“Nếu bạn đang đau buồn vì một điều gì đó tác động từ bên ngoài thì nỗi đau đó là do chính bạn cảm nhận, chứ không phải do khách quan.
Vì thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng cần có sức mạnh để vượt qua nỗi đau đó.”
- Marcus Aurelius
Hẳn đa số chúng ta đều đã từng có ước mơ thay đổi thế giới hoặc đóng góp sức mình vào việc thay đổi nó. Để làm được điều này, bạn có thể tham gia vào một tổ chức nhân đạo, từ thiện nào đó, hoặc tham gia đấu tranh chống lại điều bất công trong cuộc sống. Nhưng có một điều quan trọng mà bạn cần phải nhớ là, muốn thay đổi thế giới thì trước hết, bạn phải thay đổi bản thân mình.
Tôi được biết ở Hawaii có một phương pháp chữa bệnh mang tên là ho áoponopono. Đây là phương pháp mà một bác sĩ chuyên khoa thần kinh dùng để chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần. Thay cho những phương pháp điều trị thông thường, vị bác sĩ này bỏ ra hàng giờ để nghiên cứu hồ sơ bệnh án của từng người rồi tìm ra cách chữa trị hợp lý nhất cho họ. Ông đặt mình vào vị trí của người bệnh để nắm bắt diễn biến tâm lý phức tạp của họ. Sau đó, ông nói với họ những từ ngữ nhẹ nhàng, đầy tình yêu thương như: “Tôi xin lỗi”, “Tôi yêu bạn”...
Ban đầu, tôi cảm thấy hoài nghi về hiệu quả của phương pháp điều trị mới mẻ này. Nhưng chỉ vài tháng sau, mọi nghi ngờ trong tôi đều đã được giải tỏa. Nếu trước đó, nhiều bệnh nhân cần phải điều trị biệt lập thì bây giờ, họ được ra ngoài. Trong khi đó, một số bệnh nhân khác không cần uống thuốc nữa. Nói về phương pháp điều trị này, vị bác sĩ đó giải thích:
- Phương pháp ho áoponopono giúp các bệnh nhân nhận biết và phản xạ có điều kiện đối với một vài tác nhân có thể chữa lành vết thương trong đời sống tinh thần cũng như tình cảm của họ.
Những tác nhân này sẽ gợi nhắc đến những ký ức tốt đẹp của bệnh nhân và giúp họ dần phục hồi trí nhớ. Mục đích của phương pháp ho áoponopono là giúp bệnh nhân tự điều chỉnh hành vi của mình.
Khi gặp phải một rắc rối nào đó, đa số chúng ta thường quen nghĩ đến lợi ích của mình đầu tiên, dù có phải đổ lỗi cho người khác chăng nữa. Bạn có cho rằng những việc xảy ra trong cuộc sống của bạn, cả xấu lẫn tốt, đều phản ánh bản thân bạn? Nếu chấp nhận giả thiết đơn giản này, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa trong lời bài hát này: “Hãy mang lại hòa bình cho trái đất và để làm được điều đó, hãy bắt đầu từ chính mình”.
Không có nơi nào khác hoặc thời điểm nào khác thích hợp hơn để bắt đầu thay đổi. Hãy bắt đầu từ chính giây phút này và chính ở bản thân mình, như Colin D. Mallard trong câu chuyện sau đây.
Giây phút thử thách
Đó là một trong những cuộc đấu tranh lớn nhất của học sinh, sinh viên ở Boston. Hàng ngàn sinh viên đã xuống đại lộ Commonwealth để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Đông Nam Á. Số lượng học sinh, sinh viên tăng lên nhanh chóng. Họ chiếm đóng các đường phố với những bức tranh cổ động lớn được giăng lên với các dòng chữ: “Hãy chấm dứt chiến tranh!”, “Hãy biến khỏi Đông Dương!”, “Hãy dùng tình yêu thay cho bạo lực”…
Tôi tốt nghiệp trường đại học Thần học Boston - nơi mà Martin Luther King, Jr. đã học - vào năm 1969, năm của những phong trào đấu tranh. Khi phong trào đấu tranh đòi quyền công dân và phong trào phản chiến kết hợp lại với nhau thì rất khó để có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra. Thái độ của tôi đối với cuộc chiến tranh ở Đông Dương là hết sức rõ ràng. Khi còn nhỏ, tôi sống ở nước Anh cùng với đại gia đình. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về Thế chiến thứ nhất và hậu quả của nó. Tôi được nghe kể về cách đào hầm, tránh bom cũng như các loại khí độc. Tôi còn nghe những câu chuyện cảm động về sự sống, cái chết và những cuộc hạnh ngộ bất ngờ. Chính vì thế, trong tâm trí tôi, chiến tranh là một hành động phi nghĩa và tang thương. Thế nhưng, mặc dù phản đối chiến tranh, tôi lại không tin vào chủ nghĩa hòa bình, khi mà nó không thể giải quyết được những bất đồng đang diễn ra trên thế giới. Vì thế, khi chiến tranh ở Đông Dương nổ ra, tôi đứng ngoài mọi cuộc biểu tình.
Khi đó, Boston là thành phố có số lượng học sinh, sinh viên phản chiến đông nhất thế giới, và tôi thật sự lo sợ khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở đại lộ Commonwealth. Cảnh sát hiện diện khắp nơi. Họ đi bộ, cưỡi ngựa hoặc chạy xe máy trấn áp dòng người biểu tình. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những chiếc xe quân đội càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng. Số lượng người tham gia vào phong trào đấu tranh này vượt xa sự tưởng tượng của tôi. Một lãnh đạo cấp cao của phong trào sinh viên có bài diễn thuyết quan trọng về hòa bình. Tuy nhiên, khi nhận thấy sự nguy hiểm đang rình rập xung quanh, ông đã đề nghị đám đông rút lui trong trật tự. Ông cho rằng việc sử dụng bạo lực trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh như thế này sẽ mang lại những điều tiếng không hay. Đám đông bắt đầu giải tán.
Thế nhưng, một cuộc đụng độ với cảnh sát và các lực lượng vũ trang đã xảy ra trong quá trình giải tán. Vài sinh viên chấp nhận chịu đòn để giải thoát cho những người khác. Tôi nhìn thấy một nữ sinh viên khoảng 20 tuổi đang chạy vội về một góc phố, phía sau cô là một người đàn ông cầm gậy tuần tra hùng hổ đuổi theo. Tôi chạy theo với ý định chụp lấy cây gậy nhưng không kịp. Rồi tôi nghe thấy một tiếng thét vang lên, và người con gái quỵ xuống. Tôi giằng lấy cây gậy, tức giận đến mức chỉ muốn giết chết gã đàn ông ngay tức khắc. Thế nhưng, ngay lúc đó, tôi nghe thấy một tiếng nói khác cất lên trong lòng mình. Bảo vệ lẽ phải là điều nên làm, nhưng điều đó không có nghĩa là mình được quyền hành động nông nổi. Tôi tiến về phía người đàn ông đó nhưng từ bỏ ý định giết hắn.
Lúc đó, tôi bỗng nhìn thấy mình trong một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, đồng thời hiểu được những vấn đề mà trước đó mình luôn thấy hoài nghi. Chúng tôi, những người phản đối chiến tranh sẽ không thể lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa hòa bình bằng những hành động giết chóc của mình được. Trong nhiều năm, tôi tự hào mình là người biết tự chủ tốt hơn những người khác. Số người biện minh cho chiến tranh và bạo lực chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng sẽ ra sao nếu tôi giết chết người đàn ông kia? Chắc chắn tôi sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Và điều quan trọng là sau hành động đó, tôi sẽ chẳng khác gì những con người mà trước nay tôi đã từng khinh bỉ.
Từ việc nhận thức về chính bản thân và thông suốt được những gì đang diễn ra trong mình, tôi hiểu được những người xung quanh. Trong thời gian ở Boston, tôi không những hiểu được nguồn gốc của chiến tranh mà còn cả nguồn gốc của hòa bình.