Thật tuyệt khi bạn sẵn sàng vào đại học! Lý tưởng nhất là bạn đưa ra quyết định này sau khi đã khám phá bản thân cũng như sở thích của mình và nhận ra rằng bằng đại học (bao gồm cả cao đẳng và trường tổng hợp) là điều kiện cần và đủ cho công việc trong mơ của bạn. Nếu bạn thấy đại học là dành cho bạn hoặc cần cho ngành nghề, lĩnh vực mục tiêu của bạn, chương này sẽ giúp bạn thu lượm nhiều nhất từ các trải nghiệm giảng đường.
Với những thế hệ trước, sinh viên thường vào đại học để khám phá điều mình muốn làm và họ thường có việc làm sau khi tốt nghiệp, đơn giản vì họ có bằng cử nhân. Nhưng bạn đang sống trong một thế giới khác. Ngày nay, bằng cử nhân không đủ để bảo đảm cho một công việc ổn định, thu nhập cao. Hiện tại, chỉ có khoảng một nửa số cử nhân tìm được việc phù hợp với bằng cấp và 1/3 cử nhân ngành khoa học xã hội tìm được công việc đúng ngành. Tân cử nhân của niên khóa 2009 còn phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Chỉ 20% tìm được việc làm toàn thời gian trong vòng năm tháng sau khi tốt nghiệp (và 3/4 trong số đó xin được công việc mình từng làm trong kỳ thực tập). Đây là những số liệu theo thống kê của NACE. Chúng tôi không nhằm mục đích khuyên bạn tránh xa trường đại học, mà muốn nhấn mạnh rằng bạn cần tiếp tục đầu tư vào bản kế hoạch sự nghiệp của mình và mở rộng quan hệ giao thiệp khi còn đang đi học. Nếu không, việc học đại học của bạn cũng như một trò xổ số đắt giá – bạn phải bỏ ra hàng ngàn đô-la để đánh cược cho cơ hội việc làm của mình.
Khi làm bài tập trong phần 1, bạn đã có được ưu thế lớn so với nhiều sinh viên năm nhất. Bạn biết điều gì quan trọng với mình và những gì bạn cần làm – không đơn thuần là tìm việc sau khi tốt nghiệp, mà quan trọng hơn là tìm được việc mình yêu thích, xứng đáng với công sức bạn bỏ ra ở đại học. Nhiều sinh viên nghỉ học giữa chừng vì họ không đủ động lực hoàn thành việc học. Việc tập trung vào sự nghiệp sẽ cho bạn động lực mạnh mẽ để đi tiếp con đường.
Thời sinh viên là quãng thời gian vui vẻ và nhiều hứng thú. Bạn sẽ gặp nhiều bạn mới, đối diện với thử thách trong học tập, tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao. Bạn bè thời đại học nhiều lúc là bạn cả đời. Nếu nghiêm túc tìm kiếm công việc mình yêu thích, thì ngay khi còn ở đại học, bạn nên đăng ký tham gia chương trình giúp xây dựng các kỹ năng có ích và mở rộng quan hệ giao tiếp để phát triển sự nghiệp của mình.
Tóm lại, xét trên nhiều khía cạnh, những năm học đại học của bạn rất phong phú và bổ ích, nhưng chúng cũng đòi hỏi một ý thức trách nhiệm mới – trách nhiệm không chỉ với cuộc đời bạn mà còn với tình trạng tài chính của bạn nữa. Học đại học là đầu tư cho tương lai.
ĐẦU TƯ VÀO BẢN THÂN VÀ CUỘC ĐỜI MÌNH
Học vị cao là một cách đầu tư truyền thống và khá hữu hiệu cho tương lai, nhưng bạn vẫn phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Vì chi phí cho việc học ở bậc cao (cả kiến thức học thuật lẫn hướng dẫn nghề) khá đắt đỏ, các chuyên gia phân tích tài chính khuyên rằng chi phí cho việc học cần được phân tích kỹ lưỡng không khác gì những cuộc đầu tư khác.
Làm sao để phân tích giá trị của nền giáo dục bậc cao?
• Trước hết, hãy là khách hàng thông minh. Hãy nói chuyện với những người đang làm trong lĩnh vực bạn muốn làm để chắc chắn rằng nền giáo dục hay đào tạo bạn đang trả tiền có giúp bạn tìm thấy công việc mình yêu thích hay không.
• Sau đó, khảo sát mọi rủi ro có thể đe dọa sự đầu tư của bạn. Chuyên gia phân tích tài chính đã chỉ ra năm yếu tố sau là những mối đe dọa thường diễn ra:
* Nợ nần
* Học hành dang dở
* Công việc lương thấp khi ra trường
* Không có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học
* Đổi việc
• Thứ ba, xác định khả năng hoàn vốn đầu tư. Bạn học hành tốn kém bao nhiêu? Mức lương khởi điểm cho công việc bạn muốn là bao nhiêu? Mất bao lâu để bạn trả hết nợ vay khi đi học? Bạn có kiếm đủ tiền để tiết kiệm, lập tài khoản hưu, trả dần nợ và trả các chi phí khác không?
Chi phí cho việc học đại học
Có vẻ kỳ quặc khi chủ đề tài chính được đề cập đến quá sớm trong chương này, nhưng số tiền bạn vay khi học đại học không chỉ ảnh hưởng đến quãng đời sinh viên, mà còn ảnh hưởng đến nhiều năm sau đó nữa (và nếu bố mẹ bạn trả một phần học phí thì điều đó cũng ảnh hưởng tới cuộc sống, cụ thể là khoản lương hưu của họ nữa).
Bạn biết đấy, học phí bậc đại học không phải là khoản tiền nhỏ. Nhiều người tưởng là tấm bằng cử nhân sẽ mang lại cho họ mức lương cao. Một số người thậm chí còn khuyên bạn nên lấy bằng cử nhân “bằng mọi giá”. Đừng nghe lời họ – họ không phải là người chi trả tiền học phí cho bạn. Trừ khi không còn cách nào khác hoặc chỉ vay một số tiền nhỏ, ngược lại bạn nên tránh xa khoản vay cá nhân cho sinh viên. Chúng không được chính phủ quản lý và cũng không được khuyến khích. Cho vay cá nhân không có lãi suất hợp lý và bạn có thể bị tính phí cao.
Một yếu tố tài chính khác bạn nên biết là mức lương khởi điểm dự kiến cho công việc bạn muốn làm. Lương khởi điểm quyết định khả năng chi trả để bạn liệu mà mượn tiền khi theo đuổi chương trình đại học hoặc khóa đào tạo nghề. Một khi biết được lương khởi điểm của công việc mình yêu thích, bạn hãy cân nhắc xem mức lương đó có đủ để bạn vừa chi trả khoản vay cho việc học thêm, vừa đảm bảo cuộc sống và các phí sinh hoạt của mình không. Nếu bạn chưa biết mức lương chính xác thì bạn có thể ước chừng.
Nâng cao khả năng, rèn luyện kỹ năng
Sau khi đã chọn chuyên ngành, đăng ký môn học và các hoạt động ngoại khóa, hãy tìm hiểu xem nhà tuyển dụng thường có những yêu cầu gì đối với người dự tuyển. Sau đây chúng tôi xin đưa ra năm kỹ năng cơ bản, cần thiết đối với tất cả các bạn.
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
Kỹ năng nói và viết giỏi sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi giao tiếp với đồng nghiệp, đám đông và khách hàng. Nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng nói hay viết, hãy theo học lớp hùng biện (bạn sẽ luôn có cơ hội dùng đến kỹ năng này trong công việc bạn muốn làm), tham gia một nhóm MC địa phương hoặc lớp giao tiếp kinh doanh. Nếu ở trường đại học của bạn có tổ chức lớp học quản lý thời khóa biểu, viết lách, sử dụng máy tính và những kỹ năng quan trọng khác, đừng bỏ lỡ cơ hội này.
NHÀ TUYỂN DỤNG TÌM KIẾM ĐIỀU GÌ?
việc học thì bạn cũng sẽ nghiêm túc trong công việc. Nếu bạn có kế hoạch lên đại học, học Luật hay Y thì điểm trung bình tốt nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng nếu điểm bình quân của bạn không xuất sắc thì cũng đừng cho rằng điểm số đó sẽ ngăn bạn tìm được công việc tốt trong tương lai. Hãy cố gắng hết sức để đạt được điểm số cao ở trường, đồng thời không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức và phát triển những kỹ năng thực tế mà nhà tuyển dụng coi trọng.
TRUNG THỰC VÀ LIÊM CHÍNH
Nhà tuyển dụng thích những người đáng tin cậy, tức là bạn phải chịu trách nhiệm cho hành động, lời nói của bản thân, cho cuộc sống của chính mình và của người người khác.
Nhà tuyển dụng cũng muốn bạn phải là người lời nói đi đôi với việc làm. Vậy bạn hãy thử đưa ra một ví dụ thực tế chứng minh rằng bạn là người biết giữ lời. Giữ lời không phải chuyện dễ dàng. Đã bao giờ bạn quay lại thực hiện lời hứa còn dang dở từ nhiều năm trước? Bạn có tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu dù mục tiêu ấy khó đạt được hay không? Ở chỗ làm cũ, bạn có chăm chỉ và hoàn thành những nhiệm vụ được giao hay không?
Ở một thời điểm nào đó, chúng ta đều có lúc phải đứng trước những quyết định vô cùng khó khăn, đặc biệt là những lúc phải đứng giữa quyền lợi cá nhân và vấn đề đạo đức. Trong trường hợp đó, bạn có thể trò chuyện với các chuyên viên tư vấn ở trường đại học, một người lớn thân tín hay nhà tư vấn tâm lý.
KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM
Nếu bạn đã từng làm việc nhóm và có người muốn mọi người phải theo ý mình, hẳn bạn hiểu được cảm giác khó chịu của những người khác. Khi đi làm, việc thiếu kỹ năng làm việc nhóm không chỉ khiến đồng nghiệp khó chịu mà còn gây tổn thất cho công ty.
Hãy tận dụng mọi cơ hội để làm việc nhóm, từ làm bài tập trong lớp đến hoạt động ngoại khóa như thể thao, đóng kịch, viết báo hoặc tham gia hội sinh viên. Càng ham thích những hoạt động này, bạn càng dễ thành công. Bạn có thể tham gia vào những nhóm cùng sở thích như nhóm chế tạo robot, hội sinh viên quốc tế, hoặc nhóm truyền thông… Nếu bạn có cơ hội tham gia các lớp kỹ năng hay hội thảo giải quyết xung đột thì hãy tham gia ngay.
KỸ NĂNG ỨNG XỬ
Đôi lúc kỹ năng ứng xử còn được gọi đơn giản là “kỹ năng tương tác giữa người với người”. Đó là những kỹ năng giúp bạn nói chuyện với người lạ, chào đón mọi người vào một môi trường mới, giải quyết xung đột, lắng nghe vấn đề của người khác... Bài học về các kỹ năng ứng xử đơn giản với nhiều người nhưng lại là vấn đề khó khăn với nhiều người khác. Nếu đó là thử thách với bạn, hãy quan sát những người được đánh giá là giỏi ứng xử để xem bạn có thể học được gì từ họ. Trong suốt những năm học đại học, hãy nắm bắt cơ hội để phát triển những kỹ năng này, ví dụ:
• Trở thành giám thị ký túc xá hoặc tham gia tư vấn cho sinh viên mới nhập học.
• Tham gia hội sinh viên, ban lãnh đạo ký túc xá hay chủ nhiệm câu lạc bộ sinh viên của trường.
• Giới thiệu trường cho tân sinh viên.
• Tham gia các hoạt động tình nguyện do trường tổ chức.
Cũng như mọi kỹ năng khác, kỹ năng ứng xử cần sự thực hành thường xuyên và hãy tìm thấy niềm vui khi sử dụng kỹ năng này để tiếp xúc với mọi người xung quanh.
CÁCH CƯ XỬ TRONG CÔNG VIỆC
Thông thường, những phẩm chất được đánh giá cao trong công việc là siêng năng, luôn đúng giờ, có tinh thần trách nhiệm cao và đáng tin cậy.
Khi bạn đi phỏng vấn lấy thông tin hay theo chân học việc, hãy quan sát văn hóa hành xử ở mỗi công ty. Hãy chuẩn bị tâm lý rằng mỗi môi trường làm việc khác nhau có những quy định riêng về văn hóa ứng xử. Vì vậy, bạn cần tìm thấy sự dung hòa giữa cách cư xử của mình và những gì nhà tuyển dụng mong muốn. (Cho nên khi nhà tuyển dụng phỏng vấn bạn, bạn cũng có quyền phỏng vấn ngược lại họ. Bạn muốn biết đây có phải là nơi bạn muốn làm việc lâu dài hay không, còn nhà tuyển dụng muốn biết bạn có đúng là người họ đang tìm hay không).
BÍ QUYẾT CHIẾC DÙ
Mặc dù kỹ năng lãnh đạo nhóm tốt, biết lắng nghe hay giỏi giao tiếp là những nhân tố giúp bạn trở thành nhân viên giỏi, nhưng nếu muốn trở thành một giám đốc điều hành, bạn cần thêm những tố chất khác. Để dẫn dắt một công ty đến thành công, bên cạnh những kỹ năng tối quan trọng là quản lý và tổ chức, bạn cần có khả năng sâu sát vấn đề, sự quyết tâm, khả năng phân tích và khả năng làm việc trong môi trường áp lực cao, kéo dài.
Mối quan hệ giao tiếp
Trong thời gian học đại học, bên cạnh việc phát triển những phẩm chất đạo đức, kỹ năng chuyên môn thì việc thu thập kinh nghiệm làm việc, xây dựng mối quan hệ hữu ích cũng rất quan trọng. Phỏng vấn lấy thông tin, theo chân học việc và thực tập là những cách tốt nhất để học hỏi kinh nghiệm trong công việc và phát triển mạng lưới giao tiếp.
PHỎNG VẤN LẤY THÔNG TIN VÀ THEO CHÂN HỌC VIỆC
Trong thời gian này, bạn hãy tiếp tục thực hành phỏng vấn lấy thông tin như bạn đã từng làm hồi cấp ba nhưng chuyên sâu hơn. Hãy sắp xếp một cuộc hẹn khoảng 30 phút với người bạn cần phỏng vấn. Trong cuộc gặp đó, bạn hãy hỏi thêm chi tiết về những công việc mỗi ngày của họ và xu hướng phát triển của ngành nghề ấy trong tương lai, bao gồm những cơ hội và thử thách có thể xảy ra cho bạn. Bạn cũng có thể dùng phương pháp này ở đại học để tìm hiểu thêm một số công việc cụ thể. Từ những trải nghiệm, kiến thức tích lũy, hiểu biết về yêu cầu công việc và thị trường nhân lực, bạn sẽ dễ dàng xác định được đâu là công việc thích hợp với mình.
Hãy nhờ nhân viên trung tâm hướng nghiệp ở đại học giúp bạn tìm kiếm những người đồng ý cho bạn phỏng vấn hoặc đi theo học việc (có thể là cựu sinh viên). Cán bộ khoa trong ngành của bạn cũng như bạn chung phòng, bạn bè (và bố mẹ họ) cũng là những đầu mối quan trọng. Hãy giữ liên lạc với phòng quản lý sinh viên, liên hệ với sinh viên các khóa trước. Hầu hết các trường đều lưu giữ thông tin về những sinh viên tốt nghiệp kèm với nghề nghiệp của họ. Và đừng quên những người bạn từng theo chân học việc hoặc đã phỏng vấn lấy thông tin khi bạn còn học cấp ba. Nếu sở thích của bạn vẫn không thay đổi, hãy liên lạc lại với họ để biết liệu họ có sẵn lòng cho bạn theo chân học việc hay phỏng vấn lần nữa với những câu hỏi chuyên sâu hơn không.
Nhà tuyển dụng thường thích chọn sinh viên đã từng thực tập nhiều nơi. Họ chú trọng kinh nghiệm thực tập hơn điểm số, tên trường đại học và cả thư giới thiệu. Nhiều công ty sẵn sàng cho sinh viên thực tập, một số được trả lương, một số không, một số làm vào mùa hè, số khác trong năm học. Trong quá trình thực tập, bạn sẽ được tiếp xúc với công việc trong thực tế, làm quen với môi trường làm việc trong lĩnh vực bạn lựa chọn. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành phóng viên tạp chí thì trong năm học bạn cần phải đăng ký thực tập vào mùa hè ở một nhà xuất bản tạp chí nào đó. Người hướng dẫn sẽ giúp bạn làm quen với quy trình xuất bản, cho phép bạn làm việc với các phóng viên khác và cho bạn bài tập để hoàn thành trước khi kết thúc thực tập.
Thực tập là cách tốt nhất để thử sức trong một công việc bạn yêu thích, đồng thời làm hồ sơ xin việc của bạn thêm giá trị. Chất lượng thực tập đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều sinh viên báo cáo mình được làm thành viên tích cực trong nhóm, trong khi những người khác nói mình chỉ đến ngồi cho nóng ghế. Cho nên bạn cần tìm đến những sinh viên đã từng thực tập trong lĩnh vực bạn thích để tránh những công việc phí phạm thời gian. Hãy đảm bảo bạn đã làm hết phần việc của mình, đến đúng giờ, có tác phong chuyên nghiệp và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ mới. Nếu tạo được ấn tượng tốt đẹp, sau khi tốt nghiệp, bạn có thể được nhận vào làm toàn thời gian ở chính doanh nghiệp bạn từng thực tập, hoặc những người bạn làm chung sẽ tự nguyện viết thư giới thiệu cho bạn, hoặc giới thiệu bạn với những nhà tuyển dụng tiềm năng.
Bạn có thể tìm các thông tin về nơi thực tập ở trung tâm hướng nghiệp tại trường. Nếu bạn không thể tìm thấy nơi thực tập thích hợp với nhu cầu của mình, hãy cố gắng liên hệ với những công ty mà bạn thích để hỏi xem bạn có thể thực tập ở đó không.
THƯ GIỚI THIỆU
Khi chấm dứt một đợt thực tập, một dự án tình nguyện hay hoàn thành công việc nào đó, bạn hãy hỏi xin một bức thư giới thiệu. Bạn phải xin thư giới thiệu của họ ngay vì nếu chờ đến sáu tháng sau thì người quản lý sẽ quên những gì bạn đã từng làm ở chỗ họ, dù trước đó họ rất có thiện cảm với bạn. Những lá thư này sẽ rất hữu ích khi bạn cần giới thiệu để xin việc hay học lên cao.
XEM MÌNH LÀ MỘT MỐI ĐẦU TƯ
Những người trẻ thường được ví như “người bắt đầu khởi nghiệp”. Bạn cũng biết rằng không một doanh nghiệp nào chịu trả một khoản tiền lớn (tương đương với chi phí bạn bỏ ra khi học đại học) để mua một thiết bị hoặc dịch vụ mà họ không biết liệu có giúp ích gì cho họ không. Khi quyết định có học lên đại học hay không, bạn cũng phải xác định những mục tiêu rõ ràng, phân tích xem những gì bạn đầu tư cho bản thân hôm nay có thật sự cần thiết và hữu ích cho cuộc sống tương lai hay không. Khi quyết định bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư cho việc học đại học, mục tiêu của bạn là sau khi ra trường sẽ tìm được một công việc yêu thích, cho phép bạn phát huy vốn kiến thức đã tích lũy.
Những sinh viên thành công là những người biết lên kế hoạch, mục tiêu cho mình suốt thời gian học đại học. Bạn có thể tham khảo kế hoạch của họ dưới đây:
Mùa hè năm nhất: Hoàn thành sơ đồ “Chiếc dù của bạn”. Thực hiện các cuộc phỏng vấn lấy thông tin để tìm ra ba công việc yêu thích. Tìm nơi thực tập. Lên danh sách tên, địa chỉ liên lạc của những người đang làm trong lĩnh vực bạn yêu thích mà bạn đã gặp.
Năm hai: Dùng các kỳ nghỉ để tìm hiểu sâu hơn về các công việc này. Bạn cần xác định công việc tương lai để đăng ký đúng chuyên ngành ngay khi năm học mới bắt đầu. Những sinh viên không thể xác định được chuyên ngành mình muốn học hoặc đổi chuyên ngành thường có nguy cơ phải làm việc trái với chuyên môn đào tạo. Trong năm học, bạn cũng nên đăng ký công việc thực tập cho mùa hè sắp tới.
Mùa hè năm hai: Nhận công việc khởi điểm hay bắt đầu thực tập trong lĩnh vực bạn thích nhất, hoặc lên danh sách những công việc tình nguyện trong vài lĩnh vực khác nhau để bạn có thể chọn lựa. Cập nhật danh sách liên lạc, lên kế hoạch chi tiết cho thành công của bạn.
Năm ba: Đăng ký công việc thực tập mùa hè. Tìm kiếm và tham gia các hội thảo chuyên nghiệp hay cuộc họp của các tổ chức nghề nghiệp địa phương.
Mùa hè năm ba: Đi thực tập hoặc làm việc trong một lĩnh vực đã chọn. Cập nhật danh sách liên lạc và kế hoạch thành công của bạn.
Năm cuối: Sắp xếp thời khóa biểu để có thể thực tập trước khi tốt nghiệp. Liên lạc với những người quen biết để cho họ biết bạn đang chủ động tìm kiếm công việc, miêu tả công việc bạn muốn và nhờ họ báo cho bạn biết nơi nào đang tuyển dụng (những sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp đã nói rằng họ mất từ sáu đến chín tháng tìm việc).
Kinh nghiệm thời đại học
Dù trọng tâm của cuốn sách này là hướng dẫn bạn cách tìm được công việc yêu thích, nhưng cuộc sống không chỉ có công việc.
Những kinh nghiệm thời đại học không chỉ cung cấp cho bạn kiến thức để đi làm, mà còn thách thức bạn khám phá giá trị thực của chính mình. Khả năng sống độc lập, dám đối mặt với khó khăn, dám nhận lãnh trách nhiệm từ những quyết định của mình sẽ giúp bạn trưởng thành nhanh chóng. Để làm được điều đó, bạn cần học cách đối xử với bạn chung phòng, đối mặt với vấn đề tài chính (cách chi tiêu, cách trang trải học phí và chi phí sinh hoạt), lập thời gian biểu hợp lý, có trách nhiệm trong công việc, thu xếp cuộc sống cá nhân (dọn dẹp, mua sắm và nấu nướng)... Nếu bạn phí phạm thời gian đại học cho những hoạt động vui chơi vô bổ thì bạn đã bỏ mất cơ hội trưởng thành, bỏ lỡ cơ hội đón nhận một tương lai tốt đẹp sau khi tốt nghiệp. Những trải nghiệm trong thời gian học sẽ giúp bạn phát huy những kỹ năng quan trọng vốn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc sau này.