Không phải ai cũng có thể làm những việc lớn lao, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ bé với tình yêu vĩ đại.
- Mẹ Teresa
Năm 1980, một cuộc điện thoại xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mất khoảng năm đô-la một phút. Không có nhiều thời gian để nói nhiều hơn một câu “Chúc mừng sinh nhật” hay “Em nhớ chị” ngắn gọn. Làm thế nào mà tôi và chị vẫn gắn bó khi tôi sống quá xa?
Chị tôi và ba anh em trai tôi đã sống qua một tuổi thơ náo nhiệt trong một nhà dòng Victorian cổ kính ở trung tâm thị trấn New England. Ann là một người chị cả đáng kính và suốt bao nhiêu năm tháng, chị đã vỗ về chúng tôi, ngợi khen chúng tôi và chỉnh đốn tiếng Anh của chúng tôi. Chị cũng đưa tôi đến xem buổi diễn của nhóm The Beatles, cho tôi lời khuyên về những cô gái và có một thời gian, chị thậm chí còn giả bộ thích The Three Stooges(*). Tóm lại chị luôn bên chúng tôi. Một tấm hình chụp gia đình có cảnh chị đang bế tôi, khi đó còn chập chững, lên hòm thư để tôi cho thư vào thùng. Chúng tôi tin rằng mình sẽ “mãi ở bên nhau cho đến khi số phận chia cắt” như lời một bài hát Giáng sinh. Tuy nhiên, số phận lại không quá tử tế như thế. Tình yêu dành cho một cô gái Thụy Sĩ đã chia cắt tôi khỏi gia đình và mái nhà, đưa tôi đến một thế giới của ngân hàng và đồng hồ và những cuộc điện thoại năm-đô-la-một-phút. Đó là một lựa chọn đau lòng và sự thích nghi cũng thật khó khăn. Tuy vậy, vượt qua tất cả, chị tôi đã dệt nên phép màu.
Trước thời đại của thư điện tử, fax, phòng tán gẫu, tin nhắn và điện thoại di động, chị trò chuyện với tôi thường xuyên qua phương thức duy nhất khả thi – những bức thư dài đầy yêu thương và một tấm thiệp dễ thương vào ngày sinh nhật tôi. Mỗi ngày tôi đều kiểm tra thùng thư xem có dấu hiệu nào của chiếc bao thư viền xanh đỏ có in chữ “par avion”(*) không. Chúng tôi chia sẻ mọi thứ về tình yêu, cuộc sống và tiếng cười và, quan trọng hơn hết là, bày tỏ sự mến yêu của mình cho nhau. Cách xa hàng ngàn dặm, chị tiếp tục vỗ về, ngợi khen và chỉnh đốn tôi.
(*) Tiếng Pháp, nghĩa là “By air” – chuyển bằng đường hàng không.
Bỗng một ngày kia, tôi không nhận được thư nữa. Tôi đã nói gì sai chăng? Mỗi ngày trôi qua tôi càng thêm căng thẳng khi thùng thư không có bức thư par avion nào. Tôi có gọi điện thoại nhưng cũng không ai trả lời. Rồi một hôm, tôi nhận ra tình yêu của một người chị có thể mạnh đến mức nào. Khi tôi trở về nhà sau khi ghé cửa hàng bách hóa, tôi chết lặng không thốt nên lời khi thấy chị đứng trước cửa tòa nhà nơi tôi ở. Chị đã bay từ Massachusetts đến Zurich để gây ngạc nhiên cho tôi vào dịp sinh nhật của tôi. Chị trao cho tôi một tấm thiệp và nói: “Chị muốn tận tay trao cái này”. Chúng tôi chìm đắm trong cảm xúc dâng tràn. Hôm ấy, chúng tôi nhận ra rằng thời gian và không gian không thể sánh với tình chị em được.
Giờ đây, sau hai mươi năm, tấm thiệp ấy được trang trí trong văn phòng tôi ở Thụy Sĩ. Giữa những thiết bị văn phòng lạnh lẽo là một lời nhắc nhở ấm áp về ý nghĩa của một người chị. Lúc này đây, tôi cầm tấm thiệp trong tay và đọc lại lần nữa: “Cách xa hàng ngàn dặm, trái tim chị vẫn mãi bên em”. Tôi mỉm cười và thì thầm: “Chị Annie”.
- Arthur Bowler