BẢO ĐẢM CÓ ĐƯỢC NGUỒN SỮA TỐT
T
ự chăm sóc bản thân một cách thích hợp sẽ là điều then chốt để có được một nguồn sữa tốt. Nếu sống thoải mái, ăn đủ dưỡng chất, uống đủ nước, chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều sữa.
- Bạn nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong những tuần đầu sau khi sinh, và bạn nên cố ngủ bất cứ lúc nào có thể.
- Sữa tiết ra nhiều nhất là vào buổi sáng. Nếu trong ngày bạn bị căng thẳng, thì nguồn sữa có thể ít đi vào buổi chiều. Bạn hãy tập lại các động tác thư giãn thường lệ bạn đã tập trước khi sinh, và nên tranh thủ ngả lưng mỗi ngày.
- Bạn cứ để công việc nhà đó; chỉ làm những gì hết sức cần thiết thôi.
- Tuân theo một chế độ ăn cân đối khá dồi dào chất đạm.
- Nên hỏi ý kiến bác sĩ về chất Sắt và có thể là những thuốc bổ vitamin.
- Nên uống khoảng 3 lít nước mỗi ngày.
- Trong những cữ bú đầu ngày, bạn hãy nặn phần sữa bé không bú hết để kích thích hai bầu vú tiếp tục tiết sữa.
- Viên thuốc ngừa thai kết hợp làm giảm nguồn sữa, do đó bạn nên tránh uống trong 5 tháng sau sinh.
- Nên tránh những thức ăn có nhiều gia vị, vì chúng có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa của bạn, và làm rối loạn bao tử em bé.
Cho con bú cũng cần phải học hỏi, và bạn nên tranh thủ sự hỗ trợ và lời khuyên của gia đình, của những người bạn đã có con, và của các cô nữ hộ sinh hay nhân viên y tế. Nhưng trên hết, bạn nên học từ chính em bé của mình, bằng cách hiểu ý các tín hiệu của bé và bằng cách khám phá cách đáp ứng những tín hiệu này. Hãy cho bé bú càng sớm càng tốt – ngay khi mới sinh – để sớm tạo mối gắn bó với bé, và để bé quen với động tác bú.
SỮA NON VÀ SỮA MẸ
Trong vòng 72 giờ sau sinh, hai bầu vú bạn sẽ tiết ra một dịch lỏng màu vàng gọi là sữa non, thành phần gồm có nước, chất đạm và khoáng chất. Sữa non có chứa kháng thể bảo vệ bé chống lại các bệnh nhiễm trùng đường ruột và hô hấp. Trong những ngày đầu, bé phải được cho bú vú mẹ một cách đều đặn vừa để bú sữa non, vừa để tập cho bé quen với bầu vú mẹ.
Khi hai bầu vú đã tiết sữa, hình thái dòng sữa có thể khiến bạn ngạc nhiên. Khi bé bú, những giọt sữa đầu tiên mà bé thu nhận được – sữa đầu cữ – lỏng, nhiều nước và chỉ mang tính giải khát. Rồi mới tới sữa cuối cữ, giàu chất béo và đạm hơn.
PHẢN XẠ XUỐNG SỮA
Động tác em bé mút đầu vú gửi tín hiệu tới vùng dưới đồi, bộ phận này kích thích tuyến yên trong não bạn phóng thích ra hai hormone: prolactin phụ trách việc sản xuất ra sữa trong các tuyến sữa, và oxytocin khiến cho sữa được chuyển từ các tuyến sữa vào các túi chứa sữa phía sau quầng vú. Người ta gọi tiến trình di chuyển sữa này là phản xạ xuống sữa.
CÁC TƯ THẾ CHO CON BÚ
Nằm là tư thế lý tưởng nhất khi cho bé bú vào ban đêm. Khi em bé của bạn còn nhỏ, bạn có thể cần phải đặt bé lên một chiếc gối để bé có thể vươn tới núm vú. Đây là tư thế thích hợp nhất nếu bạn bị cắt âm hộ trong khi sinh. Trong trường hợp mổ lấy thai và thành bụng bạn còn hơi đau, bạn hãy thử nằm cho tay bé luồn dưới nách bạn.
Các tư thế nằm
Cách cho bú ở tư thế nằm thuận lợi cho việc nghỉ ngơi và có thể giữ cho một em bé hay cựa quậy tránh không làm đau đường khâu vết mổ ở thành bụng bạn.
Tư thế ngồi
Bạn hãy ngồi sao cho cánh tay và lưng bạn có chỗ tựa và bạn được thoải mái.
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA BÉ
Sữa mẹ được tiết ra trong những tuyến sữa nằm trong bầu vú, chứ không phải nằm trong mô mỡ, nên kích thước bầu vú không cho biết tiềm năng tiết sữa; ngay những bầu vú nhỏ cũng hoàn toàn có thể tiết ra được lượng sữa cần thiết.
Sữa được sản xuất tùy theo nhu cầu của bé, nên bạn không phải lo là mình sẽ bị cạn sữa nếu bé bú rất thường xuyên. Hai bầu vú của bạn được kích thích để sản xuất ra sữa bởi động tác mút của bé. Nên bé càng hăm hở bú bao nhiêu, thì bạn sẽ lại sản xuất ra được nhiều sữa bấy nhiêu, và ngược lại. Trong thời gian bạn cho bé bú, lượng sữa sẽ lên, xuống tùy theo nhu cầu của bé, và một khi bé chuyển sang ăn đặc được, hai bầu vú sẽ tiết ra ít sữa hơn.
Tần sô các cữ bú
Thoạt đầu bé sẽ bú ít và bú thường xuyên. Vào khoảng 2 tháng tuổi cứ độ vào khoảng 4 tiếng thì bé lại đòi bú và vào mỗi cữ, bé sẽ bú được nhiều hơn trước.