Kết thúc chương này là bạn đã hoàn tất phần còn lại trong sơ đồ "Chiếc dù của tôi" và bắt đầu nhận diện công việc tiềm năng của mình. Mỗi công đoạn bạn làm trong ba chương trước là một mảnh ghép trong bức tranh xếp hình về nghề nghiệp tương lai của bạn. Khi xác định được lĩnh vực tiềm năng, bạn sẽ thấy những mảnh nhỏ ấy kết nối với nhau, mở ra những định hướng mới mẻ, đầy triển vọng cho công việc tương lai của bạn.
Dù công việc tiềm năng có thể rất hấp dẫn, chúng tôi vẫn khuyên bạn không nên vội vàng giới hạn lựa chọn của mình trong phạm vi đó. Đừng tự nhốt mình trong một nghề nghiệp cụ thể mà không xem xét hết mọi khả năng. Nói chung, con người thường thích gọi tên hơn liệt kê. Gọi tên công việc bao giờ cũng dễ hơn là đưa cho ai đó danh sách các kỹ năng bạn thích hay muốn sử dụng. Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào một đầu việc quá sớm, trước khi tìm hiểu những công việc khác cũng cần đến những kỹ năng tương tự thì bạn đã tự đánh mất cơ hội tìm thấy công việc phù hợp nhất của mình.
Lĩnh vực yêu thích của bạn
Công việc tốt là công việc phù hợp với sở thích của bạn và cho phép bạn ứng dụng hầu hết kỹ năng của mình. Hãy quay lại những thông tin bạn đã điền trong sơ đồ "Chiếc dù", phần "Sở thích lớn nhất của tôi". Đôi khi hành trình tìm kiếm công việc hoặc công việc tiềm năng, bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của một "thông dịch viên" – nghĩa là dựa trên những sở thích của bạn, chúng tôi sẽ đưa ra danh sách những ngành nghề thích hợp với bạn. Đôi lúc, những khả năng chúng tôi đưa ra sẽ nhiều hơn những công việc bạn tự xác định.
SỰ NGHIỆP HAY CÔNG VIỆC?
Trong cuốn sách này, chúng tôi hay dùng từ "sự nghiệp" và "công việc". Có nhiều định nghĩa khác nhau cho hai từ này và chúng ta thường phân biệt dựa trên cách dùng từ. "Sự nghiệp của bạn" là toàn bộ thời gian bạn dành cho công việc. "Sự nghiệp" bao gồm cả chuỗi công việc trong cùng lĩnh vực liên quan. Để xây dựng "sự nghiệp", đầu tiên bạn phải tìm ra lĩnh vực nghề nghiệp bạn thích, sau đó tìm hiểu một số công việc cụ thể trong lĩnh vực đó. Do hiểu biết về lĩnh vực nghề nghiệp được mở rộng, các mục tiêu công việc của bạn cũng có thể sẽ thay đổi theo.
Chẳng hạn bạn thích trượt ván, ngành nghề phù hợp với bạn có thể là thể thao, giải trí hay vận động học (ngành này nghiên cứu mối quan hệ giữa quy luật cơ học và giải phẫu học với vận động của con người). Nếu chọn thể thao, bạn có thể trở thành huấn luyện viên môn trượt ván. Nếu chọn giải trí, bạn sẽ làm những việc như thiết kế ván trượt hay lên chương trình cho các nhà trượt ván. Nếu nghiên cứu thể chất, bạn sẽ thiết kế ván trượt sao cho an toàn và dễ sử dụng hơn, đồng thời cũng linh động hơn khi thực hiện các cú nhảy. Trong mỗi trường hợp, chương trình rèn luyện và học tập của bạn (ví dụ, chọn khóa đào tạo hay chọn ngành học ở đại học) sẽ thay đổi.
Có thể thấy rằng cùng là một công việc nhưng bạn vẫn có nhiều khả năng lựa chọn.
TÌM KIẾM LĨNH VỰC YÊU THÍCH CỦA BẠN
1. Lật lại sơ đồ "Chiếc dù của tôi" và nhìn vào mục "Sở thích lớn nhất của tôi".
2. Xem xét từng sở thích của bạn. Bạn tìm thấy những lĩnh vực nghề nghiệp nào hợp với những sở thích này? Với mỗi sở thích, bạn hãy tìm ra hai đến ba ngành nghề phù hợp.
3. Lập danh sách các công việc trên, viết tên mỗi việc vào một tờ giấy rời hoặc ghi vào nhật ký của bạn. Danh sách này không cố định, bạn có thể thêm hoặc bớt trong quá trình tìm hiểu thông tin về các ngành nghề khác.
Nếu bạn cần giúp đỡ khi xác định công việc phù hợp với sở thích, hãy nói chuyện với bố mẹ, giáo viên cố vấn hướng nghiệp ở trường, hay nhân viên tại các trung tâm giới thiệu việc làm.
Khám phá công việc dành cho bạn
Sau khi xác định lĩnh vực phù hợp với sở thích, bạn bắt đầu khám phá những công việc tiềm năng. Hãy tiến hành những bước sau để tìm kiếm công việc mơ ước của bạn.
• Mời người có kinh nghiệm, người bạn tin cậy, xem sơ đồ "chiếc dù" rồi hỏi ý kiến họ về công việc thích hợp với sở thích và kỹ năng của bạn.
• Đọc càng nhiều thông tin về các nghề nghiệp khác nhau càng tốt. Bạn có thể tìm tư liệu về các ngành nghề khác nhau tại thư viện và trung tâm giới thiệu việc làm. Bạn nên nhờ nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm hướng dẫn tìm nguồn thông tin hữu ích giúp mình tìm đúng việc làm thích hợp.
• Tìm trên mạng thông tin về một nghề nghiệp cụ thể.
• Đọc báo, tạp chí và xem ti-vi. Bạn thích đầu việc nào nhất trong số được nhắc đến? Hãy lên danh sách các nghề này hoặc cắt bài báo đó ra.
• Một trong những cách tốt nhất để biết một công việc nào đó có thích hợp với bạn hay không là gặp gỡ và trò chuyện với những người đã làm trong lĩnh vực đó một thời gian. Nếu bạn muốn sau này làm việc ở địa phương thì không khó khăn gì để tìm gặp những người trong nghề. Có thể thực hiện theo những cách sau:
Hỏi người lớn xem họ có biết ai đang làm trong lĩnh vực mà bạn quan tâm không. Tìm thông tin liên lạc của họ (tên, email, số điện thoại…). Trước khi liên lạc với những người đó, bạn đừng quên nhờ người lớn tư vấn cách hỏi thăm về sự nghiệp, công việc.
Xem những Trang Vàng trong danh bạ điện thoại địa phương. Bắt đầu từ vần Z và đọc ngược (cách đọc ngược này khiến thông tin xuất hiện theo một trật tự bất ngờ, nên sẽ giúp bạn chú ý đến những điều thường bị bỏ qua nếu bạn bắt đầu đọc từ vần A như thường lệ). Trang Vàng liệt kê các công việc hiện có ở địa phương bạn. Lập danh sách những công việc đáng chú ý. Gọi điện thoại đến những cơ sở này để hỏi thăm người làm việc ở đó (thành phố, quận, huyện hay văn phòng chính phủ cũng có nhiều công việc. Những cơ quan này thường được đăng ở đầu danh bạ).
Xác định nhu cầu nhân lực địa phương bằng cách liên hệ với văn phòng tuyển dụng (mỗi tỉnh đều có ít nhất một cơ sở này). Thông tin về nhu cầu nhân lực cho bạn biết nghề nào đang có nhu cầu cao nhất ở nơi bạn sống (hoặc muốn đến sống). Không phải mọi dự đoán đều thành hiện thực – đó là lý do bạn cần trò chuyện với những người đang làm công việc bạn thích hoặc người sử dụng lao động trong lĩnh vực đó. Để đưa ra quyết định đúng đắn về nghề nghiệp mình đeo đuổi, bạn cần những tin tức chính xác. Hãy nhờ những người bạn tin cậy tìm người tư vấn có kinh nghiệm.
Và bạn cũng nên nhớ rằng những dự báo về nhu cầu nhân lực chỉ giúp nguồn thông tin bạn thu thập thêm phong phú, chứ không phải là nền tảng quyết định sự nghiệp trọn đời của bạn, vì nhu cầu này sẽ thay đổi.
Sau khi thực hiện xong các bước này, bạn sẽ tìm thấy ít nhất hai- ba cơ hội nghề nghiệp để khám phá.
KHẢO SÁT THỰC TẾ
38% sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ tham gia khảo sát nói rằng hiểu biết của họ về nghề nghiệp là khá hạn chế. Họ cảm thấy ngành học của mình không phải là ngành tốt nhất và lẽ ra họ đã có nhiều cơ hội lựa chọn hơn nếu khi quyết định chọn trường, họ nắm bắt được nhiều thông tin hơn. Hối tiếc, nhưng tiền học phí và những chi phí khác không cho phép họ quay lại trường để học thêm, ít nhất là trong vài năm tới.
Ngược lại, một nghiên cứu ở Anh tiến hành trên các sinh viên tốt nghiệp cho thấy chỉ 20% nghĩ mình chọn sai ngành. Sự khác biệt ở đây là gì? Là học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Anh được học thêm một năm cấp ba và nghỉ một năm trước khi vào đại học. Sinh viên Anh bắt đầu học đại học trễ hơn (khi khoảng 20 tuổi) và được khuyến khích dùng một năm rảnh rỗi này để tìm hiểu về nghề nghiệp tương lai của mình.
Hai công cụ tìm kiếm mới:Mạng xã hội và các cuộc phỏng vấn lấy thông tin
Bạn đã thu thập và đọc được nhiều thông tin về công việc mơ ước của mình, vậy thì bước kế tiếp là bạn hãy trò chuyện với những người đang làm trong lĩnh vực ấy để tìm hiểu sâu hơn. Sau khi điền vào sơ đồ "Chiếc dù" và tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn đã có thể xác định ba công việc thích hợp với mình. Trò chuyện với những người đang làm công việc bạn thích sẽ giúp bạn có một bức tranh sắc nét hơn về những yêu cầu của công việc ấy, và đặc biệt là khả năng đáp ứng của bạn.
Những nghiên cứu không chính thức về nghề nghiệp này có thể được thực hiện qua mạng xã hội, tra cứu thông tin hoặc trực tiếp phỏng vấn những người trong ngành.
MẠNG XÃ HỘI
Mạng xã hội ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của con người trên nhiều lĩnh vực. Một trong những ưu thế nổi trội của mạng xã hội là bạn có thể sử dụng tính năng kết nối của nó để đạt được mục tiêu. Ngày nay, phương pháp này đóng vai trò quan trọng khi bạn săn việc làm hay lập chiến lược nghề nghiệp. Mọi lựa chọn của bạn từ chọn nghề nghiệp, trường đại học hay các khóa học kỹ năng… đều chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội. Hay thậm chí khi bạn cần tìm một bác sĩ thú y, câu lạc bộ khiêu vũ hay một công việc mới, mạng lưới này cũng có thể giúp bạn.
Bạn có thể sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin về thị trường lao động hiện tại hay xu hướng của một ngành nghề cụ thể nào đó, chẳng hạn như:
• Đặc điểm môi trường công việc và khả năng phù hợp của nó với bạn.
• Thuật ngữ, xu hướng và vấn đề trong lĩnh vực này.
• Chuyên gia và nhà lãnh đạo trong lĩnh vực hay ngành công nghiệp bạn yêu thích.
• Sáng kiến để đạt được yêu cầu công việc nhanh hơn và tốt hơn.
Mạng xã hội sẽ đem đến cho bạn nhiều cơ hội việc làm hơn các thông cáo tuyển dụng. Do đó, xây dựng mạng xã hội là kỹ năng quan trọng bạn cần hoàn thiện – bạn sẽ cần đến nó trong suốt quá trình làm việc.
PHỎNG VẤN LẤY THÔNG TIN
Bố mẹ, họ hàng, bố mẹ của bạn bè, thầy cô hay những người lớn khác đều có thể giúp bạn liên lạc với những người đang làm công việc bạn thích. Bạn cũng có thể tìm người để tham khảo thông qua Những Trang Vàng, Facebook, Myspace hay những mạng xã hội khác. Hãy nói chuyện với ít nhất ba người trong ngành nghề bạn thích trước khi quyết định gạt bỏ hay tiếp tục theo đuổi. Mỗi người có kinh nghiệm, cảm giác khác nhau, nên phải nói chuyện với vài người mới giúp bạn có cách nhìn cân bằng hơn về công việc ấy. Bạn có thể thực hiện một số cuộc phỏng vấn ngay trên điện thoại.
Nhưng tốt hơn hết bạn nên phỏng vấn ở ngay nơi làm việc. Những gì bạn tận mắt chứng kiến có giống môi trường làm việc lý tưởng mà bạn đã mô tả trên sơ đồ "Chiếc dù của tôi" không? Thực tế, bạn không thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh về một công việc nào đó cho đến khi bạn tận mắt thấy người ta sắp đặt công việc ấy. Và lưu ý là phải đảm bảo an toàn cho bản thân: đừng đi một mình đến phỏng vấn một người lạ (ngay cả khi người đó được một người bạn tin tưởng giới thiệu). Nếu bạn không phỏng vấn qua điện thoại hay email, hãy gặp gỡ họ tại nơi đông người.
THỰC HÀNH PHỎNG VẤN LẤY THÔNG TIN
Nếu bạn e ngại hay chưa có kinh nghiệm nói chuyện với ai đó về nghề nghiệp của họ, hãy xây dựng các kỹ năng này bằng cách thực hành phỏng vấn. Trước khi bắt đầu phỏng vấn thật sự, bạn hãy nói chuyện với những người đang làm trong lĩnh vực thu hút bạn, hoặc nói chuyện với những người đang làm công việc có liên quan tới thú vui hoặc sở thích của bạn – tóm lại là nói về những chủ đề bạn đã biết sơ qua và yêu thích. Nếu bạn thực hành từ hai đến năm lần, bạn sẽ học được cách tạo ra cuộc đối thoại về một sở thích chung. Nhờ thực hành phỏng vấn, bạn sẽ học được cách thu thập thông tin nghề nghiệp mà không phải lo lắng rằng biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ làm việc chung với người được phỏng vấn.
THỰC HIỆN CUỘC PHỎNG VẤN LẤY THÔNG TIN
TÔI NÊN NÓI CHUYỆN VỚI AI?
Nói chuyện với người đang làm công việc mà bạn quan tâm. Thường thì cấp trên của họ dễ tìm hơn và bạn cần nói chuyện với các sếp này trước để được giúp đỡ liên hệ với những người bạn muốn gặp. Nhưng đừng dừng lại ở người phụ trách, vì bạn cần biết ý kiến của người trực tiếp làm công việc đó.
TÔI CÓ CẦN HẸN TRƯỚC KHÔNG?
Thường thì bạn cần hẹn trước. Nhưng nếu công việc bạn yêu thích là ở một cửa hàng bán lẻ hoặc nơi công cộng, bạn chỉ cần vào đó khi vãn khách và tìm hỏi người phụ trách.
Còn nếu đó là một công ty khó tiếp cận hoặc người bạn cần gặp khá bận rộn thì bạn cần thu xếp một cuộc hẹn trong khoảng 15 phút.
TÔI NÊN NÓI GÌ KHI SẮP ĐẶT CUỘC HẸN?
Hãy tự viết ra giấy những gì bạn định giới thiệu về bản thân. Mọi người sẽ muốn tìm hiểu thêm về bạn, nên bạn hãy chuẩn bị sẵn thông tin về bản thân và lý do vì sao bạn muốn nói chuyện với họ.
BÍ QUYẾT CHIẾC DÙ
Thông thường, tiếp chuyện bạn là những người đã ít nhiều thành công trong lĩnh vực của họ. Họ có thể lớn hơn bạn khoảng 15-20 tuổi. Họ có nhiều thông tin bổ ích dành cho bạn, nhưng bạn cũng nên tìm hiểu xem những người trẻ hơn nhìn nhận công việc này như thế nào.
Trong những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Những người đã làm lâu dài trong một lĩnh vực sẽ có kinh nghiệm khác với những người vừa được tuyển dụng. Bạn cần biết được cả hai góc nhìn để có quyết định đúng đắn về sự nghiệp tương lai.
NẾU TÔI HỒI HỘP QUÁ THÌ SAO?
Viết sẵn những gì bạn định trình bày ra giấy và đặt trước mặt khi gọi điện thoại. Nếu bạn hồi hộp quá, hãy nhìn lướt qua nội dung đã chuẩn bị.
TÔI CÓ THỂ LIÊN LẠC VỚI HỌ LẦN ĐẦU TIÊN BẰNG CÁCH GỬI LỜI NHẮN KHÔNG?
Nếu bạn không thích gọi điện cho một người không quen biết mà người đó cũng không biết bạn là ai (trong kinh doanh, người ta gọi nó là "cú điện thoại nguội"), thì bạn có thể gửi trước lời nhắn qua đường bưu điện hoặc email. Mạng Internet sẽ cung cấp cho bạn địa chỉ hoặc email của họ. Hãy đề cập đến trong email chuyện bạn sẽ gọi điện để sắp đặt cuộc hẹn – và đừng quên gọi điện thoại xác nhận lại thông tin.
HỌ CÓ DÀNH THỜI GIAN ĐỂ GẶP TÔI KHÔNG?
Dù không phải ai cũng đồng ý nhưng nếu bạn hỏi một cách nhã nhặn, bày tỏ ý định rõ ràng và thể hiện lòng biết ơn về việc họ dành thời gian cho bạn thì 8/10 người được hỏi sẽ đồng ý gặp bạn.
Hơn nữa, đa số họ vẫn không quên những khó khăn thời mới ra trường, không có chút kinh nghiệm nào. Nhiều người sẽ rất ấn tượng khi thấy bạn nghiêm túc tìm hiểu về công việc tương lai, và họ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích.
Nếu họ yêu thích công việc của mình, họ sẽ thao thao bất tuyệt khi gặp bạn. Thậm chí, bạn phải cố gắng để đưa câu chuyện trở về trọng tâm. Để giúp cuộc đối thoại tập trung quanh vấn đề bạn quan tâm, ngay khi bắt đầu, hãy nói với họ là bạn có khoảng năm-sáu câu hỏi. Nếu muốn hoàn thành cuộc phỏng vấn trong vòng 15 phút, họ chỉ có khoảng hai phút cho mỗi câu trả lời. Nếu bạn gây được nhiều thiện cảm với họ, họ sẽ mời bạn ở lại trao đổi thêm.
Khi đi phỏng vấn, bạn hãy đến đúng giờ và chuẩn bị chu đáo. Phải thuộc nằm lòng câu hỏi và sẵn sàng ghi chép câu trả lời.
TẠI SAO NHỮNG NGƯỜI LỚN BẬN RỘN LẠI DÀNH THỜI GIAN CHO TÔI?
Vì người lớn ai cũng biết phải trải qua vài công việc thì mới tìm được một nghề thích hợp, nên họ sẽ rất ấn tượng trước sự chuẩn bị của bạn ngay từ khi còn đi học. Cũng đừng ngạc nhiên khi người được phỏng vấn khen ngợi bạn theo kiểu "Ồ, tôi rất ấn tượng với việc em đã có sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai ở độ tuổi này" hoặc "Giá mà tôi cũng bắt đầu tìm hiểu công việc phù hợp khi tôi bằng tuổi em".
TÔI CÓ NÊN ĐI ĐẾN BUỔI PHỎNG VẤN MỘT MÌNH?
Câu trả lời là không, bạn nên đi với bố mẹ, ông bà hay một người lớn khác. Bạn cũng có thể đi cùng với một người bạn. Nhưng hãy chọn người biết cách hành xử đúng mực để không làm bạn xấu hổ. Nếu bạn muốn đi chung với người khác, bạn nên hỏi trước người được phỏng vấn. Đừng thình lình xuất hiện cùng với một người khác.
TÔI NÊN HỎI HỌ NHỮNG GÌ?
Bạn có thể hỏi cả những câu được chuẩn bị sẵn hay những câu nảy sinh trong quá trình phỏng vấn. Tốt thôi, nhưng đừng quên năm câu hỏi chính giúp bạn hình dung về công việc và cách để bạn có được công việc như vậy. Năm câu hỏi đó là:
1. Anh tìm được công việc này bằng cách nào? Anh tốt nghiệp trường nào?
2. Hãy kể tên ba đến năm nhiệm vụ anh thường xuyên phải làm.
Bao lâu anh phải thực hiện nó một lần? Kỹ năng nào cần thiết để hoàn thành công việc này?
3. Anh thích công việc này ở điểm nào? Anh không thích ở điểm nào?
4. Anh nhìn thấy viễn cảnh nào cho công việc này trong vòng năm hay mười năm tới?
5. Anh có biết người nào khác đang làm công việc này (hoặc công việc tương tự) mà em có thể hỏi chuyện không?
Khi họ trả lời, bạn nhớ ghi chép lại. (Bạn cũng nên ghi chép thông tin thu thập được khi đọc các bài viết về công việc này). Sau đó, chia thông tin thành từng mục giống như trong sơ đồ "Chiếc dù của tôi". Những thông tin cùng loại sẽ giúp bạn so sánh chiếc dù của người được phỏng vấn với chiếc dù của mình một cách dễ dàng hơn. Cách tổ chức thông tin này cho bạn nhìn thấy điểm tương đồng và khác biệt giữa chiếc dù của mình và chiếc dù của những người khác.
Trong trường hợp nhận ra nghề nghiệp nào đó có rất ít điểm chung với "Chiếc dù của bạn" thì sao? "Thước đo công việc" sẽ giúp bạn đặt ra những câu hỏi mang tính định hướng, từ đó dẫn dắt bạn đến với công việc thích hợp hơn.
THƯỚC ĐO CÔNG VIỆC
Thước đo công việc - thành quả nghiên cứu của Tiến sĩ Marty Nemko – sẽ giúp bạn tìm kiếm những người đang làm công việc gần với lĩnh vực bạn muốn tham gia. Dưới đây là cách sử dụng Thước đo công việc.
1. Khi bạn nghĩ về một công việc nào đó hoặc nghe ai đó miêu tả công việc của họ, hãy cho điểm công việc đó theo thang điểm từ 1 – 10 (1: tồi tệ, 10: hoàn hảo).
2. Nếu bạn chấm điểm công việc này dưới 9, hãy tự hỏi "Có điểm nào cần thay đổi ở công việc này để nó đạt điểm 10?".
3. Nếu bạn đang phỏng vấn lấy thông tin, hãy nói về những khác biệt giữa công việc bạn mơ ước với công việc của người được phỏng vấn. Nhớ là không được thất lễ, ví dụ, bạn không nên nói "Công việc của anh nghe có vẻ chán lắm!". Sau đó, bạn hỏi người được phỏng vấn liệu họ có biết ai đang làm công việc gần giống những gì bạn đang tìm kiếm không.
Một số người có khả năng cho điểm, đánh giá công việc và miêu tả điểm khác biệt giữa công việc đó và công việc mơ ước ngay trong thời gian phỏng vấn. Nhiều người khác lại cần thời gian để ngẫm nghĩ lại những thông tin đó. Nếu bạn là kiểu người thứ hai, bạn có thể gọi điện lại cho người được phỏng vấn. Nói với họ những hình dung về kỹ năng, hoạt động, lĩnh vực sở trường, hay điều kiện làm việc mà bạn cho là hoàn hảo, là điểm 10 đối với bạn. Để gây ấn tượng với họ rằng những lời khuyên của họ rất hữu ích, bạn có thể gửi lời cảm ơn và nói bạn sẽ gọi lại để xin thêm ý kiến.
VIẾT THƯ CẢM ƠN
Sau mỗi cuộc phỏng vấn, dù chỉ là phỏng vấn qua email hay điện thoại, hãy nhớ gửi thư cảm ơn vì họ đã dành cho bạn thời gian cũng như cung cấp những kinh nghiệm đáng giá. Người được phỏng vấn sẽ đánh giá cao hành động bày tỏ sự biết ơn của bạn vì khi làm như vậy, bạn đã chứng tỏ mình là một người biết trân trọng giá trị của người khác. Nếu bạn để lại ấn tượng tốt trong họ, chắc chắn họ sẽ giúp đỡ bạn nếu bạn cần thêm thông tin.
Trong khi phỏng vấn, hãy nhớ xin danh thiếp của họ. Nếu người được phỏng vấn không có danh thiếp, hãy hỏi chức danh, tên đầy đủ và tên công ty họ đang làm việc, và ghi đúng thông tin về họ. Điều đó cho thấy sự nghiêm túc của bạn trong quá trình tìm hiểu và biểu lộ lòng biết ơn đối với những gì họ giúp đỡ bạn. Sau đây là những mẹo nhỏ để viết thư cảm ơn:
• Mua những mẫu "Thư cám ơn" có sẵn (trong nhà sách) và vài con tem.
• Trừ khi bạn viết chữ đẹp, còn không thì hãy gõ lời cám ơn trên máy tính và in ra. Bạn có thể dán nó trong một tấm thiệp hay tìm một bức thiệp điện tử rồi in ra. Đừng dùng hình ảnh nhí nhảnh, không phù hợp. Bạn đang viết thư cho một nhà kinh doanh chứ không phải cho bạn bè.
• Nội dung đơn giản. Thư cảm ơn chỉ cần từ hai tới ba câu.
• Viết và gửi thư trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau cuộc phỏng vấn. Thư cảm ơn đến muộn hơn một tuần có vẻ giống ý định bất chợt hơn là lời cám ơn chân thành.
Bạn có thể tham khảo mẫu thư cám ơn sau:
Kính gửi thầy/cô/anh/chị -----------------------
Cám ơn thầy/cô/anh/chị đã chia sẻ với em về công việc của mình. Những thông tin này rất hữu ích cho em. Em rất biết ơn thầy/ cô/anh/chị đã dành thời gian quý báu để gặp em.
Nếu em quyết định trở thành…………………, em sẽ còn nhiều thắc mắc nhờ thầy/cô/anh/chị giải đáp.
Chân thành cảm ơn, (Tên của bạn)
Nếu người được phỏng vấn cung cấp thêm những thông tin bổ ích, lời gợi ý hay hoặc giới thiệu một mối quan hệ khác cho bạn, bạn có thể đề cập thêm trong thư cám ơn. Bạn cũng có thể gửi thư cảm ơn qua email. Nhớ làm theo hướng dẫn sau:
• Dùng từ ngữ đúng mực, viết hoa đúng quy cách.
• Sử dụng đúng văn phạm và dấu chấm câu (không viết theo kiểu thiếu chấm câu hay khó hiểu).
• Khi đã hoàn thành, sử dụng phần mềm để kiểm tra lại lỗi chính tả.
• Nhờ người lớn kiểm tra lại bức thư trước khi gửi, vì phần mềm kiểm tra lỗi chính tả tuy rất hữu dụng, nhưng không hoàn toàn chính xác.
SAU CUỘC PHỎNG VẤN LẤY THÔNG TIN
Sau khi hoàn thành phần phỏng vấn lấy thông tin, chắc bạn đã có một ý định rõ ràng hơn về công việc mơ ước cho mình. Hãy viết tên ba công việc mà bạn thích nhất để tiếp tục đi sâu tìm hiểu.
Nỗ lực của bạn bây giờ không chỉ giúp bạn tìm thấy công việc mơ ước trong tương lai, mà còn mang lại cho bạn nhiều lợi ích trong hiện tại. Bạn có thể dùng những thông tin vừa học hỏi từ những cuộc phỏng vấn để nhìn nhận về sự nghiệp tương lai dưới một góc nhìn mới và có định hướng rõ ràng hơn. Những thông tin này không chỉ giúp bạn tìm được công việc bán thời gian, việc làm thêm mùa hè, hay nơi thực tập đúng như mong muốn, mà còn giúp bạn chọn đúng chuyên ngành khi thi đại học.
NẾU TÔI MUỐN LÀM ÔNG CHỦ?
Sau khi đã nói chuyện với khoảng mười người đang làm việc trong lĩnh vực bạn yêu thích, nếu bạn nhận thấy mình muốn làm chủ thì bạn không phải là trường hợp duy nhất. Thế hệ vàng (7X, 8X) sản sinh ra nhiều chủ doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Có lẽ bạn thuộc mẫu người thích khám phá, thích sửa chữa vật dụng để nó hoạt động tốt hơn hay muốn cung cấp một dịch vụ đang có mức cầu cao. Những người khởi nghiệp kinh doanh riêng được gọi là "doanh nhân". Còn người điều hành những dịch vụ phi lợi nhuận để giúp đỡ người bất hạnh hoặc giải quyết vấn đề xã hội thì được gọi là "doanh nhân xã hội".
Dù thích làm ngành nghề nào, bạn đều có thể tìm thấy những bài báo, blog, tổ chức, gương điển hình thành công liên quan tới công việc đó trên mạng. Thời điểm thuận lợi nhất để tự kinh doanh là khi còn đang sống với gia đình vì bạn vẫn còn được bố mẹ hỗ trợ. Nếu bạn tìm được cách kinh doanh không cần nhiều vốn (như hai anh em mới 9 và 11 tuổi cùng nhau viết trò chơi toán học để bán cho iPhone), bạn đã đi được bước đầu tiên để biến công việc mơ ước - và cả cuộc sống mơ ước của bạn thành hiện thực.
Đến đây thì bạn đã hoàn thành khá nhiều công đoạn rồi đấy, nào là xác định sở thích, mẫu đồng nghiệp yêu thích, nơi bạn muốn sống và làm việc... Có thể còn nhiều câu hỏi bạn chưa trả lời được, nhưng đừng nôn nóng. Theo thời gian, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều về bản thân mà bạn chưa từng biết đến, đồng thời xác định lại những điều còn hoài nghi.
Những khám phá về bản thân ở phần 1 sẽ đặt nền tảng cho những bước đi thực tế để đạt đến công việc trong mơ – sẽ đề cập tới ở phần 3. Nhưng trước hết, ở phần 2, chúng tôi muốn bàn đến chuyện làm sao để vượt qua thời gian trung học và đại học (nếu bạn có kế hoạch học lên đại học), cũng như cung cấp những công cụ giúp bạn tìm thấy công việc mơ ước.