“Sự khác biệt giữa cỏ dại và một bông hoa là do sự phân biệt của con người.”
- Khuyết danh
Có một khác biệt lớn giữa cảm tính và sự phán xét.
Cảm tính là cảm giác tự nhiên khi ta thích hoặc ghét một người, một điều gì đó mà không cần biết lý do của nó là gì. Trong khi đó, phán xét là việc xét đoán một vấn đề nào đó sau khi đã có những hiểu biết ban đầu về nó. Xúc cảm là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt giữa cảm tính và sự phán xét. Tuy nhiên, sự phán xét thường gắn với các xúc cảm âm tính như giận dữ, trách mắng hay bực bội.
Khi đối diện với nghịch cảnh hoặc một vấn đề nào đó không như ý, bạn sẽ nhận thấy những xúc cảm âm tính đang trào dâng trong mình. Những cảm xúc này sẽ hình thành nên nhu cầu phản kháng lại các nguy cơ đang có khả năng đe dọa bạn. Có thể lúc đó, bạn sẽ có những hành động đáng tiếc mà một khi suy nghĩ lại, bạn sẽ ước giá như mình đã không hành động như vậy.
Nhưng vấn đề ở đây chính là: cảm xúc rất khó kiểm soát. Có thể bạn sẽ cảm thấy tổn thương khi bị một ai đó xúc phạm, hoặc những nỗ lực của bạn không được ghi nhận xứng đáng, và khi đó, bạn sẽ khó kiềm chế được cảm xúc của mình. Tuy nhiên, có một cách có thể giúp bạn làm chủ được cảm xúc của mình: chỉ nói hoặc hành động khi đã thật bình tĩnh.
Việc nói ra những điều muốn nói có thể sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, và cho bạn thấy rằng im lặng chỉ sẽ thể hiện sự sợ hãi hoặc yếu đuối của mình. Nhưng điều quan trọng là lúc đó, bạn đang dành thời gian để nắm bắt cảm xúc của mình và biết rõ những gì đang diễn ra bên trong con người bạn. Vì thế, nhiệm vụ của bạn là phải xác định được khi nào nên nói, khi nào thì không.
Lần nọ, một cộng tác viên đã quyết định ngừng cộng tác với tôi khi cuốn sách của chúng tôi chỉ còn phần cuối cùng. Ngày hôm sau, bài viết mà tôi yêu cầu cô ta viết đã xuất hiện trên một tờ báo điện tử. Lúc đó, tôi rất tức giận và tự hỏi tại sao cô ta lại hành động như vậy. Tại sao cô ta không đợi cho đến khi cuốn sách của tôi được xuất bản rồi hãy phổ biến trên các phương tiện truyền thông khác?
Dù rất giận dữ nhưng tôi quyết định không tỏ thái độ gì cho đến khi sự bực mình lắng xuống. Sau đó, tôi nhận ra sai lầm của mình khi ngày trước không yêu cầu cô ta thỏa thuận một cam kết về việc bảo mật. Khi bình tĩnh trở lại, tôi thấy mình không cần phải nói thêm bất kỳ điều gì với cô ta nữa. Tôi có thể phản đối cô ta, nhưng điều đó cũng không giúp khắc phục được những thiệt hại mà cô ta đã gây ra.
Câu chuyện dưới đây của Yaniyah Pearson sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về lợi ích cũng như những bài học tích cực của sự va chạm trong cuộc sống. Nó cũng giúp ta nhận ra rằng: Tất cả chúng ta đều có những điểm giống nhau về phương diện tình cảm.
Nhịp điệu
Đó là một chuyến đi dài của tôi với bốn chàng trai trẻ. Chúng tôi đang trên đường đến Washington D.C để tham dự buổi họp mặt của những thủ lĩnh trẻ tuổi thuộc chương trình YouthBuild – một chương trình quốc gia nhằm giúp đỡ các thanh thiếu niên đường phố sớm hòa nhập cộng đồng, tư vấn hướng nghiệp, cung ứng việc làm cũng như các vấn đề về tình yêu, hôn nhân, gia đình cho họ.
Tôi bắt đầu chuyến đi này trong cảm giác lo lắng, dù trước đó đã có 5 năm tham gia chương trình YouthBuild ở Brooklyn, New York. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng bắt đầu chuyến đi với sự nhiệt tình cao nhất. Thế nhưng, lòng nhiệt tình của tôi đã giảm sút đáng kể khi nảy sinh nhiều vấn đề không như ý trên đường đi, bắt nguồn từ sự khác nhau về sở thích âm nhạc.
Sau khi xuất phát hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, tôi bỗng cảm thấy lạc lõng vô cùng, thậm chí còn cảm thấy bị hành hạ bởi âm điệu của một bài nhạc hip-hop có nhan đề và lời hát khá tục tĩu. Tuy nhiên, tôi biết mình sẽ không thể thoát khỏi tình cảnh này nên cố chịu đựng, chỉ biết thở dài khi nghĩ tới khoảng cách giữa tôi với những thanh niên kia.
Mặc dù tất cả chúng tôi đều là người Mỹ nhưng tôi may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả và được hưởng một nền giáo dục tốt. Trong khi đó, đa số những thanh niên ở đây lại phải trải qua tuổi thơ khá sóng gió. Họ phải nghỉ học giữa chừng, vật lộn với nghèo đói, bệnh tật và bạo lực. Vì thế, mục đích của tôi là giúp họ lấy lại được niềm tin trong cuộc sống, cũng như giúp họ tạo dựng một tương lai tốt đẹp nhất có thể.
Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng không phải lúc nào tôi cũng cố gắng rút ngắn khoảng cách này. Có lúc, tôi đã bắt họ phải học và làm theo cách của tôi. Đôi lúc, tôi còn bắt họ thay đổi cách nói năng cũng như phải biết chịu đựng sự phê phán của người khác.
Tiếng nhạc xập xình bên tai đưa tôi về hiện tại. Tôi đau đầu đến mức có cảm giác như sắp nổ tung vì nhịp điệu của bài hát. Vừa lúc đó, một cậu thanh niên đến thay đĩa mới và thật may, đó chính là dòng nhạc mà tôi yêu thích. Tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều và quay sang hòa nhập với không khí sôi nổi đang diễn ra xung quanh. Chúng tôi cùng nhau ca hát, vui đùa và bàn luận về những nội dung chính của đại hội. Nhiệm vụ của tôi tại đại hội lần này là khuyến khích những người lãnh đạo trẻ của Youthbuild hoàn thành nhiệm vụ của họ. Tất cả những gì tôi cần làm là lắng nghe và bày tỏ sự đồng cảm của mình đối với những khó khăn và thử thách mà họ đang phải đối mặt.
Hội nghị lần đó đã diễn ra hết sức sôi nổi. Chúng tôi cởi mở với nhau hơn và cùng nhau bàn luận cách thức để phong trào YouthBuild trở nên phổ biến hơn trong giới trẻ. Giữa chúng tôi đã xuất hiện một sợi dây vô hình gắn kết tất cả lại thành một khối thống nhất. Khi tranh luận về vai trò của những người lãnh đạo trẻ, tôi cố gắng tập trung vào các tiêu điểm chính và đưa ra những đánh giá cụ thể nhất. Tôi trình bày và lý giải về trường hợp những thanh niên bất mãn để các lãnh đạo trẻ có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm thiết thực nhất.
Tôi thấy rõ trách nhiệm và tình cảm mà mình dành cho những thanh niên này. Tôi bỗng muốn được thể hiện tình cảm yêu thương đang dâng đầy trong lòng. Sau cuộc hội thảo, chúng tôi có ba ngày để cùng nhau vui chơi, sinh hoạt tập thể. Và tối hôm qua, mong muốn của tôi đã trở thành sự thật. Chúng tôi được mời tới buổi hòa nhạc mang tên “Cùng hòa nhịp”. Chương trình này được diễn ra tại một khách sạn khá lớn với sự tham gia của nhiều ca sĩ trẻ. Họ hát những bài hát truyền thống của Mỹ cũng như rất nhiều bài nhạc hiện đại đang thịnh hành. Và xuyên suốt buổi hòa nhạc hôm đó là những bài nhạc hip-hop của Mỹ – một dòng nhạc bị rất nhiều người Mỹ chán ghét. Thế nhưng, nhìn sự hân hoan của những thanh niên đường phố khi được biểu diễn trước đám đông, tôi đã bật khóc.
Một nhóm thanh niên gồm mười người thuộc nhiều dân tộc khác nhau đã đứng thành một vòng tròn với nhiều tư thế. Họ tranh luận với nhau về cách chơi chữ rồi ứng khẩu với nhau về những vấn đề quan tâm – vốn là đặc trưng của thể loại nhạc hip-hop. Đột nhiên, tôi muốn hòa nhập vào thế giới của họ. Tôi bước vào vòng tròn một cách chậm rãi, rồi không biết tự bao giờ, tôi thấy mình đang hòa vào những nhịp điệu của bản nhạc, tiếng gõ của nhạc cụ và giọng hát khàn khàn của người thanh niên trẻ. Bất cứ khi nào một trong những rapper có cảm hứng với nhịp điệu, anh ta đều bước vào tâm vòng tròn. Khi anh ta rời khỏi vị trí đó thì gần như ngay lập tức, có một người khác bước vào. Sự chuyển động liên tục của vòng tròn đã truyền cho tôi một cảm hứng mới lạ. Tôi thả mình vào nhịp điệu của bài hát và hoàn toàn hòa nhịp với mọi người xung quanh. Dù được viết theo nhiều phong cách khác nhau nhưng những bài hát này đều chứa đựng tình yêu thương chan chứa, lòng yêu đời, yêu người.
Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình hòa nhập được với những thanh niên này về mặt âm nhạc. Tôi nghĩ đến loại nhạc mà mình yêu thích và nhận ra sự tương đồng giữa hai thể loại nhạc. Buổi biểu diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội và những tràng cười hết sức thoải mái. Tôi cảm thấy như mình vừa được ôm ghì trong một vòng tay thật chặt. Rõ ràng, dòng nhạc này đã chi phối và làm thay đổi con người tôi.
Tôi trở về phòng và bỗng thấy muốn viết về những cảm xúc mới mẻ của mình. Mặc dù không có năng khiếu làm thơ nhưng chẳng hiểu sao lần đó, các dòng thơ cứ lần lượt tuôn trào như một điều kỳ diệu. Tôi ngồi xuống và bắt đầu sáng tác. Vào buổi sáng hôm sau, trong buổi chia sẻ ý tưởng, tôi đọc bài thơ của mình một cách say mê. Trong khi đọc thơ, tôi cảm nhận được một sự chuyển động kỳ lạ trên gương mặt những người ngồi phía dưới. Họ lắng nghe tôi một cách chăm chú. Đến bây giờ, khi nhớ lại những gì diễn ra hôm đó, tôi vẫn còn cảm thấy xúc động. Vậy là tôi đã bước qua rào chắn văn hóa và xóa bỏ được khoảng cách vô hình giữa mình và những thanh niên trưởng thành từ đường phố. Bản nhạc mà tôi ghét khi đi trên xe lại trở thành phương tiện kết nối tình yêu thương. Tôi biết “nhịp điệu chính là những rung động có khả năng kết nối tâm hồn con người. Một khi đã hình thành thì nhịp điệu sẽ không bao giờ mất đi. Nó giống như là hơi thở của cuộc sống và luôn tồn tại trong lòng chúng ta”.