Địa Tạng sám pháp gọi tắt là Địa Tạng Sám. Sách này căn cứ vào Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện kinh, Đại thừa Đại tập Địa Tạng Thập luân kinh, Chiêm sát Thiện ác Nghiệp báo kinh mà biên soạn ra, không rõ tác giả là ai, nhưng loại sách này thuộc về sám pháp hiện còn sử dụng trong Phật giáo. Về mặt lịch sử, các vị tổ sư, đại đức gọi sách này là Hiếu kinh, vì phàm là cử hành lễ báo đáp ơn song thân, hoặc pháp sự cầu phúc cho vong linh cha mẹ ở cõi âm, phần lớn đều thực hành bài lễ bái sám pháp này.
Nội dung chủ yếu của Địa Tạng Sám là thành tâm đảnh lễ quỳ lạy để kể lại các nghiệp ác mà mình đã tạo trong quá khứ trước sự chứng minh của chư Phật, Bồ Tát, đặc biệt là đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Địa Tạng để tự hứa từ bỏ các việc làm ác đó. Bồ Tát Địa Tạng có lực nguyện đại bi trong quá khứ, thị hiện nhiều thân khác nhau, như thân Đại Phạm vương, thân Đế Thích, thân Diêm La vương, thân sư tử, cọp, sói, trâu, ngựa, hoặc đến cả thân La sát, thân Địa ngục, vô lượng vô số các loại thân khác nữa, nhằm giáo hóa chúng sinh và đặc biệt nhất là thương xót chúng sinh chịu khổ trong thế giới ngũ trọc (gồm kiếp trọc, kiến trọc, phiền não trọc, chúng sinh trọc và mệnh trọc, gọi là ngũ trọc ác thế), đáp ứng lời cầu xin của chúng sinh mà tiêu diệt khổ đau, làm gia tăng phúc báo, nhằm làm chín muồi thiện căn của chúng sinh và hướng về Phật đạo.
Về Bồ Tát Địa Tạng, theo Địa Tạng Thập luân kinh thì vị Bồ Tát này “an tâm, nhẫn nại như mặt đất, tĩnh lặng, sâu kín như cái kho dưới đất” nên có tên là Địa tạng. Bồ Tát được Thích Ca Mâu Ni dặn dò, khi Thế Tôn nhập diệt, khi Di Lặc chưa sinh, tự ta phát nguyện độ hết chúng sinh trong sáu nẻo, cứu vớt hết những người chịu khổ mới nguyện thành Phật. Phật giáo Trung Quốc tôn Ngài là một trong bốn vị Đại Bồ Tát. Tương truyền Bồ Tát hiển linh thuyết pháp tại đạo tràng ở núi Cửu Hoa, tỉnh An Huy. Hoặc như trong sách Tống Cao tăng truyện của Tán Ninh, đời Tống, có ghi, Bồ Tát Địa Tạng giáng sinh tộc Quốc vương Tân La, họ Kim, tên Kiều Giác. Sau khi xuất gia, Kiều Giác đến vùng Hoa Hạ vào thời Huyền Trang, lên núi Cửu Hoa tu hành, ở đó mấy mươi năm, sau nhập diệt, nhục thân không bị hư hoại, người ta đưa kim thân nhập tháp cúng dường. Hiện điện Nhục thân trên núi Cửu Hoa, truyền thuyết nói là nơi thành đạo của Bồ Tát Địa Tạng, có khá nhiều di tích linh thiêng.
Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện kinh do Thực Xoa Nan Đà đời Đường dịch, toàn kinh chia làm mười ba phẩm, chủ yếu kể lại chuyện Thích Ca lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân, và tán dương đại hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng cứu nạn cứu khổ cho chúng sinh ở cõi âm và cõi dương. Nếu thành tâm phụng hành pháp môn Địa Tạng, người thế gian sẽ báo được ân cha mẹ và cầu được vãng sinh tây phương cực lạc; còn trong sinh hoạt tại thế gian cũng có thể gặp xấu thành tốt, tiêu trừ tai ương tội lỗi, trở về với Phật đạo. Ngoài ra, trong kinh còn nói đủ mọi loại tướng trạng ở địa ngục và truy tiến công đức cầu phúc cho người quá cố, lại còn có việc thờ cúng Bồ Tát Địa Tạng do đạo hiếu mà phát tâm tu hành nhân duyên bổn tích nữa.
Tóm lại, bản kinh là một bộ sách quý, nói rõ con người phải làm người như thế nào, sinh hoạt ngoài đời, trong nhà, thậm chí kể cả việc sinh ra, chết đi, bệnh tật hay hoạt động trong đời sống ngày thường phải hành xử ra sao. Nếu theo lời giáo huấn trong kinh mà phụng hành thì có thể bỏ ác làm thiện, tiêu trừ tai nạn, đạt được lợi ích to lớn, cho nên nói kinh này là bộ sách giáo khoa về vấn đề làm người, xử thế là điều không phải là quá đáng.
Kinh Đại thừa Đại tập Địa Tạng thập luân nói gọn là kinh Địa Tạng Thập luân do Huyền Trang đời Đường dịch. Toàn kinh có mười tám phẩm, một bản dịch khác có tên là Đại phương quảng Thập luân kinh. Nội dung chủ yếu là ca ngợi công đức của Bồ Tát Địa Tạng và tường thuật việc Như Lai nhân lời thưa hỏi của Bồ Tát Địa Tạng mà nói bổn nguyện lực của mười loại Phật luân có thể phá trừ được mười loại ác luân trong đời mạt pháp, đem lại lợi ích vô tận cho chúng sinh.
Chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh, còn có tên là Đại thừa thực nghĩa kinh, Địa Tạng Bồ Tát nghiệp báo kinh, Địa Tạng Bồ Tát kinh, Tiệm sát kinh do Bồ Đề Đăng, đời Tùy, dịch, chia làm hai quyển thượng, hạ. Nội dung chủ yếu của kinh văn là Bồ Tát Địa Tạng tuân theo lệnh của đức Phật mà nói pháp vì chúng sinh trong đời mạt pháp, yêu cầu nghe pháp thiện lành. Quyển thượng nói rõ việc các pháp về nghiệp báo thiện ác, quyển hạ trình bày xiển dương thực nghĩa của Đại thừa. Tức là dùng những thanh gỗ tròn để xem xét nghiệp báo thiện ác của người ta đời trước và các việc tốt xấu thiện ác của đời hiện tại. Cách làm là khắc mười điều thiện, mười điều ác trên những thanh gỗ tròn nhỏ khác nhau và viết rõ tên thân, khẩu, ý lên đó, rồi vẽ những nét dài ngắn, sâu cạn, to nhỏ, đánh số từ một đến mười tám, xong cầm những thanh gỗ gieo xuống một vật sạch rồi theo các chữ hiện ra mà bói là tốt hay xấu, lành hay dữ. Quyển hạ nói về quán pháp thực nghĩa của Đại thừa, nghĩa là người ta nếu muốn đi theo Đại thừa thì trước hết phải biết cảnh giới nhất thực căn bản để tu hành, phương pháp học tập gồm hai loại: Duy tâm thức quán và Chân như thực quán. Người tin và hiểu (tín giải) theo đó mà tiến tới, thì phải tu pháp vãng sinh Tịnh độ.
Sám pháp Địa Tạng là dựa vào kinh điển nói trên mà biên soạn ra. Toàn bộ nghi thức trang nghiêm, trịnh trọng, mọi người uy nghi, chỉnh túc, đồng thời vận dụng phối hợp với âm nhạc làm tăng thêm không khí long trọng của lễ sám, đem lại xúc cảm sâu sắc cho mọi người. Trình tự của sám pháp Địa Tạng đại thể như sau:
(1) Sau phần Lư hương tán là xưng danh hiệu Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma-ha-tát và Nam mô Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát ba lần. Tiếp theo, mọi người quỳ xuống, nghiêm trì hương hoa như pháp cúng dường, và tụng niệm kệ:
Dập đầu kính lễ Từ bi Đại giáo vương;
Địa nghĩa là cứng cỏi, sâu dày và chứa đựng rộng lớn.
Thế giới phương Nam mây lành hiện;
Mây hoa mưa hương và mưa hoa.
Mây quý mưa báu vô số loại;
Vì tốt vì lành khắp trang nghiêm.
Người trời hỏi Phật vì cớ gì?
Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng đến.
Như Lai ba cõi cùng khen ngợi;
Bồ Tát mười phương cùng quy y.
Chiêm bái thấy nghe trong chốc lát;
Người trời ích lợi lại vô cùng.
Tăng thêm tuổi thọ tội chướng trừ;
Tất cả việc ác đều tiêu sạch.
Thuở trước con đây gieo nhân thiện;
Tán dương chân công đức Địa Tạng Vương.
(2) Đại chúng nhất tâm đảnh lễ, thế giới tây phương cực lạc Phật A Di Đà, tất cả chư Phật Tam thế, Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện tôn kinh, Đại thừa Đại tập Địa Tạng Thập luân kinh, và tất cả tôn pháp Tam thế mười phương, và Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cùng chư Bồ Tát Ma-ha-tát, và Phu nhân Ma Da, Đại Biện trưởng giả và quý vị hiền thánh tăng nhân gian đắc đạo…
Thế rồi đại chúng cùng nhau hướng về Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát, phát nguyện: Con nguyện xa rời mãi mãi ba nẻo ác, đoạn dứt tham sân si, thường nghe Phật, Pháp, Tăng, chuyên cần tu tập Giới, Định, Tuệ, luôn luôn theo học chư Phật, không thối chuyển tâm Bồ đề, quyết chí sống an dưỡng, xoa đầu thọ thánh ký, phân thân khắp thế giới vi trần, độ hết tất cả chúng sinh.
Sau đó, tụng đọc đoạn kinh dưới đây:
Nếu có thiện nam, tín nữ nào muốn phát nguyện tâm đại từ bi rộng lớn cứu độ tất cả chúng sinh, muốn tu Vô thượng Bồ đề, ra khỏi ba cõi, muốn cầu hiện tại, vị lai được thành tựu ý nguyện, thì quý vị ấy trong khoảng thời gian hai mươi mốt ngày, đem hương hoa, y phục, của quý, đồ ăn, thức uống cúng dường, chiêm bái hình tượng Địa Tạng, niệm danh hiệu của Ngài đủ vạn lần, đương được Bồ Tát hiện ra vô số thân xoa đầu thọ ký, hoặc trong giấc mộng hiện ra đại thần lực bảo vệ hộ trì cho được yên ổn, là người hiện thế phong phú, giàu có, không bệnh không khổ, cầu gì được nấy, mọi ước nguyện đều được thành tựu.
Đồng thời tụng kệ:
Thập vương Địa Tạng khởi xót thương;
Hủy án xóa tên, nhận thiện duyên.
Đệ tử phải nương lời Phật dạy;
Nguyện cùng pháp lực ngưỡng tòa sen.
Sau đó, tâm khẩu tương ưng, niệm Nam mô U minh Giáo chủ Bổn nguyện Từ tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát một nghìn lần. Rồi tiếp tục tụng đọc đoạn kinh văn dưới đây:
Bồ Tát Địa Tạng bạch Phật rằng: Thế Tôn! Tất cả chúng sinh trong hiện tại, trong tương lai, nếu có trời, người, nếu có thiện nam, có tín nữ, thường niệm danh hiệu một vị Phật hay danh hiệu một vị Bồ Tát thì công đức đã vô lượng rồi, huống hồ nhiều danh hiệu Phật, nhiều danh hiệu Bồ Tát? Đúng là những chúng sinh ấy, lúc sống, lúc chết luôn được có lợi lớn, được có vô lượng phúc, tiêu trừ được vô lượng tội.
(3) Tụng niệm văn sám hối:
Thành tâm sám hối, đệ tử tỳ khưu tên là… cùng tất cả pháp giới chúng sinh, từ vô thủy đến nay, vô minh che lấp, điên đảo mê mờ, không làm thiện pháp, báng bổ Tam bảo, không kính kinh quý, phá hoại chùa tháp, nhục mạ tăng ni, hoặc trong chùa viện tự tung giết hại, giả làm sa môn, phá hại nơi thường trú, lừa bịp người tại gia, vi phạm giới luật, trộm cắp thức ăn uống, tài sản của tăng chúng, căn tính không ổn định theo cảnh mà chuyển sinh, tạo nên mười thứ ác, năm nghiệp cảm vô gián địa ngục, trôi lăn trong sinh tử, chịu khổ trong sáu nẻo, nghìn vạn triệu kiếp mãi mãi không hạn kỳ. Nay có được kinh quý Địa Tạng Bổn nguyện công đức, là thiện phương tiện thuyết pháp, đem lợi ích cho chúng hữu tình và cũng là nhân duyên, nay mới được giác ngộ, tâm sinh vô cùng xấu hổ, xưng danh tụng niệm, như pháp tu hành, kính lễ cúng dường, hướng về Địa Tạng vương Bồ Tát, và Thế Tôn mười phương, nguyện đồng tình tuân theo chứng tri hộ niệm, cùng chư chúng sinh cầu xin thương xót được sám hối, những việc đã làm trong vô thủy tự mình gieo cho người khác, thì tất cả tội nặng rốt cuộc được tiêu trừ, đoạn dứt tâm trước đây, thề không tái phạm, chỉ cúi mong Đại nguyện Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát dùng Đại từ bi, phóng Đại thần quang chiếu rọi thân tâm của con, dùng đại thần lực hiện có bảo hộ thân con, nay chúng con trong kiếp sống hiện tại, giữ gìn diệu tâm vốn có, mở rộng tri kiến Phật pháp, phạm hạnh sớm được viên thành, không thối chuyển Bồ đề tâm, biết rõ nhân quả đời trước, đời này, xa rời mãi mãi các chướng ngại, dứt bỏ dòng sinh tử qua bên kia bờ Niết bàn. Tại thế gian, tu hành đạo Bồ Tát, độ khắp chúng sinh, cùng đến nơi giác ngộ.
(4) Sám hối phát nguyện xong, nhất tâm thành kính lễ bái Tam bảo. Tiếp theo xướng Tam quy y:
Tự quy y Phật, nên nguyện cho chúng sinh, hiểu rõ đại đạo, phát nguyện Vô thượng tâm;
Tự quy y Pháp, nên nguyện cho chúng sinh, đi sâu vào kinh tạng, để có trí tuệ sâu rộng như biển;
Tự quy y Tăng, nên nguyện cho chúng sinh, thống lĩnh đại chúng, tất cả vô ngại.
Tiếp theo, niệm ba lần Nam mô sám hối sư Bồ Tát Ma-ha-tát, sau cùng, tụng niệm hai bài kệ:
Nguyện dứt hết ba chướng và phiền não;
Nguyện đạt trí tuệ chân chính, rốt ráo.
Nguyện mọi tội chướng đều tiêu trừ;
Đời đời thường tu đạo Bồ Tát.
Nguyện đem công đức này;
Hướng về cùng tất cả;
Sám hối giữ trường sinh;
Trừ tai ương, tăng phúc thọ.
Thiện Vô Úy thị hiện thần thông cầu mưa