Một người sống trong xã hội bình thường, do từ cơ bản có ý muốn giải thoát sinh tử, đạt đến cảnh giới Niết bàn an lạc, nên từ bỏ những tham ái thế gian mà xuất gia, tin sùng Phật pháp. Theo quy định của Phật giáo, người xuất gia phải thực hiện một trình tự bắt buộc mới có thể trở thành người xuất gia chính thức, đến chùa viện sống cuộc sống tập thể thanh tịnh cùng với tăng chúng. Trong đó việc làm đầu tiên là phải thụ trì mười loại giới luật mới có thể trở thành sa di hay sa di ni. Điều cần phải nói rõ là trong thời kỳ đầu đức Phật sáng lập ra tăng đoàn, chưa có sa di, sự xuất hiện của sa di trong tăng đoàn sớm hơn sự ra đời của tỳ khưu ni, có lẽ là khi La Hầu La, con của đức Thích Ca Mâu Ni, theo Ngài xuất gia mới có. Mười loại giới luật sa di phải thọ trì là:
1. Không sát sinh. Tức là chỉ việc không được giết hại sinh mạng của con người, và tàn hại sinh mạng của tất cả chúng sinh hữu tình. Hữu tình ở đây chỉ tất cả sinh vật có giác thức, như động vật biết bay, biết chạy. Không sát sinh tức là đức Phật đặt trên lập trường chúng sinh bình đẳng mà định ra đó là trọng giới. Chủ trương ta - vật đồng nhất thể, tức là tôn trọng sự sống, kính trọng sinh mệnh, đối với tất cả chúng sinh phải có tâm từ bi, yêu quý, không những không giết hại mà còn phóng sinh để làm tăng trưởng thiện căn phúc đức.
2. Không trộm cắp. Tức là chỉ việc không lấy cắp bất cứ tài vật công tư nào. Bản ý của đức Phật đưa ra giới cấm này là yêu cầu các đệ tử giữ tâm trong sạch, dẹp bỏ tham lam, chuyên tâm vào sự nghiệp tu đạo. Đối với sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, phải luôn luôn cảnh giác, giữ gìn, thực hiện đến cùng sự cần kiệm, siêng năng, tự trọng, liêm khiết.
3. Không dâm dục. Nam nữ yêu thương lưu luyến như keo sơn gắn bó, là động lực bất tận của việc sinh sôi nảy nở duy trì sự sinh tồn của nhân loại, và cũng trở thành một trở ngại to lớn cho việc giải thoát khỏi đời sống thế tục của người xuất gia. Cho nên xuất gia tu hành phải dứt trừ dâm dục, nếu không sẽ chìm đắm trong biển tham dục, rất khó để tự thoát ra, dứt bỏ vô minh.
4. Không nói dối. Chính là không cho sai là đúng, không cho đúng là sai, hão huyền không thực làm mê hoặc người nghe; phải thật thà trung tín, ngay thẳng đáng tin.
5. Không uống rượu. Tục ngữ nói rượu có thể làm tính tình lung lạc, thác loạn. Kỳ thực, cái nguy hại của rượu không chỉ có thế, bởi vì người say rượu tâm cuồng tính loạn, đưa đến phiền não, rất dễ dẫn đến hàng loạt hành vi vô đạo đức, cho nên Phật giáo có giới cấm uống rượu nhằm sửa đổi tính tình. Theo Đại Tỳ Bà Sa luận ghi chép, có một vị cư sĩ tên là Ô Ba Sách Ca “bẩm tính nhân từ hiền đức, giữ đúng ngũ giới, không bao giờ vi phạm”, nhưng một lần ông ta ra khỏi nhà, vì khát nước, ngộ nhận rượu là nước liền uống sạch một hơi, do đó ông ta phạm giới cấm uống rượu. Lúc ấy, nhà hàng xóm có con gà chạy qua nhà ông ta, ông đang say rượu không còn phân biệt đúng sai nữa, bèn “bắt trộm con gà giết đi mà ăn thịt”, nên lại phạm thêm hai giới nữa là sát sinh và trộm cắp. Người phụ nữ hàng xóm đi tìm gà, lòng dâm dục của ông ta nổi lên, lại cưỡng dâm chị ta, thế là phạm thêm giới tà dâm. Nhà hàng xóm nhân đó báo lên quan phủ, ông ta chống chối không thừa nhận, nên phạm phải giới nói dối. Vì ngộ nhầm uống rượu, Ô Ba Sách Ca “phá hết cả năm giới”, xem thế đủ thấy cái hại của rượu lớn biết nhường nào!
6. Không đeo tràng hoa, không dùng hương hoa trang sức thân thể. Người Ấn Độ thường có thói quen dùng vòng hoa trang sức thân thể, tức là lấy hoa kết thành vòng hoặc thành vương miện, hoặc thành chuỗi, hoặc dùng vàng bạc châu báu đính kết thành vòng đeo lên đầu, treo trước trán, khoác lên vai, thậm chí đeo trên những nơi khác của thân thể. Giống như các cô, các bà ngày nay đeo những thứ trang sức như dây chuyền, nhẫn kim cương, vòng tay… Ý nghĩa đích thực của việc không trang sức vòng hoa là vì người xuất gia cần phải ăn mặc giản dị, không đeo các thứ trang sức quý trọng, hoa lệ. Nước hoa xức lên thân thể cũng vốn là thói quen của người Ấn Độ. Ý nghĩa của việc đặt ra giới này là người xuất gia bị cấm dùng những sản phẩm trang điểm có hương thơm.
7. Không ca múa xướng hát, không cố đi nghe xem. Người xưa cho rằng ca kỹ bao gồm các hoạt động như thổi sáo, đàn cầm, ném hồ, bắn tên, đánh cờ, cưỡi ngựa… Theo pháp thế gian thì ca múa, xướng hát, tạp kỹ là hoạt động vui chơi bình thường không có gì đáng trách, nhưng đối với người xuất gia thì không phù hợp. Bởi vì ca múa vui chơi thường khiến cho mọi người thụ hưởng thư nhàn, lâu dài có thể bị đắm chìm vào đó, dễ làm cho con người mắt mê thần loạn, sinh ra tâm chí đọa lạc, không lợi cho sự triển khai học đạo tu hành. Đương nhiên, tăng chúng vì làm Phật sự mà đánh, gõ, xướng, tụng hoặc do mục đích tuyên giáo mà diễn tấu âm nhạc Phật giáo, thì không bị đưa vào giới cấm này.
8. Không nằm, ngồi trên giường cao rộng lớn. Giường ở đây có thể là “hồ sàng”5 là loại giường không chỉ để “nằm”, mà còn được dùng để “ngồi” hoặc có thể dùng cho cả hai. Ý nghĩa của giới này không có gì khó hiểu, đó là người xuất gia không nên tham lam hưởng thụ.
5. Hồ sàng (tiếng Hán gọi là “giao kỷ”, “thằng sàng”), là giường có thể nằm và cũng có thể ngồi, gần giống với ghế nằm ngày nay.
9. Không ăn khác thời khắc quy định. Đây là giới luật, cũng là một chế độ của Phật giáo. Tại Ấn Độ thời cổ đại, người xuất gia thực thi chế độ khất thực, không sản xuất, toàn bộ thức ăn đều dựa vào việc cúng dường của mọi người trong xã hội. Để giảm nhẹ gánh nặng cho dân chúng, sau khi tăng đoàn Phật giáo thành lập, người xuất gia chỉ khất thực mỗi ngày một lần, và dùng bữa vào giữa ngày (thông thường trước 12 giờ trưa). Không ăn khác thời khắc quy định tức là “không ăn quá giờ ngọ”. Nhưng có thể uống sữa, uống trà, nước trái cây hay nước đường, người giữ giới nghiêm túc thì chỉ uống nước trắng đun sôi.
Nguyên do của giới này là vì trong tăng đoàn thời đức Phật có vị tỳ khưu tên là Ca Lưu Đà Di, lúc chạng vạng tối đi vào thành La Duyệt khất thực, do ánh sáng tù mù, một phụ nữ đang mang thai nghi là ma quỷ, bà ta bị kinh khiếp mà dẫn đến sẩy thai, cho nên đức Phật mới đặt ra điều giới luật này. Đồng thời, giảm bớt ăn uống cũng giúp cho người xuất gia tu tập thiền định, tránh được ảnh hưởng bất lợi của việc “ăn no nghĩ chuyện dâm dục” một cách hữu hiệu. Giới luật này hiện nay được các quốc gia Phật giáo Nam truyền gìn giữ và lưu hành phổ biến.
Nhưng tại Trung Quốc, giới luật này thường rất ít nơi gìn giữ. Điều này có thể do tình hình đặc thù của đất nước Trung Quốc quyết định. Trước hết, Phật giáo cho rằng xuất gia là một việc lớn của kẻ trượng phu, không phải vương hầu khanh tướng nào cũng có thể làm được. Việc xuất gia ở Ấn Độ thời cổ đại rất phổ biến, và cũng là một thứ tượng trưng cho quyền lợi (như giai cấp “thủ đà la” không thể xuất gia), do đó được toàn xã hội tôn kính. Chế độ khất thực thông suốt, không trở ngại, thí chủ thường lấy cơm gạo thức ăn tốt nhất trong nhà đem cúng dường để cầu phúc báo. Cho nên, tăng ni có thể luôn có đồ ăn thức mặc thoải mái, không phải lo nghĩ, chỉ chuyên tâm dụng công tu đạo. Nhưng tình hình ở Trung Quốc không như vậy, nói chung người dân ở đây không những lãnh đạm với Phật giáo mà còn xem người xuất gia là một loại người khác biệt. Nếu ép buộc thực hiện chế độ khất thực, người xuất gia sẽ giống như người ăn xin, vì thế sẽ bị dân chúng toàn xã hội xem thường, như vậy việc mở rộng tuyên truyền Phật pháp không chỉ vô ích mà còn có hại.
Do đó, dù trong lịch sử vẫn có một số ít tăng nhân kiên trì ôm bình bát đi khất thực, như nhà thơ nổi tiếng đời Tống Tô Đông Pha, lần đầu tiên đến Huệ Châu, khi đi qua chùa Hiệp Sơn không gặp thầy trú trì có để thơ lại rằng: “Sơn tăng vốn cô độc; khất thực lại chưa về. Cối mây nước tự giã; cổng tùng gió làm then. Suối đá vui lòng khách; đàn cầm vang núi không”, trong đó có nói đến việc nhà sư đi khất thực, nhưng những người hành việc khất thực trước giờ rất ít, không thể trở thành dòng chủ lưu của giới Phật giáo. Nguyên nhân là do đây vậy.
Tiếp đến, để giữ gìn bản sắc của quy chế Phật giáo, Trung Quốc cũng đã thực hiện biện pháp quan phủ cung cấp thức ăn, y phục cho tăng nhân nhằm áp dụng “nhật trung nhất thực” (ngày ăn một bữa), nhưng hầu như khó duy trì lâu dài. Ví như đời Tống thời Nam Bắc triều từng thực hiện như vậy, nhưng ngại phiền toái và không thuận tiện, cuối cùng không thành công.
Thứ ba, đặc biệt là sau thời kỳ nhà Đường trở đi, phần lớn chùa viện (nhất là những chùa viện ở trong núi) thực hiện chế độ “nông thiền” (trồng trọt, cày cấy và tham thiền), tự làm ra thức ăn và vải vóc, mỗi ngày lao động thiền môn gọi là “xuất pha” (tức đi ra vườn để canh tác), tiêu hao nhiều sức lực, cần bổ sung năng lượng, nên rất khó để thực hiện “không ăn sau ngọ”. Do đó, đại đa số chùa viện đều khai mở giới này, cho phép được ăn bữa tối, nhưng bữa tối ấy được xem như là “dược thực” (xem việc ăn như uống thuốc trị bệnh), tỷ như dược vật thường để chữa trị, bồi dưỡng sắc thân khỏi bị đói khát mà thôi, không thể tham lam hơn được.
10. Không cất giữ vàng bạc, của báu, gọi chung là “giới cấm tiền bạc”. Phật giáo nhìn nhận tiền của giàu có là vật ngoài thân, sống không mang lại, chết không đem đi. Để trừ bỏ lòng tham muốn chiếm hữu tiền của đối với người xuất gia, đức Phật chế định giới cấm tiền bạc, đòi hỏi người xuất gia ngoài những vật dụng sinh hoạt tùy thân như bình bát, y phục, dao cạo đầu, túi lọc nước, không được cất giữ tiền bạc của cá nhân, khiến cho tăng chúng trí tuệ sáng suốt, buông bỏ lòng tham, toàn tâm toàn ý vì đạo pháp mà cố gắng siêng năng tu tập.
Nhưng, giới cấm này đã đưa đến nhiều cuộc tranh luận trong lịch sử Phật giáo, thậm chí sau khi đức Phật nhập diệt 100 năm, khiến dẫn đến tăng đoàn nảy sinh chia rẽ, tăng sĩ tự làm theo ý của mình. Đặc biệt là hầu như tất cả đều là thương phẩm của xã hội hiện đại, nếu một người xuất gia trên người không có tiền thì việc đi lại sẽ bất tiện; nhân đó đại đa số chùa viện đều phải cấp phát ít nhiều sinh hoạt phí cho tăng ni để đáp ứng những nhu cầu vật dụng sinh hoạt hằng ngày, và xuất ngoại, tham phỏng học đạo…
Sơn thần thụ giới