“Kẻ yếu không bao giờ biết tha thứ
Sự tha thứ là biểu tượng của sức mạnh.”
- Mohandas Gandhi
Có thể nói, đa số nỗi đau mà bạn phải gánh chịu ngày hôm nay đều bắt nguồn từ những gì bạn đã trải qua trong quá khứ. Đó có thể là một chấn thương mà bạn gặp phải khi lên sáu, khiến bạn không thể tham gia vào bất kỳ môn thể thao nào sau này, hoặc đó cũng có thể là một lời nhận xét thô bạo của ai đó khiến bạn đánh mất niềm tin vào bản thân. Trong những trường hợp này, điều tốt nhất mà bạn có thể làm là hãy để nó lùi vào quá khứ, và cố gắng sống trọn vẹn với ngày hôm nay.
Cách “quan tâm” đến quá khứ tốt nhất mà bạn nên làm là tha thứ cho tất cả lỗi lầm của bản thân cũng như của những người xung quanh. Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng tôi tin rằng, một khi đã cố gắng thực hiện thì những nỗ lực của bạn sẽ được đền bù xứng đáng. Việc tha thứ sẽ giúp bạn tránh những bực dọc không đáng có, giảm nguy cơ stress và tăng cường sức khỏe.
Ngày nay, “tha thứ” trở thành một trong những đề tài được giới truyền thông quan tâm nhiều nhất. Câu chuyện về Nelson Mandela, Tổng thống Nam Phi, đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, ông đã phải ngồi tù đến 27 năm, chịu đủ mọi khổ hình. Thế nhưng, trong lễ nhậm chức Tổng thống Nam Phi, ông đã mời cả những người cai tù tới dự.
Catherine Ponder cho rằng, tha thứ là nghệ thuật có thể giúp con người trở nên giàu có. Nhưng tha thứ còn là nghệ thuật của tâm hồn. Nó giúp chúng ta sống một cuộc đời thanh thản và hạnh phúc. Dưới mọi khía cạnh, sự tha thứ luôn mang lại những lợi ích thiết thực và lâu dài mà tất cả chúng ta đều khao khát có được.
Tôi quyết định học cách sống vị tha và bao dung. Tôi tự hỏi mình cần tha thứ cho những ai đã làm tổn thương mình trong quá khứ. Và tôi lập tức nghĩ đến hai người đã lừa tôi một khoản tiền không nhỏ, đẩy tôi vào tình thế khó khăn suốt một thời gian dài.
Tuy vậy, từ sâu thẳm lòng mình, tôi hiểu rằng tha thứ cho một ai không có nghĩa là bạn im lặng trước những tổn thương họ đã gây ra cho mình. Tha thứ nghĩa là bạn phải trút bỏ cảm giác khó chịu trong lòng cũng như không được đổ lỗi cho người khác vì những sai lầm mà bạn mắc phải trong cuộc sống. Khi đổ lỗi cho hai người đã lừa tiền mình, tôi đã không nghĩ tới trách nhiệm của bản thân. Trước đây, tôi đã đưa tiền cho họ và bây giờ lại để họ quyết định hạnh phúc của mình. Và tôi tự hỏi liệu có cần thiết kéo dài “nỗi đau” này như vậy không!
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tha thứ sẽ rút ngắn thời gian đau khổ, giảm khả năng gây stress, tăng thêm năng lượng, giúp con người cải thiện tinh thần để sống một cuộc đời tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết.
Susan Brandis Slavin, tác giả câu chuyện sau đây, cho rằng việc nhìn lại quá khứ không đơn thuần chỉ là loại bỏ cảm giác lo lắng trong lòng mình mà còn hơn thế nữa. Câu chuyện của cô ấy giúp chúng ta hiểu rằng: “Tha thứ là trả tự do cho chính mình” .
Sự “trả thù” ngọt ngào
Tôi sinh ra trong một gia đình không bình thường. Cha tôi mắc chứng nghiện rượu nên cơ thể ông lúc nào cũng run rẩy, còn mẹ tôi thì mắc bệnh hoang tưởng. Thế nhưng, đó chưa phải là điều tệ hại nhất. Lớn lên trong môi trường này, em gái tôi – Dolly – đã bị trầm cảm dù trước đây, con bé là một đứa trẻ rất dễ thương. Điều đáng nói là chúng tôi không biết phải làm sao trước những hành động bất thường của em.
Năm tôi 13 tuổi, cha tôi quyết định chuyển đến Los Angeles với hy vọng có thể tìm được một công việc như ý. Tôi ủng hộ quyết định của cha vì tin rằng khi đến thành phố này, tôi sẽ có điều kiện trở thành một diễn viên nổi tiếng. Nhưng Dolly lại muốn cùng mẹ ở lại Chicago - và con bé đã có được điều nó muốn. Tôi đến Los Angeles với cha trong tâm trạng lo lắng pha lẫn sợ hãi. Thế nhưng, vì chương trình đào tạo diễn viên ở trường đã được sắp xếp nên tôi không thể trở về Chicago được. Trong năm học đầu tiên, tôi được một đạo diễn nổi tiếng Hollywood chọn vào một bộ phim của ông, sau khi xem một vai diễn nhỏ của tôi trong vở kịch Nhật ký Anne Frank ở trường. Trong suốt thời kỳ trung học, tôi đã tham gia khá nhiều bộ phim và chính thức trở thành một diễn viên chuyên nghiệp.
Hai năm sau, mẹ và em tôi từ Chicago đến Los Angeles. Tôi hy vọng thành quả của mình sẽ được mẹ chú ý. Thế nhưng, bà chẳng mảy may quan tâm đến cuộc sống của tôi cũng như những gì tôi đã đạt được trong hai năm qua. Nhập vai trở thành lối thoát duy nhất để tôi quên đi nỗi cô đơn đang phủ vây tâm hồn mình. Chính điều đó đã giúp tôi diễn xuất tốt và có chiều sâu hơn so với tuổi của mình. Cuối năm đó, tôi đã có trong tay một bộ sưu tập những giải thưởng điện ảnh. Đối với tôi, chúng là bằng chứng sống động giúp tôi tin rằng mình là một người có giá trị.
Một ngày nọ, tôi trở về nhà và phát hiện ra những chiếc cúp của mình bỗng tự dưng biến mất. Tôi cuống cuồng tìm và nhìn thấy những mảnh thủy tinh vương vãi khắp sàn nhà. Tôi hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra.
- Dolly đã làm gì với chúng? Tại sao mẹ không ngăn em ấy lại? - Tôi bắt đầu mất bình tĩnh và không kiểm soát được bản thân.
Tôi hét lên trong tuyệt vọng, bật khóc nức nở. Đến khi ngẩng lên, tôi nhìn thấy Dolly đứng bên mẹ. Con bé nhìn tôi với nụ cười mãn nguyện, đầy vẻ giễu cợt. Tôi biết mình không thể làm gì được nó vì mẹ tôi đang ở đó. Tôi tuyệt vọng suy nghĩ: “Dù sao thì cũng chẳng ai quan tâm đến những vấn đề của mình mà!”.
Tôi đứng lên. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm nhận được sức mạnh của sự giận dữ lạnh lùng. Tôi tự nhủ sẽ đóng chặt trái tim mình với họ và nhất định phải thành công. Một ngày nào đó, tôi sẽ gây cho họ những khó khăn, phiền phức tương tự như những gì họ đã gây ra cho tôi ngày hôm nay. Tôi sẽ khiến cho họ phải hối hận vì cách đối xử với tôi hôm nay.
Vài tháng sau, tôi tốt nghiệp và lập tức chuyển đến New York. Tôi lao vào làm việc với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mới, và cũng để quên đi những bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Tôi phát hiện ra những tiềm năng khác trong con người mình và dần khẳng định được tên tuổi trong làng nghệ thuật. Càng nỗ lực, tôi càng cảm nhận được ý nghĩa của công việc mà mình đang theo đuổi.
Mối quan hệ của tôi ngày càng mở rộng. Tôi kết giao với nhiều người, đa số là người làm nghệ thuật. Chúng tôi chia sẻ với nhau những ý tưởng mới trong công việc, cả những khó khăn trong cuộc sống. Một thời gian sau, chúng tôi cùng nhau lập nên trường đào tạo diễn viên ở Carnegie Hall. Tôi cũng bắt đầu viết kịch bản và sản xuất những vở kịch. Càng ngày, trường của chúng tôi càng nổi danh trong làng giải trí.
Dù liên tiếp gặt hái thành công nhưng hầu như lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi quãng thời gian tồi tệ mà mình đã trải qua trước đây. Lòng tôi vẫn không thôi lo lắng khi nghĩ về mẹ và Dolly. Mười hai năm qua, mẹ vẫn túc trực bên Dolly và chăm sóc nó một cách đặc biệt. Mẹ tôi đáp ứng tất cả những yêu cầu của nó, bất kể chúng có chính đáng hay không. Tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với con bé khi mẹ tôi qua đời. Một nỗi sợ hãi khác đang dần hình thành bên trong con người tôi.
Rồi cái ngày đó cũng đến. Mẹ tôi bị ốm và phải vào viện điều trị. Lần đầu tiên trong đời, Dolly phải tự chăm lo cho bản thân. Tôi cố gắng thuyết phục mẹ hãy để Dolly đến New York sống nhưng bà không đồng ý. Tôi không biết liệu mẹ sẽ chăm lo cho con bé như thế nào trong những ngày tới.
Rồi một ngày, Dolly gọi điện thoại cho tôi và yêu cầu tôi giúp đỡ. Tại sao lại là tôi? Tại sao con bé lại cần đến người mà nó đã muốn rời bỏ nhiều năm về trước? Dolly nói với tôi là nó rất sợ mẹ mất, và giờ nó chẳng còn nơi nào nương tựa. Tôi vừa muốn giúp đỡ Dolly, nhưng vừa sợ phải chịu trách nhiệm chăm sóc nó cũng như những hành động bất thường của nó.
Vài ngày sau, mẹ tôi qua đời. Dolly đã không đủ can đảm để tới dự đám tang mẹ. Tôi lái xe tới nhà con bé trong cảm giác căng thẳng tột độ.
Tôi thật sự bị sốc khi nhìn thấy Dolly. Nó khác xa với những gì tôi hình dung trước đây. Cách chăm sóc thiếu khoa học của mẹ tôi đã khiến nó mập một cách khác thường. Nó không đủ sức khỏe để làm bất kỳ điều gì. Khi Dolly đưa ghế và mời tôi ngồi, một cảm giác gần gũi bỗng xuất hiện trong tôi. Tôi cố gắng thuyết phục Dolly nói ra những vướng mắc trong lòng để giúp nó cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng con bé không muốn nói nên tôi im lặng suy ngẫm về những việc mình có thể làm cho nó.
Việc đầu tiên mà tôi cần phải làm là dẫn Dolly đi mua một căn hộ. Nhưng vì Dolly chưa sẵn sàng rời căn phòng của nó nên tôi tự đi tìm. Song, hết lần này đến lần khác, con bé viện đủ lý do để từ chối.
Ngày cuối cùng ở Los Angeles, tôi đã tìm được một căn hộ rất tuyệt vời và cố gắng thuyết phục Dolly đến xem. Căn hộ nhỏ được bài trí rất khéo và khá sạch sẽ. Tôi biết Dolly sẽ đồng ý mua căn hộ vì con bé không còn sự lựa chọn nào khác. Nó không có khả năng thanh toán tiền mua nhà.
Dolly ngồi trên giường, nhìn quanh ngôi nhà với cảm giác thích thú. Thế nhưng, khi người quản lý khu căn hộ nói “Phòng tắm của cô ở dưới đại sảnh. Cô sẽ chia sẻ nó với người phụ nữ ở căn hộ đối diện”, Dolly lắc đầu và nói “không” với giọng rất yếu ớt. Tôi biết con bé không thích việc này. Xưa nay, nó chưa từng phải chia sẻ với ai bất kỳ điều gì. Tôi im lặng nhìn Dolly rồi nói:
- Dolly, chị phải trở về New York tối nay. Em sẽ phải tự sắp xếp cuộc sống của mình ở đây.
Đột nhiên, tôi nghĩ đến những rủi ro có thể xảy đến với con bé khi phải sống một mình. Cảm giác lo sợ ập đến. Không kiềm chế được, tôi bật khóc:
- Chị luôn lo sợ khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra với em khi mẹ qua đời. Chị chỉ muốn em được an toàn và sống thoải mái thôi. - Tôi bước đến bên Dolly, ôm lấy vai nó.
Dolly ngước nhìn tôi, vẻ bối rối. Sau một hồi im lặng, con bé hỏi:
- Tại sao chị lại quan tâm đến em nhiều như vậy?
Thế rồi Dolly ôm lấy tôi, cái ôm thật chặt. Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợi dây kết nối tình thương giữa hai chị em tôi lại chặt chẽ và thân thiết đến vậy.
Sau đó, tôi đến siêu thị sắm sửa đồ đạc cho Dolly. Trở về, tôi cần mẫn trang hoàng lại căn hộ. Tôi treo một bức tranh bông hồng đỏ thắm trên tường và đặt bức hình của mình bên cạnh bức hình của Dolly để con bé không cảm thấy cô đơn.
Dolly ngồi trên giường quan sát tôi làm việc. Cuối cùng, con bé nói bằng giọng chậm rãi:
- Em rất cảm động trước sự quan tâm của chị. Cảm ơn chị về mọi thứ.
Tôi ôm chặt con bé trong vòng tay, cảm động đến mức không nói nên lời.
Đã hơn ba năm kể từ ngày Dolly bắt đầu có cuộc sống riêng, mặc dù vẫn còn sợ hãi về mọi thứ nhưng nó đã biết tự chăm lo cho mình cũng như ứng phó với các khó khăn trong cuộc sống. Những cuộc điện thoại giữa hai chị em tôi diễn ra thường xuyên hơn và cũng cởi mở hơn.
Không ít lần tôi bật khóc trước sự thay đổi tuyệt vời của Dolly. Dần dần, tôi nhận thấy có một cảm giác tuyệt vời đang lớn dần trong mình. Rồi tôi hiểu ra rằng, chỉ có tình yêu và sự bao dung mới có thể mang đến cho con người cảm giác hạnh phúc vững bền như thế.
Vậy là cuối cùng, tôi cũng có được sự “trả thù” như mong đợi! Nhưng trước đó, tôi không nghĩ rằng nó lại quá ngọt ngào đến vậy.