“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải làm điều đó như một công việc.”
- Christian Louboutin
Bắt đầu từ năm lên bảy, tôi đã xác định được nghề nghiệp tương lai của mình: trở thành một nhà diễn thuyết chuyên nghiệp. Mỗi buổi chiều, tôi thường tập trung bọn trẻ con trong xóm lại, xếp thành những hàng dài rồi “diễn thuyết” cho chúng nghe.
Thế rồi vào năm lớp tám, tôi được biết đài truyền hình địa phương có một câu lạc bộ mang tên là 4 - H. Câu lạc bộ này đang tổ chức một cuộc thi thuyết trình về đề tài chăm sóc thú nuôi. Yêu cầu của cuộc thi là mỗi thí sinh phải chuẩn bị một bài viết ngắn gọn, súc tích, sau đó trình bày trước ban giám khảo trong vòng bốn phút. “Ồ! Cuộc thi này có vẻ thú vị đây!”, tôi nghĩ thầm. Tôi quyết định tham gia cuộc thi và đạt được thắng lợi ngay trong lần đầu tiên đó. Năm sau, tôi tham gia thêm một cuộc thi tương tự ở cấp bang và một lần nữa lại gặt hái thành công. Có thể nói, đối với tôi, việc thuyết trình trước đám đông là một điều hết sức tự nhiên – giống như việc con người ta hít thở vậy.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là tôi đã không nhận ra đâu là thời điểm mình nên sống với niềm say mê. Chính vì thế, tôi đã đánh mất nó. Ca sĩ Deva Premal từng nói: “Những món quà của cuộc sống thường ở ngay trước mắt ta. Và đó là lý do tại sao ta bỏ lỡ nó”. Deva sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Đức. Ngay khi còn nhỏ, cô đã được học đàn vĩ cầm cổ điển và dương cầm. Thế nhưng, Deva cho biết, chưa bao giờ cô tìm thấy niềm vui trong âm nhạc cho đến khi phát hiện ra thể loại cùng phong cách âm nhạc mà mình thật sự yêu thích. Deva cho rằng, điều mà mỗi chúng ta nên làm là phải hiểu được giá trị của những thành công đến từ sự nỗ lực không mệt mỏi của mình. Rất nhiều người đã đánh mất niềm đam mê của mình chỉ vì không ý thức được điều này.
Trường hợp của tôi là một minh chứng. Như tôi đã nói, trước khi đến với nghề diễn thuyết và viết lách hiện tại, tôi đã mất mười năm dài làm kế toán cho một công ty tổ chức sự kiện. Dĩ nhiên, lĩnh vực kế toán cũng có một vài khía cạnh mà tôi yêu thích, chẳng hạn như tính chính xác, sự cân bằng, ăn khớp giữa các con số… Thế nhưng, vào một buổi sáng nọ, tôi thức giấc trong tâm trạng chán chường và tự hỏi: “Mình đang làm công việc gì vậy?”. Tôi cảm thấy nhàm chán với công việc kế toán hằng ngày của mình. Cuộc sống của tôi thiếu vắng ngọn lửa nhiệt tình lẫn cảm xúc. Và tôi biết rằng, điều mình nên làm lúc này là phải vượt lên chính mình, tạo ra bước ngoặt mới trong đời mình.
Tôi nhớ về ước mơ thuở bé của mình. Tôi nhớ lại những cuộc thi hùng biện trên đài truyền hình. Tôi nhớ lại khoảnh khắc mình đọc diễn văn tốt nghiệp đại học. Tôi quyết định phải quay lại lĩnh vực truyền thông, và mục tiêu xa hơn là lập một công ty truyền thông của riêng mình. Quyết định này thật sự đã mang đến cho tôi những cảm xúc hết sức mới mẻ, và cho đến nay, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc với nghề diễn thuyết chuyên nghiệp này.
Có thể nói, tôi là một trong số ít những người may mắn trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung. Theo một cuộc nghiên cứu, có đến 80% người Mỹ không thật sự yêu thích công việc hằng ngày của họ. Họ làm việc đơn thuần chỉ để kiếm sống. Nếu bạn cũng như tôi, cũng may mắn có được niềm đam mê trong công việc, thì hãy cố gắng tận dụng và phát huy nó. Hãy nắm bắt những cơ hội mà cuộc sống mang đến cho bạn và sống có trách nhiệm với chính ước mơ của mình. Hãy sử dụng thời gian hợp lý và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác bằng cách quan tâm đến cuộc sống của họ.
Rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra sự khác biệt và độc đáo của bản thân mình. Họ chạy theo số đông mà quên rằng mỗi người là một phiên bản hoàn toàn khác lạ và không bao giờ trùng lặp. Deva từng nói: “Tôi chưa bao giờ thấy con chim nào cố gắng bay đẹp hơn hoặc hót hay hơn những gì mà chúng bẩm sinh có được!”.
Quả thật, chỉ có loài người chúng ta mới cố tìm cách sống khác đi so với những gì mình có. Câu chuyện của Vicky Edmonds dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Những hạt giống tâm hồn
Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Cha tôi là một người cộc cằn, nát rượu và thường xuyên ngược đãi mẹ con tôi. Ký ức tuổi thơ của tôi chỉ có đòn roi của cha và sự cam chịu của mẹ. Sau một trận đòn của cha, tôi đã thuyết phục mẹ trốn đi. Trước sự nài nỉ của tôi, mẹ đã đồng ý. Chúng tôi đến sống ở một thành phố khác và bắt đầu cuộc sống mới của mình từ đây.
Thế rồi vào một ngày cuối năm 1988, nhận thức của tôi bỗng nhiên thay đổi sau khi nghe tin về vụ sóng thần ở Jamaica. Tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những trẻ em may mắn sống sót sau trận sóng thần khủng khiếp ấy. Tôi đăng ký tham gia vào chương trình tình nguyện của một tổ chức phi chính phủ và lên đường đến đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác của mình khi lần đầu tiên mang thức ăn và quần áo đến cho các em. Việc làm này giúp tôi nhận thức rõ hơn cảm giác của mình, đồng thời trở nên mạnh mẽ và can đảm hơn.
Sau khi trở về từ Jamaica, tôi quyết định tập hợp những bài thơ mình đã viết trước đó thành một tập và đem xuất bản. Đó là những bài thơ tôi đã viết khi mới 11 tuổi và đang cố gắng vượt qua những bão tố trong gia đình. Khi đó, bố mẹ tôi không cho phép chị em tôi bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của mình. Chúng tôi không được phép trò chuyện tâm tình với nhau ở nhà và vì thế, những trang giấy trở thành nơi tôi chia sẻ tất cả những cảm nghĩ của mình.
Vào thời điểm này, tôi đã viết trên 8.000 bài thơ. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ chia sẻ nó với ai, thậm chí ngay cả chồng mình. Tập thơ đầu tiên của tôi mang tên Inside Voices (Những tiếng vọng bên trong) đã thay tôi bày tỏ tất cả những suy nghĩ, cảm xúc dồn nén bấy lâu. Tôi biết có thể nó sẽ phá vỡ sự bình yên và thay đổi cách sống của cả gia đình tôi trong tương lai.
Dù có đôi chút lo lắng về vấn đề độc giả nhưng tôi biết, nỗi lo sợ sâu xa nhất của mình chính là phản ứng của các thành viên trong gia đình. Và thực tế là một vài người đã hết sức tức giận khi đọc được tập thơ của tôi. Sau khi một chương trình truyền hình lấy ý tưởng từ một bài thơ của tôi được phát sóng, người cô của tôi đã gọi điện mắng nhiếc mẹ tôi và cho rằng, tôi đã nói sai sự thật về gia đình mình. Điều này cũng không có gì khó hiểu bởi không ai trong họ hàng của tôi biết được những chuyện đã xảy ra trong gia đình tôi trước kia. Để bênh vực tôi, mẹ đã phải nói ra tất cả những sự thật mà bà đã cố tình chôn giấu bấy lâu cho cô tôi nghe.
Tôi nhận ra rằng, nếu cứ tiếp tục giữ yên lặng thì những điều bị giữ kín ấy có thể sẽ giết chết tâm hồn và cảm xúc của mình. Một năm sau, tôi xuất bản tập thơ thứ hai với nhan đề Use to the dark (Quen với bóng tối). Tập thơ viết về những vết thương lòng cùng nỗi cô độc của tôi. Sau đó, tôi gửi một vài cuốn đến cuộc vận động quyên góp sách cho tù nhân. Thế rồi vài tuần sau đó, một người phụ nữ đã gọi điện cho tôi. Bà giới thiệu bà đang làm việc tại nhà tù thanh thiếu niên ở địa phương. Công việc của bà là cố gắng giúp các em lấy lại sự cân bằng tâm lý. Dù đã rất cố gắng nhưng tất cả những gì bà nhận được chỉ là “thái độ bất hợp tác” của các em. Sau đó, bà đã đọc cho các em nghe những bài thơ của tôi.
– Cô biết không? – Bà kể. – Các em đã ngồi yên lắng nghe tôi đọc thơ. Rồi một vài em đã bật khóc. Những điều cô viết trong thơ cũng chính là những suy nghĩ và cảm xúc của các em.
Bà nhờ tôi đến nói chuyện trực tiếp với các em và tôi đã đồng ý. Tôi viết lại những bài thơ này cho phù hợp hơn với đối tượng độc giả mới của mình. Trong vòng 12 tuần, tôi đã viết xong tập thơ thứ ba với nhan đề Confinement: The Things We Keep Locked Up Inside (Sự giam cầm: Những thứ chúng ta chôn chặt trong lòng). Tất cả những bài thơ trong tập này xoay quanh một đề tài: Hãy chia sẻ những bí mật riêng tư của mình để có thể có được một cuộc sống tốt đẹp.
Tôi mang tập sách này đến trung tâm trị liệu cho những thiếu niên nghiện ma túy hoặc có những hành vi lệch chuẩn. Trong vòng 13 tuần lễ, tôi đã làm việc với hàng ngàn người, từ người lớn cho đến thanh thiếu niên, từ những người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình cho đến các em nhỏ trộm cắp…
Trong quá trình tiếp xúc, họ đã mang đến cho tôi nhiều kinh nghiệm thú vị và đầy kinh ngạc. Một lần, tôi làm việc với một nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại một trung tâm giáo dục cộng đồng. Đa số các em đều xuất thân từ những con phố nghèo và đã từng phạm tội. Mỗi tuần, chúng tôi gặp nhau bốn tiếng đồng hồ, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều thứ bảy để nhận thức ăn và sinh hoạt tập thể. Trước khi qua cửa, các em đều phải giao nộp tất cả những thứ có thể là hung khí. Dù biết sẽ không được nhận lại nhưng các em đều rất vui vẻ giao nộp. Sau khi thực hiện chương trình này, tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội tại địa phương đã giảm 53% - một con số đáng kể. Tôi cũng đưa những hoạt động của mình vào các trường khác trong bang. Tôi tập hợp những bài viết của các em lại và xuất bản thành một cuốn sách với nhan đề Lost Between the Cracks.
Sau này, tôi phát hiện ra rằng, không chỉ trẻ em đường phố mới mang trong lòng những tâm sự u uất. Tại trường học của con trai tôi, một nhóm học sinh lớp tám đã gửi đến tôi những bài thơ viết về tâm sự của các cháu. Chúng đã mang đến cho tôi nhiều bài học quý giá. Tôi hiểu rằng nếu người lớn chúng ta thật sự quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của các em thì tự bản thân các em sẽ hình thành và biết nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp trong tâm hồn mình.
Và tôi đã làm được điều đó với các cậu con trai của mình. Lucas, cậu con trai lớn rất khỏe mạnh, sống bao dung và đầy tự tin. Lucas tham gia ban nhạc ở trường, sáng tác những ca khúc vui tươi và được nhiều người yêu mến. Trong khi đó, cậu con trai thứ hai, Ean, thì thường không đủ kiên nhẫn trong việc viết lách, nhưng khi đã bắt tay vào làm việc gì đó thì cháu đều nỗ lực hết mình để đạt được kết quả cao nhất.
Đối với tôi, cuộc sống thật sự chỉ bắt đầu từ khi tôi biết hình thành cho mình suy nghĩ “Tôi ước gì mỗi người đều có thể làm một điều gì đó”, và khi tôi trả lời được câu hỏi “Tôi có thể làm gì?”. Tôi đã tìm thấy sứ mệnh của mình khi tham gia hoạt động tình nguyện cứu trợ cho hàng trăm trẻ em kém may mắn ở Jamaica. Giờ đây, dù không còn đủ thời gian để thực hiện tất cả những dự định của mình nhưng tôi vẫn thường xuyên nói với những người mà tôi có dịp tiếp xúc: “Bạn không cần chứng minh cho tôi thấy bạn là đồ bỏ đi!”.
Tất cả chúng ta đều mang trong mình những thứ thực phẩm và dược phẩm vô giá dành cho những ai đang trong cơn tuyệt vọng. Mỗi lần nhìn thấy một ai đó, tôi luôn tự hỏi: “Loại dược phẩm nào đang tiềm ẩn nơi họ? Và loại thực phẩm nào họ đang muốn được chia sẻ với tất cả chúng ta?”. Tôi tin những điều này có thể làm thay đổi cả cuộc đời của một ai đó. Và nếu điều này xảy ra thì với tôi, nó cũng tự nhiên như hơi thở.