Trong công việc, mọi người đều có xuất thân từ hoàn cảnh sống và môi trường trưởng thành khác nhau, nhưng sau khi cùng làm việc trong một doanh nghiệp cần phải xây dựng phương hướng, quan điểm đồng nhất, cùng nỗ lực đạt được mục tiêu chung. Tuy nhiên, dù mọi người cùng nỗ lực nhưng vẫn phát hiện ra thói quen xấu, những phiền não, tính cách, tính khí của từng cá nhân, do vậy mà cũng không dễ dàng nói chuyện giao tiếp với nhau. Suy cho cùng, ngay từ khi ta sinh ra, đều bị ảnh hưởng bởi các thói quen, quan niệm của người khác như trong gia đình, trường học, môi trường công cộng, hay trong mối quan hệ với bạn bè, bạn học.
Điều này cũng giống như các con ong khác nhau đi tìm kiếm các loại mật hoa khác nhau đem về tổ, nếu cứ khăng khăng tôi gây mật của tôi, anh gây mật của anh thì cả tổ ong đó điên đảo lộn xộn, duy chỉ có mỗi người đem mật hoa của riêng mình biến thành mật hoa chung thì mới có thể cho ra loại mật chất lượng tốt. Do đó mà mỗi chúng ta cần phải kìm chế thói xấu của mình, hòa đồng cùng nếp sống, thói quen của tập thể thì mới tạo ra được thành quả tốt hơn.
Mỗi ngày, chúng ta làm việc khác nhau trong công ty, tiếp xúc với nhiều đồng sự hoặc nhân viên đối tác với diện mạo dáng vẻ từng người không ai giống ai, sự kỳ vọng và yêu cầu cũng khác nhau. Do vậy mà lúc nào ta cũng phải giữ nét mặt vui vẻ hòa nhã, sau khi đến nơi công sở đều phải vứt bỏ mọi bực tức từ chuyện gia đình và lấy lại tinh thần làm việc. Dù có gặp việc đen đủi đến đâu đều phải đối đãi với mọi người bằng sự thân thiện cởi mở, bằng thái độ hòa nhã dễ gần. Ví như khi đối phương buồn phiền thì cần lắng nghe xem họ có vướng mắc gì, khi có người than phiền phàn nàn thì lắng nghe xem họ phàn nàn về điều gì. Chỉ cần lúc đó bạn vui vẻ lắng nghe họ thì những buồn bực trong lòng cũng vơi đi một nửa.
Điều phiền toái nhất là, khi buồn phiền và oán trách than vãn của con người ta ngày một nhiều lên, thì họ không những không thể yêu cầu tự cải thiện bản thân mình, mà ngược lại còn yêu cầu người khác cùng hợp tác và lắng nghe ý kiến. Cứ như vậy sẽ trở thành một tác phong không tốt, vì mọi người sợ mình mà chỉ miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng sau thời gian dài, họ sẽ nhìn nhận bạn như Diêm Vương, và có muốn chung sống hòa hợp lại với người khác e rằng không dễ dàng gì! Người ta có chuyện gì trong lòng sẽ không bao giờ tâm sự với bạn, nếu có việc cần phải hợp tác với bạn thì cũng không tình nguyện lắm.
Ngoài ra, sự tịnh hóa tâm - khẩu - thân (hay còn gọi là lễ nghi hoàn bảo) cũng giúp cải thiện phần nào tình thế giao tiếp bế tắc đó, giúp cho công sở có được môi trường hòa thuận êm ái. Nhưng chỉ nói suông mà không làm e rằng không được, cần phải xuất phát từ cái tâm. Tôi lấy ví dụ như khi người khác chọc tức bạn, bạn nên làm gì? Trước hết, bạn có thể niệm Phật trong tâm mình, khiến cho tâm can bình tĩnh lại, sau đó nói với người đó rằng : “Cám ơn anh, tôi đã nghe thấy những điều anh nói rồi, tôi sẽ suy nghĩ thêm và sẽ trả lời anh sau”.
Bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu ta đều có cơ hội để tức giận. Dù thời tiết nóng hay lạnh, thì sự xuất hiện của một con kiến, một con muỗi cũng là lí do khiến bạn tức giận.
Khi cơn giận khó giải tỏa, ta niệm câu Nam mô A Di Đà Phật và nên nghĩ rằng : dù lí do gì khiến ta tức giận, đều là đang giúp ta có cơ hội tu theo đạo Bồ-tát hành.
Không khí làm việc nơi công sở là do mọi người cùng cố gắng tạo nên, cần trò chuyện hòa đồng, thông cảm, bao dung người khác. Tính chất công việc của từng bộ phận khác nhau, tuy bạn không thể giúp đỡ người khác nhưng đã là thành viên trong cùng một đoàn thể thì nên tỏ nét mặt vui vẻ khi nhìn thấy nhau. Trên đường đi làm hoặc tan ca nếu có gặp đồng sự, tuyệt đối không nên nghĩ bình thường không làm việc cùng nhau nên không cần thiết phải chào hỏi. Đây là cách nghĩ lệch lạc sai lầm, bởi bình thường chúng ta có rất ít cơ hội tiếp xúc cho nên càng phải chào hỏi nhiều hơn. Bạn có thể nở một nụ cười với họ và nói câu “xin chào” hoặc “hôm nay trông anh vui thế, có thể chia sẻ cùng tôi được không ?”. Mới tiếp xúc có thể bạn thấy như thế không tự nhiên, cho rằng mình đang giả vờ, giả tạo. Thực ra chúng ta không nên nghĩ như vậy, dù là làm ra vẻ cũng không sao, chỉ cần khi nói mà trong lòng không nghĩ điều đó là “giả tạo” là được rồi. Luyện tập nhiều lần sẽ trở lên tự nhiên hơn, không còn cảm giác miễn cưỡng nữa.
Nếu lúc nào ta cũng nghĩ được “dùng từ bi cống hiến cho xã hội, phiền não sẽ tiêu tan”, thì nhân phẩm sẽ trưởng thành hơn và chất lượng công việc sẽ tốt hơn.