H
óa ra “đoàn công tác” thứ nhất chỉ thực hiện những công việc đơn giản. Công đoạn chính của việc “biến” tôi thành Grin do đoàn thứ hai tiến hành. Ngoài các chuyên gia tạo mẫu, thợ tỉa lông, chuyên viên trang điểm... trong đoàn còn có mặt cả bác sĩ Anton. Không biết các bác sĩ thú y có phải học thuộc những lời thề Hippocrates không nhỉ? Việc đầu tiên, ông bác sĩ bắt tay xử lý vành tai của tôi.
Rất lạ là những chuyện xảy ra từ thủa xa xưa nhưng vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của chúng ta. Các bạn hãy xem chuyện gì xảy ra nhé. Có một con chó giống Stafford nào đó... Không, phải đào sâu thêm chút nữa. Có một công dân nào đó bỗng dưng nổi hứng muốn nuôi chó Stafford... Hay chúng ta nên đi sâu hơn nữa? Đúng rồi, chúng ta nên lần ngược về thế kỷ 19. Hồi cuối thế kỷ ấy, người Mỹ du nhập các loại chó từ Tây Ban Nha, Ireland, Scotland, cho lai tạo với nhau để tạo nên một giống chó mới, đặt tên là giống American Staffordshire, gọi tắt là Amstaff, hay đơn giản là Stafford. Giống chó này to lớn, nhanh nhẹn, dễ huấn luyện. Nhiều người Mỹ ưa huấn luyện chúng thành chó đấu sĩ để đưa đi tham dự những trận tỉ thí có ăn tiền hoặc không. Vậy là dần dần hình thành những thế hệ chó Stafford hung bạo, tính hiếu chiến ăn vào máu.
Tóm lại, có một công dân Nga nào đó bỗng dưng muốn nuôi một con chó thuộc nòi Stafford gốc Mỹ. Nuôi thì ông ấy đã nuôi, nhưng không biết dạy. Thế là khi con cún nọ lớn lên, có lần nó đánh nhau với con Grin và cắn Grin rách tai. Dĩ nhiên là ngay tức khắc người ta đã can hai con chó, kéo chúng ra xa nhau. Tai con Grin được chữa, nhưng vẫn còn sẹo và vết rách. Con chó Stafford hiếu chiến ấy bây giờ ở đâu thì tôi chẳng biết, chỉ biết hiện tại tôi phải lãnh hậu quả của trận thư hùng nọ. Tóm lại, giờ đây có nói gì đi nữa thì cũng đã muộn - tai tôi bị băng bó sau khi được “chỉnh hình” cho giống với cái tai sứt của con Grin. Bác sĩ Anton động viên tôi rằng đây chỉ đơn thuần là một ca phẫu thuật thẩm mỹ, nghĩa là chỉ tiểu phẫu sơ sơ thôi. Nhưng nào đã hết! Người ta còn muốn xẻ mí mắt của tôi đặng tạo hình cho giống với mí mắt của con Grin. Ngoài ra, người ta còn muốn tạo một vết mổ bên hông tôi sao cho giống với vết mổ ghép gan. Thôi thì sao cũng được. Nhưng cái vụ “chỉnh sửa” mí mắt thì tôi không làm sao hiểu được. Với kiểu mí mắt khác, rồi đây tôi sẽ không còn giữ được diện mạo thật của chính mình sao? Dù rằng Grin cũng thuộc nòi Labrador, nhưng kiểu gì thì bổn mặt của tôi với của nó cũng không thể giống nhau 100%. Tóm lại, tôi buồn ghê gớm. Nhưng thôi, cứ sống rồi khắc thấy. Đoán già đoán non mà làm gì.
Bỗng xảy ra một chuyện thật bất ngờ. Mọi người đột nhiên cuống cuồng, hoảng loạn, tôi chẳng hiểu gì cả, muốn bể cái đầu. Tôi đang nằm trên ghế sôfa để “dưỡng thương” vành tai mới được mổ xẻ chỉnh hình, bỗng thấy ông bác sĩ Anton sau khi nghe điện thoại thì hoảng hốt văng tục một tiếng rồi gào khản cả họng:
- Bà chủ! Bà chủ! Bà Olga! Bà đâu rồi? Bà biến đi đâu mất rồi? Trời ơi là trời!
“Điều gì khiến ông bác sĩ hoảng sợ đến thế nhỉ. Sao ông ấy phải gào toáng lên như thế?”.
- Ôi, lạy Chúa tôi! - Bà Olga lao ra từ phòng bên. - Có chuyện gì thế? Làm gì mà ông kêu ầm lên thế?
- Bà Olga kính mến, bà biết sao không, ông Alexander Mikhailovich sẽ đến...
- Ông ấy không hề biết nhà bà ngoại của tôi ở đâu, vậy thì làm sao ông ấy có thể đến đây được.
- Không phải đến đây. Ông ấy bảo ông ấy sẽ đến bệnh viện thú y…
- Ồ, đó lại là chuyện khác. – Bà Olga thở phào, mỉm cười. – Nhưng sao ông lại hoảng hốt đến thế?
- Sao mà không hoảng cho được! Ông chủ bảo là ông ấy sẽ đến thăm con Grin.
- Thì đã sao? Con “Grin” của chúng ta đang nằm trên sofa đấy thôi. Bọc nó lại rồi mang nó đi.
- Nhưng mà các công đoạn cải trang vẫn chưa hoàn tất! – Ánh mắt của ông bác sĩ lộ vẻ hoảng sợ thật sự.
Nụ cười trên môi bà Olga vụt tắt. Bà nhíu mày, nghiêm mặt:
- Nghe đây, bác sĩ Anton! Sao ông cứ cuống lên như trẻ con bị phạt vậy? Chẳng lẽ tôi lại phải dạy ông phải làm sao với con chó? Ông là đàn ông hay là cô tiểu thư ưa nhõng nhẽo?
- Là đàn ông, đàn ông, thưa bà chủ! – Ông bác sĩ thiếu điều muốn sụp lạy. – Nhưng hiện chúng ta làm gì có cái “bệnh viện thú y” nào đâu? Bà hiểu không?
- Thế… thế cái… cái trạm thú y ở gần ga tàu điện ngầm “Công đoàn” thì sao?
- Dẹp rồi! Người ta đang sửa chữa, cải tạo tòa nhà ấy thành cửa hàng thực phẩm. – Ông bác sĩ rầu rĩ trả lời rồi ngồi phịch xuống bên cạnh tôi trên ghế sofa.
- Nhưng ông phải biết lường trước những tình huống có thể xảy ra chứ. – Bà Olga tỏ ra bực bội. – Đáng lẽ ông phải nhờ ai đó, thỏa thuận với người ta từ trước. Chuyện có gấp lắm không? Ông Alexander Mikhailovich dự định đến thăm con Grin vào lúc nào? Bản thân ông có hướng giải nguy nào không?
- Ông ấy hẹn sẽ đến vào buổi chiều nay. Chúng ta chỉ còn 5 tiếng đồng hồ nữa thôi. Có lẽ tôi sẽ phải gọi điện nhờ một ông bạn…
- Thì gọi đi, còn chần chừ gì nữa! – Bà Olga bỗng quát lên. – Ông làm gì mà cứ như y tá bị sa thải vậy?
- Thưa bà chủ, bà có hiểu tại sao không… – Ông bác sĩ định nói tiếp nhưng đột nhiên ngưng lại, móc điện thoại di động ra, bấm số.
“Ai dà...! Lại còn có chuyện như thế nữa cơ đấy! Cầu Chúa đừng để cho ông Alexander Mikhailovich biết được rằng mọi người lừa ông ấy, vì nếu như thế thì tôi chắc chắn sẽ là “kẻ tội đồ” đầu tiên bị đưa lên máy chém. Ôi, ghê quá đi thôi! Ôi, ôi, ôi…”.
- Alô! Archem đấy phải không? – Giọng ông bác sĩ run run. – Nghe đây, bạn hiền, giúp nhau một chuyện đi. Cứu mạng tớ với…
- Bật loa lên! – Bà Olga ra lệnh.
Ông bác sĩ lập cập bật loa, và thế là chúng tôi nghe được cuộc đàm thoại của hai vị bác sĩ bồ tèo.
- Bình tĩnh nào, Anton! – Tiếng của người ở đầu bên kia vang lên. – Có chuyện gì vậy?
- Archem, cậu có thể cho tớ mượn phòng mạch của cậu chừng một hai tiếng đồng hồ được không? Và nhất thiết phải đặt vào đó một thứ thiết bị y tế hiện đại gì đó, như buồng ôxy cao áp chẳng hạn.
- Anton, cậu nói gì vậy? – Người kia nói. – Thứ nhất là tôi chỉ có mỗi một phòng. Thứ hai, “cho mượn” nghĩa là sao? Tôi chẳng hiểu gì cả.
- Archem, hãy nghe cho rõ, đừng ngắt lời. Tôi van cậu đấy. Bây giờ tôi sẽ giải thích và cậu sẽ hiểu ra mọi chuyện.
- Được rồi. Tôi nghe cậu đây.
- Tôi chẳng có bệnh nhân nào cả đâu, tôi cũng chẳng cần điều trị hay theo dõi bệnh cho ai cả. Tôi chỉ cần có một buồng bệnh nghiêm chỉnh, và ở đó, một “bệnh nhân” sẽ nằm im trong buồng ôxy cao áp. Có lần, trong phòng kho, cậu đã chỉ cho tôi xem một thiết bị rất hoành tráng nào đó, cậu nhớ chứ?
- Nhưng nó đã hỏng và bị bỏ đi từ lâu rồi.
- Không sao cả. Như thế càng tốt. Tôi chỉ cần dàn cảnh, đóng kịch thôi mà. Một khách hàng của tôi sẽ đến, nghía sơ qua bệnh nhân rồi đi. Chỉ khoảng 5 phút thôi, không hơn.
“Ôi, bây giờ quanh ta toàn diễn viên, diễn đủ trò. Đóng kịch, hóa trang, xén lông, tỉa tai, xẻ mắt…”.
- Nhưng cậu phải cho tôi biết, khi nào thì cần đến chuyện đó và trong thời hạn bao lâu? – Người ở đầu bên kia hỏi.
- Cần ngay trong hôm nay, khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ nữa. Hãy huy động lính của cậu chuẩn bị phòng ốc cho chu đáo, dạng như buồng bệnh ấy, được chứ? Rồi tôi sẽ mang bệnh nhân đến. Yên tâm đi, tôi sẽ tạ ơn rất hậu, chắc chắn cậu sẽ hài lòng. Tôi xin bảo đảm đấy.
- Nghe này, bệnh nhân của cậu bị bệnh gì thế? Bao nhiêu tuổi? Tiên lượng bệnh ra sao? Hậu quả xấu có thể xảy ra không?
- Sẽ không xảy ra bất cứ hậu quả nào! – Bác sĩ Anton cười vang. – “Bệnh nhân” còn trẻ, khỏe như voi.
- Lại một chiêu lừa nào đó nữa chứ gì?
- Biết thế là tốt! Cậu đừng lo lắng gì cả. Nhưng chỉ có điều… cậu phải tiến hành mọi chuyện thật kín kẽ, đừng để nhiều người biết, nhất là người lạ. Mà này, thậm chí cậu có thể bố trí “buồng bệnh” ở trong phòng kho của cậu, chẳng sao cả, miễn là buồng bệnh và tất cả mọi thứ trong đó đều ở mức cao cấp nhất.
- Thôi được rồi. Tôi sẽ cố gắng hết sức. Đừng quên lời hứa đấy nhé. Tôi sẽ đợi cậu…
Bác sĩ Anton tắt máy và lau mồ hôi trán.
- Bệnh viện thú y nào thế? – Bà Olga hỏi.
- Chẳng có bệnh viện thú y nào cả, thưa bà chủ, - vị bác sĩ thở dài. – Đó chỉ là nhà bảo sinh tư nhân.
- Cái gì??? – Bà Olga trợn tròn mắt. – Nhà bảo sinh gì nữa đây?
- Một nhà bảo sinh bình thường. – Bác sĩ Anton nhún vai.
- Nhà bảo sinh dành cho người ư? – Bà Olga há hốc mồm. – Nghĩa là…
- Đúng vậy, đúng vậy! Dành cho người! – Bác sĩ Anton khẳng định, giọng chán chường.
- Rồi sao? Chúng ta sẽ mang chó đến đó ư?
- Bà chủ có phương án nào khác không? – Bác sĩ Anton tỏ ra giận dỗi. – Riêng tôi thì tuyệt nhiên không có phương án nào khác.
- Nhưng sao ông không nói với ông bạn của mình rằng ông sẽ đưa tới đó một con chó chứ không phải một con người. – Bà Olga như chợt nhớ ra điều gì. – Ông có tin chắc là khi trông thấy con “Grin”, ông ấy sẽ không từ chối giúp đỡ chúng ta.
- Tôi tin chắc! – Bác sĩ Anton nói khẽ.
- Thế thì tại sao ông không nói với ông ấy về chuyện đó ngay từ đầu?
- Nhưng nếu nói ngay từ đầu, mọi chuyện có thể sẽ hỏng, ông ấy có thể ngại ngần và… từ chối. Còn một khi buồng bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng, làm sao ông ấy có thể từ chối? Mà lúc đó tôi cũng sẽ dễ thuyết phục ông ấy hơn so với việc giải thích qua điện thoại…
- Ông hành động như vậy là quá mạo hiểm đấy, ông Anton ạ. Rất mạo hiểm!
- Vậy bà bảo tôi phải làm sao bây giờ? – Bác sĩ thở dài. – Ai đã đẩy tôi đến cảnh huống này? Hừm, “rất mạo hiểm!”. Tất nhiên là mạo hiểm rồi, nhưng…
- Thôi được rồi, hãy bình tĩnh nào. – Bà Olga phẩy tay. – Chuẩn bị mọi thứ đi, rồi chúng ta lên đường. Tôi sẽ đến đó cùng với ông Alexander Mikhailovich, trên đường đi, tôi sẽ tìm cách “chuẩn bị tâm lý” cho ông ấy để phòng hờ những bất trắc có thể xảy ra.
Vài tiếng đồng hồ sau, người ta đưa tôi đến nhà bảo sinh. Hãy nói thật đi – ai trong số các bạn có thể hình dung trước được rằng đến một lúc nào đó tôi sẽ được đưa vào nhà bảo sinh trong tư cách một… sản phụ?
Dĩ nhiên là ở đó, ở nhà bảo sinh, không phải ngay từ đầu người ta đã muốn tiếp nhận tôi. Vừa nhìn thấy bác sĩ Anton đưa tôi ra từ trong xe, ông Archem hốt hoảng đưa tay lên trời và la lên oai oái:
- Chuyện gì thế này??? Cậu điên rồi à? Sao lại đưa chó đến đây? Đây là nhà bảo sinh, không được đưa chó vào. Sản phụ đâu, đưa vào. Còn chó thì hãy cứ để ngồi trong xe.
- Hẵng gượm! - Bác sĩ Anton khoát tay. - Nào, đi vào bên trong đi, rồi tôi sẽ giải thích mọi chuyện.
- Không, không được đâu, Anton, dẹp con chó đi. Tôi nói nghiêm túc đấy. Không được là không được. Cậu phải hiểu cho tôi chứ. Người ta biết được thì phiền lắm. Người ta có thể tha thứ cho tôi mọi chuyện, nhưng cái chuyện đưa chó vào đây thì... Xin lỗi nhé, người anh em. Không thể được. Thế còn sản phụ đâu?
- Đây chứ đâu. - Bác sĩ Anton hất hàm về phía tôi.
Tôi quay đầu, hướng vành tai bị mổ xẻ về phía trước, ngước nhìn bác sĩ Archem bằng ánh mắt van lơn, như muốn nói: “Bác ơi, cho chúng em vào đi mà, chút xíu thôi, không lâu đâu. Chúng em chỉ diễn xong vở Hamlet là cuốn gói ra ngoại ô ngay thôi. Giờ đây, chúng em tồn tại hay không tồn tại là phụ thuộc vào bác, bác sĩ Archem kính mến ạ”.
- Con chó này là thứ quỷ gì vậy? - Bác sĩ Archem hỏi. Tôi có cảm giác như lông mày ông ấy nhướng lên đến tận đỉnh đầu.
- Thì cứ coi nó như là bệnh nhân đi. - Bác sĩ Anton nói rồi cắn môi dưới.
- Như thế nghĩa là sao? - Rõ ràng là ông Archem hoặc không thể hình dung được, hoặc không thể hiểu được, tại sao người ta lại đưa đến nhà bảo sinh của ông một con chó và gọi nó là bệnh nhân - sản phụ.
- Theo đúng nghĩa đen đấy, - bác sĩ Anton cười méo xệch miệng. - Bây giờ chúng ta nhét nó vào buồng ôxy cao áp, để khách hàng của tôi đến ngó qua một chút và yên chí rằng nó đang nằm trong đó, chỉ có thế thôi.
- “Chỉ có thế thôi” nghĩa là sao?
- Nghĩa là ngay sau đó chúng tôi sẽ “biến”.
- Vậy liệu khách hàng của cậu có thắc mắc là cậu đưa con chó của ông ấy vào nhà bảo sinh để làm gì không? Hay là ông ấy thây kệ?
- Cậu biết sao không? - Ông Anton cười khẩy. - Vấn đề chính là ở chỗ đó. Cái đầu của ông ấy còn lâu mới phân biệt được nhà bảo sinh với bệnh viện thú y.
Bác sĩ Archem tránh qua một bên và châm lửa hút thuốc. Bác sĩ Anton rụt rè đi lại gần ông ấy.
- Anton, sao ngay từ đầu cậu không nói với tôi là cậu sẽ đưa tới đây một con chó chứ không phải một con người?
- Ôi, Archem, qua điện thoại làm sao tôi có thể giải trình với cậu câu chuyện ngu ngốc này được.
- Tóm lại, - bác sĩ Archem khoát tay, - một chục nghìn…
- Chuyện ấy không thành vấn đề mà! - Bác sĩ Anton vội nói. - Cảm ơn cậu rất nhiều, bạn hiền ạ.
- ... một chục nghìn đô đấy. - Ông Archem nói tiếp.
- Tôi hiểu mà. Coi như chúng ta đã thỏa thuận xong rồi nhé. –Bác sĩ Anton gật đầu lia lịa rồi nói thêm: - Có điều tôi yêu cầu một chuyện: phải làm sao để trong buồng bệnh có đầy đủ những thiết bị y tế đắt tiền, hoành tráng, phải có đèn nhấp nháy, những âm thanh tích tích tè tè, tiếng máy móc, thiết bị đang vận hành nghe “rù rù” thật ấn tượng.
- Chuyện nhỏ! Yên tâm đi, mọi thứ trông chẳng khác gì trong bệnh viện của Điện Kremli đâu!
“Ôi chao! Vì tiền, người ta thậm chí có thể bắt tôi phải… đẻ. Thật kinh khủng! Thật kinh khủng!”.
Thế rồi người ta quấn tôi vào một thứ “y phục bệnh nhân” kỳ quái nào đó. Rồi họ dùng những chiếc kẹp nhỏ để đấu nối vào thân mình tôi đủ thứ dây điện xanh đỏ tím vàng, buộc băng, nơ khắp nơi, gắn các loại cảm biến, sau đó đút tôi vào một cái ống gì đó trông giông giống buồng lái của các nhà du hành vũ trụ. Thì ra đó là buồng ôxy cao áp. Các loại bóng đèn xanh đỏ nhỏ xíu nhấp nháy khắp nơi, những tiếng tích tích, tè tè vang lên không to lắm nhưng cũng đủ gây ấn tượng. Một cô gái xinh đẹp, dễ thương ngồi bên cạnh buồng ôxy cao áp. Qua ô cửa kính tròn, cô gái nhìn tôi với ánh mắt yêu thương trìu mến đến mức người ta có thể nghĩ rằng đó là người thân yêu nhất đời của tôi.
Và đây, Bạo chúa Alexander Mikhailovich xuất hiện. Bác sĩ Anton vội đứng dậy chào (trước đó, bác sĩ Archem đã từ chối có mặt trong “vở kịch” này).
- Thế nào? Con chó cưng của tôi ra sao rồi?
- Thưa ông chủ, nó đang bình phục đấy ạ.
- Mọi chuyện bình thường chứ? – Ông Alexander Mikhailovich hất hàm về phía cái buồng ôxy cao áp.
- Vâng, tất nhiên rồi, thưa ông chủ, - bác sĩ Anton gật đầu. - Ở đây toàn các bác sĩ giỏi ạ.
- À, mà này, sao ông lại quyết định điều trị chó trong bệnh viện dành cho người?
- Ôi, thưa ông chủ, ông chủ biết sao không, ở bệnh viện thú y mọi điều kiện làm sao có thể bằng ở đây được ạ. Trang thiết bị cũng không bằng, vì thế tôi không dám…
- Ông làm mọi chuyện như thế là chuẩn đấy, - ông chủ gật đầu. - Ở bệnh viện thú y chỉ rặt một lũ lang băm, giỏi lắm thì cũng chỉ có thể đóng móng ngựa và thiến heo mà thôi. Chúng nó làm cho con chó của tôi sớm chầu trời mất. Giỏi đấy, bác sĩ Anton ạ, ông suy nghĩ và hành động rất đúng.
Alexander Mikhailovich Bạo chúa cúi xuống, ngó vào buồng ôxy cao áp. Tôi nháy một mắt với ông ta. Thấy thế, ông chủ vui sướng tột độ.
- A, ha ha ha! – Ông ta thích chí cười to. – Thấy chưa! Bác sĩ Anton, ông có thấy nó nháy mắt với tôi không?
- Như vậy có nghĩa là nó đang trên đà bình phục tốt đấy ạ.
Ngay lúc đó, cô y tá (hình như đã được dặn trước phải ứng xử như thế nào) vội can thiệp:
- Thưa các ngài, xin lưu ý là ở đây không được làm ồn.
- Ôi, xin lỗi nhé, cô em quý mến! – Ông Alexander Mikhailovich đi lại gần cô gái, thò tay vào túi, lôi ra một tờ giấy bạc 100 đôla và đưa cho cô. – Nào, cầm lấy, người đẹp, và nhớ chăm sóc con chó thật kỹ cho tôi nhé.
Cô gái thoáng đỏ mặt, dường như khá hoảng sợ trước món quà bất ngờ, bèn xua tay từ chối. Nhưng bác sĩ Anton lập tức xen vào:
- Cầm lấy đi cô, đừng làm ngài Alexander Mikhailovich buồn lòng. Chuyện nó phải thế.
Cô gái đành phải nghe lời, đón lấy tờ bạc. Vài phút sau, cả “khán giả” lẫn “đạo diễn” đều rời sàn diễn của cái “sân khấu nhỏ” này. Còn “diễn viên” – là tôi – thì sau đó được đưa ngay về ngôi làng nhỏ ngoại ô, nơi hai bạn mèo Zhorka và Markiza đang chờ tôi. Tô hoành thánh bốc hơi nghi ngút và món bánh nướng nóng hổi cũng đang chờ tôi ở đó.