5.
Suốt hôm Giáng sinh, hầu như Hope chỉ ở tòa soạn. Cô tâm sự với một đồng nghiệp – cũng là một người đam mê công việc – rằng cô có thể khẳng định mục tiêu của tên trộm vừa rồi không phải là muốn tấn công hay tống tiền mà chỉ muốn kiếm chút ít. Sau đó, hai nhà báo đưa ra biết bao giả thuyết về người có khả năng mạo hiểm đến hiện trường ngay lúc đó để đặt chiếc lọ Giáng sinh vào ngay trên bậc cửa mà không bị mọi người xung quanh phát hiện. Tất cả vẫn còn là một bí ẩn.
Sáng hôm sau, Hope đến ngân hàng để đổi số tiền xu trong lọ ra tiền chẵn. Cô quyết định dùng số tiền đó để mua chiếc két sắt nhỏ đựng những thứ quan trọng, một chiếc tivi mini 12 inch và thêm một hợp đồng bảo hiểm phòng trường hợp rủi ro xảy đến như vừa rồi.
Công việc của Hope tại tòa soạn vẫn chồng chất, nhưng chưa bao giờ cô thôi tự hỏi về chiếc lọ bí ẩn. Nó từ đâu đến? Tiền trong lọ là của ai? Liệu việc cô tự ý sử dụng số tiền đó có đúng không? Tại sao cô lại là người nhận được số tiền đó? Rõ ràng là có nhiều người, thậm chí rất nhiều người đang cần số tiền đó hơn cô.
Chợt Hope nảy ra một sáng kiến. Tạm gác công việc qua một bên, Hope vào kho lưu trữ dữ liệu của tòa báo. Thật ngạc nhiên, chỉ cần dò tìm thông tin dựa trên hai từ khóa Giáng sinh và Chiếc lọ, cô đã tìm thấy một số thông tin quý giá. Trong khoảng vài năm trở lại đây, có ba lá thư đã được gửi đến tòa soạn để kể cùng một câu chuyện về chiếc lọ bí ẩn. Lá thư đầu tiên là lời cảm ơn của một phụ nữ gửi đến một vị mạnh thường quân ẩn danh.
Tôi tên là Kimberly Telford. Tôi nợ một ân nhân mà đến nay tôi vẫn chưa biết danh tính để gửi đến họ một lời cảm ơn chân thành. Giáng sinh năm nay, tôi đã nghĩ là sẽ là Giáng sinh buồn nhất của tôi, vì đầu tháng Mười hai này, tôi đã bị sẩy thai lần thứ ba liên tiếp. Không ai biết điều này ngoài chồng tôi và bác sĩ trực tiếp chăm sóc cho tôi.
Trước hôm Giáng sinh một ngày, người phụ nữ bất hạnh này phát hiện một chiếc lọ thủy tinh đựng đầy tiền lẻ trước bậc thềm nhà mình. Trong lọ có gần
400 đô-la – bằng khoản chi phí Kimberly đã bỏ ra cho việc điều trị hiếm muộn mà hãng bảo hiểm từ chối trả. Suốt 5 năm qua, cô cùng chồng tìm mọi cách chữa chạy, chỉ mong sao có được một đứa con với hy vọng cháu bé sẽ trở thành chiếc cầu nối giữa hai vợ chồng để cô có được hạnh phúc vẹn tròn như bao người phụ nữ khác. Nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Bác sĩ nghi ngờ chính áp lực của chồng và gia đình chồng về việc Kimberly phải sinh được con trai là nguyên nhân dẫn đến ba lần sẩy thai liên tiếp của cô. Kimberly gần như suy sụp sau cú sốc quá lớn này. Cô đau đớn nhận ra cô và chồng mình chỉ là hai người xa lạ cùng sống chung trong một ngôi nhà, mỗi người thu mình trong một thế giới riêng, không thể chia sẻ.
Sáng hôm ấy, trong khi chồng vẫn còn say ngủ thì Kimberly ngồi ủ rũ ngoài phòng khách, buồn tủi cho nỗi bất hạnh của riêng mình. Bỗng cô nghe có tiếng gõ cửa nhẹ. Cô vội vàng lau nước mắt và bước ra mở cửa. Trước mặt cô là một chiếc lọ được thắt lơ vàng, bên trong đầy ắp những đồng xu lẻ. "Tôi thật sự biết ơn những đồng xu ấy." - Kimberly thổ lộ trong thư.
– "Nhưng điều khiến tôi trân trọng hơn cả chính là thông điệp từ chiếc lọ – đâu đó vẫn có người quan tâm đến tôi. Cảm ơn vì đã cho tôi biết rằng tôi hoàn toàn không cô độc trong cuộc đời này!"
Hope trầm ngâm một lúc lâu bên những dòng cuối đầy cảm xúc của người viết rồi mới tiếp tục khám phá câu chuyện tiếp theo.
Dòng mở đầu của lá thư thứ hai: Tôi đón mỗi Giáng sinh trong mỗi tâm trạng khác nhau, có lúc thật vui, nhưng cũng có lúc thật buồn. Nhưng có lẽ năm nay là năm khó khăn nhất với tôi. Người viết lá thư này là John Willard - sinh viên năm thứ nhất khoa Hóa-Dược. Cậu kể lại câu chuyện về một buổi chiều muộn ngay ngày Giáng sinh, khi cậu ngồi chơ vơ tại một bến xe buýt vắng tanh giữa trời tuyết lạnh để đón xe đến thư viện trường. "Thực ra tôi chỉ muốn trốn chạy khỏi cảm giác cô đơn kinh khủng khi phải một mình đón Giáng sinh." – John viết. Đó là năm đầu tiên chàng thanh niên ấy phải xa gia đình, xa nông trại nơi mình sinh ra và lớn lên để lên thành phố học đại học. Trong lúc John đang chìm đắm với mớ suy nghĩ ngổn ngang thì bỗng có hai em bé khoảng tám chín tuổi bước đến mỉm cười và trao cho cậu một chiếc lọ thủy tinh chứa đầy những đồng xu lẻ.
John ngỡ ngàng đón lấy chiếc lọ, cảm ơn bọn trẻ rồi mỉm cười nhìn theo hai đứa bé cho đến khi chúng đuổi nhau chạy khuất nơi góc đường. Và cậu vẫn còn ngồi trên băng ghế lạnh ngắt ấy một lúc thật lâu nữa, mắt đăm đắm nhìn vào chiếc lọ.
Một chiếc xe buýt ghé trạm. Nhưng John đã quyết định không bước lên chuyến xe cậu đã cất công chờ đợi mà một mình thả bộ trên con phố cạnh ký túc xá. Trên đường, John gặp một thanh niên trạc tuổi mình đang bước đi với dáng vẻ cô độc, khoác trên vai chiếc ba-lô may bằng vải bố đã cũ. Sau vài câu bắt chuyện làm quen, John mới biết người bạn đồng hành là một sinh viên người Mexico. Cậu ấy cũng đang gặm nhấm nỗi cô đơn khi phải trải qua một mùa Giáng sinh ở nơi cách xa quê nhà cả ngàn dặm mà không có ai bên cạnh.
John mời người đồng cảnh ngộ bữa tối tại một quán ăn gần đó. Câu chuyện của họ cứ thế kéo dài, từ những trò tinh nghịch thời thơ ấu đến vùng đất quê hương mà cả hai đều cảm thấy gắn bó; từ những cô gái xinh đẹp nhưng kiêu kì ở lớp học tới những ước mơ sẽ cố gắng đạt được trong tương lai. Hai chàng trai nhanh chóng trở nên thân thiết. Bên tách sô-cô-la nóng trong một quán ăn đơn sơ nhưng ấm cúng, với người bạn mới quen ở cạnh bên, John cảm thấy ấm lòng. Có lẽ hương vị ấm áp của mùa Giáng sinh đặc biệt năm nay sẽ còn đọng lại rất lâu trong tâm hồn hai chàng trai trẻ.
"Cảm ơn vì người bí ẩn tốt bụng nào đó đã chọn tôi để trao tặng món quà ấy!" - John viết trong thư.
Lá thư thứ ba gửi đến "Các thiên thần của tôi", tác giả là một phụ nữ đã lập gia đình tên là Francis. Trong thư, cô tự nhận mình là người đã mắc phải nhiều sai lầm trong đời, cô bỏ ngang chương trình trung học vì một mối tình trẻ dại. Hai vợ chồng cô đều còn rất trẻ và đang phải đương đầu với cuộc sống thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là khi phải chăm lo cho con nhỏ mà lại không có nghề nghiệp ổn định. Chồng Francis là tài xế xe tải đường dài nên anh thường xuyên vắng nhà nhiều ngày. Mùa đông năm ấy, Francis phải đối mặt với khó khăn kinh khủng nhất mà cô từng gặp phải: chống chọi lại cái lạnh đe dọa sẽ giết chết hai mẹ con cô bất cứ lúc nào. Francis không còn tiền để chi trả cho khí đốt sưởi ấm trong khi chồng cô vẫn chưa về. Và buổi sáng Giáng sinh năm đó, một chiếc lọ chứ 300 đô-la xuất hiện trước cửa nhà Francis. "Tôi sẽ không bao giờ để con tôi phải chịu đói, chịu rét một lần nào nữa."- Francis viết trong thư. "Cảm ơn những thiên thần đã cho tôi một cơ hội. Tôi nhất định sẽ không để các bạn phải thất vọng".
Những lá thư khiến Hope xúc động đến nghẹn ngào. Truyền thống này bắt nguồn từ đâu? Bằng cách nào mà nó lan rộng ra như vậy? Đã có bao nhiêu lọ tiền được trao đi như thế? Hope đã rất quen với những công tác từ thiện nhân mùa Giáng sinh, nào là tặng bánh quy nướng cho từng nhà bằng cách bỏ vào thùng thư, rồi tình nguyện dọn tuyết để đường đỡ trơn trượt, hay quyên góp quần áo ấm để làm quà cho người nghèo. Nhưng chưa bao giờ cô được nghe, hay tham gia vào "chiến dịch Chiếc lọ Giáng sinh" cho đến khi chính cô là người được trao tặng. Dựa trên phán đoán của mình, Hope có thể khẳng định rằng truyền thống này không phải do một tổ chức quy mô có người lãnh đạo mà nó chỉ xuất phát từ những cá nhân tự nguyện. Chính vì thế mà các thông tin liên quan đến chiếc lọ hầu như rất ít. Không do dự, Hope quyết định dành hẳn một ngày để tìm gặp những người đã bất ngờ nhận được món quà kỳ diệu giữa thời khắc đen tối của cuộc đời họ.
Cô gái trẻ háo hức tìm số điện thoại và địa chỉ
của chủ nhân từng bức thư mà cô đã đọc. Người đầu tiên cô tìm đến là Francis, hiện đã là chủ nhân của một căn hộ tiện nghi trong khu phức hợp dành cho tầng lớp trung lưu - với một hồ bơi nước trong xanh ở sân chung và cánh cổng kiên cố có một chốt bảo vệ an toàn ngay lối ra vào. Người phụ nữ phải chật vật chống lại cái lạnh buốt xương của mùa đông rét mướt năm nào giờ đã trở thành chuyên viên tư vấn thẩm mỹ của một hãng mỹ phẩm. Không như những gì Hope mong mỏi, Francis hoàn toàn không muốn đoán xem ai là người có thể đã tặng cô chiếc lọ.
Khi Hope tìm đến chủ nhân của hai bức thư còn lại, thái độ của họ cũng giống Francis. Họ vui vẻ đón chào Hope, nhưng cũng không thể giúp cô biết thêm chút manh mối nào về nguồn gốc chiếc lọ. Trước khi nhận được món quà Giáng sinh quý giá ấy, họ chưa bao giờ nói ra khó khăn của mình hay nhờ bất kỳ ai giúp đỡ. Chỉ biết là cuộc sống của họ đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều kể từ lúc được nhận món quà kỳ diệu ấy.
Hope để ý thấy rằng trong cả ba gia đình cô đến thăm, gia đình nào cũng có một chiếc lọ thủy tinh để đựng những đồng xu lẻ. Người thì kín đáo đặt ở một góc xa trên nóc tủ lạnh, người thì đặt sau máy nướng bánh, người lại để lọ tiền xu khuất sau hộp bánh quy. Việc làm này cũng là một cách để họ bày tỏ lòng biết ơn đối với những người tốt bụng giấu tên và có lẽ chính họ cũng muốn tạo cho mình cơ hội được trao tặng niềm vui, hạnh phúc cho những người không may khác.
Hope nghĩ rằng có lẽ chính họ đã góp phần duy trì và nhân rộng truyền thống tốt đẹp này, nhưng tất cả đều không thể tiết lộ thêm bất kỳ thông tin gì về người đã trao tặng món quà kỳ diệu, thế nên cô đành quyết định phải tạm gác lại ý định tìm hiểu nguồn gốc của những chiếc lọ bí ẩn.