Sa di xuất gia phải thọ trì thập giới, cũng phải cử hành nghi thức xuất gia. Nghi thức tuy chỉ mang tính hình thức, nhưng có thể tạo ra ảnh hưởng tâm lý đối với người tu hành, giống như lễ khai giảng của học sinh, hay nghi thức nhậm chức của tổng thống, là điều vô cùng trang nghiêm, vô cùng quan trọng mà cũng có tính thiêng liêng nữa.
Thời Ấn Độ cổ đại, nghi thức xuất gia vô cùng đơn giản. Trước hết, tập hợp tất cả đại chúng tăng đoàn, rồi vị sư tiếp nhận giới thiệu trước mọi người tình cảnh của người xuất gia, thỉnh cầu ba lần. Sau đó mời mọi người bàn luận, nếu không có ý kiến nào khác thì cho thông qua. Thế là người tiếp nhận có thể mời vị A-xà-lê6 đến phía sau bình phong cạo râu tóc cho người xuất gia; đồng thời tắm gội, kiểm tra xem có phải là người nam hay người nữ bình thường không, nếu không, không được cho thế độ (cạo tóc xuất gia). Vì theo giới luật quy định, người bán nam bán nữ (gọi là hoàng môn) không thể xuất gia. Sau đó mặc pháp y, tay cầm bình bát, bấy giờ mới chính thức là người xuất gia.
6. A-xà-lê 阿闍梨 Phạn: Acarya, có thể dịch là người thầy về quy phạm, là đạo sư, là giáo sư dạy đệ tử. Ý nghĩa của từ này là dùng trí tuệ và đạo đức giáo dục đệ tử, khiến đệ tử có hành vi đoan chính, phù hợp, và tự thân có thể là người thầy hình mẫu của đệ tử.
Nghi thức xuất gia ở Trung Quốc phức tạp hơn. Ngoài một vài chùa miếu cho tiểu sa di xuất gia hoàn toàn không có nghi thức, đại đa số người xuất gia cơ bản phải trải qua nghi thức thế độ thọ giới theo quy chế chính thức. Từ đời Đường trở về sau, nghi thức xuất gia của sa di đã có những quy định rất rõ ràng. Đó là do luật sư Đạo Tuyên7 căn cứ vào các kinh luật như “Tứ phần luật”, “Độ nhân kinh”, “Thiện kiến luật”… biên soạn mà thành, và trở thành quy phạm chung cho các chùa viện áp dụng thực hành.
7. Đạo Tuyên 道宣 người Ngô Hưng, họ Tiền, sống thời Đường, là một luật sư nổi tiếng, là sư tổ sư của Nam Sơn Luật tông thuộc Phật giáo Hán truyền. Luật sư Đạo Tuyên sống ở Nam Sơn nên những soạn thuật của ông được gọi là “Nam Sơn luật”, ông hiểu thông “Tứ Phần luật”, quán triệt Lưỡng thừa, nắm vững Tam tạng. Soạn thuật nổi tiếng của ông là “Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao” (四分律刪繁補闕行事鈔), “Tứ phần luật hàm chú giới bổn sớ” (四分律含註戒本疏), “Tứ phần luật tùy cơ Yết ma sớ” (四分律隨機羯磨疏). Người đời gọi ông là “Nam Sơn Tâm Đại bộ” (南山三大部).
Ngoài trình tự được mọi người đồng ý xuất gia như đã nói trên, nghi thức còn quy định người xuất gia phải có hai vị thầy: Một là thầy thế độ, vị này đã đắc giới hòa thượng; hai là Giáo thọ A-xà-lê. Do đó, người xuất gia trước hết phải làm lễ mời thầy thế độ, đồng thời vị thầy ấy lại mời vị thầy A-xà-lê để cùng cử hành nghi thức. Sau khi mời được hai vị thầy, người xuất gia phải tắm gội bằng nước nóng thơm, nhưng vẫn mặc y phục tại gia, rồi hướng về phía cha mẹ thế tục của mình nói lời từ biệt, cùng quỳ đọc kệ: “Lưu chuyển tam giới trung, ân thọ bất năng thoát; khí ân nhập vô vi, chân thực báo ân giả” [Trôi lăn trong ba cõi; Chịu ân không thể rời. Bỏ ân vào cõi Phật; Là chân thực đền ân].
Đọc xong, người xuất gia cởi bỏ y phục trần thế, mặc y phục tăng nhân, bước vào đạo tràng đến trước mặt hòa thượng, cung kính quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực. Hòa thượng vì vị đó mà nói về thân thể người (bao gồm lông tóc, da thịt, xương cốt…) toàn là những thứ thuộc tướng bất tịnh khiến cho người xuất gia quán tưởng sắc thân là ô uế, hư ảo không thật, ghét bỏ sinh tử mà quyết chí xuất gia. Tiếp theo, đến trước mặt thầy A-xà-lê, thầy A-xà-lê sẽ lấy nước nóng thơm rưới lên đỉnh đầu gọi là quán đảnh, đồng thời tụng niệm bài tán: “Thiện tai đại trượng phu; Năng liễu thế vô thường. Xả tục xu nê hằng; Hy hữu nan tư nghị” [Lành thay đại trượng phu; Hiểu được đời vô thường. Bỏ tục vào vô vi; hy hữu khó nghĩ bàn].
Sau đó người xuất gia đảnh lễ mười phương chư Phật và tự đọc kệ rằng “Quy y Đại Thế Tôn; năng độ tam hữu khổ. Diệc nguyện chư chúng sinh; phổ nhập vô vi chúng”. [Quy y Đấng Thế Tôn; Khéo cứu khổ ba đường. Cũng nguyện cho chúng sinh; Cùng vào chốn vô vi]. Thế là thầy A-xà-lê cạo tóc cho người xuất gia. Mọi người cùng tụng “Xuất gia kệ”: “Hủy hình thủ chí tiết; Cát ái từ sở thân. Khí gia hoằng thánh đạo; Nguyện độ nhất thiết nhân” [Hủy thân giữ tâm chí; Dứt ái không người thân. Bỏ nhà giương thánh đạo; nguyện độ hết chúng sinh]. Thầy A-xà-lê khi cạo tóc giữ lại giữa đỉnh đầu vài sợi, sau đó, người xuất gia đến trước mặt hòa thượng cung kính quỳ xuống, hòa thượng tay cầm con dao hỏi: “Nay thầy cắt mấy sợi tóc trên đỉnh đầu con có được không?” Người xuất gia đáp: “Bạch thầy, dạ được”. Hòa thượng bèn cạo hết mấy sợi tóc trên đỉnh cho người ấy. Tiếp theo, hòa thượng giao cho người xuất gia chiếc áo cà sa, thi lễ cảm ơn rồi nhận, nhận xong giao trả hòa thượng. Ba lần như vậy, hòa thượng khoác cà sa cho người xuất gia, và nói kệ: “Đại tai giải thoát phục; Vô tướng phước điền y. Phi phụng như giới hạnh; Quảng độ chư chúng sinh” [Lớn thay áo giải thoát; Áo ruộng phúc vô tướng. Khoác vào đúng giới hạnh; Độ khắp hết chúng sinh]. Người xuất gia mặc xong áo cà sa liền đi lễ bái Phật, sau đó đi nhiễu quanh ba vòng, tụng “Tự khánh kệ” [kệ tự chúc mừng]:
“Ngộ tai trị Phật giả; Hà nhân thùy bất hỷ? Phước nguyện dữ thời hội; Ngã kim hoạch pháp lợi”. [Gặp Phật đáng làm sao; Hỏi ai không vui mừng? Phúc nguyện cùng đúng lúc; Tôi nay được pháp lợi].
Sau đó lần lượt lễ tạ thầy thọ giới, thầy dạy pháp, rồi ra phía dưới ngồi xuống và tiếp nhận lời chúc mừng của sư trưởng, người thân trong gia đình, từ nay được trở thành tăng nhân xuất gia chính thức.
Hình thức giới đàn đầu tiên thời Phật tại thế nói trong Giới đàn đồ kinh