Trong công việc, dù ta hợp tác cùng ai thì cũng nên tôn trọng họ, coi họ như những vị Bồ-tát bên mình. Ví như trong tập thể Pháp Cổ Sơn, mọi người đều gọi nhau bằng “Bồ-tát”, chính là đối đãi với họ như đối đãi với các vị Bồ-tát. Cho dù làm việc cùng người không thân thiện, không chịu hợp tác hoặc người có năng lực kém, ta vẫn nên giữ thái độ như trên, tuyệt đối không được hoài nghi về năng lực hoặc thái độ làm việc của họ. Đã là cộng sự với nhau thì nên coi đối phương là một vị Bồ-tát, tôn trọng nhân cách của họ.
Do vậy, giữa đồng sự với nhau không nên dùng lời lẽ thô tục, chua ngoa cay nghiệt hoặc những lời trách móc nặng nề, mà ta phải dùng ngôn từ tôn kính, bày tỏ thiện ý, ví dụ như các từ xin ý kiến chỉ bảo của anh, anh làm ơn cho tôi hỏi, đúng như vậy, đúng là thế, anh làm rất tốt… Mặt khác, khi ở trong trường hợp có nhiều quan điểm bất đồng, chúng ta cũng không được dùng mệnh lệnh hoặc có thái độ phản kháng kịch liệt, mà nên dùng phương pháp thương lượng hòa giải tìm ra tiếng nói chung để giải quyết vấn đề.
Cấp trên cũng nên tôn trọng nhân viên trong công ty và ý kiến của nhiều người khác, còn người thi hành nhiệm vụ thì phải làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Nếu cấp dưới không đồng tình với sự phân công công việc của cấp trên thì nên đưa ra lí do và ý kiến về việc không chấp hành đó, chứ không cần thiết chống đối kháng cự, đối lập với cấp trên, tốt nhất là dùng phương thức thương lượng để giải quyết vấn đề. Ví như khi cấp trên truyền đạt mệnh lệnh xuống cấp dưới, nếu cấp dưới có quan điểm riêng thì cần đưa ra ý kiến rõ ràng, có thể nói như sau: “Đúng như vậy, việc này cấp trên có thể đã suy xét rất chu đáo, nhưng dưới góc độ là người thi hành nhiệm vụ tôi thấy còn cách khác tiết kiệm về thời gian và tiền bạc hơn…”
Khi giao công việc tuyệt đối không dùng mệnh lệnh yêu cầu người khác chấp hành, mà nên hỏi xem trong khoảng thời gian hạn hẹp như vậy họ có hoàn thành công việc không và xem xét đến một số trường hợp phát sinh khác trong khi hợp tác với nhau. Nếu có đủ tín nhiệm thì người thi hành nhiệm vụ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được bàn giao. Do đó có thể thấy, sự giao tiếp tốt giữa chủ quản và người thi hành nhiệm vụ là điều kiện tất yếu khiến công việc được thuận lợi.
Nhưng trong môi trường làm việc cụ thể có nhiều loại người khác nhau, dù họ có là người tự tư ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm, luôn tìm cách đối đầu với bạn, thì bạn nên giữ vững niềm hy vọng, bởi dưới góc độ tu hành mà nói thì mỗi người đều có cơ hội thay đổi bản thân và cải thiện mình. Khi vừa bắt đầu hợp tác với nhau mà đã có thành kiến coi đối phương là kẻ xấu, có ấn tượng không tốt về họ, thì họ sẽ mãi chẳng có cơ hội thay đổi vươn lên và quan hệ giữa hai bên không thể cải thiện tốt hơn được. Do vậy mà khi làm việc và giao lưu với mọi người cần thiết phải có tinh thần Bồ-tát, không được thất vọng, đối lập với bất cứ ai, cần loại bỏ cái tôi cá nhân, bao dung họ, thông cảm cho họ.
Tôi cho rằng quan niệm này rất hữu dụng, bởi chỉ cần tiêu trừ cái tôi cá nhân là có thể bao dung tất cả mọi người, trong lòng không còn thành kiến về người khác nữa. Bằng không, hễ chỉ cần nghe thấy tên của họ, trong lòng bạn như có ngọn lửa đang hừng hực bốc cháy, hoặc khi gặp con người họ bạn như gặp phải kẻ thù nơi ngõ cụt, oan gia lộ trách. Cái gọi là oan gia lộ trách ở đây không phải chỉ con đường nhỏ hẹp mà chỉ tấm lòng hẹp hòi của bạn, nếu bạn có thể bao dung họ thì những oan gia kia cũng sẽ không còn nữa. Hoặc dù họ vẫn là oan gia của bạn, thậm chí còn làm khổ bạn, chỉ cần trong tâm bạn không coi họ là oan gia thì họ sẽ không là oan gia nữa.
Có một học viên tham gia lớp thiền tu từng nói với tôi: “Sư phụ, sau khi con học được cách tĩnh tọa ngồi thiền thì không còn tức giận nữa. Dù con hay bị người khác bắt nạt ức hiếp nhưng con không hề tức giận, cũng không tranh cãi với họ, chỉ có điều là con vẫn chưa chịu khuất phục thôi!” Vừa nghe tôi đã thấy rất kì lạ, đã không tức giận rồi sao lại còn không chịu khuất phục? Như vậy cơn tức giận của anh ta đã tiêu tan hết hay chưa? Đương nhiên là chưa hết. Tôi nói với anh ta rằng: “Thế làm sao được gọi là không tức giận, chỉ là vẫn chưa phát tác mà thôi, cơn giận giữ trong lòng con rất lớn, rất nguy hiểm, không biết lúc nào sẽ bùng phát!”. Dù anh ta cố nén nhịn cơn tức và chịu đựng, nhưng sau thời gian lâu dài nó sẽ bùng phát dữ dội và rất nguy hiểm.
Vì vậy mà chỉ cần loại bỏ cái tôi cá nhân thì sự phẫn nộ, cơn tức giận trong lòng sẽ tiêu tan biến mất. Đôi khi ta nói ra một vài câu tức khí, nhưng không sao cả, sau khi nói xong thì cơn tức cũng biến mất. Tốt nhất là khi dẹp bỏ cái tôi cá nhân, ta không nên nói những lời tức giận bởi chỉ cần nói đến là bạn không chỉ làm tổn thương người khác mà còn lan truyền rộng rãi, biến cái đơn giản thành cái phức tạp, tự tìm rắc rối cho mình, cho nên oán trách vừa hại người lại không có lợi cho ta, giữ mồm giữ miệng mới là hành vi sáng suốt có lợi cho mình, có lợi cho người khác.