T
hật là dở khóc dở cười. Tôi không biết các bạn sẽ cười hay khóc khi nhìn thấy tôi vào ngày hôm sau, còn tôi thì quả là không thể nào cười nổi. Hẳn là Chúa đã trừng phạt tôi vì tội thường hay chế nhạo con mèo có tên Pharaon của ông Vladimir Petrovich, gọi nó là “xác ướp Ai Cập”. Bây giờ thì đích thực tôi đã bị biến thành… xác ướp. Trong căn phòng, nơi tôi phải nằm đóng vai con chó Grin vừa được cấy ghép gan, có một tấm gương lớn chiếm hết cả bức tường. Khi không bị mọi người che khuất tầm nhìn, tôi trông thấy mình trong gương và suýt tru lên vì sợ hãi. Chỉ đôi mắt và cái mũi ươn ướt của tôi lộ ra ngoài, còn toàn thân thì bị băng kín mít, thậm chí cả bốn chân cũng bị băng luôn. Tóm lại, chẳng khác gì cô dâu trong lễ dạm mặt!
- Sao, anh bạn tội nghiệp của chúng ta thế nào rồi? – Ngay từ ngoài cửa, ông Alexander Mikhailovich đã hỏi oang oang.
- Mọi chuyện tốt đẹp cả, thưa sếp! – Bác sĩ Anton hớn hở.
- Thế còn con chó bị lấy nội tạng? – Ông sếp hỏi khiến tôi giật mình, vì đó là câu hỏi về tôi.
- Nó đã được đem đi thiêu rồi, – bà Olga vừa đi vào cùng ông Alexander Mikhailovich lên tiếng, - anh đừng lo.
- Việc gì mà tôi phải lo với lắng cơ chứ! – Ông Alexander Mikhailovich cười vang. – Quan trọng nhất là Grin yêu quý của tôi sống được. – Rồi ông ta quay sang ông bác sĩ, hỏi: - Bao giờ thì sức khỏe của nó bình thường trở lại?
- Tốt nhất là trong vòng một tháng không ai làm phiền gì đến nó. – Bác sĩ trả lời. – Không gây căng thẳng thần kinh, tránh mọi tiếp xúc, và tóm lại là… hôm nay hoặc ngày mai chúng tôi sẽ chuyển nó đến bệnh viện thú y của một đồng nghiệp, cách đây không bao xa, ở đó Grin sẽ được chăm sóc tốt hơn, – ông bác sĩ ứng phó tại chỗ. – Ở đó không khí trong lành hơn, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao. Tôi đã thỏa thuận hết mọi chuyện với họ rồi.
- Tốt, làm sao đó thì làm, - ông chủ nhíu mày, - miễn sao mọi chuyện đều đạt mức tốt nhất. Nhớ là ông phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện bằng chính cái đầu của mình đấy. Hiểu chưa?
- Vâng, tất nhiên, tất nhiên rồi, - ông bác sĩ vội gật đầu lia lịa. - Ông chủ yên tâm đi, mọi chuyện sẽ cực kỳ tốt đẹp.
Ngay sau buổi “ra mắt” ấy, người ta lại chở tôi đi. Đi đâu, các bạn có biết không? Đến nhà bà ngoại của bà Olga. Tất nhiên là một cách bí mật. Tôi như được sinh ra lần nữa. Tôi được tự do hít thở, tâm trạng phấn chấn hẳn. Dĩ nhiên là phấn chấn rồi. Sau khi thoát được màn “hỏa thiêu”, ai mà chẳng phấn chấn! Nghĩ mà rùng mình kinh hãi, quả là tôi vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Ghê!
- Bà ơi, - bà Olga kêu lên vui vẻ, - cháu mang đến cho bà một vệ sĩ cừ khôi và một người bạn tâm giao đây này.
- Ôi! - Bà cụ đưa cả hai tay ra phía trước. - Con chó đẹp quá!
Quả là một khởi đầu tốt đẹp, tôi rất thích. Cảm ơn bà lão vô cùng.
- Chú chó này sẽ ở đây với bà một tháng, - cô cháu nói. - Nó đã được huấn luyện kỹ, được dạy dỗ đàng hoàng, hiểu hết mọi chuyện đấy. Từng là chó dẫn đường mà.
Ơ, bà Olga này lạ thật. Sao lại “từng”? Tôi vẫn luôn là chó dẫn đường đấy chứ. “Từng” là thế nào? Tôi hơi buồn lòng đấy. Tôi nào đã nghỉ hưu. Nếu không có những chuyện rắc rối do các vị gây ra, hẳn bây giờ tôi đang được làm việc theo đúng chuyên môn của mình.
- Sao lại chỉ một tháng? - Bà lão ngạc nhiên hỏi.
- Chuyện nó phải thế, bà ạ. - Bà Olga trả lời. - Cháu có mang đến hai bịch thức ăn khô dành cho chó.
- Ôi, Olga yêu quý của bà, chẳng lẽ bà không nấu cho nó ăn được hay sao? - Bà lão tỏ ra phật ý.
- Ồ, không, không! - Cô cháu xua tay. - Đừng, bà đừng nấu thức ăn cho nó. Tối kỵ đấy. Nó chỉ ăn thức ăn khô chế biến sẵn mà thôi. Nó đã quen sống với loại thức ăn này rồi. Trong đó có đủ các loại vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cần thiết cho chó. Vì thế, bà đừng bận tâm, lo lắng gì cả…
“Bà Olga nói rất có lý, tất nhiên rồi, nhưng mặt khác, tôi đây cũng chẳng bao giờ từ chối một cái đùi gà rán chẳng hạn. Mỗi ngày một đùi thì hơi quá, nhưng thi thoảng, tỉ như vào ngày lễ, chủ nhật. Nhưng mà thôi, không có đùi gà cũng chẳng chết ai. Chó cũng có khác gì người đâu, chỉ được cái tham ăn. Thoát chết là mừng rồi, ở đó mà đòi đùi gà!”.
- Khổ thân con chó! - Bà lão than thở. - Chắc nó đã phát chán lên vì những thứ thức ăn khô không khốc ấy.
- Bà ngoại ơi, mọi người cứ tưởng vậy thôi, chứ chúng đã quá quen với loại thức ăn này rồi. - Bà Olga Semionovna nói. - Ngoại yên tâm đi, khỏi lo lắng gì cả.
- Thôi được rồi, được rồi, - bà lão gật đầu, nhưng rồi bỗng thốt lên: - Ấy, chết rồi, bà quên mất: con chó này có kỵ mèo không? Nó có ăn hiếp con mèo Zhorka của chúng ta không? Ờ, mà con Zhorka đâu rồi nhỉ?
Hồi mới lớn, tôi thường bực mình với ý nghĩ: tại sao mọi người cứ nghĩ rằng loài chó chúng tôi chỉ có một ước mơ là phải ăn hiếp bằng được ít nhất một con mèo nào đó. Vâng, tất nhiên là trong loài cẩu chúng tôi cũng có không ít những cá thể như thế (thí dụ, ở giống chó Stafford), chỉ nhăm nhăm gây sự với mèo, thậm chí cắn lũ mèo tơi tả. Nhưng chó Labrador thì không bao giờ có chuyện đó, đặc biệt là những con làm nghề dẫn đường. Dần dần, tôi nghiệm ra rằng chỉ đơn giản vì tuyệt đại đa số người ta không hề biết gì về chó dẫn đường và về những gì mà chúng tôi được dạy ở trường đào tạo chó dẫn đường. Đặc biệt, ở trường có những con mèo đặc chủng, được đưa vào biên chế của trường như những “nhân viên” thực thụ, chỉ chuyên làm mỗi một công việc là khiêu khích, chọc giận học viên chó chúng tôi, và chúng tôi phải học cách kiềm chế, không được phản ứng trước những trò mèo của chúng. Các huấn luyện viên đưa chúng tôi ra sân tập, ra hiệu lệnh “Ngồi yên”, rồi thả những “nhân viên bốn chân” quỷ quyệt ấy ra. Có nhiều con mèo trâng tráo đến mức cứ thản nhiên ngoáy lông đuôi vào mũi các học viên chó chúng tôi như thể thách thức: “Thế nào, chó, mày sẽ lồng lên hay sẽ chịu khó ngồi im để khỏi rớt kỳ sát hạch này?”. Tất nhiên là trong các thí sinh chó có một số con không thể kiềm chế bản thân, lao tới ăn thua đủ với con mèo quái ác được phân công chọc giận. Trong những trường hợp như vậy, thí sinh coi như bị loại khỏi kỳ thi, phải học lại, ôn tập lại từ đầu, huấn luyện viên của thí sinh ấy sẽ bị cắt tiền thưởng, mà khốn khổ, lương huấn luyện viên dạy chó dẫn đường nào có cao gì cho cam. Thế đấy, chỉ vì một phút thiếu kiềm chế của học viên chó mà huấn luyện viên lãnh đủ thiệt hại. Nếu không muốn các thầy cô huấn luyện viên bị thiệt thòi, chúng tôi phải ráng chịu trận trước những trò lăng nhục của lũ mèo đặc chủng. Tuy nhiên, thói quen chịu đựng lũ mèo sẽ rất có ích về sau, khi chúng tôi chính thức bước vào nghề dẫn đường. Quả là “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
Cuối cùng, tôi cũng được diện kiến con mèo Zhorka. Tên của nó chắc có nguồn gốc từ chữ “zhor”, có nghĩa là “xơi” hay “hốc”, “đớp”. Nếu không được biết trước nó là mèo, hẳn tôi sẽ tưởng rằng trong nhà xuất hiện một con hổ Siberia! Tôi nói nghiêm túc đấy. Giá mà các bạn được nhìn thấy cái mõm của nó! Không, không phải mõm nữa, mà là… Là cái gì nhỉ. Biết nói sao đây… Thôi, không nói nữa, kẻo lại chạm tự ái của Zhorka. Hẳn là bà ngoại đã chăm chút nó cật lực. Các bạn nghĩ rằng bà cụ cho nó xơi toàn bánh gối chứ gì? Bánh gối mà ăn thua gì! Hãy nghe nó phát biểu về món hoành thánh (xin ngồi cho vững kẻo ngã lăn vì chết cười đấy): “Chỉ những thiên tài độc ác mới có thể nghĩ ra cách giấu thịt một cách tinh tế đến như vậy!”.
Thực ra, Zhorka là con mèo hiền lành, tốt bụng nhất trần đời, ít ra là tốt lành nhất trong số những con mèo mà tôi từng tiếp xúc. Thân hình phục phịch, nặng nề, nó không có bất cứ mối quan tâm nào khác trên đời ngoài việc được ăn ngon và được ngủ say. Nó lười đến mức khi mới gặp tôi, nó cũng chẳng buồn nhe răng gầm gừ, cong lưng, xù đuôi như các đồng loại của nó thường làm khi gặp chó. Nó chỉ đơn giản đi lại gần tôi và hỏi:
- Cậu có dữ không?
- Không. – Tôi trả lời và lúc đó bỗng dưng muốn nở một nụ cười thân thiện, nhưng than ôi, Tạo hóa không ban cho loài chó chúng tôi khả năng mỉm cười. Tôi chỉ có thể nhíu mũi một chút rồi nói thêm: - Cậu không việc gì phải sợ tớ.
- Cảm ơn cậu, - Zhorka trả lời rồi khẽ “meo” một tiếng.
Trong tình huống làm quen của hai đứa chúng tôi, người vui sướng nhất chính là… bà ngoại.
- Các con yêu quý của bà thật giỏi! – Bà cụ mỉm cười khen ngợi chúng tôi. – Những con thú ngoan của bà, các con xử sự như vậy là vô cùng đúng đắn, phải biết sống hòa thuận với nhau. Tranh chấp nhau chẳng hay ho gì đâu, thế nào cũng có một bên thua thiệt. Nào, chóng ngoan, bây giờ để bà đi nấu món hoành thánh cho các con ăn nhé.
Bà cụ đã quên béng lời dặn của cô cháu ngoại. Thực ra thì bà cũng có dốc ra đĩa cho tôi vài viên thức ăn khô (mà bà thường gọi là bánh gối), để ăn lấy lệ mà thôi, còn thì sau đó chừng nửa giờ, bà đã dọn ra trước mặt tôi một tô mì hoành thánh thơm lừng, bốc hơi nghi ngút. Các bạn nói đi, nỡ nào tôi có thể từ chối để rồi làm cho bà lão tốt bụng đến thế phải buồn lòng? Mà nói cho ngay ra, tôi cũng đang đói muốn điên sau hành trình đường xa và những biến cố ghê người trước đó. Tóm lại, tôi chiều lòng bà cụ, xơi hết tô hoành thánh, trong lòng cảm thấy vui sướng, ấm áp vô cùng, đến nỗi tôi nằm lăn ra giữa nhà, đánh một giấc thật say.
Lúc thức dậy, tôi ngạc nhiên tột độ khi nhìn thấy một “tâm hồn ăn uống” nữa đang nằm ngủ cạnh tôi. Rõ ràng là Zhorka tin lời tôi, rằng tôi không hung dữ và sẽ không làm gì hại đến nó. Tôi càng thêm nể phục nó về điều đó. Cảm ơn bạn, Zhorka, về sự tin tưởng của bạn.
Ngày hôm sau, Zhorka giới thiệu với tôi bạn gái của mình. Đó là Markiza, con mèo lông hung của nhà hàng xóm. Cô nàng điệu đàng chết đi được. Hình như tất cả mèo cái đều đỏng đảnh như vậy hay sao ấy. Cô nàng đi qua đi lại trước mặt tôi, mắt mở tròn xoe, lưng hơi cong lên, từ trong họng phát ra những tiếng rít khe khẽ. Zhorka bảo nó:
- Markiza, thôi ngay trò diễn kịch ấy đi! Làm quen với nhau đi, đây là Trison, một chàng trai rất đẹp và tốt tính, thuộc nòi chó Labrador. Chủ của cậu ấy đi nghỉ mát, vì thế cậu ấy sẽ sống tạm ở đây với chúng ta một tháng.
Nghe vậy, Markiza lập tức chựng lại, ngưng ngay các động tác đỏng đảnh của mình, gật gù, gật gù. Xem ra, anh chàng Zhorka này cũng nghiêm khắc và có uy ra phết. Tuy có biếng nhác, nhưng không phải kẻ yếu đuối, bằng chứng là anh chàng đã sửa lưng cô nàng Markiza đỏng đảnh chỉ trong tích tắc. Tóm lại, chỉ sau hai – ba ngày, chúng tôi đã trở nên thân thiết và thậm chí cảm thấy nhơ nhớ nếu không được gặp nhau. Hai con mèo cứ thế xúm vào hỏi về công việc của tôi, về những cuộc phiêu lưu mà tôi từng trải nghiệm. Tôi hào hứng kể cho chúng nghe những câu chuyện đời mình, tất nhiên là nguyên nhân thật sự của việc tôi phải đến ở tạm trong nhà này thì tôi giấu nhẹm. Biết đề phòng vẫn hơn.
Một tuần sau, bà Olga Semionovna đến thăm tôi. Qua cung cách xử sự và một vài lời nói của bà ấy, tôi hiểu mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, nghĩa là tôi “đang phục hồi sức khỏe, vết mổ đang lên da non” và sắp tới sẽ có các chuyên gia thẩm mỹ đến làm việc với tôi. Quả thực, mấy hôm sau, có nguyên một đoàn người kéo đến nhà bà Nhiura (tôi nghe bà Olga gọi tên bà ngoại mình như thế). Các bạn của tôi vô cùng ngạc nhiên. Markiza há hốc mồm theo dõi mọi chuyện. Đến tối, cô nàng hỏi:
- Trison, có phải cậu là một nhân vật nổi tiếng?
- Tại sao cậu nghĩ vậy? – Tôi hỏi lại.
- Vì những việc mà người ta làm với cậu, trước đây tớ chỉ nhìn thấy trên tivi. Nào xén lông, sửa mí mắt, trang điểm tai, đuôi, tô lại màu lông... Cậu là ai? Là diễn viên có phải không?
Ồ, tôi thật thích thú với ý tưởng ấy. Mà quả thực, tôi đang là ai nào? Một diễn viên đích thực. Tôi đang vào vai đó thôi. Không phải chỉ đơn giản hóa trang thành một con chó hề vui nhộn trong đêm Giáng sinh mà là hóa thân vào con chó Labrador có tên Grin, con thú cưng của ông Alexander Mikhailovich Bạo chúa. Tôi nghĩ là tôi đảm đương được vai này. Đấy, hãy lấy diễn viên Sergey Bezrukov làm thí dụ - khi cần, ông ấy thậm chí có thể đóng được vai ca sĩ nổi tiếng Vysotsky. Còn ở đây chỉ là chuyện nhỏ - chó Labrador đóng vai chó Labrador. Có gì là khó nào.
Duy chỉ có một vấn đề nho nhỏ: tôi không biết tính nết của con Grin ra làm sao. Nhưng chuyện đó cũng không đáng ngại lắm. Ban đầu tôi sẽ tỏ ra khiêm tốn, hiền lành, ngoan ngoãn, rồi sau đó sẽ tính, tùy tình hình. Chắc chắn thế nào ông chủ cũng sẽ trò chuyện cùng tôi (ai nuôi thú mà không trò chuyện cùng con thú cưng của mình?). Cung cách giao tiếp của ông ấy sẽ gợi ý cho tôi cách ứng xử phù hợp. Tóm lại, mọi chuyện sẽ tính sau.
- Đúng rồi đấy, – tôi trả lời con mèo Markiza, – tớ là diễn viên.
- Thật à? Vậy mà sao tớ chưa bao giờ nhìn thấy cậu trên tivi? – Con mèo tò mò này bỗng dưng nêu thắc mắc.
Nhưng tôi cũng nhanh trí khôn tìm ra câu trả lời rất khéo:
- Tớ chủ yếu diễn trên sân khấu, trong các nhà hát.
- Ôi, cậu giỏi thật đấy, – cả hai bạn mèo của tôi cùng thốt lên. – Sao cậu không kể cho chúng tớ nghe về chuyện đó ngay từ đầu?
- Tại tớ khiêm tốn, – tôi trả lời. – Tớ không thích khoe khoang.
- Trison, cậu thật xuất sắc! – Zhorka dụi đầu vào mình tôi rồi nói tiếp: – Đáng nể thật đấy, bạn chó ạ.
Ôi, tôi đã nói toàn những điều bịa đặt, dối trá. Nhưng biết làm sao bây giờ? Không phải tôi muốn dối trá, mà cuộc đời bắt phải vậy. Từ nay, mở miệng ra là phải nói dối. Nhưng ước chi các bạn biết rằng tôi nhớ trường, nhớ công việc, nhớ những người mà tôi dẫn đường đến thế nào... Tôi cần quái gì cái danh tiếng diễn viên cơ chứ. Đến bao giờ chuyện này mới kết thúc đây. Dừng lại đã nào! Chỉ mơ mộng hão! Chuyện này chẳng chắc gì sẽ kết thúc. Rất có thể rồi đây tôi sẽ phải đóng vai con chó Grin của ông chủ Alexander Bạo chúa đến trọn đời. Một tương lai đáng buồn. Nhưng biết làm sao được?
- Này, anh bạn nghệ sĩ, - Markiza liếm mũi tôi, - làm gì mà suy nghĩ trầm ngâm vậy? Sao buồn rầu quá vậy? Chắc là nhớ sân khấu, sàn diễn rồi chứ gì?
“Ôi, Markiza yêu quý ơi, cuộc đời này chính là sân khấu, một sân khấu bi hài”.