Sám pháp Đại bi, gọi đầy đủ là Thiên thủ Thiên nhãn Đại bi tâm chú hành pháp, hay Đại bi tâm chú sám pháp. Sách do sư Tri Lễ, tông Thiên Thai đời Tống biên soạn, căn cứ vào kinh Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô ngại Đại bi Tâm Đà-la-ni do Ca Phạm Đạt Ma đời Đường dịch. Đây là bộ sách hành pháp sám nghi của Phật giáo. Sách được chia làm mười môn: Nghiêm đạo tràng, Tịnh tam nghiệp, Kết giới, Tu cúng dường, Thỉnh Tam bảo chư thiên, Tán thán thần thánh, Tác lễ, Phát nguyện trì chú, Sám hối và Tu quán hành. Dùng giáo nghĩa Thiên Thai hướng dẫn tu sám, sám pháp này không chỉ trừ tai được phúc mà sau khi chết còn được vãng sinh tây phương Tịnh độ.
Kinh Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô ngại Đại bi Tâm Đà-la-ni gọi tắt là kinh Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm Đà-la-ni. Trong kinh nói rõ nguyên do của Bồ Tát Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm, phát nguyện công đức sống nơi năm mươi loại thiện xứ, không chịu chết nơi năm mươi loại ác xứ, Thiên thủ Đà-la-ni và công đức thọ trì, pháp niệm chú ngữ, công đức bốn mươi hai tay mắt, và các chú hỗ trợ của hai vị Bồ Tát Nhật Quang và Nguyệt Quang. Do chú Đại bi trong kinh được lưu truyền phổ biến, nên Bồ Tát Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm cũng trở thành một trong những vị Bồ Tát được dân gian tôn kính nhất. Trong giới Phật giáo, đối tượng sùng bái của hai phái Hiển, Mật thường không giống nhau, nhưng đối với Bồ Tát Thiên thủ Thiên nhãn Quan Thế Âm thì tín đồ của cả hai phái đều cùng tôn ngưỡng là vị Bồ Tát Đại từ Đại bi.
Ngoài ra, theo những bản kinh cựu dịch như Hoa Nghiêm kinh, Tâm kinh, Bi Hoa kinh, Thiên quang nhãn Quán Tự tại Bồ Tát Bí mật pháp kinh, do Bồ Tát Quan Âm từ bi vô lượng, không nỡ để chúng sinh làm điều ác, tranh danh lợi, chuốc tật bệnh mà thêm phiền não, lo buồn, thế là Bồ Tát phổ hiện sắc thân tam muội, thị hiện thân Phật, thân Phật Bích Chi, thân Phạm Vương, thân Tự Tại Thiên, thân Trưởng giả, thân Trời, thân Bà la môn, thân rồng, thân Ưu bà di, thân tể tướng, thân tỳ khưu, thân Dạ xoa… ba mươi hai loại thân ứng hóa. Nếu chúng sinh gặp nạn, chỉ cần thành tâm xưng danh hiệu của Ngài, Bồ Tát Quan Âm liền hóa thân tương ứng xuất hiện đứng ra cứu nạn, cứu khổ.
Bồ Tát Quan Âm tại Trung Quốc có địa vị đặc biệt quan trọng. Ngài là một trong bốn vị Đại Bồ Tát, cũng tức là Bồ Tát Đại Bi. Gọi là trừ chúng khổ, tức tiêu trừ hết mọi khổ nạn của chúng sinh. Tỏ rõ Bồ Tát thương xót chúng sinh đau khổ, Ngài cũng đồng cảm lấy thân gánh chịu. Tinh thần “yêu thương mênh mông không điều kiện” và “lòng thương xót mênh mông như cùng một thân thể với mọi chúng sinh” ấy chính là sự thể hiện quan trọng tấm lòng của Bồ Tát đối với chúng sinh. Từ xa xưa, Ngài vốn đã thành Phật hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai, nhưng vì diệt trừ khổ nạn cho chúng sinh, Ngài cam nguyện ở lại lâu dài nơi thế gian giúp Phật tuyên dương giáo hóa trong mười phương thế giới, thuyền từ phổ độ, vãng sinh Tịnh độ tây phương cực lạc. Do tâm từ bi của Tôn giả là tối thắng, nên gọi là Bồ Tát Đại bi.
Tác giả Đại bi Sám pháp là sư Tri Lễ (960-1020). Ngài họ Kim, tên chữ Ước Ngôn, người vùng Tứ Minh (nay là Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), sống vào thời Bắc Tống. Căn cứ quyển tám, sách Phật tổ Thống kỷ hay quyển bốn mươi mốt, sách Tân tục Cao tăng truyện, thì năm lên bảy tuổi, mẹ qua đời, ông vào ở chùa Thái Bình Hưng Quốc xin xuất gia, mười lăm tuổi thọ cụ túc giới, chuyên tu theo luật. Năm hai mươi tuổi đến chùa Bảo Vân đảnh lễ hòa thượng Nghĩa Thông để tu tập yếu chỉ Viên đốn quán của tông Thiên Thai, sau học hiểu sâu giáo pháp, thường thay thầy giảng pháp. Sau khi Ngài Nghĩa Thông thị tịch, ngài trú trì chùa Càn Phù, không lâu sau chuyển đến viện Bảo Ân.
Năm Hàm Bình thứ sáu (1003), vị tăng Nhật Bản là Tịch Chiếu dẫn thầy mình là sư Nguyên Tín đến Trung Quốc hỏi hai mươi bảy điều nghi vấn về giáo nghĩa của tông Thiên Thai, sư Tri Lễ soạn Vấn mục Nhị thập thất điều Đáp thích. Ngộ Ân ở Tiền Đường có viết Kim Quang minh huyền nghĩa phát huy ký, cho rằng những gì Trí Giả viết trong Quảng bản Kim Quang minh huyền nghĩa là ngụy tác, nên chủ trương là chân tâm quán, tức lấy cảnh sở quán là chân tâm, tức chân như; Tri Lễ soạn Phù Tông thích nan để phản bác, cho rằng Quảng bản là chân tác, chủ trương vọng tâm quán, tức lấy cảnh sở quán là vọng tâm, tức sáu thức. Năm Đại Trung Tường Phù thứ hai (1009), ông cho trùng tu viện Bảo Ân, triều đình ban biển ngạch Diên Khánh tự. Năm thứ sáu (1013) lập hội Niệm Phật Thí giới, tự mình viết văn sớ hướng dẫn. Năm Thiên Hy thứ tư (1020), Lý Tuân Húc tấu lên triều đình đức hạnh cao vời của ông, Tống Chân Tông ban hiệu Pháp Trí Đại sư. Về sau ông được tôn làm Tổ sư thứ mười bảy của tông Thiên Thai, sử gọi là Tứ Minh Tôn giả, Tứ Minh Đại pháp sư. Ông còn có những trứ tác khác như Kim Quang minh Kinh văn thập di ký, Quan Âm Biệt hạnh Huyền nghĩa ký, Quán Vô lượng thọ kinh sớ Diệu tông sao.
Toàn bộ quá trình thực hành nghi thức sám pháp Đại bi và các loại sám pháp tương tự khác thì tương đối đơn giản, cơ bản có thể được phân ra như sau:
(1) Cúng dường Tam bảo thánh chúng, theo lệ, trước tiên cử lư hương tán. Sau đó là Nam mô Đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát ba lần. Cần niệm tất cả Tam bảo, pháp giới chúng sinh và thân tâm của tôi không hai không khác. Chư Phật đã giác ngộ, chúng sinh còn mê lầm, tôi vì chúng sinh, phá bỏ mê lầm, lễ thờ Tam bảo. Đại chúng quỳ xuống, cầm hương hoa ngay ngắn, như pháp cúng dường:
Nguyện đóa mây hương hoa này;
Bay khắp pháp giới mười phương.
Đến từng quốc độ chư Phật;
Vô lượng hương trang nghiêm;
Trọn vẹn đạo Bồ đề, thành tựu hương Như Lai.
Cúng dường xong, tất cả đều cung kính:
Kính lễ đức Như Lai đời quá khứ hiệu Chính Pháp Minh Vương, nay chính là Bồ Tát Quan Thế Âm, đã thành tựu công đức vi diệu, đủ đại từ bi, trong một thân tâm hiện nghìn tay mắt, soi thấy pháp giới, hộ trì chúng sinh, giúp họ phát đạo tâm rộng lớn, dạy chúng sinh thụ trì thần chú viên mãn, vĩnh viễn rời xa nẻo ác, được sinh về nước Phật. Những tội nặng oan khiên phải đọa vào ngục vô gián, bệnh khổ trói thân, không thể cứu giúp, đều nguyện khiến tiêu trừ; Cứu giúp cho người đang sống, thành tựu biện tài tam muội. Giúp chúng sinh chóng đạt Tam thừa để sớm lên đất Phật. Uy lực thần thông của ngài (Quán Thế Âm), tán thán khôn cùng.
Tiếp theo, một lòng kính lễ đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đức Phật A Di Đà ở cõi cực lạc tây phương và tất cả chư Phật mười phương, chương cú thần diệu Quảng đại Vô ngại Đại từ Tâm Đại Đà-la-ni, mọi Đà-la-ni mà đức Quan Âm đã tuyên thuyết và tất cả Tôn pháp trong thế giới mười phương, Thiên thủ Thiên nhãn Đại từ Đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát Ma-ha-tát và tất cả Bồ Tát Ma-ha-tát thập phương Tam thế, Thiên long Bát bộ, các lộ thần kỳ và quyến thuộc.
Phát nguyện, thành tâm tụng niệm:
Kinh rằng: Nếu có tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di, đồng nam, đồng nữ muốn trì tụng, hãy khởi tâm từ bi đối với mọi chúng sinh, trước hết cần phải theo tôi, phát nguyện như thế này: Nam mô Đại bi Quan Thế Âm, nguyện con chóng biết tất cả pháp; nguyện con sớm có đôi mắt trí tuệ; nguyện con chóng độ hết mọi chúng sinh; nguyện con sớm được phương tiện thiện lành; nguyện con chóng ngồi trên thuyền Bát Nhã; nguyện con sớm vượt qua biển khổ; nguyện con chóng đạt đạo Giới, Định; nguyện con sớm lên đỉnh Niết bàn; nguyện con chóng biết rõ ngôi nhà an lạc86; nguyện con sớm hòa cùng thân pháp tính.
86. Ngôi nhà an lạc: Tạm dịch cụm từ “vô vi xá” 無為舍 trong nguyên văn.
Lại niệm:
Nếu con theo với dao kiếm, dao kiếm sẽ hư gãy; nếu con theo với nước sôi, nước sôi sẽ khô kiệt; nếu con theo với địa ngục, địa ngục sẽ tiêu biến; nếu con theo với ngạ quỷ, ngạ quỷ sẽ no đầy; nếu con theo với tu la, tâm ác tự khắc chế, nếu con theo với súc sinh, thì tự thành đại trí tuệ.
(3) Tụng chú, trì tụng chú Đại quảng Viên mãn Đại bi tâm Đại Đà-la-ni thần hai mươi mốt lần hoặc mười bốn lần, ít nhất phải quỳ tụng, trong đó ba lần đứng tụng, bốn lần tụng khi đi kinh hành quanh đàn tràng. Xong đâu đấy, trở về vị trí.
Bồ Tát Quan Thế Âm nói chú ấy xong, mặt đất chấn động, trời mưa hoa quý lả tả rơi xuống, chư Phật mười phương đều hoan hỷ; thiên ma ngoại đạo sợ dựng tóc gáy, tất cả toàn hội đều được chứng quả. Hoặc đắc quả Tu-đà-hoàn, hoặc đắc quả Tư-đà-hàm, hoặc đắc quả A-na-hàm, hoặc đắc quả A-la-hán, hoặc đắc nhất địa, nhị địa, tam tứ ngũ địa, và đến cả thập địa, vô lượng chúng sinh đều phát tâm Bồ đề.
(4) Sám hối, Đại chúng quỳ, “Khắp vì bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sinh, ắt đều nguyện dứt trừ ba chướng nghiệp, kính xin sám hối”. Tụng Sám hối văn:
Thành tâm sám hối, đệ tử chúng tỳ khưu, cùng tất cả chúng sinh pháp giới, đang hiện trước mặt, nhất tâm đảnh lễ, vốn đủ nghìn pháp, đều có thần lực, cùng với trí minh, trên sánh Phật tâm, dưới ngang ý thức, vô minh si ám, che lấp sáng trong, tiếp vật mê lầm, thiện tâm trói buộc, pháp Phật bình đẳng, khởi tự tâm mình, ái kiến là gốc, thân khẩu là duyên, có một số người, tội gì cũng tạo, mười ác năm tội, nhạo pháp chê người, phạm giới phá trai, hủy chùa phá tháp, trộm của tăng ni, làm ô phạm hạnh, xâm hại thường trú, ăn bớt của cải, nghìn Phật xuất thế, không chịu sám hối, hãy sám hối như tội đã làm, vô lượng vô biên, vứt bỏ thân này, đọa vào ba nẻo, luôn chịu vạn khổ, lại ở hiện thế, phiền não âu lo, hoặc bệnh tật buộc ràng, khiến duyên may bức bách, làm trở ngại đạo pháp, không thể theo tu tập. Nay có được thần chú Đại bi Viên mãn, chóng được tiêu trừ mọi tội lỗi kể trên. Cho nên hôm nay thành tâm trì tụng, hướng về Bồ Tát Quan Thế Âm và đại sư mười phương, phát tâm Bồ đề, tu đúng ngôn hành, cùng mọi chúng sinh, tỏ bày tội lỗi, cầu xin sám hối, rốt cuộc tiêu trừ. Chỉ nguyện Đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát Ma-ha-tát, nghìn tay hộ trì, nghìn mắt soi thấy, khiến cho chúng con, chướng ngại trong ngoài thảy đều tiêu diệt. Từ lúc hành nguyện viên thành, khai ngộ Phật tính, khắc chế thiên ma, ba nghiệp tinh tấn, tu nhân Tịnh độ, đến cả thân này, không theo đường khác, quyết chí sống còn. A Di Đà Phật, thế giới cực lạc, đích thân cúng dường, Quan Âm Đại bi, Tổng trì chư pháp, độ hết chư phẩm, ra khỏi luân hồi cùng đến bờ giác.
(5) Quy y hồi hướng, sau khi sám hối, kính cẩn bái lạy tất cả chư Phật Tam thế mười phương, chư Bồ Tát, Đại bi tâm Đà-la- ni Thần chú, hiền thánh tăng Tam bảo. Tiếp theo, xướng tán:
Quan Âm Đại sĩ, hiệu là Viên Thông, mười hai đại nguyện thật rộng sâu, cứu độ chúng sinh trong biển khổ, nơi bến mê; nghe tiếng kêu là Ngài đến cứu nạn, không nơi nào, không lúc nào là không hiện thân.
Nguyện đem công đức này đến cùng khắp tất cả, lễ sám giữ trường sinh, trừ tai ương thêm phúc thọ.
Quốc sư Ngộ Đạt rửa oan bằng nước từ bi