Làm người ai cũng mưu cầu sự công bằng, liệu thực tế có chuyện gì công bằng một trăm phần trăm không ? Ví như trong công sở, cấp trên cho rằng việc đó là công bằng, nhưng dưới lập trường là nhân viên thì có thể đó là điều bất công bằng. Nguyên nhân là do tiêu chuẩn đánh giá khách quan và chủ quan không giống nhau, chủ quan không nhất định là đúng đắn, cho nên không thể có khách quan tuyệt đối được, có thể thấy thế gian này không có việc gì là công bằng thực sự.
Tôi từng lấy một ví dụ như sau: một người cha có bốn người con trai, trước khi lâm chung người cha có phân chia tài sản cho các con, nhưng đứa nhỏ tuổi nhất được hưởng nhiều nhất, tiếp theo đến đứa thứ ba, đứa thứ hai được ít nhất, còn đứa con đầu không được gì. Bởi người cha cho rằng đứa con út còn nhỏ tuổi cho nên để lại cho cậu ta nhiều gia tài nhất, đứa thứ ba lớn hơn một chút nên chia cho ít hơn, đứa thứ hai lớn hơn hai đứa kia nên chỉ chia cho một chút đỉnh, còn đứa thứ nhất đã trưởng thành tự lập rồi nên không cần phải cho nữa. Nhưng dưới góc độ là người con, đứa con trưởng không đồng tình với cách nghĩ của người cha, anh ta cho rằng : “Gia nghiệp nhà mình là do bản thân tôi cùng nỗ lực với cha gây dựng lên ngay từ khi tôi còn nhỏ, tôi cống hiến nhiều như thế cho nên kết quả có được cũng phải tương ứng, chia cho em thứ hai, em thứ ba thì không sao, còn em thứ tư chưa làm được gì cho nhà này cả, thậm chí còn chi tiêu rất nhiều tiền của, cơ bản không cần phải chia cho nửa đồng nửa hào nào”. Mấy anh em so đo tính toán, tranh chấp tài sản, trở mặt thành thù. Do đó ta thấy, lập trường bất đồng nên tiêu chuẩn đánh giá cũng không giống nhau, nếu cố giữ lập trường của mình sẽ xảy ra tranh chấp cãi cọ.
Tôi có quen biết một nhân viên công vụ, làm việc hết sức chăm chỉ, chỉ cần cơ quan nào mời được anh ta về làm việc là có thể bình yên vô sự, thái bình yên ổn. Do đó mà chỉ cần có người thăng quan tiến chức liền nghĩ đến việc mời anh ta làm trợ lí hoặc thư ký cho mình. Cả đời này anh ta chưa từng làm một lãnh đạo thực sự, chức vụ cao nhất cũng chỉ là một tổ trưởng, còn việc thăng quan, tăng lương thì miễn bàn. Khi công việc gặp khó khăn, anh đều xung phong giải quyết, thêm vào đó, với vai trò là một trợ lý nên anh ta kiêm luôn công việc mà nhẽ ra cấp trên phải làm. Tuy cống hiến cho quốc gia, xã hội, chính phủ nhiều như vậy, nhưng lịch sử tương lai chưa chắc sẽ ghi tên anh, liệu trong lòng anh ta có cảm thấy bất công không ?
Anh ta không những không cảm thấy mình chịu thiệt thòi, không thấy bất công, mà còn thấy cảm ơn cuộc đời, anh nói rằng : “Tôi vốn dĩ không phải người làm quan, tôi chỉ là người thừa hành thôi. Tôi rất cảm ơn họ đã coi trọng tôi, hãy để tôi giúp việc cho họ và có cơ hội cống hiến cho quốc gia, cho xã hội, nếu không, tôi sẽ chẳng có cơ hội phát huy hết năng lực của mình. Không thể lưu danh thiên cổ cũng chẳng sao, điều quan trọng là tôi cảm thấy rất vui khi được cống hiến.”
V ì sao anh ta lại chấp nhận làm một tên ngốc như vậy? Và những người như vậy liệu có phải là tên ngốc thực sự không ? Anh ta lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến, và cảm giác thành công khi hoàn thành nhiệm vụ đã làm anh ta mãn nguyện và rất vui vẻ. Tuy danh tiếng, địa vị, vinh dự thuộc về người khác nhưng công đức thuộc về chính mình! Do vậy mà khi cái “danh” không xứng với “thực”, thì chúng ta vẫn nên có tinh thần “cầu thực”.