“Con người không thể không kinh sợ khi suy ngẫm sự bí ẩn của cuộc sống vĩnh hằng nơi thế giới bên kia, trong cuộc sống hiện tại, và ở cấu trúc của thế giới hiện thực.”
- Albert Einstein
Sau thảm họa 11/9, chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những người may mắn sống sót khi không có mặt trong tòa tháp đôi ngay lúc nó bị tàn phá. Đó là câu chuyện về vị giám đốc đến muộn vì phải đưa con trai đến trường, về một người đàn ông sống sót nhờ ra ngoài mua bánh rán cho mọi người trong công ty, về một phụ nữ đến trễ vì chuông báo thức không reo, về một người bị trễ xe buýt, hay một người không đón được taxi…
Những câu chuyện này đã trở thành đề tài được nhắc đến nhiều sau khi vụ khủng bố xảy ra. Trong khi một số người thoát chết nhờ bất chợt thay đổi thói quen thường ngày thì cũng có rất nhiều người mất mạng vì lý do tương tự.
Chúng ta không thể thay đổi những chuyện đã xảy ra trong quá khứ nhưng những nhận thức sau đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của sự việc. Nó sẽ giúp ta giảm thiểu những căng thẳng không đáng có khi biết được rằng, mình luôn đến đúng lúc và ở đúng nơi. Một thầy giáo dạy yoga của tôi đã nói rằng, không có ai vào lớp “trễ” cả. Vì thế, nếu có một học viên nào đó không có mặt khi tiết học bắt đầu thì ông cũng cho rằng người đó đã đến “đúng giờ”.
Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy câu trả lời đúng cho những thắc mắc của mình. Vì thế, thỉnh thoảng bạn cũng nên để mọi việc xảy ra mà không cần phải cố công đi tìm nguyên nhân của nó.
Thông thường, những thảm họa xảy ra trong cuộc sống sẽ thay đổi cuộc đời những người may mắn sống sót. Và nhà thiết kế Meenakshi Advani là một trong những người như vậy.
Chuyện kỳ diệu xảy ra ở Mumbai
Tôi nhìn đồng hồ, vậy là thêm một ngày làm việc vất vả nữa sắp trôi qua. Mỗi ngày, tôi, với vai trò giám đốc của một doanh nghiệp may mặc ở Mumbai, Ấn Độ, phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong công việc, cũng như phải lên kế hoạch đề phòng những rắc rối có thể nảy sinh. Nhưng hôm nay, mọi việc diễn ra rất trôi chảy; sáu giờ chiều, chúng tôi đã hoàn tất mọi việc và chuẩn bị ra về. Đây là một điều rất hiếm trong công ty tôi bởi thường ngày, chúng tôi chỉ kết thúc ngày làm việc của mình sau bảy giờ tối.
Suốt nhiều năm qua, tôi đã xây dựng công ty mình trở thành một tập thể đoàn kết. Trong suốt quá trình kinh doanh, tôi luôn cố gắng đảm bảo thu nhập cho nhân viên của mình, dù trong hoàn cảnh nào chăng nữa.
Tối nay, sau khi kết thúc công việc sớm hơn thường lệ, tôi đi vòng vòng quanh công ty, đến tất cả các phòng ban, từ phòng trưng bày, phòng thêu cho đến phân xưởng. Đến cuối phòng thêu, tôi dừng lại bên những công nhân đang kiểm tra các ô vải gối để hôm sau giao hàng. Lúc đó đã hơn sáu giờ chiều và các công nhân đã mang túi xách chuẩn bị ra về.
Thế nhưng, không hiểu sao tôi bỗng cảm thấy muốn nói chuyện với họ, dù đã nhìn thấy vẻ sẵn sàng trở về nhà của họ. Tôi bắt đầu cuộc nói chuyện của mình bằng cách yêu cầu họ báo cáo chi tiết tình hình làm việc trong ngày. Sau đó, tôi nói với họ về kế hoạch làm việc hôm sau. Lúc đang nói, bỗng nhiên tôi tự hỏi: “Sao mình lại nói nhiều như thế nhỉ? Mình nên để họ ra về đi chứ. Những chuyện này để ngày mai nói cũng được mà”.
Biết rõ các nhân viên của mình đang nôn nóng, tôi để họ ra về khi kim đồng hồ chỉ 6 giờ 30 phút. Như đám học trò háo hức túa ra sau tiếng trống tan trường, họ chào tạm biệt tôi rồi phóng nhanh ra nhà ga, chỉ cách phân xưởng làm việc năm phút đi bộ.
Lát sau, tôi cũng lên xe về. Thế nhưng, khi đi được nửa đường thì tôi nhận được điện thoại của một người bạn thân. Cô ấy bảo tôi rằng một vụ nổ bom lớn đã xảy ra trên tàu lửa ở đoạn đường sắt phía Tây thành phố! Tôi cảm thấy choáng váng trước thông tin này. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là 65 nhân viên của mình. Tôi biết phần lớn họ đều đáp chuyến xe lửa đó về nhà.
Tôi cố gắng liên lạc với họ trong nỗi tuyệt vọng, nhưng tất cả các đường dây đều bị kẹt. Một vài công nhân đã rời xưởng lúc sáu giờ chiều, tôi tự hỏi liệu họ có mặt trên chuyến xe lửa định mệnh đó không? (Sau này, tôi được biết những công nhân này ở gần chỗ làm nên không cần đón xe lửa đi làm).
Tôi ngồi tính toán thời điểm xảy ra vụ đánh bom và tin chắc các nhân viên của mình không có mặt trên chuyến tàu đó. Tôi chợt nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc đó, mình không giữ họ lại nói chuyện.
Thật may là cuối cùng cũng có một nhân viên gọi điện cho tôi. Anh nói rằng thật may là tất cả các nhân viên ra về cùng lúc với anh đều bị nhỡ chuyến xe lửa bị đặt bom đó.
Nhiều ngày sau đó, không khí ảm đạm bao trùm Mumbai nói riêng và cả Ấn Độ nói chung. Tất cả các phương tiện truyền thông đều đưa tin về vụ đánh bom kinh hoàng này. Theo báo cáo, một số toa tàu đã bị nổ tung trong khoảng 11 phút, bắt đầu từ 6 giờ 24 phút. Vụ nổ đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Nó đã tác động rất xấu đến bầu không khí của người dân. Ai cũng lo lắng về tình hình an ninh và tự hỏi không biết đến bao giờ thì những việc này mới kết thúc.
Thật lòng, tôi không mong đợi các nhân viên của mình sẽ đi làm vào sáng hôm sau. Nhưng đến 10 giờ sáng, tất cả các nhân viên đều đã có mặt đông đủ. Tôi được biết một vài người đã không trở về nhà được ngày hôm qua và phải ở nhờ nhà bạn, một số khác thì trở về rất khuya. Tôi tập trung mọi người lại, bày tỏ niềm vui của mình khi họ được an toàn, cũng như cảm ơn vì họ đã đi làm đông đủ vào sáng nay.
Nhưng tôi biết, dù cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhưng họ vẫn rất lo sợ. Vụ đánh bom hôm qua là hậu quả tất yếu sau những xung đột kéo dài giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Tôi thấy mình cần phải làm gì đó để xóa bỏ sự căng thẳng trong lòng các nhân viên. Trong nhiều năm, tôi đã cố gắng duy trì chính sách “không phân biệt chủng tộc, tôn giáo” trong công ty. Tôi đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, bất chấp những khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng. Thế nhưng, tôi biết những thành quả của mình có thể sụp đổ sau vụ đánh bom ngày hôm qua.
Vì thế, trong thời khắc khó khăn này, tôi biết mình phải có một hành động nào đó thật thiết thực. Tôi quyết định tổ chức một buổi nói chuyện thân mật với họ. Khi cảm giác căng thẳng bắt đầu vơi đi, chúng tôi ngồi bên nhau trong cảm giác bình yên và hạnh phúc. Tất cả đều cảm thấy thật may mắn khi không có mặt trên chuyến tàu định mệnh đó.
Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc ở đó. Do chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột, tình hình kinh tế bỗng trở nên khó khăn và công ty tôi đứng trước nguy cơ bị phá sản. Thế nhưng, điều tôi lo lắng nhất không phải là chuyện thua lỗ mà chính là cuộc sống của các nhân viên sau đó. Chúng tôi đã trở nên thân thiết như một gia đình và tôi thật lòng không muốn rời xa họ.
Khi tôi đến công ty, mọi người đã ngồi chờ ở hội trường lớn. Trái với suy nghĩ của tôi, họ tỏ ra rất thông cảm với những khó khăn mà tôi đang phải đối mặt. Họ khuyên tôi đừng quá lo lắng và quả quyết sẽ cùng tôi vượt qua thử thách này. Tôi nhìn họ, xúc động đến mức không nói nên lời.
Dù không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng tôi tin mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mình đã được sống trong tình yêu thương và sự quan tâm chân thành nhất. Các nhân viên của tôi đã mang đến cho tôi bài học quan trọng về lòng trung thành. Cả đời tôi sẽ luôn nhớ đến họ.