Nảy sinh mâu thuẫn với những người xung quanh được coi là sự thử thách trí thông minh sáng suốt của chúng ta, khiến chúng ta học hỏi cách vận dụng trí thông minh linh hoạt, vận dụng lòng từ bi bác ái để hoàn thiện bản thân hơn, khiến chúng ta phải suy nghĩ đến việc làm thế nào để có được hiệu quả khi giao tiếp? Làm sao đưa ra kết quả khiến đối phương tiếp nhận được?
Tôi cho rằng, trước tiên bản thân mình phải lùi một bước có như vậy hai bên mới có thời gian thảo luận với nhau. Nếu bạn không chịu lùi một bước, đối phương cũng không chịu thua kém, hai bên cố chấp, giằng co không thôi thì có muốn nói chuyện với nhau đàng hoàng cũng chẳng còn hy vọng. Cũng giống như hai người cùng đi đến đoạn giữa trên chiếc cầu độc mộc, bạn muốn qua bên kia cầu, còn đối phương muốn qua bên này cầu, kết quả của việc không nhượng bộ nhau là cả hai cùng rớt xuống sông. Khi gặp phải trường hợp tranh cãi không nhượng bộ, cần có người lùi một bước, nghiêng người lách mình cho đối phương qua trước thì bản thân mình mới thuận lợi qua được đầu cầu bên kia. Khi vừa nhường cho đối phương ta sẽ có cảm giác mình chịu thiệt thòi, cho rằng vì sao lại là mình nhường đối phương chứ không phải họ nhường mình trước! Nhưng nếu chúng ta có thể nghĩ cho sự phát triển lâu dài của cả tập thể thì sẽ hiểu được rằng điều đó là đáng làm.
Làm người cần có con mắt nhìn xa trông rộng, ngày hôm nay ta nhường cho người khác mười con đường, nhưng đừng thất vọng nếu ngày mai chỉ có hai người báo đáp lại, bởi ít nhất vẫn còn hai người đó nhường đường cho mình. Hai người đó cộng thêm bạn vào thành ba người, tôi thấy ba người còn mạnh mẽ hơn cả bảy người kia. V ì sao vậy? Bởi ba người các bạn đồng tâm hiệp lực, còn sức mạnh của bảy người kia phân tán không tập trung nên cộng lại cũng chỉ bằng sức mạnh của một người mà thôi. Đương nhiên là sức mạnh đoàn kết của ba người sẽ hơn hẳn sức mạnh của một người. Thành quả ba người làm ra sẽ tốt hơn họ rất nhiều, điều đó cũng là xứng đáng.
Do vậy nếu ta nhường một bước, để cho người khác một con đường sống cũng chính là tự để lại cho mình một con đường rút. Nếu ai ai cũng khăng khăng nghĩ rằng “vì sao tôi lại phải nhường anh, vì sao anh lại không nhường tôi?” thì kết quả tất yếu là cả hai cùng bị thiệt, cả hai cùng bị thương.