Các bài tập và câu hỏi ở những chương trước đã giúp bạn thu thập đầy đủ thông tin về sở thích, kỹ năng và công việc mơ ước của mình. Bạn cũng đã biết cách tận dụng kinh nghiệm thời trung học và đại học để chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai. Khám phá này hẳn giúp bạn nhận ra tầm ảnh hưởng của sở thích đối với công việc và tương lai. Bây giờ, chúng tôi muốn giới thiệu những công cụ sẽ giúp bạn vừa tìm được công việc như ý, vừa có được cuộc sống lý tưởng. Việc lập mục tiêu giúp bạn nhìn nhận rõ hơn những điều bạn mơ ước trong đời và định hướng cách sử dụng thời gian một cách hợp lý.
Mục tiêu là điều bạn muốn đạt được, chẳng hạn học lái xe, lấy bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và đại học, hoặc được bầu chọn là thủ lĩnh sinh viên của trường... Mục tiêu còn là hiện thực hóa những gì bạn mơ ước, như du lịch tới Ấn Độ, tham gia môn thể thao mạo hiểm hay gặp một người họ hàng mà bạn chưa từng gặp mặt… Một số mục tiêu hoàn toàn mang tính cá nhân, ví dụ như muốn hiểu kỹ hơn về ai đó, đọc một cuốn sách hay học cách hòa hợp với em gái; có những mục tiêu liên quan đến việc học hành như vào được một trường đại học nào đó, điểm trung bình cuối năm đạt loại khá hoặc vượt qua kỳ thi hóa học; cũng có những mục tiêu liên quan đến sự nghiệp như tìm kiếm công việc mơ ước hay tham gia chương trình vừa học vừa làm. Vì cuộc sống không chỉ có học hành hay công việc nên bạn có thể hướng tới bất kỳ mục tiêu nào có ý nghĩa với cuộc đời bạn: những mối quan hệ, trải nghiệm mới mẻ hay đơn giản là niềm vui nho nhỏ.
Xác định mục tiêu trong cuộc sống là một điều cần thiết. Bạn đã bao giờ đặt ra một mục tiêu nào đó và hoàn thành nó chưa? Nếu có, bạn học được gì từ việc đạt được mục tiêu? Nếu bạn đã đặt mục tiêu, nhưng không đạt được, hãy ngẫm nghĩ xem đâu là nguyên nhân cản trở bạn và bạn cần làm gì để vượt qua rào cản đó. Nên nhớ rằng thất bại là người thầy tuyệt vời nhất.
Mục tiêu giúp bạn nhận diện chính xác những gì bạn thực sự muốn làm, giúp bạn xác định đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống và bạn sẽ phải thay đổi những gì để đạt được điều đó. Mục tiêu còn thúc đẩy bạn làm bằng được những gì bạn đã tuyên bố rằng muốn làm! Chỉ cần viết ra giấy, mục tiêu đã được cụ thể hóa hơn nhiều, nhưng mục tiêu trên giấy sẽ mãi là ý tưởng cho đến lúc bạn bỏ tâm sức để hiện thực hóa chúng. Khi thực hiện được mục tiêu, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và có cảm giác bạn có thể điều khiển vận mệnh của mình.
Chọn mục tiêu
Mục tiêu nào cũng cần có một thời hạn hoàn thành nhất định. Bạn sẽ thấy hữu ích khi lên kế hoạch cho mỗi ba tháng, sáu tháng hay đặt mục tiêu cho cả học kỳ. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể có nhiều bài tập hay dự án cần hoàn tất. Rồi bạn lại chia nhỏ mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ cần hoàn thành trong tháng hoặc tuần. Như thế, bạn có thể đạt được mục tiêu mà không phải cuống quít trong những phút chót.
Các mục tiêu sẽ phản ánh giá trị của bạn, vì thế khi đưa ra mục tiêu, bạn hãy tự hỏi:
• Điều gì quan trọng với tôi?
• Tôi muốn dùng thời gian để làm việc gì nhất?
Đó là những câu hỏi không dễ trả lời, nhưng là vấn đề quan trọng mà bạn cần nghĩ tới. Một số mục tiêu của bạn có thể thay đổi theo thời gian, trong khi những mục tiêu khác dần trở nên rõ ràng hơn. Sau khi đã đạt được một mục tiêu, bạn hãy vươn tới những mục tiêu khác.
LẬP MỤC TIÊU
Lấy một tờ giấy, đặt theo chiều ngang rồi chia thành ba cột bằng nhau. Kẻ một đường gần đầu trang để tạo thành một hàng tiêu đề. Viết tiêu đề vào cột đầu tiên - "Những điều tôi muốn thực hiện trong đời"; cột thứ hai - "Điều tôi muốn làm trong một đến ba năm tới"; và cột cuối cùng - "Nếu cuộc sống của tôi chỉ kéo dài sáu tháng nữa, tôi sẽ dành khoảng thời gian còn lại đó để làm gì?".
Hãy viết ngay những gì nảy ra trong đầu bạn. Bắt đầu với cột nào cũng được. Sau đó, hoàn tất cột kế tiếp – cột nào cũng được. Rồi cột cuối cùng.
Sau đó hãy đọc lại từng cột. Bạn nghĩ gì về những điều vừa viết? Có gì đáng ngạc nhiên không? Có phần nào khó hoàn thành hơn những phần khác không?
Xem lại cột cuối "Nếu cuộc sống của tôi chỉ kéo dài sáu tháng nữa, tôi sẽ dành khoảng thời gian còn lại đó để làm gì?". Bạn đã kể ra những hoạt động nào? Những gì bạn muốn làm khi còn rất ít thời gian để sống chính là những điều quan trọng nhất với bạn.
Bạn có thể đạt được điều mình muốn trong sáu tháng hay phải ưu tiên cho những việc quan trọng trước mắt (thi học kỳ hay thi tốt nghiệp chẳng hạn). Nhưng cuộc sống còn cần niềm vui nữa chứ. Vậy nên đừng quên những mục tiêu cá nhân mà bạn muốn hoàn thành trong sáu tháng tới. Bây giờ bạn đã có một cái nhìn mới về mục tiêu sáu tháng của mình, hãy chỉnh sửa lại danh sách này một lần nữa, bao gồm cả mục tiêu giải trí lẫn những mục tiêu học tập hay sự nghiệp.
Bạn có thể mất vài ngày để đặt thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu trên. Chỉ cần nghĩ đến những điều bạn muốn làm và trải nghiệm trong cuộc đời cũng đủ để kích thích ý tưởng. Điền những ý tưởng này vào từng cột, tùy theo khung thời gian của mục tiêu. Và khi danh sách đã hoàn tất, bạn hãy xếp thứ tự ưu tiên sao cho những dòng đầu tiên là mục tiêu quan trọng nhất với bạn. Viết hai, ba mục tiêu yêu thích nhất của bạn vào giữa sơ đồ "Chiếc dù của bạn".
Hoàn thành mục tiêu của bạn: Danh sách những việc cần làm
Mục tiêu mà thiếu kế hoạch thì chỉ là ý tưởng. Hãy lên kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đó, cụ thể là lập danh sách những việc cần làm. Ví dụ, một trong những mục tiêu của bạn là thi đậu đại học, theo đuổi một môn nghệ thuật hoặc một chuyên ngành kỹ thuật nào đó. Khi đó, bạn cần làm những việc sau:
1. Vào website của trường học để xem thông tin về học phí, điều kiện nhập học và thông tin dự tuyển.
2. Đăng ký thi.
3. Tìm hiểu về những môn bạn nên học chuyên sâu ở cấp trung học.
4. Đăng ký các lớp này.
Có thể khi đang tiến hành những điều cần làm, bạn nhận ra rằng vì mình sắp vào trường đào tạo nghệ thuật hay kỹ thuật nên bạn sẽ không cần thi chứng chỉ tốt nghiệp trung học mà cần một bộ hồ sơ thật tốt. Trong trường hợp này, bạn chỉnh lại danh sách những gì cần làm theo hướng này:
1. Tìm ra những đòi hỏi bắt buộc trong hồ sơ.
2. Nhờ cố vấn tuyển sinh của trường tư vấn về những yêu cầu của hồ sơ và gợi ý lớp học mà bạn nên tham gia ở trường cấp ba.
3. Bắt đầu thu thập hồ sơ của bạn.
4. Hoàn thành hồ sơ đúng hạn.
Chuẩn bị danh sách những gì cần làm chính là chia nhỏ mục tiêu của bạn thành nhiều bước để dễ quản lý. Những bước phù hợp với khả năng sẽ giúp bạn dễ dàng tiến tới mục tiêu hơn, còn những bước quá dài có thể khiến bạn nản lòng. Khi đó, hãy chia mỗi bước lớn thành hai hay ba bước nhỏ hơn. Hoàn thành được một bước cũng là đạt được một thành tựu nho nhỏ, và bước đó sẽ đưa bạn đến gần với mục tiêu hơn.
Đánh giá lại mục tiêu
Khi tiến gần đến mục tiêu, thường là mục tiêu dài hạn, bạn đã có thêm trải nghiệm và rút ra được một số bài học. Những bài học này sẽ giúp bạn đánh giá lại mục tiêu ban đầu.
Đôi khi những trải nghiệm bạn có được trong quá trình hoàn thành mục tiêu lại đáng giá hơn chính mục tiêu đó: Chúng giúp chứng thực một mục tiêu nào đó đúng là mục tiêu của bạn, cũng có khi những trải nghiệm ấy có thể khiến bạn xem lại mục tiêu của mình, gợi mở một ý tưởng mới hoặc tìm ra một hướng đi mới trong đời. Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua một mục tiêu khi nó không còn ý nghĩa gì với bạn và thay thế bằng những mục tiêu mới quan trọng hơn.
BÍ QUYẾT CHIẾC DÙ
Bạn muốn biết những mục tiêu đặt ra có thể giúp bạn thành công trong tương lai như thế nào, nhưng bạn lại không tự tin lắm về cách thực hiện, vậy thì hãy lên danh sách những việc người lớn có thể giúp đỡ. Hãy tìm một người bạn tin là đã đạt được nhiều mục tiêu tương tự. Hãy bàn bạc với họ những ý tưởng cho mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như mục tiêu mỗi tháng, sau đó thảo luận những gì bạn cần làm mỗi ngày để đạt được mục tiêu đó. Viết những mục tiêu này lên lịch để bàn, gương soi hay ghi chú trên điện thoại của bạn.
Công cụ trong cuộc sống
Mục tiêu bạn lập ra hôm nay không nhất thiết sẽ gắn bó với bạn cả đời. Bạn sẽ thấy danh sách mục tiêu của mình thay đổi theo thời gian. Cho nên hãy biến việc lập mục tiêu (và lên danh sách những điều cụ thể cần làm để đạt được mục tiêu) trở thành thói quen trong suốt cuộc đời bạn. Biết cách đặt mục tiêu và thực hiện chúng là bạn đã nắm giữ một công cụ quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống rồi đó.