối, hiện nay con và pháp giới chúng sinh, ba nghiệp sáu căn tạo từ vô thủy, hiện làm sẽ làm, tự làm khiến làm, tùy hỷ thấy nghe. Có nhớ hay không nhớ, có biết hay không biết, có nghi hay không nghi, có che hay có bày, tất cả đều tội nặng, rốt cuộc được thanh tịnh. Con sám hối xong, sáu căn ba nghiệp, sạch không dấu vết, hãy tu thiện căn, ắt đều thanh tịnh, thảy đều hồi hướng, trang nghiêm Tịnh độ, khắp cùng chúng sinh sống trong an lạc. Nguyện Phật A Di Đà thường đến hộ niệm, nay có thiện căn, hiện đang tăng tiến, không mất nhân tịnh, lúc sắp mệnh chung, thân tâm chính niệm, nghe nhìn minh bạch, mặt hướng Di Đà cùng chư thánh chúng, chắp tay đài hoa tiếp dẫn cho con, trong một sát na, vãng sinh trước Phật, đủ Bồ Tát đạo, độ khắp chúng sinh, cùng thành chủng trí.
Sau khi sám hối và phát nguyện, đại chúng cung kính lễ Phật, Bồ Tát, và tất cả Tam bảo. Tiếp theo xướng Tam quy y, và tụng kệ:
Nguyện tiêu trừ nghiệp chướng vô số kiếp;
Nguyện được phúc huệ ngày tăng trưởng.
Nguyện hết thân này ra khỏi Ta bà;
Nguyện Phật tiếp dẫn về cõi an lạc.
Khi kết thúc, tụng kệ hồi hướng:
Nguyện đem công đức này;
Đến khắp cùng tất cả.
Con và mọi chúng sinh;
Đều cùng thành Phật đạo.