Thời gian học trung học rất quan trọng! Đừng xem đó là căn phòng chờ buồn tẻ trong lúc đợi đến khi tốt nghiệp hay vào đại học.
Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian ở trường phổ thông để học những kỹ năng quan trọng, kết hợp lý thuyết lẫn thực hành để đủ khả năng vào đại học, khám phá nghề nghiệp tương lai, từ đó tổng hợp tất cả thành bản kế hoạch chi tiết nhằm chuẩn bị cho một cuộc sống tốt đẹp khi ra trường. Các bạn hiểu rằng để thành công, điểm số ở lớp phải thuộc loại khá trở lên. Chỉ có điều hầu hết các bạn đều không nghĩ đến tầm quan trọng của việc lên kế hoạch để đạt được mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc sống.
Vì sao bạn cần một bản kế hoạch chi tiết? Nhiều nghiên cứu cho thấy dù có vào đại học hay không, những người đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống đều phải có kế hoạch chi tiết cho tương lai. Kế hoạch này giúp họ tập trung hơn. Họ hiểu được vì sao phải đi học và các môn học liên quan thế nào đến mục tiêu của mình. Họ cũng lường trước những khó khăn xảy đến và cách đương đầu với những thử thách đó.
Có mất nhiều thời gian để tìm được một công việc thật sự phù hợp với mình không? Với vài người thì câu trả lời có thể là "có". Quãng đường từ trường trung học tới công việc mơ ước có thể mất tới mười năm. Đây là lý do bạn nên bắt đầu lên kế hoạch cho sự nghiệp tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các lớp học kỹ năng và hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng ban đầu cho con đường sự nghiệp.
Cũng như một chính trị gia biết nhìn xa trông rộng, bạn nên tận dụng thời gian ở trường để tiến hành một "chiến dịch" nhằm đạt được mục tiêu sự nghiệp tương lai, cụ thể là bạn cần thực hiện các bước như nâng cao nhận thức về thị trường lao động, đặc tính công việc, phát triển kỹ năng tìm việc, cách tạo một hồ sơ chất lượng và cân nhắc việc học lên đại học. Chuẩn bị cho tương lai là một việc rất bổ ích, nhưng giờ chúng ta hãy thử hình dung về cuộc sống của bạn sau khi tốt nghiệp trung học.
Nhận thức về môi trường lao động
Những hiểu biết về môi trường lao động sẽ giúp bạn có khái niệm về khả năng phát triển của các loại ngành nghề, qua đó khám phá được nhiều cơ hội việc làm. Những điều bạn đã làm ở các chương trước – bao gồm khám phá sở thích, kỹ năng, tìm hiểu môi trường công việc, mẫu người bạn thích làm việc chung, cũng như nhận diện công việc mơ ước – đều là những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của bạn về công việc tương lai. Chẳng hạn, khi bạn chú ý nhiều hơn tới mọi người xung quanh, xem họ kiếm sống bằng cách nào; khi bạn thích thú với vài gợi ý nghề nghiệp mà bạn chưa từng biết đến trước kia; khi bạn bè hay anh chị em của bạn tốt nghiệp và bắt đầu làm những công việc mà bạn chưa từng nghe; khi bạn chú ý tới chuyện ai yêu thích công việc của mình, ai không… thì đó là lúc bạn tự làm giàu hiểu biết về môi trường lao động.
Bạn cũng có thể tăng cường nhận thức về thế giới công việc bằng cách hướng những hoạt động quen thuộc ở trường, như làm bài tập, hoạt động ngoại khóa, làm thêm ngoài giờ học hay trong hè… đến nghề nghiệp tiềm năng của mình.
BÀI TẬP Ở TRƯỜNG
Bạn cần viết bài cảm nhận về một cuốn sách? Vậy hãy đọc một cuốn viết về người nổi tiếng trong lĩnh vực bạn yêu thích nhất. Hoặc bạn có thể chọn một trong số những cuốn sách hữu ích được gợi ý ở cuối chương này. Nếu phải viết báo cáo thì hãy chọn một lĩnh vực, ngành nghề, hoặc ngành công nghiệp bạn hứng thú nhất để nghiên cứu. Ví dụ, bạn có thể tìm hiểu 500 công t do người chưa từng tốt nghiệp đại học sáng lập nên. Còn nếu phải viết một bài thuyết trình, bạn chỉ cần viết lại những gì bạn thu thập khi thực hiện sơ đồ.
Ước gì thời trung học tôi được biết đến những nghề nghiệp khác ngoài luật sư, bác sĩ hay kinh doanh. Tôi cũng ước sao mình biết rằng mình không nhất thiết phải theo đuổi một công việc nào đó suốt cuộc đời. Bạn có thể thay đổi công việc bất kỳ lúc nào bạn muốn.
– ALICE PRAGER, giám đốc tiếp thị, 29 tuổi
"Chiếc dù của tôi" và dẫn ra các cuộc phỏng vấn lấy thông tin của bạn. Khi thuyết trình kiểu này, bạn không chỉ hoàn thành bài tập ở lớp mà còn giúp bạn bè học được những kỹ năng tìm công việc yêu thích.
Nếu trường học yêu cầu bạn phải tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng mới đủ điều kiện tốt nghiệp, hãy tận dụng cơ hội đó để khám phá sự nghiệp tương lai của bạn. Ví dụ, nếu bạn thích trở thành nhân viên xã hội, bạn có thể tình nguyện tham gia vào cơ sở phục vụ cộng đồng và phát triển chương trình dạy kèm cho du học sinh từ các nước khác. Hoặc nếu bạn yêu thích chính trị, bạn có thể làm việc cho Văn phòng Đăng ký Cử tri, giúp họ lên chương trình hỗ trợ các học sinh vừa đủ tuổi đi bỏ phiếu lần đầu.
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
Không chỉ mang đến niềm vui và thêm nhiều bạn mới, hoạt động ngoại khóa còn giúp bạn khám phá cơ hội nghề nghiệp và phát triển những kỹ năng hữu dụng. Tham gia vào ban nhạc, dàn đồng ca, nhóm kịch nghệ, đội thể thao, hay những câu lạc bộ theo sở thích (ví dụ, ngôn ngữ, toán học, kinh doanh, giáo dục…), hội học sinh và những hoạt động khác đều là cơ hội để bạn kiểm chứng sở thích và rèn luyện kỹ năng. Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng mình thích dạy nhạc, hãy đề nghị trưởng ban văn nghệ trong trường cho phép bạn tập bản nhạc mới cho các em lớp mười. Hoặc nếu bạn thích trở thành kế toán, ngay từ bây giờ, bạn có thể nhận làm thủ quỹ cho một câu lạc bộ, với nhiệm vụ quản lý thu chi, gây quỹ, thu phí và nhiều thứ khác. Nếu yêu thích kịch nghệ, bạn sẽ viết kịch bản và làm đạo diễn một phân đoạn kịch. Khi tham gia điều hành một câu lạc bộ, lớp học hay một tập thể, những kỹ năng về lãnh đạo và quan hệ xã hội của bạn sẽ ngày một cải thiện.
Đừng ngại hỏi ý kiến của giáo viên, cố vấn câu lạc bộ, nhạc trưởng, huấn luyện viên hay thành viên hội đồng giáo dục rằng bạn có thể học được từ hoạt động ngoại khóa này những kỹ năng nào liên quan đến công việc bạn chọn.
VIỆC LÀM THÊM
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc học sinh cấp ba đi làm thêm. Nhà kinh tế học Steve Hamilton tin rằng bạn nên đặt hết tâm trí vào việc học để đạt điểm tốt. Theo ông, "Học sinh sẽ có nhiều lợi ích lâu dài từ việc học hành hơn là một công việc bán thời gian. Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy ứng viên trẻ này là người tích cực và giàu tham vọng. Điểm số chính là một trong những dấu hiệu đó". Ngược lại, những người khác lại nghĩ làm thêm ngoài giờ học hay trong hè sẽ giúp học sinh phát triển khả năng quản lý thời gian, khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc cũng như tinh thần trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, công việc làm thêm còn góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Nếu bạn muốn hay phải đi làm, hãy tận dụng công việc ấy để phát triển kỹ năng cho tương lai. Tốt nhất là tìm được công việc trong những lĩnh vực bạn thích. Ví dụ, làm việc trong tiệm ăn nhanh sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp. Nếu người quản lý của bạn là người cởi mở, hãy nhờ họ dạy bạn những kỹ năng quản lý cơ bản. Nếu yêu thích chăm sóc trẻ em, bạn có thể xin việc ở trung tâm chăm sóc trẻ. Thay vì chỉ làm việc để kiếm tiền, bạn hãy tranh thủ cơ hội để học thêm các kỹ năng mình cần để sẵn sàng cho công việc mơ ước. Ngoài ra, nếu có thể, hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất 1/3 số lương bạn lĩnh được – các bạn trẻ thường tiêu hết 98% số tiền họ kiếm được. Thói quen "vung tay quá trán" khiến nhiều bạn lâm vào cảnh nợ nần. Nếu bạn có thể tiết kiệm được một số tiền khi còn đi học, bạn sẽ có tiền để chi dùng khi cần thiết – như mua sách vở khi lên đại học, đi du lịch, khám phá công việc tiềm năng hay tham dự các buổi tư vấn nghề nghiệp.
LỰA CHỌN PHÂN BAN
Việc lựa chọn đúng phân ban hay nhóm môn học sẽ giúp bạn hạ cánh đúng nơi cần đến, tức là tìm được công việc mơ ước. Nhưng nếu bạn không chắc về tương lai thì sao? Sau đây là những phương án giúp bạn vẫn giữ vững định hướng sau khi tốt nghiệp cấp ba, ngay cả khi bạn vẫn chưa xác định được lĩnh vực mình muốn theo đuổi.
• Không ngừng cải thiện điểm số của mình. Khi bạn nhận phiếu điểm, hãy tự hỏi mình đã cố gắng hết sức chưa. Nếu chưa, hãy nỗ lực hơn nữa.
• Kỹ năng ngôn ngữ rất quý giá. Ngoài tiếng Anh, ngôn ngữ được dùng phổ biến trong giới kinh doanh còn có tiếng Tây Ban Nha và Trung Quốc. Nếu bạn muốn theo hướng kinh doanh, hãy học tiếng Trung Quốc nếu ở trường có dạy môn này. Tiếng Tây Ban Nha hữu ích trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, dịch vụ xã hội, xây dựng, và nhiều lĩnh vực khác. Hãy đăng ký học tiếng Tây Ban Nha, nếu có thể.
• Nếu một trong những mục tiêu của bạn là có được công việc lương cao, hãy học giỏi môn toán và các môn khoa học tự nhiên. Hiện đang có nhiều công việc đầy thử thách và lương cao đòi hỏi kiến thức toán và các môn khoa học tự nhiên khác. Nếu trường bạn không có giáo viên giỏi môn này, hãy tìm gia sư hoặc tự học qua sách hướng dẫn. Bạn có thể nhờ người bán sách gợi ý các loại sách phổ biến.
• Mở rộng chân trời nhận thức của bạn bằng cách tìm hiểu về cộng đồng nơi mình đang sinh sống, đất nước mình và thế giới. Thông qua các tổ chức tôn giáo hay các tổ chức cộng đồng, bạn có thể tìm thấy những công việc tình nguyện trong và ngoài nước.
• Nói chuyện với những người bạn tin tưởng và kính trọng, hỏi xem họ đến với công việc hiện tại của mình như thế nào, tìm hiểu họ thích và không thích điều gì trong công việc. Rồi bạn hỏi xem nếu có một điều ước thì họ sẽ ước hồi trung học họ biết gì hay làm gì để tác động tích cực đến công việc hiện tại của họ.
Phát triển kỹ năng tìm việc và chuẩn bị hồ sơ xin việc
Khi làm theo những bài tập trong cuốn sách này, bạn đã bắt đầu phát triển kỹ năng xin việc. Đây là một kỹ năng bạn nên không ngừng trau dồi trên con đường sự nghiệp. Một vài kỹ năng cụ thể như tìm thông tin và trả lời phỏng vấn, mở rộng phạm vi giao tiếp, viết thư xin việc và thư cám ơn… được xây dựng trên nền tảng mà bạn thiết lập qua bài tập khám phá ở phần 1. Những kỹ năng thiết thực này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu sự nghiệp và tìm thấy công việc mơ ước. Thậm chí nó còn giúp bạn tìm được việc phù hợp ngay từ khi còn đi học để làm thêm ngoài giờ hay trong hè.
Nếu trường học hay nhà văn hóa nơi bạn ở có trung tâm hướng nghiệp, bạn nhớ ghé qua. Đó là nơi lý tưởng để xây dựng kỹ năng tìm việc của bạn. Hãy tìm xem ở đó có những loại tài liệu nào, có lớp dạy cách chuẩn bị phỏng vấn, dạy cách sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn viết hồ sơ và thư xin việc, thư cảm ơn không. Nếu có, hãy tận dụng lợi thế này. Bạn cũng nên nói với nhân viên trung tâm hướng nghiệp về sở thích và mục tiêu của mình. Họ biết nhiều về việc làm nên có thể cho bạn những nguồn tin hữu ích về cơ hội nghề nghiệp. Nếu không tiếp cận được với những trung tâm hướng nghiệp này, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ những người thân quen có kinh nghiệm, Internet, sách vở, báo chí… Sau đây là một vài cách bạn có thể áp dụng để phát triển kỹ năng tìm việc và tăng cường phạm vi hiểu biết về thị trường việc làm:
• Lắng nghe và hỏi mọi người con đường dẫn dắt họ đến với công việc hiện tại.
• Tham gia ngày hội việc làm.
• Tiếp tục khám phá các công việc tiềm năng: đến thăm bạn bè hay họ hàng ở nơi làm việc, mở rộng quan hệ xã hội, phỏng vấn người có kinh nghiệm, hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện ở nơi bạn thích sống.
• Tham quan trường cao đẳng cộng đồng hay đại học địa phương, nhờ thầy cô tư vấn những chuyên ngành thích hợp cũng như điều kiện của ngành học đó.
• Tham dự những cuộc hội thảo do các tổ chức hướng nghiệp ở gần nơi bạn sống tổ chức. Liên hệ với nhân viên chuyên trách để biết khi nào có hội thảo và bạn có tham dự được không.
HỌC VIỆC
Bạn sẽ hiểu thêm về những công việc phù hợp với sở thích và kỹ năng của mình thông qua quá trình học việc. Bạn có thể theo chân một giám đốc điều hành tham dự buổi họp, quan sát phong thái làm việc của họ khi liên lạc với đối tác; quan sát một kiến trúc sư làm việc trên máy tính hay bàn thiết kế; dự giờ giảng của một giáo viên toán lớp ba hay lắng nghe một diễn viên ôn lời thoại trước buổi diễn. "Theo chân học việc" giúp bạn có cảm giác sống động như chính bạn đang làm công việc đó vậy. Thời gian học việc cũng giúp bạn trực tiếp trải nghiệm môi trường làm việc, từ đó bạn sẽ đánh giá xem đó có phải là công việc bạn muốn gắn bó lâu dài hay không.
Gần đây bạn có ghé qua tiệm ăn nhanh nào không? Bạn có thấy ở đó nhân viên nào cũng rất bận rộn nhưng luôn nhã nhặn với khách hàng? Tôi thích tuyển dụng những bạn trẻ có kỹ năng như thế, chứ không quá đặt nặng vấn đề điểm số.
– JIM ASCHWANDEN, giám đốc điều hành, thuộc Hiệp hội Giáo viên Nông nghiệp California.
Bạn có thể theo chân học việc một cách chính thức hay không chính thức. Nếu không chính thức thì chỉ đơn giản là bạn xin bố mẹ, người quen hay ai đó mà bạn đã từng phỏng vấn để họ chấp thuận cho bạn theo học việc. Ban đầu, hãy xin đi theo họ nửa ngày thôi – như vậy cũng sẽ dễ dàng hơn cho người hướng dẫn bạn. Nếu thực sự thấy hứng thú với công việc đó, bạn hãy xin thêm một ngày nữa.
BÍ QUYẾT CHIẾC DÙ
Bạn không thể mãi theo đuổi một công việc mà bạn chỉ chọn bừa trong phút ngẫu hứng. Thị trường việc làm hiện nay thay đổi quá nhanh nên bạn không thể chọn một công việc mà bạn sẽ làm cả đời. Báo cáo Triển vọng Nghề nghiệp hàng quý tại Mỹ cho thấy từ năm 18 đến năm 38 tuổi, bạn có thể trải qua mười công việc khác nhau. Và từ năm 38 tuổi, bạn sẽ tiếp tục làm việc thêm khoảng 30 năm nữa. Chúng tôi nhắc tới điều này để nhấn mạnh rằng bạn cần phải lên kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho mình, chứ không nên phó mặc tương lai cho một lựa chọn may rủi.
Theo chân học việc là phương pháp tuyệt vời để kiểm chứng xem công việc đó có thích hợp với bạn hay không. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm những người sẵn sàng tư vấn cho bạn về một số lĩnh vực nhất định. Không chỉ cố vấn, họ còn giúp bạn phát hiện và phát triển những kỹ năng sẵn có – những kỹ năng giá trị nhất trong công việc của bạn sau này. Họ không ngại hướng dẫn bạn về chương trình học vấn, chương trình đào tạo bạn cần, bao gồm cả việc lựa chọn chuyên ngành đại học thích hợp. Các vị cố vấn còn giới thiệu cho bạn những mối quan hệ hữu ích, qua đó bạn có thể tìm được công việc làm thêm mùa hè hay công việc toàn thời gian ngay khi bạn sẵn sàng đi làm.
Lời khuyên từ một cố vấn giỏi là vô giá. Bạn sẽ học được từ họ rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sự khôn ngoan từng trải – những điều bạn không thể học được ở trường. Sau khi trò chuyện với người cố vấn, bạn đừng quên gửi thư cảm ơn họ.
TẠO HỒ SƠ XIN VIỆC
Trong hồ sơ xin việc sẽ tổng hợp những thông tin về bạn sau khi trải qua nhiều công việc đa dạng, đồng thời trình bày sở thích, kỹ năng và công việc mơ ước của bạn. Hồ sơ này cũng giống như chiếc dù của bạn, nhưng với thông tin phong phú hơn. Hồ sơ của bạn có thể đơn giản đựng trong phong bì lớn hoặc lưu trên máy tính cá nhân. Dù dưới hình thức nào, hồ sơ cũng phải chỉ ra được sự hiểu biết về công việc và khả năng của bạn.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC LỰA CHỌN
Chưa đến một nửa số sinh viên vào đại học hoàn tất chương trình. Con số này chứng tỏ tầm quan trọng của việc tra cứu thông tin để có thể lựa chọn lĩnh vực thật sự phù hợp.
Bạn hãy thử tạo ra hồ sơ xin việc như một bài tập về nhà. Bạn có thể nhờ nhân viên ở các trung tâm hướng nghiệp giúp bạn hoàn thành hồ sơ hoặc tự mình làm hồ sơ xin việc bằng cách gõ từ khóa "tạo hồ sơ xin việc" hay "tạo hồ sơ xin việc trực tuyến" trên Internet.
Trong hồ sơ việc làm cần có những thông tin gì? Sau đây là vài gợi ý cụ thể, nhưng đừng do dự thêm vào những điều có ý nghĩa quan trọng với bạn.
• Bản sao "Chiếc dù của tôi" đã được điền đầy đủ mọi thông tin.
• Danh sách các hoạt động, bài tập ở lớp và những kinh nghiệm cho thấy sở thích của bạn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
• Thông tin về khóa học hoặc đào tạo mà bạn cần cho công việc mình yêu thích (bao gồm cả chuyên ngành đại học được gợi ý).
• Bản sao các giải thưởng, bằng khen, hay chứng nhận của các khóa đào tạo chuyên ngành.
• Ghi chú từ những cuộc phỏng vấn lấy thông tin.
• Danh sách các mối liên hệ trong công việc (để phỏng vấn lấy thông tin, theo chân học việc…).
• Bài viết trên báo hay tạp chí về những tấm gương điển hình trong lĩnh vực công việc bạn thích.
Hồ sơ này chứa nhiều thông tin hữu ích. Nếu bạn đi phỏng vấn xin việc hay thực tập, hãy chọn những tài liệu (tốt nhất là ba loại giấy tờ) trong hồ sơ phản ánh rõ những kỹ năng, kinh nghiệm cần cho công việc đó nhất. Nếu bạn mang theo toàn bộ hồ sơ thì nhà tuyển dụng chỉ xem lướt qua mà thôi.
Nhớ thường xuyên cập nhật thông tin vào hồ sơ của bạn suốt những năm cấp ba nhé, vì sở thích và công việc mơ ước có thể thay đổi khi bạn am hiểu hơn về các ngành nghề. Nhưng đừng loại bỏ những thông tin đã có, vì có thể một ngày bạn cần đến địa chỉ liên hệ hay một cuộc phỏng vấn ngày xưa. Và biết đâu qua đó, bạn sẽ tìm thấy những con đường mới – những công việc mơ ước – để bạn phát huy những kỹ năng và sở thích lớn nhất của mình.
PHÁT TRIỂN KẾ HOẠCH BA PHẦN
Có một bí quyết rất hay khác là tạo ra một kế hoạch gồm ba phần dựa trên đáp án của bạn cho những câu hỏi sau. Hãy sử dụng chiếc dù của bạn, phần "Sở thích lớn nhất của tôi", và xác định lĩnh vực yêu thích nhất của bạn – lĩnh vực bạn muốn tìm việc nhất. Sau đó, nghiên cứu thêm (ở trung tâm hướng nghiệp, thư viện hay trên mạng) để trả lời các câu hỏi sau:
• Tôi có thể chọn công việc khởi đầu nào (công việc chỉ đòi hỏi bằng trung học) trong lĩnh vực tôi yêu thích để tích lũy kinh nghiệm cho công việc tốt hơn sau này?
• Tôi có thể tìm được công việc nào trong lĩnh vực mình yêu thích chỉ với hai năm đào tạo (hay ít hơn)?
• Tôi có thể tìm được công việc nào trong lĩnh vực mình yêu thích với bằng đại học hoặc chương trình đào tạo cao cấp?
Bạn nên tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này vào năm lớp 11 (hoặc sớm hơn). Để có được câu trả lời chính xác, bạn cần quay lại hỏi những người bạn từng phỏng vấn lấy thông tin. Nên nhớ rằng mỗi câu hỏi có thể có tới hai-ba câu trả lời, bởi vì không chỉ có một công việc phù hợp cho bạn. Điều đó thật tuyệt vì nó cho phép bạn có thêm nhiều lựa chọn. Con đường của bạn sẽ rất hẹp nếu chỉ có một lựa chọn mà thôi. Kế hoạch chỉ với một sự lựa chọn cũng như chiếc ghế một chân – chắc chắn sẽ làm bạn ngã. Khi bạn tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi trên, hãy viết chúng vào hồ sơ xin việc của mình. Thông tin thu thập được sẽ giúp bạn thiết kế bản kế hoạch công việc tương lai sau khi tốt nghiệp trung học.
Tôi nên học lên đại học hay không?
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này thực ra khá phức tạp. Trước kia, tấm bằng đại học đồng nghĩa với một việc làm tốt, lương cao. Nhưng giờ thì bằng đại học đôi khi không cần thiết nữa.
Để lên kế hoạch sự nghiệp từ hôm nay, bạn cần phân biệt giáo dục bậc cao với chương trình đào tạo. Giáo dục bậc cao bao gồm bất kỳ kiến thức nào học được một cách chính thống sau bậc trung học, mặc dù nhiều người vẫn hiểu "chương trình giáo dục bậc cao" chỉ có ở trường đại học hay cao đẳng. Nếu một giáo viên hay nhân viên hướng nghiệp khuyên bạn học cao hơn, hãy hỏi rõ điều đó có nghĩa là gì, bởi bạn có thể hiểu lầm ý họ.
Nói chung, "giáo dục" bao gồm nhiều loại hình tiếp nhận kiến thức khác nhau. Ví dụ, để có bằng trung học, bạn nhất thiết phải học một số môn học nhất định, trong đó có môn bạn thích, có môn bạn không thích. Khi vào đại học, bạn được chọn chuyên ngành chính, tức là ngành bạn thích nhất, nhưng bạn cũng phải học các môn phụ để đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp. Bạn có thể thích hay không thích những môn này, nhưng chúng đều cung cấp cho bạn các ý tưởng, kiến thức, và các kỹ năng có thể hữu ích cho cuộc sống cá nhân lẫn công việc của bạn sau này.
Ngược lại, "quá trình đào tạo" tập trung hơn vào trọng tâm hay chuyên ngành. Các lớp đào tạo dạy cho bạn những kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ hay quy trình được dùng trong các ngành nghề, môi trường làm việc nhất định.
Loại hình giáo dục và đào tạo cũng đa dạng hơn, ngày nay, bạn có thể chọn học qua mạng. Thời khóa biểu cũng linh hoạt hơn, ví dụ, bạn có thể chọn các khóa học buổi tối hay cuối tuần, nếu bận đi làm.
Việc chọn trường đại học, chuyên ngành đào tạo để chuẩn bị cho sự nghiệp đều phụ thuộc vào việc bạn muốn làm gì. Đây chính là lúc những tìm hiểu về nghề nghiệp của bạn phát huy tác dụng, giúp bạn quyết định đúng đắn về việc học lên cao hơn hay tạm thời chỉ cần tham gia lớp đào tạo nghề.
Hãy nhìn vào câu trả lời của bạn cho những câu hỏi ở mục "Phát triển kế hoạch ba phần". Khi tìm thấy một công việc yêu thích đòi hỏi giáo dục bậc cao hay đào tạo chuyên sâu, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:
• Những người bạn phỏng vấn lấy thông tin đã khuyên bạn nên chọn loại hình giáo dục – đào tạo nào?
• Chương trình học này sẽ mất bao lâu?
• Học phí?
• Bạn sẽ chi trả học phí bằng cách nào?
Theo Bộ Lao động Mỹ, 75% công việc hiện tại đòi hỏi trình độ đại học. Đây là sự thay đổi lớn so với thời bố mẹ bạn – ngày đó, chỉ cần tốt nghiệp trung học là bạn đã có thể tìm được một công việc tốt, lương cao. Nhưng không phải mọi công việc tốt đều cần đến bằng cử nhân – chỉ 20% công việc hiện tại cần bằng cử nhân hay bằng cấp cao hơn. Phải mất từ bốn đến sáu năm để nhận được bằng cử nhân (chỉ có 30% sinh viên đại học hoàn thành chương trình cử nhân trong vòng bốn năm), trong lúc đó thì công nghệ bạn học đã lỗi thời đến ba hay bốn thế hệ rồi. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng học hành bài bản thì lâu quá. Họ cần nhiều nhân lực với các kỹ năng chuyên biệt – những người có khả năng nắm bắt các ứng dụng kỹ thuật mới một cách nhanh nhạy. Vì vậy, trong nhiều ngành công nghiệp, bằng trung cấp hay cao đẳng kỹ thuật có giá trị hơn bằng cử nhân.
Dù tin hay không, bạn cũng không cần theo đuổi chương trình đại học thì mới có thể thành công trong kinh doanh. Theo báo cáo của Cục điều tra dân số tại Mỹ, chỉ có 30% người trên 25 tuổi có bằng đại học. Rất nhiều người giàu không có bằng đại học. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể kết hợp tấm bằng đại học với đam mê của mình. Đại học có thể là nơi tuyệt vời để bạn tìm kiếm, phát triển đam mê và rồi mài giũa kỹ năng để ứng dụng đam mê đó vào thực tế. Trường đại học cũng là nơi thích hợp để xây dựng mạng lưới bạn bè và người quen biết, những người sẽ giúp bạn theo đuổi đam mê của mình.
Nếu thành công được định nghĩa là sở hữu kỹ năng giỏi/ mức lương cao – như cách hiểu đơn giản nhất của đa số bạn trẻ thì điều kiện tiên quyết là bạn cần trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng để giành lấy một công việc tốt. Bằng cấp chỉ là một phần trong đó.
- KENNETH C. GRAY, giáo sư, tác giả cuốn Getting Real: Helping Teens Find Their Future.
"Nhưng tôi chưa chắc chắn đam mê hay công việc tôi muốn làm là gì", bạn nói. Và "Liệu tôi có học lên đại học hay không?". Vậy thì dù có thể, bạn vẫn không nên cố học tiếp lên đại học, đặc biệt nếu bạn không có thành tích học tập tốt ở trung học. Vì ngay cả học sinh giỏi cũng gặp nhiều khó khăn để hoàn thành chương trình cử nhân. Một lần nữa, trung bình khoảng 50% bạn trẻ sẽ thất bại ngay từ nỗ lực đầu tiên khi cố học lên cao. Khoảng một nửa trong số 50% đó thất bại vào năm đầu hoặc năm thứ hai đại học. Vì sao? Bởi vì họ không xác định được chuyên ngành mình muốn học. Thậm chí, sau khi ra trường và cầm bằng cử nhân trong tay, họ vẫn không khác gì chàng sinh viên năm nhất không biết mình muốn làm gì khi vào đại học. Thật tai hại! Những công việc tốt dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đã được những người có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng chớp lấy. Thường thì vào năm hai đại học, sinh viên nào chú trọng sự nghiệp đã tìm công việc thực tập phù hợp trong hè, vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa thiết lập các mối quan hệ công việc, nhờ đó mà khi tốt nghiệp họ nhanh chóng tìm được công việc như ý. Nếu bạn vay tiền chính phủ để học đại học, cuộc sống của bạn càng chịu nhiều áp lực nếu không có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên thường cho rằng thời đại học là thời gian lý tưởng để khám phá các sở thích và tìm cơ hội nghề nghiệp. Các trường trung học thường thông qua các bài khảo sát hoặc các khóa hướng nghiệp để giúp học sinh xác định ngành học. Nhưng ở bậc học cao hơn, bạn phải chủ động tìm lấy kinh nghiệm – điều mà phần lớn sinh viên không làm được. Đó là lý do cứ ba sinh viên tốt nghiệp đại học thì có một bạn không biết làm gì với tấm bằng của mình. Chỉ 1/3 số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học nhân văn (và 1/2 số cử nhân thuộc các chuyên ngành khác cộng lại) nhận việc đúng chuyên môn, số còn lại phải làm những việc không liên quan đến sở thích hay chuyên ngành được đào tạo. Họ phàn nàn: "Tôi đi học để làm công việc này hay sao?". Bạn có muốn tương lai của mình như vậy không? Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể chủ động quyết định sự nghiệp tương lai của mình nếu bạn chịu khó lên kế hoạch ngay từ lúc này.
Đa số các bạn trẻ đều đúng khi chọn theo học các trường cao đẳng hay trường đào tạo kỹ thuật sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trong khi các trường đại học sẽ dành hai năm đầu tiên để giúp sinh viên trang bị kiến thức cơ bản, cho phép bạn khám phá nhiều môn học khác nhau, thì trường cao đẳng khuyến khích sinh viên tự tìm hiểu nghề nghiệp. Những khám phá này sẽ giúp bạn nhận ra lĩnh vực đam mê, xác định công việc thích hợp với mình, từ đó chọn đúng ngành học. Nếu bạn thực sự muốn có bằng cử nhân, hãy chọn các lớp có thể liên thông lên đại học.
Bạn cũng có thể học theo nhiều giai đoạn. Ở trung học, hãy tìm các lớp dự bị kỹ thuật hữu ích. Nhiều nghiên cứu cho thấy các học sinh tham gia lớp này hầu như vào đại học ngay khi tốt nghiệp phổ thông, và sẽ thành các kỹ sư. Các lớp dự bị kỹ thuật cũng như những chương trình dạy kỹ thuật tương tự vừa cho phép bạn khám phá nghề nghiệp, vừa dạy bạn những kỹ năng giúp tìm được việc, lại tạo điều kiện để bạn vừa học vừa làm với mức lương khá. Nhiều thế hệ sinh viên giàu tham vọng nhưng nghèo túi tiền đã chọn cách vừa đi làm vừa đi học, hoặc học rồi tạm ngưng để đi làm, khi có tiền lại tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Phương thức này giúp các bạn không đủ điều kiện kinh tế vẫn có thể học lên cao. Một số ngành nghề đòi hỏi phải có bằng cử nhân. Nếu ngành của bạn cũng vậy và bạn muốn vào thẳng đại học, hãy nhớ tìm các cơ hội học bổng và trợ cấp để giảm thiểu số tiền vay.
Hiện tại, rất nhiều công việc "cổ cồn xanh" [lao động chân tay] được trả lương cao hơn "cổ cồn trắng" [lao động trí thức]. Vì vậy, khi nói về công việc lý tưởng với sức hấp dẫn, đầy thử thách và mức lương cao, thì sự phân loại cổ cồn trắng/cổ cồn xanh không còn ý nghĩa trong thị trường nhân lực ngày nay.
- Tiến sĩ danh dự MICHAEL CULLEN, Bộ trưởng Giáo dục bậc cao và Tài chính New Zealand.
Bạn nên nhớ rằng vào đại học không chỉ để cặm cụi trên giảng đường và thư viện. Việc kết giao, mở rộng mối quan hệ, tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội cũng ảnh hưởng lớn tới cuộc đời bạn. Bạn bè thời đại học thường là mối quan hệ thân hữu, kéo dài cả đời.
Bạn thấy đấy, có nhiều yếu tố để bạn cân nhắc trước khi quyết định có học lên đại học hay không. Câu trả lời không đơn thuần là "có" hay "không". Nên nhớ rằng bạn có thể thay đổi cuộc đời mình bất cứ lúc nào. Nếu bạn chọn đi làm sau khi tốt nghiệp cấp ba, bạn vẫn có thể học tiếp lên đại học, có điều nếu lúc đó bạn đã lập gia đình thì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn.
Mục tiêu sự nghiệp, kinh nghiệm làm việc cũng như quyết tâm hoàn thành chương trình cử nhân sẽ tăng thêm giá trị cho những trải nghiệm ở trường đại học của bạn. Khi vào năm nhất, nếu thấy ngành kỹ thuật thích hợp với công việc bạn muốn làm hơn thì bạn cứ đổi sang chương trình này. Tuy nhiên, một khi đã hoàn thành các cuộc phỏng vấn lấy thông tin thì bạn gần như biết rõ cần theo đuổi ngành học nào và loại hình đào tạo nào sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp tương lai của bạn. Theo Ken Gray, tác giả cuốn Get- ting Real (tạm dịch: Biến ước mơ thành hiện thực) thì 1/3 sinh viên năm nhất bỏ học ngay trong ba tuần đầu tiên. Chỉ một số ít được hoàn lại học phí hay tiền ký túc xá, số còn lại phải chịu mất toàn bộ số tiền đã đóng, có khi lên tới hàng ngàn đô-la. Như vậy bạn có thể thấy rằng bước chuẩn bị, mà cụ thể là các cuộc phỏng vấn lấy thông tin, không chỉ giúp bạn chọn đúng hướng cho con đường sự nghiệp lâu dài, mà còn giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí lớn.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bạn muốn đi đâu, vào đại học hay không, chọn trường này hay trường khác, đều không quan trọng bằng việc bạn sẽ học được những gì.
- Tiến sĩ RICH FELLER, tác giả cuốn Knowledge Nomads and the Nervously Employed
Nhiều người hoàn tất chương trình đại học rồi vài năm sau trở lại học thêm – để cập nhật kiến thức và tăng cường kỹ năng trong lĩnh vực họ đang làm, hoặc để chuyển sang hướng khác. Kỹ năng nghề nghiệp sẽ nhanh chóng lạc hậu nếu không được thường xuyên cập nhật. Để luôn được ưu tiên tuyển dụng, bạn nên có kế hoạch làm mới hay bổ sung kỹ năng của mình ít nhất năm năm một lần, thậm chí là hàng năm.
KHOẢN VAY CHO TƯƠNG LAI
Trong nhiều thế hệ qua, giới trẻ đã cải thiện địa vị kinh tế – xã hội của mình bằng cách học lên cao. Họ theo đuổi bằng cấp để đủ điều kiện bước vào những lĩnh vực chuyên sâu, được xã hội đánh giá cao như y tế, luật, giáo dục, khoa học công nghệ… Ngày nay, chiến thuật đầu tư cho tương lại bằng con đường học vấn này vẫn rất hữu dụng. Các ngân hàng và nhiều tổ chức hỗ trợ giáo dục đều có những khoản vay tạo điều kiện cho sinh viên theo học đại học hoặc cao học. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về khoản vay cho sinh viên tại phòng hỗ trợ sinh viên của trường.
Ngoài ra, còn có một sự thay đổi khác trong thị trường nhân lực có thể tác động tới mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Đó là một số công việc tay nghề kỹ thuật cao có mức lương không thua kém những nghề nghiệp chuyên sâu. Do đó, nếu bạn không ngại học thêm một hai năm sau khi tốt nghiệp trung học, nhưng không thích cặm cụi đến bốn hay sáu năm để lấy bằng cử nhân, bạn hãy xem xét những ngành kỹ thuật mà bạn yêu thích.
Hãy nhớ rằng bạn luôn có nhiều lựa chọn. Thậm chí nếu quyết định rồi mà thấy mình sai, bạn vẫn có thể chọn lại hướng đi mới cho cuộc đời và công việc của mình.
Tái bút: Cuộc sống sau trung học
Như chúng tôi đã đề cập, trong thế giới công việc hiện nay, hầu hết những công việc được trả lương cao đều yêu cầu một trình độ giáo dục hay đào tạo nhất định sau khi tốt nghiệp cấp ba. Bạn có thể tiếp tục học lên ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba hay đợi vài năm. Bạn có thể chưa sẵn sàng để học đại học, nhưng sau vài năm kinh nghiệm làm việc, bạn sẽ mong mỏi được quay lại trường. Những người quyết định quay lại học sau khi đi làm vài năm thường trở thành sinh viên giỏi. Có công việc tốt, có kinh nghiệm sống, hiểu rõ những mong muốn của mình – vì vậy, họ đã có mục tiêu để nhắm đến!
Bạn có rất nhiều cơ hội và khả năng khi nghĩ xem mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp cấp ba. Sau đây là một vài ví dụ:
• Du lịch – trong nước hay vòng quanh thế giới.
• Làm việc bán thời gian hay toàn thời gian và tiếp tục học (học đại học, cao học, hoặc học thêm một kỹ năng nào đó).
• Làm việc bán thời gian và công việc tình nguyện để rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xây dựng các mối quan hệ… nhằm tăng cơ hội tìm việc sau này.
• Nhận bất kỳ công việc nào có thể để học thêm về một lĩnh vực hay ngành nghề nào đó.
• Tìm hiểu một thành phố, một tiểu bang (hoặc thậm chí cả một quốc gia!) mới lạ để đến sống.
• Bắt đầu thực tập trong cơ quan chính phủ.
• Nhận một công việc mà bạn cảm thấy vui, dù đó không phải là nghề bạn muốn theo đuổi cả đời.
• Du học hay ra nước ngoài làm việc.
• Nhập ngũ.
Danh sách này, hoặc bức tranh ở trang trước, có cho bạn thêm ý tưởng nào không? Nếu có hãy bổ sung chúng vào danh sách. Ba lựa chọn đầu tiên của bạn là gì? Nhưng dù làm gì thì bạn cũng hãy làm với tất cả trái tim mình.
KHÔNG MUỐN HỌC TIẾP
Sau 12 năm dài đèn sách, có thể bạn muốn rời xa trường lớp một thời gian, nhưng đừng nghĩ rằng khoảng thời gian trống này là kỳ nghỉ được phụ huynh tài trợ, mà hãy coi đây là lúc bạn tập trung sức lực làm việc, thực tập hay học thêm vài lớp rèn luyện kỹ năng nhằm chuẩn bị tốt hơn cho công việc tương lai.