Sau khi đức Phật sáng lập tăng đoàn, trong năm bảy năm đầu hoàn toàn không đặt ra bất cứ giới luật nào. Nguyên nhân thứ nhất là số lượng tăng nhân còn tương đối ít, mọi người chung sống rất hòa thuận; thứ hai là căn khí của họ thuộc loại thượng thừa, tính tự giác rất cao, không xuất hiện những hành vi bất hảo, làm tổn hại đến danh dự của người xuất gia. Vả lại, có một điều quan trọng là công phu tu hành của những vị ấy cực kỳ thông tuệ, thông thường chỉ qua một số lời giảng giải, khải thị của đức Phật là có thể chứng được quả vị, như năm anh em tỳ khưu Kiều Trần Như, ba anh em Ca Diếp chẳng hạn. Nhân đó, trong khoảng thời gian này, mặc dù đại đệ tử Xá Lợi Phất từng thỉnh cầu đức Phật đặt ra giới luật, nhưng Phật với tâm từ bi, nghiêm túc suy nghĩ hồi lâu nhưng không đồng ý. Dưới cái nhìn của đức Phật, các vị tỳ khưu sinh hoạt tập thể dĩ nhiên phải có một số quy chế nào đó để chuẩn hóa hành vi của mọi người, nhằm duy trì đặc tính hòa hợp, thanh tịnh của tăng già, nhưng giới luật cũng phải căn cứ vào nhu cầu thực tế mà đặt ra, nếu dự đoán mà chế định sẽ khó tránh khỏi nảy sinh khả năng hiềm nghi, quả là không thích hợp, không sáng suốt.
Về sau, tùy vào sự lớn mạnh của đội ngũ tăng đoàn, số lượng tăng nhân ngày một đông thì khó tránh khỏi người tốt kẻ xấu lẫn lộn. Có người mang tâm trạng bất đồng khi gia nhập tăng đoàn, có người căn cơ khá thấp kém chậm lụt, hoặc có người do sự vội vàng nhất thời mà xuất gia, không suy nghĩ chín chắn, khi vào rồi lại không thể sống (hoặc không thích hợp) cuộc đời thiểu dục, tri túc, thanh tịnh trong sinh hoạt tập thể, thế là phát sinh sai trái, lỗi lầm, đưa đến sự cảnh giác và bất mãn của đại chúng, cáo trình lên đức Phật việc này, yêu cầu chế định giới luật để ràng buộc những hành vi của tỳ khưu, khiến cho những hành vi ấy phù hợp với hình ảnh đáng có của người xuất gia. Thể theo tinh thần kiến nghị dân chủ của đại chúng, đức Phật chấp thuận yêu cầu chế định giới luật, trong lịch sử Phật giáo điều thứ nhất của giới luật - đó là giới dâm.
Sự việc xảy ra thế này: Sau khi đức Phật thành đạo chừng năm năm (có thuyết nói mười hai năm), Ngài thuyết pháp tại thành Tỳ-xá-ly; lúc ấy có một đệ tử con nhà giàu tên là Tu-đề-na, nghe pháp xong, liền hướng về đức Phật thỉnh cầu được xuất gia. Đức Phật hỏi: Cha mẹ có ưng thuận không? Nếu không, thì không thể xuất gia. Thế là Tu-đề-na về nhà hỏi ý kiến cha mẹ, bởi vì vị ấy là đứa con duy nhất trong nhà, dĩ nhiên cha mẹ không thể đồng ý cho ông xuất gia tu đạo. Nhưng thái độ của Tu-đề-na vô cùng kiên quyết, lại dùng tuyệt thực để uy hiếp, vạn bất đắc dĩ không biết làm sao, cha mẹ chỉ còn cách là đáp ứng theo yêu cầu ông. Nguyện vọng của Tu-đề-na được thực hiện, chính thức trở thành một tỳ khưu. Nhưng tất cả sự việc trước đó đức Phật hoàn toàn không biết.
Sau khi thọ giới chưa lâu, vùng Tỳ-xá-ly bị tai ương, nạn đói kém, mất mùa xảy ra, tỳ khưu đi khất thực khó khăn, thế là Tu- đề-na và những người đồng tu cùng nhau đến quê nhà mình để khất thực, trú ngụ dưới một gốc cây. Cha mẹ anh ông nghe tin, bèn dẫn theo người vợ đến thăm hỏi, khuyên ông hoàn tục, ở nhà làm thiện tích đức, theo đó tu hành. Tu-đề-na cương quyết không đồng ý, cha mẹ đành trở về, nghĩ ra cách khác.
Mấy ngày sau, cha mẹ cùng vợ lại đến. Họ nói, gia tài vạn lượng, nếu không có con nối dõi, không những không hợp đạo lý, mà sau này cha mẹ chết đi, tài sản cũng sung vào kho nhà nước. Nói, nói mãi, bỗng cha mẹ cảm thấy thương tâm nước mắt giàn giụa. Tu-đề-na xúc động, chỉ biết im lặng đi theo cha mẹ trở về nhà để sinh con đẻ cái nối dõi tông đường, và thế là vợ chồng ân ái với nhau. Sau đó, Tu-đề-na rất hối hận, cùng lúc bị những người đồng tu nhìn thấy dung mạo tiều tụy, và Tu-đề-na cứ thật tình kể lại, bấy giờ có người đi gấp về bẩm báo đức Phật.
Sau khi đức Phật tra hỏi đích xác sự việc, Ngài cho rằng Tu-đề- na là người đầu tiên làm rò rỉ giới luật của Phật môn, vì phạm tội đại ác, không phải hạnh thanh tịnh, không thể nuôi dưỡng thiện pháp, từ đó định ra điều giới luật thứ nhất đó là giới dâm dục, tuyên bố Tu-đề-na đã phạm phải trọng tội “Bà la di8, bất cộng trú”, tức là tội cực ác, không được ở chung với chư tăng, đuổi ra khỏi Phật môn. Tuy nhiên, theo tình lý mà nói thì Tu-đề-na hành dâm là do bất đắc dĩ, hoàn toàn không phải do tham dục, nhưng đức Phật cho là không thể thông cảm cho sự sai trái đó, đồng thời chỉ rõ, một khi đã trở thành tỳ khưu hay tỳ khưu ni của Phật môn, bất cứ trong tình huống nào, bất kể lý do gì đều không thể phạm giới dâm được.
8. Ba la di 波羅夷 Phạn: Parajika, dịch ý là cực ác, trọng cấm, đọa… là tội gốc trong giới luật. Phạm tội này là 1. Mất tư cách tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, 2. Bị giáo đoàn trục xuất, không được ở chung với tăng chúng, 3. Sau khi chết, bị đọa địa ngục.
Sau đó, đức Phật dựa theo người phạm nguyên tắc của quy chế giới luật mà tiếp tục đặt ra một số giới luật khác. Ví như trong năm giới, giới luật trọng yếu đầu tiên là không sát sinh, bởi vì có tỳ khưu tu tập pháp bất tịnh quán9 đã nảy sinh ra ý tưởng cực đoan là chán ghét thân thể ô uế của mình, rồi yêu cầu một người ngoại đạo tên gọi là Lộc Trượng giết chết mình. Sau khi đức Phật biết được việc này, nhân đó Ngài chế định giới không sát sinh. Theo những giới luật hiện còn lưu giữ, trong đó nguyên nhân phần lớn là do hành vi không đoan chính của “sáu vị tỳ khưu”10 mà thiết định ra giới luật.
9. Bất tịnh quán 不淨觀 Phạn: A-zubha-smfti, cũng gọi là bất tịnh tưởng, tức là quán tưởng thân thể mình là ô uế, không trong sạch, không có gì đáng mê luyến, là phương pháp tu trì thiền quán của Phật giáo, là một trong ngũ đình tâm quán (bất tịnh quán, từ bi quán, nhân duyên quán, niệm Phật quán, sổ tức quán). Bất tịnh quán và sổ tức quán gọi chung là nhị cam lộ môn. Ngoài ra, quán thân bất tịnh cũng là một trong Tứ niệm xứ. Bất tịnh quán là quán tưởng thân thể mình ô uế, bẩn thỉu, hôi thối, nhằm tiêu trừ tự thân đối với tham luyến dục vọng, đây là mấu chốt quan trọng đối trị với tham dục đưa đến khổ đau, phiền não.
10. Sáu vị tỳ khưu: tức “lục quần tỳ khưu” 六群比丘. Theo lịch sử Phật giáo, trong tăng đoàn của Thích Ca Mâu Ni có sáu vị tỳ khưu ủng hộ tăng lữ Phật giáo Đề-bà-đạt-đa, một người luôn có ý trái ngược với đức Phật. Trong sáu vị tỳ khưu ấy có năm vị là thân tộc của Thích Ca Mâu Ni, chỉ một vị là Bà la môn. Tương truyền sáu vị ấy kết bè lập đảng, tại tăng đoàn phần lớn làm những việc không oai nghiêm, không được các thành viên trong tăng đoàn kính trọng. Trong giới luật, nhân duyên Thích Ca Mâu Ni định ra giới luật phần lớn là có dính dấp đến hành vi của sáu vị tỳ khưu này.
Gọi là sáu vị tỳ khưu tức là chỉ vào thời kỳ đức Phật tại thế, có sáu vị ác tăng tỳ khưu, đó là Nan-đà, Bạt-nan-đà, Ca-lưu-đà- di, Xiển-na, Mã-túc và Mãn-túc, bọn họ lập ra băng đảng, không tuân thủ luật tắc, làm nhiều việc ác. Đức Phật thiết đặt ra giới luật cũng do những nhân duyên này. Ngoài ra, cũng do một số tỳ khưu khác phạm phải sai lầm, tội lỗi, nên đức Phật mới đặt ra giới luật, ví như tỳ khưu Từ Địa không tuân thủ giới luật, nhất là phỉ báng, nói xấu người khác. Do đức hèn phúc bạc, phàm khi phân giường nằm, thức ăn hay sai phái đi hội họp, thường bị xem là người bạo ác, thô lỗ. Tuy thỉnh thoảng Từ Địa được sai phái đến chỗ tốt, do nhà thí chủ biết là người này làm những việc không thanh tịnh thì cũng cúng dường thức ăn thô xấu; do đó tâm sân hận càng lớn mạnh, lại càng oán hận Đà-la-phiêu về việc phân giường nằm cho chúng tăng. Nhưng Đà-la-phiêu là một trong những đại đệ tử của đức Phật, vì y theo nguyên tắc “tùy thứ tự trên dưới, tùy hoàn cảnh đáp ứng”, việc phân giường nằm công bằng, hợp lý, nên được đức Phật khen ngợi. Thế là Từ Địa đến trước chỗ ở của em mình là tỳ khưu ni Di-đa-la, hai người bày mưu vu cáo Đà-la-phiêu là làm chuyện mất phạm hạnh, phạm đại tội ba-la-di, tức thì cả hai cùng đến chỗ đức Phật bẩm báo. Kết quả, bị đức Phật tìm ra chân tướng, Di-đa-la bị trục xuất khỏi tăng đoàn, Từ Địa bị trách phạt rất nặng. Đó là giới luật Phật giáo thuộc điều thứ tám “giới trọng tội phỉ báng người khác không có căn cứ”, điều thứ chín “giới phỉ báng người khác bằng căn cứ giả” trong “Thập tam tăng tàn pháp” và điều thứ mười hai “giới ganh ghét mắng nhiếc tăng tri sự” trong “Cửu thập đơn đọa pháp - chín mươi pháp đơn đọa”. Đó là những nguyên nhân đức Phật chế định ra giới luật.
Ngoài những luật tắc nêu trên, còn có “Lục quần tỳ khưu ni”, tức nói đến mười hai chúng tỳ khưu ni lập bè đảng làm điều ác cũng là nhân duyên để đức Phật lập ra giới luật. Nhưng những tên người cụ thể thường ít thấy trong kinh truyện, chỉ trong “Đại bát Niết bàn kinh” là có tên của những người như Từ Địa, Khoáng Dã, Phương, Mạn... và có lẽ đây cũng chỉ là để chỉ chung chung như vậy mà thôi.
Vua trời Đế Thích dâng y cho đức Phật, nguồn gốc phục sức tăng y theo Phật giáo Bắc Truyền