Cách phục sức của tăng nhân cũng là các loại tăng y do đức Phật chế định, đó là “tam y” (ba bộ y). Nguồn gốc của tăng phục là phỏng theo trang phục của người cổ đại, có sửa đổi thêm bớt mà thành, và làm thành tiêu chí cho hình ảnh của tăng nhân, nhằm để phân biệt với người tại gia, cũng là điều thích hợp với phong tục tập quán của người Ấn Độ cổ đại. Do đó, hiện nay các quốc gia theo Phật giáo Nam truyền (Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka…) có vùng khí hậu tương tự như Ấn Độ, phần lớn còn gìn giữ hình thức trang phục của tăng nhân theo quy chế của Phật. Tam y dùng để chỉ:
(1) Tăng già lê, dịch ý là “đại y”, “tạp toái y”, “cao thắng y”… là y chính của tăng nhân, dùng mặc khi vào thành ôm bình bát khất thực, khi được mời vào vương phủ, hoặc khi đến dinh quan, y do từ chín đến hai mươi lăm miếng vải kết may lại mà thành, cho nên gọi là cửu điều y - y chín điều.
(2) Uất đa la tăng, dịch ý là “thượng y”, “trung giá y”, hoặc “nhập chúng y”, dùng đắp khi nghe giảng thuyết, lễ lạy, hoặc hành lễ bố tát, áo do từ bảy miếng vải kết may lại, cho nên gọi là thất điều y- y bảy điều.
(3) An đà hội, dịch ý là “nội y”, “trung y”, hoặc “ngũ điều y”, y năm điều là loại áo lót dùng mặc thường ngày, hoặc khoác, đắp khi đi ngủ.
Quy chế cắt may ba y có quy định rõ ràng. Lấy tấm vải lớn chia cắt thành những mảnh dài ngắn không đều nhau, kết may đường dọc trước, rồi quy định số đường ngang để kết may, do đó hình thành các dạng ô vuông như mảnh ruộng, bốn bên có may đường viền để phòng xơ rách, kiểu y theo dạng này gọi là phước điền y (áo ruộng phúc), công đức y (áo công đức), vô tướng y (áo vô tướng). Ngoài ra, còn có lối kết may y không theo quy định, tức là lấy vải xấu, nhớp, người khác vứt đi, thậm chí lấy vải cũ vứt lại ở mộ địa, hoặc vải bao thi thể, và cả vải cũ bị chuột gặm, đem về giặt sạch, sau đó kết may thành y phục, gọi là phấn tảo y11,. Đại đệ tử thượng thủ của đức Phật là ngài Đại Ca Diếp, hiệu xưng Đầu đà đệ nhất đã rất hoan hỷ mặc chiếc y phấn tảo này, từng được đức Phật khen ngợi.
11. Y phấn tảo- 糞掃衣: Phạm: Pàôsu-kùla. Pàli:Paôsu-kùla. Gọi tắt: Phấn tảo. Cũng gọi: Nạp y, Bách nạp y. Chỉ cà sa may bằng những chiếc áo vải đã rách bị bỏ trong đống rác, sau khi được nhặt và giặt giũ sạch sẽ. Cứ theo phẩm Giải đầu đà trong luận Thập trụ tì bà sa quyển 16, mặc áo phẩn tảo có 10 điều lợi là: 1. Biết hổ thẹn. 2. Phòng chống lạnh, nóng. 3. Biểu thị phép tắc của sa môn. 4. Trời và người cung kính. 5. Không ham đẹp, tốt. 6. Tùy thuận tịch lặng, không bị phiền não làm khốn. 7. Có điều xấu dễ thấy. 8. Không trang nghiêm bằng vật khác. 9. Tùy thuận Bát chính đạo. 10. Siêng năng tu đạo, không sinh tâm nhiễm ô.
Phật chế ra tam y là cách trang phục thống nhất cho đại chúng, từ tiểu sa di mới xuất gia đến đức Phật, vị thầy tôn kính của trời và người, đều mặc giống nhau, nó thể hiện rõ nguyên tắc “đối nội bình đẳng”. Dạng thức của tam y là sử dụng việc chia cắt áo ruộng phúc, nhằm tượng trưng tăng đoàn là mảnh ruộng phúc đức để cho nhân loại gieo trồng nhằm tăng trưởng thêm nhiều công đức. Đồng thời tam y còn có công dụng khác nữa là phân biệt rõ ràng với y phục của người tại gia, hay nói cách khác là lấy trang phục để nói lên thân phận của người xuất gia, thể hiện nguyên tắc “đối ngoại sai biệt”. Nhưng điều đáng tiếc là phần lớn khí hậu các khu vực ở Trung Quốc có bốn mùa rõ rệt, mùa đông lạnh lẽo, Phật chế tam y, đối với tăng nhân mà nói thì không thể chống lạnh được. Khí hậu Ấn Độ nóng bức, tam y vừa có thể tỏ rõ tăng tướng, lại vừa thực dụng, đủ để giữ ấm, nhưng ở Trung Quốc không thể thích nghi được.
Luật sư Đạo Tuyên đời Đường từng trú tại chùa Tây Minh ở Trường An, vào năm Hiển Khánh thứ tư (659) biên soạn sách “Thích môn chương phục nghi”, giải thích tường tận tên gọi của tăng y, căn cứ kinh điển, nêu cao ý nghĩa của phong tục tập quán thường dùng, và những phương cách cắt may, than thở chúng tăng thời mạt pháp, ăn thịt, mặc áo lụa, tùy theo sở thích mà khai chế việc cắt may, áo quần có dạng giống áo quần thế tục, thấy thật là đau lòng. Cho nên định lại quy chế, có căn cứ về thể thức và mở rộng, nhưng hiệu quả rất khiêm tốn. Đại sư Hoằng Nhất thời Dân Quốc tuân theo mẫu mực của luật chế Phật giáo là nghiêm khắc thực hành việc không lìa tam y [tam y bất ly], nhưng việc này không thể không tồn tại mãi mãi ở phương nam, nhất là vùng Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến; bởi vì ở đây khí hậu ấm áp, thích hợp cho cơ thể ốm yếu của ông cư trú, sinh hoạt, và hoằng pháp. Nhưng nếu tăng nhân toàn quốc đều thực hiện như vậy, thì rõ ràng không phù hợp thực tế.
Do đó, trong lịch sử Trung Quốc, vì tam y không thực dụng nên chỉ trong trường hợp thọ giới chẳng hạn, mới thỉnh thoảng dùng với tính chất tượng trưng. Đó tức là nghiêm túc tuân theo luật “tam y bất ly” (không được xa rời ba y), và luôn luôn đem theo ba y bên mình. Thực tế này chỉ là điều bất đắc dĩ, hoàn toàn không có nghĩa là tăng nhân Trung Quốc coi thường tam y, không tuân thủ quy chế của Phật. Tăng nhân thường lấy y cà sa khoác lên tăng phục (hải thanh: Áo tràng) sớm chiều, đọc kinh lễ Phật, hoặc xem kinh, hoặc đi dự các hoạt động Phật sự trọng đại. Nếu thường ngày đi làm việc nặng cũng mặc ba y thì dĩ nhiên không phù hợp, do vậy, cao tăng Chu Hoằng (1536-1635) cuối đời Minh cho rằng, chỉ cần hiểu rõ tâm ý ban đầu của đức Phật khi chế ra y phục thì có thể biết, trong sinh hoạt bình thường không cần phải câu nệ. Cà sa và y gọi chung là cà sa y12 (áo cà sa). Ngày thường thì mặc áo dài cổ tròn, và lịch sử y phục của người thế tục thì không sai khác bao nhiêu, về sau xuất hiện áo trên ngắn cổ tròn, nhưng so với y phục thế tục khác nhau cũng không nhiều lắm. Thời cận đại trở về sau, xét thấy tăng nhân Phật giáo có hiện tượng “y phục tùy phong tục quốc gia”, một số tăng nhân trẻ cấp tiến đề xướng cuộc vận động sửa đổi y phục của tăng. Đại sư Thái Hư được suy tôn là lãnh tụ tăng già hiện đại đã đích thân thảo ra quy chế y phục cho tăng nhân, một thời phát động sôi nổi, nhưng chưa thể tạo ra hiệu quả lâu dài, cộng thêm sự bảo thủ của một số nhân sĩ trong nội bộ Phật giáo - sự phản đối kịch liệt của các vị lão thượng tọa, cuối cùng cuốn cờ dẹp trống, chưa thể thực hiện, nhưng “mũ Thái Hư” do ông sáng chế đến nay vẫn còn được một số tăng nhân sử dụng.
12. Cà sa (袈裟) Phạm: Kawàya, Pàli: Kasàya hoặc Kasàva. Dịch ý: hoại sắc (màu xấu xí), bất chính sắc (không phải màu chính), xích sắc (màu đỏ), nhiễm sắc (màu nhuộm). Chỉ áo pháp của chư tăng.
Việc phân biệt y phục của tăng nhân với phục sức của người tại gia chủ yếu ở màu sắc và áo cà sa. Ba y dùng vải hoại sắc (tức vải không có màu chính thức, thường dùng hoại sắc để chỉ áo của tăng nhân, áo cà sa) may thành, nên thường gọi chung là cà sa. Cà sa nghĩa gốc là một thứ màu sắc, dịch là hoại sắc, hay là nhuộm màu, hay là màu đỏ… Rốt cuộc đó là màu gì? Thời Phật tại thế cũng không thống nhất. Sau khi Phật diệt độ, tăng y có màu đỏ, mà cũng có màu vàng, giáo phái khác nhau lại có những màu khác nhau, mỗi phái tùy phong cách của phái mình. Theo Nghĩa Tịnh, Huyền Trang nhìn thấy màu sắc của tăng y Ấn Độ thì đại để là “màu vàng đỏ” hoặc “màu vàng đỏ hòa trộn”. Hiện nay, tăng y của những quốc gia theo phái Nam truyền đồng loạt là màu vàng, tuy không nói chắc là do Phật chế định, nhưng cơ bản vẫn là màu phù hợp với áo cà sa.
Phật giáo Trung Quốc do từ Ấn Độ truyền sang, nhất là Phật giáo Bắc Ấn Độ và Phật giáo Tây Vực có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Lúc mới truyền nhập, họ của người xuất gia đều tùy vào sư trưởng, như họ Chi, Trúc, An, Khang… và màu sắc y phục của tăng nhân tự nhiên cũng tùy nghi thay đổi. Lúc bấy giờ học phái lớn nhất ở Bắc Ấn Độ là Thuyết Nhất thiết hữu bộ (gọi tắt là “Hữu bộ”), tăng lữ của học phái này đến Trung Quốc nhiều nhất, tăng y của họ mặc là màu đỏ, do đó người trong nước xuất gia cũng mặc tăng y màu ấy, và trong sử sách cũng ghi là “khoác vải đỏ”.
Về sau, thời kỳ Đông Tấn, Nam Bắc triều (265-589) lại lưu hành màu đen, màu tím sẫm, tức là màu đỏ nhạt pha đen đậm. Như thời Tống Văn Đế (407-453 Nam Bắc triều), bấy giờ tăng nhân Tuệ Lâm được mọi người gọi là “tể tướng áo đen” của núi rừng, đồng thời dùng hai màu đen - trắng để phân biệt Phật gia và Nho gia. Thời gian này, các sách giới luật Phật giáo như “Tứ Phần luật’, “Ngũ Phần luật”, “Tăng Kỳ luật”, “Thập Tụng luật”… lần lượt được truyền sang, trong đó trình bày màu y phục cũng có chỗ sai khác, nhưng màu sắc không lệch nhau lắm. Cho nên màu sắc của Tăng nhân Trung Quốc đến nay vẫn là màu đen, trắng và màu vàng, nguyên nhân là từ đó.
Thời Võ Hậu đời Đường, tăng nhân Pháp Lang có công lớn dịch “Đại Vân kinh” được vua ban áo cà sa màu tía. Màu đỏ chuẩn, màu tím là màu sắc phục thường dùng của sĩ đại phu. Quy chế ban màu tía như vậy của triều đình kéo dài mãi cho đến đời Tống. Màu tía không thuộc màu chính, trong giới tăng lữ Ấn Độ ít thấy dùng màu này, có vi phạm quy chế Phật giáo hay không thì khó mà đoán định. Từ đó, ta có thể thấy màu sắc y phục của tăng nhân cũng chịu ảnh hưởng của nhân tố ngoại lai.
Đến triều đại nhà Nguyên, Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt từng ban áo cà sa màu đỏ cho thầy giảng kinh, đó là lý do y phục màu đỏ của tăng nhân. Tiếp theo triều Minh, chính phủ từng đưa ra biện pháp chỉnh lý quy chế Phật giáo, chia tăng nhân thành các hạng như thiền tăng, giảng tăng, Du già tăng; đồng thời quy định “thiền tăng áo vàng, giảng tăng áo đỏ, Du già tăng áo màu xanh nhạt”. Như vậy, phục sức của tăng nhân đã có những thay đổi mới lạ.
Nói tóm lại, màu sắc trang phục của tăng nhân Trung Quốc tuy trải qua nhiều thay đổi, nhưng không vượt ra khỏi giới hạn ba màu đỏ, vàng, đen, và trở thành những màu cơ bản về sắc phục của tăng nhân thời cận đại. Ví như vị phương trượng khoác y cà sa đỏ, còn tăng chúng nói chung mặc áo tràng vàng rộng tay, hoặc áo tràng đen rộng tay. Đôi khi, cũng có tăng nhân mặc áo tràng tím rộng tay, hoặc khoác y cà sa màu tím, nhưng không phổ biến như ba màu đỏ, vàng, đen.
Bách Trượng thanh quy