“Nếu bạn xây những lâu đài vươn lên cao, cuộc sống của bạn sẽ luôn bền vững. Nhưng trước hết, hãy đặt nền tảng cho đời mình.”
- Henry David Thoreau
Ước mơ không phải là điều gì quá xa lạ. Ước mơ là thứ mà bạn có thể nghĩ đến và đạt được trong khả năng của mình. Ước mơ có thể bắt đầu từ trí tưởng tượng bay bổng của bạn khi còn bé hoặc nảy sinh trong một thời khắc bất chợt nào đó trong suốt cuộc đời bạn. Ước mơ cũng có thể xuất hiện khi bạn đứng ở ngả rẽ của cuộc đời và không còn muốn đi theo con đường quen thuộc nữa. Ước mơ có thể đến vào lúc bạn không trông đợi nhất nhưng lại giúp bạn tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề nan giải. Và đôi khi, ước mơ là một điều gì đó rất phi thực tế và thậm chí là không thể nào xảy ra được.
Nói đến ước mơ, tôi thường nghĩ đến lời Bà Tiên nói với cô bé Alice trong câu chuyện Vùng đất thần tiên: “Một khi cháu không tin tưởng vào ước mơ của mình thì ước mơ đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Hãy dành mỗi ngày nửa giờ đồng hồ để nghĩ và thực hiện ước mơ của cháu, về những điều mà mọi người cho rằng không thể nào xảy ra được”.
Thế nhưng, dù có trở thành hiện thực hay không thì ước mơ vẫn có thể thay đổi cuộc đời của bạn bằng chính những tác động tích cực của nó. Một khi đã xác định được ước mơ thật sự của mình, đồng thời tin tưởng nó, bạn sẽ tập trung toàn bộ tâm sức vào việc hiện thực hóa nó. Khi đó, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa thật sự của cuộc sống cũng như tin yêu cuộc đời hơn.
Câu chuyện về nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng thế giới Jon English là một minh chứng thuyết phục về sức mạnh của ước mơ. Jon sinh ra và lớn lên từ một khu nhà ổ chuột ở London. Gia đình Jon nghèo đến mức cha cậu phải luôn cắt tóc cho các anh em cậu. Được cắt tóc ở tiệm là ước mơ của Jon suốt thời niên thiếu. Thế rồi vào một buổi chiều nọ, Jon vụt chạy ra khỏi nhà khi cha đang cắt tóc cho cậu. Cuối cùng, cha đã phải đưa Jon một ít tiền và bảo cậu đi cắt tóc ở tiệm.
Đó là lần đầu tiên trong đời, Jon được một người thợ “chuyên nghiệp” cắt tóc cho và nó đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi. Lúc về nhà, cậu cứ nhìn ngắm mãi hình ảnh của mình trong gương. Khoảnh khắc đó đã khiến Jon thay đổi ước mơ của mình: quyết tâm trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. Cậu xin giúp việc cho một tiệm cắt tóc nhỏ, sau đó được học nghề và cuối cùng đã tạo nên tên tuổi lẫy lừng trong làng tạo mẫu tóc thế giới về sau.
Trong khi đó với tôi, ước mơ bắt đầu xuất hiện một cách rõ nét khi tôi nhận thấy mình phải tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc đời mình. Suốt nhiều năm nay, tôi làm cho một công ty tổ chức sự kiện, lên chương trình cho các hội nghị, hội thảo… Ngày nào cũng vậy, công việc của tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều. Nhiều lúc tôi cảm thấy nhàm chán và tự hỏi đâu là điều mình thật sự khao khát. Câu trả lời đến với tôi một cách nhanh chóng: Tôi muốn trở thành nhà văn. Tôi viết ước mơ của mình lên một tờ giấy nhỏ và dán nó trên bàn làm việc.
Thế rồi một ngày, Marci Shimoff, đồng nghiệp và cũng là bạn thân của tôi, đã tình cờ nhìn thấy mảnh giấy đó và ngỏ ý muốn hợp tác cùng tôi. Sự tình cờ này đã mang chúng tôi đến với nhau để biến ước mơ của cả hai thành hiện thực.
Sau khi lên kế hoạch cụ thể, chúng tôi gọi điện cho Jack Canfield và hỏi liệu ông có thể thực hiện một bộ sách dành cho phụ nữ không. Nhận được sự ủng hộ của Jack, chúng tôi bắt tay vào thực hiện các ý tưởng của mình. Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và 16 tháng sau, cuốn sách Chicken Soup for the Woman’s Soul đã ra đời trong sự chào đón của nhiều người. Hai tháng liền, nó đã nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ New York Times với hơn một triệu bản đã bán hết ngay trong lần xuất bản đầu tiên.
Khi ước mơ thật sự bắt nguồn từ khát khao bỏng cháy và bạn sẵn lòng bắt tay vào việc thực hiện nó thì khi đó, điều kỳ diệu chắc chắn sẽ xảy ra. Marci và tôi đã làm việc cật lực cho cuốn sách đầu tiên. Chúng tôi vừa dành thời gian để viết sách, vừa phải làm những công việc cũ để đảm bảo thu nhập. Chúng tôi phải cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để có thể trao đổi công việc với nhau thuận tiện nhất. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cả hai đều hiểu ý nghĩa và giá trị của công việc mình đang làm. Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi hiểu được rằng chính những bước đi nhỏ sẽ tạo nên “số phận” cho cuộc đời mỗi người.
Hãy theo dõi câu chuyện của Christine Horner, tiến sĩ y khoa, để hiểu thêm về sức mạnh của ước mơ. Hãy lập ra các kế hoạch lớn và vươn tới tầm cao mới bằng chính những nỗ lực không ngừng của mình.
Không bao giờ bỏ cuộc
Ngày 21 tháng 10 năm 1998, khi nghe tin Tổng thống Bill Clinton ban hành đạo luật về bệnh ung thư và sức khỏe phụ nữ, tôi đã bật khóc ngon lành. Lúc đó, tôi đã nói với mẹ mình dưới suối vàng rằng: “Chúng ta đã làm được điều đó rồi, mẹ ạ!”.
Để đạo luật này được thông qua, nhóm chúng tôi đã mất năm năm ròng đấu tranh không mệt mỏi và vượt qua rất nhiều thử thách. Đạo luật này được thông qua đồng nghĩa với việc những người phụ nữ bị bệnh ung thư vú sẽ được các công ty bảo hiểm thanh toán các khoản viện phí, cả lần phẫu thuật đầu tiên lẫn lần phẫu thuật thẩm mỹ tái tạo ngực tiếp theo. Vào những năm đầu của thập niên 90, hầu hết các công ty bảo hiểm đều không đồng ý chi trả cho lần phẫu thuật thứ hai của bệnh nhân. Giờ đây, với đạo luật mới ban hành này, các bệnh nhân có thể phục hồi lại ngoại hình của mình mà không cần phải lo lắng quá nhiều về vấn đề tiền nong.
Mọi chuyện bắt đầu vào mùa thu năm 1991. Khi đó, tôi chính thức mở phòng phẫu thuật thẩm mỹ ở vùng Cincinnati. Trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là ước mơ của tôi từ bé, và với phòng phẫu thuật này, tôi đã biến ước mơ đó thành hiện thực. Tôi tin với tay nghề của mình, tôi hoàn toàn có đủ khả năng để giúp đỡ các bệnh nhân tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Trong quá trình làm việc của mình, tôi đặc biệt có ấn tượng với nhóm bệnh nhân nữ bị ung thư vú. Mẹ tôi cũng là một thành viên trong nhóm bệnh nhân này.
Vào một ngày đầu tháng 10 năm 1993, một bệnh nhân khoảng 30 tuổi hỏi tôi rằng liệu cô ấy có phẫu thuật thẩm mỹ ngực của mình được không. Tất nhiên là tôi trả lời được. Sau đó, tôi giúp cô ấy thực hiện các giấy tờ liên quan đến cuộc phẫu thuật bằng cách gửi thư yêu cầu được trả chi phí phẫu thuật đến hãng bảo hiểm Indiana Medicaid. Thế nhưng, hãng bảo hiểm này từ chối với lý do “không thể thực hiện được”. Nghĩ rằng có nhầm lẫn gì đó, tôi lại viết thư một lần nữa, và câu trả lời tôi nhận được cũng không có gì thay đổi. Không những thế, họ còn khuyên tôi không nên nghĩ đến việc “điên rồ” này nữa.
Tất nhiên, tôi cảm thấy bị xúc phạm và phản đối lại quyết định này. Tôi biết, việc từ chối này xuất phát từ quyền lợi của chính bản thân họ. Tôi hiểu rằng quá trình phẫu thuật sẽ kéo dài và số tiền chi trả cho nó chắc chắn sẽ không nhỏ. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ nỗi đau mà các bệnh nhân của mình đang phải gánh chịu, cả những tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, tôi quyết định khởi kiện công ty bảo hiểm Indiana Medicaid.
Với chứng cứ thuyết phục cùng những tranh luận sắc sảo của mình, tôi đã thắng trong vụ kiện đó. Nhưng thắng lợi này không mang tính triệt để bởi vì nó chỉ áp dụng cho riêng ca phẫu thuật đó mà thôi. Nếu muốn thực hiện những ca phẫu thuật tương tự, tôi sẽ phải lặp lại hành trình đó cũng như sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. Điều tồi tệ nhất là lúc này, các hãng bảo hiểm tư nhân bắt đầu liên minh với nhau để chống lại những vụ kiện cáo của tôi. Lý do họ đưa ra là những cuộc phẫu thuật như thế này không giúp ích gì cho bệnh nhân cũng như việc tái tạo các bộ phận cơ thể vốn dĩ chẳng còn chức năng là điều không cần thiết!
Khi đọc được quan điểm nhẫn tâm đó, tôi đã thề rằng từ nay, bất cứ người phụ nữ nào muốn được phẫu thuật thẫm mỹ ngực sau khi điều trị bệnh ung thư vú cũng sẽ được công ty bảo hiểm chi trả.
Tôi lên kế hoạch cho một dự định táo bạo để đòi quyền lợi cho các bệnh nhân của mình nói riêng và tất cả bệnh nhân ung thư vú nói chung. Dù không chắc cuộc đấu tranh của mình sẽ ra sao nhưng tôi tin rằng, một khi làm theo sự mách bảo của lương tâm thì nhất định mình sẽ đạt được mục tiêu.
Đó thật sự là một cuộc đấu tranh gian khó và mạo hiểm. Nhưng điều đáng kinh ngạc là trong suốt quá trình đấu tranh, tôi luôn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cần thiết và hữu ích. Những sự giúp đỡ này đôi khi đến rất tình cờ, nằm ngoài sự mong đợi của tôi. Chẳng hạn, tôi hiểu rằng để kiến nghị của mình được thông qua thì nhất định nó phải nhận được sự bảo trợ của thượng nghị sĩ Ted Kennedy. Một tuần sau, tại một hội nghị y học cấp bang, tôi gặp một bác sĩ phẫu thuật đến từ Boston. Ông đã nói với tôi rằng: “Tôi đang chuẩn bị phẫu thuật cho thượng nghị sĩ Ted Kennedy vào tuần tới. Bà có muốn tôi hỏi giúp về việc nhờ ông ta đứng ra bảo lãnh cho kiến nghị của bà không?”.
Nhưng đúng lúc đó, dự án chăm sóc sức khỏe quốc gia của Tổng thống Bill Clinton bị thất bại. Nó khiến cho việc đấu tranh của tôi gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Trước tình thế đó, tôi quyết định tham gia vào những cuộc phẫu thuật thẫm mỹ do các tổ chức từ thiện tài trợ. Sự nhiệt tình của tôi đã được đền đáp và nhiều bang đã thông qua đạo luật này. Nhưng đó không phải là thắng lợi cuối cùng. Nếu không được quốc hội thông qua thì thành công ở các tiểu bang như thế này cũng chẳng có ý nghĩa gì cả!
Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, một đạo luật khác về chăm sóc sức khỏe cộng đồng được thông qua. Nó đã tạo tiền đề cũng như củng cố niềm tin để tôi đấu tranh đến cùng.
Đang lúc tôi tràn đầy hy vọng như vậy thì một bi kịch xảy đến với tôi. Mẹ tôi đã qua đời sau 15 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư. Khát vọng cuối cùng của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi bắt đầu triển khai một dự án mới có tên là “Dự án hỗ trợ giải phẫu thẩm mỹ”. Dự án này là cách để tôi tưởng nhớ người mẹ quá cố của mình.
Dần dần, những nhận thức chính trị của tôi trở nên sâu sắc hơn. Tôi hiểu rằng đã đến lúc mình phải đạt được thắng lợi cuối cùng. Nhưng để làm được điều này, tôi cần phải gặp được Tổng thống Bill Clinton. Bằng những mối quan hệ của mình, tôi được một thành viên trong Ủy ban Thương mại Liên bang giúp đỡ để đến Washington gặp Tổng thống.
Trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra, tôi dự liệu những khó khăn mà mình có thể phải đối mặt. Thế nhưng, trái với dự đoán của tôi, buổi chuyện trò với Tổng thống đã diễn ra hết sức cởi mở. Cuối buổi, Tổng thống đã hỏi: “Bà nghĩ sao nếu tôi đề nghị bà làm việc trong cơ quan lập pháp chuyên về chăm sóc sức khỏe cộng đồng?”.
Ba ngày sau, tôi lại được mời đến gặp Tổng thống ở Cincinnati. Tôi trình bày với Ngài về ý nguyện của mình và nhận được lời hứa giúp đỡ của Ngài. Từ đây, cánh cửa thuận lợi bắt đầu mở ra; bản dự thảo được gửi đến Quốc hội vào năm 1997. Dù phải mất thêm gần hai năm chờ đợi nữa nhưng cuối cùng, mọi chuyện cũng đã kết thúc tốt đẹp.
Tôi chia sẻ khoảnh khắc tuyệt vời này với mẹ và tin rằng, ở nơi suối vàng, mẹ cũng đang rất hạnh phúc. Nhưng không dừng lại ở đây, tôi biết những thử thách lớn vẫn đang chờ mình phía trước: Bệnh ung thư ngày càng trở nên phổ biến. Làm thế nào để ngăn ngừa hoặc sớm phát hiện được nó? Tôi quyết định cắt giảm một phần thời gian thực hiện các cuộc phẫu thuật để tham gia giảng dạy và tuyên truyền về các tác nhân gây bệnh, cũng như cách thức để có một cuộc sống khỏe mạnh.
Và sau tất cả những gì trải qua, tôi hiểu được rằng, khi chúng ta thật sự muốn đóng góp sức mình cho cuộc sống thì không gì có thể ngăn cản được ta. Khi đó, hãy tin rằng cả thế giới này sẽ ủng hộ bạn. Và tất cả những gì chúng ta cần làm là lắng nghe thông điệp từ chính trái tim mình.