Từ bi Thủy sám do quốc sư Ngộ Đạt đời Đường, cảm động về việc dùng nước tam muội gột tẩy oan nghiệt của đời trước mà soạn ra. Đây là điển cố của duyên khởi của bản sám pháp, về sau biên soạn thành Từ bi Thủy sám. Tất cả chúng sinh nếu dựa vào sám pháp này thành tâm khẩn thiết sám hối tội lỗi, chắc chắn có thể tiêu trừ được nghiệp oán của đời trước, đồng thời hướng về Phật đạo, từng bước đi tới, tuần tự tiến lên, tích lũy tư lương, cuối cùng đạt đến đại trí tuệ Bát Nhã.
Quốc sư Ngộ Đạt tên là Tri Huyền (cũng gọi là Trí Huyền), người Tứ Xuyên. Lúc ông chưa hiển đạt, một hôm, trong tự viện tại kinh thành, ông gặp một tăng nhân bị bệnh. Thân thể của vị tăng này nổi đầy ghẻ lở, hôi hám vô cùng, tăng chúng đều e sợ, xa lánh, chỉ có Tri Huyền động lòng thương cảm, thường quan tâm chiếu cố lo liệu cho ông ta, cuối cùng vị tăng ghẻ lở ấy cũng lành bệnh. Lúc chia tay, bệnh tăng ấy nói với ông rằng: “Nếu sau này ông bị hoạn nạn gì, có thể đến núi Trà Long ở Bành Châu, Tây Thục, tìm gặp tôi, trên núi này có hai cây tùng cao lớn đứng liền nhau, rất dễ nhận ra”. Về sau, Tri Huyền vì đức hạnh cao vời, ông được Đường Ý Tông tôn sùng, phong làm quốc sư và đích thân nhà vua đến phương trượng ban gỗ trầm hương để làm pháp tòa, đúng là được đãi ngộ ưu ái tột cùng. Điều này khiến cho cái tâm hư vinh của ông được thỏa mãn và không khỏi có phần đắc ý. Nhưng điều làm cho ông hoàn toàn không ngờ tới là lúc ấy đầu gối của ông bỗng nhiên cảm thấy đau âm ỉ bên trong, sau đó nổi lên cái nhọt hình mặt người, có mặt mũi miệng răng đủ cả, lại còn đòi đút ăn uống các thứ, giống như con người cũng mở miệng ăn uống vậy. Quốc sư Ngộ Đạt đi hỏi danh y khắp nơi nhờ chữa trị, nhưng đều không có cách.
Một hôm, quốc sư bỗng nhớ đến lời nói của vị bệnh tăng ngày trước, nhân đó bèn lên đường đến Bành Châu, xứ Tây Thục, tìm gặp người ấy. Đến núi Long Trà, quả nhiên tìm thấy hai cây tùng cao lớn ấy, cao tận tầng mây, còn vị tăng nhân kia đã ngồi đợi ông ta ở đấy từ trước. Quốc sư Ngộ Đạt nói rõ bệnh tình của mình một lúc, vẻ mặt đầy thất vọng. Vị tăng nhân nói: “Ông đừng ngại, tôi ở đây, dưới tảng đá kia có một suối nước trong rất sâu. Đợi đến ngày mai, ông đến đó dùng nước suối rửa sạch thì có thể lành mụt ấy đấy”.
Sáng hôm sau, quốc sư Ngộ Đạt đến dưới tảng đá ấy, khi hai tay đang vốc nước suối lên tẩy rửa thì cái nhọt hình mặt người lại nói rằng: “Hãy khoan! Quốc sư học thức uyên bác, thông hiểu cổ kim, vậy ông có đọc câu chuyện về Viên Áng và Triệu Thố trong “Hán thư” không?” Quốc sư Ngộ Đạt nói: “Đã đọc rồi”. “Nhọt hình mặt người” lại nói: “Đương nhiên là ông đã đọc, vậy ông biết việc Viên Áng giết Triệu Thố chứ? Tiền thân của ông chính là Viên Áng, còn Triệu Thố chính là tôi đây. Lúc bấy giờ ông tâu lên hoàng đế giết hại tôi bằng nhát chém ngang lưng tại Đông Sơn. Mối thù sâu nặng ấy bao đời nay tôi luôn tìm cơ hội để rửa hận, nhưng vì trải mười đời ông luôn là vị cao tăng đắc đạo, nghiêm giữ giới luật, tinh tấn không nhác lười, khiến tôi không có cơ hội báo thù. Lần này vì ông được hoàng đế quá tin yêu, động đến cái tâm tham lam danh lợi, đức hạnh có phần giảm sút, nên tôi mới trả được oán cừu. Hiện nay, đội ơn tôn giả Ca Nặc Ca (hóa thân thành vị tăng bị bệnh ghẻ lở) đã ban cho nước pháp tam muội, làm cho tôi được giải thoát, vậy oán hận xa xưa giữa chúng ta có thể kết thúc từ đây!”
Nghe xong lời kể của “nhọt hình mặt người”, quốc sư Ngộ Đạt không khỏi run khiếp cả tâm can, mồ hôi lạnh toát đầy người, liên tiếp vốc nước tẩy rửa, đau buốt tận xương tủy một hồi lâu, khiến ông choáng ngất nằm bất tỉnh trên mặt đất. Sau khi tỉnh lại, ông nhận thấy “nhọt hình mặt người” ở đầu gối đã biến mất, tự viện không còn chút dấu tích, vị tăng nhân cũng không biết đi hướng nào, ngoài hai cây tùng cao chót vót giữa núi rừng, ngạo nghễ dưới trời xanh. Về sau, Quốc sư Ngộ Đạt xây chùa tu hành ở đây, và từ đấy ông không ra khỏi núi. Điển cố nổi tiếng về Từ bi Thủy sám chính là quốc sư Ngộ Đạt lấy bản thân mình làm gương, gợi mở ra môn sám hối cho người đời sau mà biên soạn ra vậy.
Sách Từ bi Thủy sám pháp gồm ba quyển, căn cứ vào Viên giác kinh Tu chứng nghi của Tông Mật mà soạn thành. Cách thức của nó cũng tương tự như các sám pháp đang lưu hành, tức trước hết kính lễ trước chư Phật, Bồ Tát, tiếp theo đọc văn sám hối, đối với tất cả phiền não chướng, nghiệp chướng, tất cả bốn loại sinh, sáu nẻo thì kết thúc sám pháp, và cuối cùng là phát nguyện và hồi hướng.
(1) Tường thuật duyên khởi của sám pháp: Do tất cả chư Phật thương nghĩ đến chúng sinh mà làm tổng pháp đạo tràng thuyết giảng Thủy sám. Lời Phật dạy: Chúng sinh ô nhiễm nặng, ai người không tội, ai người không lỗi? Phàm phu ngu tối, vô minh che lấp; gần gũi người ác, phiền não phân tâm. Căn tính vô tri, phóng túng hợm mình, không tin chư Phật mười phương, không tin thánh tăng tôn pháp, bất hiếu với cha mẹ, với bà con nội ngoại; tuổi trẻ chơi bời, kiêu căng biếng nhác, tham lam của quý, tham lam âm nhạc, tham lam nữ sắc, lòng sinh ái dục, ý sinh phiền não. Gần gũi phàm phu, giao du bạn xấu, không biết sám hối; hoặc giết hại tất cả chúng sinh, hoặc uống rượu hôn mê, mất hết cả tuệ tâm. Nay bày tỏ lòng thành, xin sám hối tất cả mọi tội lỗi đã làm, những việc ác đang làm. Ngày nay xin chí thành, ắt đều cùng sám hối. Tội lỗi về sau không dám tái phạm. Đệ tử là… , ngày nay thành tâm quy y tất cả chư Phật tận hư không giới mười phương, chư Đại Bồ Tát, Phật Bích Chi, La Hán, Tứ Quả Tứ Hướng, Phạm Vương, Đế Thích, Thiên Long Bát Bộ, tất cả thánh chúng, nguyện xin chứng giám.
(2) Kính lễ chư Phật, Bồ Tát, Thánh tăng Tam bảo: Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, Di Lặc Phật, Long Thần Thượng Tôn Vương Phật, Long Tự Tại Vương Phật, Bảo Thắng Phật, Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật, Cà Sa Tràng Phật, Sư Tử Hống Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Đại Trang Nghiêm Bồ Tát và Quán Tự Tại Bồ Tát, cùng tất cả chư Phật mười phương, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng.
(3) Sám hối phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng: Muốn trừ ba thứ chướng ấy, trước hết hãy phát khởi bảy loại tâm phương tiện: Tâm xấu hổ, tâm sợ hãi, tâm chán ghét mà xa rời, tâm Bồ đề, tâm bạn thù bình đẳng, tâm niệm Phật báo ân và tâm tính không. Tiếp theo, thành thật tỏ bày, sám hối, tự nói lên: Đệ tử là… từ vô thủy đến nay, vì vô minh phiền não che lấp, tạo ra vô số nghiệp ác, nay con nguyện sám hối phiền não chướng. Gọi là phiền não, trước tiên đều do từ ý niệm sinh khởi, đó gọi là ý nghiệp, rồi sau đó miệng theo ý mà làm. Có ba loại ý nghiệp: tham bẩn, oán hận, ngu tối. Do vì ngu tối mê lầm mà khởi lên tà kiến, do tà kiến mà tạo ra nghiệp ác. Cho nên những nghiệp do tham, sân, si tạo đều có thể khiến chúng sinh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chịu khổ. Dù sinh trong cõi người cũng bị nghèo khổ cô đơn, dữ tợn ngu ngoan, cam chịu phiền não báo ứng. Bởi vì phiền não đều do ý nghiệp sinh khởi, cho nên chúng con là… , hôm nay thành tâm kính lễ chư Phật, cầu xót thương mà cho sám hối. Từ vô thủy đến ngày nay, hoặc tại cõi trời người, hoặc tại sáu nẻo nhận chịu quả báo, có tâm ý này thường ôm trong lòng sự ngu tối, hay vì ba độc tham, sân, si, mà tạo nên tất cả tội lỗi, nay nguyện sám hối tất cả, chí thành kính lễ thường trú Tam bảo. Sau đó, khởi bốn loại quán hạnh: quán nhân duyên, quán quả báo, quán tự thân, quán thân Như Lai. Nguyện Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng giúp con tiêu trừ nghiệp chướng, mãi mãi không bị mắc phải nữa.
Tiếp theo, sám hối nghiệp chướng. Có ba loại nghiệp báo: hiện báo, sinh báo, hậu báo, đều do nghiệp lực tạo thành, nhưng nay thành tâm sám hối. Từ vô thủy đến nay, tất cả những ác nghiệp mới cũ, bao gồm cả thân nghiệp, khẩu nghiệp cùng các nghiệp của các căn tai, mắt, mũi, lưỡi, nguyện khẩn cầu chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng che chở, giúp đỡ chúng con thảy đều được tiêu trừ, từ nay về sau thề không tái phạm, thấy đến “việc ác không làm, việc thiện cố làm, thanh tịnh ý mình”, luôn theo học Phật, tinh cần chăm chỉ.
Sám hối nghiệp chướng xong, lại sám hối báo chướng, gồm các loại báo chướng như ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và bốn loại sinh cùng sáu cõi. Hãy thành tâm sám hối tất cả, khẩn cầu Phật Bồ Tát xót thương cứu giúp, từ bi tiếp nhận, thân tâm tự tại.
(4) Phát nguyện hồi hướng, thành tâm tụng niệm: Đệ tử là Mỗ… Nguyện đem sám hối tam chướng này tạo nhiều công đức, ắt đều hồi hướng và bố thí cho tất cả chúng sinh cùng sám hối. Nguyện với tất cả chúng sinh, trong cuộc sống này thân tâm thường an lạc; ba tai tám nạn, những việc không lành đều bị tiêu tán; áo quần, ăn uống đều được dồi dào, tin tưởng Tam bảo; bỏ báo thân này được vãng sinh thế giới cực lạc, phụng hầu Di Đà, được thọ ký riêng; trong đời vị lai thấy Phật Di Lặc, nghe được chính pháp, và dạy cần tu. Lại nguyện đời này đời sau, nơi này nơi khác, thường giúp quốc vương, hưng vượng Tam bảo, không theo ngoại đạo, hay phái tà kiến. Lại nguyện đời này đời sau, nơi này nơi khác, hoa sen hóa sinh thành dòng tôn quý, yên vui ổn định, cuộc sống tự nhiên; lại nguyện đời này đời sau, nơi này nơi khác, nhân từ trung hiếu, bình đẳng cứu người, không khởi một niệm với tâm nghịch hại; lại nguyện đời này đời sau, nơi này nơi khác, thường vì chư Phật mọi điều hộ niệm hàng phục ma oán và người ngoại đạo, cùng chư Bồ Tát hội cùng một chỗ, đạo tâm Bồ đề, liên tục không dứt; lại nguyện, đời này đời sau, nơi này nơi khác, xiển dương Phật pháp, tu tập Đại thừa, phân thân vô lượng, cứu độ chúng sinh, đến ngay đạo tràng không ai thối chuyển, như chư Phật Bồ Tát, những phát thề nguyền, những tu phúc trí, những hành hồi hướng, tôi cũng như vậy. Phát nguyện tu tập, hồi hướng hết tận thế giới hư không, hết tận thế giới chúng sinh, hết tận phiền não chướng của chúng sinh. Việc tu hành, hồi hướng ấy của tôi, rốt cuộc không có chỗ tận cùng”.
Phát nguyện hồi hướng chấm dứt. Lại phải thành tâm tín lễ thường trú Tam bảo để được tăng thêm phúc thọ.
Khuyên tu Tịnh Độ