3.
Không biết chính xác ngày sinh của Hope nên Louise đã chọn một ngày thật đặc biệt để điền vào giấy khai sinh của con. Đó là ngày 1 tháng Giêng, ngày khởi đầu của một năm mới, khởi đầu cho những cơ hội mới, cho niềm vui và niềm hy vọng - cũng giống như cái tên mà bà đã chọn đặt cho cô. Vào ngày sinh nhật lần thứ 23 của mình, Hope ngồi cạnh mẹ trong căn phòng khách nhỏ ấm cúng, mở món quà được gói khá cầu kỳ và lấy ra một cuốn sách.
- Con thích chứ? - Bà Louise cười lớn. Năm nào quà sinh nhật của Hope cũng là sách, và năm nay cũng không ngoại lệ.
- Con cảm ơn mẹ, nhưng ước gì con có thời gian để đọc hết bằng ấy sách hay mà mẹ mua.
- Sách không giúp con vào lúc này thì cũng lúc khác. Không bao giờ là phí khi bỏ tiền ra mua sách đâu con gái.
- Mẹ biết là con rất yêu sách mà. Nhưng con yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời.
Nói rồi Hope đi vào bếp lúi húi chuẩn bị nguyên liệu để làm một chiếc bánh kem nhân ngày đặc biệt này.
Đó là lần cuối cùng Hope được đón sinh nhật cùng với mẹ.
Giáng sinh năm đó, dẫu đang nằm viện và phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp có thể quật ngã mình bất cứ lúc nào, bà Louise vẫn khăng khăng đòi đến quán Chuck’s để cùng con gái tổ chức bữa tiệc Giáng sinh truyền thống theo cách của hai mẹ con.
Hai mẹ con vẫn ngồi cạnh nhau bên chiếc bàn quen thuộc, nhưng bà Jensen khỏe mạnh của ngày nào giờ đây trông thật tiều tụy, yếu ớt. Vợ chồng Chuck chủ quán cũng đến chung vui với hai mẹ con. Mọi người đều tỏ ra như thể đây chỉ là một Giáng sinh bình thường, nhưng trong lòng họ đều biết trước một
Bốn ngày sau đó, bà Louise Jensen ra đi một cách nhẹ nhàng, kết thúc chuỗi ngày điều trị đau đớn - như những gì Hope vẫn luôn cầu nguyện cho mẹ. Sự ra đi thanh thản và nhẹ nhàng đó của mẹ là niềm an ủi duy nhất của cô gái trong nỗi đau quá lớn này.
Hôm đó, bà Louise nằm gối đầu trên chiếc gối quen thuộc đặt gọn trong lòng Hope. Cô gái cứ thế thì thầm kể lại cho mẹ nghe những kỷ niệm đã qua của hai mẹ con, về tình yêu của cô dành cho bà - không chỉ như đối với một người mẹ, mà còn như đối với người chị gái thân thiết, người bạn đồng trang lứa. Ánh mặt trời nhợt nhạt của buổi chiều tà đọng lại trên gương mặt bà Louise rồi mang theo hơi thở cuối cùng của bà. Hope đưa tay vuốt nhẹ lên mái tóc mẹ, ôm ghì mẹ vào lòng và thì thầm lời chia tay. Cô muốn khắc ghi trong tim mình khuôn mặt thân yêu của bà, khuôn mặt rất đôn hậu và dịu dàng của người đã cứu lấy cô và trao cho cô một mái ấm yêu thương.
"Tất cả rồi sẽ ổn cả thôi, mẹ nhỉ." - Hope vừa thì thầm vừa cúi xuống nhìn ngắm gương mặt mẹ lần cuối, rồi cô đưa tay gạt những hàng nước mắt đang thi nhau rơi xuống. "Dù thế nào đi nữa, vẫn cứ phải đi về phía trước, đúng không mẹ".
Hiểu được nỗi đau đớn của Hope, tòa báo nơi cô
làm việc cho phép cô nghỉ phép một thời gian. Nhưng chỉ ba ngày sau, Hope đã xin đi làm lại. Cuộc sống đã mang mẹ đi, nhưng mình sẽ không cho phép nó lấy đi niềm đam mê của mình. Và hẳn mẹ cũng không muốn điều đó xảy ra. – Hope tự nhủ.
Sáng thứ Hai đầu tuần, Hope trở lại tòa báo. Bàn làm việc của cô vẫn được phủ kín bằng một tấm khăn mỏng màu vàng như nhắc nhở cô gái trẻ rằng biết bao kế hoạch và ước mơ của cô vẫn đang ngủ yên và chờ được đánh thức. Dừng lại có nghĩa là đang thụt lùi. Đã đến lúc phải tiếp tục hướng về phía trước.
- Chào ông Butler! - Hope mỉm cười chào một trong những nhà báo dày dạn kinh nghiệm làm việc ở tầng trên - nơi làm việc mong ước của cô gái trẻ.
- Chào cô bé!
- Ông có thể gọi cháu là Hope ạ.
- Rất vui khi gặp cháu. - Ông Butler vừa nói vừa đi ngang qua những dãy bàn cũ kỹ, tiến về phía cầu thang phía sau phòng làm việc của ban phụ trách mảng thể thao giải trí của tòa soạn. – Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của cháu ở đây à? – Ông Butler hỏi.
- Dạ không đâu, cháu đã làm ở đây khá lâu rồi đấy ạ. Cháu phụ trách viết thông tin cho mảng tin vắn.
- Thế à? Ta thật lơ đãng. Hẹn gặp lại cháu sau nhé! Chúc cháu một khởi đầu tốt đẹp.
- Vâng, cảm ơn bác. Cháu cũng chúc bác một ngày mới nhiều may mắn. - Hope mỉm cười nói.
Ông Butler vừa khuất sau cánh cửa phòng khép hờ, Hope lại đối diện với nỗi trống trải trong lòng. Cô biết nỗi đau sẽ giúp mình trưởng thành hơn, và việc cần làm của cô bây giờ là khởi động lại tinh thần, cố gắng học hỏi kinh nghiệm, cố gắng làm việc tốt hơn nữa để đạt được mơ ước của mình.
Thời gian dần trôi. Hope lao vào công việc như thể đó là mục đích duy nhất của cuộc đời cô. Nhiều bài viết độc đáo, sắc sảo của cô xuất hiện trên báo đã thu hút sự chú ý của bạn đọc. Mỗi khi có dịp, cô lại hỏi người bạn lớn của cô - ông Lyle Butler- những câu hỏi không bao giờ dứt về việc viết lách, về các vấn đề xã hội, và cả những kinh nghiệm để tiến xa trong sự nghiệp. Cảm phục trước nhiệt huyết cũng như năng lực của Hope, ông Butler không những chỉ dạy cô gái những kinh nghiệm quý báu trong công việc, mà còn giới thiệu cô với nhiều vị lãnh đạo khác trong tòa báo.
Và rồi cơ hội đã đến.
Một sáng nọ, Hope nhận được điện thoại của tổng biên tập.
- Cô chuẩn bị lên phòng trên ngay nhé!
- Vâng, cháu lên ngay bây giờ đây ạ. - Hope hăng hái như thường lệ.
- Cô không cần thời gian để chuyển đồ đạc gì à?
- Giọng sếp vẫn bình thản.
- Thế nghĩa là sao ạ?
- Cô sẽ chuyển lên làm việc ở phòng trên. Bàn làm việc trên này tất nhiên sẽ rộng rãi và thoải mái hơn nhiều so với bàn của cô dưới ấy đấy!
Sau một thoáng ngỡ ngàng, Hope hiểu ra ý sếp. Cô đáp: "Cháu sẽ lên ngay, thưa ông". Hope vội vàng thu gom tất cả vật dụng cần thiết nhất cho công việc, chào tạm biệt các đồng nghiệp bên cạnh và nhanh nhẹn bước đến chiếc cầu thang dẫn lên phòng làm việc trong mơ của cô.
Hope biết rằng đây chính là một trong những phút giây quan trọng nhất trong đời mình. Cô nhắm mắt lại, tận hưởng cảm giác êm ái ngọt ngào của việc đạt được điều mình mong ước sau một thời gian dài nỗ lực. Khi giọt nước mắt hạnh phúc ứa nơi khóe mắt,
Hope nghe như có tiếng mẹ vọng về đâu đây: "Con yêu, mẹ biết con có thể làm được mọi điều con muốn mà!".
"Cảm ơn Mẹ!" - Hope thì thầm.
Hope bắt nhịp khá nhanh với công việc ở vị trí mới. Chẳng bao lâu sau, cô bắt đầu viết phần lớn những bài xã luận về chính trị quan trọng mà gần như không cần phải biên tập lại.
Một lần nọ, sau ba tuần nghiên cứu và phỏng vấn những người có liên quan, Hope viết một bài khoảng ba ngàn từ về vấn đề đáng báo động trên toàn cầu: Hiện tượng nóng dần lên của trái đất. Bài viết đó của cô được tổng biên tập nhận xét: "Cô viết khá đấy!" nhưng đồng thời ông cũng nói thêm là nó không thích hợp để lên trang nhất. Và rồi cho dù bài viết ấy của Hope chỉ được đăng trên trang 9, nhưng lại lập được kỷ lục về số lượng các cuộc điện thoại và thư từ phản hồi từ phía độc giả nhiều hơn bất kỳ bài xã luận nào khác từng đăng trên báo.
Một buổi chiều nọ, Tổng biên tập Lyle đề nghị Hope cùng tham dự một cuộc họp về công tác làm báo để bàn về các vấn đề quan trọng như: Làm thế nào để tăng lượng phát hành? Phải làm sao để tăng lượng đặt báo dài hạn? Làm sao để tăng doanh số quảng cáo? Và đó là lần đầu tiên Hope được tham gia và tìm hiểu cặn kẽ về bộ máy tổ chức của một tờ báo. Cô kinh ngạc trước những quy trình sản xuất của một tờ báo, từ lúc hình thành ý tưởng, lên kế hoạch thực hiện cho đến khi báo đến tay người đọc. Để đảm bảo cho quy trình đó được vận hành trôi chảy cần có cả một đội ngũ làm việc phối hợp nhịp nhàng: tìm đề tài, viết bài, biên tập, thiết kế, chèn ảnh minh họa, biên tập lại lần nữa, thêm các trang quảng cáo… với một tốc độ cực nhanh để kịp thời gian ra báo.
Càng ngày Hope càng say mê hơn với công việc viết lách của mình. Nhưng dần dần, những bài viết của cô lại bị từ chối đăng với lý do không hợp với thị hiếu bạn đọc. Ngay cả khi Hope là người nêu ra ý tưởng, thì việc viết bài vẫn được giao cho người khác, và cô được chỉ định là người biên tập. Hope được cấp trên yêu cầu phải nâng cao khả năng chuyên môn hơn nữa để trở thành một nữ nhà báo chuyên nghiệp, nhưng khi nhìn lại những gì mình đã làm, đôi lúc Hope lại cảm thấy chơi vơi. Dường như tâm huyết dành cho mỗi bài viết không còn được như xưa nữa.