Vì sao chủ đề của chương đầu tiên lại tập trung vào những việc bạn thích làm nhất? Bởi vì điều đó tiết lộ sở thích và kỹ năng tốt nhất của bạn (hay còn gọi là "kỹ năng sở trường" của bạn). Đây là hai căn cứ quan trọng để xác định công việc lý tưởng dành cho bạn.
Trước tiên, hãy xem xét các sở thích của bạn.
Khám phá sở thích lớn nhất của bạn
Bạn thường làm gì những lúc rảnh rỗi? Hoạt động nào khiến bạn hứng thú nhất? Điều gì thu hút khả năng tập trung và trí tưởng tượng của bạn nhất? Ở trường, bạn thích học môn nào nhất? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như điện ảnh, máy tính, làm vườn, thể thao. Sở thích có thể thay đổi theo thời gian, tuổi tác và chịu tác động của môi trường xung quanh, nhưng thường thì sở thích tuổi thiếu niên sẽ gắn bó với bạn cả đời, vì vậy hãy xác định sở thích hiện giờ bởi nhiều khả năng là sở thích đó sẽ dẫn đường cho bạn đến với nhiều hướng khác nhau trong sự nghiệp. Đây chính là điểm khởi đầu tốt đẹp cho hành trình tìm kiếm nghề nghiệp lý tưởng của bạn. Vậy bây giờ hãy thử tìm hiểu sở thích của bạn.
TÌM HIỂU SỞ THÍCH CỦA BẠN
Viết mỗi câu trả lời lên một tờ giấy nhỏ.
• Khi có thời gian rảnh, bạn thích làm gì?
• Ở trường, bạn thích học môn nào nhất?
• Khi ở thư viện hoặc nhà sách, bạn thường chọn đọc loại tạp chí nào (khoa học, công nghệ, thời trang, thể thao, văn học, nghệ thuật, kiến trúc)?
• Điền sở thích của bạn vào chỗ trống: Khi tôi…, tôi thường quên mất thời gian và không muốn bị quấy nhiễu.
• Nếu được hỏi về sở thích lớn nhất của bạn, bạn sẽ trả lời như thế nào?
• Thú vui, môn thể thao hay hoạt động giải trí ưa thích nhất của bạn là gì?
• Những trang web quen thuộc của bạn? Chủ đề của các trang web đó là gì?
• Bạn thích giải quyết những vấn đề loại nào?
• Lĩnh vực nào bạn bè thường nhờ bạn giúp đỡ nhất?
Sau khi trả lời hết những câu hỏi trên, hãy viết ba sở thích hàng đầu của bạn vào phần "Sở thích lớn nhất của tôi" trên "Chiếc dù của tôi" (trang 5). Nếu sở thích của bạn thay đổi theo thời gian, đừng quên bổ sung vào sơ đồ chiếc dù đó. Như vậy là bạn đã hoàn thành bước khởi đầu.
Kỹ năng sở trường
Sở thích thường đi đôi với kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng bạn sử dụng thoải mái nhất. Những kỹ năng tốt nhất của bạn là nhân tố giúp dự đoán chính xác nghề nghiệp bạn yêu thích. Chỉ khi bạn có cơ hội vận dụng sở trường của mình để làm việc thì đó mới đúng là nghề nghiệp thích hợp dành cho bạn, và có như thế bạn mới gắn bó lâu dài với công việc được. Tại sao ư? Vì bạn khó có thể thành công nếu không yêu thích công việc mình đang làm.
Có thể bạn sẽ nói: "Tôi không có kỹ năng sở trường nào cả". Bạn không nên nghĩ như vậy. Bạn tài giỏi hơn bạn tưởng. Thường thì chúng ta khó nhận ra tài năng của mình. Cũng có thể bạn không có nhiều tài năng nổi trội như các anh chị mình, nhưng hãy nhớ rằng kỹ năng là yếu tố hoàn toàn có thể học hỏi và phát triển theo thời gian. Chỉ cần bạn nỗ lực.
Cùng với thời gian, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc và trình độ học vấn nâng cao, chúng ta sẽ học được thêm nhiều kỹ năng khác. Ngay ở độ tuổi thanh thiếu niên, bạn đã sở hữu một số kỹ năng nhất định rồi.
Các kỹ năng chuyển đổi
Ở mức độ cơ bản, các kỹ năng được hình thành từ những năng khiếu bẩm sinh. Có nhiều loại kỹ năng khác nhau, trong đó đơn giản nhất là kỹ năng chuyển đổi. Cùng với sở thích của bạn, kỹ năng chuyển đổi là chìa khóa để nhận biết bạn phù hợp với loại hình công việc nào. Dạng này còn được gọi là "kỹ năng thực tế" bởi bạn dùng chúng để làm việc hàng ngày, như thu thập thông tin, dữ liệu, tiếp xúc với mọi người hay sử dụng các công cụ thông thường. Giả sử bạn thích môn trượt ván. Vậy môn thể thao này có tiết lộ manh mối nào liên quan tới nghề nghiệp tương lai của bạn không? Có đấy. Để trượt ván, bạn cần rèn luyện kỹ năng phối hợp tay-mắt-chân đồng bộ, di chuyển nhẹ nhàng và kỹ thuật giữ thăng bằng, khả năng quyết định trong nháy mắt và sẵn sàng đương đầu với rủi ro. Nếu muốn trở thành tay trượt ván cừ khôi, bạn phải không ngừng nâng cao những kỹ năng này. Chúng rất hữu ích trong công việc sau này khi bạn quyết định trở thành một huấn luyện viên trượt ván hay nhân viên cứu nạn.
KHẢO SÁT THỰC TẾ
Hãy dành thời gian để theo đuổi lĩnh vực mà bạn đam mê thật sự. Nhiều doanh nghiệp thành công, như Roadtrip Nation, Facebook, Playing for Change, bắt đầu bởi những thanh niên trẻ đã quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình..
Kỹ năng chuyển đổi được chia làm ba loại: kỹ năng vận động, kỹ năng trí tuệ và kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng vận động chủ yếu là khả năng sử dụng đôi tay hay cơ thể để thao tác với đồ vật, trang thiết bị, dụng cụ. Kỹ năng vận động cũng bao gồm khả năng tương tác với tự nhiên (động thực vật). Kỹ năng trí tuệ chủ yếu là sử dụng đầu óc, thường là những việc liên quan đến dữ liệu, thông tin, con số hay ý tưởng. Còn kỹ năng giao tiếp gồm khả năng kết nối với người khác, phục vụ hay giúp đỡ họ khi cần thiết. (Chúng tôi gọi những kỹ năng này là "kỹ năng DTN – những kỹ năng áp dụng khi làm việc với Dụng cụ, Thông tin/ý tưởng hay con Người).
Tầm quan trọng của kỹ năng chuyển đổi
Kỹ năng chuyển đổi rất quan trọng vì chúng có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực hoặc nghề nghiệp mà bạn chọn. Ví dụ, khả năng bơi lội của bạn có thể thích hợp với nhiều công việc, ví dụ cứu hộ, huấn luyện viên bơi lội hay cố vấn trại hè.
Kỹ năng chuyển đổi là nền tảng của một sự nghiệp thành công. Thông thường, để hoàn thành một công việc nào đó, bạn cần có từ bốn tới bảy kỹ năng chính (đôi lúc người ta gọi các nhóm kỹ năng này là "tập hợp kỹ năng"). Đó là lý do tại sao việc xác định kỹ năng sở trường là bước đi hết sức quan trọng. Nếu biết rõ mình thành thục ở kỹ năng chuyển đổi nào nhất, bạn có thể so sánh để biết những kỹ năng đó tương thích với yêu cầu của công việc nào. Phép so sánh này giúp bạn tìm ra công việc phù hợp với mình. Càng có dịp trổ tài với những kỹ năng tốt nhất của mình, bạn sẽ càng yêu thích công việc đó hơn.
XÁC ĐỊNH KỸ NĂNG CỦA BẠN
Hãy xác định kỹ năng của bạn bằng cách quan sát cuộc sống của chính mình. Hãy nghĩ đến những kế hoạch bạn đã hoàn thành, những vấn đề bạn vừa giải quyết, sở thích của bạn, hoặc những kiến thức học được từ trường lớp, từ công việc, hay cách bạn sử dụng thời gian rảnh rỗi. Hãy chọn một dự án hay một hoạt động mà bạn ưa thích như viết báo, tham gia tổ chức của hội học sinh – sinh viên, hay học một môn thể thao nào đó.
Rich Feller, nhà tư vấn hướng nghiệp và là tác giả cuốn Knowledge Nomads and the Nervously Employed (tạm dịch: Lao động du cư và nỗi lo việc làm), nói rằng 70% kỹ năng của chúng ta đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, 20% học hỏi từ người khác và 10% từ trường lớp, sách vở. Bạn phải tự xây dựng kế hoạch trong đó bạn có thể vận dụng tối đa một trong ba nhóm kỹ năng trên. Nếu bạn vẫn chưa tìm ra ý tưởng cho kế hoạch của mình, hãy nhìn lại cách bạn vượt qua những thử thách trước đây. Khi đã xác định được lĩnh vực bạn muốn thử nghiệm, hãy viết một đoạn ngắn để miêu tả cách bạn đã hoàn thành kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề mà bạn từng gặp phải.
Trước hết, hãy đặt tên cho mục tiêu/ kế hoạch/hoạt động của bạn, sau đó trả lời những câu hỏi sau:
• Mục tiêu/vấn đề: Mục tiêu của bạn là gì? Vấn đề nào bạn cần giải quyết?
• Trở ngại: Điều gì ngăn cản bạn đạt được mục tiêu/giải quyết vấn đề? Bạn đã làm gì để vượt qua khó khăn đó?
• Thời gian: Mất bao lâu để bạn đạt được mục tiêu hay giải quyết vấn đề đó?
• Kết quả: Chuyện gì sẽ xảy ra? Mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch của bạn hay phát sinh những tình huống bất ngờ?
Xác định kỹ năng chuyển đổi giỏi nhất
Kỹ năng sở trường là những kỹ năng bạn thích sử dụng nhất. Mỗi công việc đều có một vài kỹ năng mà bạn không thành thạo lắm. Nhưng để tìm thấy một công việc phù hợp, bạn cần biết kỹ năng bạn thành thạo nhất và kỹ năng bạn thích sử dụng nhất. Hãy thử nghĩ xem, cả một đời bạn sẽ phải gắn bó với công việc, nếu không tìm được công việc yêu thích, không có cơ hội vận dụng những kỹ năng sở trường của mình, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô vị, nhàm chán đến mức nào.
KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI VÀ CÔNG VIỆC MƠ ƯỚC
Mỗi công việc đều đòi hỏi bạn phải hoàn thành một số thao tác hay nhiệm vụ cơ bản nào đó, mà bạn có thể phải lặp lại nhiều lần. Vậy thì bạn cần có những kỹ năng nhất định. Nếu bạn biết đâu là thế mạnh của mình, hãy đánh giá xem những kỹ năng đó có phù hợp với yêu cầu của công việc hiện tại không. Nếu công việc bạn đang làm không cho phép bạn phát huy kỹ năng tốt nhất thì đó không phải là công việc thật sự thích hợp với bạn.
Bạn có cả hai loại kỹ năng "có-thể-làm" và kỹ năng "thích-làm". "Có-thể-làm" là loại kỹ năng bạn không muốn sử dụng thường xuyên, ví dụ bạn có thể rửa chén bát sau bữa tiệc với ba mươi thực khách, nhưng liệu bạn có muốn ngày nào cũng rửa chén bát không?
"Thích-làm" là những kỹ năng bạn sử dụng một cách thoải mái và có thể lặp lại hàng ngày mà không thấy chán. Các kỹ năng có-thể- làm và thích-làm của mỗi cá nhân là hoàn toàn khác nhau. Và thế giới luôn hoan nghênh những người thành thạo nhiều kỹ năng đa dạng.
KỸ NĂNG TƯƠNG TÁC VỚI ĐỒ VẬT
KỸ NĂNG XỬ LÝ THÔNG TIN
Hãy nhìn vào danh sách này và quyết định xem đâu là kỹ năng có-thể-làm và thích-làm của bạn. Sau đó xóa đi những kỹ năng có- thể-làm, tức là những kỹ năng bạn có thể làm, nhưng không mấy hứng thú.
Lưu ý rằng không nhất thiết bạn phải thành thạo như chuyên gia thì mới giữ lại kỹ năng ấy trong danh sách. Chỉ cần bạn thích sử dụng kỹ năng ấy và có kinh nghiệm áp dụng chúng trong chừng mực nào đó. Nếu một kỹ năng xuất hiện ở ba trong số năm bản kế hoạch của bạn và bạn thích dùng nó thì cứ giữ nó lại trên danh sách. Hãy nhớ rằng bất kỳ kỹ năng nào cũng có thể được phát triển thông qua học hỏi và quyết tâm rèn luyện.
Và đây là phần hứng khởi nhất: tìm ra kỹ năng tốt nhất của bạn. Hãy quay lại danh sách các kỹ năng DTN. Tìm mười kỹ năng bạn thích dùng nhất và thường xuyên xuất hiện trong bản kế hoạch của bạn. Viết tên mỗi kỹ năng trên một tờ giấy nhỏ. Xem xét từng kỹ năng một. Nghĩ xem bạn muốn sử dụng kỹ năng này thường xuyên trong công việc hay không? Sắp xếp mười kỹ năng này theo thứ tự yêu thích giảm dần. Có thể bạn sẽ hơi khó quyết định, nhưng hãy cứ thử. Khi biết rõ những kỹ năng tốt nhất của mình, bạn đã nắm được manh mối chính để tìm thấy công việc mơ ước rồi đấy.
Còn bây giờ, hãy nhìn vào nhóm năm kỹ năng đầu danh sách, cũng là năm kỹ năng tốt nhất của bạn. Đây là một phần quan trọng trong "Chiếc dù của bạn". Điền năm kỹ năng vào mục "Kỹ năng chuyển đổi tốt nhất của tôi" (trang 5). Nếu muốn, bạn có thể dùng bút màu để trang hoàng cho "chiếc dù" thêm rực rỡ!
XÁC ĐỊNH CÁC KỸ NĂNG CHUYỂN ĐỔI TỐT NHẤT CỦA BẠN
1. Xem lại danh sách kỹ năng bạn từng sử dụng. Gạch bỏ kỹ năng bạn không cảm thấy thoải mái khi sử dụng.
2. Chọn mười kỹ năng bạn thích dùng.
3. Sắp xếp mười kỹ năng này theo mức độ yêu thích giảm dần.
4. Xem lại danh sách mười kỹ năng này. Năm kỹ năng đầu tiên là những kỹ năng chuyển đổi tốt nhất của bạn.
5. Điền các kỹ năng này vào mục "Kỹ năng chuyển đổi tốt nhất của tôi" vào "Chiếc dù".
Xác định kỹ năng quản lý bản thân tốt nhất của bạn
Trong các bản kế hoạch của bạn, đôi khi có những kỹ năng bạn không biết xếp vào loại nào, nhưng vẫn tin rằng đó là kỹ năng. Đúng thế. Mỗi người đều có ba loại kỹ năng khác nhau.
Thứ nhất là kỹ năng chuyển đổi, hay còn gọi là kỹ năng chức năng. Gọi như thế vì chúng rất hữu dụng. Mỗi khi làm việc, bạn đều sử dụng kỹ năng chuyển đổi. Năm bản kế hoạch đã viết và danh sách kỹ năng DTN sẽ giúp bạn khám phá những thế mạnh của bản thân.
Thứ hai là kỹ năng nắm bắt kiến thức chuyên môn còn được gọi là khả năng hiểu biết nội dung công việc. Đây là kỹ năng cần có để làm việc trong một số lĩnh vực hay hoạt động nào đó. Ngay cả khi đó là thú vui hay sở thích của bạn, bạn cũng phải có một số hiểu biết nhất định để thực hiện. Những hiểu biết này có thể đã nằm trong sở thích của bạn hay ở những lĩnh vực bạn muốn tìm hiểu thêm. Vậy là bạn vừa điền vào mục "Những việc tôi thích nhất" trên sơ đồ "Chiếc dù của tôi" (trang 5) rồi đấy. Hãy nhớ rằng sở thích cá nhân sẽ cung cấp những hiểu biết hữu ích cho nghề nghiệp tương lai của bạn.
Thứ ba là kỹ năng tự quản lý, hay dấu ấn cá nhân thể hiện qua phong cách làm việc của riêng bạn. Để có kỹ năng tự quản lý, bạn cần có những phẩm chất như đáng tin cậy, chu đáo, nhiệt tình, quyết đoán và nhân hậu.
Để khám phá đâu là kỹ năng quản lý bản thân, hãy đọc lại bản kế hoạch của bạn. Sau đó hãy sắp xếp chúng theo mức độ yêu thích giảm dần. Viết ba kỹ năng trên cùng vào sơ đồ "Chiếc dù". Khi còn trẻ, ít ai nắm vững nội dung công việc hay có kiến thức chuyên ngành sâu sắc, nhưng nếu bạn là người đáng tin cậy, đúng hẹn và giao tiếp tốt, bạn có cơ may được nhà tuyển dụng chú ý nhờ tác phong làm việc độc đáo của riêng bạn.