Xuất gia, từ dùng để chỉ những người theo dấu chân Phật nhằm mục đích giải thoát cho bản thân và mọi người khỏi khổ đau của trần thế, buông bỏ những tham ái của thế gian mà sống đời sống không nhà cửa, không sở hữu tài sản, không cưới vợ sinh con. Điều này tại Ấn Độ cổ đại đã có chế độ rõ ràng, vô cùng thịnh hành, nhưng không hoàn toàn phát xuất từ Phật giáo. Như Bà la môn giáo truyền thống phân chia cuộc đời con người ra làm bốn thời kỳ, trong đó thời kỳ cuối cùng là “độn thế tiềm tu” [lánh đời ẩn tu], tức đến lúc về già lánh vào nơi rừng sâu sống đời xuất gia. Từ khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tại thành Ca Tỳ La Vệ, trải qua sáu năm tu khổ hạnh, cuối cùng Ngài đã thành Phật dưới gốc cây Bồ đề. Sau khi thành Phật, Ngài khai sáng Phật giáo, đồng thời tiếp tục vận dụng chế độ xuất gia vốn có này vào trong đời sống của người tu học theo Ngài, từ đó việc xuất gia đã trở thành con đường quan trọng của đệ tử Phật giáo trong việc “liễu thoát sinh tử”.
Về mặt hình thức, nói chung người xuất gia trước tiên phải cạo tóc, đây là tiêu chí và tư cách cơ bản để làm người xuất gia. Dụng ý của nó ở chỗ vứt bỏ trang sức đẹp đẽ bên ngoài, cam chịu sự mộc mạc, đơn giản, mà sống cuộc đời thanh đạm, cực khổ. Ở Trung Quốc, tăng chúng xuất gia phải tuân thủ chế độ độc thân, ăn chay, mặc trang phục riêng... từ xưa đến nay vẫn luôn luôn như vậy, không thay đổi. Người nam đến tuổi thanh niên phải cạo râu, nhưng cũng có một số tăng nhân nổi tiếng, khi xuất gia họ phải cạo râu, nhưng về sau họ để râu lại, như lão hòa thượng Hư Vân, như đại sư Hoằng Nhất… Theo nề nếp cũ của Phật giáo, tăng nhân sau khi chết phải hỏa táng [gọi là “trà tỳ” hoặc “xà duy”], nhưng Trung Quốc lại có rất nhiều cao tăng vẫn giữ lại nhục thân như Thiền tông Lục tổ Huệ Năng đời Đường; đại sư Hám Sơn, đời Minh…) đặt ở miếu thờ, điều này hoàn toàn không có gì là lạ. Nhưng những người tu hành ở các quốc gia hệ Nam truyền [tức Theravada] thì bắt buộc không được để râu, như những tăng nhân người Thái ở Vân Nam cũng đều như vậy.
Đệ tử xuất gia trong Phật giáo, nam giới gọi là sa di, tỳ khưu; nữ giới có sa di ni, Thức xoa ma na, tỳ khưu ni, gọi chung là ngũ chúng xuất gia. Sa di chỉ người mới xuất gia thụ thập giới mà chưa thọ cụ túc giới, thông thường chỉ tuổi của nam giới xuất gia trong khoảng từ bảy đến mười hai tuổi; tương tự, sa di ni chỉ nữ giới xuất gia thọ thập giới mà chưa thọ cụ túc giới.
Sa di lại chia ra làm Khu ô sa di, Ứng pháp sa di và Danh tự sa di. Khu ô sa di tuổi từ bảy đến mười ba, vì nhỏ tuổi chỉ có thể đuổi chim quạ hay ruồi nhặng, nên gọi là khu ô [đuổi quạ]; ứng pháp sa di tuổi từ mười bốn đến hai mươi, có thể tham dự các sinh hoạt của người xuất gia; danh tự sa di là sa di đủ hai mươi tuổi, nhưng chưa thọ cụ túc giới nên vẫn gọi là sa di.
Tỳ khưu dịch âm từ tiếng Phạn (hoặc dịch âm là “bí sô”, “bật sô”), ý nghĩa là khất sĩ [người ăn xin], tức chỉ tăng nhân nam giới đã thọ cụ túc giới (gồm 250 giới); tỳ khưu ni chỉ người xuất gia nữ giới đã thọ cụ túc giới (gồm 348 giới). Tỳ khưu và tỳ khưu ni trong nhà Phật gọi là nhị chúng xuất gia, tức là tăng nhân xuất gia, thói quen của xã hội thường gọi là “hòa thượng”, là “ni cô”. Thực ra, gọi chung tỳ khưu xuất gia là “hòa thượng” thì không chính xác, hay ít nhất là không phù hợp với quy củ Phật môn.
Từ “hòa thượng” nguyên ý là “lão sư” hay “sư phụ”, trong nhà Phật gọi là “thân giáo sư” [người thầy dạy cho chính mình], là cách gọi tôn xưng sư trưởng trong hàng ngũ người xuất gia, vừa có đức vừa có tài, có thể làm thầy người khác, mới có đủ tư cách được xưng hô như vậy. Nói chung, trong một tự viện chỉ có vị trú trì có thể gọi là “hòa thượng” (quen gọi là “đại hòa thượng”), còn những tăng nhân khác thì không có thể tùy ý chấp nhận cách xưng hô ấy được.
Trên thực tế, khi thấy tỳ khưu hay tỳ khưu ni, ta có thể chắp hai tay khẽ cúi người, rồi gọi “pháp sư” là thích hợp hơn cả. Như gọi vị sư lớn tuổi là “lão pháp sư”, vị sư trẻ tuổi là “tiểu pháp sư”, vị sư trung niên thì gọi là “pháp sư”. Pháp sư tương tự với một loại danh hiệu học vị, chỉ người xuất gia tinh thông Phật pháp có thể giảng thuyết cho người khác, và cũng là cách xưng hô những người được tôn kính.
Phàm người tinh thông kinh tạng gọi là “kinh sư”, tinh thông luật tạng gọi là “luật sư”, tinh thông luận tạng gọi là “luận sư”. Nếu người tinh thông cả tam tạng kinh, luật, luận gọi là “Tam tạng pháp sư”, như các vị cao tăng Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh… được gọi là “Tam tạng pháp sư”. Huyền Trang tục gọi là “Đường Tam Tạng”, cũng từ đó mà ra. Nhưng hiện nay “pháp sư” đã trở thành lối xưng hô thông dụng đối với người xuất gia.
Trong chúng xuất gia nữ giới, thức xoa ma na là lối gọi người nữ xuất gia ở vị trí giữa sa di ni và tỳ khưu ni. Giới luật quy định, phàm người nữ xuất gia mười tám tuổi chưa kết hôn, sau khi thọ sa di thập giới, phải trải qua khoảng thời gian hai năm làm thức xoa ma na, đợi tròn hai mươi tuổi mới thọ giới tỳ khưu ni; nếu người nữ mười tuổi đã từng kết hôn [ở Ấn Độ thời cổ đại hiện tượng tảo hôn ở nữ giới rất phổ biến] rồi xuất gia, cũng phải qua hai năm làm thức xoa ma na, sau đó mới thọ cụ túc giới. Làm như vậy với mục đích là để họ có thời gian học tập tất cả giới hạnh của tỳ khưu ni, đồng thời để biết người nữ ấy có thai hay không, và cũng có thể nhờ cơ hội này để rèn luyện tính tình, làm cho họ quen với cuộc sống của người xuất gia, nhằm làm vững chắc đạo tâm của họ.
Do người đời có cách hiểu sai khác đối với Phật giáo khiến cho chế độ xuất gia của các khu vực Phật giáo khác nhau trên thế giới cũng hoàn toàn không giống nhau. Ví như vùng dân tộc Thái ở Vân Nam, Trung Quốc, hoặc các nước theo phái Nam truyền Thượng tọa bộ như Miến Điện, Thái Lan… quy định cơ bản mọi người dân đều phải một lần xuất gia trong đời, dù là con cháu vương tôn quý tộc cũng không ngoại lệ. Đó hoàn toàn không phải là chế độ do Phật giáo quy định, mà là tập quán phổ biến của một khu vực hay một quốc gia. Thông thường, trẻ em đến bảy, tám tuổi đều được đưa đến chùa viện để xuất gia. Ở chùa, chúng học chữ, học kinh, học cách thức sinh hoạt như của một tăng nhân, nhưng đó chỉ là tạm thời, không cần phải thọ giới sa di, không giống như tăng nhân hiến dâng lâu dài cuộc đời xuất gia của mình. Trải qua một thời hạn nhất định, ngắn thì vài ngày hay vài tháng, dài thì vài ba năm, sau đó hoàn tục trở về nhà, lấy đó như việc báo đáp ơn nuôi dưỡng, dạy bảo của cha mẹ, còn cha mẹ cũng lấy đó làm vinh hạnh. Một người trong đời, nếu chưa từng xuất gia, thì công việc và hôn nhân đều có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, chế độ xuất gia của Phật giáo Nhật Bản cũng rất đặc biệt, tức là có thể cưới vợ, ăn thịt. Phật giáo Nhật Bản vốn từ Trung Quốc truyền sang, cũng phỏng theo cách làm của Trung Quốc, như ăn chay, sống độc thân… nhưng về sau, tùy vào sự phát triển của xã hội, Phật giáo bản địa Nhật Bản cũng đồng thời phát sinh những cải cách to lớn. Sau thời đại Bình An (平安, Heian, 794 -1185) trong xã hội, tình trạng tăng nhân đem theo vợ tu hành rất phổ biến, như Tuấn Khoan, Trừng Hiến của tông Thiên Thai; Lương Khoái, Pháp Ấn của tông Chân Ngôn; Đạo Lâm của chùa Báo Ân, lại có Thánh Giác, Long Khoan đệ tử của tổ Nguyên Không thuộc Tịnh độ tông, là những vị sư nổi danh một thời đều có vợ con, những bí mật này đã trở thành công khai.
Theo quy định của giới luật Phật giáo, bất kể Đại thừa giới hay Tiểu thừa giới đều coi “dâm” giới là “giới cấm nghiêm ngặt”, người vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi tăng đoàn. Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản lưu hành giáo nghĩa luật luận của Đạo Tuyên đời Đường, lấy “Tứ Phần luật” của Tiểu thừa làm y cứ chủ yếu cho việc thọ cụ túc giới của tăng ni. Thông thường, tăng ni sau khi thọ cụ túc giới, lại thọ Bồ Tát giới của Đại thừa. Sau ngài Tối Trừng4 thuộc tông Thiên Thai Nhật Bản, quy định không phải thọ cụ túc giới lại nữa, chỉ thọ Đại thừa Bồ Tát giới, tức là căn cứ theo kinh Phạm Võng thọ Đại thừa giới pháp là đủ. Vấn đề là trong kinh Phạm Võng, dâm giới vẫn là một trong “mười giới cấm nghiêm ngặt”, nếu tăng nhân và phụ nữ phát sinh quan hệ hay cưới vợ, thì vẫn thuộc vi phạm dâm giới.
4. Tối Trừng (767-822) tiếng Nhật là Saicho, pháp hiệu Mật giáo là Phước Tụ Kim Cương, sinh tại huyện Tư Giá, Nhật Bản. Ngài là người khai sáng tông Thiên Thai Nhật Bản. Tác phẩm nổi tiếng là “Cửu cách thiếp -久隔帖”.
Do đó, nước Nhật sau thời đại Bình An, cho dù trong Phật giáo giới luật có phần lỏng lẻo, tăng nhân phần lớn có cưới vợ, nhưng vẫn bị hai giới tăng tục trong nước xem là phạm giới [gọi là vi phạm quan hệ nữ giới]. Trước tình hình như vậy, ngài Thân Loan, người khai sáng Tịnh độ Chân Tông Nhật Bản đưa ra chủ trương tư tưởng của mình, cho rằng hành vi của mỗi người, kể cả chuyện sinh hoạt vợ chồng, đều do sự quyết định của “túc nghiệp” từ tiền kiếp, nhưng chỉ cần tin vào nguyện lực Di Đà như là một pháp tu hành thì cũng có thể vãng sinh Tịnh độ tây phương cực lạc, đến bờ giải thoát; đồng thời khởi xướng việc lấy vợ sinh con, đem theo vợ tu hành, từ đó đưa đến việc tăng nhân trong các chùa viện tranh nhau bắt chước, trở thành một phong trào rất thịnh ở Nhật.
Đến thời Minh Trị Duy Tân, chính phủ Nhật Bản thực thi một loạt pháp lệnh, thúc đẩy những cải cách có tính đổi mới về địa vị xã hội của tăng nhân và phổ biến về các quy tắc sinh hoạt, như năm 1872 thi hành việc bãi bỏ tăng vị, tăng quan, và quy định tăng lữ chỉ là một loại nghề nghiệp, đưa ra một số biện pháp như cấm chỉ tăng ni ôm bình bát đi khất thực hóa duyên, yêu cầu tăng nhân đổi lại tên họ của mình. Đồng thời bãi bỏ các lệnh cấm trước đây của quan phủ đối với tăng nhân về việc ăn thịt, cưới vợ, để tóc. Điều này đối với tăng nhân các tông phái ở Nhật Bản sau thời cận đại đã hình thành một số quy chế Phật giáo khá đặc sắc, phổ biến vào xã hội thế tục, vừa giữ nhiệm vụ truyền giáo vừa có thể làm những công việc khác cho xã hội cho đến việc thiết lập chế độ tăng đoàn cận đại bắt đầu có tác dụng thúc đẩy tích cực.
Hiện nay, trừ một số rất ít tăng nhân của một số rất ít giáo phái vẫn tuân giữ chế độ độc thân, tuyệt đại đa số tăng nhân đều kết hôn, lập gia đình, con cháu đời sau cũng vẫn y theo nếp cũ giữ chức nghiệp tăng nhân, hình thành một tầng lớp tín đồ Phật giáo Nhật Bản có gia đình nhưng gánh vác việc hoằng dương Phật pháp của người xuất gia. Nhưng có điều cần chú ý là tỳ khưu ni Nhật Bản vẫn giữ nguyên nền nếp gia phong cổ đại như giới luật quy định, giống hệt Trung Quốc đến nay vẫn không thay đổi.
Thái tử Tất Đạt Đa xuống tóc xuất gia