Dược sư tam muội hành pháp gọi tắt là Dược Sư sám, một tên khác nữa là Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Sám pháp, tức xem Dược Sư Như Lai làm bổn tôn, căn cứ vào kinh Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai Bổn nguyện công đức để soạn ra văn sám. Thường nếu chúng ta thành tâm lễ bái, sám hối tội lỗi, tức có thể thành tựu từ bi, trí tuệ trong Phật pháp, thực hành càng lâu dài, công đức càng to lớn.
Kinh Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai Bổn nguyện Công đức gọi tắt là kinh Dược Sư do Huyền Trang đời Đường dịch. Còn một bản dịch khác của Nghĩa Tịnh, có tên Dược Sư Lưu ly Quang Thất Phật Bổn nguyện Công đức hoặc gọi kinh Thất Phật Dược Sư, tường thuật rõ ràng bổn nguyện công đức của bảy vị Dược Sư Như Lai và chú Đà-la-ni. Nhưng thông thường bản dịch của Đường Huyền Trang lưu hành phổ biến hơn, có đủ tính chất của Mật giáo, nói rõ những lợi ích của hiện thế và tư tưởng vãng sinh Tịnh độ.
Kinh Dược Sư là pháp môn tốt nhất giải cứu khi chúng sinh bị nghiệp chướng ràng buộc trong thời kỳ tượng pháp. Kinh văn nói, ngoài hàng chục hằng hà sa số thế giới tại Đông phương, có một thế giới lưu ly thanh tịnh. Lấy lưu ly làm đất, thành các lâu đài đều dùng bảy báu xây dựng nên. Ở đấy không có người ác, việc ác, thanh tịnh trang nghiêm, yên vui tự tại, và thế giới cực lạc tây phương không phân cao thấp, trên dưới. Trong thế giới ấy có một vị Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cũng gọi là Đại Y Vương Phật, Y Vương Thiện Thệ. Trong thời gian Ngài thực hành đạo Bồ Tát từng đưa ra mười hai đại nguyện đều là vì “có thể đáp ứng đầy đủ những gì chúng sinh mong cầu”. Mười hai đại nguyện ấy là: 1) Nguyện kiếp sau, khi ta đắc đạo Bồ đề, tự thân ánh sáng bừng khởi chiếu tỏa khắp vô lượng thế giới, dùng ba mươi hai tướng, tám loại hảo trang nghiêm khiến cho tất cả giống hữu tình đều giống như ta không sai khác chút nào; 2) Nguyện thân như lưu ly, trong ngoài đều trong bóng không dơ, ánh sáng vượt lướt hơn cả nhật nguyệt, khiến cho mọi chúng sinh nơi tối tăm đều được nhuần đượm; 3) Nguyện đem phương tiện trí tuệ làm cho mọi chúng sinh được sử dụng đến vô tận; 4) Nguyện làm cho những kẻ thực hành tà đạo được an trú trong đạo Bồ đề, những người tu hành theo đạo Nhị thừa cũng được tu hành theo đạo Đại thừa; 5) Nguyện trong pháp của ta, những người tu hành Phạm hạnh thì tất cả giới luật không được thiếu sót hay giảm bớt; 6) Nguyện những người căn cơ không đủ, bệnh phong, bệnh điên cuồng hay những bệnh khổ khác, nếu nghe tên của ta thì căn cơ đều đủ, không người nào còn khổ nữa; 7) Nguyện những người bệnh nặng bức thiết, không người giúp đỡ, nương tựa, nếu nghe tên của ta thì các bệnh tiêu trừ; 8) Nguyện nếu có người nữ nào muốn từ bỏ hình dáng nữ của mình, nếu nghe tên của ta, ắt thành tướng dáng đàn ông. 9) Nguyện tất cả chúng sinh đều thoát khỏi lưới bẫy của ma quỷ, đến với chính kiến sẽ mau chóng chứng đạo Vô thượng Bồ đề; 10) Nguyện vì bị trói buộc bởi pháp lệnh của triều đình mà thân tâm chịu nhiều tai nạn bức bách, nếu nghe tên của ta, lấy phúc danh của ta thì đều được giải thoát mọi lo buồn; 11) Nguyện những người vì đói khát làm khổ não mà tạo những nghiệp ác, nếu nghe tên của ta, trước tiên ta sẽ lấy thức ăn đầy hương vị diệu sắc cho thân xác ăn uống no đủ, sau đó dùng pháp vị, cuối cùng có được an lạc; 12) Nguyện những người nghèo không có áo quần để mặc, nếu nghe tên của ta, ta sẽ cho áo quần tùy nghi sử dụng và những dụng cụ trang nghiêm khác cũng sẽ được đầy đủ.
Do đó, tu trì pháp môn Dược Sư có được mười loại lợi ích: 1) Thăng quan tiến lộc, phúc thọ lâu dài; 2) Quyến thuộc như ý, tiền của giàu có; 3) Sản phụ bình yên, con cái thông minh, khỏe mạnh; 4) Tai qua nạn khỏi, mọi việc tốt lành; 5) Lúc chết yên thuận, vãng sinh như nguyện; 6) Chuyển nữ thành nam, đắc đạo có nhiều người giúp; 7) Nếu ở nẻo ác, khi nghe danh Phật, liền sinh vào nẻo người, tâm Bồ đề không thối chuyển; 8) Người đi vào tà đạo sẽ được trở về chính đạo; người tu Tiểu thừa khiến được vào tu Đại thừa; 9) Phạm phải trai giới cũng được thanh tịnh; 10) Không gặp chướng ngại, sớm thành Phật đạo.
Kinh văn chỉ rõ cho chúng ta rằng, tuy Phật Dược Sư là giáo chủ của thế giới Tịnh Lưu Ly Đông phương nhưng đã từng phát mười hai đại nguyện đáp ứng đầy đủ mọi nguyện vọng của tất cả chúng sinh, giải trừ tất cả đau khổ của chúng sinh. Pháp môn Dược Sư không phế bỏ pháp thế gian mà là pháp môn cầu xuất thế gian, cần dựa vào hoằng nguyện bi trí của Dược Sư Như Lai, lấy tinh thần xuất thế giúp cho sự nghiệp thế gian. Đồng thời, pháp môn Dược Sư cũng giúp đỡ chúng sinh cầu sinh về thế giới tây phương cực lạc theo sở nguyện vãng sinh. Trong kinh văn Dược Sư Quán đỉnh Chân ngôn có công đức thần lực về trừ khử bệnh tật, tiêu trừ tội lỗi, dứt bỏ tai ương.
Phương pháp tu trì pháp môn Dược Sư: Nếu chia thành chủng loại, pháp môn này có thể chia làm sáu loại: 1) Cúng dường: Kính cẩn chuẩn bị hương hoa đèn đuốc dâng đặt lên bàn thờ Phật. Trang trí nhiều cờ phướn, lập đội âm nhạc, thiết đặt đạo tràng trang nghiêm; 2) Lễ bái: Nghi dung nghiêm túc, ba nghiệp thanh tịnh, dập đầu quỳ lạy, cúi đầu quy y; 3) Tán thán: Ngâm thơ đọc kệ, hát bài đạo ca (Phạm bái), ca ngợi công đức của Phật, tuyên dương công đức của kinh; 4) Tụng kinh trì chú: Đọc tụng kinh văn, trì tụng chú ngữ, hoặc theo khóa đã quy định, hoặc gồm cả tụng và tu; 5) Xưng danh niệm Phật: Xưng niệm thánh hiệu Dược Sư, mỗi tiếng miệng đọc tâm niệm, nhớ Phật niệm Phật, chuyên cần không nghỉ; 6) Phát nguyện hồi hướng: Thường phát bốn thề nguyện lớn, hồi hướng pháp giới hữu tình.
Ngoài sáu loại tu pháp kể trên còn có một loại sám pháp Dược Sư từ bi, tức là dựa vào kinh Dược Sư mà biên soạn ra, ban đầu tên là Dược Sư Trai sám. Dược Sư sám tức lấy Dược Sư Như Lai làm bổn tôn mà thực hành pháp sám hối tội lỗi. Tăng nhân đời Minh là Thụ Đăng soạn thành sách Dược Sư tam muội hành pháp, tức là dựa vào phép sám hối tội lỗi này mà làm ra. Ngày nay, đây vẫn còn là một sám pháp rất được tôn sùng.
Dược Sư tam muội hành pháp, ý chính là dựa vào thề nguyện của Dược Sư Như Lai mà hành pháp thoát khổ để được an lạc. Nội dung chủ yếu gồm có:
(1) Định danh, nói rõ duyên do của việc xưng danh sám pháp Dược Sư tam muội.
(2) Khuyến tu, tức là khuyên răn mọi người tu tập sám pháp tam muội này nhằm cầu tăng tuổi thọ, giàu có, chức vị, quan lộc, cầu nam nữ… tất cả đều toại nguyện, tốt đẹp.
(3) Phương pháp, nói rõ phương pháp cúng dường Dược Sư Như Lai.
(4) Giải thích nghi nan, do lúc bấy giờ tư tưởng vãng sinh thế giới Tây phương Di Đà Cực lạc rất thịnh hành, cho nên cần có sự giải thích mối nghi nan của mọi người, để khẳng định kinh “Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức” là yếu pháp dẫn đến tiêu tai diệt nạn, cũng là bí điển của việc minh tâm thành Phật. Người đời sau, phàm thực hành pháp sự trừ tai ương cầu trường thọ phần nhiều đều lễ bái sám pháp này, tức là Dược Sư sám.
Trình tự của sám pháp Dược Sư đại thể có thể chia thành mười bước:
1. Đàn tràng nghiêm trang sạch sẽ: Chọn một phòng lớn yên tĩnh làm đàn tràng, chính giữa phòng tôn trí tượng Dược Sư Như Lai, bên trái treo ảnh của Bồ Tát Nhật Quang, bên phải treo ảnh của Bồ Tát Nguyệt Quang, chung quanh bố trí lọng quý và cờ phướn ngũ sắc.
2. Ba nghiệp thanh tịnh: Hành giả phải mặc áo quần mới, hay áo quần tinh sạch, chỉnh tề nhất, và tắm rửa, trai giới, ăn uống chay tịnh, tâm luôn cung kính, lòng dạ luôn giữ chính niệm. Được như vậy mới bước vào đàn tràng.
3 Cúng dường hương hoa: Sau khi vào đàn tràng, hành giả nhất tâm nghĩ đến bổn nguyện công đức của Phật Dược Sư. Sau đó, nhất tâm đảnh lễ mười phương pháp giới thường trú Phật, thường trú Pháp, thường trú Tăng. Đại chúng quỳ xuống, cầm hương hoa ngay ngắn, như pháp cúng dường, cùng nhau xướng niệm:
Nguyện cùng hương hoa này, khắp đủ giới mười phương, cúng dường tất cả Phật, tôn pháp chư Bồ Tát, Duyên giác, Thanh văn chúng, và tất cả thiên tiên. Để thắp đài ánh sáng, chiếu vượt vô biên giới, vô biên trong Phật quốc, được dùng làm Phật sự, chiếu rọi khắp chúng sinh, đều phát tâm Bồ đề. Dung nhan thật kỳ diệu, ánh sáng chiếu mười phương, con đã từng cúng dường, nay con lại đến hầu. Vua của trời thánh chúa, lời diệu âm chim thần, thương chúng sinh cầu khẩn, nay chúng con kính lạy.
4. Cung nghinh Tam bảo, chư thiên: Nhất tâm kính thỉnh Phật Tỳ Lô Giá Na, Thích Ca Văn Phật, Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, Phật Vô lượng thọ, tất cả chư Phật quá khứ vị lai mười phương pháp giới, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn nguyện Công đức kinh, Bồ Tát Nhật Quang Biến chiếu, Bồ Tát Nguyệt Quang biến chiếu, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Ba vạn Sáu nghìn Bồ Tát Âm nhạc Thụ hạ, và Tôn giả A Nan, Tám vạn tỳ khưu chư đại Thánh Tăng, cùng với thánh chúng Thiên Long Bát bộ, giáng lâm đàn tràng.
5. Thành tâm ca ngợi: Ca ngợi công đức thù thắng của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
6. Nhất tâm kính lễ: Tức đảnh lễ kính lạy chư Phật, Bồ Tát, Thánh tăng Tam bảo và Hộ pháp chư thiên đã cung nghinh kính thỉnh về trước mặt.
7. Phát nguyện trì chú: Tụng niệm phần mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư trong kinh Dược Sư, sau đó trì tụng Dược Sư Quán đỉnh Chân ngôn một trăm lẻ tám lần.
8. Thành tâm sám hối: Tụng niệm Sám hối văn, chỉ nguyện mọi nghiệp chướng được tiêu trừ và nguyện được thanh tịnh:
Đệ tử là… vì bốn ân ba cõi, và tất cả pháp giới, tất cả chúng sinh, đều nguyện đoạn trừ ba nghiệp chướng, cúi xin sám hối. Con và chúng sinh, từ vô thủy đến nay do tham ái chấp trước sự lý, bên trong do chính người con, bên ngoài do nhân bạn xấu mà không biết tùy hỷ làm một mảy may điều thiện, khắp cả ba nghiệp đều gây nhiều tội lỗi, việc tuy không lớn, nhưng ác tâm gieo khắp, liên tiếp đêm ngày, không lúc nào ngưng, che giấu tội lỗi, không muốn ai biết, không sợ ác đạo, không biết xấu hổ, phủ nhận nhân quả, các tội chướng ấy không được sám hối, nhưng con ngày nay trước mười phương Phật, Dược Sư Như Lai, hiểu thấu nhân quả, vô cùng xấu hổ, sinh tâm sợ hãi, tỏ lòng sám hối, dứt trừ tâm trước, phát Bồ đề tâm, bỏ ác tu thiện, sa di ba nghiệp (cần sách tam nghiệp), lấp tội nặng xưa, thánh phàm tùy hỷ, mảy may việc thiện niệm cùng Dược Sư, có nguyện lực lớn cứu giúp được con, ra khỏi luân hồi, đến bờ tam đức. Chỉ nguyện từ bi, xót thương tiếp nhận.
9. Đi quanh hành đạo, đại chúng đều phải uy nghi, bên phải đi quanh hướng Phật đài, đi theo hàng một, đồng thanh niệm xướng chư Phật, Bồ Tát, Pháp bảo và Thánh tăng.
10. Tư duy vô lượng nghĩa xứ tam muội, tức chỉ việc quán tưởng thân tướng quang minh của Dược Sư Như Lai, tu tập tam muội được nhiều lợi ích to lớn.
Căn cứ ý nghĩa của kinh văn như đã biết và rất nhiều ví dụ đã được chứng minh, chúng ta có thể tin chắc rằng lợi ích công đức của kinh Dược Sư là vô cùng thù thắng và thực tế, không chỉ có thể trừ tai dứt tội mà còn có thể vun trồng phúc đức, trí tuệ và siêu độ vong linh, đúng là một thứ diệu dụng vượt trội, không gì có thể so sánh được. Chúng ta có may mắn được tiếp xúc pháp môn Dược Sư là do nhân duyên không thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta không biết nắm giữ, chẳng đáng tiếc lắm sao, có hối cũng không kịp! Cần phải biết sinh tử là một việc lớn, vô thường tiến tới, nghe thấy hiểu biết, hãy nhanh chóng tu hành.
Phật Quan Âm hiển hóa độ người