Phật giáo gồm Tam bảo Phật, Pháp, Tăng hợp thành. Xét về phương diện chế độ thì quyết định chủ yếu là ở Phật bảo và Tăng bảo. Điều gọi là xác lập chế độ giới luật, hay tăng chế, giáo chế phải trải qua một quá trình lâu dài. Từ buổi ban sơ đức Phật lập ra đoàn thể tăng chúng, sinh hoạt tăng đoàn đã có tổ chức, cuộc sống thanh tịnh của tăng chúng vẫn tự do, bình đẳng, đến khi chế định giới luật nhằm chuẩn mực hóa hành vi để ràng buộc mọi người duy trì việc “ở chung hòa hợp” của chư tăng. Theo tình hình thực tế lúc bấy giờ mà xét thì phải trải qua nhiều năm quy chế mới dần dần hoàn chỉnh.
Có thể nói, giới luật là pháp chế của Phật giáo, tăng chúng thì người người đều phải tuân thủ. Trong đó có chuẩn mực của đạo đức, pháp quy đoàn thể, sinh hoạt tập thể, chế độ kinh tế, phương cách xử sự... Ngoài ra, còn có một số chế độ và biện pháp thúc đẩy việc thanh tịnh tu hành như việc an cư, sám hối, bố tát… nhằm duy trì sự đoàn kết của chúng tăng, khiến tăng chúng diệt ác hành thiện, hướng đến mục tiêu thành đạo cao cả, mà tinh tấn tu hành.
Chế độ tăng già chủ yếu là chỉ ra những chế độ, quy tắc, tập quán truyền thống mà cộng đồng người xuất gia phải tuân theo, hàm nghĩa trong đó rất phổ biến, chẳng hạn như các việc tổ chức tăng đoàn, quy tắc làm việc, nghi thức giới luật, chế độ kinh tế... Từ thời Phật giáo nguyên thủy, về cơ bản, đức Phật nhân thời thế, địa lý, sự việc, mà chế định ra giới luật, gắn kết mật thiết với hoàn cảnh xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Mãi đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, tùy theo thời đại diễn tiến mà hoàn cảnh sinh hoạt mới nảy sinh biến hóa, sự bất đồng về việc lý giải giới luật bắt đầu xuất hiện, từ đó dẫn đến sự chia rẽ tăng đoàn, mỗi nhóm tự lập ra những chi phái Phật giáo riêng biệt. Đến khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, nội bộ Phật giáo Trung Quốc cũng từng xuất hiện bất đồng ý kiến, thậm chí tự sáng lập ra quy chế riêng, như thời Đường, Thiền sư Bách Trượng sáng lập Thanh quy Thiền lâm, rồi dần dần trở thành chế độ mà giới Phật giáo Trung Quốc đều tuân theo. Các giáo phái Phật giáo tuy khác nhau nhưng tinh thần cơ bản của Phật giáo vẫn luôn luôn nhất quán, kiên trì giữ vững trước sau không thay đổi.
Ngoài ra, đối với đất nước Trung Quốc, chế định của triều đình còn lập ra chế độ tăng quan, đời đời tương thừa, trải qua nghìn năm không suy đồi. Kinh tế chùa viện cũng trải qua biến đổi của thời đại mà có tiến bộ nhanh chóng, trở thành một trong những tiêu chí rõ rệt nhất của Trung Quốc hóa Phật giáo. Cũng trong sự phát triển biến hóa lâu dài của Phật giáo Trung Quốc, không thể xem nhẹ nội dung quan trọng này.
Nghi quỹ còn có tên là “lễ nghi” hay “nghi lễ”, ở Ấn Độ cổ đại, có lúc nghi thức đan xen với các quy chế hành sự của tăng đoàn, tỷ như các pháp bố tát1, an cư, tự tứ2, hoặc xuất gia, thọ giới... Nhưng ở Trung Quốc thông thường chỉ dùng nghi thức pháp sự cụ thể để thực hiện, cùng kết hợp mật thiết với việc chế tác những âm thanh tán tụng ca vịnh3 trong các nghi lễ Phật giáo, có đủ rõ nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Như các nghi thức phóng sinh, cầu mưa, rước tượng, bát quan trai, lễ Vu lan, sám pháp từ bi đạo tràng từ thời Nam Bắc triều trở đi số lượng ngày càng nhiều, trong đó có mối tương quan khá phức tạp liên hệ đến các mặt của xã hội như văn hóa Trung Quốc, phong tục tập quán bản địa, giáo nghĩa Phật giáo, tâm lý quần chúng… không thể chỉ dùng ngôn ngữ vài ba từ mà nói rõ hết được, cần phải có thời gian tìm tòi nghiên cứu mới có thể nắm rõ gốc gác ngọn ngành, khơi thông nguồn mạch, thể hiện minh bạch con đường phát triển hay diễn biến bên trong của nó.
1. Bố tát布薩: Phạn: Upavasatha, là tên một hoạt động của Phật giáo. Ngày này cứ mỗi nửa tháng, các vị tăng nhân tập hợp vào một nơi rồi thỉnh vị tỳ-khưu giỏi giới luật nói về giới Ba la đề mộc thoa để xét hành vi trong nửa tháng vừa qua xem có phạm giới bản hay không, nếu phạm phải sám hối để người xuất gia được thanh tịnh, nuôi lớn pháp lành, tạo nhiều công đức. Còn người tu tại gia thực hiện bát quan trai, tục gọi là lục trai nhật cũng gọi là Bố tát vì được tăng thêm pháp lành.
2. Tự tứ 自恣 Phạn: Pravarana: Vào ngày kết thúc mùa an cư, tăng chúng mỗi người tự nói lên lỗi lầm của mình về ba việc nghe, thấy, ngờ, hoặc người khác có thể nói ra tội lỗi của mình để sám hối trước các vị tăng khác. Sám hối xong được thanh tịnh, tự mình vui mừng, gọi là tự tứ (tứ có nghĩa là tự do phóng túng, tự buông thả mình).
3. Phạm bối 梵呗: từ dịch âm từ chữ Bhāsa trong tiếng Phạn, nghĩa là dùng lời ca kết hợp điệu nhạc để tán dương chư Phật, Bồ Tát; sau dùng để chỉ những âm thanh tán tụng, ca vịnh trong các nghi lễ pháp sự.
Mục đích của bộ sách này là: Từ trong sự phồn tạp của nghi thức, chế độ Phật giáo, chọn lựa một số nội dung khác biệt và quan trọng giới thiệu cùng mọi người để được phát triển trí tuệ và lợi ích của Phật pháp.
Hiếu Hòa Hoàng đế thụ giới