D
ù tôi có lo lắng, dằn vặt đến đâu đi nữa… Nói gì thì nói, tôi vẫn là một con chó luôn gặp hên. Hôm qua, cô giúp việc Zina xách máy hút bụi lên lầu để làm vệ sinh các phòng trên ấy mà quên tắt tivi ở tầng trệt. Tâm trạng của tôi lúc đó hệt như người trúng số độc đắc. Các bạn biết sao không? Đúng lúc đó, chương trình tivi chiếu một phóng sự dài về cái thú đi săn. Dĩ nhiên, sau khi chỉ xem qua phóng sự này, tôi không thể nào trở thành một con chó săn thiện nghệ được. Nhưng dù sao tôi cũng nghe được, thấy được một số điều cần thiết làm lưng vốn kiến thức về nghề để khi đi săn với ông chủ, trông tôi không đến nỗi quá ngớ ngẩn. Mà chính bản thân tôi cũng cảm thấy rất thú vị khi được xem chương trình này. Trước đây tôi chưa từng được nghe về công việc của chó săn nói chung và của những con chó săn thuộc nòi Labrador nói riêng. Chẳng trách cụ Ivan Savelievich thường nói: hễ còn sống là còn phải học hỏi.
Thì ra chó Labrador là giống chó tuyệt vời nhất trong hạng mục công việc nhặt mồi đưa về cho chủ. Ở Anh, chó Labrador được sử dụng trong những cuộc đi săn trên đồng cỏ, nhặt thỏ, chim bị bắn chết hay bị thương ở cách xa hàng mấy trăm mét, đưa về cho chủ. Còn ở Mỹ thì chúng lại có nhiệm vụ tìm nhặt những con vịt trời hoặc ngỗng trời bị bắn trúng, rơi xuống đầm lầy, nhặt những con mồi là chim đa đa hay gà lôi trong những cuộc đi săn ở đồng cỏ. Nói chung, chó Labrador có thể thực hiện tuyệt vời nhiệm vụ nhặt mồi trong mọi điều kiện địa hình: ao hồ, đầm lầy, đồng cỏ, hoang mạc…
Một điều đặc biệt nữa mà tôi mới vừa được biết: hành vi nhặt mồi mang về cho chủ là một trong những thuộc tính bẩm sinh của giống chó Labrador. Thì ra, dân thợ săn nuôi chó Labrador để chúng thực hiện công đoạn khá quan trọng này – tìm và nhặt con mồi bị bắn chết, đưa về cho chủ. Các bạn hình dung đi, giả sử một con vịt trời đang bay thì bị trúng đạn và rơi xuống đầm lầy (hay đồng cỏ) cách người thợ săn vài trăm mét, sau đó người thợ săn có lùng sục suốt cả ngày cũng chưa chắc tìm thấy con mồi bị bắn rớt. Nhưng nếu có chó Labrador cùng đi săn thì chỉ trong vòng vài phút, nó đã tìm ra con mồi và cẩn thận mang về cho chủ.
Chúng ta hãy cùng lắng nghe và ghi nhớ những miêu tả và bình luận của tác giả thiên phóng sự này.
“Con chó Labrador ngồi thật yên, không phát ra một tiếng động nào, nhìn như dán mắt vào người chủ. Sau khi súng nổ, nó mới bắt đầu thực hiện vai trò của mình. Theo hiệu lệnh của chủ, nó lao đến chỗ con mồi vừa rơi xuống. Không ai và không một loài chó nào khác có thể ghi nhận và nhớ rõ vị trí con mồi rơi xuống bằng chó Labrador. Giống chó này có một trí nhớ trên cả tuyệt vời…”.
Những lời ấy dành cho tôi cũng chẳng ngoa: tôi tinh mắt, có khả năng tập trung chú ý cao độ và trí nhớ của tôi cực tốt.
Khoan nào, hãy nghe tiếp người ta nói gì trên tivi.
“Nhiều con chó Labrador có khả năng tha mồi rất thiện nghệ, con mồi khi được đưa về cho chủ hoàn toàn nguyên vẹn, không hề bị giập nát. Chúng ngậm con mồi trong mõm rất nhẹ nhàng, chạy trở về, vui mừng vẫy đuôi, trao con mồi vào tay chủ. Những con mồi chỉ bị thương, chưa chết hẳn (đối với những con chim chỉ bị thương, vẫn cố gắng cất cánh hoặc lết, nhảy ra xa vị trí vừa rơi xuống thì sẽ rất khó tìm) cũng khó mà thoát khỏi sự truy tìm rất nhanh chóng và chính xác của chó Labrador vốn có khả năng đánh hơi tìm vết siêu đẳng”.
Nào, Trison, tất cả những điều đó rất bổ ích cho mi, hãy ghi nhớ lấy làm hành trang kiến thức để rồi còn đi săn với ngài Alexander Mikhailovich Bạo chúa. Chứ nếu không, khi con gà gô nào đó trúng đạn chẳng hạn, mi lao vào bụi cây chỗ nó ẩn nấp, hấp tấp vồ lấy nó, cắn nó bầm giập rồi lúc đưa về cho ông chủ, trông nó chẳng khác gì món thịt băm thì nhục lắm đấy. Chuyện đi săn không đơn giản như đi câu cá rô cá giếc với ông cụ Ivan Savelievich đâu. Nhớ rồi chứ. Một khi ông chủ chưa nổ súng thì liệu mà ngồi thật yên và câm như hến!
Chương trình truyền hình sôi động hẳn lên:
“Chó Labrador có thể hợp tác rất hiệu quả với chó săn thuộc nòi Setter, hoặc theo những cách thức săn bắt truyền thống, chúng có thể tham gia những cuộc săn vây tập thể. Nhưng chúng tôi buộc phải cung cấp thông tin rằng ngày nay, chỉ một số đối tượng hạn hẹp (như các quan chức cao cấp chẳng hạn) mới được phép tổ chức những cuộc săn vây quy mô lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà chó Labrador hết đất dụng võ. Ngày nay, chó Labrador là đối tượng ưa thích của những thợ săn riêng lẻ, đi săn theo cách thức một người một chó. Tất nhiên, chó Labrador rình mồi không giỏi, nhưng khả năng tìm con mồi bị bắn rơi xuống các bụi rậm thì không một giống chó nào bằng. Điều quan trọng nhất là phải dạy cho chúng nằm phục ở cách xa chủ trong vòng khoảng ba chục mét đổ lại. Điều đó không khó, vì chó Labrador rất thông minh, dễ huấn luyện. Ngoài khả năng tìm và nhặt mồi bị bắn chết hay bị thương, chúng còn có thể tự tóm được những con mồi còn sống như gà gô, chim đa đa, thậm chí cả thỏ. Nhưng trên tất cả, chó Labrador có một năng lực siêu đẳng không một giống chó nào khác bì kịp…”.
Ôi, ôi. Năng lực siêu đẳng gì vậy? Căng tai ra mà nghe xem nào.
“Trong các cuộc đi săn vịt trời ở những khu vực đầm lầy, chó Labrador là số một! Nước dù nóng hay lạnh cỡ nào, chó Labrador vẫn sẵn sàng lao xuống để đi tìm con mồi vừa bị bắn hạ. Không những thế, chúng còn có thể lặn mò, tìm những con mồi bị chìm ở độ sâu đến 3 mét!”.
Tất nhiên rồi. Đầm lầy thì nghĩa lý gì đối với chó Labrador chúng tôi! Trong những quyển sách trước, các bạn từng được biết rằng các tổ tiên của tôi từng lặn biển để xua cá vào lưới ngư phủ và từng cứu các thủy thủ bị thương, bị đuối sức ở ngoài biển khơi.
“Giống chó Labrador chủ yếu được nhiều người nuôi để đi săn như một dạng hobby, một thú tiêu khiển khi có thì giờ rảnh rỗi. Thường thì chỉ vài lần trong năm – mùa xuân đi săn thú nhỏ trên đồng cỏ, chủ yếu để lấy cảm hứng, còn đầu thu, khoảng tháng Tám, thì săn vịt trời. Chó Labrador được sử dụng chủ yếu trong công đoạn tìm và nhặt con mồi bị bắn trúng…”.
A! Ông Alexander Mikhailovich bảo tôi sẽ đi săn với ông ấy trong tháng Tám, nghĩa là săn vịt trời. Hãy liệu thần hồn nhé, lũ vịt trời kia! Một khi Trison… í lộn, một khi Grin mà đã xuất quân thì biết tay! Hãy coi chừng bổn mạng!!!
“… Các thợ săn lão luyện thường ưa dùng chó săn nòi Setter hay nòi Tây Ban Nha. Nhưng phải nói rằng giống chó Labrador không thua kém gì chúng…”.
Con người thường suy nghĩ rập khuôn, theo định kiến. Rất nhiều người cho rằng chỉ có chó Setter hoặc chó Tây Ban Nha mới là chó săn đích thực. Bây giờ thì các bạn nghe rõ người dẫn chương trình truyền hình nói gì rồi đấy: chó Labrador không hề kém cạnh gì so với hai giống chó ấy!
“Ở Nga vẫn còn rất hiếm người sử dụng chó Labrador trong săn bắn. Thật đáng tiếc. Với bản tính chịu nghe lời và khả năng đánh hơi tìm dấu tài tình của mình, chúng rất phù hợp cho loại hình săn bắn trong rừng. Một con chó Labrador ngoan hiền, được dạy kỹ, có thể phục vụ rất tốt trong bất kỳ thể loại săn bắn nào. Dù rằng nó có thể không đóng vai trò quan trọng như rượt đuổi, xua mồi… nhưng chắc chắn nó không bao giờ để xảy ra sơ suất đến nỗi làm hỏng cuộc đi săn…”.
Quả là lời vàng ý ngọc về giống nòi Labrador của chúng tôi! Các bạn thấy chưa? Dù chưa được huấn luyện nghề săn đi nữa thì chí ít chó Labrador cũng không gây ra điều gì tệ hại trong chuyến đi săn. Đó là chân lý!
Nhưng tiếp theo ngay sau đó, chương trình tivi lại khiến tôi buồn nẫu ruột:
“Chó Labrador chỉ có một khiếm khuyết, nhưng vô cùng quan trọng, đó là chúng chịu nóng rất kém. Đây chính là điểm bất lợi lớn nhất trong những chuyến đi săn vào tháng Tám, vì vào cuối mùa hè, tiết trời vẫn còn khá nóng…”.
Không! Tôi chịu đựng được thời tiết nóng bức. Riêng tôi, tôi chịu được tất! Điểm bất lợi ấy không thuộc về tôi! Đừng nói nhảm! Ôi…
“Tuy nhiên, trong trường hợp này, luật bù trừ thể hiện rất rõ: chó Labrador chịu nóng kém nhưng chịu lạnh thì chẳng giống chó nào bằng. Chúng coi thường băng tuyết và luôn sẵn sàng lao xuống nước trong thời tiết giá buốt mùa đông…”.
Đấy, các vị thấy chưa, đối với chúng tôi, băng tuyết, nước hồ băng… chẳng là cái gì cả. Chịu nóng có kém một chút thì đã sao nào?
“Giống chó này có khả năng siêu phàm trong việc đánh hơi lần theo dấu máu. Ở nhiều nước trên thế giới, chó Labrador được sử dụng chuyên về việc lần tìm dấu vết những con mồi bị thương…”.
Tại sao trước nay tôi không biết đến những đặc tính quý báu ấy của giống chó Labrador nhà mình nhỉ? Tại sao người ta lại giấu tôi những chuyện ấy nhỉ? Nhưng mà hãy khoan. Trison, mi nổi cáu mà làm gì? Ừ thì những phẩm chất ấy quý giá vô ngần, nhưng liệu chúng có cần thiết gì cho mi không? Mi chỉ là chó dẫn đường thôi mà. Đúng vậy. Tôi hiểu lắm chứ. Nhưng do số phận đẩy đưa, giờ đây tôi sẽ phải lùng sục đầm lầy, bụi rậm để lần tìm những con vịt trời, ngỗng trời bị bắn chết hoặc chưa chết hẳn.
“Có thể bắt đầu huấn luyện chó Labrador từ khi chúng mới thay răng sữa. Lúc đó, mỗi bài tập chỉ nên kéo dài khoảng 20 – 30 phút. Tốt nhất là lồng ghép bài học với trò chơi. Nếu được huấn luyện kiên trì, đều đặn, đến khoảng 9 – 10 tháng tuổi, chó Labrador đã có thể theo chủ đi săn để làm quen với nghề và đến khi đầy năm, chắc chắn sẽ trở thành một tay săn thiện nghệ…”.
Nào, bây giờ thử hình dung là tôi còn rất trẻ, đang tập tễnh vào nghề để nay mai trở thành một con chó săn siêu hạng. Vừa rồi, tôi đã được nghe kỹ bài giảng nhập môn, thêm nữa, tôi có tính kỷ luật cao do từng được đào tạo ở trường chuyên, đã vậy, tôi lại thông minh, sáng dạ. Vì vậy, có thể nói tôi đã sẵn sàng tham gia chuyến đi săn đầu tiên của mình một cách khá tự tin.
Tác giả phóng sự cảnh báo:
“Đối với chó mới lớn, cần tăng cường độ công việc một cách từ từ, không được để nó kiệt sức khi tham gia cuộc săn. Khi đi săn, người thợ săn không chỉ phải theo dõi mọi hoạt động của con chó mà còn phải biết kiềm chế bản thân, không nên vì sự phấn khích quá mức của mình mà làm cho con chó cũng hăng theo. Nếu hăng lên quá, con chó có thể sẽ vuột ra khỏi tầm kiểm soát của chủ và như thế có thể sẽ nảy sinh những rắc rối ngoài mong muốn…”.
Những cảnh báo ấy không thật sự cần thiết đối với tôi. Tôi từng gánh vác những công việc nặng nhọc hơn nhiều. Quan trọng nhất là ông Alexander Mikhailovich phải biết kiềm chế, đừng hăng lên rồi té xuống khe nước, mương sâu nào đó. Ông ấy to lớn dềnh dàng như vậy, khó mà kéo ông ấy lên được. Mà khổ người như ông ấy, theo tôi, đi săn ở địa hình đầm lầy quả chẳng phù hợp chút nào. Nhưng xem ra, ông ấy có vẻ cũng khá dai sức. Thôi được, để rồi xem.
“Giống chó Labrador sở hữu tất cả những đặc tính cần thiết để không chỉ trở thành chó canh gác, giữ nhà, chó kiểng… mà còn là phụ tá tuyệt vời trong những chuyến đi săn. Cuối cùng, chúng tôi xin chúc quý vị nuôi dạy thành công giống chó này và có được những chuyến đi săn đầy thú vị…”.
Tôi thật may mắn được xem qua chương trình truyền hình này. Không có nó, chắc chắn tôi sẽ để lộ biết bao điều sai sót đến ngớ ngẩn. Liệu có chính xác không khi có người nói rằng tivi là vật vô bổ, thậm chí độc hại? Độc hại gì cơ chứ. Trong chương trình mà tôi được xem, càng về sau càng bổ ích, thú vị, nhưng không phải về giống chó Labrador. Một khi tôi trót dành chương sách này cho chuyện đi săn, vậy xin quý vị độc giả cho phép tôi kể thêm đôi nét lịch sử của nghề này kẻo để lâu tôi quên mất. Các bạn hãy tin đi, chuyện thú vị lắm.
Chẳng hạn, theo nhiều nhà nghiên cứu, nghề đi săn bằng chim ưng có xuất xứ từ Ấn Độ. Một số nhà sử học thì cho rằng phương thức săn bắt này khởi nguồn từ châu Âu, sau cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất. Giả thuyết thứ hai không vững. Phương thức này xuất hiện từ trước Công nguyên. Hai nhà sử học thời Hy Lạp cổ đại là Kteziya và Elion từng mô tả cảnh đi săn bằng mãnh điểu và xác nhận rằng đó chính là một trong những tập quán đặc sắc của người Ấn Độ. Theo ghi nhận của triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle, từ thời Alexander Đại đế, người Thrace đã biết đi săn với sự trợ giúp của những loài mãnh điểu đã được thuần dưỡng. Một số người châu Âu học được cách thức săn bắt này ở người Thrace rồi du nhập sang phương Tây.
Phương thức đi săn bằng diều hâu và chim ưng được phổ biến mạnh và rộng rãi trong thời kỳ cuộc đại di cư diễn ra vào thế kỷ thứ 5. Phương thức này được ghi nhận ở Nga trong các thư tịch thuộc thế kỷ 12, đặc biệt rõ trong di chúc của Đại công tước Vladimir. Nhìn chung, nếu không có sự trợ giúp của chó, những cuộc đi săn bằng mãnh điểu đều gặp phải một số khó khăn nhất định. Vì vậy, cánh thợ săn thời ấy đã sử dụng chó tham gia săn bắt, trong vai trò trợ tá. Vì công việc chính do chim ưng, diều hâu đảm nhiệm nên chó trợ tá không nhất thiết phải có đầy đủ các phẩm chất cần thiết của chó săn như kỹ năng bắt giữ mồi, sự nhanh nhẹn, sức mạnh và sức chịu đựng.
Tuy nhiên, thế đứng rình mồi của chó lại rất quan trọng trong phương thức săn chim đồng, bằng lưới vây, lưới bủa. Ở đây, đối tượng săn bắt là chim đa đa, gà gô đồng… - những loài có khả năng ẩn náu rất tài tình. Người ta dùng lưới mành để chặn bắt những con chim bị chó phát hiện và xua đuổi ra khỏi vị trí ẩn nấp. Để đạt hiệu quả săn bắt cao, đòi hỏi con chó không chỉ có khả năng tìm mồi ở khu vực gần người chủ mà còn phải có tính kiên trì, kiềm chế bản năng, sau khi phát hiện con mồi thì phải bình tĩnh chờ đợi cho đến khi chủ săn giăng lưới sẵn sàng rồi mới lao vào xua mồi.
Thực ra, thế đứng rình mồi cũng là một trong những thuộc tính bẩm sinh. Động tác dừng lại rình mồi trong một khoảng thời gian ngắn rất đặc trưng đối với chó sói, cáo và một số loài thú ăn thịt khác. Con thú săn mồi cần có một khoảng dừng nhất định nhằm quan sát con mồi, lượng định khoảng cách giữa mình và con mồi nhằm tung cú nhảy với độ chính xác cao nhất để không vồ hụt con mồi.
Thế đứng rình mồi có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phương thức săn bắt chim khi chúng đang đậu trên mặt đất, vì nếu thế rình không khéo léo, con mồi bị đánh động, vỗ cánh bay lên trời thì coi như công cốc! Chó săn chim đậu, trước hết phải tìm ra vị trí ẩn nấp của con mồi bằng cách lần theo dấu vết hoặc bằng khứu giác siêu đẳng của mình. Sau khi đã xác định chính xác vị trí ẩn nấp của con mồi, chó ta chậm rãi, thận trọng tiến lại gần (đôi khi bằng cách bò trườn) và không rời mắt khỏi đối tượng. Cách tiếp cận mục tiêu như thế được cánh thợ săn gọi vui là “chiến thuật tàu ngầm”. Trong nhiều trường hợp, sau khi tiến đến thật sát đối tượng mà không bị phát hiện, chó ta có thể tự chộp lấy con mồi mà không cần thợ săn phải nổ súng hay bủa lưới.
Hành vi dừng chờ cũng có thể được quan sát ở chó nhà khi thấy chuột, mèo ở trước mặt. Để vọt tới được xa hơn (nhằm vồ mồi hoặc tấn công đối thủ), chó thường đưa toàn bộ thân mình về phía sau như loài mèo vẫn thường làm, có khi bụng dán sát tận mặt đất, rồi bất ngờ bật tới.
Những người đi săn bằng lưới vây, lưới bủa luôn tận dụng năng lực bẩm sinh này của loài chó, huấn luyện, củng cố năng lực ấy và tập cho con chó của mình khả năng đứng rình chờ càng lâu càng tốt. Để đạt được khả năng này, không phải chỉ một sớm một chiều, có khi phải sau hàng mấy thế hệ. Sự việc thường diễn ra như sau: người thợ săn lom khom đi theo đằng sau con chó của mình chừng vài mét; khi con chó bắt đầu đi chậm lại, thận trọng tiến từng bước một, hoặc nằm xuống bò, người chủ bắt đầu phải tập trung chú ý cao độ; khi con chó dừng hẳn lại, ngó chăm chăm về phía trước, người chủ nhìn kỹ theo hướng ấy là có thể phát hiện ra con mồi để tung lưới bủa. Nhưng lắm khi, chó cũng bị lọt vào trong lưới cùng với con mồi và nếu chó lồng lộn hoảng sợ thì có thể làm rách lưới hoặc tạo khe hở khiến con mồi thoát ra được. Về sau, người ta đã huấn luyện được những con chó biết nằm thật im, dán bụng xuống đất khi bị mành lưới bủa xuống thân mình.
Ôi, hôm nay tôi tiếp nhận được cơ man là thông tin bổ ích, thú vị vào đầu, tôi không thể không chia sẻ ngay với các bạn. Chưa biết những thông tin ấy sẽ giúp ích cho tôi như thế nào trong những cuộc đi săn sắp tới với ông chủ bạo chúa của tôi đây. Hãy chờ rồi khắc thấy.
Ôi! Hình như tôi mộng mơ quá đỗi. Nào là đi săn với chim ưng, đại bàng, nào là lưới vây, lưới bủa. Coi chừng, khi tham gia cuộc đi săn đầu tiên, mi lại sẽ trở thành đứa ngố thôi con ạ…